CẤU TRÚC THÔNG TIN VÀ BIẾN THỂ CÚ PHÁP TRONG CÂU TIẾNG VIỆT *
Khi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, chúng ta thường gặp những tình huống hội thoại, trong đó để trả lời câu hỏi (1a, 2a), sinh viên dùng các câu (1b, 2b) trong khi theo giáo viên lẽ ra phải dùng các câu (1c, 2c):
1) a. Em đến Hà Nội bao giờ?
b. * Chủ nhật tuần trước em đến Hà Nội.
c. Em đến Hà Nội chủ nhật tuần trước.
2) a. Ai dạy em học tiếng Việt?
b. * Thầy Nam dạy em học tiếng Việt
c. Thầy Nam/ Thầy Nam dạy em.
Giải thích lí do chỉnh sửa những trường hợp này, nhiều giáo viên cho rằng đơn giản chỉ vì các câu trả lời (1c, 2c) tự nhiên hơn, phù hợp với cách nói của người Việt hơn các câu (1b, 2b). Cách giải thích đó đúng nhưng chưa đủ. Theo chúng tôi, nếu coi giao tiếp là một hoạt động trao đổi thông tin thì sự thay đổi hình thức của câu ở đây còn liên quan đến một nhân tố hết sức quan trọng là sự khác biệt về vị thể thông tin của các thành phần câu biểu hiện qua cấu trúc thông tin của câu. Với cách nhìn như vậy, trong bài viết này, chúng tôi tập trung xem xét mối quan hệ giữa cấu trúc thông tin và hình thức của câu, thể qua các biến thể cú pháp (BTCP). Nội dung bài viết bao gồm 2 phần: 1. Về khái niệm cấu trúc thông tin. 2. Vai trò của cấu trúc thông tin đối với BTCP của câu.
1. Về khái niệm cấu trúc thông tin
Có những quan niệm khác nhau về cấu trúc thông tin (information structure) của câu. Phổ biến nhất là quan điểm đồng nhất cấu trúc thông tin với cấu trúc đề-thuyết (theme– rheme/comment) hay chủ đề - tiêu điểm (topic – focus) của câu, trong đó đề/ chủ đề được coi là thành phần biểu hiện thông tin cũ, thông tin đã được tiền giả định trong ngữ cảnh, có tỷ lực thông báo thấp nhất, còn thuyết/tiêu điểm thường được xác định là thành phần mang thông tin mới, thông tin chưa được tiền giả định hoặc là thành phần có tỷ lực thông báo cao nhất (x. Asher 1994: 4634, Nguyễn Hồng Cổn 2001). Tuy nhiên, bên cạnh cách lưỡng phân truyền thống này, cũng có những cách tiếp cận khác về cấu trúc thông tin của câu. Chẳng hạn, Dik (1981) mặc dù coi chủ đề và tiêu điểm là 2 chức năng dụng học nằm trong cấu trúc thông tin của câu nhưng lại cho rằng các chức năng dụng học này không tác động đến hình thức câu theo kiểu “nếu chúng ta gắn một chức năng dụng học này cho một thành tố nào của câu, thì toàn bộ phần còn lại phải mang một chức năng dụng học khác” (Dik 1981: 130). Halliday (1998), xuất phát từ sự phân biệt cấu trúc đề- thuyết với tư cách là cấu trúc văn bản với cấu trúc cũ - mới là cấu trúc thông tin của câu, coi tiêu điểm thông tin là thành tố điểm đỉnh của thông tin mới được đánh dấu bằng sự nổi bật về thanh điệu (tonic prominience), theo đó đề và tiêu điểm là các thành tố thuộc các bình diện cấu trúc- chức năng khác nhau.
Trong một bài viết trước đây (2001), chúng tôi đã trình bày quan niệm cho rằng cấu trúc thông tin (được gọi là cấu trúc thông báo) của câu phản ánh sự khác biệt về vị thế thông tin giữa các thành phần câu, trong đó một bộ phận của cấu trúc câu biểu thị phần thông tin tiền giả định (chung cho cả người nói và người nghe), còn bộ phận còn lại biểu thị phần thông tin mới hay thông tin quan trọng nhất (mà người nói/người nghe chưa biết họăc biết không giống nhau) được gọi là tiêu điểm thông tin. Trong cấu trúc thông tin của câu, tiêu điểm thông tin là thành tố quan trọng nhất biểu thị phần thông tin mà người nói giả định là người nói và người nghe không cùng chia sẻ. Vì vậy, để phân tích cấu trúc thông tin của câu hay phân biệt một cấu trúc thông tin này với một cấu trúc thông tin khác, điều quan trọng là phải nhận diện được tiêu điểm thông tin của câu (dựa vào ngữ cảnh và các phương tiện đánh dấu). Chúng tôi cũng đã phân biệt 3 loại tiêu điểm thông tin khác nhau về chức năng và mối quan hệ giữa người nói và người nghe trong việc nhận thức thông tin là: tiêu điểm hỏi, tiêu điểm khẳng định và tiêu điểm tương phản (Nguyễn Hồng Cổn 2001).
Tiếp tục phát triển quan điểm này, đồng thời tiếp thu quan niệm của một số nhà nghiên cứu châu Âu (D. Buring 1997, D. Hole 2008), chúng tôi cho rằng cấu trúc thông tin của câu bao gồm 2 phần: phần thứ nhất có chức năng nổi bật về mặt thông tin là tiêu điểm thông tin (information focus) hay gọi tắt là tiêu điểm, phần còn lại là được coi là phần cơ sở (background) của cấu trúc thông tin. Phạm vi của phần cơ sở và mối quan hệ giữa phần cơ sở và tiêu điểm trong cấu trúc thông tin do vị trí và tầm tác động của tiêu điểm thông tin quyết định. Cấu trúc thông tin cơ sở - tiêu điểm có thể trùng hoặc không trùng với cấu trúc đề - thuyết với tư cách là cấu trúc cú pháp của câu, và do đó tạo nên các BTCP khác nhau của câu. Chẳng hạn, tùy theo ngữ cảnh sử dụng (có thể xác định bằng các câu hỏi kiểm chứng), câu “Bà ngoại mắng dì Tư” có thể được cải biến thành các BTCP khác nhau về cấu trúc thông tin (cơ sở - tiêu điểm) như sau:
3) a. Ai//mắng dì Tư?
b. Bà ngoại// mắng dì Tư.
4) a. Bà ngoại // nói gì thế?
b. Bà ngoại //mắng dì Tư.
5) a. Bà ngoại // mắng ai thế?
b. Bà ngoại// mắng dì Tư.
6) a. Ai // mắng ai thế?
b. Bà ngoại //mắng dì Tư.
7) a. Không phải bà ngoại// mắng dì Tư đâu.
b. Chính bà ngoại// mắng dì Tư.
8) a. Bà ngoại // mắng tất cả mọi người à?
b. Bà ngoại //chỉ mắng dì Tư.
c. Chỉ có dì Tư// bị bà ngoại mắng.
(Ghi chú cách trình bày: đề // thuyết, cơ sở - tiêu điểm)
Trong các BTCP trên, tiêu điểm thông tin rơi vào các thành tố cú pháp khác nhau (in chữ đậm), được đánh dấu bằng một hoặc nhiều phương tiện (trọng âm, ngữ điệu, hư từ và trật tự từ), là thành tố quan trọng nhất giúp chúng ta nhận diện cấu trúc thông tin của câu và giải thích sự khác biệt về hình thức bề mặt của các BTCP của câu.
Tóm lại, tiêu điểm thông tin nói riêng và cấu trúc thông tin nói chung có tầm quan trọng đặc biệt đối với hình thức cú pháp bề mặt của câu. Việc tiêu điểm thông tin rơi vào thành tố cú pháp nào (vị trí của tiêu điểm thông tin), tác động đến toàn bộ hay chỉ một phần của thành tố cú pháp (tầm tác động của tiêu điểm thông tin), được biểu hiện bằng phương tiện gì (ngữ điệu/trọng âm, hư từ hay trật tự từ), sẽ quyết định tính khác biệt về cấu trúc thông tin của câu, và qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến hình thức cú pháp bề mặt của câu, tạo ra các BTCP của câu.
2. Vai trò của cấu trúc thông tin đối với các BTCP của câu
Chúng tôi coi BTCP là các hình thức biểu hiện bề mặt của một câu nhất định phân biệt với cấu trúc cú pháp của nó (x. Nguyễn Hồng Cổn, 2008). Một câu đơn điển hình có cấu trúc cú pháp đề - thuyết, chẳng hạn, có thể có nhiều BTCP khác nhau về hình thức như: hoàn chỉnh hay không hoàn chỉnh về cấu trúc (tỉnh lược), có hay không có điểm nhấn (trọng âm câu), có hay không có các từ nhấn mạnh trước các thành tố, trật tự các thành tố bình thường hay không bình thường. Nếu dựa vào các tiêu chí đánh dấu về hình thức có thể phân biệt các BTCP đánh dấu (không hoàn chỉnh về cấu trúc, có điểm nhấn, có các từ chức năng chuyên dụng, trật tự không bình thường) với các BTCP không đánh dấu (có cấu trúc hoàn chỉnh, không có điểm nhấn, không có các từ chức năng chuyên dụng, có trật tự bình thường) của câu. Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là, với tư cách là loại cấu trúc biểu hiện sự khác biệt về vị thế thông tin giữa các thành tố cú pháp của câu, cấu trúc thông tin có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các biến thể cú pháp của câu, và do đó có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm thay đổi hình thức cú pháp bề mặt của một câu.
2.1 Cấu trúc thông tin và các BTCP về ngôn điệu
Phương tiện ngôn điệu đánh dấu tiêu điểm thông tin điển hình nhất của câu là điểm nhấn phát âm (tonic prominience), theo đó thành tố tiêu điểm hoá được đánh dấu nổi bật bằng trọng âm câu (sentence stress). Các câu (1-6) ở trên cho thấy, một cấu trúc cú pháp có thể có nhiều BTCP khác nhau về trọng âm, tuỳ thuộc vào sự khác biệt về chức năng của tiêu điểm và thành tố cú pháp được lựa chọn làm tiêu điểm. Xét theo sự khác biệt về chức năng của tiêu điểm, trọng âm có thể được dùng để dánh dấu cả ba loại tiêu điểm (khẳng định, hỏi, tương phản) nhưng mức độ nổi bật về trọng âm ở các BTCP có sự khác nhau: Cùng ở vị trí cuối câu nhưng tiêu điểm tương phản được đánh dấu nổi trội về mặt trọng âm hơn so với tiêu điểm hỏi và tiêu điểm khẳng định. So sánh, chẳng hạn, các cặp câu (9a, 9b), (10a, 10b) với các cặp câu (9c, 9d), (10c, 10d):
9) a. Anh tên là gì?
b: Tôi tên Năm.
c: Anh tên là Nam à?
d: Không, tôi tên là Năm.
10) a: Hôm qua anh đi đâu?
b: Hôm qua tôi đi Hưng Yên.
c: Anh đi Thái Nguyên à?
d: Không, tôi đi Hưng Yên.
Ở các câu có tiêu điểm hỏi (9a, 10a) và tiêu điểm khẳng định (9b, 10b), sự khác biệt về trọng âm giữa tiêu điểm và phần còn lại không rõ ràng như ở các câu có tiêu điểm tương phản ở (9c, 9d), 10c, 10d).
Xét theo vị trí của tiêu điểm được đánh dấu bằng trọng âm, có thể phân biệt các BTCP có trọng âm tiêu điểm ở đầu câu với các BTCP có trọng âm tiêu điểm ở cuối câu. Mức độ nổi trội của trọng âm tiêu điểm ở hai loại BTCP này không giống nhau: do sự tác động của ngữ điệu, thành tố tiêu điểm ở vị trí cuối câu (11b, 12b) có vẻ dễ được đánh dấu nổi bật về trọng âm hơn ở vị trí đầu câu (11a, 12a):
11) a. Ai là lớp trưởng lớp này?
b. Lớp trưởng lớp này là ai?
12) a. Nam là lớp trưởng lớp này
b. Lớp trưởng lớp này là Nam.
Điều này cũng dễ hiểu vì một câu có điểm nhấn ở đầu câu thường khó phát âm hơn một câu có điểm nhấn ở cuối, và vị trí thường gặp của tiêu điểm được đánh dấu bằng trọng âm là ở cuối câu (Halliday 1998). Tuy nhiên, trong tiếng Việt điều này có vẻ chỉ đúng với các BTCP có tiêu điểm hỏi và tiêu điểm khẳng định, còn với các BTCP có tiêu điểm tương phản ở đầu câu (câu có tiêu điểm tương phản trùng với chủ đề hay câu có chủ đề tương phản), thì sự đánh dấu nổi bật về trọng âm cho thành tố tiêu điểm ở đầu câu cũng hết sức rõ ràng:
13) Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người.
14) Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa.
Theo đặc trưng ngôn điệu, ngoài trọng âm, tiêu điểm thông tin của câu còn được đánh dấu bằng ngữ điệu, đặc biệt là với các BTCP có tiêu điểm trùng với câu (ví dụ: Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi! Cháy nhà ông Tư rồi!).
2.2 Cấu trúc thông tin và BTCP có trợ từ tiêu điểm
Trợ từ tiêu điểm (focus particle) hay trợ từ nhấn mạnh là một phương tiện đánh dấu tiêu điểm thông tin thường gặp trong tiếng Việt, điển hình là các trợ từ như: chính, ngay, cả, đến, tới, v.v (Nguyễn Hồng Cổn 2001). Trong câu, các trợ từ tiêu điểm được dùng để dánh dấu cho các thành tố cú pháp khác nhau được chọn làm tiêu điểm, tạo nên các BTCP có trợ từ tiêu điểm. Theo thành tố cú pháp được đánh dấu, có thể phân biệt các kiểu BTCP sau:
- BTCP có trợ từ tiêu điểm đánh dấu đề:
15) a. Chính anh nói đấy thôi.
b. Ngay cả tôi cũng không biết chuyện ấy.
- BTCP có trợ từ tiêu điểm đánh dấu thuyết:
16) a. Tớ chỉ xem một tí thôi.
b. Tôi có nói như vậy.
- BTCP có trợ từ tiêu điểm đánh dấu bộ phận của thuyết:
17) a. Tôi chỉ thương cô ấy thôi (chứ không yêu).
b. (Chửi nó rồi), ông ấy thậm chí còn đánh nó.
18) a. Tôi tin mỗi anh thôi đấy.
b. Ông ấy mắng cả tôi.
19) a. Họ ở đây có 3 ngày thôi.
b. Tôi đến ngay bây giờ đây.
Bình thường, vị trí của trợ từ tiêu điểm thường đứng trước họăc sau tiêu điểm, nhưng cũng có những trường hợp trợ từ tiêu điểm có tầm họat động vượt khỏi thành tố cú pháp đứng gần nó, ví dụ:
20) a. Từ hồi ra trường, cậu có gặp Hùng không?
b. Tớ chỉ gặp nó một lần
Xét về mặt chức năng, các trợ từ tiêu điểm có thể được dùng để đánh dấu cả ba loại tiêu điểm (hỏi, khẳng định, tương phản), trong đó nối bật nhất là chức năng đánh dấu tiêu điểm tương phản (x. Nguyễn Hồng Cổn 2004).
2.3 Cấu trúc thông tin và BTCP tỉnh lược
Tỉnh lược (ellipsis) là thủ pháp rút gọn hình thức câu bằng cách loại bỏ bớt các thành tố không quan yếu về mặt thông tin trong cấu trúc cú pháp của câu, tạo nên các BTCP bị đánh dấu về mặt cấu trúc (không hoàn chỉnh) mà chúng tôi gọi là các BTCP tỉnh lược. Có nhiều nhân tố chế định khả năng tỉnh lược các thành tố cú pháp của câu (ngữ cảnh, ý định của người nói, nguyên tắc hội thoại…), trong đó đóng vai quan trọng là sự khác biệt về vị thế thông tin của các thành tố được phản ánh qua cấu trúc thông tin. Trong cấu trúc thông tin, xét theo tính quan yếu về thông tin, phần cơ sở có thể bị tỉnh lược, còn tiêu điểm thông tin thì không thể tỉnh lược. Tùy theo vị trí và tầm tác động của tiêu điểm thông tin mà phần bị tỉnh lược có thể rơi vào các thành tố cú pháp khác nhau, tạo ra các BTCP tỉnh lược khác nhau như:
- BTCP tỉnh lược đề:
21) a. Ø Đói không?
b. Ø Không đói. Ø Chỉ mệt thôi.
- BTCP tỉnh lược thuyết:
22) a. Ai bảo mày thế?
b. Thằng Nam Ø
-BTCP tỉnh lược đề và bộ phận của thuyết:
23) a. Cậu muốn uống gì?
b. Ø Cà phê.
24) a. Anh đến đây bao giờ?
b. Ø Từ hôm kia.
25) a. Cậu đã ăn sáng chưa?
b. Ø Rồi.
Tuy nhiên, không phải lúc nào phần cơ sở cũng có thể bị tỉnh lược, bởi như đã nói ngoài cương vị thông tin, phép tỉnh lược còn bị chế định bởi nhiều nhân tố khác. Chẳng hạn, trong giao tiếp hội thoại, người nói không thể tỉnh lược được phần cơ sở nếu điều đó vi phạm quy tắc lịch sự, ví dụ:
26) a. Con đi đâu về đấy
b. Con đi học về ạ. * (Ø Đi học Ø )
2.4 Cấu trúc thông tin và BTCP trật tự từ
Trật tự từ cũng là một phương tiện được dùng để đánh dấu tiêu điểm thông tin của câu tiếng Việt. Một BTCP bị đánh dấu về mặt trật tự từ nếu sự phân đoạn về cấu trúc thông tin làm thay đổi trật tự các thành tố cú pháp của câu. Dựa vào khả năng thay đổi trật tự từ để đánh dấu tiêu điểm thông tin, có thể phân biệt loại 2 BTCP có trật tự khác nhau là: BTCP tiền đảo và các BTCP hậu đảo.
- Các BTCP tiền đảo được tạo thành bằng cách chuyển thành tố có chức năng tiêu điểm khỏi vị trí cuối câu (không đánh dấu) lên vị trí đầu câu (đánh dấu), ví dụ:
27) a. Ông Tư mắng ai vậy?
b. Ông ấy mắng tất cả mọi người. Ông ấy mắng cả tôi.
> c. Ông ấy mắng tất cả mọi người. Cả tôi ông ấy cũng mắng.
28) a. Dạo này công việc thế nào?
b. Bận quá. Tớ phải làm việc cả chủ nhật.
> c. Bận quá. (Cả) chủ nhật tớ cũng phải làm việc
- Các BTCP hậu đảo được tạo thành bằng cách chuyển thành tố chức năng tiêu điểm ở vị trí đầu câu (không đánh dấu) xuống vị trí cuối câu (đánh dấu):
29) a. Ai phải chịu trách nhiệm về việc này?
b. Anh phải chịu trách nhiệm về việc này.
> c. Người phải chịu trách nhiệm về việc này là anh.
30) a. Trong lớp lớp này ai học giỏi nhất?
b. Trong lớp này anh Bình học giỏi nhất.
> c. Trong lớp này, học giỏi nhất là anh Bình.
Ở đây có một vấn đề đặt ra là sự thay đổi trật tự các thành tố cú pháp chỉ tác động đến cấu trúc thông tin của câu (làm thay đổi trật tự của tiêu điểm thông tin), hay còn làm thay đổi cấu trúc cú pháp của câu, tạo ra một câu có cấu trúc cú pháp mới (đề của câu cũ thành thuyết của câu mới và ngược lại)? Đây là một vấn đề phức tạp liên quan đến việc phân biệt cấu trúc cú pháp và cấu trúc thông tin và mối quan hệ qua lại giữa hai kiểu cấu trúc này trong câu, cần thiết phải thảo luận kỹ hơn trong một dịp khác.
***
Trên đây, chúng tôi đã đề cập đến vai trò của cấu trúc thông tin nói chung và tiêu điểm thông tin nói riêng đối với hình thức cú pháp bề mặt của câu tiếng Việt, đặc biệt là trong việc tạo ra các BTCP khác biệt về đặc trưng ngôn điệu, trợ từ tiêu điểm, tỉnh lược hoặc thay đổi trật tự các thành tố cú pháp của câu, qua đó giải thích tính đa dạng về hình thức của câu tiếng Việt trong thực tiễn giao tiếp. Kết luận rút ra là để hiểu, giải thích và sử dụng đúng câu tiếng Việt, cần thiết phải xem xét nó trong hoàn cảnh giao tiếp cụ thể đã sản sinh ra câu, mối quan hệ giữa người nói và người nghe, và sự khác biệt về vị thế thông tin của các thành tố cú pháp của câu, được phản ánh qua cấu trúc thông tin của câu.
Tài liệu tham khảo
1. Asher R.E, 1994 (ed): The encyclopedia of language and linguistics. Pergamon Press Ltd., Oxford .
2. Cao Xuân Hạo, 1991: Tiếng Việt: Sơ thảo Ngữ pháp chức năng. KHXH, Tp. HCM.
3. Danes F. 1967: Order of elements and Sentence Intonation. In: To Honour Roman Jakobson. The Hague .
4. Daniel Buring, 1997: The meaning of Topic and Focus. Routledge, London & New York .
5. Daniel Hole, 2008: Even, also and only in Vietnamese. In Interdisciplinary Studies on Information Structure. Vol.11. Postdam University Press, Postdam.
6. Dik S.C. ,1981: Functional Grammar. Foris.Third edition. Dordrecht .
7. Diệp Quang Ban, 1989: Khả năng xác lập mối liên hệ giữa phân đoạn ngữ pháp và phân đoạn thực tại câu tiếng Việt. Ngôn ngữ, s.4/1989.
8. Firbas J. 1966: Non-Thematic Subjects in Contemporary English. In: Travaux Linguistiques de Prague. Academia, Prague .
9. Halliday M.A.K., 1998: An Introduction to Functional Grammar. 2nd ed. Arnold , London .
10. Lambrecht K.,1994: Information Structure and Sentence Form. Cambridege University Press, Cambridge .
11. Mesthrie, R.,1994: Linguistic Variations. In “Encyclopedia of language and Linguistics” (Asher R.E, ed.), Vol.10. Pergamon Press, Oxford .
12. Nguyễn Hồng Cổn, 2001: Bàn thêm về cấu trúc thông báo của câu. Ngôn ngữ, s.5/2001.
13. Nguyễn Hồng Cổn 2004, Tiêu điểm tương phản trong tiếng Việt. Kỉ yếu Hội nghị quốc tế ngôn ngữ học Liên Á, Hà Nội, 11/2004.
14. Nguyễn Hồng Cổn, 2008: Biến thể cú pháp và vấn đề dạy biến thể cú pháp cho người học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ 2. Ngôn ngữ, s.6/2008.
(*) Báo cáo tại HNKH quốc tế “ Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam – Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á”, Hà Nội 11, 2009. Đăng Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống 11, 2010.