Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quá trình gặm nhấm của Bắc Kinh

Hoàng Sa - Trường Sa là Hải đảo lâu đời của VN

(Kỳ 12)
Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quá trình gặm nhấm của Bắc Kinh

images


Bia chủ quyền Việt Nam trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa- thời Việt Nam cộng hoà


Bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị Trung Quốc xâm chiếm


Những bằng chứng không thể chối cãi rằng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ quyền của mình từ lâu: Cho đến thế kỷ XVII, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các đảo vô chủ. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức “đội Hoàng Sa” (Cát Vàng) lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thu lượm hàng hóa của các tàu mắc cạn, đánh bắt hải sản quí hiếm mang về dâng nộp và còn đo vẽ, trồng cây và dựng mốc trên hai quần đảo.

Các hoạt động của Nhà Nguyễn tại Hoàng Sa và Trường Sa được lưu lại không chỉ trong tài liệu lịch sử của nhiều tác giả trong nước như “Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686) hay “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776) mà còn được người nước ngoài ghi chép lại khi họ đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, Chính phủ Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa mà họ coi là họ kế thừa danh nghĩa chủ quyền của triều đình phong kiến An Nam. Từ những năm 1925 và 1927, Pháp đã tổ chức điều tra trên Hoàng Sa và duy trì tuần tra trên quần đảo. Liên tục trong các năm 1930 - 1933, Pháp đã đưa quân đội ra đóng ở Trường Sa. Tiếp đó, để tiện quản lý, năm 1933, Pháp đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa (Nam Kỳ) và đến năm 1938 đã thành lập đơn vị hành chính ở Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Bên cạnh các hoạt động đó, Pháp còn cho đặt cột mốc, xây hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện trên hai quần đảo. Trong quan hệ quốc tế, Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 14/10/1950, Pháp chính thức trao việc quản lý quần đảo Hoàng Sa cho Chính phủ Bảo Đại. Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, đại diện Chính phủ Bảo Đại đã khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo mà không bị bất cứ một quốc gia nào phản đối.

Về hành chính, năm 1956, Chính quyền Sài Gòn quyết định quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy và năm 1961, chuyển quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Thừa Thiên vào tỉnh Quảng Nam.

Có thể khẳng định rằng Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và là Quốc gia duy nhất quản lý liên tục, hoà bình, phù hợp với các quy định của Luật pháp quốc tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ qua. Trong khi đó Trung quốc đã dùng lực lượng quân sự đến chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, thực hiện mưu đồ bành trướng của mình khắp Biển Đông.

Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số điểm đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam


Năm 1956, lợi dụng tình hình Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc cho quân đội ra chiếm nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa, Đài Loan cho quân đội ra chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba) trên quần đảo Trường Sa. Tháng 1-1974, lợi dụng tình hình Mỹ phải rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc dùng lực lượng hải quân, không quân quan trọng đánh chiếm nhóm phía tây quần đảo Hoàng Sa khi đó do quân đội của chính quyền Sài Gòn bảo vệ. Năm 1988, Trung Quốc lại huy động lực lượng không quân, hải quân tấn công chiếm sáu điểm trên quần đảo Trường Sa.

Từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn ráo riết thực hiện ý đồ xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bằng cách ra sức củng cố thế chiếm đóng trên quần đảo Hoàng Sa; làm sân bay, xây dựng căn cứ hải quân, lập đường hàng hải thường kỳ giữa Hải Nam và Hoàng Sa; xây dựng đài truyền hình chuyển tiếp trên quần đảo, công bố 4 vùng nguy hiểm trong đó có vùng sát ngay quần đảo Hoàng Sa buộc các nước có máy bay bay qua vùng này phải tuân theo quy định của Trung Quốc để chứng minh rằng Trung Quốc có chủ quyền ở vùng này… Trung Quốc thành lập các đơn vị hành chính sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào tỉnh Hải Nam. Trung Quốc liên tiếp khẳng định chủ quyền trên cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và huy động mọi công cụ, lợi dụng mọi cơ hội, mọi diễn đàn quốc tế để “hợp pháp hóa” hành động xâm lược đối với quần đảo Hoàng Sa đồng thời chuẩn bị dư luận và tăng cường lực lượng hải quân chuẩn bị cho việc xâm chiếm quần đảo Trường Sa.

Phản đối của chính quyền Việt Nam đối với việc Trung Quốc xâm chiếm

Ngay sau khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm toàn bộ các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam quản lý, ngày 19-1-1974 và 14-2-1974 chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên cáo về việc Trung Quốc “xâm lăng trắng trợn bằng quân sự” và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Ngày 20-1-1974, Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn cũng đã gọi điện và gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên Hợp quốc đề nghị những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa.

Trong khi đó, ngày 26-1-1974, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và công bố lập trường “về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Và ngày 5-6-1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ những thông tin xuyên tạc về Hoàng Sa - Trường Sa và khẳng định hai quần đảo này là thuộc chủ quyền Việt Nam, từ trước đến nay đều do người Việt Nam quản lý.

Các năm 1979, 1984, 1988 Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều xuất bản sách trắng nêu rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Thực chất vấn đề không phải là tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà chỉ là Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số điểm đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời ngang ngược đòi quần đảo Trường Sa là của Trung Quốc.

Những hành động chiếm đoạt bằng sức mạnh, bạo lực có thể đạt được một kết quả nhất thời, nhưng cuối cùng bao giờ cũng thất bại. Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm các đảo của Việt Nam là một sự vi phạm những điều luật cơ bản nhất của quốc tế. Trung Quốc một mặt vẫn hô hào tôn trọng luật quốc tế, và đề nghị thương thuyết song phương, nhưng lời nói của Trung Quốc không bao giờ đi đôi với việc làm. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ là một sự xâm phạm đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mà còn là một sự đe doạ đối với hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á; đe doạ đối với quyền lợi không chỉ các nước ở khu vực Biển Đông mà còn của cả các nước khác trên thế giới.

Công Minh
Nguồn : BienDong.Net
 
Hoàng Sa - Trường Sa là Hải đảo lâu đời của VN : Kỳ 18: Tư liệu mới về Hoàng Sa – Trường Sa. Nguyền Khắc Phê

Kỳ 18:Tư liệu mới về Hoàng Sa – Trường Sa

Nguyền Khắc Phê

Tình cờ, trong thời điểm dư luận đang rất quan tâm đến lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chủ quyền không thể tranh cãi được của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tôi tìm thấy trong tủ sách cũ của anh tôi cuốn sách Les archipels de Hoàng – Sa et de Trường – Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d’ histoire et de géographie” (Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam về lịch sử và địa lý – ảnh) của học giả Võ Long Tê được xuất bản tại Sài Gòn năm 1974.

Bạn đọc hôm nay có thể ít biết về tác giả Võ Long Tê nhưng từ trước năm 1975, ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu công phu về văn học – văn hóa có giá trị. Trên một trang mạng, ông Hồ Bạch Thảo đã gọi Võ Long Tê là một “cây đại thụ về văn hóa Á Âu”. Khi tôi sắp viết những dòng này, trong cuộc vui nhân gặp nhau ngày Noel, nghe tôi nhắc tên “Võ Long Tê”, dịch giả – nhà văn Bửu Ý và nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cùng tỏ thái độ thích thú.

Với một tác giả như vậy, cuốn sách có độ tin cậy cao. Quả là Võ Long Tê đã rất công phu sưu tầm tư liệu cổ và giới thiệu cho bạn đọc một cách có hệ thống, khoa học những tư liệu đó trong cuốn sách khổ lớn dày gần 400 trang với bản chữ Hán, phiên âm tiếng Việt và dịch ra tiếng Pháp. Phần phụ lục gồm 40 bản đồ và bản chụp những tư liệu gốc. Tư liệu cổ nhất trong sách là “Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư” của Đỗ Bá Công có lẽ được soạn từ thời Chúa Trịnh; tiếp đó là trích từ “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, rồi “Lịch triều Hiến Chương Loại chí” của Phan Huy Chú (Dư địa chí, quyển 5), “Hoàng Việt địa dư chí” (bản khắc in lần đầu năm Minh Mạng thứ 14 – 1833), “Đại Nam thực lục chính biên”, “Khâm định đại nam hội điển sử lệ”, “Đại Nam nhất thống chí” và tư liệu cuối cùng là “Quốc triều sử toát yếu” (được soạn dưới thời vua Thành Thái – 1889 và Duy Tân – 1908).

Xin trích một đoạn trong “Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư” do ông Hồ Bạch Thảo dịch: “…Hai bên bờ con sông thuộc địa phận xã Kim Hộ có hai ngọn núi, tại mỗi núi có mỏ vàng. Từ đó đi ra biển gặp một dãy trường sa tên là Bãi Cát Vàng, dài khoảng 400 dặm, bề ngang 20 dặm nhô lên từ biển; vị trí ở ngoài cửa biển Đại Chiêm cho đến cửa biển Sa Vinh. Mùa gió Tây Nam, các thương thuyền qua lại phía trong thường phiêu dạt tại đây; mùa gió Đông Bắc thuyền đi bên ngoài cũng phiêu dạt tại đây; người đều bị đói, chết, hàng hóa để lại. Nhà Nguyễn (Nguyễn thị) mỗi năm vào tháng chạp, đưa 18 chiếc thuyền đến đó lấy hóa vật; thu được nhiều vàng, bạc, tiền tệ, súng, đạn. Từ cửa Đại Chiêm đến đó mất một ngày rưỡi, từ Sa Kỳ đến mất nửa ngày. Ngoài ra tại đảo Trường Sa cũng có đồi mồi…”.

Một đoạn trong “Hoàng Việt địa dư chí” cũng đã được ông Hồ Bạch Thảo dịch như sau: “Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ở gần biển. Ngoài biển phía Đông Bắc có nhiều đảo núi lớn nhỏ linh tinh có đến hơn 110. Các núi đảo tương cách nhau bởi biển; hoặc một ngày đường, hoặc một vài canh. Trên có khe nước ngọt, giữa đảo có Bãi Cát Vàng dài khoảng hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong nhìn đến đáy, trên đảo tổ yến nhiều vô số; chim có đến hàng ngàn, hàng vạn quây quần xung quanh không tránh người… Họ Nguyễn lập đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy người xã An Vĩnh luân phiên sung vào. Mỗi năm từ tháng giêng nhận lệnh đi, mang 6 tháng lương thực, dùng 5 chiếc thuyền đánh cá vượt biển 3 ngày 3 đêm thì tới nơi. Đến tháng 8 trở về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân (Huế) nạp. Sau khi cân và xét nghiệm phân loại xong, hứa cho riêng bán các vật như ốc hoa văn, hải ba, hải sâm, lãnh bằng trở về…”.

Đánh giá cao cuốn sách, trong lời tựa, GS Nguyễn Thế Anh, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Huế, đã viết: “Trong tập nghiên cứu này, ông Võ Long Tê tập trung thuật lại cho chúng ta sự cải thiện dần dần trong kiến thức của chúng ta về quần đảo Hoàng Sa trong quá khứ, dựa trên các bản văn cổ mà ông xem xét với một sự chặt chẽ khoa học hiếm có, như một nhà sử học lão luyện… Và nơi đây tôi tỏ lòng kính trọng đến ông như một sử gia”.

Ông Hồ Bạch Thảo trước khi công bố một số đoạn dịch từ cuốn sách cũng đã có nhận xét: “…quần đảo Hoàng Sa mất mấy chục năm về trước vẫn là niềm đau nóng hổi trong tim mọi người Việt; cuốn sách của học giả Võ Long Tê trở thành bất hủ, trong đó chụp hình nhiều tư liệu quý giá bằng chữ Hán và phần lớn được dịch ra Pháp văn. Tuy nhiên, công trình của tác giả chỉ có người ngoại quốc và một số ít người Việt Nam biết chữ Pháp mới sử dụng được; nay cần phải giới thiệu ra lời Việt để số đông đồng bào ta thưởng ngoạn…”.

Xin được nói thêm: Cuốn sách cũng cần thiết được dịch ra tiếng Anh để có thể phổ biến rộng trên thế giới, tranh thủ sự đồng tình của các tổ chức quốc tế. Rất mong, Đà Nẵng – TP “chủ quản” của Hoàng Sa và các nhà xuất bản quan tâm để có thể thực hiện sớm điều này, một động thái có ý nghĩa thể hiện chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa – Trường Sa và đáp ứng lòng mong đợi của đông đảo công chúng.

N.K.P.

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top