Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Chữ hiếu và phong tục thờ cúng của người Việt Nam
Việc thờ cúng tổ tiên ở nước ta đã có từ rất lâu đời, được duy trì từ đời này qua đời khác, trở thành đạo lý, tập tục, truyền thống thấm sâu trong tiềm thức mỗi con người Việt Nam. Cố vấn Phạm Văn Đồng cho rằng: "Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam ta không có tôn giáo theo nghĩa thông thường của nhiều nước khác. Còn nói tôn giáo là thờ cúng tổ tiên thì mọi người đều thờ cúng ông, bà, mọi người đều thờ cúng tổ tiên..., từ góc độ văn hóa, tôi thấy đây là một đặc trưng đáng trọng của con người Việt Nam, ở chỗ nó tưởng nhớ những người có công trạng trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay của mọi người, gia đình, làng xóm".
Thờ cúng tổ tiên là thông qua những lễ nghi để tỏ lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ đã khuất. Trong tâm thức nhiều người Việt Nam tin rằng, tuy đã mất, nhưng vong hồn tổ tiên vẫn còn bên con cháu, che chở, nhắc nhở động viên mình. Do đó thờ cúng tổ tiên là đạo lý ở đời, là "đạo nhà" của người Việt Nam.
Thờ cúng tổ tiên là lễ nghi thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên mỗi khi tuần tiết, giỗ kỵ, hoặc mùa có quả mới, gạo mới, hoặc trong nhà có việc trọng như ma chay, cưới xin, làm nhà, đi xa... Việc to, nhỏ tùy theo mà sắm lễ cúng, có thể làm cỗ mặn, cỗ chay hoặc chỉ lưng cơm, quả trứng, miễn là thành tâm. Như vậy, thờ cúng tổ tiên là sự thực hành chữ Hiếu, đạo Hiếu, bởi đối với người Việt Nam:
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.
Nho giáo và Phật giáo Việt Nam đều coi trọng chữ Hiếu. Theo Phật giáo, con cái không chỉ hiếu thuận cha mẹ một ngày mà là cả đời mình. Người Việt Nam theo Thiên chúa giáo cũng luôn kính hiếu với cha mẹ, tổ tiên. Ngày giỗ, nhiều tín đồ đến nhà thờ cầu nguyện cho hương hồn đã khuất, họ đi đắp mộ, đặt hoa tưởng nhớ tổ tiên. Chữ Hiếu không chỉ đơn thuần là cúng tiến, lễ lạt mà được cụ thể hóa bằng cách đối nhân xử thế với người đang sống. Từ ngàn xưa, ông cha ta đã có câu "sống thì chẳng cho ăn, đến khi chết mới làm văn tế ruồi" để chê bai những kẻ làm con không biết giữ tròn đạo hiếu khi ông bà, cha mẹ còn sống.
Kính hiếu với cha mẹ là thể hiện sự phụng dưỡng cha mẹ lúc về già, đừng nên "con nuôi cha mẹ con kể từng ngày". Con cháu lúc bé thì "cậy cha" nương dựa vào ông, bà, cha mẹ, lúc về già thì "cậy con" trông nhờ sự phụng dưỡng, chăm sóc của con cháu.
Con cháu hiếu với tổ tiên không phải chỉ dừng lại ở lòng biết ơn, sự phụng dưỡng mà còn phải rèn luyện để nên người vì người già vẫn quan niệm "con hơn cha là nhà có phúc".
Những năm gần đây, nhất là từ khi đổi mới, việc thờ cúng tổ tiên được nhiều người chú trọng. Đó là nét nghĩa của người Việt Nam, nó khơi gợi cho thế hệ sau đạo lý "uống nước nhớ nguồn", sống phải có tình nghĩa, trước sau. Song việc thờ cúng tổ tiên ở nhiều nơi, nhiều gia đình họ tộc có biểu hiện hơi thái quá. Có tiền của nhiều người xây mồ mả to vừa tốn kém lại vừa hạn chế đất canh tác. Mồ mả cần "yên", "đẹp" chứ đâu cần to. Cái kính hiếu ở tâm linh và để tưởng nhớ, răn dạy con cháu chứ đâu phải cỗ bàn linh đình. Nếu quá chén, cãi vã, bất hòa trong tổ chức cúng giỗ thì càng làm tủi hổ tổ tiên, cần có sự hướng dẫn bằng dư luận, bằng hương ước mới của làng xã làm cho cái tinh túy ngàn xưa để lại càng tinh túy hơn trong thời đại mới. Đó là việc làm của cả cộng đồng, xã hội.
Chữ Hiếu không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, họ tộc mà còn được mở ra trong phạm vi làng nước. Thành Hoàng làng là người có công tạo dựng, phát triển cuộc sống của cả làng, hoặc có thể là người có công với nước được các cụ tổ xưa trong làng tôn thờ làm Thành Hoàng.
Gia đình - làng - nước trong tâm linh người Việt bao đỗi thân thương, gắn quyện với nhau trong cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch họa. Họ có tổ họ, làng có Thành Hoàng, nước có Tổ nước. Vua Hùng là Tổ của muôn dân nước Việt. Ngày 10-3 âm lịch hàng năm, người Việt từ khắp nơi, cả ở nước ngoài "về viếng Tổ là tỏ lòng kính hiếu tổ tiên, nhân thêm tình yêu thương con người, xứ sở". Bác Hồ căn dặn chúng ta "Vua Hùng là người có công dựng nước ta. Như vậy Vua Hùng chính là ông Tổ của nước Việt Nam. Uống nước phải nhớ nguồn, con cháu thì phải nhớ đến tổ tiên. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước! Đó mới là uống nước nhớ nguồn, mới là nhớ tổ tiên vậy".
Đối với các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến, các địa phương đều có nghĩa trang liệt sĩ để ghi công, tưởng nhớ. Ngoài phần bia mộ của các liệt sĩ còn có các bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ vô danh. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được khởi công xây dựng ngày 2-9-1993 và khánh thành ngày 29-8-1993 là ví dụ điển hình của phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trong cả nước.
Việc xây dựng nhà tình nghĩa nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ các gia đình có công với nước cũng thể hiện sinh động đạo lý "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của nhân dân ta. Bao việc làm hiếu nghĩa khác trên khắp nước ta không những chỉ với gia đình, họ hàng mà còn với một cộng đồng rộng lớn: Tổ quốc. Những việc làm hiếu nghĩa ấy cần được làm thường xuyên, sâu rộng, được khuyến khích, trân trọng.
(Theo Trần Đăng Sinh-Khoa Giáo dục Chính trị - Trường ĐHSP HN)