Chợ Giời Hà Nội

Bút Nghiên

ButNghien.com
Chợ Giời của Hà Nội có từ rất sớm. Nó chẳng giống như các chợ khác như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Bưởi... Nó vội vàng thay đổi nơi chốn, tụ họp vào một nơi rồi mở rộng một cách rất “thời sự”.

Thoạt đầu là sau ngày Nhật đảo chính Pháp (1945). Rồi đến khi ta tiếp quản Thủ đô, hiệp định Geneve được ký kết, đến phong trào Nam tiến của hàng triệu người... cứ mỗi đợt lại thêm người bán và kẻ mua. Hàng hóa mọi mặt lại phong phú hơn. Chợ được họp ở góc phố Thiền Quang, phố Quang Trung, mở rộng ra quanh hồ, chạy sang phố Hồ Xuân Hương. Có chợ ở gần nhà máy Trần Hưng Đạo rồi bị “đuổi” vào bãi than gần trường Đoàn Kết. Nó còn giữ được cái tên chợ Đuổi cho đến giờ. Nơi họp chợ tập trung tại bãi than rộng rãi, hoang vu không hợp với đặc trưng của một cái chợ. Thế là mọi người tràn ra phía chùa Vua Đế Thích, lấy dân làm trung tâm rồi toả ra mọi phía như là những chiếc nan hoa của một chiếc bánh xe đạp khổng lồ. Nơi đây kề cạnh với những trục đường cái quan, đường chính. Có thể tiến được mà cũng có thể thoái được theo nhiều ngả. Chợ họp từ sáng sớm đến khi thành phố lên đèn, thậm chí đến cả đêm. Suốt ngày nhộn nhịp, mua nhanh, bán nhanh theo tình hình trong nước có những biến chuyển và cả tình trạng kẻ ở người đi... Lúc này chợ Giời còn gọi là chợ Trời ơi đất hỡi.

Có những cô gái ở phương trời nào không biết cũng xô đến, làm quen, bắt mối hoặc buôn bán với khách mày râu, lãng tử làm cái trò nửa thương nghiệp nửa ái tình. Lại có những người có duyên, kiếm được tiền mời nhau đi nhậu nhẹt, mời các cô ả đi đập phá. Trời cho ấy mà. Chẳng ai từ chối. Đến năm 1955, chợ Giời mới được thành lập một cách chính thức. Chợ Giời có đủ các loại mặt hàng “thượng vàng hạ cám”, khách có thể mua phụ tùng để lắp chừng 10 cái xe đạp, nhưng nếu cần, khách có thể mua 1 chiếc nan hoa, một ốc tanh, con vít... Cũng xin có ngay với giá “mềm”. Ở đây, bạn có thể mua từ chiếc kim hoạn lợn đến các máy móc tinh vi, đắt tiền. Người ta có thể “chạy” cho bạn những mặt hàng “chua” nhất mà không đâu có. Từ năm 1955 trở đi, chợ Giời đã là một cái chợ quy củ mà tầm cỡ của nó làm cho cả nước biết đến. Nó có nhiều ưu điểm mà các chợ khác không thể có. Nhưng thực ra đến năm 1980, nó mới thực sự trưởng thành. chợ được mở rộng ra nhiều. Ngoài khu trung tâm, nó còn kéo theo ra đường lớn trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ với hai dãy dài gồm gần 500 hộ, kéo ra phố 235 và cạnh trường Đoàn Kết, hai dãy các đồ phụ tùng ô tô xe máy, ti vi, điện tử, đầu máy ti vi, cát sét và lúc nào cũng có chừng 500 chiếc xe đạp bán... Kể cả dãy Phố Thịnh Yên và toàn bộ chợ Giời nay gồm ngót 2000 hộ.

Các lều lán đều bằng cột thép lợp mái tôn ngay ngắn. Nó đã được ổn định. Từ gần chục năm lại đây những hộ buôn bán ở chợ Giời đã có đời sống ổn định thậm chí còn khá thầm là khác. Họ buôn bán rất hiện đại. Có nhiều người đã rút khỏi chợ Giời hoặc vẫn giữ chỗ nhưng mua bán lại thực hiện ở nơi khác... Họ thực hiện những hợp đồng lớn với hầu hết các tỉnh trong cả nước. Họ buôn bán qua điện thoại. Nhiều người đã mở khách sạn, xây biệt thự. 50% số hộ chợ. Giời buôn bán với mức tiêu thụ nhanh, có nhiều mối hàng, có mức sống khá cao nhưng cần kiệm để có thể buôn được càng ngày càng lớn hơn. Số hộ buôn bán còn lại 30% là những hộ cầm cự với cuộc sống hàng ngày. Lưng vốn của họ có chừng từ 5 đến 10 triệu, vừa buôn vừa vay nóng, vay nguội. Tuy vậy, mức sống của họ cũng không đến nỗi. Tất cả các hộ dù giàu dù nghèo đều phải cộng tác gần guĩ với những người bỏ vốn và những người cầm cái họ. Đó là những con người rất thạo đời, biết làm cho đồng tiền nảy nở. Họ có chăng đóng góp tích cực vào thị trường. Họ sống rất quần chúng. Luôn nhắc đến câu: “Ăn mày là ai, ăn mày là ta. Đói cơm rách áo thì ra ăn mày”. Hoặc câu: “Tiền có khi làm cho người ta hư hỏng, nhưng tiền cũng làm cho con người ta trở nên tốt hơn”.

Các hàng sách, báo bán được nhiều ở chợ Giời. Nhất là khi có những tin tức đặc biệt, như tin về cúp bóng đá thế giới, tin về vụ cháy ở chợ Đồng Xuân chẳng hạn. Những người cho thuê truyện và bán vé sổ xổ cũng đến tận các quầy hàng để “chào hàng”. Đã từ mấy năm nay, do chính sách mở cửa, khuyến khích buôn bán, ở Hà Nội đâu cũng là chợ. Tuy vậy, chợ Giời vẫn có thế mạnh của nó, sự hấp dẫn của nó và nó luôn luôn tồn tại.

( Theo Hà Nội , văn hoá và phong tục )​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top