• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh và cấu trúc huyền thoại

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh và cấu trúc huyền thoại

Xuân Quỳnh là nhà thơ tình. Điều đó không có gì phải bàn cãi. Xưa nay các nhà phê bình và người đọc vẫn nhìn nhận như thế và mãi mãi vẫn thế. Một nhà thơ tình tài hoa mệnh bạc! Tôi lại quan tâm đến bài thơ chị viết cho trẻ thơ, Chuyện cổ tích về loài người, như một kiểu bài thơ ngoại vi của thơ chị. Nhưng một điều thú vị trong văn chương: đôi khi tác phẩm được coi là ngoại vi lại mang cái ánh loé rực sáng nhất trong dòng sáng tạo của tác giả. Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh với cấu trúc huyền thoại là một tác phẩm như thế.

Trong Huyền thoại Đức, J. Grimn từ những dấu vết của ngôn ngữ, ví dụ trong các tên gọi tưởng mơ hồ, đã đi xuyên qua truyện cổ tích, truyền thuyết dân gian, tìm tới những cội nguồn xa xôi là huyền thoại. Rồi J. Grimn tìm thấy cội nguồn của hiện tượng song hành trên cơ sở nhất thần luận giữa huyền thoại đa thần giáo với huyền thoại Thiên chúa giáo. Qui luật của những dịch chuyển, thay đổi tương ứng giữa ngôn ngữ với huyền thoại đã được J. Grimn xác lập dựa vào cây cầu truyền thuyết dân gian, truyện cổ tích. E.M. Meletinsky cũng khẳng định mối quan hệ đó nhưng đi theo chiều ngược lại khi mà truyện cổ tích như là đích đến trong mối quan tâm của ông, ít nhất là trong trường hợp này: “Truyện cổ tích thoát thai từ huyền thoại, đó là một điều chắc chắn”(1). Còn con đường tôi đi vào Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh là lần theo hiện tượng chuyển hoá của huyền thoại như một kiểu phục sinh hay là tái sinh của loài rồng trong dòng thác của những cơn mưa và trong lời của hoa cỏ giữa trời – cuộc tái sinh mà ta thường gọi là hiện tượng huyền thoại hoá. Ở đây, chúng ta nhận ra một hiện tượng trùng phức như thể thứ trò chơi của giấc mơ trong cảm thức thời gian mà sáng tạo thi ca từng phô diễn. “Chuyện loài người” là câu chuyện của huyền thoại về thời gian đầu tiên, thuở khai thiên lập địa được thuật lại bằng quan hệ tiếp nhận cổ tích khi tác giả hướng về người nghe trẻ em, và nhân vật trẻ con thành trung tâm. Tất cả hiện ra trên những dòng thơ năm chữ như lời tâm tình.

Huyền thoại đã sống như thế - tái sinh với những hoá thân - trong văn chương hiện đại nhưng là hiện ra từ nơi chiều sâu tâm thức con người. Ở nơi ấy, huyền thoại như dòng sông mà mọi kiểu sáng tạo nghệ thuật khi ngang qua đó (hay ra đi từ đó) đều đẫm những hơi sương. Cái nhịp điệu vũ trụ (hay là nhịp điệu huyền thoại) đã được tái lập theo cách ấy trong Chuyện cổ tích về loài người:

Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác

Bài thơ như một dòng chảy – dòng thơ trước tiếp dòng thơ sau – chỉ âm thanh hiện lên thành nhịp: âm thanh của vần, âm thanh của thanh điệu – con-trần/ cỏ-có / đêm-đen. Hình như một nhịp mạnh đi liền một nhịp yếu hay một nhặt một khoan: con/trần/cỏ/có/ đêm/đen. Đó là thứ nhịp điệu có một độ chênh cần thiết trong một vùng giới hạn cho một chu kỳ mới. Đó là hiện tượng bất biến trong dịch chuyển và ngược lại, vì thế vũ trụ không bao giờ tồn tại trong thế tĩnh tại. Một cấu trúc âm thanh tạo nhịp và mang nghĩa.

Tiếp tục theo hướng ấy, chúng ta sẽ thấy rằng có một điều cần nói thêm trong khổ thơ này là dòng thơ đầu khổ khép lại ở thanh sắc (nhất), và cũng như vậy với dòng thơ cuối khổ thơ (khác). Sự sắp xếp âm thanh của khổ thơ sẽ được thực hiện như sau: nhất/ con-trần/ cỏ-có/ đêm-đen/ khác. Nếu chuỗi âm thanh đó được xếp theo chiều dọc như chiều của khổ thơ thì tình hình sẽ rõ hơn:

nhất
con
trần
cỏ

đêm
đen
khác

Cấu trúc âm thanh của khổ thơ gợi lên hình ảnh quả trứng, nửa phần vỏ trên là “nhất” và nửa phần vỏ dưới là “khác” – quả trứng tạo thiên lập địa, quả trứng vũ trụ. Cấu trúc âm thanh kiểu như vậy được lặp lại ở từng khổ thơ, và cả bài thơ cũng thế. Vì thế sự liên tục vẫn được bảo đảm trong thế ngắt quãng giữa những khổ thơ. Những quả trứng con trong một quả trứng lớn (hay một quả cầu lớn, một cái bọc lớn) mà nửa vỏ phần trên là dòng thơ đầu: “Trời sinh ra trước nhất” và nửa vỏ phần dưới là dòng thơ cuối cùng: “Chuyện loài người trước nhất”.

Chuyện cổ tích về loài người, vì thế, là câu chuyện về sự sáng tạo trời đất và con người được thể hiện không chỉ qua nghĩa của từ mà qua cả cấu trúc âm thanh của bài thơ với tư cách là một hình tượng thơ bao trùm toàn hệ thống.

Và đồng thời, chính cũng trên cơ sở hệ thống âm thanh, cấu trúc bài thơ như cấu trúc của cái bọc trăm trứng là cơ sở để Xuân Quỳnh đưa vào bài thơ truyền thống văn hoá dân tộc với “cái bống cái bang… cánh cò, vị gừng… con cóc, nàng tiên, cô Tấm…” một cách tự nhiên như thể đó là chuyện của loài người. Ngay ở đây, chúng ta bắt gặp một cuộc gặp gỡ thú vị giữa nhân loại và dân tộc. Cả bài thơ là một quả cầu tròn mà tính chu kỳ là hướng vận động của thời gian tự nhiên theo nhịp điệu vũ trụ. Ý thơ chuyển từ chuyện vũ trụ (Trời sinh ra trước nhất) sang chuyện loài người (Chuyện loài người trước nhất), từ chuyện loài người sang chuyện văn hoá dân tộc.

Nếu trở lại với biểu tượng quả trứng vũ trụ được thể hiện trong cấu trúc âm thanh của bài thơ, chúng ta nhận ra thêm một điều thú vị khác của việc tách quả trứng vũ trụ khúc xạ trong huyền thoại Thần Trụ Trời. Trên đây, tôi đã thử sắp dọc chuỗi âm thanh của một khổ thơ, cả bài thơ cũng thế, và hình thượng Thần Trụ Trời hiện ra – vị thần tạo thiên lập địa, tách đất khỏi trời. Vị thần đó được hình dung bằng trục dọc âm thanh mà dòng thơ đầu là nửa phần trên (trời) và dòng thơ cuối là nửa phần dưới (đất).

Nhưng đó cũng là hình tượng ông Đống: “Ông Đống cao to đến kỳ lạ. đầu chạm trời, chân đạp đất, hai vai cao tầm mây. Ông khoả tay xuống đất, đất thành đống lúa, ông vun đá thành núi, ông bới cát thành sông. Khi ông bước, một chân ông đạp lên đỉnh núi này, chân kia đạp lên đỉnh núi khác. Khi ông đi, bước chân ông đạp đổ cả vách núi đá, nghiền nhỏ thành đất bụi. Giọng ông vang như tiếng sấm. Mắt ông sáng rực như những tia chớp lửa. Hơi thở ông thổi tan cả đám mây đen, thành gió, thành bão, mưa giông”(2).

N.I. Niculin, trong bài viết “Các danh ngữ Việt: Ông Đống và Phù Đổng (Gióng)”(3) đã khảo sát, lý giải mối quan hệ giữa Ông Đống với Ông Gióng, rồi người anh hùng Phù Đổng với hình tượng Ilia Muromx trong truyền thuyết Nga.

Điều đáng chú ý trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người là thần trụ trời, tức Ông Đống, tách trời ra khỏi đất (như sự hình dung từ cấu trúc âm thanh của bài thơ mà tôi đề nghị trên đây) của huyền thoại lại được hình dung bằng hình ảnh trẻ con: “Chỉ toàn là trẻ con”: Ông Đống – Ông Gióng. Dựa trên từ, dòng thơ có hai nét nghĩa: “trẻ con” là sinh vật duy nhất và đầu tiên (được) “Trời sinh ra trước nhất”, đồng thời một dạng trẻ con khổng lồ (“chỉ toàn là”) như kiểu một tập hợp mang ý nghĩa khổng lồ của hình tượng Ông Gióng trong huyền thoại dân tộc – một đứa bé được hoài thai từ bước chân của Ông Đống khổng lồ, sinh ra ba năm không biết nói, không biết cười… Và lời nói đầu tiên là xin đi giết giặc, thế là lớn phổng lên thành khổng lồ với các thức ăn thô mộc của quê… Trong cái nhìn của Xuân Quỳnh, đó là hình tượng “trẻ con” chứ không phải trẻ em. Trẻ con là tính cách, là phẩm chất, là tinh thần; trẻ em là thể xác, là thể chất. Và điều quan trọng hơn ở đây chính là trẻ con bao hàm cả trẻ em và người lớn. Chính vì thế, với từ “trẻ con”, Xuân Quỳnh, trong Chuyện cổ tích về loài người, đã dẫn ta đến với hình ảnh những con người nguyên thuỷ trong lịch sử loài người như Giambattista Vico và nhiều triết gia khác cũng đã từng quan niệm như thế về con người nguyên thuỷ.

Nhưng một điểm khác biệt rất lớn và cực kỳ thú vị là, với Xuân Quỳnh, “trẻ con” vừa giữ vai trò tạo thiên lập địa vừa là người làm nên truyền thống văn hóa. Điều này gợi ra từ một từ khoá của bài thơ: “sinh ra” và những cụm từ tương tự nghĩa với nó. Trời là tự sinh và sản sinh, đó là tạo hoá: Trời sinh ra trước nhất. Ý nghĩa tự sinh và sản sinh của “trời” nằm trong dòng chảy của hai dòng thơ theo kiểu bắc cầu liền mạch:
Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con

Nhưng từ đây, mọi từ sinh ra và những cụm từ tương tự nghĩa cần được hiểu là được sinh ra, theo kiểu:

Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ

hay:

Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc

hoặc:

Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó...

Thực ra, ý kiến trên của tôi về nghĩa của từ sinh ra và những cụm từ tương tự nghĩa với nó chưa thâu tóm hết hiện tượng đa nghĩa của bản thân từ đó trong cấu trúc của từng câu thơ. Nhưng có một điều cần xác tín, đó là vai trò và vị trí của “trẻ con” trong cái nhìn của nhà thơ. Cái nhìn này xuất phát từ cách cảm nhận rằng loài người phát triển từ con người nguyên thuỷ (trẻ con) đến làm ra các giá trị văn hóa (trẻ con sinh ra tất cả), đồng thời các giá trị văn hoá nảy sinh là từ nhu cầu của trẻ con, phục vụ cho trẻ con, và như vậy, một cách nào đó, cũng có nghĩa là trẻ con (loài người trên con đường phát triển của mình) sinh ra tất cả. Hiện tượng này dẫn ta đến cấu trúc thứ hai của bài thơ: cấu trúc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, cấu trúc “cây đời” trong huyền thoại, sử thi mà “trẻ con” là hình tượng trung tâm.

Trong công trình Trống đồng quốc bảo Việt Nam, Nguyễn Duy Hinh đã khảo sát cấu trúc của mười hai dạng trống đồng chúng ta đã phát hiện được cho đến nay. Ngoài những khác biệt ở các hình ảnh, hoa văn cụ thể, cấu trúc chung của mười hai dạng trống đồng hiện có là giống nhau: trung tâm là hình ngôi sao rồi xoay quanh là những băng hoa văn hình học phức tạp, các băng cảnh, các băng ngăn cách. Ở đây, tôi không đi sâu vào miêu tả và lý giải các hình ảnh trên trống đồng. Việc này các nhà khảo cổ học đã làm một cách tường tận rồi, và xin đọc thêm công trình của N.I. Niculin mà tôi đã có dịp nhắc tới. Điều mà chúng tôi quan tâm là trống đồng không phải là chỉ riêng Việt Nam có mà là tài sản chung của cả một vùng rộng lớn từ miền Nam sông Dương Tử cho đến các hải đảo. Vì thế, cấu trúc thứ hai của bài thơ Chuyện cổ tích về loài người mà chúng tôi sẽ lý giải dưới đây mang một ý nghĩa mới, vượt khỏi phạm vi lãnh thổ của tác giả, thể hiện tính phổ biến của huyền thoại.

Trong công trình của mình, N.I. Niculin đã gắn kết kiểu kết cấu những vòng tròn đồng tâm của trống đồng với kiểu kết cấu tự nhiên của lát cắt một thân cây, và từ đây, gợi lên hình ảnh “cây thế giới”, “cây đời”: “Nhưng tất cả các giả thuyết trên còn chưa đánh giá đúng mức và nói chung là chưa chú ý đến nguyên tắc chung về cấu trúc và sự phân bố các hình vẽ ở mặt trên của tất cả các trống đồng mà chúng ta đã biết, không loại trừ bất cứ cái nào. Trong khi đó thì điều này đặc biệt quan trọng, vì rằng mặc dù hình vẽ lặp đi lặp lại liên tục và luôn luôn biến đổi, nhờ đó mà các lễ nghi và các nhân tố thần thoại được miêu tả đã được cách điệu hoá và biến thành một thứ hoa văn, tuy nhiên bản thân nguyên tắc cấu trúc mà theo đó các hình vẽ được phân bố vẫn không hề biến đổi, điều đó chứng tỏ sự quan trọng đặc biệt của nguyên tắc này. Vấn đề là ở chỗ các hình vẽ được sắp xếp trong những vòng tròn đồng tâm xoay quanh một hình thể có tia sáng toả ra xung quanh (các ngôi sao), có lẽ là hình tượng trưng cho mặt trời. Cấu trúc này đặc biệt gợi nhớ đến những vòng tròn theo năm xung quanh lõi cây trên một mặt gỗ cắt ngang. Từ đây nảy sinh một giả thuyết hợp lý là chính trống đồng cùng với các hình vẽ vô số trên nó (không chỉ trên bề mặt mà còn ở thân trống) là sự thể hiện trực quan của một “cây thế giới”. Đặc biệt thậm chí hình dáng chiếc trống còn gợi nhớ phần dưới thân cây, phần phình ra chính là gốc cây...

Kiểu kết cấu đồng tâm với lõi cây ở giữa (đương nhiên mang nhiều ý nghĩa) này đã được bảo lưu một cách bền vững trên những chiếc trống ra đời muộn hơn. “Còn những đường hoa văn ẩn giấu một ý nghĩa quan trọng nào đó còn được lưu giữ rất lâu qua nhiều thế kỷ trong đời sống”(4).

Và trên cơ sở quan niệm của Viện sĩ V.N. Toporov về “vai trò tổ chức đặc biệt đối với các hệ thống thần thoại cụ thể, quy định cấu trúc bên trong và toàn thể những thông số cơ bản của các hệ thống thần thoại này”(5) của hình tượng cây thế giới, N.I. Niculin gắn kết cấu trúc trang trí của trống đồng với kết cấu, nội dung “các tác phẩm văn học trung đại và văn học dân gian của người Việt và đặc biệt là trong thơ ca dân gian truyền miệng của dân tộc Mường: hệ thống sử thi Đẻ đất đẻ nước…”(6).

Có một điểm khác biệt đáng chú ý, làm nổi rõ quan niệm của Xuân Quỳnh là sự thay đổi của hình ảnh trung tâm cấu trúc. Thay vì “hình ngôi sao 14 cánh (số lượng này có thể thay đổi tuỳ dạng trống đồng – ĐNC) chiếm trung tâm mặt trống với một đường chỉ đậm tương đối lớn viền sát đầu các cánh sao”(7) mà theo N.I. Niculin “có lẽ là tượng trưng cho hình mặt trời” thì trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh hình ảnh trung tâm của cấu trúc lại là hình tượng “trẻ con”, và ở đây mặt trời bị đẩy xuống hàng các vòng tròn đồng tâm:

Mắt trẻ con sáng lắm
Nhưng chưa thấy gì đâu!
Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ

Trẻ con dựng thiên nhiên dậy, trẻ con dựng xã hội và văn hoá lên; các vòng tròn đồng tâm châu tuần quanh hình tượng trẻ con ở trung tâm cấu trúc đã làm nên cây thế giới, cây đời. Trẻ con (loài người nguyên thuỷ) xuất hiện trong thời kỳ hỗn mang:

Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác

(Xin đọc một đoạn trong sử thi - huyền thoại Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường:

Ngày xưa sinh đời trước
Dưới đất chưa có đất
Trên trời chưa có trời
Trên trời chưa có ngôi sao đo đỏ
Dưới đất chưa có ngọn cỏ xanh xanh)

Trẻ con gọi mặt trời xuất hiện, cỏ cây hoa lá xuất hiện, chim muông sông biển… xuất hiện. Và lời ru, điệu hát, truyện cổ tích, tri thức, ngôn ngữ, chữ viết… ra đời cùng với tình yêu của mẹ, niềm thương của bà, sự dạy dỗ của cha, chuyện trao truyền kiến thức của thầy… Nghĩa là toàn bộ đời sống tự nhiên và xã hội được trẻ con dựng dậy hay là đươc dựng dậy xoay quanh hình tượng trung tâm là trẻ con.

Điểm khác biệt cơ bản ấy không thay đổi cấu trúc của cây đời mà chuyển cấu trúc cây đời từ huyền thoại sang truyện cổ tích được viết bằng thơ. Xin đọc theo kiểu so sánh ấn tượng của màu xanh trong hai dòng (thơ) sau đây trong Đẻ đất đẻ nước:

Dưới đất chưa có ngọn cỏ xanh xanh
... Mọc lên một cây xanh xanh
và trong Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh:
Màu xanh bắt đầu cỏ
Màu xanh bắt đầu cây

Vẫn vận dụng phương thức song hành (parallelism) nhưng khuynh hướng giải thích, yêu cầu thể loại và ý thức sáng tạo đã đậm hơn trong Chuyện cổ tích về loài người. Vị trí của “mặt trời” trong cấu trúc trang trí trống đồng, vị trí của “cây” trong hình ảnh cây thế giới, cây đời đã được hình tượng “trẻ con” đảm nhiệm trong Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh. Hiện tượng đa dạng về từ, hiện tượng dịch đảo vị trí các kết cấu cụm từ, hiện tượng tổ chức hệ thống cấu trúc âm thanh của toàn bài thơ… đã khiến phương thức song hành (của thơ cổ đại) trong Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh mang đậm màu hiện đại. Chúng ta thử đọc một đoạn kể chuyện về cây chu, tức kiểu cây thế giới, trong Đẻ đất đẻ nước:

Cây chu chái, quả chu đồng
Bông lau lá thiếc
Gió thổi vi vút
Cao tận trên lòng trời
Vui ran hơn sấm động
Thấy muông thú ăn no
Về chầu chu đầy một phía
Con hổ ăn no, uống no
Về chầu chu đầy một góc
Con vượn, vọc ăn no
Về chầu chu đầy ngọn cây giang
Lợn lòi, con hoẵng ăn no
Về chầu chu đầu lối
Đàn cá ăn no, uống no
Về chầu chu đầy suối đầy sông
Trống chim đỉnh mái chi bồng
Về chầu chu đầy đồi bái

Và thử so sánh với kết cấu châu tuần quanh hình tượng “trẻ con” được Xuân Quỳnh vận dụng một cách biến hoá:

Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con…
Mắt trẻ con sáng lắm
Nhưng chưa thấy gì đâu!
Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ
Màu xanh bắt đầu cỏ…
Chim bấy giờ sinh ra
Cho trẻ nghe tiếng hót…
Muốn trẻ con được tắm
Sông bắt đầu làm sông...
... Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra…
Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó…
Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra…

Đến đây có lẽ bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh đã hiện ra dưới một ánh sáng mới – ánh sáng của huyền thoại. Chính cấu trúc huyền thoại đã làm nên điểm đặc sắc của bài thơ khi bài thơ như là kết quả của cả một quá trình người nghệ sĩ sống cùng những trải nghiệm văn hoá của nhân loài và dân tộc trong lịch sử lâu xa của nó. Và con đường đi ấy của huyền thoại thấm vào trong tâm thức của cộng đồng như một dòng chảy bất tận mà đôi khi ta chợt nhận ra nơi một công trình sáng tạo khiến tất cả hoá lạ lẫm nhưng thật gần gũi và rực rỡ. Đối với tôi, Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh là một đóng góp của dòng chảy ấy./.


____________

(1) E.M. Meletinsky: Thi pháp huyền thoại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.355.
(2) Cao Huy Đỉnh: Người anh hùng làng Gióng, H, 1969, trích lại của N.I. Niculin trong Dòng chảy văn hoá Việt Nam, Nxb. Văn hoá-Thông tin, H, 2006, tr.45.
(3) N.I. Niculin: Dòng chảy văn hoá Việt Nam, người tuyển chọn và giới thiệu: GS.VS. Hồ Sĩ Vịnh, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội 2006.
(4), (5), (6) N.I. Niculin. Sđd, tr.18, 19, 20.
(7) Nguyễn Duy Hinh: Trống đồng quốc bảo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.

( Theo TS. Đào Ngọc Chương - Trường Đại học KHXH&NV tp.Hồ Chí Minh )
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top