Chủ nghĩa tư bản thế kỷ XX

Thach Thao

New member
Xu
0
NHỮNG NÉT CƠ BẢN VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CNTB TRONG "THỜI KỲ VÀNG" (TỪ NĂM 1950 ĐẾN THẬP NIÊN 70 CỦA THẾ KỶ XX)
MỞ ĐẦU

Trong lịch sử phát triển gần năm thế kỷ của chủ nghĩa tư bản đã có ba cuộc “chuyển giao quyền lực” lớn. Những cuộc “chuyển giao quyền lực” này đã tạo nên những thay đổi cơ bản trong sự phân phối quyền lực và định hình lại đời sống trên toàn cầu ở các mảng: chính trị, kinh tế và văn hóa. Lần đầu tiên là sự trỗi dậy của phương Tây – quá trình này khởi đầu từ thế kỷ XV và tăng tốc mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XVII. Nó không chỉ sản sinh ra khoa học và công nghệ, thương mại và tư bản, cuộc cách mạng công nghiệp và nông nghiệp mà còn tạo dựng vị trí độc tôn chính trị lâu dài cho các quốc gia phương Tây nói riêng và chủ nghĩa tư bản nói chung. Cuộc chuyển giao thứ hai diễn ra vào những năm cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Đó là sự trỗi dậy của Hoa Kỳ. Trong gần suốt thế kỷ XX, Hoa Kỳ “thống trị” kinh tế, chính trị, khoa học và văn hóa toàn cầu. Chúng ta đang sống trong cuộc chuyển giao quyền lực thứ ba thời hiện đại. Có thể gọi đó là “sự trỗi dậy của phần còn lại”, hay theo Fareed Zakaria, đó là “Thế giới hậu Mỹ”.
Như thế, ở mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử lại chứng kiến những bước thăng trầm khác nhau của nhân loại nói chung và của chủ nghĩa tư bản nói riêng. Có giai đoạn chủ nghĩa tư bản lâm vào khủng hoảng trầm trọng như những năm 1929 – 1933. Đồng thời, cũng có những giai đoạn được coi là “thời kỳ vàng” của chủ nghĩa tư bản. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin trình bày “những nét cơ bản về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong“ thời kỳ vàng” (từ năm 1950 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX)”.
Chỉ trong thời gian hơn 20 năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, lịch sử chủ nghĩa tư bản đã chứng kiến nhiều biến động và sự phát triển về nhiều mặt của đời sống kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội. Có những sự kiện được khởi đầu hoặc bắt nguồn từ những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ XX, có những sự kiện có thể nói là nằm ngoài các dự đoán và “tầm tay” của chủ nghĩa tư bản.
Tìm hiểu sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1973 góp phần mang đến cái nhìn toàn diện, biện chứng về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong mối tương quan giữa các nước tư bản với nhau và với hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, thấy được những tiến bộ, phát triển cũng như những hạn chế của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn này.
NỘI DUNG
1. Khái quát về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong “Thời kỳ vàng” (từ năm 1950 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX)
Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) đã tàn phá nặng nề hầu hết các nước tư bản phát triển. Tuy nhiên, sau giai đoạn 1945 - 1950, các nước tư bản đã khôi phục được nền kinh tế, đạt mức trước chiến tranh. Trong giai đoạn từ 1950 – 1973, thế giới đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của chủ nghĩa tư bản. Thời kỳ này, các nước tư bản dựa vào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật để phát triển nền kinh tế một cách nhanh chóng chưa từng thấy.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai chủ nghĩa tư bản được gọi là chủ nghĩa tư bản hiện đại gắn với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, cùng với sự chuyển biến sâu sắc trong lòng chủ nghĩa tư bản và quan hệ giữa các nước tư bản chủ nghĩa với nhau. Trong đó, giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1973, là thời kỳ phát triển hoàng kim của chủ nghĩa tư bản.
Trong một phần tư thế kỷ kể từ năm 1950, hầu như tất cả các nước tư bản phương Tây trải qua thời kỳ vàng trong sự phát triển kinh tế, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tỉ lệ lạm phát, tỉ lệ thất nghiệp thấp và sự ổn định về chính trị, xã hội. Các nước tư bản nói chung đều đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn gấp 3 lần so với những năm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939). Nếu như năm 1948, sản xuất công nghiệp của các nước tư bản Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand cộng lại đạt 3,7 ngàn tỉ USD (tính theo tỉ giá đô la năm 2000) thì năm 1973 con số này là 12,1 ngàn tỉ, cao gấp hơn 3 lần [8; 117].
Trong giai đoạn 1950 – 1973, các nước tư bản chủ yếu trải qua hai giai đoạn phát triển:
Giai đoạn thứ nhất từ năm 1950 đến năm 1960: giai đoạn các nước Tây Âu, Nhật Bản sau khi phục hổi được nền kinh tế sau chiến tranh, bắt đầu phát triển với tốc độ cao hơn Mỹ. Nếu lấy chỉ số sản xuất công nghiệp của Anh năm 1937 là 100 thì năm 1951 đã đạt đến 131. Sản xuất công nghiệp của Italia vào năm 1954 đã vượt năm 1939 từ 30% đến 40%. Trong suốt thập niên 50 của thế kỷ XX, sản xuất công nghiệp bình quân của Đức tăng trưởng 9,2%, cao hơn Mỹ, Anh, Pháp, Italia, chỉ thua Nhật Bản [1; 236]. Cán cân lực lượng trong thế giới tư bản bắt đầu có sự thay đổi bất lợi cho Mỹ. Địa vị và sức mạnh của Mỹ không còn như hồi 5 năm đầu sau chiến tranh và bắt đầu có biểu hiệu giảm sút. Mâu thuẫn và cạnh tranh giữa Tây Âu, Nhật Bản và Mỹ xuất hiện và biểu hiện ngày càng gay gắt. Từ năm 1957, để giữ độc lập với Mỹ và tập chung lực lượng phát triển kinh tế, Pháp, CHLB Đức và một số nước Tây Âu lập ra khối thị trường chung châu Âu. Nước hăng hái và đi tiên phong trong việc thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ là Pháp. Pháp không cam chịu sự lãnh đạo của Mỹ. Tuy nhiên, vào thời điểm bấy giờ, kinh tế Pháp vào thời điểm những năm 50 của thế kỷ XX kinh tế Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung vẫn còn phụ thuộc ít nhiều vào Mỹ. Vì thế, sự chống đối Mỹ chỉ mang tính chất tương đối.
Giai đoạn thứ hai từ năm 1960 đến năm 1973: ở giai đoạn này lực lượng và địa vị của Mỹ bị giảm sút nghiêm trọng. Mỹ dính líu vào nhiều cuộc chiến tranh khu vực, thậm chí bị sa lầy trong cuộc chiến tranh Đông Dương, lại lao vào cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô và “bao” về chi tiêu về quân sự khắp toàn cầu. Do đó, nền kinh tế và tiềm lực của Mỹ bị giảm sút so với trước. Trong khi đó, Tây Âu và Nhật Bản phát triển cực nhanh về kinh tế và nhiều lĩnh vực đã vượt qua Mỹ. Trong thế giới tư bản chủ nghĩa đã hình thành ba trung tâm kinh tế, tài chính – Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản – cạnh tranh quyết liệt với nhau. Mâu thuẫn giữa Tây Âu, đứng đầu là Pháp với Mỹ tiếp tục phát triển. Tướng Đờ Gôn thực hành chính sách chủ nghĩa dân tộc độc lập. Ông phớt lờ sự ngăn cản của Mỹ đối với Pháp về vấn đề phát triển vũ khí nguyên tử. Năm 1966, Pháp rút khỏi cơ cấu quân sự của khối NATO. Đây là những hành động đột phá đầu tiên của chủ nghĩa tư bản châu Âu trong việc phá vỡ sự khống chế và bác bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ.
2. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong “Thời kỳ vàng” (từ năm 1950 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX)
2.1. Những cơ sở cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong “Thời kỳ vàng” (từ năm 1950 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX)
Có nhiều cơ sở đưa đến sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1973.
Thứ nhất, thời kỳ tái thiết của các nước tư bản trong giai đoạn 1945 – 1950 đã hoàn thành, tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế của các nước tư bản trong giai đoạn này. Đến năm 1950, hầu hết các nước tư bản chủ yếu đã khôi phục được nền kinh tế và đạt mức trước chiến tranh. Trên cơ sở đó, các nước tư bản bước vào giai phát triển hoàng kim 1950 – 1973.
Thứ hai, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thời kỳ này bắt nguồn từ những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật sau chiến tranh thế giới thứ hai mà Mỹ là nước đi đầu. Các nước tư bản đã khai thác đến mức cao nhất nền sản xuất dựa trên cơ sở kĩ thuật công nghệ cơ khí hóa, thực hiện quy trình sản xuất hàng loạt với quy mô lớn.
Thứ ba, đây là thời kỳ chủ nghĩa tư bản tiếp tục phát triển theo bề rộng, tập chung vào việc mở rộng quy mô sản xuất, quy mô máy móc thiết bị, tăng năng lực sản xuất chiếm ưu thế và là nền tảng để thúc đẩy và duy trì tốc độ tăng trưởng đối với các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Thứ tư, Việc tổ chức lao động và áp dụng phương pháp sản xuất dây chuyền, sử dụng rộng rãi lao động không đòi hỏi kĩ thuật cao, cùng với giá nguyên liệu, nhiên liệu thời kỳ này rẻ trong thời gian này đã tạo ra một nguồn lợi khổng lồ cho các nước tư bản, nhất là trong việc xuất khẩu hàng hóa sang những nước đang phát triển.
Thứ năm, trong giai đoạn này các thể chế thương mại và tài chính toàn cầu bắt đầu phát huy sức mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại toàn cầu. Trong đó, nổi lên vai trò của một số tổ chức như: Hệ thống tiền tệ quốc tế Bretton Woods, được thiết lập năm 1944, tồn tại năm 1973, với sự tham gia của 44 nước. Bretton Woods đã thiết lập một hệ thống thanh toán quốc tế, tạo điều kiện cho tự do hóa thương mại, tài chính quốc tế, thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại lớn nhất từ trước đến thời điểm này. Bên cạnh đó, một số tổ chức như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF),… đã có vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Năm 1947, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) ra đời. Mục tiêu của GATT là phấn đấu cho tự do hóa thương mại, thực hiện bình đẳng trong các quan hệ kinh tế quốc tế nhằm tránh xung đột giữa các nước dẫn đến nguy cơ chiến tranh. Trải qua 8 vòng đàm phán thương mại, GATT đóng vai trò là khung pháp lí quốc tế chủ yếu của hệ thống thương mại đa phương trong suốt gần 50 năm, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và thương mại toàn cầu nói chung và các nước tư bản nói riêng [ ] .
Thứ sáu, trong giai đoạn 1950 – 1973, các nước tư bản có sự ổn định về chính trị - xã hội. Đồng thời, phần lớn các nước tư bản chủ nghĩa đã gạt những thành phần cộng sản ra khỏi chính phủ, củng cố bộ máy nhà nước tư sản. Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước đạt đến sự phát triển đỉnh cao của mình.
Trên đây là những tiền đề, cơ sở cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn 1950 – 1973. Tùy điều kiện cụ thể từng nước, chính sách của chính quyền mỗi nước mà đưa đến sự phát triển với những mức độ khác nhau của các nước tư bản trong giai đoạn này.
2.2. Sự phát triển của các nước tư bản chủ yếu trong “Thời kỳ vàng” (từ năm 1950 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX)
2.2.1. Nước Mỹ trong “Thời kỳ vàng” (từ năm 1950 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX)
• Sự phát triển của nền kinh tế:
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ. Trong khoảng 20 năm đầu sau chiến tranh, Mỹ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, kỹ thuật duy nhất của thế giới.
Trong những thập niên 50, 60 và đầu 70 của thế kỷ XX, kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển nhanh. Những năm 50 ở Mỹ thường được tả là thời ưng ý. Các thập niên 60, 70 là thời kỳ có sự thay đổi lớn. Tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp hàng năm trong những năm 50 là 4,5%, những năm 60 là 5%. Nếu so với năm 1950, sản xuất công nghiệp của Mỹ năm 1970 tăng 1,24 lần. Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Mỹ năm 1953 là 112,2 tỉ USD, đến năm 1960 đạt 503,7 tỉ USD và năm 1970 đã đạt 971,1 tỉ USD [1; 243].
Trong số các nhân tố dẫn đến mức tăng trưởng cao của nền kinh tế phải kể đến sự phát triển của các ngành công nghiệp kĩ thuật cao, năng xuất lao động ngày càng cao.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, quá trình tích tụ và tập chung tư bản ngày càng gia tăng. Các công ty độc quyền có quy mộ lớn và kết cấu phức tạp hơn nhiều so với trước chiến tranh. Quá trình tập chung tư bản của Mỹ diễn ra những vụ sát nhập không lồ, theo cả liên lết ngang và liên kết dọc, đa chiều. Trong những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là trong thập niên 50 – 60 của thế kỷ XX, ở Mỹ xuất hiện những tổ hợp quân sự công nghiệp lớn, mà phần lớn các Tổng thống, chính trị gia đều là thành viên của các tổ hợp này.
Các ngành sản xuất thép, sắt, xe hơi và xây dựng được coi là ba trụ cột của nền kinh tế Mỹ, phát triển với tốc độ nhanh. Các ngành công nghiệp mới, như khai thác khí đốt, dầu mỏ, công nghiệp hóa học, điện tử, hàng không, năng lượng nguyên tử và khám phá vũ trụ diễn ra sôi nổi và đạt được nhiều thành tựu lớn. Riêng về khoa học vũ trụ, Mỹ đã có những thành công lớn so với Liên Xô và đạt đến đỉnh cao bằng sự kiện nhà du hành người Mỹ đã đặt chân lên mặt trăng vào tháng 7 – 1969 cùng với con tàu Apollo –11.
Ngành nông nghiệp Mỹ đã đạt được sự phồn vinh chưa từng có trong giai đoạn này. Tỷ lệ nông dân làm việc trong nông nghiệp ngày càng giảm đi, năng xuất không ngừng nâng cao. Năm 1960, mỗi người nông dân có thể nuôi sống 15,5 người, năm 1960 tăng lên 25,8 người, đến năm 1970 là 47,1 người.
Mậu dịch đối ngoại và xuất khẩu tư bản ra nước ngoài của Mỹ tăng nhanh chóng trong giai đoạn này. Nếu từ năm 1946 đến năm 1950, bình quân kim ngạch xuất khẩu của Mỹ là 11,829 tỉ USD, nhập khẩu là 6,659 tỉ USD, cán cân thương mại có thặng dư 5,179 tỉ USD, thì năm 1970 kim ngạch xuất khẩu của Mỹ là 43,224 tỉ USD, nhập khẩu là 39,951 tỉ USD, cán cân thương mại có thặng dư 3,272 tỉ USD [1; 244].
Trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1973, nền kinh tế Mỹ phát triển khá nhanh và thuận chiều, mặc dù trong quá trình phát triển cũng có những suy thoái xen kẽ. Tuy nhiên, bước sang thập niên 70 của thế kỷ XX, lợi thế phát triển của Mỹ giảm dần, nền kinh tế Mỹ bị cạnh tranh bởi các nền kinh tế khác mới dậy, trước hết là Tây Âu và Nhật Bản. Đặc biệt, các nước trong Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tính đến sự phát triển công bằng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, tăng giá dầu lên cao. Do đó, Mỹ nói riêng và thế giới tư bản nói chung không còn lợi thế phát triển kinh tế dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và giá rẻ nữa, buộc phải tính toán lại chiến lược phát triển của mình.
• Tình hình chính trị, xã hội:
Như trên đã trình bày, trong những năm 50 – 60 của thế kỷ XX, ở Mỹ hình thành nên những tổ hợp quân sự công nghiệp. Những người của các tập đoàn tư bản, tổ hợp quân sự công nghiệp nắm giữ các chức vụ cao nhất trong chính quyền, chi phối chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Mỹ. Nước Mỹ là điển hình của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Ở Mỹ có hai đảng: Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thay nhau cầm quyền. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh, cũng như trước phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ, chính sách đối nội của Mỹ là tập chung duy trì, bảo vệ và phát triển chế độ tư bản Mỹ.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1973, tình hình chính trị - xã hội Mỹ có nhiều thay đổi quan trọng. Thu nhập trung bình của người lao động tăng gấp hai lần trong những năm 1950 – 1975. Tầng lớp trung lưu trong xã hội gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7,5% năm 1957, còn 5,7% năm 1963 [8; 243].. Lượng tiêu thụ xe hơi tăng từ 7 triệu chiếc trong thập niên 50 lên 9 triệu chiếc trong thập niên 60 của thế kỷ XX.
Tuy nhiên, chính sách bóc lột của các tập đoàn tư bản độc quyền làm cho đời sống nhân dân lao động gặp nhiều khó khăn. Khoảng cách cách giàu nghèo, sự bất bình đẳng trong xã hội ngày càng tăng, những mâu thuẫn về sắc tộc, chủng tộc vẫn tồn tại.
• Chính sách đối ngoại:
Trong giai đoạn 1950 – 1973, chính quyền Mỹ vẫn theo đuổi chiến lược toàn cầu, tiếp tục cuộc chiến tranh lạnh nhằm chống lại Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào công nhân, cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Mỹ tăng cường chạy đua vũ trang, can thiệp vào công việc quốc tế ở hầu hết các địa bàn chiến lược và điểm nóng trên thế giới.
Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã làm cho Mỹ suy yếu về kinh tế, tài chính và quân sự, khủng hoảng về chiến lược và “hỗn loạn trong ý thức hệ tư tưởng”. Thượng nghị sĩ Mĩ E. Kennơđi đã phải than thở: “Ngọn lửa kháng chiến của người Việt Nam đang châm ngòi cho ngọn lửa nổi loạn trên chính đất nước Mĩ” [4; 291].
Do chính sách đối ngoại có phần hiếu chiến đã đưa đến những hệ quả nằm ngoài tính toán của chính quyền Mỹ. Việc Mỹ xa lầy trong cuộc chiến tranh Đông Dương, dính líu vào nhiều cuộc chiến tranh khu vực, lao vào cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô do dó nền kinh tế và tiềm lực nói chung của Mỹ bị căng ra, bị giảm sút. Trong khi đó, Tây Âu, Nhật Bản phát triển cực nhanh về kinh tế, khoa học kĩ thuật và nhiều lĩnh vực đã vượt Mỹ.
2.2.2. Tây Âu trong “Thời kỳ vàng” (từ năm 1950 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX)
• Sự phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật:
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước tư bản Tây Âu bị tàn phá nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 1945 – 1950, dưới sự viện trợ của Mỹ, các nước Tây Âu đã khôi phục được nền kinh tế. Sau giai đoạn phục hồi, bắt đầu từ năm 1950, các nước tư bản Tây Âu bước vào giai đoạn phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong vòng hơn 20 năm, được coi là “Thời kỳ vàng” của Tây Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Từ những năm 50 đến đầu những năm 70, nền kinh tế của các nước tư bản chủ yếu ở Tây Âu có sự phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng cao hơn cả Mỹ. Tốc độ tăng trưởng bình quân của Pháp giai đoạn này là 5%. Đến đầu thập niên 70, Pháp trở thành cường quốc công nghiệp thứ năm trên thế giới, đứng đầu châu Âu về sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. CHLB Đức có nền kinh tế ở vị trí thứ 3 (sau Mỹ, Nhật Bản); Anh có nền công nghiệp đứng thứ tư trong thế giới tư bản.
Cùng với nhịp độ phát triển kinh tế nhanh chóng, cơ cấu nền kinh tế có sự thay đổi lớn. Các ngành trong khu vực nông – lâm – ngư nghiệp giảm nhanh trong tổng giá trị sản phẩm và tổng số người làm việc. Ở Anh, tỉ lệ dân cư trong nông nghiệp chỉ chiếm 2,7% lực lượng lao động, trong khi đó những người lao động làm thuê và giai cấp công nhân tăng lên 91,1%. Các ngành trong khu vực công nghiệp cũng thu hẹp tương đối ở các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Trong khi đó, các ngành công nghiệp mới phát triển nhanh chóng như công nghiệp điện tử, hóa dầu, nguyên tử, vũ trụ, máy tính,… Khu vực dịch vụ nhanh chóng phát triển làm thay đổi sâu sắc cơ cấu ngành nghề sản xuất xã hội. Khu vực dịch vụ, buôn bán, văn phòng đã chiếm tới 50 – 60% lực lượng lao động, trong khi khu vực công nghiệp truyền thống, số lượng lao động chỉ còn 40% [1; 265]. Các mặt hàng mới có giá trị và lâu bền như ôtô, tủ lạnh, tiện nghi sinh hoạt tăng lên nhiều, đáp ứng nhu cầu cao của người dân.
Về sản lượng công nghiệp, trong khoảng hơn hai thập niên (1950 - 1973), các nước tư bản Tây Âu tăng nhanh hơn Mỹ: Italia tăng 5 lần, CHLB Đức tăng 4,4 lần, Pháp tăng 3,3 lần, trong khi Mỹ chỉ tăng có 2,5 lần.Vì thế, sức mạnh của các nước tư bản châu Âu tăng lên rõ rệt: năm 1948, Mỹ chiếm 54,6% tổng sản lượng công nghiệp thế giới, các nước tư bản châu Âu chiếm 28,8%; đến năm 1973, Mỹ chiếm chưa đầy 40%, tư bản châu Âu, chủ yếu là Tây Âu đã chiếm tới 31% tổng sản lượng công nghiệp thế giới. Đến những năm 70 của thế kỷ XX, các nước Tây Âu đã đuổi kịp Mỹ về nhiều mặt, có những lĩnh vực vượt Mỹ, đặc biệt là vàng và dự trữ ngoại tệ (CHLB Đức hơn 30 tỉ USD, Mỹ có 11,6 tỉ USD), về sản lượng thép, ôtô và khối lượng xuất khẩu (năm 1973, xuất khẩu của Mỹ chỉ còn chiếm 14,3%, trong khi đó xuất khẩu của khối Thị trường chung là 42,3%) [4; 300].
Về năng xuất lao động, các nước Tây Âu tăng bình quân hàng năm là 4,1%, trong khi Mỹ chỉ tăng có 2,7%. Mặc dù về mặt chính trị, các nước Tây Âu trở thành người bạn đồng hành cùng với Mỹ trong việc chống phá phong trào cách mạng thế giới, nhưng về góc độ kinh tế, tài chính họ trở thành đối thủ cạnh tranh về thị trường đầu tư và tiêu thụ, về nguồn nguyên liệu, nhiên liệu. Những cuộc “Chiến tranh vàng” (1964 - 1965), “Chiến tranh sữa”, “Chiến tranh trứng” (1965),… đã diễn ra gay gắt giữa Tây Âu và Mỹ.
Điều đáng chú ý là quá trình liên kết khu vực ở Tây Âu ngày càng diễn ra mạnh mẽ với sự hình thành Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC - 1957), sau trở thành Cộng đồng châu Âu (EC - 1967).
Từ đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, Tây Âu trở thành một trong ba trung tâm kinh tế, tài chính của thế giới (cùng với Mỹ và Nhật Bản). Các nước tư bản chủ yếu ở Tây Âu như Anh, Pháp, CHLB Đức, Italia,… đều có nền khoa học kỹ thuật phát triển cao, hiện đại.
Sở dĩ các nước Tây Âu phát triển kinh tế nhanh như vậy là do một số yếu tố sau: Thứ nhất, các nước này đã phát triển và áp dụng thành công các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại để tăng năng xuất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Thứ hai, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc quản lí, điều tiết, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thứ ba, các nước tư bản Tây Âu đã tận dụng tốt các cơ hội bên ngoài để phát triển như nguồn viện trợ của Mỹ, tranh thủ được giá nguyên liệu rẻ từ các nước thuộc thế giới thứ ba, hợp tác có hiệu quả trong khuôn khổ của Cộng đồng châu Âu (EC),…
• Tình hình chính trị, xã hội:
Giai đoạn 1950 – 1973, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, các nước Tây Âu đều đạt được sự ổn định về chính trị, xã hội.
Trước hết là về chính trị. Ở Pháp, trong những năm tồn tại của nền Cộng hòa thứ tư (1946 - 1958) đã thay đổi đến 25 nội các. Từ năm 1958 nền cộng hòa thứ năm được thiết lập do tướng là Tổng thống đã mở ra thời kỳ phát triển ổn định và vững mạnh về chính trị so với nền cộng hòa thứ tư.
Ở Anh, trong những năm 1951 – 1974, các chính phủ của Đảng Bảo thủ và Công Đảng đã thực hiện những biện pháp nhằm ổn định xã hội và nâng cao mức sống của người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu.
Ở Tây Đức, Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo liên tục giành được đa số phiếu trong các cuộc bầu cử kể từ năm 1949 và trở thành lực lượng nắm chính quyền trong suốt thời kỳ vàng của Cộng hòa Liên bang Đức.
Ở Italia, Chính phủ của Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo năm quyền trong gần như một phần tư thế kỷ kể từ năm 1946. Năm1960, phái hữu trong Đảng dân chủ Thiên Chúa giáo đã sử dụng lực lượng cảnh sát cùng các tổ chức phát xít mới âm mưu tiến hành cuộc đảo chính phản động. Quần chúng đã tổng bãi công góp phần làm thất bại cuộc đảo chính này.
Về xã hội. Trong “Thời kỳ vàng”, tình hình xã hội của các nước Tây Âu có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp giảm và mức sống ngày càng cao của người dân. Mức tiêu dùng của người dân Tây Âu tăng trên 50% trong thập niên 1950 và 86% trong thập niên 1960. Tại phần lớn các nước Tây Âu, sự bủng nổ dân số (baby’s boom) và quá trình đô thị hóa tăng tốc đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai. Số lượng ô tô được sử dụng ở Tây Âu tăng gấp 10 lần trong vòng 20 năm (1950 - 1970). Trong đó, số lượng ô tô sử dụng tại Tây Đức tăng nhanh nhất, từ chưa đầy nửa triệu tăng lên 17 triệu, ở Pháp từ 1,5 triệu tăng lên 14,5 triệu [8; 122].

• Chính sách đối ngoại:
Trong khuôn khổ của chiến tranh lạnh và trật tự thế giới hai cực Ianta, từ năm 1950 đến năm 1973, nhiều nước tư bản Tây Âu một mặt vẫn tiếp tục chính sách liên minh chặt chẽ với Mỹ, mặt khác đã nỗ lực mở rộng hơn nữa quan hệ đối ngoại.
Chính phủ Anh ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, ủng hộ Ixraen trong các cuộc chiến tranh ở Trung Đông. CHLB Đức gia nhập khối NATO (5 - 1955) và trở thành tâm điểm quan trọng của Mỹ và phương Tây trong cuộc đối đầu căng thẳng với Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa. Nhiều vùng lãnh thổ và hải cảng của Italia trở thành nơi đóng các căn cứ quân sự của Mỹ. Trong khi đó, Pháp lại có những động thái khác. Trong những năm 60, chính phủ Đờ Gôn đã không chấp nhận sự lãnh đạo của Mỹ, muốn cho Châu Âu độc lập hơn. Đặc biệt, Đờ Gôn phản đối việc trang bị vũ khí hạt nhân cho CHLB Đức, rút ra khỏi Bộ chỉ huy NATO (1966) và yêu cầu rút tất cả các căn cứ quân sự và quân đội Mỹ ra khỏi lãnh thổ nước Pháp, phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam, phát triển quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Nhìn chung, trong giai đoạn 1950 – 1973, Tây Âu đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, sự ổn định về chính trị. Trên cơ sở đó, sức mạnh và địa vị của các nước tư bản chủ yếu ở Tây Âu được củng cố. Tây Âu đã trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới (cùng với Mỹ và Nhật Bản).
2.2.3. Nhật Bản trong “Thời kỳ vàng” (từ năm 1950 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX)
Nhật Bản là câu chuyện thành công nhất trong số các nước tư bản trong “Thời kỳ vàng” sau chiến tranh thế giới thứ hai (1950 - 1973).
• Tình hình kinh tế, khoa học - kỹ thuật:
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, là nước bại trận, Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường bị thu hẹp, nguyên liệu và lương thực trong nước rất nghèo nàn. Tuy nhiên, với sự viện trợ của Mỹ, trong giai đoạn 1945 – 1950, nền kinh tế Nhật Bản dần phục hồi. Đến năm 1951, nền kinh tế Nhật Bản đã được phục hồi và đạt mức trước chiến tranh.
Từ năm 1951 trở đi, khi Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), công nghiệp Nhật Bản phát triển mạnh mẽ hẳn lên nhờ những lợi nhuận khổng lồ do thực hiện những đơn đặt hàng của Mỹ. Bước sang những năm 60, khi Mỹ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, kinh tế Nhật Bản lại có cơ hội để phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và vượt các nước Tây Âu, vươn lên đứng hàng thứ hai (sau Mỹ) trong thế giới tư bản chủ nghĩa.
Thập niên 1960 được mệnh danh là đỉnh cao của “Thời kỳ vàng” (Golden sixties) với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao chưa từng có trong lịch sử nước Nhật cũng như so với các nước tư bản phương Tây nói chung.
Về tổng sản phẩm quốc dân, trong những năm 1960 – 1969, Nhật Bản tăng trung bình hàng năm, 10,8% (trong khi đó Anh tăng 2,7%, Mỹ tăng 4,8%, Pháp tăng 5,2%, CHLB Đức tăng 5,2%). Năm 1950, Tổng sản phẩm quốc dân của Nhật mới đạt 20 tỉ USD, bằng 60% CHLB Đức (33,7 tỉ USD), bằng 1/17 của Mỹ (349,5 tỉ USD); nhưng đến năm 1968, Nhật Bản đã vượt CHLB Đức, vươn lên hàng thứ hai sau Mỹ với 183 tỉ USD (của Mỹ là 830 tỉ USD, CHLB Đức là 132 tỉ USD). Đến năm 1971, tổng sản phẩm quốc dân Nhật Bản tăng lên 224 tỉ USD. Như thế, chỉ trong khoảng hơn 20 năm (1950 - 1971), tổng sản phẩm quốc dân của Nhật Bản tăng hơn 11 lần [4; 296].
Trong công nghiệp, lĩnh vực sản xuất vật chất then chốt, Nhật Bản đã đạt được những bước phát triển mạnh nhất và nhanh nhất. Trong những năm 1961 – 1969, tốc độ tăng trung bình hàng năm của Nhật Bản là 13,5%. Năm 1950, giá trị sản lượng công nghiệp của Nhật Bản là 4,1 tỉ USD (bằng 1/28 của Mỹ), thì đến năm 1969 đã vươn lên 56,4 tỉ USD, vượt tất các các nước Tây Âu và chỉ thua Mỹ với tỉ lệ 1/4 [3; 287].
Đầu những năm 70, Nhật Bản đứng đầu thế giới tư bản chủ nghĩa về sản lượng tàu biển (trên 50%), xe máy, máy khâu, máy ảnh, rađiô, vô tuyến truyền hình,… và đứng thứ hai về thép.
Về nông nghiệp, trong những năm 1967 – 1969, sản lượng lương thực đạt 14 triệu tấn /năm, nhà nước chỉ cần nhập thêm 17% là thỏa mãn nhu cầu trong nước.
Về ngoại thương, chỉ trong 21 năm (1950 - 1971) tổng kim ngạch ngoại thương đã tăng 25 lần, xuất khẩu tăng 30 lần, nhập khẩu tăng 21 lần.
Từ đầu những năm 70 trở đi, Nhật Bản rất coi trọng phát triển giáo dục và khoa học kỹ thuật. Nhật Bản đã tìm cách rút ngắn khoảng cách về sự phát triển khoa học kỹ thuật bằng cách mua bằng phát minh sáng chế và chuyển giao công nghệ. Tính đến năm 1968, Nhật Bản đã mua bằng phát minh sáng chế của nước ngoài trị giá 6 tỉ USD. Khoa học – kĩ thuật và công nghệ Nhật Bản chủ yếu tập chung vào lĩnh vực sản xuất phục vụ nhu cầu dân dụng, đạt được nhiều thành tựu lớn.
Nhìn chung, từ một địa vị chưa đáng kể trước chiến tranh và rất khó khăn, nguy kịch trong những năm đầu sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản đã đạt được những bước phát triển nhanh chóng mà dư luận phương Tây suy tôn là “thần kỳ Nhật Bản”. Thực ra, sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc này của Nhật Bản do những nguyên nhân chủ quan và khách quan của nó và sự “thần kỳ” này đã chứa đựng những mặt trái của nó, mà từ đầu những năm 70 đã ngày càng bộc lộ rõ ràng.
Thứ nhất, người dân Nhật Bản với truyền thống văn hóa, giáo dục, đạo đức lao động tốt, tiết kiệm, tay nghề cao và có nhiều khả năng sáng tạo, là nhân tố hàng đầu của sự phát triển kinh tế. Con người được coi là vốn quý nhất, đồng thời là “công nghệ cao nhất”. Thứ hai, Nhà nước quản lí kinh tế một cách hiệu quả, có vai trò rất lớn trong việc phát triển nền kinh tế ở tầm vĩ mô. Thứ ba, các công ty của Nhật Bản năng động, có tầm nhìn xa, quản lí tốt nên có tiềm lực và sức cạnh tranh cao. Thứ tư, Nhật Bản luôn áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, không ngừng nâng cao năng xuất, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm. Thứ năm, chi phí quốc phòng của Nhật Bản ít, nên có điều kiện tập chung vốn đầu tư cho kinh tế. Thứ sáu, Nhật Bản biết tận dụng các yếu tố bên ngoài, như tranh thủ nguồn viện trợ của Mỹ sau chiến tranh, dựa vào Mỹ về mặt quân sự để giảm chi phí quốc phòng, lợi dụng các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (1950 - 1953) và Việt Nam (1954 - 1975) để làm giàu.
Trong những nguyên nhân trên đây, có những nguyên nhân đã mất dần tác dụng và có những nguyên nhân đã trở nên phản tác dụng. Kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh nhưng chứa đựng những mặt trái và những vấn đề nan giải. Đặc biệt là việc nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn nguyên, nhiên liệu bên ngoài.
• Tình hình chính trị, xã hội và chính sách đối ngoại:
Thời kì vàng của sự phát triển kinh tế Nhật Bản gắn liền với sự ổn định về chính trị, xã hội. Suốt từ năm 1955 đến năm 1973, Đảng Dân chủ tự do liên tiếp cầm quyền ở Nhật Bản. Thời kì này đã diễn ra những thay đổi xã hội quan trọng: mức sống của người dân tăng cao, sự thay đổi về văn hóa, giáo dục và nếp sống của người Nhật, đặc biệt là ở đô thị. Quá trình đô thị hóa tăng tốc, khoảng 3/4 dân số Nhật tập chung vào các thành phố. Năm 1965, Tokyo trở thành một trong những thành phố lớn nhất thế giới và là biểu tượng của sự thần kỳ kinh tế Nhật Bản.
Trong chính sách đối ngoại, Nhật Bản đầy mạnh việc liên minh với Mỹ. Năm 1951, Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật được ký kết, có giá trị trong vòng 10 năm, sau đó được kéo dài vĩnh viễn. Với hiệp ước này, Nhật Bản chấp nhận đứng dưới “ô bảo vệ hạt nhân” của Mỹ, trở thành một căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ. Với sự ủng hộ của Mỹ, Nhật Bản tham gia GATT và dành được những ưu đãi về tự do hóa thương mại. Việc các nước thành viên GATT bãi bỏ phân biệt đối xử và giành cho Nhật những ưu đãi thông qua tự do hóa thương mại đã tạo điều kiện cho Nhật Bản phát triển mậu dịch quốc tế.
Năm 1956, Nhật Bản bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Liên Xô và cũng trong năm này trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Bước đi đầu tiên trong chính sách ngoại giao kinh tế là Nhật Bản “bồi thường chiến tranh” bằng hàng hóa, thiết bị cho Philippin, Miến Điện (1954), Inđônêsia (1958), chính quyền Sài Gòn (Nam Việt Nam - 1958) để xâm nhập kinh tế và mở rộng thị trường xuất khẩu Nhật Bản.
Từ năm 1973, Nhật Bản cố hướng mọi nỗ lực để mở rộng thế lực kinh tế, chính trị ra bên ngoài – chủ yếu là ở khu vực châu Á, nhất là sau khi Mỹ thất bại ở Việt Nam (1975).
Nhìn chung, trong giai đoạn 1950 – 1973, Nhật Bản từ một nước bại trận trong chiến tranh thế giới thứ hai đã nhanh chóng vươn lên, phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong ba trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới.

KẾT LUẬN
Trong gần một phần tư thế kỷ kể từ năm 1950, hầu như tất cả các nước tư bản phương Tây trải qua “Thời kỳ vàng” trong sự phát triển kinh tế, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tỉ lệ lạm phát, tỉ lệ thất nghiệp thấp và sự ổn định về chính trị, xã hội. Trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1973, các nước tư bản chủ nghĩa đều đạt được đỉnh phát triển cao nhất của mình, sau đó không bao giờ lặp lại. Trong giai đoạn này, so sánh lực lượng giữa các nước tư bản có những chuyển biến quan trọng. Mặc dù kinh tế tiếp tục phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng của Mỹ thời kỳ này bắt đầu chậm lại so với các nước tư bản khác. Vai trò vượt trội của Mỹ đã có những dấu hiệu suy giảm. Dù vậy, Mỹ vẫn là nước đứng đầu về sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật trong thế giới tư bản nói riêng và trên thế giới nói chung. Mặt khác, trong giai đoạn này đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của các nước Tây Âu. Sự phục hồi của các nước Tây Âu gắn với sự xuất hiện xu thế khu vực hóa tại các quốc gia này. Trong đó, nổi lên vai trò của các nước tư bản lớn ở châu Âu như Pháp, CHLB Đức, Italia,… Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC - 1957), sau trở thành Cộng đồng châu Âu (EC - 1967) đã tạo ra một đối trọng đối với vai trò của Mỹ trong thế giới tư bản. Cùng với sự “thần kỳ Nhật Bản”, chủ nghĩa tư bản trong “Thời kỳ vàng” (từ năm 1950 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX) đã tạo ra những đối trọng trong lòng nó và là một đối trọng với hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Thanh Bình (Chủ biên), Nguyễn Công Khanh, Ngô Minh Oanh, Đặng Thanh Toán, 2008, Lịch sử thế giới hiện đại, quyển 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[2] Michel Beaud, 2002, Lịch sử chủ nghĩa tư bản từ 1500 – 2000, Huyền Giang dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội.
[3] Nguyễn Anh Thái (Chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Đặng Thanh Toán, Trần Thị Vinh, 1996, Lịch sử thế giới hiện đại từ 1945 đến 1995, tập III, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
[4] Nguyễn Anh Thái (Chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Nguyễn Quốc Hùng, Vũ Ngọc Oanh, Đặng Thanh Toán, Trần Thị Vinh, 2009, Lịch sử thế giới hiện đại 1917 – 1995 (Tái bản lần thứ chín), Nxb Giáo dục Việt Nam.
[5] Nguyễn Khắc Thân (cb), 2002, Tập bài giảng về chủ nghĩa tư bản hiện đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[6] Arthur M. Schlesinger, (2004), Niên giám lịch sử Hoa Kỳ, Phạm Hữu Tiêu dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[7] Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Đinh Ngọc Bảo, Trần Thị Vinh, Đỗ Thanh Bình, 1995, Lịch sử Nhật Bản, Nxb Văn hóa thống tin, Hà Nội.
[8] Trần Thị Vinh, 2011, Chủ nghĩa tư bản thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI – Một cách tiếp cận lịch sử, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top