Câu hỏi về phép chiếu hình bản đồ

Bản đồ là hình ảnh thu nhỏ một phần hay toàn bộ bề mặt Trái đất lên mặt phẳng, trên cơ sở toán học nhất định nhằm thể hiện các hiện tượng địa lí tự nhiên, kinh tế - xã hội và mối quan hệ giữa chúng; thông qua khái quát hoá nội dung và được trình bày bằng hệ thống kí hiệu bản đồ.

Phép chiếu hình bản đồ là cách biểu diễn mặt cong của Trái đất lên một mặt phẳng, để mỗi điểm trên mặt cong tương ứng với một điểm trên mặt phẳng.

Do bề mặt Trái đất cong nên khi thể hiện mặt phẳng, các khu vực khác nhau trên bản đồ không thể hoàn toàn chính xác như nhau. Vì vậy, tuỳ từng yêu cầu sử dụng bản đồ, từng vùng cần thể hiện trên bản đồ, người ta dùng các phép chiếu hình bản đồ khác nhau.

Khi chiếu, có thể giữ nguyên mặt chiếu bản đồ là mặt phẳng hoặc cuộn lại thành hình nón, hình trụ.

Mặt chiếu có thể tiếp xúc hoặc cắt bề mặt Địa Cầu. Sau đây chỉ đề cập tới những trường hợp mặt chiếu tiếp xúc với mặt Địa Cầu.

Phép chiếu phương vị

Phép chiếu phương vị là phương pháp thể hiện mạng lưới kinh, vĩ tuyến của Địa Cầu lên mặt phẳng.

Theo phép chiếu này, mặt chiếu là một mặt phẳng tiếp xúc với một điểm của Địa Cầu. Tuỳ theo vị trí tiếp xúc của mặt chiếu so với trục của Địa Cầu sẽ có các phép chiếu phương vị khác nhau.

a) Phép chiếu phương vị đứng

Theo phép chiếu này, mặt chiếu tiếp xúc Địa Cầu ở cực, trục Địa Cầu vuông góc với mặt chiếu.

Với nguồn sáng chiếu từ tâm Địa Cầu, các kinh tuyến là những đoạn thẳng đồng quy ở cực, các vĩ tuyến là những vòng tròn đồng tâm ở cực. Càng xa cực kháng chiến giữa các vĩ tuyến càng dãn ra.

Phép chiếu này chính xác khu vực trung tâm bản đồ, càng xa trung tâm càng kém chính xác. Phép chiếu này thường dùng để vẽ bản đồ khu vực quanh cực.

b) Phép chiếu phương vị ngang

Theo phép chiếu này, mặt chiếu tiếp xúc với mặt Địa Cầu ở Xích đạo và song song với trục của Địa Cầu.

Phép chiếu phương vị ngang với nguồn chiếu nằm trên đường Xích đạo (T) ở vị trí đối diện với điểm tiếp xúc của mặt chiếu (Đ). Trong phép chiếu này chỉ có Xích đạo là đường thẳng, các vĩ tuyến còn lại là những cung đối xứng nhau qua Xích đạo, khoảng cách giữa các vĩ tuyến cũng tăng dần khi càng xa Xích đạo về hai cực. Kinh tuyến giữa là đường thẳng, các kinh tuyến khác là đường cong đối xứng qua kinh tuyến giữa, khoảng cách giữa các kinh tuyến cũng tăng dần khi càng xa kinh tuyến giữa.

Câu hỏi: Theo phép chiếu phương vị ngang, khu vực nào trên bản đồ tương đối chính xác? Mức độ chính xác của các khu vực trên bản đồ thay đổi như thế nào?

c) Phép chiếu phương vị nghiêng

Ở phép chiếu phương vị nghiêng, mặt chiếu có thể tiếp xúc với bất kì điểm nào trên mặt Địa Cầu, trừ Cực và Xích đạo. Trong trường hợp như vậy, nơi tiếp xúc vẫn là khu vực tương đối chính xác, càng xa nơi tiếp xúc, càng kém chính xác. Phép chiếu phương vị nghiêng thường dùng để vẽ các bản đồ các khu vực ở những vĩ tuyến trung bình.
 
Anh(chị) có thể cho em biết đặc điểm của phép chiếu phương vị nghiêng, hình nón ngang, nghiêng được không ạ?

* Phép chiếu phương vị nghiêng: Phép chiếu phương vị nghiêng, mặt chiếu có thể tiếp xúc với bất cứ điểm nào trên mặt Địa Cầu, trừ Cực và Xích đạo, nơi tiếp xúc vẫn là khu vực tương đối chính xác, càng xa càng kém chính xác, thường dùng để vẽ các bản đồ khu vực những vĩ tuyến trung bình.

* Phép chiếu hình nón ngang: Là phép chiếu mà trục hình nón trùng với đường kính của Xích đạo và vuông góc với trục quay của Địa cầu

* Phép chiếu hình nón nghiêng: Là phép chiếu mà trục hình nón đi qua tâm địa cầu nhưng không trùng với trục Địa cầu cũng không trùng với đường kính của Xích đạo.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top