CHỦ NGHĨA DUY VẬT VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
1. Sự đối lập giữa chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm trong việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học
a. Triết học là gì?
Lịch sử loài người bắt đầu vào khoảng 2,6 triệu đến 2 triệu năm trước ở Đông và Nam Phi[1]. Nhưng mãi vào khoảng hơn 2500 năm trước, trong một số nền văn minh cổ đại, con người mới có quan hệ trực tiếp hơn với giới tự nhiên và cảm nhận được trong đó có các trật tự mà con người cần hoà nhập vào để sinh tồn. Các nhà thông thái[2] bắt đầu nêu các câu hỏi như thế giới xung quanh con người là gì? nguồn gốc, kết cấu và hình thức tồn tại của thế giới đó như thế nào? con người là gì và mối quan hệ của con người đối với thế giới đó ra sao? đặc thù của ý thức và cảm xúc của con người ở chỗ nào? Tôi có thể biết gì? Tôi cần phải làm gì? Tôi có thể hy vọng vào cái gì? Tôi sống vì cái gì và sống ra sao, làm thế nào để có cuộc sống thực sự hạnh phúc? v.v. Tìm những câu trả lời cho những câu hỏi trên là khởi nguồn của những tư tưởng triết học và thuật ngữ “Triết học” gồm hai yếu tố cơ bản là yếu tố nhận thức (sự hiểu biết về vũ trụ và con người; giải thích hiện thực bằng tư duy) và yếu tố nhận định (đánh giá về mặt đạo lý để có thái độ và hành động đúng).
Thời cổ đại, người Trung Quốc coi triết học là sự tìm tòi để nhận biết bản chất của thế giới và con người; người Ấn Độ coi triết học là con đường suy ngẫm để dắt con người đến với lẽ phải; người Hy Lạp coi triết học là yêu mến sự thông thái. Arítxtốt (384-322 tr.c.n) coi nguồn gốc của triết học là “sự ngạc nhiên (hay tính tò mò, hiếu kỳ)” của con người[3]. Xôcrát (469-399 tr.c.n) coi “sự trăn trở về tính tất yếu của cái chết” đã gây cảm hứng triết học. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, triết học hình thành trong hình thái ý thức tôn giáo đã có từ thời tiền sử mà mỗi thời đại thu nhận theo cách của mình. Triết học xuất hiện cả ở phương Đông và phương Tây gần như cùng một lúc, khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ VI trước Công nguyên (tr.c.n) ở một số nền văn minh như Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Trung Đông v.v, nhưng ở Hy Lạp là phát triển hơn cả. Theo các tác giả Hy Lạp cổ đại, khái niệm triết học xuất hiện trong các tác phẩm của Pitago (khoảng 571-447 tr.c.n); còn Platôn (427-347 tr.c.n) là người đầu tiên sử dụng khái niệm triết học với nghĩa là lĩnh vực đặc biệt của nhận thức.
Triết học là một trong những hình thái của ý thức xã hội; là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới; về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy[4]. Chủ nghĩa duy vật biện chứng là khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhất về sự vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy; đồng thời tiếp tục làm rõ vấn đề về mối quan hệ giữa tư duy với tồn tại. Nhiệm vụ của chủ nghĩa duy vật biện chứng là giải thích, nhận thức và cải tạo thế giới; xác định mối liên hệ giữa triết học với thực tiễn, cải tạo hiện thực, xây dựng xã hội mới.
b. Vấn đề cơ bản của triết học
Khái niệm vấn đề cơ bản của triết học. Bất kỳ một ngành khoa học nào cũng có hàng loạt vấn đề thuộc đối tượng nghiên cứu của mình; trong đó, có vấn đề đóng vai trò hỗ trợ, có vấn đề đóng vai trò quan trọng, lại có vấn đề đóng vai trò cực kỳ quan trọng đến mức nó là nền tảng, định hướng cho ngành khoa học ấy giải quyết những nội dung còn lại. Đó chính là vấn đề cơ bản của một ngành khoa học. Với tư cách là hệ thống tri thức lý luận chung nhất, triết học có hệ thống vấn đề của mình; trong đó, có vấn đề đóng vai trò là nền tảng, định hướng để giải quyết những vấn đề khác. Khởi điểm lý luận của bất kỳ học thuyết triết học nào đều là vấn đề về mối quan hệ giữa tư duy với tồn tại; giữa cái tinh thần với cái vật chất; giữa cái chủ quan với cái khách quan. Bởi vậy, trong tác phẩm Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của nền triết học cổ điển Đức (1886), Ph.Ăngghen viết “Vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại[5]”[6].
Vấn đề cơ bản của triết học có đặc điểm
1) Đó là vấn đề rộng nhất, chung nhất đóng vai trò nền tảng, định hướng để giải quyết những vấn đề khác.
2) Nếu không giải quyết được vấn đề này thì không có cơ sở để giải quyết các vấn đề khác, ít chung hơn của triết học.
3) Giải quyết vấn đề này như thế nào thể hiện thế giới quan của các nhà triết học và thế giới quan đó là cơ sở tạo ra phương hướng nghiên cứu và giải quyết những vấn đề còn lại của triết học.
c. Nội dung vấn đề cơ bản của triết học. Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm triết học
Nội dung vấn đề cơ bản của triết học thể hiện ở hai mặt.
- Mặt thứ nhất (mặt bản thể luận) vấn đề cơ bản của triết học giải quyết mối quan hệ giữa ý thức với vật chất. Cái gì sinh ra và quy định cái gì- thế giới vật chất sinh ra và quy định thế giới tinh thần; hoặc ngược lại, thế giới tinh thần sinh ra và quy định thế giới vật chất. Có các cách giải quyết mặt thứ nhất vấn đề cơ bản của triết học, tạo ra sự khác biệt mang tính nguyên tắc giữa triết học duy vật với triết học duy tâm; giữa triết học nhất nguyên với triết học nhị nguyên.
Cách giải quyết mặt thứ nhất vấn đề cơ bản của triết học là cơ sở phân chia các nhà triết học và các học thuyết của họ vào hai trường phái đối lập nhau là chủ nghĩa duy vật (materialis) và chủ nghĩa duy tâm (idea) triết học. "Các nhà triết học được chia ra thành hai phái chính. Những người khẳng định rằng, tinh thần tồn tại trước tự nhiên...- tạo nên phái duy tâm. Những người cho rằng, cơ sở ban đầu là tự nhiên, gia nhập vào các trường phái khác nhau của chủ nghĩa duy vật"[7]. Cuộc đấu tranh giữa hai chủ nghĩa này nói chung và của các trào lưu triết học khác nhau nói riêng, là biểu hiện về mặt tư tưởng của cuộc đấu tranh giai cấp và cuộc đấu tranh đó phản ánh tồn tại xã hội của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân trong xã hội, tạo nên nội dung chính của lịch sử triết học.
Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức còn được giải quyết
1) Tính thứ nhất của vật chất; tính thứ hai của ý thức.
2) Tính thứ nhất của ý thức; tính thứ hai của vật chất. Hai cách này đều thừa nhận tính thứ nhất của một nguyên thể (hoặc vật chất, hoặc ý thức) và thuộc về triết học nhất nguyên (còn gọi là nhất nguyên luận).
3) Vật chất và ý thức tồn tại hoàn toàn độc lập với nhau. Cách giải quyết này không thừa nhận tính thứ nhất của một nguyên thể nào, thuộc về triết học nhị nguyên (còn gọi là nhị nguyên luận). Triết học nhị nguyên giải thích thế giới từ hai xuất phát điểm, từ vật chất và tinh thần để giải thích mọi hiện tượng của thế giới; theo đó, thế giới vật chất sinh ra từ nguyên thể vật chất, thế giới tinh thần sinh ra từ nguyên thể tinh thần.
- Mặt thứ hai (mặt nhận thức luận) vấn đề cơ bản của triết học giải quyết mối quan hệ giữa khách thể với chủ thể nhận thức, tức trả lời câu hỏi liệu con người có khả năng nhận thức được thế giới (hiện thực khách quan) hay không? Giải quyết mặt này như thế nào chia các nhà triết học và các học thuyết của họ thành phái khả tri (có thể biết về thế giới), bất khả tri (không thể biết về thế giới) và hoài nghi luận (hoài nghi bản chất nhận thức của con người về thế giới). Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm đều thừa nhận sự tồn tại của cái phi vật chất; trong đó, chủ nghĩa duy vật coi cái phi vật chất là ý thức, tinh thần, là sản phẩm của dạng vật chất cụ thể (não người), là cái phản ánh vật chất, là cái bị vật chất quy định; chủ nghĩa duy tâm coi cái phi vật chất là thực thể siêu tự nhiên (không có nguồn gốc từ tự nhiên), thế giới vật chất là sản phẩm thuần trí của thực thể siêu tự nhiên này nên thế giới vật chất không có thực.
2. Chủ nghĩa duy vật biện chứng- hình thức phát triển cao nhất của chủ nghĩa duy vật
Trong lịch sử triết học, chủ nghĩa duy vật đã thể hiện trong ba hình thức cơ bản.
Hình thức cơ bản thứ nhất là chủ nghĩa duy vật chất phác, ra đời do kết quả nhận thức trực quan, coi vật chất chỉ là một hay nhiều dạng cụ thể của vật chất của các nhà triết học cổ đại. Chủ nghĩa duy vật này lấy tự nhiên để giải thích tự nhiên nên có tác dụng chống huyền thoại, tôn giáo, duy tâm.
Hình thức cơ bản thứ hai là chủ nghĩa duy vật siêu hình thể hiện trong triết học duy vật thế kỷ XV-XVIII và đạt đỉnh cao ở thế kỷ XIX, là kết quả sự tác động của những thành tựu trong lĩnh vực cơ học lên tư duy của các nhà triết học. Theo đó, thế giới là một cỗ máy khổng lồ mà mỗi bộ phận của nó tồn tại trong trạng thái cô lập với nhau. Hình thức này của chủ nghĩa duy vật này có tác dụng chống lại duy tâm, tôn giáo thời Trung cổ và là cơ sở cho những nghiên cứu từng bộ phận riêng lẻ của thế giới tổng thể.
Hình thức cơ bản thứ ba là chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Ngoài các hình thức cơ bản trên, trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa duy vật còn có chủ nghĩa duy vật tầm thường- không thấy sự khác biệt giữa vật chất với ý thức mà cho rằng ý thức cũng chỉ là một dạng của vật chất; trong lĩnh vực kinh tế, có chủ nghĩa duy vật kinh tế- xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX- coi kinh tế là cái duy nhất quyết định sự phát triển của xã hội v.v.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng là triết học Mác-Lênin; là cơ sở lý luận của thế giới quan khoa học; là khoa học về những quy luật chung nhất của sự vận động và phát triển trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Triết học Mác-Lênin là triết học duy vật, bởi vì triết học đó coi ý thức là tính chất của dạng vật chất có tổ chức cao là bộ não người. Nhiệm vụ của bộ não người là là phản ánh thế giới tự nhiên; sự phản ánh đó được gọi là biện chứng, bởi nhờ nó mà con người nhận thức được mối quan hệ qua lại chung nhất giữa các sự vật, hiện tượng của thế giới; đồng thời nhận thức được rằng, sự vận động và phát triển của thế giới là kết quả của các mâu thuẫn đang tồn tại bên trong thế giới đang vận động đó.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng là hình thức cao nhất trong các hình thức của chủ nghĩa duy vật. Nó khắc phục được tính trực quan, siêu hình, coi bản chất con người một cách trừu tượng của các hình thức triết học duy vật trước đó.
Bản chất của chủ nghĩa duy vật biện chứng thể hiện ở:
1) Giải quyết khoa học vấn đề cơ bản của triết học.
2) Có sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng tạo nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật biện chứng không chỉ là phương pháp giải thích, nhận thức thế giới, mà còn là phương pháp cải tạo thế giới của giai cấp công nhân.
3) Quan niệm duy vật về lịch sử là cuộc cách mạng trong học thuyết về xã hội.
4) Sự thống nhất giữa tính khoa học với tính cách mạng; lý luận với thực tiễn tạo nên tính sáng tạo của triết học Mác.
[1] G.N.Machusin: Nguồn gốc loài người. Nxb.Mir, Mátxcơva và Nxb.Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1986
[2] Người Hy Lạp cổ đại gọi các nhà triết học là các nhà thông thái
[3] Khoa Triết học, trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp: Triết học- hỏi và đáp. Nxb. Đà Nẵng, 2004, tr.16
[4] Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình Triết học Mác-Lênin. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2006, tr.8
[5] Lưu ý rằng tồn tại không hoàn toàn đồng nhất với vật chất (tồn tại gồm vật chất- cái có sẵn trong tự nhiên và vật chất do con người tạo ra; tồn tại của tinh thần (ý thức); tồn tại của con người- gồm phần vật chất và phần tinh thần). Khái niệm tồn tại được đồng nhất với vật chất ở đây có nghĩa là cái không phải tinh thần, mà đối lập với tinh thần
[6] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, 2004, t.21, tr.403
[7] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, 2004, t..21, tr..283
1. Sự đối lập giữa chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm trong việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học
a. Triết học là gì?
Lịch sử loài người bắt đầu vào khoảng 2,6 triệu đến 2 triệu năm trước ở Đông và Nam Phi[1]. Nhưng mãi vào khoảng hơn 2500 năm trước, trong một số nền văn minh cổ đại, con người mới có quan hệ trực tiếp hơn với giới tự nhiên và cảm nhận được trong đó có các trật tự mà con người cần hoà nhập vào để sinh tồn. Các nhà thông thái[2] bắt đầu nêu các câu hỏi như thế giới xung quanh con người là gì? nguồn gốc, kết cấu và hình thức tồn tại của thế giới đó như thế nào? con người là gì và mối quan hệ của con người đối với thế giới đó ra sao? đặc thù của ý thức và cảm xúc của con người ở chỗ nào? Tôi có thể biết gì? Tôi cần phải làm gì? Tôi có thể hy vọng vào cái gì? Tôi sống vì cái gì và sống ra sao, làm thế nào để có cuộc sống thực sự hạnh phúc? v.v. Tìm những câu trả lời cho những câu hỏi trên là khởi nguồn của những tư tưởng triết học và thuật ngữ “Triết học” gồm hai yếu tố cơ bản là yếu tố nhận thức (sự hiểu biết về vũ trụ và con người; giải thích hiện thực bằng tư duy) và yếu tố nhận định (đánh giá về mặt đạo lý để có thái độ và hành động đúng).
Thời cổ đại, người Trung Quốc coi triết học là sự tìm tòi để nhận biết bản chất của thế giới và con người; người Ấn Độ coi triết học là con đường suy ngẫm để dắt con người đến với lẽ phải; người Hy Lạp coi triết học là yêu mến sự thông thái. Arítxtốt (384-322 tr.c.n) coi nguồn gốc của triết học là “sự ngạc nhiên (hay tính tò mò, hiếu kỳ)” của con người[3]. Xôcrát (469-399 tr.c.n) coi “sự trăn trở về tính tất yếu của cái chết” đã gây cảm hứng triết học. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, triết học hình thành trong hình thái ý thức tôn giáo đã có từ thời tiền sử mà mỗi thời đại thu nhận theo cách của mình. Triết học xuất hiện cả ở phương Đông và phương Tây gần như cùng một lúc, khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ VI trước Công nguyên (tr.c.n) ở một số nền văn minh như Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Trung Đông v.v, nhưng ở Hy Lạp là phát triển hơn cả. Theo các tác giả Hy Lạp cổ đại, khái niệm triết học xuất hiện trong các tác phẩm của Pitago (khoảng 571-447 tr.c.n); còn Platôn (427-347 tr.c.n) là người đầu tiên sử dụng khái niệm triết học với nghĩa là lĩnh vực đặc biệt của nhận thức.
Triết học là một trong những hình thái của ý thức xã hội; là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới; về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy[4]. Chủ nghĩa duy vật biện chứng là khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhất về sự vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy; đồng thời tiếp tục làm rõ vấn đề về mối quan hệ giữa tư duy với tồn tại. Nhiệm vụ của chủ nghĩa duy vật biện chứng là giải thích, nhận thức và cải tạo thế giới; xác định mối liên hệ giữa triết học với thực tiễn, cải tạo hiện thực, xây dựng xã hội mới.
b. Vấn đề cơ bản của triết học
Khái niệm vấn đề cơ bản của triết học. Bất kỳ một ngành khoa học nào cũng có hàng loạt vấn đề thuộc đối tượng nghiên cứu của mình; trong đó, có vấn đề đóng vai trò hỗ trợ, có vấn đề đóng vai trò quan trọng, lại có vấn đề đóng vai trò cực kỳ quan trọng đến mức nó là nền tảng, định hướng cho ngành khoa học ấy giải quyết những nội dung còn lại. Đó chính là vấn đề cơ bản của một ngành khoa học. Với tư cách là hệ thống tri thức lý luận chung nhất, triết học có hệ thống vấn đề của mình; trong đó, có vấn đề đóng vai trò là nền tảng, định hướng để giải quyết những vấn đề khác. Khởi điểm lý luận của bất kỳ học thuyết triết học nào đều là vấn đề về mối quan hệ giữa tư duy với tồn tại; giữa cái tinh thần với cái vật chất; giữa cái chủ quan với cái khách quan. Bởi vậy, trong tác phẩm Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của nền triết học cổ điển Đức (1886), Ph.Ăngghen viết “Vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại[5]”[6].
Vấn đề cơ bản của triết học có đặc điểm
1) Đó là vấn đề rộng nhất, chung nhất đóng vai trò nền tảng, định hướng để giải quyết những vấn đề khác.
2) Nếu không giải quyết được vấn đề này thì không có cơ sở để giải quyết các vấn đề khác, ít chung hơn của triết học.
3) Giải quyết vấn đề này như thế nào thể hiện thế giới quan của các nhà triết học và thế giới quan đó là cơ sở tạo ra phương hướng nghiên cứu và giải quyết những vấn đề còn lại của triết học.
c. Nội dung vấn đề cơ bản của triết học. Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm triết học
Nội dung vấn đề cơ bản của triết học thể hiện ở hai mặt.
- Mặt thứ nhất (mặt bản thể luận) vấn đề cơ bản của triết học giải quyết mối quan hệ giữa ý thức với vật chất. Cái gì sinh ra và quy định cái gì- thế giới vật chất sinh ra và quy định thế giới tinh thần; hoặc ngược lại, thế giới tinh thần sinh ra và quy định thế giới vật chất. Có các cách giải quyết mặt thứ nhất vấn đề cơ bản của triết học, tạo ra sự khác biệt mang tính nguyên tắc giữa triết học duy vật với triết học duy tâm; giữa triết học nhất nguyên với triết học nhị nguyên.
Cách giải quyết mặt thứ nhất vấn đề cơ bản của triết học là cơ sở phân chia các nhà triết học và các học thuyết của họ vào hai trường phái đối lập nhau là chủ nghĩa duy vật (materialis) và chủ nghĩa duy tâm (idea) triết học. "Các nhà triết học được chia ra thành hai phái chính. Những người khẳng định rằng, tinh thần tồn tại trước tự nhiên...- tạo nên phái duy tâm. Những người cho rằng, cơ sở ban đầu là tự nhiên, gia nhập vào các trường phái khác nhau của chủ nghĩa duy vật"[7]. Cuộc đấu tranh giữa hai chủ nghĩa này nói chung và của các trào lưu triết học khác nhau nói riêng, là biểu hiện về mặt tư tưởng của cuộc đấu tranh giai cấp và cuộc đấu tranh đó phản ánh tồn tại xã hội của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân trong xã hội, tạo nên nội dung chính của lịch sử triết học.
Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức còn được giải quyết
1) Tính thứ nhất của vật chất; tính thứ hai của ý thức.
2) Tính thứ nhất của ý thức; tính thứ hai của vật chất. Hai cách này đều thừa nhận tính thứ nhất của một nguyên thể (hoặc vật chất, hoặc ý thức) và thuộc về triết học nhất nguyên (còn gọi là nhất nguyên luận).
3) Vật chất và ý thức tồn tại hoàn toàn độc lập với nhau. Cách giải quyết này không thừa nhận tính thứ nhất của một nguyên thể nào, thuộc về triết học nhị nguyên (còn gọi là nhị nguyên luận). Triết học nhị nguyên giải thích thế giới từ hai xuất phát điểm, từ vật chất và tinh thần để giải thích mọi hiện tượng của thế giới; theo đó, thế giới vật chất sinh ra từ nguyên thể vật chất, thế giới tinh thần sinh ra từ nguyên thể tinh thần.
- Mặt thứ hai (mặt nhận thức luận) vấn đề cơ bản của triết học giải quyết mối quan hệ giữa khách thể với chủ thể nhận thức, tức trả lời câu hỏi liệu con người có khả năng nhận thức được thế giới (hiện thực khách quan) hay không? Giải quyết mặt này như thế nào chia các nhà triết học và các học thuyết của họ thành phái khả tri (có thể biết về thế giới), bất khả tri (không thể biết về thế giới) và hoài nghi luận (hoài nghi bản chất nhận thức của con người về thế giới). Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm đều thừa nhận sự tồn tại của cái phi vật chất; trong đó, chủ nghĩa duy vật coi cái phi vật chất là ý thức, tinh thần, là sản phẩm của dạng vật chất cụ thể (não người), là cái phản ánh vật chất, là cái bị vật chất quy định; chủ nghĩa duy tâm coi cái phi vật chất là thực thể siêu tự nhiên (không có nguồn gốc từ tự nhiên), thế giới vật chất là sản phẩm thuần trí của thực thể siêu tự nhiên này nên thế giới vật chất không có thực.
2. Chủ nghĩa duy vật biện chứng- hình thức phát triển cao nhất của chủ nghĩa duy vật
Trong lịch sử triết học, chủ nghĩa duy vật đã thể hiện trong ba hình thức cơ bản.
Hình thức cơ bản thứ nhất là chủ nghĩa duy vật chất phác, ra đời do kết quả nhận thức trực quan, coi vật chất chỉ là một hay nhiều dạng cụ thể của vật chất của các nhà triết học cổ đại. Chủ nghĩa duy vật này lấy tự nhiên để giải thích tự nhiên nên có tác dụng chống huyền thoại, tôn giáo, duy tâm.
Hình thức cơ bản thứ hai là chủ nghĩa duy vật siêu hình thể hiện trong triết học duy vật thế kỷ XV-XVIII và đạt đỉnh cao ở thế kỷ XIX, là kết quả sự tác động của những thành tựu trong lĩnh vực cơ học lên tư duy của các nhà triết học. Theo đó, thế giới là một cỗ máy khổng lồ mà mỗi bộ phận của nó tồn tại trong trạng thái cô lập với nhau. Hình thức này của chủ nghĩa duy vật này có tác dụng chống lại duy tâm, tôn giáo thời Trung cổ và là cơ sở cho những nghiên cứu từng bộ phận riêng lẻ của thế giới tổng thể.
Hình thức cơ bản thứ ba là chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Ngoài các hình thức cơ bản trên, trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa duy vật còn có chủ nghĩa duy vật tầm thường- không thấy sự khác biệt giữa vật chất với ý thức mà cho rằng ý thức cũng chỉ là một dạng của vật chất; trong lĩnh vực kinh tế, có chủ nghĩa duy vật kinh tế- xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX- coi kinh tế là cái duy nhất quyết định sự phát triển của xã hội v.v.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng là triết học Mác-Lênin; là cơ sở lý luận của thế giới quan khoa học; là khoa học về những quy luật chung nhất của sự vận động và phát triển trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Triết học Mác-Lênin là triết học duy vật, bởi vì triết học đó coi ý thức là tính chất của dạng vật chất có tổ chức cao là bộ não người. Nhiệm vụ của bộ não người là là phản ánh thế giới tự nhiên; sự phản ánh đó được gọi là biện chứng, bởi nhờ nó mà con người nhận thức được mối quan hệ qua lại chung nhất giữa các sự vật, hiện tượng của thế giới; đồng thời nhận thức được rằng, sự vận động và phát triển của thế giới là kết quả của các mâu thuẫn đang tồn tại bên trong thế giới đang vận động đó.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng là hình thức cao nhất trong các hình thức của chủ nghĩa duy vật. Nó khắc phục được tính trực quan, siêu hình, coi bản chất con người một cách trừu tượng của các hình thức triết học duy vật trước đó.
Bản chất của chủ nghĩa duy vật biện chứng thể hiện ở:
1) Giải quyết khoa học vấn đề cơ bản của triết học.
2) Có sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng tạo nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật biện chứng không chỉ là phương pháp giải thích, nhận thức thế giới, mà còn là phương pháp cải tạo thế giới của giai cấp công nhân.
3) Quan niệm duy vật về lịch sử là cuộc cách mạng trong học thuyết về xã hội.
4) Sự thống nhất giữa tính khoa học với tính cách mạng; lý luận với thực tiễn tạo nên tính sáng tạo của triết học Mác.
[1] G.N.Machusin: Nguồn gốc loài người. Nxb.Mir, Mátxcơva và Nxb.Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1986
[2] Người Hy Lạp cổ đại gọi các nhà triết học là các nhà thông thái
[3] Khoa Triết học, trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp: Triết học- hỏi và đáp. Nxb. Đà Nẵng, 2004, tr.16
[4] Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình Triết học Mác-Lênin. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2006, tr.8
[5] Lưu ý rằng tồn tại không hoàn toàn đồng nhất với vật chất (tồn tại gồm vật chất- cái có sẵn trong tự nhiên và vật chất do con người tạo ra; tồn tại của tinh thần (ý thức); tồn tại của con người- gồm phần vật chất và phần tinh thần). Khái niệm tồn tại được đồng nhất với vật chất ở đây có nghĩa là cái không phải tinh thần, mà đối lập với tinh thần
[6] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, 2004, t.21, tr.403
[7] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, 2004, t..21, tr..283