Chiến dịch Hồ Chí Minh (Phần 1)
Theo báo Cần Thơ
Theo báo Cần Thơ
Trải qua hơn một tháng liên tục tổng tiến công và nổi dậy, với hai chiến dịch lớn, chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân sự và hệ thống chính quyền ngụy ở hai quân khu, quân đoàn địch, giải phóng 16 tỉnh, 5 thành phố cùng nhiều quận lỵ, chi khu, yếu khu quân sự. Vùng giải phóng được mở rộng, chiếm 3 phần 4 đất đai và gần một phần hai dân số miền Nam. Một cục diện mới chưa từng có đã mở ra. Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến. Trong phiên họp lịch sử ngày 25 tháng 3, Bộ Chính trị chủ trương: “tập trung nhanh nhất lực lượng (từ 12 sư đoàn trở lên), binh khí, kỹ thuật và vật chất giải quyết xong Sài Gòn – Gia Định trước mùa mưa”. Tiếp đó (ngày 30 tháng 3 và ngày 14 tháng 4), Bộ Chính trị đã chính thức hạ quyết tâm mở chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn kết thúc chiến tranh, chiến dịch quyết chiến chiến lược lịch sử.
Về địch, bị mất lực lượng và phần đất ở quân khu 1 và 2 và bị thu hẹp dần phạm vi chiếm đóng ở Nam bộ, tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu gào thét “tử thủ” phần đất còn lại. Mỹ đã lập khẩn cấp cầu hàng không chở một số lượng lớn vũ khí, khí tài và cử tướng Uây oen, tham mưu trưởng lục quân đến Sài Gòn và cùng với quân ngụy vạch kế hoạch phòng thủ Sài Gòn, ngoan cố chống cự hòng trì hoãn cuộc tiến công của ta cho đến mùa mưa. Với lực lượng của quân đoàn 3 cùng tàn quân của quân đoàn 1 và 2, hệ thống phòng thủ của địch ở Sài Gòn được tổ chức thành nhiều tuyến, trong đó tập trung tăng cường ở hướng bắc và tây bắc.
Tuyến phòng thủ vòng ngoài gồm sư đoàn 22 đảm nhiệm ở Long An, Bến Lức; sư đoàn 25 đảm nhiệm ở Tây Ninh, Trảng Bàng, Củ Chi, Đồng Dù, Hậu Nghĩa; sư đoàn 5 đảm nhiệm ở Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương; sư đoàn 18 đảm nhiệm ở Bầu Cá, Trảng Bom, Suôn Đỉa; sư đoàn thủy quân lục chiến (có 2 lữ) đảm nhiệm ở Long Bình; lữ đoàn dù giữ Bà Rịa, lữ đoàn 3 kỵ binh đảm nhiệm ở Biên Hòa, Long Bình (có một bộ phận ở Gò Vấp - Lái Thiêu) và là lực lượng dự bị của quân đoàn 3.
Tuyến phòng thủ ngoại vi Sài Gòn do sư đoàn biệt động quân (có 3 liên đoàn) mới thành lập đảm nhiệm. Khu Tây gồm Vĩnh Lộc, Châu Hiệp, Bà Hom, Bình Chánh trở vào do hai liên đoàn biệt động (7, 8) và liên đoàn 239 bảo an đảm nhiệm. Khu Nam gồm Nhà Bè, Nhân Trạch do bảo an dân vệ phụ trách.
Tuyến nội đô, địch tổ chức thành 5 liên khu, mỗi liên khu gồm hai quận (1 và 3, 5 và 8, 2 và 4, 6 và 7, 10 và 11) do lực lượng cảnh sát, phòng vệ dân sự phụ trách.
Nhìn chung, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. Lực lượng phòng ngự ở vòng ngoài mạnh, bên trong yếu và sơ hở, không có lực lượng tăng viện. Mỹ khó có khả năng can thiệp trực tiếp trở lại bằng lục quân, khả năng can thiệp bằng không quân và hải quân cũng rất hạn chế.
Để chắc thắng trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định tập trung lực lượng lớn chủ lực và binh khí kỹ thuật cho chiến dịch, gồm: Quân đoàn 1 (thiếu sư đoàn 308) ở lại bảo vệ miền Bắc, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3(1), Quân đoàn 4 và đoàn 232. Tổng số lực lượng là 15 sư đoàn, 1 lữ đoàn và 4 trung đoàn bộ binh; 20 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh; 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng thiết giáp; 8 lữ, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công; 4 trung đoàn và 10 tiểu đoàn thông tin; 1 trung đoàn tên lửa, 2 sư đoàn ô tô vận tải, một bộ phận hải quân và không quân, cùng lực lượng địa phương trong địa bàn chiến dịch (2).
Trong cuộc họp ngày 1 tháng 4, Bộ Chính trị đã chỉ định 3 đồng chí ủy viên Bộ Chính trị có mặt tại chiến trường chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị về chỉ đạo chiến dịch và ra quyết định thành lập Bộ tư lệnh chiến dịch gồm các đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh; Phạm Hùng làm Chính ủy; các đồng chí Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh làm Phó tư lệnh; Lê Quang Hòa làm Phó chính ủy; Lê Ngọc Hiền, Quyền tham mưu trưởng. Các cơ quan của Miền được tăng cường một số đồng chí của Bộ và các tổng cục chuyển thành cơ quan chiến dịch.
Sài Gòn là một thành phố lớn, cấu trúc phức tạp, rộng khoảng 120km2, là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, sào huyệt cuối cùng của địch, dân số khoảng hơn 3 triệu. Các khu vực xung quanh Sài Gòn địa hình phức tạp, trống trải, sình lầy, sông rạch và cầu cống nhiều, dân số trên dưới 6 triệu. Muốn tiến vào Sài Gòn, bộ đội phải chiếm được các con đường, cầu đường và các đầu mối giao thông quan trọng. Ở hướng bắc và tây bắc, tuy địa hình tương đối thuận lợi nhưng cũng phải đánh chiếm được các cầu: cầu Bông, cầu Sáng, cầu Bình Triệu, cầu Bình Phước mới vào được Sài Gòn.
Với phương châm và tư tưởng chỉ đạo tác chiến: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ tư lệnh chiến dịch xác định phải chuẩn bị chu đáo, đánh chắc thắng, không cho địch co cụm lớn về Sài Gòn; tổ chức các mũi thọc sâu có sức đột kích mạnh đánh nhanh vào các mục tiêu chủ yếu; kết hợp giữa tiến công quân sự với địch vận và nổi dậy của quần chúng, tiến công quân sự phải đi trước một bước và giữ vai trò quyết định; phát huy sức mạnh tổng hợp, đột phá liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng. Coi trọng bảo đảm các mặt, giữ bí mật.
Về cách đánh chiến dịch, Bộ tư lệnh nhấn mạnh: Phải thực hiện chia cắt chiến lược, cắt đường bộ, đường không, khống chế sân bay, triệt để bao vây, cô lập Sài Gòn, bao vây, chặn và tiêu diệt chủ lực địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm về Sài Gòn, đánh thắng những trận then chốt quan trọng. Tổ chức những binh đoàn binh chủng hợp thành (cỡ sư đoàn tăng cường) từ nhiều hướng nhiều mũi tiến công vào nội đô, kết hợp chặt chẽ với đặc công, biệt động, lực lượng địa phương ở bên trong, kết hợp với quần chúng nổi dậy, thực hiện trong ngoài cùng đánh, nhanh chóng táo bạo đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, đập tan đầu não chỉ huy quân sự, đầu não ngụy quyền, tiêu diệt và làm tan rã, bắt toàn bộ quân địch đầu hàng; trong đó lấy thọc sâu nhanh chóng đánh ngã quân địch bên trong là chính.
Về chiến thuật, Bộ tư lệnh nhấn mạnh các hình thức chính như tiến công các cụm cứ điểm phòng ngự vững chắc, các căn cứ trung đoàn, sư đoàn, các sở chỉ huy quân đoàn và các trường quân sự của địch. Vận động tiến công đánh quân địch rút chạy, tổ chức các binh đoàn thọc sâu, chiến thuật đánh chiếm thành phố, thị xã và chiến thuật của đặc công đánh chiếm và giữ cầu bảo đảm cho cơ động.
Bộ tư lệnh chiến dịch không tổ chức đội hình thê đội, không chia bước, chia đợt mà giao khu vực và mục tiêu tiến công cho từng quân đoàn trên từng hướng (trên từng hướng có tổ chức đội hình thành bộ phận).
Trên hướng tiến công chủ yếu tây bắc, sử dụng Quân đoàn 3 (do đồng chí Vũ Lăng tư lệnh, đồng chí Đặng Vũ Hiệp chính ủy), gồm các sư đoàn 316. 320A, 10 cùng lực lượng vũ trang của tỉnh Tây Ninh, Củ Chi. 2 trung đoàn Gia Định, Các tiểu đoàn của thành đội Sài Gòn, các đơn vị đặc công, biệt động, có nhiệm vụ: tiến công tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, chặn không cho sư đoàn 25 ngụy co cụm về Sài Gòn. Tổ chức một lực lượng mạnh (cỡ sư đoàn tăng cường) thọc sâu vào nội đô, đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất và tổ chức một bộ phận hợp điểm ở dinh Độc Lập, chiếm lĩnh các quận Tân Bình, Phú Nhuận. Sư đoàn 316 có binh chủng phối thuộc chặn đánh tiêu diệt sư đoàn 25 địch ở Gò Dầu, Trảng Bàng, sau đó về làm dự bị cho chiến dịch và quân đoàn, chủ yếu là tăng cường cho đơn vị thọc sâu.