• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

“Chữ người tử tù” - Thanh âm trong trẻo để lại cho đời

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) là nhà văn độc đáo của Việt Nam. Nguyễn Tuân mạnh về bút ký, thể hiện được sự uyên bác, tài hoa, phóng túng. Truyện ngắn cũng là thể loại ghi dấu ấn rõ nét của ông, tiêu biểu có “Chữ người tử tù”.

1637046688490.png


Huấn Cao là người đại diện cho cái đẹp, nhưng lại vướng vào lao lý. Ảnh sưu tầm


Chữ người tử tù là một truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Tuân trong tập truyện ngắn, tuỳ bút “Vang bóng một thời”. Đây được coi là tập truyện, tuỳ bút tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân trước năm 1945, và được đánh giá rất cao. Có thể nói là hơn hẳn các tác phẩm của ông sau này.

Vũ Ngọc Phan từng nhận xét về văn phong của Nguyễn Tuân: “Tác phẩm đầu tay của ông là một văn phẩm gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ. Đó là tập Vang Bóng Một Thời (Tân Dân – Hà Nội 1940).

Tập truyện đã làm sống lại cả một thời phong kiến đã qua với những nghệ thuật cổ thanh cao, những nếp sống, sinh hoạt xã hội nho phong của một nền văn minh xưa cũ, nó cũng là niềm nuối tiếc của một tâm hồn hoài cổ trước những cái hay, cái đẹp, những nghệ thuật cầu kỳ của một thời đại đã qua, cái thời ấy nay đã chết rồi, chỉ còn để lại một tiếng vang: Vang Bóng Một Thời”.

Chữ người tử tù kể về câu chuyện giam giữ phạm nhân tên Huấn Cao. Nhân vật này có tội phản nghịch, phải nhận án chém. Huấn Cao bị bặt cùng 5 phạm nhân khác. Từ đầu truyện, Nguyễn Tuân đã giới thiệu Huấn Cao là người viết chữ rất nhanh và rất đẹp, là tên tù có tiếng nguy hiểm.

Thế nhưng, quản ngục không có chút sợ hãi hay lo sợ khi sắp tới phải tiếp xúc với Huấn Cao. Mặc dù Huấn Cao còn có biệt tài khác là vượt ngục và bẻ khoá, tức văn võ toàn tài.

Sau khi nghe quản ngục nói qua về Huấn Cao, thơ lại cũng tỏ ra rất buồn và hối tiếc: “Tôi thấy những người có tài thế mà đi làm giặc thì đáng buồn lắm. Dạ bẩm, giả thử tôi là đao phủ, phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc”.

Trong truyện, Nguyễn Tuân không nói rõ hành trạng tội của Huấn Cao, chỉ biết rằng Huấn Cao mắc tội phản nghịch. Phải nói rằng, quản ngục phải là người như thế nào mới tỏ ra xót thương Huấn Cao như vậy. Về tâm ý quản ngục, Nguyễn Tuân có đoạn viết:

“Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc; tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.

Ông Trời nhiều khi hay chơi ác đem đầy ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”.

Có vẻ như, quản ngục là nghề không thích hợp với con người biết nghĩ nhiều như vậy. Qua đó, ta cũng thấy thêm được một quan điểm của nhà văn về con người, về cái đẹp thuần khiết. Nhà văn tiếc cái thuần khiết bị hỗn tạp với cái xấu xa cặn bã.

Khi vừa đến trại giam, Huấn Cao lạnh lùng, mặc dù vậy, bước đầu, quản ngục cũng có những đối đã khác lạ: “Trái với phong tục nhận tù mọi ngày, hôm nay viên quan coi ngục nhìn sáu tên tù mới vào với cặp mắt hiền lành. Lòng kiêng nể, tuy cố giữ kín đáo mà cũng đã rõ quá rồi. Khi kiểm điểm phạm nhân, ngục quan lại còn có biệt nhỡn đối riêng với Huấn Cao. Bọn lính lấy làm lạ, đều nhắc lại:

- Bẩm thầy, tên ấy chính là thủ xướng. Xin thầy để tâm cho. Hắn ngạo ngược và nguy hiểm nhất trong bọn”.

Trong thời gian nửa tháng bị giam, Huấn Cao được quản ngục cho người mang rượu thịt tới. Những người bị bắt cùng Huấn Cao cũng được đối đãi tử tế như vậy. Và biết việc đối đãi phạm nhân như vậy là sai, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng quản ngục vẫn chấp nhận, và nói với Huấn Cao:

“Ðối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều. Miễn là ngài giữ kín cho. Sợ đến tai lính tráng họ biết, thì phiền lụy riêng cho tôi nhiều lắm. Vậy ngài có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất”.

Mặc dù tỏ ra cung kính và có thiện chí với phạm nhân, nhưng đổi lại, quản ngục chỉ nhận lại câu trả lời cay đắng: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.

Kể từ đó, quản ngục không vào thăm Huấn Cao, nhưng vẫn phái người mang rượu thịt vào. Cho đến một buổi chiều lạnh, quản ngục đọc được công văn cho biết sẽ đưa Huấn Cao vào kinh trị tội. Biết điều đó, quản ngục vội nhờ thơ lại đến nói với Huấn Cao xin chữ cho mình, và được đồng ý.

Huấn Cao viết chữ trong tư thế cổ đeo gông, chân vướng xiềng. Rồi Huấn Cao khuyên quản ngục: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?...Tôi bảo thực đấy: thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

Qua chuyện Chữ người tử tù, ta thấy Nguyễn Tuân đã dụng ý ca ngợi cái tài của con người. Có thể Huấn Cao phạm tội phản nghịch, nhưng chắc rằng sâu xa là có cái lý do chính đáng, nên quản ngục mới tỏ ra như vậy với phạm nhân. Nguyễn Tuân cũng có thể cho biết rằng, dù giữa người với người có rơi vào thảm cảnh thế nào, thì cái đẹp vẫn luôn cần được hiện hữu, như trong truyện là nét chữ đẹp. Và có thể là ý Nguyễn Tuân cùng với ý của một nhà văn lớn từng nói, cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới.

(*Loạt bài tôn vinh các cá nhân đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh)
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top