CAO TRÀO DÂN CHỦ 36 - 39
Cuộc khủng hoảng của hệ thống tư bản chủ nghĩa với những mâu thuẫn gay gắt và toàn diện đã dẫn tới sự xuất hiện chủ nghĩa phát xít - một hình thức thống trị cực kỳ tàn bạo mà bọn tư bản độc quyền sử dụng hòng cứu vãn chế độ tư bản. Với sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít mà trục chính của nó là Rôm- Béclin- Tôkiô, nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới đang tới gần. Trước tình hình đó, Quốc tế Cộng sản triệu tập Đại hội lần thứ VII tại Matxcơva với sự có mặt của 65 đoàn đại biểu. Đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu, lần đầu tiên tham dự Đại hội.
Đại hội VII Quốc tế Cộng sản quyết định những vấn đề quan trọng sau đây:
Xác định kẻ thù trước mắt của nhân dân thế giới là chủ nghĩa phát xít.
- Nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hoà bình, giành tự do, dân chủ.
Xây dựng mặt trận thống nhất rộng rãi.
Dưới ánh sáng của những nghị quyết Đại hội, các Đảng cộng sản Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc làm nòng cốt trong việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, nhằm đoàn kết mọi lực lượng chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, đòi dân chủ,tự do. Tháng 5-1936, Mặt trận nhân dân Pháp giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, tháng 6-1936 lập chính phủ mới. Trước sức ép của Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng Pháp, chính phủ đã phải thi hành một số điểm trong chương trình tranh cử của Mặt trận nhân dân Pháp. Với các nước thuộc địa, chính phủ Pháp đã có 3 quyết định rất quan trọng: trả lại tự do cho tất cả tù chính trị, thành lập ủy ban điều tra tình hình các thuộc địa, và thi hành một số cải cách xã hội.
Ở trong nước, tuy cuộc khủng hoảng kinh tế có dịu đi nhưng kinh tế Đông Dương vẫn trong tình trạng lay lắt. Nền sản xuất phục hồi một cách chậm chạp ở một số ngành như khai thác than và quặng. Sản xuất nông nghiệp không nhích được bao nhiêu. Ngân hàng Đông Dương vẫn tiếp tục đóng vai trò chúa tể, trực tiếp hoặc gián tiếp điều khiển các công ty tư bản lớn thuộc những lĩnh vực kinh tế chủ đạo.
Để bù đắp những thiệt hại do khủng hoảng kinh tế gây nên, chính quyền thuộc địa mượn tiếng cải cách thuế khóa đã tăng thuế thân Ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ,đặt thêm thuế lợi tức ở Nam Kỳ và thuế cư trú ở các thành phố. Đời sống của các tầng lớp nhân dân vẫn rất khó khăn. Lương công nhân thời kỳ này thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước khủng hoảng. Ở nông thôn cuộc sống vẫn tối tăm. Số vô sản ở nông thôn ngày càng đông và hầu như không có lối thoát. Ở thành thị, dân cư đông đúc lên và sống nghẹt thở bởi thuế khóa nặng nề.
Nhìn chung, do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và sự đục khoét tàn bạo của chính quyền thực dân, các tầng lớp nhân dân, kể cả tư sản dân tộc, đều cảm thấy ngột ngạt và mong có sự thay đổi trong đời sống kinh tế- xã hội.
Trước tình hình thế giới và đất nước có nhiều biến đổi, tháng 7 - 1936, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng do Lê Hồng Phong, ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản chủ trì, đã họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) để định ra đường lối và phương pháp đấu tranh mới đưa phong trào cách mạng nước ta tiếp tục phát triển. Hội nghị đã xác định mục tiêu chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Để tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân nhằm thực hiện được mục tiêu đó, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (từ tháng 3-1938 được đổi thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương). Hội nghị Trung ương tháng 7 - 1936 là sự vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta, kết hợp nhiều hình thức đấu tranh phong phú, lan ra thành một phong trào cách mạng rầm rộ, sâu rộng trên quy mô toàn quốc.
Mở đầu là phong trào Đại hội Đông Dương. Biết được Quốc hội Pháp sẽ cử các phái đoàn sang điều tra tình hình Đông Dương, Đảng chủ trương phát động một phong trào rộng lớn trong quần chúng nhân dân đấu tranh công khai, hợp pháp nêu lên nguyện vọng về tự do, dân chủ và cải thiện đời sống. Phong trào Đông Dương Đại hội, từ một sáng kiến ở Sài Gòn đã được nhân rộng khắp toàn quốc. Ở Nam Kỳ đến cuối tháng 9-1936 đã thành lập hơn 600 uỷ ban hành động của công nhân, nông dân, viên chức. Nhiều ủy ban hành động có trụ sở, tổ chức sinh hoạt chính trị công khai, vạch trần hiện trạng bất công, cực khổ dưới chế độ thuộc địa tàn bạo, thảo luận các biện pháp đấu tranh thích hợp nhằm đạt được các yêu sách về tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình.
Tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đã buộc nhà chính quyền Đông Dương ra Nghị định ngày 11-10-1936, quy định một số quyền lợi của công nhân như thời gian làm việc không được quá 8 giờ/ngày kể từ ngày 1-1-1938 ; công nhân được nghỉ chủ nhật và nghỉ phép năm có lương; cấm bắt phụ nữ và lực cai làm việc ban đêm...
Nhân dân lao động dựa vào những cơ sở pháp lý đó đấu tranh với giới chủ tư bản và chính quyền thuộc địa nhằm từng bước cải thiện điều kiện lao động và sinh hoạt của mình.
Sưu tầm