• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chia Sẻ Chien Tranh Thuốc Phiện và cuộc đấu tranh chống Xâm Lược Của nhân dân TRung Quốc

Trang Dimple

New member
Xu
38
Từ thế kỷ XVII và nhất là thế kỷ XVIII, XIX các nước thực dân phương Tây ra sức chiếm đoạt thị trường thế giới. Ở châu Á, các nước Ấn Độ, Inđônêxia, Mã Lai, Miến Điện... đã bị các nước đế quốc giành nhau thôn tính. Trung Quốc trở thành miếng mồi chính cho bọn đế quốc phân chia. Ở châu Á, nhiều nước phong kiến thi hành chính sách đóng cửa tuyệt giao để tự vệ. Đó là biện pháp tự vệ thụ động mang tính chất lạc hậu, không tạo được thực lực để chống xâm lược.

1. Nạn thuốc phiện tràn vào Trung Quốc và cuộc đấu tranh đòi cấm thuốc phiện do Lâm Tắc Từ đứng đầu

Từ thế kỷ XVII và nhất là thế kỷ XVIII, XIX các nước thực dân phương Tây ra sức chiếm đoạt thị trường thế giới. Ở châu Á, các nước Ấn Độ, Inđônêxia, Mã Lai, Miến Điện... đã bị các nước đế quốc giành nhau thôn tính. Trung Quốc trở thành miếng mồi chính cho bọn đế quốc phân chia. Ở châu Á, nhiều nước phong kiến thi hành chính sách đóng cửa tuyệt giao để tự vệ. Đó là biện pháp tự vệ thụ động mang tính chất lạc hậu, không tạo được thực lực để chống xâm lược.

Chính quyền Mãn Thanh ra lệnh phong tỏa các miền duyên hải, cấm buôn bán với ngoại quốc. Nhưng thực dân phương Tây khao khát thị trường rộng lớn để tiêu thụ hàng hóa, vơ vét của cải, hàng hóa, tăng thêm lợi nhuận. Ba nước tư bản có nhiều tham vọng nhất trong việc xâm chiếm Trung Quốc là Anh, Pháp, Mỹ. Để chống lại chính sách đóng cửa của Trung Quốc, thực dân Anh tìm mọi cách mở toang cánh cửa bằng việc buôn bán thuốc phiện, món hàng mang lại lợi nhuận khổng lồ. Đầu tiên, người Bồ Đào Nha và Hà Lan bán thuốc phiện cho Trung Quốc.

Lúc đầu chỉ có quan lại và bọn ăn chơi ở Trung Quốc hút thuốc phiện. Nhưng sau đó, số người hút ngày càng nhiều, không chỉ đàn ông, mà cả đàn bà cũng hút. Tác hại của thuốc phiện làm cho kinh tế Trung Quốc sa sút, bạc trắng bị chạy ra ngoài khá nhiều. Ở vùng Vân Nam, Giang Nam cũng bắt đầu có người kinh doanh thuốc phiện, trồng cây thuốc phiện. Tình trạng này ảnh hưởng đến kinh doanh thương nghiệp và đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.

Nạn thuốc phiện tràn vào Trung Quốc đã phá hoại xã hội Trung Quốc một cách trầm trọng, nhân dân đói khổ, càng bị áp bức bóc lột nặng nề. Quan lại Mãn Thanh tham ô, hà hiếp nhân dân, không thiết gì đến kỷ cương, tiếp tay cho bọn buôn bán thuốc phiện. Quân đội thì hút sách, nhũng nhiễu nhân dân không còn sức chiến đấu. Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị nô dịch. Nhân dân Trung Quốc muốn kiên quyết chống tệ nạn thuốc phiện đang hủy hoại đời sống vật chất và tinh thần. Vì quyền lợi khác nhau, trong triều đình Mãn Thanh đã chia thành 3 phái :

a) Phái thỏa hiệp hay là phái giữa chủ trương chỉ cấm quan lại hút thuốc phiện mà không cấm nhân dân.

b) Phái đầu hàng gồm quan lại quý tộc Mãn được nhiều lợi lộc do thương nhân Anh hối lộ và do buôn bán thuốc phiện đem lại, chủ trương mở cửa tự do buôn bán và hút thuốc phiện.

c) Phái kiên quyết do Lâm Tắc Từ và Hoàng Tước Tư đứng đầu đại diện cho những phần tử có ý thức dân tộc.

Trong phong trào đấu tranh đòi cấm thuốc phiện, phái này đứng về phía nhân dân chống lại xu hướng đầu hàng. Đồng thời họ phát động phong trào đấu tranh chống sự xâm nhập của nước ngoài, bảo vệ quyền độc lập và tự chủ. Phong trào đấu tranh đòi cấm thuốc phiện của nhân dân đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính quyền Mãn Thanh. Phái cương quyết do Lâm Tắc Từ giành được ưu thế.

Ngày 31-121838, vua Đạo Quang phái Lâm Tắc Từ làm khâm sai đại thần tại Quảng Châu để thực hiện việc cấm thuốc phiện một cách triệt để. Nhận lệnh của triều đình, mùa xuân năm 1839 Lâm Tắc Từ đến Quảng Châu tổ chức ngăn chặn nạn thuốc phiện, hạn chế buôn bán và giao tiếp với các nước. Là đại biểu của tầng lớp đại địa chủ có ý thức dân tộc, Lâm Tắc Từ biết dựa vào lực lượng nhân dân, tổ chức quần chúng đề phòng chiến tranh và kiên quyết thực hiện chính sách cấm thuốc phiện.

Ông ra lệnh cho thương nhân Anh và các nước khác phải nộp hết số thuốc phiện còn lại, nếu trái lệnh sẽ nghiêm trị. Đồng thời ông buộc thương nhân nước ngoài cam kết không bao giờ chở thuốc phiện đến bán nữa. Để tạo sức mạnh cho mình và đề phòng bọn đế quốc gây chiến, Lâm Tắc Từ củng cố lực lượng quân sự, tăng cường phòng ngự các cửa biển, khuyến khích nhân dân ven biển và vùng cửa khẩu tổ chức lực lượng dân binh. Hàng vạn nhân dân vũ trang được huy động trong công cuộc bảo vệ đất nước.

Trước thái độ kiên quyết của phái Lâm Tắc Từ và sức mạnh của quần chúng nhân dân, thương nhân Anh buộc phải đem nộp toàn bộ số thuốc phiện hơn 2 vạn hòm và bị thiêu hủy ròng rã 20 ngày đêm trong tiếng reo hò phấn khởi của nhân dân.


Cuộc đấu tranh cấm thuốc phiện đã nổ ra quyết liệt. Bọn thương nhân Anh tạm thời buộc phải nộp hết thuốc phiện cho Lâm Tắc Từ. Nhưng thực dân Anh và bọn quan lại câu kết với nhau không cam chịu để mất nguồn lợi lớn đó. Chúng tìm mọi cách đánh bại phái chống đối, lấy vấn đề thuốc phiện làm cái cớ để gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc.

2. Chiến tranh bùng nổ

Sau khi nhận được những báo cáo từ Trung Quốc, tháng 4 năm 1840, Quốc hội Anh thông qua ngân sách, tổ chức một đội quân xâm lược sang Trung Quốc do Sáclơ Enliốt cầm đầu. Tháng 6 năm 1840, đội quân viễn chinh phương Đông của Anh gồm 15.000 người và hơn 40 tàu chiến đến Quảng Châu. Cuộc chiến đấu xảy ra trên cửa sông Châu Giang rất ác liệt. Enliốt và đội quân viễn chinh không thu được thắng lợi. Quân Anh chuyển lên Phúc Kiến, đánh chiếm Hạ Môn. Nhưng ở đây chúng cũng gặp phải một lực lượng quân Trung Quốc mạnh do tổng đốc Đặng Đình Trinh chống lại, nên chúng phải chuyển lên Giang Triết. Ngày 27 đánh chiếm Định Hải tàn phá và cướp bóc thị trấn này. Sự phân bố lực lượng của Mãn Thanh càng lên phía bắc càng yếu, nguyên nhân vì toàn bộ quyền bính nằm trong tay phái đầu hàng quý tộc người Mãn. Tháng 8-1840, quân Anh hành quân lên vùng Trực Lệ, uy hiếp cửa sông Bắc Hà, Thiên Tân.

Tổng đốc Trực Lệ chủ trương thỏa hiệp, sau khi nhận được thư của bọn thực dân Anh dọa nạt, yêu cầu thông thương, liền tâu lên vua Đạo Quang xin cầu hòa. Triều đình Mãn Thanh hết sức run sợ. Khâm sai đại thần Xixan đến Quảng Đông sai phá bỏ tất cả công sự phòng thủ, giảm bớt binh thuyền, giải tán lực lượng dân binh. Bằng hành động trên, Xixan hy vọng Anh sẽ bằng lòng thương lượng. Nhưng thực dân Anh đã lấn tới khi biết triều đình Mãn Thanh nhu nhược. Chúng đánh úp Hổ Môn (2-1841), sau đó tấn công Quảng Châu (5-1841), ép buộc Mãn Thanh nhận hiệp ước bồi thường chiến tranh.


3. Đấu tranh của nhân dân Tam Nguyên Lí (Bình Anh Đoàn)

Ngày 30-5-1841, nhân dân 103 thôn vùng Tam Nguyên Lí (Quảng Châu) tập hợp lại, lấy cờ miếu làm cờ nghĩa, nổi dậy chống thực dân Anh để bảo vệ xóm làng. Lãnh đạo cuộc đấu tranh là lực lượng trí thức phong kiến địa phương và địa chủ nhỏ. Lực lượng tham gia là toàn thể nông dân 103 thôn.

Đội Nghĩa dũng lên tới hơn 5000 người, kéo đến pháo đài của Anh khiêu chiến. Bọn Anh chủ quan đem 1000 quân ra đánh, quân Nghĩa dũng lui về Tam Nguyên Lí. Quân Anh tưởng nhân đà thắng đập tan nốt lực lượng chống đối.

Nhưng khi đuổi theo đến Tam Nguyên Lí thì bốn bề chiêng trống nổi dậy, nhân dân từ mọi ngả vác cuốc xẻng, dao búa chạy ra vây chặt lấy quân Anh. 5000 quân Nghĩa dũng quay lại cắt quân Anh ra nhiều tốp để tiêu diệt. Trời mưa, súng ướt, đường trơn, quân Anh muốn lui cũng không có đường thoát. Tin quân Anh bị vây khốn làm nhân dân cả vùng Tam Nguyên Lí nức lòng. Họ tập hợp dưới cờ chiến thắng càng đông và chiến đấu rất anh dũng.

Ngày 31-5 quân Nghĩa dũng lại tấn công địch, giết chết thêm 2 sĩ quan và 200 lính Anh. Cuộc đấu tranh chống Anh của nhân dân Tam Nguyên Lí mang tính tự phát chống xâm lược đầu tiên của nhân dân Trung Quốc.

Tuy bị bọn thống trị Mãn Thanh đầu hàng phá hoại, nhưng cuộc đấu tranh đã để lại cho lịch sử Trung Quốc những trang vẻ vang. Nó cổ vũ phong trào đấu tranh chống xâm lược làm cho nhân dân hiểu rằng “không thể chờ quan binh”, “quân giặc không đáng sợ”. Nhân dân vùng Tam Nguyên Lí đã tổng kết hiện thực lúc bấy giờ trong câu ca hài hước của mình “Dân sợ quan, quan sợ giặc, giặc sợ dân”.


Bọn xâm lược Anh sau đòn choáng váng ở Tam Nguyên Lí, lại thêm tình hình Quảng Châu không an toàn, nên tháng 6 năm đó, buộc phải kéo về Hổ Môn.


4. Thực dân Anh mở rộng chiến tranh xâm lược và điều ước Nam Kinh

Tháng 4-1841 Chính phủ Luân Đôn nhận được bản dự thảo điều ước Xuyên Ti. Nhưng tư bản Anh không vừa lòng vì việc cắt Hương Cảng chưa được Mãn Thanh đồng ý, tiền bồi thường thuốc phiện chưa đủ, khoản bồi thường chiến phí chưa có, nên chính phủ không phê chuẩn. Để mở rộng chiến tranh, chính phủ Anh cử Pôtinhgơ, tên đao phủ đã từng khét tiếng ở Ấn Độ sang chỉ huy cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Ngày 26-8, bọn chúng đánh chiếm Hạ Môn, sau đó chiếm Định Hải, Ninh Ba. Tháng 6-1842 quân Anh tấn công cửa Ngô Tùng, sau khi nhận được tiếp viện hơn 100 chiến thuyền và hơn 1 vạn quân từ Ấn Độ đến. Với đa số áp đảo, súng đạn kỹ thuật đều vượt xa, chúng đã tiêu diệt toàn bộ quân Trung Quốc ở Ngô Tùng. Sau đó, Thượng Hải và Bảo Sơn đều bị chiếm. Quân Anh tiến vào bắn phá Trấn Giang và khống chế vùng hạ lưu quan trọng của Trường Giang. Đến đây, triều đình Mãn Thanh như đã bó tay, chuẩn bị đầu hàng, chấp nhận mọi yêu cầu của kẻ địch. Đầu tháng 8, hạm thuyền của quân Anh vào Nam Kinh. Triều đình Mãn Thanh vội vàng phái đại thần đi điều đình. Ngày 29-8-1842 hiệp ước Nam Kinh được ký kết.

Mãn Thanh nhận tất cả điều khoản yêu cầu của thực dân Anh. Nội dung chủ yếu của hiệp ước Nam Kinh gồm có:

- Trung Quốc phải mở 5 cửa biển cho tự do thông thương là Quảng Châu, Phúc Châu, Ninh Ba, Hạ Môn, Thượng Hải.

- Trung Quốc cắt Hương Cảng cho Anh.

- Bồi thường cho Anh 21.000.000 bảng.
- Thuế nhập khẩu, xuất khẩu của Anh phải do hai bên bàn bạc.


- Anh được hưởng quyền lãnh sự tài phán ở Trung Quốc.

Hiệp ước Nam Kinh là hiệp ước đầu hàng của Trung Quốc, là xiềng xích đầu tiên của bọn đế quốc tròng vào cổ nhân dân Trung Quốc. Với việc mở 5 cảng khẩu quan trọng, Trung Quốc đã phải mở cửa đất nước. Chính sách bế quan tỏa cảng của triều Mãn Thanh bị phá sản. Trung Quốc bị cuốn vào thị trường tư bản thế giới.

Đó cũng chính là màn đầu của quá trình biến Trung Quốc từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Sau đế quốc Anh, Mỹ buộc Trung Quốc ký hiệp ước Vọng Hạ (7-1884), Pháp buộc Trung Quốc ký hiệp ước Hoàng Phố (10-1884). Đế quốc Mỹ ký hiệp ước với mục đích chia xẻ thị trường tiêu thụ trước tốc độ phát triển mạnh mẽ về công nghiệp của mình.

Đế quốc Pháp giành quyền tự do truyền đạo, để mở đường xâm lược Trung Quốc, đặc biệt chú ý vùng Hoa Nam, một thị trường đầy hấp dẫn. Ngoài ra, triều đình Mãn Thanh còn buộc phải ký nhiều điều ước với các nước tư bản khác như Bỉ, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Na Uy... Các điều ước đó đã đáp ứng một phần yêu cầu thị trường buôn bán có lợi cho bọn đế quốc và đẩy Trung Quốc vào tình trạng phụ thuộc.
 
Sửa lần cuối:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top