CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ 1954: BƯỚC NGOẶC CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
Điện Biên Phủ là một chiến dịch chiến lược mà tầm vóc tác động của nó đến cục diện hai bên đã không một chiến dịch nào đạt tới trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954)
Bước sang năm thứ 8 của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, giặc Pháp đã ở vào thế phòng ngự, nhất là trên chiến trường Bắc Bộ. Nhận thấy không thể thắng trong cuộc chiến tranh này, giặc Pháp đã đưa ra kế hoạch Nava nhằm bình định Việt Nam trong 18 tháng, để tạo thế mạnh tiến tới một giải pháp thương lượng có lợi cho chúng.
Về phía ta, với những đòn tiến công và phản công trên các hướng Tây Bắc, Tây Nguyên - Duyên hải Trung Bộ, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, trong Đông Xuân 1953-1954, ta đã buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động trên khắp chiến trường, trong khi đó ta tập trung chủ lực về hướng Tây Bắc.
Nhạy cảm trước ý đồ chiến lược của ta, địch liền tăng cường lực lượng, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, buộc ta phải chấp nhận chiến đấu nếu muốn giải phóng Tây Bắc. Nhận định đây là một cơ hội lớn để tiêu diệt sinh lực địch, ta quyết định mở chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ. Trong bối cảnh đó, chiến trường này đã trở thành điểm quyết chiến chiến lược nóng bỏng của cả hai bên.
Ta chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh chắc, tiến chắc, vì sau khi địch đã kịp thời tăng cường lực lượng, thiết kế phòng ngự vững chắc, khả năng đánh nhanh, thắng nhanh trở nên hạn chế.
Lược đồ diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguồn: Đoàn Thị Hồng Điệp
Từ ngày 30/3, ta mở đợt tiến công lần thứ hai, nhằm vào các cao điểm phía Đông Mường Thanh (phân khu trung tâm). Các đại đoàn của ta đã nhanh chóng chiếm được một số cứ điểm, nhưng những trận chiến đấu quyết liệt giành giật giữa đôi bên đã diễn ra tại khu vực tác chiến của Đại đoàn 316 trên các điểm cao A1, C1. Suốt trong tháng 4, ta và địch đã giành đi giật lại từng khu vực trên các điểm cao có ý nghĩa chiến thuật quan trọng khống chế phân khu trung tâm. Giữa tháng 4, ta tiến chiếm sân bay Mường Thanh, cắt đứt cầu hàng không là đường tiếp tế quan trọng nhất của địch. Chúng lâm vào thế nguy khốn, bị tiến công trong tình trạng hậu cần ngày càng trở nên khó khăn.
Từ l/5, có ba hướng: Đông, Tây, Đông Bắc, các đại đoàn của ta mở cuộc tiến công cuối cùng vào Điện Biên Phủ. Ngày l/5, Đại đoàn 316 chiếm đồi C1; sáng 7/5, ta diệt các cứ điểm C2, A1, 507, là những cứ điểm kiên cố cuối cùng của địch. Chiều 7/5, ta tổng công kích trên toàn bộ mặt trận và đến chiều, ta đã hoàn toàn giải phóng Điện Biên Phủ, cầm giữ tại chỗ hơn 10 nghìn tên địch cùng với tướng chỉ huy De Castries của chúng.
Những phát triển của nghệ thuật quân sự
Điện Biên Phủ là một chiến dịch chiến lược mà tầm vóc tác động của nó đến cục diện hai bên đã không một chiến dịch nào đạt tới trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó trước hết là do quyết tâm chiến lược sáng suốt trong việc lựa chọn hướng tiến công với một tinh thần quyết chiến rất cao. Đó cũng là nghệ thuật tài giỏi trong việc tiến hành các bước chuẩn bị và trong sử dụng lực lượng. Về nghệ thuật tác chiến, đột phá lần lượt cụm cứ điểm địch là một phương pháp kinh điển, cũng đồng thời là giải pháp đúng đắn trong chiến dịch tiến công để giải quyết một tập đoàn cứ điểm. Ta đã trưởng thành vượt bậc trong đánh công sự vững chắc, trong đó sự chỉ đạo chiến thuật là rất linh hoạt, cụ thể và sáng tạo. Cách đánh trong chiến dịch tiến công này đã dẫn đến thắng lợi từng bước, tất yếu, không thể đảo ngược.
Theo: edu.goonline.vn