Stephenie Meyer
Chạng Vạng
Dịch giả: Tịnh Thủy
Nguyên bản: Twilight
Chưa bao giờ tôi nghĩ nhiều đến việc mình sẽ chết như thế nào - dù rằng trong mấy tháng cuối cùng này, tôi có đủ lý do để nghĩ đến nó - mà dù tôi có nghĩ đến nó thì tôi cũng sẽ không tưởng tượng ra là nó như thế này.
Tôi đưa mắt nhìn lướt dọc theo căn phòng dài, nhìn thẳng vào đôi mắt u ám của kẻ săn mồi, nghẹt thở... Hắn đáp lại tôi bằng một cái nhìn trìu mến.
Tất nhiên đây là một cái chết êm đẹp, một sự hy sinh cho người khác - một người mà tôi vô cùng yêu thương - người rất có ý nghĩa với tôi trong cuộc đời. Phải là như vậy rồi.
Tôi hiểu rằng nếu như mình không đến Forks thì bây giờ mình đã không phải đối diện với cái chết. Nhưng mà, ngay cả vào giữa lúc đang khiếp sợ như thế này đây, tôi cũng không hối hận với quyết định ấy. Khi mà cuộc sống đã cho ta một ước mơ, thì thật vô lý khi ước mơ ấy sắp trở thành sự thật, ta lại cảm thấy chạnh lòng.
Vẫn giữ nụ cười thân thiện trên môi, kẻ săn mồi nhẩn nha tiến từng bước, từng bước một, càng lúc càng tới gần để kết liễu cuộc đời tôi...
STEPHENIE MEYER
Stephenie Meyer
Chạng Vạng
Chương 1
Cái nhìn đầu tiên
Mẹ lái xe chở tôi ra phi trường, các ô cửa xe của chúng tôi đều được hạ kính xuống hết. Hiện giờ, ở Phoenix(1) đang là 240C, bầu trời xanh ngắt không có lấy một gợn mây.
Tôi đang mặc trên người chiếc áo sơmi yêu thích - không tay và có đăngten; tôi mặc nó để chào tạm biệt nơi này. Vật “oách” nhất của tôi hiện giờ là chiếc áo paca, một loại áo da có mũ trùm đầu của người Etskimô.
Ở bán đảo Olympic – thuộc miền tây bắc tiểu bang Washington – có một thị trấn nhỏ tên là Forks, dường như lúc nào cũng nằm trong sự bao phủ của mây. Mưa ở thị trấn này lúc nào cũng nhiều hơn ở bất cứ vùng nào khác thuộc nước Mỹ. Từ cái thị trấn lạ lùng với những đám mây ảm đạm có mặt ở khắp nơi ấy, mẹ đã ra đi mang theo tôi lúc đó mới có vài tháng tuổi. Cũng chính cái thị trấn ấy, cứ mỗi mùa hè là tôi bị buộc phải về thăm và ở lại cả tháng trời; việc ấy cứ tiếp diễn cho mãi đến năm tôi mười bốn tuổi. Đó là năm cuối cùng tôi còn đặt chân đến Forks. Trong ba mùa hè vừa qua, hè nào, tôi và bố Charlie cũng đều đi nghỉ mát ở California hai tuần.
Chính là Forks đấy, mà giờ đây tôi phải tự đày đọa mình – một hành động mà tôi phải thực hiện trong sự chán nản. Tôi ghét Forks vô cùng.
Tôi yêu Phoenix. Tôi yêu mặt trời cùng cái nóng rát bỏng của nó. Tôi yêu cái thành phố sôi nổi đang ngày một mở rộng này.
– Bella – Mẹ nói với tôi lần cuối cùng sau một ngàn lần lặp đi lặp lại trước khi tôi lên máy bay – Chẳng có việc gì con phải làm như thế.
Mẹ trông giống tôi, ngoại trừ mái tóc cắt ngắn và các nếp nhăn hằn sâu mỗi khi cười. Tôi nhận ra nỗi đau quyện trong sự hốt hoảng khi nhìn sâu vào đôi mắt to, ngây thơ như trẻ con của mẹ. Làm sao tôi có thể để lại người mẹ có tính tình nông nổi, thất thường - nhưng tôi vô cùng thương yêu - mà ra đi cho được bây giờ? Dĩ nhiên là mẹ đã có dượng Phil chăm sóc, các loại hóa đơn đều được thanh toán đầy đủ, tủ lạnh luôn luôn đầy ắp thực phẩm, xe hơi của mẹ lúc nào cũng được đổ đầy xăng, và có một người thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi mỗi khi mẹ cảm thấy hụt hẫng, nhưng sao...
- Con muốn đi - Tôi nói dối. Tôi luôn luôn là kẻ nói dối rất dở, nhưng mấy lúc gần đây, câu nói dối này được tôi thốt ra thường xuyên đến độ mẹ đã gần như tin chắc chắn rằng nó là thật.
- Gửi lời chào của mẹ đến Charlie nhé.
- Vâng.
- Mẹ sẽ sớm gặp lại con thôi - Mẹ khăng khăng như vậy - Con có thể trở về nhà bất cứ khi nào con muốn. Mẹ cũng sẽ quay về nhà bất cứ khi nào con cần mẹ.
Đằng sau lời hứa ấy là cả một sự hi sinh, tôi có thể dễ dàng nhận ra điều ấy qua ánh mắt của mẹ.
- Đừng lo cho con - Tôi đáp lời mẹ một cách chắc nịch - Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Con yêu mẹ lắm, mẹ ạ.
Mẹ ôm ghì lấy tôi trong vòng tay cả phút đồng hồ, rồi sau đó, tôi bước lên máy bay, còn mẹ thì ra về.
Chuyến bay từ Phoenix đi Seattle mất bốn tiếng, tôi mất thêm một tiếng đồng hồ nữa để đáp chuyến bay lên Port Angeles(2), rồi lại thêm một tiếng đồng hồ nữa để đi xe xuống thị trấn Forks. Bay mãi như vậy, với tôi, chẳng nhằm nhò gì, thế mà một giờ đồng hồ đi xe với bố lại khiến lòng tôi nao nao.
Bố tôi là người khá dễ tính. Ông có vẻ vui mừng thật sự khi tôi đến thăm ông lần đầu tiên. Ông đã ghi danh cho tôi vào một trường trung học và hứa sẽ giúp tôi mua một chiếc xe hơi.
Trong thâm tâm, tôi biết chắc chắn một điều là bố đang ngượng nghịu. Cả hai bố con tôi đều không thích nhiều lời, nhưng thật lòng mà nói, tôi cũng không biết là có phải bố con chúng tôi thuộc týp người thờ ơ với mọi thứ xung quanh không nữa. Tôi hiểu bố đã lúng túng trước quyết định của tôi - cũng giống như mẹ tôi lúc ấy, bởi vì tôi chưa khi nào che giấu sự chán ghét của mình đối với thị trấn Forks cả.
Khi máy bay của tôi đáp xuống Port Angeles, trời đang mưa. Tôi không cho rằng đó là điềm báo, mà chỉ coi là “chuyện thường ngày ở huyện”. Dù sao, tôi cũng đã nói lời chào tạm biệt với mặt trời của tôi rồi.
Bố đang chờ tôi bên cạnh chiếc xe tuần tra. Đó cũng là điều tôi đang mong đợi. Bố tôi là cảnh sát trưởng Swan, được phân công công tác ở thị trấn Forks. Và cái lý do hàng đầu thúc đẩy tôi mua một chiếc xe hơi, dù đang bị “viêm màng túi” nặng, là khỏi phải “bị chở” đi lòng vòng quanh thị trấn trong cái xe hơi có gắn hệ thống đèn hai màu xanh, đỏ trên mui. Chẳng có điều gì có thể khiến cho các xe chạy chậm lại ngoài cảnh sát cả.
Sau khi rời khỏi máy bay, bước chân của tôi có phần lảo đảo, bố vội đưa một tay ra ôm lấy tôi - một cái ôm vụng về và lóng ngóng.
- Bells, bố rất vui được gặp con - Ông lên tiếng, khẽ mỉm cười khi đã đỡ được tôi - Con chẳng thay đổi gì mấy. Renée thế nào?
- Mẹ vẫn khỏe. Con cũng rất vui được gặp bố - Trước mặt bố, tôi không được phép gọi ông là Charlie.
Tôi chỉ đem theo vài chiếc túi xách. Hầu hết các bộ quần áo của bang Arizona, tôi đã nhét vào trong đó. Trước cái thời tiết giá lạnh ở bang Washington này, chúng được xếp vào hàng “tép riu”. Mẹ và tôi đã chắt chiu từng thứ để bổ sung vào tủ quần áo mùa đông của tôi, thế mà giờ đây, nó vẫn không đủ. Hiện thời, tất cả quần áo, vật dụng của tôi đều đang nằm lọt thỏm trong cốp xe.
- Bố đã tìm được một chiếc xe tốt đối với con, giá cũng rẻ - Bố thông báo khi chúng tôi đã thắt dây an toàn.
- Là loại xe gì hả bố? - Tôi bỗng thấy nghi nghi cái cách nói của bố: “một chiếc xe tốt đối với con”, chứ không phải là “một chiếc xe tốt cho con”.
- À, ừ, thật ra thì nó là một chiếc xe tải, một chiếc Chevy.
- Bố tìm ra nó ở đâu vậy ạ?
- Con có nhớ ông Billy Black ở La Push không? - La Push là vùng đất bé tẹo, dành riêng cho người da đỏ ở bãi biển.
- Dạ không.
- Ông ấy vẫn hay đi câu cá với bố con mình suốt mùa hè ấy - Bố gợi lại cho tôi nhớ.
Vậy là tôi đã biết vì sao tôi không nhớ ra ông ta rồi. Gì chứ mấy cái chuyện vớ vẩn, buồn bực, là tôi quên hay lắm.
- Hiện giờ, ông ấy đang phải ngồi xe lăn - Thấy tôi không nói gì, bố lại tiếp tục kể - thế nên chẳng còn lái xe được nữa, và ông ấy đã chào mời bố mua lại chiếc xe tải với giá rẻ.
- Thế nó được sản xuất vào năm nào hả bố? - Hỏi xong, tôi nhận ra ngay sự thay đổi về cách trả lời trước câu hỏi mà bố không mong tôi thốt ra.
- À, ừ, ba cái chuyện máy móc thì ông Billy sửa chữa giỏi lắm, cái xe chỉ mới cách đây vài năm thôi, con ạ, thật đấy.
Tôi mong bố không nghĩ này nọ về tôi khi biết rằng tôi không chịu đầu hàng một cách dễ dàng như thế.
- Ông ấy mua xe khi nào vậy bố?
- Bố nghĩ là ông ấy đã mua chiếc xe vào năm 1984.
- Thế ông ấy có mua mới không?
- Ờ, không. Bố nghĩ là vào đầu những năm 1960 thì nó mới, mà lâu nhất thì cũng là cuối những năm 1950 thôi, con ạ - Bố bẽn lẽn thú thật.
- Ra là thế... Bố à, con thật sự không biết gì về xe cộ. Nó mà có hư hỏng gì thì con cũng đến chịu thôi, và con thì không có khả năng trả tiền cho thợ sửa chữa...
- Thật mà, Bella, thứ này chạy tốt lắm. Người ta chẳng còn sản xuất kiểu này nữa.
Thứ này, tôi thầm nghĩ... thì chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra, nhẹ nhất thì cũng là bị người ta chế giễu.
- Vậy còn rẻ là rẻ thế nào hả bố? - Cuối cùng, đây là vấn đề tôi không thể bỏ qua.
- À, ờ, con gái, bố mua nó là để tặng cho con, như một món quà mừng con trở về - Vừa nói, bố vừa liếc mắt, lén nhìn tôi, hy vọng.
Ái chà chà. Không tốn tiền.
- Bố không cần phải làm thế đâu, bố ạ. Con sẽ tự mua xe cho mình mà.
- Có gì đâu con. Bố muốn con được hạnh phúc khi ở đây - Vừa nói, bố vừa nhìn thẳng con đường ở đằng trước mặt. Chẳng bao giờ bố cảm thấy thoải mái khi phải bộc bạch cảm xúc của mình. Và tôi thừa hưởng điều đó từ bố. Tôi cũng vừa nhìn thẳng phía trước mặt, vừa trả lời.
- Thật tuyệt, bố ạ. Con cảm ơn bố. Con rất cảm động - Tất nhiên tôi chẳng thể nói thêm được rằng mình đang cảm thấy hạnh phúc khi ở thị trấn Forks này. Bố không cần phải chịu đựng như tôi. Và tôi cũng cố không biểu lộ cảm xúc gì về cái xe - hay cái động cơ miễn phí ấy.
- Ừm, giờ thì... con cứ tự nhiên - Bố lầm bầm, lúng túng trước lời cảm ơn của tôi.
Hai bố con tôi trao đổi với nhau thêm một chút nữa về thời tiết ẩm ướt, xem ra, chúng tôi cũng chỉ còn biết nói về điều đó mà thôi. Rồi cả hai bố con tôi cùng nhìn ra ngoài ô cửa trong yên lặng.
Đẹp quá, thật là đẹp, tôi không thể phủ nhận điều đó. Mọi thứ xung quanh đều xanh ngắt một màu: cây cối với những thân cây phủ đầy rêu, nhánh cành của chúng tạo thành những tán lá rậm rạp, mặt đất mọc đầy dương xỉ. Ngay cả không khí cũng lóng lánh màu xanh của lá cây.
Tất cả đều thấm đẫm một màu xanh ngắt – một hành tinh xa lạ.
Cuối cùng, chúng tôi đã tới nơi. Bố Charlie của tôi vẫn sống trong căn nhà nhỏ có hai phòng ngủ, căn nhà mà bố và mẹ đã cùng mua trong những ngày đầu mới cưới. Đó là những ngày ăm ắp những điều mới mẻ trong cuộc sống lứa đôi của hai người. Và kia, đậu bên lề đường, ngay trước căn nhà chẳng bao giờ thay đổi, là cái - ôi trời, là cái xe tải mới của tôi. Nó có màu đỏ xỉn với những cái chắn bùn tròn tròn to đùng và một cái cabin phình phình hình củ hành. Càng nhìn càng bất ngờ, tôi thật sự thích cái xe này. Tôi không biết nó có chạy được hay không, nhưng tôi đang mường tượng ra cảnh mình ngồi ở trong đó. Còn nữa, nó là một trong những chiếc xe rắn chắc không bao giờ phải chịu nguy hại - kiểu xe hay thấy ở mấy chỗ xảy ra tai nạn: lớp sơn chẳng bị bong tróc lấy một miếng, thay vì như thế, xung quanh lại dính mấy mảng sơn của chiếc xe bị tông vào.
- Chà, bố ơi, con thích nó lắm! Cảm ơn bố nhé! - Giờ thì cái ngày mai khủng khiếp sẽ không còn đáng sợ nữa. Tôi sẽ không phải chọn lựa giữa việc đội mưa đi bộ hai dặm liền đến trường với việc ngồi trên xe của cảnh sát trưởng.
- Bố mừng là con thích nó - Bố đáp lại lời cảm ơn của tôi một cách ngượng nghịu.
Chỉ cần đi một lần thôi là tôi đã đem được tất tần tật hành lý của mình lên lầu. Tôi dọn vào phòng ngủ phía tây, căn phòng trông xuống sân trước. Gì chứ, phòng này thì tôi đã quá quen thuộc rồi; chẳng gì thì khi tôi vừa chào đời, nó đã thuộc về tôi mà. Sàn gỗ, tường xanh lơ, trần có chóp nhọn, các dải buộc màn cửa sổ đã nhuốm vàng - một phần thời thơ ấu của tôi đấy. Những thay đổi có chăng là bố đã thay cái giường cũi của trẻ con bằng một cái giường thực thụ, và kê thêm một cái bàn học, vì tôi đã lớn. Trên bàn hiện giờ là chiếc máy vi tính cũ, đi kèm theo nó là một sợi dây điện thoại đang lòng thòng trên sàn nhà, một đầu dùng để kết nối bộ biến hoàn và một đầu đang gắn vào khe cắm điện thoại gần nhất. Đây là yêu cầu của mẹ tôi, để mẹ con tôi có thể liên lạc với nhau dễ dàng. Chiếc ghế bập bênh thuở nhỏ của tôi vẫn còn nằm ở một góc phòng.
Trên lầu, chỉ có một phòng tắm nhỏ, mà tôi lại phải dùng chung nó với bố Charlie. Tôi cố gắng không để tâm quá nhiều vào chuyện này.
Một trong những tính cách dễ thương của bố tôi là ông không hay quẩn quanh bên ai cả. Bố để tôi một mình mở hành lý và sắp xếp đồ đạc riêng, một “hiện tượng kỳ lạ” không bao giờ xảy ra ở mẹ tôi. Được tự do một mình thật thoải mái, không phải mỉm cười và lúc nào trông cũng tươi vui; tôi có thể tự nhiên hướng mắt ra ngoài cửa sổ trong màn mưa, hay để vài giọt nước mắt tuôn rơi mỗi khi phiền muộn. Hiện thời, tôi chưa muốn khóc. Tôi sẽ để dành điều đó vào giờ đi ngủ, khi bắt đầu nghĩ đến buổi sáng hôm sau.
Trường trung học Forks “sở hữu” một sĩ số học sinh lạ thường, trước kia là ba trăm năm mươi bảy học sinh - bây giờ thành ba trăm năm mươi tám học sinh; trong khi đó, chỉ cần nói tới khối lớp học gần cuối cấp của tôi ở trường cũ thôi, số học sinh đã có đến hơn bảy trăm người rồi. Ở đây, trẻ con cùng lớn lên bên nhau - bố mẹ chúng cũng đã chơi với nhau từ hồi còn chập chững tập đi, bập bẹ học nói. Vậy là tôi sẽ trở thành một cô gái đến từ thành phố lớn, một “sinh vật hiếm”, một “người ngoài hành tinh”.
Có thể, nếu tôi mang dáng vẻ là người Phoenix, thì việc tôi kết bạn sẽ thuận lợi hơn. Nhưng oái oăm thay, xét về dáng vẻ mà nói, tôi chẳng giống dân Phoenix tí nào. Đáng lẽ ra tôi phải có một làn da rám nắng, phải giỏi chơi thể thao, phải có mái tóc vàng - phải là một tay bóng chuyền, hay một người chỉ huy trận đấu tài giỏi chẳng hạn - tức là làm sao cho người ta thấy rằng mình đã sống ở một nơi ngập tràn ánh nắng mặt trời mới đúng.
Thế mà nước da của tôi lại có màu ngà ngà, chẳng có cả mắt xanh lẫn mái tóc đỏ quạch, mặc cho mặt trời luôn rọi nắng chói chang. Bấy lâu nay, thân người tôi vẫn mảnh khảnh, lại còn mềm nhão nữa, rõ ràng chẳng phải là một vận động viên rồi; tôi không hề biết kết hợp giữa tay và mắt sao cho tốt để có thể chơi thể thao mà không bị bẽ mặt - và “gây tai nạn” cho chính bản thân lẫn người xem đứng quá gần mình.
Khi đã cất xong tất cả quần áo vào cái tủ làm bằng gỗ thông cũ kỹ, tôi mang túi đựng đồ dùng cá nhân vào nhà tắm để kỳ cọ thân thể cho sạch sẽ sau một ngày dài đi đường. Tôi ngắm nhìn gương mặt mình trong gương, bắt đầu chải mái tóc rối bời, ẩm ướt. Chắc do ánh sáng nên trông tôi có vẻ tái nhợt, ốm yếu. Làn da của tôi chắc cũng không đến nỗi nào - hiện thời, nó rất sạch và gần như trong suốt - tuy nhiên, còn tùy thuộc vào màu da nữa. Ở thị trấn này, làn da của tôi thuộc loại không có màu.
Nhìn hình ảnh của mình phản chiếu trong gương, tôi buộc phải thừa nhận rằng mình đang tự lừa dối bản thân mình. Tôi không chỉ không giống người Phoenix ở dáng vẻ bề ngoài thôi đâu. Nếu tôi không thể hòa đồng được trong một ngôi trường chỉ có hơn ba trăm học sinh thì tôi còn có thể làm gì được ở nơi này nữa?
Tôi không có duyên với những bạn đồng trang lứa. Hình như tôi không có khiếu giao thiệp với mọi người thì đúng hơn. Ngay cả với mẹ, người thân thiết nhất với tôi trong cuộc đời này, cũng chưa bao giờ hòa hợp với tôi - chưa bao giờ có cùng một quan điểm như tôi. Đôi khi tôi tự hỏi mình rằng liệu tôi có đang nhìn nhận thế giới này giống như tất cả mọi người không. Chắc não bộ của tôi hoạt động không đồng đều thì phải.
Nhưng điều này cũng chẳng có nghĩa lý gì. Cái quan trọng là kết quả. Và ngày mai chỉ mới là ngày bắt đầu.
Đêm đó, tôi không ngủ được, dù cho sau đó, tôi có òa khóc nức nở. Thanh âm của mưa quyện cùng tiếng gió ào ào thổi qua mái cứ ào ạt dồn tới. Tôi kéo tấm chăn bông cũ kỹ lên khỏi đầu, rồi trùm qua khỏi gối. Thế mà tôi vẫn không sao chợp mắt được, cho mãi đến tận nửa đêm, khi cuối cùng, mưa cũng thưa dần, chỉ còn là những hạt mưa bụi yên ả.
Sáng hôm ấy, qua ô cửa sổ phòng mình, tôi nhìn thấy một màn sương mù dày đặc, trong lòng bỗng dậy lên một nỗi lo sợ bị giam giữ. Không thể nhìn thấy bầu trời đâu nữa, tất cả chẳng khác chi một cái lồng.
Bữa ăn sáng với bố Charlie diễn ra trong im lặng. Bố chúc tôi đi học gặp nhiều may mắn. Miệng thì cảm ơn bố, nhưng trong lòng tôi thì biết chắc rằng hy vọng của bố đã đặt không đúng chỗ. Thần may mắn lúc nào cũng tìm cách tránh né tôi. Bố rời khỏi nhà trước. Còn lại tôi ngồi một mình giữa một trong ba chiếc ghế, bên chiếc bàn vuông làm bằng gỗ sồi, mắt nhìn quanh gian bếp nhỏ nhắn của bố: những bức tường có đóng ván ô sẫm màu, mấy chiếc tủ màu vàng tươi và tấm thảm phủ sàn nhà trắng toát. Mọi thứ chẳng có gì thay đổi. Cách đây tám năm, chính mẹ đã tự tay sơn lại mấy chiếc tủ nhằm đem lại chút vui tươi cho căn nhà. Cạnh gian bếp là phòng sinh hoạt gia đình chỉ nhỏ như chiếc khăn tay, trong phòng vẫn là chiếc lò sưởi cũ, bên trên nó cũng vẫn là một hàng các bức ảnh. Tấm ảnh đầu tiên là ảnh cưới của bố Charlie và mẹ chụp ở Las Vegas, tấm thứ hai là cả ba chúng tôi đang ở bệnh viện, sau khi tôi ra đời, ảnh do bà đỡ chụp, tiếp theo là các tấm ảnh chụp tôi ở trường theo từng năm, kết thúc là tấm ảnh chụp ở trường năm ngoái. Xem lại tất cả mà lòng nao nao - tôi sẽ phải lựa lời nói với bố để bố cất tất cả các tấm ảnh ấy đi, ít nhất thì cũng là trong khoảng thời gian tôi có mặt ở Forks.
Sống trong căn nhà này, thật không có gì khó khăn để nhận ra rằng bố đã chẳng bao giờ quên mẹ. Điều đó làm cho tôi cảm thấy không thoải mái.
Tôi không muốn đến trường quá sớm, cũng không muốn ở nhà thêm chút nào nữa. Khoác chiếc áo lạnh lên người, mà có cảm giác cứ như là đang mặc áo phòng chống hơi độc, tôi bước ra ngoài màn mưa.
Vẫn là cơn mưa phùn, chưa đủ lớn để có thể làm tôi ướt sũng trong lúc lần tay lấy chiếc chìa khóa nhà luôn được giấu dưới mái hiên gie ra chỗ cửa trước và khóa cửa lại. Tiếng giày ống lội nước bì bõm nghe thật chán. Tôi thèm làm sao được nghe thấy tiếng lạo xạo khi bước đi trên sỏi. Tôi không thể dừng lại mà ngắm nghía chiếc xe tải, dù rất muốn; tôi đang vội vã thoát khỏi màn sương mù ẩm ướt đang lượn lờ trên đầu tôi, luồn vào mái tóc của tôi dưới chiếc mũ trùm đầu.
Trong xe tải thật khô ráo và dễ chịu. Có thể hiểu là ông Billy hoặc là bố đã lau chùi nó một cách cẩn thận, sạch sẽ; tuy nhiên, lớp da bọc ghế màu nâu vẫn còn phảng phất mùi thuốc lá, mùi xăng và mùi bạc hà. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì động cơ của chiếc xe khởi động rất nhanh, thế nhưng nó lại kêu rất to, vang lên ầm ầm trong không gian và từ từ lăn bánh ở âm lượng to nhất. Trời ơi, cái xe tải cổ lỗ sĩ này sắp “vào viện bảo tàng” rồi. Còn cái radio xưa lơ xưa lắc đang hoạt động này nữa, lại thêm một thứ mà tôi chẳng trông đợi gì được.
Trường học không khó tìm lắm, dù rằng tôi chưa lần nào đặt chân tới đó. Ngôi trường này, cũng giống như mọi ngôi trường khác, nằm cách xa đường quốc lộ. Ban đầu, tôi cũng không thể đoán ra đó là trường học, chỉ tới khi nhìn thấy cái bảng hiệu ghi Trường trung học Forks, tôi mới dừng lại. Toàn bộ ngôi trường tựa như một tập hợp của những ngôi nhà hình hộp diêm, được xây bằng loại gạch có màu nâu sẫm. Xung quanh trường, đầy những cây xanh, cao có, lúp xúp có. Cây cối nhiều đến độ thoạt nhìn, tôi không biết được ngôi trường có quy mô lớn, nhỏ ra sao. Đâu rồi cái cảm giác bồi hồi quen thuộc? Tôi tự hỏi lòng mình một cách luyến tiếc. Hàng rào ở đâu, các máy dò kim loại đặt ở chỗ nào?
Tôi dừng xe ngay trước cửa tòa nhà thứ nhất, ở đây có một bảng hiệu nhỏ ghi dòng chữ: VĂN PHÒNG TRƯỚC - treo bên trên cửa ra vào. Chẳng thấy bóng dáng một ai, tôi chắc mẩm đây là nơi không được lui tới, tuy vậy, tôi vẫn quyết định ghé vào, thay vì phải lái xe lòng vòng quanh trường như một đứa dở hơi. Một cách miễn cưỡng, tôi bước ra khỏi buồng lái, đặt chân xuống một bậc đá nhỏ nằm cùng hàng với những bụi cây xanh thẫm. Tôi hít một hơi thật sâu trước khi mở cửa.
Trong phòng sáng hơn và ấm hơn tôi tưởng. Văn phòng khá nhỏ, khu vực ngồi chờ thì chỉ bé như cái mắt muỗi, có kê mấy cái ghế xếp, bảng quảng cáo thì lấm tấm những vệt màu cam, các thông báo cùng những bằng khen treo lộn xộn trên tường, một cái đồng hồ to kêu tích tắc thật lớn. Trong phòng để đầy những chậu cây, tựa hồ như bên ngoài chẳng có đủ cây xanh vậy. Văn phòng bị ngăn ra làm hai bởi một kệ tủ dài, để bừa bãi các sọt lưới chứa đầy giấy cùng mô hình mẫu những côn trùng biết bay gắn phía trước sọt. Phía sau kệ tủ là ba cái bàn làm việc, một phụ nữ có vóc người to lớn, tóc đỏ, đeo kính, đang ngồi ở đằng sau một trong ba cái bàn ấy. Bà ta mặc một chiếc áo sơmi ngắn tay màu đỏ tía, khiến cho tôi không khỏi cảm thấy choáng ngợp.
Người phụ nữ tóc đỏ ngước mặt lên.
- Tôi có thể giúp gì cho em?
- Em là Isabella Swan - Tôi giới thiệu tên của mình, và nhận ra ngay lập tức vẻ sáng rỡ trong mắt người phụ nữ. Người ta đang chờ tôi đến, vẫn là những chuyện ngồi lê đôi mách muôn thuở. Cuối cùng thì cô con gái của ngài cảnh sát trưởng với bà vợ cũ bỏ nhà ra đi, nay, đã trở về.
- Tất nhiên rồi - Người phụ nữ đáp lời tôi rồi đưa tay lật lật giở giở chồng tài liệu trên bàn, cuối cùng, bà ta cũng đã tìm ra - Tôi có lịch học của em đây, cả sơ đồ trường mình nữa - Người phụ nữ tóc đỏ để mấy tờ giấy đó lên kệ tủ, chỉ cho tôi xem.
Bà ta giở bản đồ, hướng dẫn tôi đường đến các lớp học sao cho nhanh nhất và đưa cho tôi một tờ giấy để lấy chữ ký của giáo viên vào cuối mỗi buổi học. Người phụ nữ tóc đỏ mỉm cười, hy vọng, giống như ông bố Charlie của tôi, rằng tôi sẽ yêu Forks. Và tôi cũng mỉm cười đáp lại thật tươi.
Khi tôi quay trở lại chiếc xe tải, các học sinh đã bắt đầu ùa vào trường. Tôi cho xe chạy quanh trường, theo tuyến đường dành cho giao thông. Lòng tôi chợt cảm thấy vui sướng khi nhận ra rằng hầu hết các xe ở đây đều thuộc hàng “đại thụ” như xe tôi, chẳng có chiếc nào thuộc loại “chói cả mắt”. Ở nơi tôi sống trước kia, một trong những vùng có nhiều người thu nhập thấp, trong đó có cả quận Thung lũng Thiên đường, người ta thường nhìn thấy những chiếc Mercedes hay chiếc Porsche mới cáu của đám học sinh, sinh viên. Trong khi đó, ở đây, chiếc xe hơi tốt nhất là chiếc Volvo sáng bóng, đang nằm lạc lõng trong bãi. Ngay khi vừa đậu xe vào đúng nơi quy định xong, tôi tắt máy ngay, kẻo cái tiếng máy nổ ầm ầm như sấm ấy lại khiến người ta chú ý tới mình.
Ngồi trong buồng lái xe tải, coi lại sơ đồ đường đi, tôi cố gắng ghi nhớ mọi chi tiết, hy vọng sẽ không phải vừa đi lòng vòng quanh trường, vừa phải chúi mũi vào cái bản đồ đó cả ngày. Tôi cho mọi thứ vào túi rồi vác lên vai, hít vào một hơi thật sâu. Mình có thể làm được, tôi tự động viên bản thân một cách yếu ớt. Sẽ chẳng có ai bắt nạt đâu. Tôi trấn an mình lần cuối, rồi bước xuống xe.
Vẫn đội cái mũ trùm trên đầu, tôi bước đi trên vỉa hè, hòa mình cùng đám đông các thanh thiếu niên khác. May thay, cái áo lạnh màu đen tuyền của tôi không hề nổi bật chút nào, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Tôi đi ngang qua quán ăn tự phục vụ và dễ dàng nhận ra tòa nhà số Ba. Con số “3” rất to màu đen, nằm vuông vức trên tấm bảng trắng, được đặt ở góc tường phía đông. Mỗi bước tiến đến gần hơn cánh cửa lớp học, hơi thở của tôi lại càng trở nên dồn dập, tôi không khó khăn gì để nhận ra điều ấy. Cố gắng nín thở, tôi bước theo sau hai người mặc áo mưa đang đi vào cửa lớp.
Phòng học khá chật. Hai người đi trước tôi vừa bước qua khỏi ngưỡng cửa, dừng lại, treo áo mưa lên móc. Tôi cũng bắt chước làm y như thế. Đó là hai nữ sinh, một người có mái tóc vàng, làn da trắng muốt, người kia cũng có nước da trắng trẻo như vậy, nhưng mái tóc thì hơi nâu. Ít ra, ở đây, màu da của tôi cũng không thuộc loại “cá biệt”.
Bất chợt, tôi trượt chân, vấp ngã, va ngay vào thầy giáo. Trước mặt tôi là một người đàn ông có thân hình cao ráo, hói đầu; trên bàn của thầy có một tấm biển đề tên, ghi dòng chữ: Ông Mason. Thầy giáo trố mắt nhìn tôi, rồi trông vào tên tôi một cách ngớ ngẩn - đó không phải là sự chào đón nhiệt tâm - và dĩ nhiên là mặt tôi đã đỏ lựng lên như một trái cà chua chín mọng. Dù sao thì chí ít, thầy cũng đã dẫn tôi đến một cái bàn trống ở cuối lớp, không hề giới thiệu tôi với cả lớp. Các “con ma cũ” ngoái đầu lại nhìn theo lưng tôi, rồi sau đó, họ cũng kiềm chế được nỗi tò mò của mình. Tôi lướt mắt lướt dọc theo bảng danh sách tên các tác giả sẽ phải học mà thầy giáo vừa đưa cho. Toàn những cái tên quen thuộc: Bront, Shakespeare, Chaucer, Faulkner. Tôi đã đọc hết cả rồi. Thật nhàn hạ... đến phát chán. Tôi đang tự hỏi không biết mẹ có sẽ gửi cho mình mấy bài luận văn cũ về các tác giả này không, hay mẹ lại cho rằng tôi đang đùa. Rồi cứ thế, trong đầu tôi miên man suy nghĩ đến việc sẽ phải nói sao cho mẹ hiểu, trong lúc thầy giáo ở trên kia cứ thao thao bất tuyệt với bài giảng của mình.
Chuông reo - một thứ âm thanh lanh lảnh, giọng mũi - có một anh chàng lênh khênh, ốm nhom, tóc đen nhánh, nhoài người sang bắt chuyện với tôi.
- Cậu là Isabella Swan, phải không? - Có vẻ như anh bạn này rất hay nhiệt tình giúp đỡ người khác, giống như những thành viên trong hội cờ vua.
- Bella - Tôi sửa lại. Những người ngồi trong phạm vi ba chiếc ghế quanh đấy bắt đầu quay lại nhìn tôi.
- Lớp học tiếp theo của cậu ở đâu? - Anh ta hỏi.
Tôi vội mở túi xách của mình ra kiểm tra.
- Ừm, môn Nhà nước, với ông Jefferson(3), tòa nhà số Sáu.
Giờ thì tất cả mọi người đang hiện diện trong lớp đều đổ dồn cặp mắt tò mò về phía tôi.
- Mình thì đến tòa nhà số Bốn, mình sẽ chỉ đường cho cậu... - Đích thị là người thích giúp đỡ người khác rồi - Mình là Eric - Anh ta nói thêm.
- Cảm ơn - Tôi mỉm cười gượng gạo.
Chúng tôi lấy áo khoác và bước ra ngoài, mưa lúc này đã nặng hạt hơn. Tôi dám đánh cược rằng ngay lúc này đây, có một số người đi ở phía sau tôi đang muốn rút ngắn hơn nữa khoảng cách giữa chúng tôi với họ, với hy vọng nghe lỏm được vài điều gì đó. Mong rằng tôi không bị mắc chứng hoang tưởng.
- Ở đây khác Phoenix lắm, phải không? - Eric gợi chuyện, hỏi.
- Khác lắm.
- Ở đó không có nhiều mưa à?
- Khoảng ba hay bốn lần một năm.
- Chà, thế thì sẽ thế nào nhỉ? - Anh bạn đi bên cạnh tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Ngập tràn ánh nắng - Tôi trả lời.
- Trông cậu có rám nắng lắm đâu.
- Mẹ mình bị bạch tạng.
Eric nhìn tôi áy náy, còn tôi thì không ngăn được tiếng thở dài. Có vẻ như sự nghiêm túc và tính hài hước chẳng thể nào đi chung với nhau được vậy. Mấy tháng rồi, hình như tôi đã quên, không còn dùng đến câu nói châm biếm này. Chúng tôi đi vòng trở lại quán ăn tự phục vụ, hướng đến các tòa nhà ở phía nam, chỗ gần phòng tập thể dục. Eric đưa tôi đến tận cửa ra vào, cứ như thể anh ta sợ tôi không tìm thấy, cho dù cái cửa này có ghi chú rõ ràng.
- Ừm, chúc cậu may mắn nhé - Anh ta chào tạm biệt khi tôi vừa chạm tay đến cái nắm cửa - Chắc tụi mình sẽ còn học chung ở một số lớp khác - Trong câu nói của Eric có ẩn chứa sự hy vọng.
Tôi mỉm cười một cách lơ đãng rồi bước vào trong.
Khoảng thời gian còn lại của buổi sáng hôm ấy lặng lờ trôi đi. Thầy giáo dạy môn lượng giác của lớp tôi tên là Varner - tôi không tài nào ưa nổi thầy bởi cái môn học mà thầy phụ trách - đó là người duy nhất đã bắt tôi đứng ra trước lớp để tự giới thiệu về mình. Tôi đã ấp a ấp úng, mặt mũi đỏ lựng; sau màn chào hỏi đó, tôi bước về chỗ ngồi của mình trong tình trạng chân nọ đá vào chân kia.
Sau khi đã trải qua những giờ học trong hai lớp, ở mỗi lớp, tôi bắt đầu nhớ được vài gương mặt. Chẳng qua cũng là bởi có một số người đã tỏ ra bạo dạn, chủ động đến với tôi, họ tự giới thiệu về mình rồi hỏi xem tôi có thích Forks không. Tôi cố gắng tỏ ra “xã giao” một chút, nhưng chung qui cũng chỉ là xã giao mà thôi. Ít ra, nhờ vậy mà tôi không còn phải dùng đến bản đồ nữa.
Một cô bạn ngồi cạnh tôi trong cả hai lớp lượng giác và tiếng Tây Ban Nha cùng đi ăn trưa với tôi ở quán ăn tự phục vụ. Đó là một cô gái nhỏ nhắn, thấp hơn chiều cao một mét sáu mươi ba của tôi chừng bảy, tám xăngtimét, nhưng điểm khác biệt lớn giữa chúng tôi không phải là chiều cao, mà chính là cái mái tóc quăn tít, bù xù của cô. Tôi không nhớ nổi tên cô bạn tóc xù, thế nên tôi chỉ khẽ mỉm cười và gật đầu với cô ta mỗi khi nghe cô kể chuyện này chuyện nọ về các thầy, cô giáo hay về lớp học. Thật lòng mà nói, tôi cũng chẳng muốn lưu tất cả những điều ấy vào bộ nhớ của mình làm gì.
Chúng tôi ngồi vào mấy cái ghế còn trống trong quán ăn, cùng bàn với mấy “chiến hữu” của cô bạn tóc xù, tôi được giới thiệu với họ; và tôi đã quên tên họ ngay sau khi cô bạn tóc xù vừa giới thiệu xong. Xem ra, những người bạn mới này có vẻ ấn tượng về sự bạo dạn của cô bạn tóc xù khi thấy cô ta nói chuyện với tôi. Bất chợt tôi nhìn thấy ở phía bàn bên kia, anh chàng người Anh - Eric - đang vẫy tay lia lịa ra ý chào tôi.
Và lần đầu tiên tôi được trông thấy họ chính là vào lúc ấy, khi tôi đang ngồi ăn trưa và cố gắng tỏ ra hòa nhập vào cuộc tán gẫu với bảy người hiếu kỳ.
Họ ngồi ở một góc, chỗ xa tôi nhất, trong quán ăn tự phục vụ. Tất cả gồm năm người. Họ chẳng chuyện trò, mà cũng chẳng hề đụng tay tới cái khay đựng khẩu phần, trước mặt mỗi người, khay thức ăn vẫn đầy y nguyên như lúc mới mang ra. Chẳng có ai trong số họ lại trố mắt ra nhìn tôi một cách ngớ ngẩn như hầu hết học sinh ở đây, vì thế, tôi có thể tự do quan sát họ mà không phải e ngại những cặp mắt kia sẽ nhìn đáp trả lại mình. Không, không hề có một ai biết đến điều đang thu hút sự chú ý của tôi lúc này cả.
Cứ nhìn năm người họ mà xét thì chẳng thấy ai có nét gì khả dĩ giống nhau. Ba người trong số ấy, có một người to con, lực lưỡng, y như một vận động viên cử tạ hạng nặng, tóc đen, quăn. Người kia cao hơn, ốm hơn, nhưng cũng vạm vỡ, có mái tóc màu vàng mật ong. Người thứ ba thì gầy và cao lêu đêu, tóc anh ta màu đồng, bù xù. Anh ta trông trẻ hơn rất nhiều so với những người kia - những người có thể đã vào đại học, hoặc thậm chí đang là giáo viên cũng nên, khó có thể nói họ đang còn là học sinh trung học.
Hai người còn lại trong số ấy là hai cô gái đang ngồi ở phía đối diện. Một trong số hai cô gái ấy có vẻ đẹp như tượng. Cô ta sở hữu một thân hình có chiều cao và đường nét không khác những người mẫu trong các ảnh chụp in trên trang bìa của Tạp chí thể thao, số có chuyên đề về quần áo tắm một mảnh của phụ nữ. Nếu có ai đó cùng phái mà ngồi cạnh cô ta, hẳn sẽ phải ghen tỵ hoặc tủi thân tủi phận trước vẻ đẹp đáng mơ ước ấy. Tóc cô gái màu vàng, ngọn tóc chấm ngang lưng hơi uốn dợn thành làn sóng. Cô gái ngồi bên thì có vóc người thấp bé, mảnh khảnh, gương mặt nhỏ nhắn, trông như một nàng tiên bước ra từ truyện cổ tích. Cô gái này có mái tóc đen nhánh, cắt ngắn, lỉa chỉa ra mọi hướng.
Tuy nhiên, năm người họ lại rất giống nhau, nếu có thể nói như vậy. Tất cả bọn họ đều có làn da trắng như thoa phấn, trắng hơn bất kỳ một học sinh nào khác trong thị trấn không có ánh nắng mặt trời này. Họ trắng hơn cả tôi, một kẻ có làn da không bao giờ bị bắt nắng. Cả năm người đều có đôi mắt rất đen, bất kể màu tóc của họ màu gì. Và... bên dưới mỗi đôi mắt ấy là những vết quầng - màu đỏ tím, giống những quầng thâm thường thấy ở dưới mắt. Trông họ cứ như những kẻ vừa mới trải qua một đêm mất ngủ hay là mới bị “nện” cho vỡ mũi xong. Ngoại trừ chiếc mũi ra, gương mặt của họ rất cân đối, xương xương và hoàn hảo.
Dù sao đi nữa, tất cả những chi tiết trên cũng chưa phải là nguyên nhân chính khiến tôi cứ dán mắt vào họ.
Sở dĩ tôi không thể rời mắt khỏi năm học sinh nọ là bởi gương mặt của họ quá khác biệt nhau, nhưng đồng thời lại rất giống nhau, tất cả đều mang một vẻ hoang dại đến ấn tượng. Đó là những gương mặt mà trong cuộc sống đời thường, ta chẳng bao giờ nhìn thấy, ngoại trừ khi xem các ảnh chụp người mẫu phun sơn hóa trang của một tạp chí thời trang nào đó, hay khi chiêm ngưỡng các tác phẩm tạo hình gương mặt thiên sứ của một chuyên gia trang điểm. Nhìn họ, khó có thể xác định được ai là người đẹp nhất - có thể là cô gái tóc vàng không có lấy một nét khiếm khuyết, cũng có thể là anh chàng có mái tóc màu đồng kia.
Ánh mắt của năm người dõi theo các hướng khác nhau - không ai nhìn ai, cũng chẳng nhìn vào học sinh nào, hay chú mục vào một cái gì cụ thể. Trong lúc tôi đang quan sát như vậy thì cô gái nhỏ nhắn đứng lên, bưng theo khay thức ăn - gồm có nước soda chưa khui, một trái táo còn nguyên vẹn - bỏ đi; bước đi của cô ta nhanh thoăn thoắt như thể đang bước xuống đồi. Tôi cứ nhìn theo, thầm ngạc nhiên về đôi chân uyển chuyển như một diễn viên múa ấy mãi cho đến khi cô ta cất cái khay rồi lẻn ra ngoài theo lối cửa sau, nhanh như cắt. Cô gái hoàn toàn mất hút, không để lại một dấu vết nào; tôi phóng tầm mắt đến những học sinh còn lại, bốn người họ vẫn đang ngồi yên, bất động.
- Mấy người đó là ai vậy? - Tôi hỏi cô bạn cùng học chung lớp tiếng Tây Ban Nha mà tên của cô ta thì tôi đã không tài nào nhớ nổi.
Cô bạn tóc xù ngước mắt lên nhìn nhóm người vừa được tôi đề cập đến - hình như qua giọng nói của tôi, cô ta đã hiểu ngay lập tức là tôi muốn nói về những ai. Bất thình lình, anh chàng ốm nhất, người trông có vẻ trẻ nhất, cũng có lẽ là ít tuổi nhất, nhìn sang phía bạn tôi. Anh ta chỉ thoáng nhìn lướt qua cô bạn của tôi trong một giây, rồi đôi mắt đen lay láy ấy chuyển liền sang phía tôi.
Đột nhiên, anh ta lại chuyển hướng nhìn sang chỗ khác, toàn bộ sự việc này diễn ra rất nhanh, nhanh đến mức tôi không kịp có phản ứng nào, mà chỉ vừa mới chớp mắt vì bối rối, ngượng ngùng mà thôi. Sau cái nhìn chớp nhoáng đó, gương mặt anh ta chẳng biểu lộ cảm xúc gì - như thể cô bạn tôi vừa gọi tên anh ta, anh ta đã ngước mắt lên theo phản ứng, nhưng rồi quyết định không lên tiếng trả lời vậy.
Cô bạn tóc xù của tôi cũng có vẻ bẽn lẽn, nhưng rồi lại phá lên cười khúc khích và nhìn sang một bàn khác như tôi.
- Đó là Edward và Emmett Cullen, Rosalie và Jasper Hale. Người vừa mới đi khỏi là Alice Cullen; mấy người đó sống chung với bác sĩ Cullen và vợ ông ta - Cô bạn khẽ khàng giải thích.
Tôi liếc mắt nhìn sang người bảnh trai nhất trong nhóm, lúc này đây, anh ta đang nhìn xuống khay thức ăn của mình, những ngón tay dài, trắng muốt nhặt các chiếc bánh vòng nhỏ lên. Anh ta nhai rất nhanh, đôi môi hoàn hảo chỉ hơi mở ra. Ba người còn lại vẫn nhìn sang hướng khác, tuy vậy, tôi vẫn có cảm giác là anh ta đang nói chuyện gì đó với họ.
Thật lạ, tôi chợt nghĩ, những cái tên không phổ biến chút nào. Đấy là kiểu tên chỉ có trong thời ông bà tôi mà thôi. Chẳng lẽ đấy là “mốt” ở đây - những cái tên tỉnh lẻ? Cuối cùng, tôi cũng nhớ ra được tên cô bạn ngồi cạnh mình là Jessica, một cái tên rất thông thường. Trong lớp lịch sử của tôi ở trường cũ, có tới hai người cùng mang tên Jessica.