Chiến dịch Duck Hook

thich van hoc

Moderator
Thành viên BQT
CHIẾN DỊCH DUCK HOOK

Sau khi đắc cử tổng thống (1968), Nixon đã cùng cố vấn an ninh quốc gia bí mật hoạch định chiến dịch mang tên Duck Hook Operation (tạm dịch: chiến dịch Cái móc vịt) - một chiến dịch được phác thảo rất tỉ mỉ, đáp ứng sự nôn nóng kết thúc sớm cuộc chiến ở VN của Nixon.

Ngày 27/1/1969, Nixon, Kissinger, tướng Wheeler và Bộ trưởng quốc phòng Melvin Laird nhóm họp thảo luận các khả năng tấn công "có thể làm choáng váng Bắc VN để tạo thuận lợi trong cuộc đàm phán Paris". Ngày 21/2, Laird chuyển cho Kissinger bản báo cáo của Hội đồng chỉ huy liên quân, phác thảo sơ bộ về kế hoạch. Bản báo cáo mật này hoạch định 5 phương án tấn công, trong đó phương án cuối cùng có tên gọi "thuật leo thang (chiến tranh)" - sử dụng vũ khí nguyên tử, vũ khí sinh học hoặc các loại vũ khí hóa học hạng nặng. Phương án này được ghi chú đặc biệt là "sử dụng các loại vũ khí này trên chiến trường VN có thể tạo nên sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận và quốc hội, có thể gây ra sự chống đối trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Okinawa, Nhật Bản”.

Không ai trong số Laird, cố vấn an ninh quốc gia Kissinger hoặc Alexander Haig - trợ lý quân sự của Kissinger, có ý định phản bác phương án này. Luận với Kissinger, Haig gọi đây là "kế hoạch bao quát hơn tất cả những gì ngài và tổng thống mường tượng như là dấu hiệu của sự chấp thuận ý định leo thang chiến tranh tại VN". Kissinger nhận xét đây là kế hoạch “có quan điểm tốt" nhưng trước bối cảnh thực tế, dưới sức ép của dư luận trong nước và quốc tế, việc triển khai kế hoạch này khó được chấp nhận. Vì vậy, Kissinger chọn phương án triển khai trong bí mật hơn là công khai và phương án đó được gọi là “Chiến dịch Cái móc vịt”.

Những điểm nhấn quan trọng trong chiến dịch là các phương án sử dụng sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ để đánh phá Bắc Việt Nam trong khoảng thời gian xuân - hè 1969. Những mục tiêu đánh phá bao gồm ném bom Hà Nội, Hải Phòng và những khu vực chiến lược khác ở bắc VN; thả thủy lôi ở các hải cảng, sông ngòi; ném bom phá hủy hệ thống đê sông Hồng, xua quân bắc tiến, phong tỏa cảng Shinanoukville, dùng vũ khí nguyên tử phá hủy đường mòn Hồ Chí Minh (nơi mà theo Lầu Năm Góc, mỗi tháng quân ta chuyển được 4.500 quân và mỗi ngày vận chuyển được 300 tấn hàng tiếp tế các loại); và cuối cùng là ném bom các tuyến đường sắt chính nối Bắc VN với Trung Quốc. Một kế hoạch hỗ trợ khác, bí mật hơn cũng được vạch ra là sử dụng vũ khí nguyên tử tấn công các tuyến đường sắt - vốn là đầu mối tiếp nhận viện trợ chính từ Trung Quốc và Liên Xô. Theo Haldeman - tổng tham mưu của Nixon, Kissinger đã "lobby" cho khả năng tấn công hạt nhân trong suốt mùa xuân và thu năm 1969.

Cuối tháng 8, Nixon xem xét "kế hoạch K" của Kissinger nhưng tạm thời chưa quyết định. Đến đầu tháng 9, sợ Nixon lung lay quan điểm trước sức ép dư luận, Kissinger chủ động đốc thúc tổng thống chấp thuận cái gọi là "Sự chọn lựa tháng 11" - một kế hoạch tấn công ồ ạt, tàn ác nhắm vào Bắc VN hòng chấm dứt chiến tranh. Ngày 9/9, Kissinger gặp tướng Wheeler để "thảo luận về kế hoạch tấn công quân sự theo chiến dịch Duck Hook" và truyền đạt lệnh ủy nhiệm của tổng thống rằng "đây là chiến dịch giới hạn thông tin, kể cả bộ trưởng quốc phòng cũng không được biết".

Đầu tháng 9, Kissinger thành lập một tiểu ban tuyển lựa từ ban tham mưu của mình, đặc trách nghiên cứu "khảo sát khả năng ăn miếng trả miếng quân sự của hai phía". Trong những năm ở Nhà Trắng, Kissinger viết: "Tôi bảo với tiểu ban này là những gì tôi cần biết là một kế hoạch quân sự có tác động cực mạnh lên khả năng quân sự đối phương, trong đó có khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử trong tình huống được kiểm soát cẩn thận". Một tài liệu mật mang tên "Khái niệm chiến dịch" đưa vào giữa tháng 9, nhấn mạnh: "Nước Mỹ luôn kiên định trong việc cung ứng bất kỳ lực lượng nào cần thiết trong việc bảo vệ những mục tiêu của mình tại châu Á. Sức ép của dư luận quốc tế, trong nước và khả năng Trung Quốc, Liên Xô phản ứng cũng rất quan trọng nhưng cũng không cần thiết phải xóa bỏ những hành động mạnh nhắm vào Bắc VN". Bản tài liệu này cũng ghi chú việc đánh bom đê sông Hồng sẽ gây nên một "vấn đề nghiêm trọng" trong nội bộ nước Mỹ.

Trong suốt tháng 9 và 10, Nixon tiếp tục đưa ra những tuyên bố đe dọa leo thang chiến tranh tại VN. Để nhấn mạnh thêm ý định của mình, Nixon ra lệnh báo động ngầm trong toàn bộ hệ thống vũ khí nguyên tử chiến thuật của Mỹ trên toàn thế giới. Đây được xem là một trong những chiến dịch lớn nhất trong lịch sử quân sự Mỹ, bắt đầu từ ngày 13/10 và kết thúc 1 tháng sau đó. Tuy nhiên, khi những hoạt động phản chiến trong nước bùng nổ, đến giữa tháng 11, Nixon đã phải âm thầm hủy bỏ chiến dịch Duck Hook. Trong sổ ghi nhớ sau này, Nixon cho biết chính sự phản ứng dữ dội của dư luận trong và ngoài nước trước kế hoạch leo thang chiến tranh đã làm xói mòn ý định triển khai chiến dịch. Một thời gian lâu sau, ông ta mới tiết lộ kế hoạch trên cho ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng - ông William Rogers và Melvin Laird. Hai nhà khoa học tham vấn cho tổng thống về kế hoạch trên cũng lên án khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử, cả về lý do quân sự lẫn đạo đức.

Theo Ngọc Thịnh
- TNO

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top