Chiến dịch Tây Nguyên.

Thandieu2

Thần Điêu
Chiến dịch Tây Nguyên.

Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4 tháng 3 đến 24 tháng 3 năm 1975) là chiến dịch mở đầu cuộc tiến công quân sự năm 1975 (xem Chiến dịch mùa xuân năm 1975) của quân đội Giải phóng miền Nam nhằm chấm dứt thắng lợi Chiến tranh Việt Nam. Chiến dịch này đã thành công to lớn gây được đột biến và bắt đầu làm tan rã Ngụy quân dẫn đến sự kiện chấm dứt Chiến tranh Việt Nam (1954-1975).

Chiến dịch Tây Nguyên đã được lãnh đạo quân sự của ta trù tính và chuẩn bị kỹ theo kế hoạch ban đầu giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975- 1976. Kế hoach 2 năm đó hoạch định trong năm 1975 chiếm hoàn toàn cao nguyên trung phần và phát triển từ đó xuống dải đồng bằng ven biển miền Trung của quân khu 2, tiêu diệt quân khu 2 Nam Việt Nam, cắt Ngụy quân thành 2 phần: Quân khu 1 với Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng bị cô lập ở phía Bắc và quân khu 3, 4 ở phía Nam. Trong năm 1976 sẽ tổng tấn công kết thúc chiến tranh. Như vậy chiến dịch Tây Nguyên có vai trò trọng tâm trong kế hoạch tấn công của quân GPMN năm 1975.

So sánh lực lượng trên chiến trường Tây Nguyên
Phương án tiến công chiến dịch Tây Nguyên của Bộ tổng tư lệnh quân Giải phóng miền Nam chỉ rõ lấy nam Tây Nguyên làm trận đột phá mà thị xã Ban Mê Thuột là trận then chốt. Để thực hiện chiến dịch phía QGPMN đã đưa thêm hai sư đoàn 316 và 968 lên Tây Nguyên đưa lực lượng của họ tại đây lên bốn sư đoàn (10, 320, 316, 968) và các lữ đoàn, trung đoàn độc lập của bộ binh, pháo binh, thiết giáp, đặc công, phòng không, công binh... Và chưa kể sư đoàn 3 của quân khu 5 tại Bình Định đánh chia cắt đường 19 và tấn công sư đoàn 22 Ngụy quân không cho ứng cứu để phục vụ trực tiếp chiến dịch này.

Tại Tây Nguyên lực lượng phòng thủ của Ngụy quân chỉ có một sư đoàn bộ binh số 23 (gồm 3 trung đoàn số 44, 45, 53), một sư đoàn không quân số 6 và bảy liên đoàn biệt động quân ngoài ra còn các tiểu đoàn bảo an đồn trú. Ưu thế lực lượng của quân GPMN tại Tây Nguyên đã là 4:1. Sự phối trí quân lực của quân đội Ngụy quân tại Tây Nguyên cũng sơ hở: Hầu hết lực lượng của họ bố trí tại bắc phần Tây Nguyên để bảo vệ các thị xã Pleiku và Kon Tum trong khi Nam phần với thị xã Ban Mê Thuột có vai trò trụ cột phòng thủ cao Nguyên lại chỉ có một trung đoàn số 53 và một liên đoàn biệt động quân số 21. Các hành động nghi binh của quân GPMN đã củng cố thế nguy hiểm của Ban Mê Thuột khi họ pháo kích và hư trương thanh thế tại Bắc phần cao nguyên và bí mật điều hai sư đoàn 320 và 10 xuống khu vực Ban Mê Thuột. Lúc khởi đầu chiến dịch tại điểm quyết chiến Ban Mê Thuột tỷ lệ áp đảo của quân GPMN đã là ba sư đoàn (320, 10, 316) chống lại một trung đoàn bộ binh và một liên đoàn biệt động đồn trú. Tỷ lệ áp đảo là khoảng 10:1 cho họ khả năng thắng lợi chớp nhoáng không cho phép địch cầm cự lâu dài chờ quân phản kích ứng cứu. Và thực tế đã diễn ra như vậy.

Tiến công Ban Mê Thuột


Trước khi tiến công Ban Mê Thuột, các động tác chia cắt chiến trường của quân GPMN đồng thời có hai tác dụng: Thứ nhất việc cắt các đường 19, 21, 14 trong thời gian từ 4 tháng 3 đến 10 tháng 3 là hành động nghi binh tạo cảm giác là họ chuẩn bị đánh Pleiku hoặc Kon Tum mặt khác nó cách ly Ban Mê Thuột với phần còn lại của các lực lượng Ngụy quân không cho ứng cứu nhanh chóng và ồ ạt trong trường hợp Ban Mê Thuột bị tiến công và thất thủ.

Ban Mê Thuột 11.3.1975 (Nguồn: Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng- NXB Thông tin 2004)
2 giờ sáng 10 tháng 3 năm 1975 quân GPMN tiến công Ban Mê Thuột với lực lượng chủ công là sư đoàn 316 một đơn vị có truyền thống tác chiến rừng núi của quân đội Cộng sản. Cuộc tiến công có pháo binh chế áp mãnh liệt và xe tăng xung phong. Quân phòng ngự Ban Mê Thuột đã kháng cự quyết liệt và co cụm phòng thủ nhưng dưới áp lực quá mạnh của đối phương họ chỉ cầm cự được trong hơn một ngày. Quân GPMN đã hoàn thành nhanh gọn bước 1 của chiến dịch.

Sư đoàn 10 của quân GPMN sau khi tiến công chật vật quận lỵ Đức Lập phía nam Buôn Ma Thuột trong hai ngày đến 10 tháng 3 đã đánh chiếm xong mục tiêu liền nhanh chóng cơ động đến phía Đông Bắc thị xã Ban Mê Thuột đứng chân chủ động chờ đánh quân phản kích.

Sau khi mất Ban Mê Thuột tư lệnh quân đoàn 2 và quân khu 2 Ngụy quyềnliền đưa hai trung đoàn 44 và 45 còn lại của sư đoàn 23 về tái chiếm lại hậu cứ của mình. Việc quân Quân Giải phóng cắt đường 14 không cho phép quân phản kích đi đường bộ với số lượng lớn và vũ khí nặng mà họ phải trực thăng vận trong hai ngày 12 và 13 tháng 3 xuống khu vực Phước An. Sư đoàn 10 của Giải phóng miền Namđã chờ sẵn và tiến công các lực lượng ứng cứu chưa kịp đứng chân. Các lực lượng này chưa hề có hành động phản kích nào mà phải lo bảo vệ mình, bị đẩy lùi xa dần khỏi Ban Mê Thuột và cuối cùng bị đánh tan tại Chư Cúc ngày 18 tháng 3. Ban Mê Thuột đã mất hẳn vào tay quân Quân Giải phóng.

Bước ngoặt của chiến cuộc 1975.

BanMeThuot.jpg

___Buôn Ma Thuột, ngày 11/3/1975.

Trận đánh mở màn cho cú điểm "tử huyệt" Tây Nguyên, là kết quả tính toán thận trọng và táo báo của những nhà lãnh đạo Việt Nam.

Mất căn cứ cơ bản trụ cột phòng thủ cao nguyên mà trong tay không còn lực lượng dự bị cơ động nào khả dĩ nào để có thể xoay chuyển tình thế. Hai sư đoàn dự bị chiến lược là sư đoàn Dù và Thuỷ quân lục chiến là quá ít và chính họ cũng đang bị uy hiếp dính chặt ở quân khu 1 như các đơn vị đồn trú. Đến ngay như việc trước đó khoảng 2 tháng mất tỉnh Phước Long cách Sài Gòn chỉ khoảng 100 km mà quân Ngụy quân cũng không còn lực lượng để tái chiếm. Quân đội Ngụy quân không còn lực lượng để chiến đấu dài hơi được nữa. Điều đó cho thấy tình thế rất bị bó buộc của quân đội Việt Nam Cộng hoà.

Thêm nữa các lực lượng tại bắc Tây Nguyên đang chịu nguy cơ bị tấn công tiêu diệt, Tổng thống Ngụy quyền quyết định bỏ Tây Nguyên rút các lực lượng còn lại về cố thủ dải đồng bằng ven biển miền Trung. Tuyến hành quân sẽ là theo đường 14 từ Pleiku đi xuống phía nam sau đó rẽ vào đường 7 đã bỏ từ lâu và xuôi về thị xã Tuy Hoà tỉnh Phú Yên. Mệnh lệnh này được ban ra bằng lời sau cuộc họp của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Nha Trang với Tổng Tham mưu trưởng và Tư lệnh quân khu 2. Đây sẽ là thảm hoạ chết người cho quân Ngụy. Quyết định này có lẽ là hệ quả tất nhiên của tình trạng suy kiệt lực lượng của Ngụy quân lúc đó.

Quân phòng thủ Bắc Tây Nguyên chỉ có 2-3 ngày để chuẩn bị cuộc hành quân. Thực tế cuộc hành quân này không có kế hoạch, không có yểm trợ và phó mặc tất cả vào sự may rủi của số phận. Một lực lượng quân hàng vạn người chuẩn bị trong 2-3 ngày, đi hàng trăm km không có yểm trợ với tinh thần chiến đấu xuống rất thấp sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, và đặc biệt họ đi cùng gia đình và dân chạy nạn tất cả đã làm cho cuộc hành quân thành đoàn xe cộ khổng lồ ùn tắc không đội hình, không tổ chức, không thể chỉ huy và chiến đấu được.

Khi được tin quân Ngụy quân bỏ Tây Nguyên Bộ chỉ huy quân Quân Giải phóng tại Tây Nguyên ra lệnh cho sư đoàn 320 đang phong toả đường 14 đuổi theo. Bộ phận đi đầu của đơn vị này chạy đua, tắt núi đón đầu và kịp chặn đường tại bên ngoài thị xã Cheo Reo tỉnh Phú Bổn. Chỉ một lực lượng rất nhỏ quân Ngụy quân đi thoát còn toàn bộ đoàn quân và dân chạy nạn đã bị tan rã không tổ chức lại được nữa.

Kế hoạch di tản của Ngụy quân đã không cứu được lực lượng quân bố phòng Tây Nguyên, Tây Nguyên mất vào tay quân GPMN mà đặc biệt nó làm thành làn sóng hoảng loạn lan khắp mọi nơi làm tan rã tinh thần các binh sĩ trên toàn quốc. Quân đội Ngụy quân bắt đầu tan rã nhanh chóng và sụp đổ.


(Theo wikipedia)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top