Cha mẹ Nhật dạy con đọc và chơi như thế nào?

Trang Dimple

New member
Xu
38
Cha mẹ Nhật dạy con đọc và chơi như thế nào?
3738_nguyen_thi_thu.jpg

Bài note hôm nay là bài kể về những điều thực tế mình quan sát được khi tới chơi nhà một người Nhật mình quen, mình được chứng kiến cách cha mẹ Nhật dạy con học và chơi như nào. Khi so sánh với những gì mình đọc trong những quyển sách về nuôi con sớm mà mình đã giới thiệu ở bài viết “Phương pháp nuôi dạy con sớm (0-6 tuổi)” mình thấy có rất nhiều điều để chia sẻ. Mình viết chỉ với mục đích là chia sẻ những cảm nhận của mình đến những người có quan tâm về phương pháp nuôi dạy con, thông qua những điều mình thấy và so sánh với những gì mình đọc trong những cuốn sách về nuôi dạy trẻ sớm.



Có nhiều người đã thắc mắc rằng liệu ba mẹ Nhật có dạy con theo như những gì mình tóm tắt trong bài note “Phương pháp nuôi dạy con sớm (0-6 tuổi)” hay không. Có nhiều điều rất khó khi áp dụng ở Việt Nam và cần phải có sự kiên trì lắm mới có thể làm theo hết những điều trong sách đã viết.



Mình xin trả lời rằng không phải tất cả ba mẹ Nhật đều biết đến các phương pháp được viết trong các cuốn sách mình đã tóm tắt, dù mình không biết con số chính xác là bao nhiêu. Và hôm nay mình xin kể về một trường hợp không biết gì về phương pháp dạy con sớm như các tác giả Shichida Makoto hay Ibukai Masaru…đã khuyên, nhưng những điều cơ bản của phương pháp nuôi dạy sớm mà các tác giả trên khuyên thì vẫn được họ dạy cho con cái mình.


Hai nhân vật chính trong bài này là cô bé Himari, nick name là Hi chan (4 tuổi rưỡi) và cậu bé Tatsuki, nick name là Tak kun (3 tuổi). Mình biết ông bà và cha mẹ của em từ khi em chưa sinh ra, rồi chứng kiến ngày em sinh ra và sự trưởng thành của các em thông qua những lần thi thoảng đến chơi nhà. Gia đình của hai em cũng như bao gia đình bình thường khác ở Nhật. Ba đi làm, còn mẹ sau khi sinh thì ở nhà chăm con và đợi khi con vào lớp 1 thì mới có ý định đi làm lại. Nếu so sánh với Việt Nam thì quả là hơi khập khiễng vì hầu hết các bà mẹ ở Việt Nam vẫn phải đi làm sau khi sinh con được nửa năm. Vậy nên trong bài này mình muốn viết về những điều có tính thực tế với điều kiện ở Việt Nam để các ba mẹ ở Việt Nam có thể tham khảo. Mình nghĩ không phải vì ít thời gian chăm con và chơi với con hơn mà ta không thể áp dụng phương pháp nuôi dạy con sớm.



1. Giai đoạn 0-3 tuổi là giai đoạn uốn nắn


Mẹ của Hi chan và Tak kun đặc biệt chú trọng vào việc uốn nắn các em từ sớm và mình đã được chứng kiến từ khi Hi chan hơn 1 tuổi. Hình thành thói quen như đi ngủ từ 8g hoặc 8g rưỡi và dậy lúc 6g, thời gian ăn uống đúng giờ và không bao giờ ép ăn dù có bữa em ăn rất ít. Khi hơn 1 tuổi thì để em tự xúc hoặc bốc ăn trên bàn của người lớn và ăn cùng gia đình, em chỉ được ăn trong phần đĩa của mình do mẹ lấy cho và ăn xong thì tự giác đi chơi. Khi 1 tuổi rưỡi –gần 2 tuổi mẹ sẽ chỉ dạy lúc ban đầu mặc áo, cài cúc như nào đi giày như nào rồi tự em sẽ làm hết mọi việc sau đó. Chính vì thế khi mẹ sinh Tak kun thì bé Hi chan cũng đã tự lo được vệ sinh cá nhân cho mình nên giúp mẹ tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Trong bữa ăn không bao giờ cả nhà mở ti vi hay DVD vì sẽ làm trẻ phân tán sự tập trung dẫn đến giảm ham muốn ăn uống.

2. Cho con đọc ehon và các sách tham khảo từ bé
d11c29_c924d75f6d2b4defafc6f9e18d7d7bf2~mv2.webp

Bà ngoại đang đọc ehon cho Hi chan

Ehon là truyện dành cho thiếu nhi có tranh minh họa với rất nhiều chủ đề như truyện cổ tích, lịch sử, phiêu lưu mạo hiểm, hay là những câu chuyện thường ngày xoay quanh đề tài gia đình, trường học, anh chị em, bạn bè…). Ehon ở Nhật vô cùng phong phú về đề tài và nội dung bao gồm cả truyện của Nhật lẫn các tác phầm dịch từ nước ngoài, và số lượng các tác giả sáng tác truyện ehon cũng rất nhiều. Ehon khác với truyện tranh (manga) vì ehon giúp trẻ phát triển về ngôn ngữ thông qua việc dùng từ ngữ chuẩn và lượng từ phong phú thay vì những kiểu văn ngắn cụt lủn như của truyện tranh (tiếng Nhật gọi là manga).

Ehon gắn liền với trẻ thơ Nhật từ thuở lọt lòng đến khi đi học, rồi cả khi đã trưởng thành rồi vẫn có rất nhiều người thích ehon. Cha mẹ Nhật mua rất nhiều ehon đọc cho con cái và luyện cho con tập đọc và rồi giữ chúng lại, đến khi những đứa cháu ra đời thì những đứa trẻ ấy lại được đọc lại những cuốn ehon mà ngày xưa cha mẹ chúng đã từng đọc. Mình hỏi cả 10 người Nhật bạn bè mình thì cả 10 người đều nói hồi bé được cho đọc rất nhiều ehon và các sách tham khảo khác.



Đọc ehon cho trẻ từ thuở lọt lòng đã là văn hóa giáo dục con của người Nhật. Chính vì trẻ con được tiếp xúc với sách và truyện từ sớm mà trẻ có khuynh hướng thích đọc sách. Và đó cũng là một lí do khiến trẻ con Nhật rất thích đọc sách và văn hóa đọc sách rất phát triển. Tất cả các nhà giáo dục của Nhật đều khuyên các bậc cha mẹ hãy hãy đọc cho con mình thật nhiều ehon ngay từ thuở lọt lòng, và dạy con đọc thông qua những cuốn ehon để giúp con phát triển về từ vựng, ngôn ngữ. Hơn nữa thông qua giọng đọc của cha mẹ hay ông bà trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu và tiếp thu chủ động chứ không phải mang tính bị động như nghe băng DVD hay nghe tivi. Có nhiều gia đình không đủ tiền mua sách hay ehon cho con thì có thể mượn ở các thư viện của quận hay của thành phố.


Trở lại hai nhân vật chính là Hi chan và Tak kun, hai em đến nhà ông bà chơi thì việc đầu tiên là em chào rất to mọi người trong nhà, sau đó hai em chay đến khu đồ chơi và ôm một đống truyện cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật ra để cùng chơi. Hi chan chọn quyển mình thích rồi nhờ bà đọc cho nghe. Còn Tak kun thì lôi một hộp bút màu và một xấp giấy A4 ra ngồi vẽ rất say mê và thích thú. Sự tập trung của trẻ con ở giai đoạn này không quá 15 phút, do đó chỉ 15 phút sau là Hi chan bảo bà không đọc nữa và chạy qua chỗ Tak kun đang vẽ tranh để cùng vẽ với em. Những thứ em vẽ có thể rất buồn cười và không có chủ đề nhưng cha mẹ và ông bà hầu như không can thiệp hay chỉ đạo vào việc em đang vẽ. Mỗi khi em vẽ xong cái gì lại giơ lên cho mọi người coi và mọi người lại mỉm cười khen “Tak kun giỏi quá !”. Trẻ con có nhu cầu học tập rất cao hơn những gì người lớn tưởng tượng. Một ngày trẻ có nhu cầu đọc rất nhiều lần cụ thể là chỉ vài tiếng chơi ở nhà ông bà mà các em lôi truyện ra nhờ bà đọc, ông đọc, mẹ đọc, mình đọc…và mỗi lần chỉ 10-15 phút là các em lại chạy đi chơi trò khác cùng nhau.


3. Dạy con học chữ từ nhỏ và dạy ở mọi lúc mọi nơi

Mới hơn 4 tuổi nhưng Hi chan đã biết đọc, dù chưa phải là đọc được tất cả và chưa thể đọc được nhiều chữ Hán tự nhưng có thể viết tên mình và viết thư cho bạn cùng lớp. Dù em đã biết đọc nhưng vẫn rất thích người lớn đọc truyện cho nghe. Mình đọc truyện cho em và thi thoảng chỉ vào từng chữ đó em đọc em đều đọc được hết. Mình hỏi mẹ em là có dạy chữ cho em không hay là ở trường mẫu giáo dạy chữ sớm cho em? Cả hai đều không đúng.



Ban đầu mẹ không hề dạy chữ mà do ở cùng lớp mẫu giáo với Hi chan có bạn biết chữ và Hi chan đã hỏi bạn ấy đọc như nào. Thế rồi bạn ấy chỉ cho Hi chan và dần dần Hi chan cũng biết đọc chữ và trở nên rất thích đọc ehon và các loại sách khác. Sau khi thấy Hi chan bắt đầu biết đọc thì mẹ mới bắt đầu thi thoảng dạy thêm cho em mỗi ngày thông qua việc đọc truyện cho em dù ban đầu mẹ em không hề có ý định dạy chữ mà chỉ đọc ehon đơn thuần. Như vậy bạn của Hi chan cũng là một trong các bé được cha mẹ áp dụng phương pháp dạy chữ sớm và rồi em đó lại đến lớp mẫu giáo và dạy lại cho các bạn của mình. Quả là một điều thú vị phải không mọi người. Thêm một minh chứng nữa chứng tỏ trẻ ở giai đoạn 3 tuổi này có khả năng tiếp thu kiến thức rất nhanh.


Tak kun chưa biết đọc như chị nên chưa thích đọc ehon nhiều như chị, ngược lại cậu rất hiếu động và thích vẽ, với thích xếp hình và rất hay hỏi. Khi cả nhà ngồi nghỉ giải lao sau khi các em đã thấm mệt vì chơi đùa thì Tak kun nhìn vào hộp sữa trên bàn và chỉ vào chữ Hán tự ghi trên hộp “おいしい牛乳”và cậu hỏi mọi người đây là cái gì. Mẹ cậu chỉ vào từng chữ và đọc ”おい…しい…牛…乳 だよう” (tạm dịch là “Sữa bò thơm ngon”). Tak kun gật gù và chỉ vào chữ牛乳 (Sữa bò) nhẩm đọc lại. Rồi cu cậu lại chỉ sang chữ “MEIJI” và hỏi mẹ là chữ gì và mẹ lại đọc và giải thích thêm là “MEI JI - đây là tên hãng làm sữa mà Tak kun đang uống đó”.


Đó là cách mẹ có thể dạy cho Hi chan và Tak kun chữ ở mọi lúc mọi nơi. Giai đoạn này trẻ không cần lí giải xong rồi mới nhớ mà chỉ cần nhớ một cách vô thức như là học thuộc lòng, nhưng chưa thể nhớ ngay được, do đó rất cần cha mẹ phải lặp đi lặp lại và rất kiên nhẫn. Vì vậy có thể hôm sau em sẽ lại hỏi lại câu tương tự hôm trước em hỏi thì điều đó cũng rất bình thường, và ba mẹ lại dạy lại em thì chỉ cần 1-2 lần sau em sẽ nhớ và những từ đó sẽ được lưu lại trong ý thức tiềm tại của em. Tuy nhiên việc dạy chữ mỗi ngày chỉ làm ít một và trong 5 phút và khi nào trẻ có hứng thú thì mới hiệu quả. Trẻ con ở giai đoạn 2-4 tuổi này có tốc độ hấp thu kiến thức rất nhanh và nhiều mà đôi khi người lớn không biết đã vô tình lãng phí giai đoạn này. Có lẽ có nhiều người cho rằng như thế là bắt ép trẻ học sớm không cho trẻ chơi, mà không biết rằng học hỏi và khám phá thế giới cũng là nhu cầu của trẻ và đối với trẻ việc đọc sách hay vẽ tranh cũng thích thú như việc chơi game hay các trò chơi khác. Do đó, nếu trẻ hứng thú với học chữ hay bất cứ thứ gì thì ta nên khuyến khích. Và không nên lấy suy nghĩ của người lớn để áp đặt lên suy nghĩ và sở thích của trẻ. Mình rất thích câu "Đừng đi qua thời gian mà không lưu lại dấu vết" và vậy thì cũng đừng để trẻ lớn lên mỗi ngày mà không học được điều gì bổ ích.


4. Để hai anh em (chị em) chơi cùng nhau
d11c29_011af843d87f47348526e0b87724efeb~mv2.webp

Hai chị em đang chơi cùng nhau bộ xếp hình bằng gỗ của bà ngoại giữ lại khi bà chơi hồi nhỏ



Hai chị em hơn nhau chỉ hơn 1 tuổi nhưng lại chơi với nhau rất hòa hợp mà không có tranh giành nhau đồ chơi hay cãi nhau. Mẹ của hai em có tâm sự là thi thoảng các em cũng cãi nhau đấy, nhưng mẹ rất công bằng không bao giờ bênh ai, không bắt ai phải nhường ai. Mẹ cũng thường mua những đồ chơi để hai chị em có thể chơi cùng nhau, như thế thì mẹ sẽ đỡ chút thời gian để chơi cùng. Chơi trò gì có cạnh tranh là hai chị em sẽ dùng oẳn tù tì để quyết định ai được chơi trước. Cùng là một đống đồ chơi xếp hình nhưng cả hai đều được dạy rằng đây là đồ chơi chung và cả hai có quyền ngang nhau để chơi và cả hai cần tôn trọng nhau, nên không hề có sự tranh giành đồ chơi. Nếu mẹ mua cho Hi chan bộ đồ chơi bán hàng, thì sẽ mua cho Tak kun con rô bốt. Và hai chị em rất hay chơi trò đóng kịch như chị sẽ giả làm người bán hàng còn em sẽ là người mua hàng và ra giá…Trò chơi đóng kịch này được các tác giả như Shichida Makoto hay Ibukai Masaru… rất khuyến khích vì giúp trẻ luyện khả năng sáng tạo, và độc lập từ khi còn nhỏ.



Ngoài ra mình để ý ở Nhật cha mẹ thường sinh con rất gần nhau, nghĩa là chỉ cách nhau 1-2 tuổi. Có rất nhiều nguyên nhân mà có vài nguyên nhân mình được nghe như là để tranh thủ thời gian chăm sóc và tái sử dụng các quần áo, vật dụng cho trẻ, rút ngắn thời gian ở nhà để còn đi làm trở lại…Ngoài ra còn có tác dụng khác nữa là để các em có bạn chơi. Nhìn Hi chan và Tak kun thì mình thấy rõ ràng việc này có tác dụng rất lớn vì hai em đã có bạn chơi cùng nhà. Và vì được cha mẹ uốn nắn nghiêm khắc và vào nền nếp từ nhỏ nên các em chơi với nhau rất hòa thuận và đi chơi trò gì hầu như cũng có nhau. Nhìn các em cùng chơi thi chạy để nhặt bóng, ra vườn tìm sâu, tìm hoa, chơi bán hàng, chơi xếp hình, vẽ tranh, đọc sách…có lẽ đó chính là điều làm cho nụ cười hạnh phúc luôn nở trên khuôn mặt ba mẹ và ông bà của các em.


5. Không bao giờ đặt áp lực cho con cái


Mình nhận thấy cha mẹ Nhật hầu như không bao giờ đem so sánh con cái mình với bạn bè hay kể cả cùng anh em trong nhà vì họ tôn trọng quyền cá nhân và tự do phát triển theo ý thích của con cái mình. Ở câu chuyện này thì cha mẹ và ông bà của Hi chan và Tak kun không bao giờ so sánh hai em với các anh chị em họ khác có cùng lứa tuổi hay bạn bè khác. Họ cũng không đặt áp lực quá lớn để các em phải trở thành những người thông minh, học giỏi. Nghĩa là họ chấp nhận các em như là những người mà các em muốn trở thành sau này. Ông bà cũng không bao giờ can thiệp vào việc nuôi dạy con của cha mẹ cả.


6. 3 tuổi là thời kì phản kháng


Tak kun vừa mới lên 3 tuổi. Ai có con nhỏ cũng đều biết giai đoạn 3 tuổi là giai đoạn phản kháng ở trẻ. Nó hình thành rất tự nhiên nên cũng không có gì phải lo lắng. Tak kun rất thích nói ngược và thi thoảng cũng đã biết lí sự với người lớn. Ví dụ như khi được hỏi có ngon không thì em bảo không ngon, có đẹp không thì trả lời không đẹp, một vài từ tục mà em nghe được người xung quanh nói và bắt chước theo. Khi đó mẹ không bao giờ la mắng hay quát là hư, là xấu, kể cả em đã trót nói trước mặt người khác, mà chỉ nghiêm mặt nói rằng từ đó là xấu và Tak kun không nên dùng nó, để em hiểu được là việc dùng từ đó là không được .

7. Trẻ con cảm nhận tình yêu thương từ người khác rất giỏi, vai trò của người cha


Mình được nghe có ai đó nói rằng trẻ con rất giỏi trong việc nhận biết ai là người yêu thương chúng thật sự. Có lẽ bởi vì tâm hồn trẻ rất trong sáng nên chúng sẽ cảm nhận tình yêu từ người khác giỏi hơn người lớn, và thể hiện tình yêu của mình với người chúng yêu mến cũng thẳng thắn hơn người lớn chúng ta.



Đây mới chỉ là lần đầu chồng mình gặp các em nhưng các em đã chơi quấn quít không muốn về, lại còn luôn miệng gọi là お父さん(papa) thay vì gọi tên thật, và khi về còn cứ gọi to “お父さん、また明日ね”(Papa ơi ngày mai lại chơi tiếp nhé). Mẹ của hai em cũng nói rằng bình thường thì với người lạ là các em không có dễ gần ngay như vậy đâu.



Mình ngẫm ra rằng bởi vì khi mới gặp các em chồng mình đã rất hiểu tâm lí trẻ con, hỏi han trò chuyện về trò chơi mà các em đã chơi. Chồng mình đã cùng chơi với các em những trò chơi như đuổi bắt, đấu vật sumo, đá bóng, ném bóng vào thùng… Điều đó đã làm các em cảm nhận được tình yêu mà chồng mình dành cho các em. Trẻ con ở giai đoạn 2 tuổi trở đi có nhu cầu vận động rất lớn, và một ngày lượng vận động như chạy nhảy thì rõ ràng đủ khiến người mẹ nào chạy theo cũng mệt phờ. Vì thế rất cần người cha chơi với con nhiều trong lúc này. Người mẹ chỉ ở giai đoạn 1 tuổi đầu tiên, còn qua giai đoạn đó rồi thì người cha sẽ có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ vận động và chơi những trò chơi kích thích sự ham học hỏi khác.



Và còn một điều nữa là vì ngày thường ba các em đi làm về muộn, khi ba đi làm về thì các em đã đi ngủ rồi nên chỉ gặp mặt buổi sáng. Chỉ có chơi được cùng các em ngày thứ 7, chủ nhật, còn ban ngày chỉ có thể chơi cùng mẹ. Nhưng mẹ thì không thể nào chơi cùng các em những trò đòi hỏi sự vận động nhiều như thế. Và vì thế các em đã gọi chồng mình là papa. Có lẽ đây cũng là một điều không nên học tập ở xã hội Nhật vì nó làm tình cảm cha với con không được khăng khít như ở Việt Nam vì rất nhiều người cha đi làm về quá khuya, không đủ thời gian dành cho vợ con, và việc chăm sóc con hầu như người mẹ sẽ đảm nhiệm.
d11c29_a3ce8a9e11cc4b6fb5edc3a607bbfe74~mv2_d_3696_2448_s_4_2.webp

Hai chị em đu vai bá cổ với chồng mình không muốn về



8. Phụ nữ Nhật thích đi làm đã sắp xếp thời gian như thế nào


Không phải tất cả các bà mẹ Nhật đều ở nhà chăm con sau khi sinh như trường hợp mẹ của Hi chan và Tak kun. Những phụ nữ ở các tỉnh lẻ hoặc vùng quê có xu hướng ở nhà chăm con lâu hơn, trong khi ở những thành phố lớn như Tokyo, Osaka...phụ nữ sau khi sinh con vẫn đi làm trở lại sau khi nghỉ sinh con được 1 năm. Hoặc có những mẹ thì xin công ty nghỉ 2 năm rồi sau đó khi con được 2 tuổi mới đi làm trở lại, như trường hợp em gái của mẹ Hi chan và Tak kun, người đang sống ở Tokyo và không thích chỉ quanh quẩn với công việc nội trợ.


Trước kia khi nhân viên nữ xin nghỉ để sinh con thì các công ty Nhật thường bắt nhân việc nghỉ việc luôn. Nhưng gần đây xu thế những phụ nữ muốn đi làm trở lại sau khi sinh đang ngày càng lớn, do đó bắt buộc các công ty, xã hội và chính sách của chính phủ cũng phải thay đổi để đáp ứng và ứng phó với xu thế như vậy. Các bà mẹ có con nhỏ có thể gửi con vào nhà trẻ và đi làm từ 10g sáng đến 4g chiều, sau đó về đón con và chăm sóc gia đình (lương sẽ nhận ít hơn so với những nhân viên làm đủ giờ hành chính).


Tuy nhiên có lẽ vì số nhà trẻ (nhà trẻ là dành cho trẻ từ 1 tuổi đến hết 2 tuổi, còn mẫu giáo là từ 3 tuổi đến hết 5 tuổi) chưa đủ để đáp ứng với nhu cầu gửi con của các mẹ, nên vẫn có rất nhiều mẹ bị trượt từ vòng xin hồ sơ cho con vào nhà trẻ (mình ví von thế để mọi người dễ hình dung). Vẫn nhiều mẹ muốn đi làm nhưng lại không thể gửi con ở nhà trẻ, và đành ở nhà chăm con đến khi con đủ tuổi đi mẫu giáo hoặc là khi đi học lớp 1. Người Nhật ít sống trong gia đình 3 thế hệ và không mượn osin toàn thời gian như Việt Nam (chỉ những nhà rất giàu thì thuê osin theo giờ để dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng...), nên các mẹ Nhật không thể nhờ người khác trong gia đình chăm con để đi làm. Và mình nói chuyện với nhiều mẹ Nhật thì họ cảm thấy không an tâm khi giao việc nuôi dạy con mình cho người khác khi con còn nhỏ.


Nếu ở Việt Nam các công ty cũng có chế độ đãi ngộ cho các bà mẹ thì quả là tuyệt vời.



Tất cả các tác giả viết sách về nuôi dạy con sớm đều có chung một quan điểm rằng con càng nhỏ thì việc uốn nắn càng quan trọng, đặc biệt là giai đoạn 0-3 tuổi. Do đó, nếu có thể thì cha mẹ hãy dành cho con nhiều thời gian nhất ở giai đoạn này. Còn với suy nghĩ của cá nhân mình thì tùy vào điều kiện kinh tế gia đình để quyết định mình nên nghỉ ở nhà chăm con bao lâu. Nếu có điều kiện thì mẹ có thể ở nhà chăm con đến khi con được 2-3 tuổi rồi mới đi làm trở lại, hoặc có thể xin về sớm với con... Nếu không có điều kiện ở nhà chăm con thì hãy hiệp lực cùng người thân trong gia đình để nhờ mọi người giúp mình dạy con lúc đi làm. Mình nghĩ rằng khi con đã lớn chúng ta không thể quay ngược thời gian để bù đắp cho con những tháng ngày ấy, nên từ bây giờ hãy luôn làm những gì có thể cho con cái mình.

Lời kết

Có người Nhật đã nhận xét với mình rằng hiếm có nước nào mà bậc cha mẹ lại nhiệt huyết với việc giáo dục con cái như ở Việt Nam. Điều nhận xét ấy theo mình tất nhiên bao hàm cả nghĩa tích cực và tiêu cực. Mình thì thích nhìn theo điểm tích cực để đặt vấn đề trong bài viết này hơn. Mình cảm nhận được tình yêu lớn lao mà các bậc cha mẹ dành cho con cái mình thông qua những chia sẻ của mọi người mà mình nhận được. Mình chỉ có mong ước là thế hệ chúng ta làm cha làm mẹ có thể tìm ra những phương pháp tốt nhất để nuôi dưỡng và dạy dỗ cho con cái mình, những người sẽ là chủ nhân sau này của Việt Nam. Mình tin rằng nếu suy nghĩ và thói quen của cha mẹ thay đổi thì số mệnh của con cái mình cũng sẽ thay đổi. Học hỏi có chọn lọc những tinh hoa của các nền văn hóa khác là một cách giúp văn hóa Việt Nam phát triển bền vững. Và mỗi bài viết của mình là để chắp cánh cho mong ước đó.


 


Bí mật chuyện "cái ôm"
Aki Nguyen

d11c29_f93a59d804c043e5b278c13752668f48~mv2.webp
Bon mỗi lần nhìn thấy bố



1. Câu chuyện “Bài tập về nhà” là những cái ôm



Có một câu chuyện ehon rất đỗi ngọt ngào và sâu sắc của tác giả Imoto Yoko tên là “しゅくだい-dịch là "Bài tập về nhà”. Cô giáo ra bài tập hôm nay với cả lớp là “Hãy để mọi người trong gia đình ôm mình”. Chuột chũi vốn là cậu bé hay xấu hổ trước đông người, thế nhưng đã vô cùng thích thú với bài tập hôm nay. Cậu chạy ngay về nhà để khoe với mẹ. Thế nhưng về đến nhà đang định kể với mẹ thì cứ mỗi lần cậu định kể là mẹ lại lúc thì bận chăm em bé mới ra đời, lúc lại bận đi chợ, lúc lại bận nấu cơm chẳng chờ để nghe cậu kịp nói hết câu. Tâm trạng của cậu ỉu xìu bước vào bàn ăn tối. Bố liền hỏi về bài tập hôm nay là gì. Cậu bẽn lẽn trả lời là “cái ôm”, thế là mẹ, bố, rồi bà đã đến ôm cậu thật chặt. Thế là cậu đã làm được rất nhiều “bài tập” hôm đó.



Một câu chuyện thật cảm động phải không mọi người. Ở trường mầm non, một trong hai bí quyết của mình khi chơi cùng trẻ để trẻ cảm nhận được tình yêu cũng như cảm giác an bình đó là “cái ôm”. Mỗi khi mình vào lớp lớn là tất cả tụi trẻ con sẽ ùa đến đòi bế. Hay khi thấy bé nào đó hôm ấy khóc, hôm ấy không vui mình sẽ thường đến ngồi cạnh và giơ hai tay ra hỏi “Cô Thu bế con nhé, có được không”. Và chẳng có đứa trẻ nào từ chối câu hỏi ấy cả, bởi vì mọi đứa trẻ trên đời này đều thích được ôm và bế mọi người ạ. Cái ôm sẽ xoa dịu nỗi buồn cho trẻ, sẽ tạo cho trẻ cảm giác an toàn, sự bình an trong lòng. Đôi khi chỉ cần ôm và chẳng cần nói gì, cái ôm cũng xoa dịu đi tất cả.



2. Đừng tiết kiệm cái ôm kể cả khi con đã lớn



Câu chuyện “Bài tập về nhà” ở trên rất phù hợp với các bạn tầm tuổi 4-5 tuổi. Khi trẻ lên 4-5 tuổi, trẻ bắt đầu tự lập, tự mình làm được nhiều thứ hơn, ba mẹ cũng nghĩ rằng không còn cần ôm ấp như hồi còn bé. Thế nhưng với những gì mình trực tiếp trải nghiệm ở trường mầm non thì càng những trẻ lớn lớp 4-5 tuổi thì nhu cầu đòi bế lại nhiều hơn cả những em bé. Bằng chứng là cứ mỗi lần mình vào lớp 4-5 tuổi là các bạn ấy ùa đến giơ tay đòi mình bế. Vì thế ba mẹ ơi đừng bao giờ tiết kiệm cái ôm và bế kể cả khi con đã lớn nhé.



3. Quan niệm sai lầm về chuyện ôm ấp con ở Việt Nam hiện đại



Hồi Bon được khoảng 1 tuổi rưỡi, trong lần mình đưa Bon đi cùng dẫn đường giúp mấy người bạn từ Việt Nam sang đi mua sắm, mọi người đều rất thích thú với việc Bon có thể ngồi yên trên ghế xe đẩy không đòi mẹ bế và xung quanh những đứa trẻ khá cũng không mè nheo đòi mẹ bế.



Có người còn bảo “Trẻ con bên Nhật nó tự lập chẳng cần bố mẹ phải bế gì cả. Còn Việt Nam trẻ con suốt ngày ôm ôm bế bế, nhõng nhẽo, bảo sao không tự lập”. Thực ra mình nghe nhận xét kiểu như vậy rất nhiều mỗi khi có người ở Việt Nam sang Nhật. Và cũng có rất nhiều bà mẹ trẻ nghĩ rằng người Âu Mỹ họ không bế con nhiều, con khóc cũng để mặc, như thế con mới tự lập. Nhưng đó chỉ là sự tự lập trên hình thức, chứ không phải sự tự lập từ nội tâm của đứa trẻ.



Mình nghĩ rằng có lẽ mọi người đã hiểu sai bản chất của việc ôm ấp và sự tự lập thì phải.



4. Vì sao chúng ta nên ôm ấp con thật nhiều



Từ mấy chục năm trước khi nghiên cứu về tâm lí trẻ thơ chưa phát triển, rất nhiều bà mẹ Nhật cũng bị quan niệm ôm con nhiều sẽ khiến con không tự lập và hay mè nheo, nên họ hạn chế ôm bế con. Nhưng giờ đây khoa đọc đã chỉ ra rằng việc ôm ấp nhiều chẳng liên quan gì đến việc đứa trẻ bám mẹ và không tự lập cả. Ngày nay, mọi nhà giáo dục Nhật đều khuyên các ba mẹ rằng hãy cố gắng tạo thói quen “ôm” con thật nhiều vào, đặc biệt là những năm đầu đời của trẻ. Mọi người có thể tham khảo ở 2 cuốn “Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản” của tác giả Ikehashi Daiji, NXB Phụ nữ, và cuốn “Trẻ em trong gia đình”, tác giả Sasaki Masami, công ty sách Thái Hà và cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”, tác giả Ibuka Masaru, công ty sách Quảng Văn.


Bởi vì sao? Vì mấu chốt của sự tự lập chính là khi yêu thương đã đầy đủ thì sự tự lập mới hình thành. Nghĩa là chỉ khi đứa trẻ được thỏa mãn những nhu cầu về mặt cảm xúc rồi, chúng mới bắt đầu quá trình tự lập. Giống như hình ảnh đứa trẻ sau khi đã bú no bầu sữa sẽ mỉm cười sung sướng. Đứa trẻ rất cần cái ôm ấp để cảm nhận tình yêu thương, được sà vào lòng mẹ, được làm nũng và được mẹ đáp ứng nhu cầu ấy cho đến khi chúng cảm thấy thỏa mãn mới thôi.



Giai đoạn 1-3 tuổi vẫn là quá trình trẻ vừa tự lập, vừa dựa dẫm, đứa trẻ sẽ chạy qua chạy lại giữa hai ranh giới này, chúng vẫn mong được ba mẹ bế dù mình đã có thể đi được. Đôi khi chúng đòi hỏi mẹ ơi bế con chỉ là muốn kiểm tra tình yêu của ba mẹ mà thôi, việc chúng ta bế trẻ 1-2 phút rồi thả xuống cũng đã đủ làm thỏa mãn nhu cầu tình cảm ấy của trẻ rồi.

Với nhu cầu tình cảm của con, xin đừng để đứa trẻ phải chờ. Vì việc thỏa mãn nhu cầu cảm xúc sẽ nuôi dưỡng cảm xúc khẳng định cái tôi, sự tự tin, và biết mình được ai đó yêu thương. Còn khi chúng ta không thể chiều theo vẫn hãy giải thích cho trẻ hiểu lúc ấy vì sao mẹ không thể, và con hãy cố gắng lên.


5. Vì sao trẻ con ở Việt Nam thường hay bắt ba mẹ phải bế, ăn vạ, khóc lóc chốn đông người.


Chính vì người lớn chưa bao giờ thừa nhận những nhu cầu về cảm xúc của trẻ cả. Chính là cách ứng xử của người lớn thiếu đi một bước của sự thừa nhận-đón nhận những cảm xúc ấy của trẻ, nên trẻ mới trở nên phản kháng và cáu kỉnh, khóc lóc ăn vạ như vậy. Còn cha mẹ Nhật lại rất tâm lí trong việc ứng xử điều này với con trẻ.


Thừa nhận cảm xúc của trẻ, phân biệt giữa nhu cầu được chiều chuộng về cảm xúc và sự nuông chiều thái quá chính là cách ửng xử tinh tế mình đã học được từ ba mẹ Nhật. Khi Bon đòi bế mình vẫn thừa nhận cảm xúc bằng cách ôm con, bế con lên một chút. Sau đó mình sẽ lựa cách “Ôi mẹ nặng quá. Bon tự đi bộ cùng mẹ nhé” rồi giả vờ thả tay cho cu cậu tụt xuống vì nặng. Thường thì Bon chỉ đòi hỏi bế 1 chút xíu thôi rồi sau đó sẽ chịu khó đi bộ, khi ấy mình mỉm cười khen ngợi con “Cảm ơn Bon nhé.”


6. Khi con đòi bế suốt thì làm thế nào


Nhưng nhiều khi mình bỏ xuống mà cu cậu vẫn nằng nặc đòi bế thì nếu mình có thể bế mình sẽ đáp ứng nhu cầu. Nhưng nếu hôm đó mẹ tay xách nách mang nhiều đồ thì mình sẽ nói cho con biết lí do “Tay mẹ xách rất nhiều đồ nên Bon đi bộ giúp cùng mẹ nhé” để cu cậu có cảm giác có mẹ đồng hành và dù có khóc lóc ăn vạ thì mình cũng sẽ để Bon tự xử lí, khóc lóc chạy theo mẹ. Mỗi lần ấy khi con đã cố gắng đi bộ rồi mình sẽ ôm con vào lòng thật chặt vỗ về “Mẹ cảm ơn Bon. Bon đã cố gắng lắm. Con đã tự đi bộ cho mẹ xách đồ đấy”.



Có lúc mình đang rất bận nấu nướng, dọn nhà mà con chạy đến đòi mẹ ôm, đòi mẹ chơi cùng thì mình cũng sẽ dừng tất cả lại, ôm con 1-2 phút rồi mới làm tiếp.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top