Chầu văn và lên đồng

Bút Nghiên

ButNghien.com
CHẦU VĂN – LÊN ĐỒNG​

Chầu Văn là thề loại diễn xướng độc đáo có kèm theo âm nhạc. Bao giờ chầu văn cũng có giai đoạn dạo, gây không khí trang nghiêm, choáng ngợp làm cho người nghe xôn xao và bị lôi cuốn. Đến một lúc nhất định, nó phối hợp với giá đồng để thể hiện được sức công phá nghệ thuật cao nhất của nó.

Những nhạc cụ phụ hoạ với Chầu văn là trống, phách, chuông, tấu cảnh nhị, đàn nguyệt. Có khi cả thập lục và đàn đáy. Người hát chầu văn vừa hát vừa đàn. Chầu văn có chừng 40 làn điệu chính và những làn điệu biến tấu uyển chuyển: mướn, thống (khác thống trong ca trù) giãi bày sự trang nghiêm, gan dạ, cả quyết. Có lúc lại tỉa tót, dịu dàng, nỉ non. Làn điệu Phú chênh nhắc nhở, nhớ nhung (gần gũi với ca trù). Hát dọc cởi mơ phóng túng, có cả vui lẫn buồn. Hát nối (hơi giống hát nói ở ca trù), Dọc xuân sắc, Phú rầu (gần giống làn thảm trong chèo) nhưng phóng túng, pha thể hơn. Sử xuân man mác, có chút Ba mạc, bồng mạc. Hát văn hơi giống chèo. Ngâm thiền, Nói lối, canh cá, Bỏ bổ nhịp một, Hát Kiều, Nhạc sai: thúc giục, dón dập, giật, ngất, ngâm, vịnh, đề thơ, sá, chào v. v...

Chầu văn mang tính chất tiền tôn giáo cộng với những nét do nhiều tôn giáo khác nhau du nhập vào cùng với những nét “bản địa” qua quá trình tồn tại và phát triển lâu dài của những cộng đồng. Nhạc và lời chầu văn có sức khái quát, tượng trưng cao. Nó mô tả, trần thuật, kể sự tích, ngợi ca, cầu mong, khát vọng mãnh liệt, muốn vươn tới một bông hoa hoặc một ngọn lửa tuyệt vời, muôn đời, thiêng liêng nào đó mà con người chưa được với tới. “Đó là nghệ thuật ca nhạc vừa có sự yên lắng suy tư, vừa có gió bão mãnh liệt (giáo sư Nhật Bản: Ishixawa).

Thời kỳ thịnh vượng của chầu văn là từ đời Lê, Lý, Trần rồi thịnh vào những năm 1920 đến 1940 của thế kỷ này.

Chầu văn Có nhiều lò với tính cách, đặc điểm, phong cách khác nhau ít nhiều. Những lò Nam Định, Hà Bắc, Hải Phòng, Hải Hưng, Thái Bình...là những lò đáng kể. Từ trước đến nay, một số nhạc sĩ đã khai thác một vài làn điệu chầu văn và chúng đã được hoan nghênh ở trong và ngoài nước. Nhưng đó mới chỉ là một phần rất nhỏ. Thật đáng tiếc, chầu văn vẫn còn là một mảnh đất màu mỡ, chưa được khai phá hết.

Những năm 1940 trở về trước, tại Hà Nội có nhiều trường tổ chức những cuộc thi hát chầu văn: Hàng Quạt, Hàng Khoai, Hàng Mã, Hàng Bạc... Có cả những tài tử cự phách của Hà Bắc, Nam Định hoặc Hải Hưng đến tham gia. Giải thưởng treo rất lớn. Ban giám khảo gồm 3 người: một người thưởng bằng cách cầm chầu, một người phạt bằng tiếng chuông và một người cao tuổi hơn cả chấm điểm. Đời sống của các cung văn trôi nổi, giang hồ, đi khắp đó đây, dựa vào các phường, các bạn, quần chúng mê say.

Chầu văn ca ngợi, kể lại sự tích, miêu tả những nhân vật tuyệt vời mang những quí danh tương trưng như: ông Hoàng Mười, ông Hoàng Năm, ông Hoàng Bơ, cô Chín, ông Hoàng Bản, bà Chúa Mường, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, chúa Liễu Hạnh. Những vị trên được hoá thân vào các vị võ tướng của vua Hùng, thần Tản Viên và các đời vua khác. Hoặc được hoá thân vào các hoàng tử, công chúa, các siêu nhân bênh vực người lương thiện và trừng trị kẻ ác.

Lời ca và nhạc chầu văn vừa có chất huyền thoại vừa có chất chân thực, vừa thần thánh vừa phàm tục. Chầu văn nhấn mạnh tả cảnh đẹp của đất nước để điểm xuyết cho các nhân vật lỗi lạc. Nhưng cũng phải nói rằng, ngay các nhân vật thần thánh phi phàm và đáng kính cũng mắc phải những lầm lỗi trần tục.

Nhạc chầu văn thuần khiết và lôi cuốn. Người ta nghe hàng hai, ba giờ liền mà không chán (tiến sĩ A.Samidi Indonesia) trong không khí đàn ngọt, hát hay, người ngồi đồng (bà đồng) được bóng và hồn của nhân vật thần linh nhập, ốp vào mình. Bà đồng sắm vai thần linh theo những cá tính vốn có của nhân vật. Nhất là trong những lúc “thăng hoa”. Bà đồng được mọi người mặc và khoác áo vào mình trang phục tiêu biểu của thần linh, Có kèm theo những đồ trang sức (với các nhân vật nữ) hoặc võ khí (với các nhân vật nam)... Nhân danh thần linh, người ngồi đồng hát lên trong lòng và dồn vào những động tác nhảy, múa cách điệu và ước lệ trong nền nhạc và hát đệm của cung văn. Cũng có lúc, trông ra tưởng như có một vài tư thế đơn điệu hoặc thô kệch. Nhưng, chúng là những dáng múa đích thực, ngẫu hứng, gần gũi với cội nguồn. Có những điệu múa chính như: múa khăn mặt, múa nến, múa hoa, chèo đò, múa kiếm, múa cung, múa hèo (gậy ngắn) v.v...

Sau khi múa, thần linh ngồi lại, phán bảo, khuyên răn, quở trách người trần gian và cũng ban thưởng cho mọi người rồi “về đồng”. Nghĩa là đã xong một giá đồng và cũng là kết thúc một màn ngắn về ca, múa, nhạc kịch kết hợp.

Về mặt trang phục, trong các giá đồng, cũng đáng lưu ý Sắc màu của mọi thứ trang phục mang tính chất tôn giáo, cung đình và dân gian. Mẫu Thượng Ngàn mặc áo xanh để có mùi vị núi rừng. Màu xanh là màu chủ đạo và được nhiều màu sắc khác của những tà áo, giải áo, thắt lưng, khăn, các đồ trang sức phối hợp uyển chuyển để trở nên hoàn hảo.

Trang phục còn phải làm tôn hẳn lên cái vẻ đẹp: “Cổ kiêu ba ngân, miệng cười trăm huê” của Mẫu. Bà Mẫu Thoải và ông Hoàng Bơ có trang phục toàn trắng mang tính chất nước non, sông biển, hài hoà với những hoa văn, họa tiết trang trí nhiều màu sắc của bộ mặt trang phục toàn bộ. Mẫu ngồi giữa mặc áo đỏ rực tạo vẻ uy quyền trang nghiêm.

Lại tuỳ theo các nhân vật có mang theo những đồ dùng thích hợp như chiếc nón, đôi hài xảo, cái quạt, con dao, cái giải xà tích, ống vôi, khăn tay v.v... Tất cả những thứ đó đều nói lên nhiều chuyện. Chúng đều được gia công thật cầu kỳ và mang rõ bản sắc dân tộc.

Nói chung, chầu văn và lên đồng cần phải được nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc. Đây là một loại hình diễn xướng dân gian có giá trị cao. Nó đã tỏa ra, làm phong phú cho nhiều bộ môn ca, nhạc, kịch, trang trí, hội họa, tạo hình... của Việt Nam và cái khả năng này còn to lớn lắm.

Năm 1996, Đoàn nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài, có diễn tiết mục Ba giá đồng. Tiết mục này được hoan nghênh nhiệt liệt. Nó đã làm nghiêng ngả sân khấu của nhiều nước trên thế giới. Nhưng nó mới chỉ là một giọt nhỏ nước hoa được lấy ra từ cái chai tinh hồng của nghệ thuật chấu văn, lên đồng của nước ta mà thôi.

Chầu văn, lên đồng là một trong những di sản văn hóa cần được giữ gìn và khai thác. Tất nhiên, ta phải gạt bỏ những ý đồ lợi dụng hình thức sinh hoạt này để đầu cơ mê tín, trục lợi. Nếu ta làm được việc này một cách tốt, đưa nó gắn với ba yếu tố cần thiết là: xã hội, văn hoá và kinh tế... thì nó sẽ trở nên một tượng đài hoành tráng về nhiều mặt cho nền văn hoá dân tộc và chocả thế giới.

( Theo Hà Nội – văn hóa và phong tục )​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top