Căn Phòng Của Jacob

caothutrungky

New member
Xu
0
Vào tuổi 42, Virginia Woolf cho xuất bản tác phẩm Căn phòng của Jacob. Một tiểu thuyết hoàn hảo, đầy bạc mệnh, qua đó Woolf luận giải chứng bệnh thần kinh về cái chết của chính mình.

Căn phòng của Jacob ấn tượng tôi đến nỗi, tôi sợ phải đọc lại. Vì tác phẩm vượt mọi khuôn khổ, như có điện, từ trường, đến mức không còn liên quan đến sáng tạo tiểu thuyết. Trên những trang đầu tiên, bằng tất cả ngây thơ, người đọc bước vào tác phẩm không chút ngờ vực.

Can phong cua Jacob - butnghien.jpg

Họa sĩ. Ảnh sưu tầm​

Đầu thế kỷ 20 ở miền Cornouailles, trên một bờ biển Đại Tây dương gần ngôi làng Scarborough, Betty Flanders, một góa phụ còn trẻ hối hả trở về nhà giữa chiều hè với hai con trai, Archer và Jacob, khi nền trời bất chợt đe dọa báo hiệu cơn giông sắp ập đến.

« Ja-cob!» Betty kêu cậu bé hãy còn đang la cà phía sau. Cậu bé cúi nhặt trong cát, hộp sọ xương xẩu mê hoặc của một đầu trừu và muốn đem về bất chấp sự phản đối của mẹ. Phần hàm dưới rớt khỏi đầu lâu chính là kho tàng đầy rùng rợn mà cuối cùng Jacob mang được về nhà.

Mạch văn đã hiện lên.

Lướt qua, đầy mềm mại, dấu hiệu thứ nhất của thần chết.

Đêm hôm sau, cơn giông trỗi lên dữ dội. Trong ngôi nhà nhỏ bị mưa gió rung chuyển, Mrs Flanders và Rebecca, người giúp việc nhà, vừa thì thầm trò chuyện vừa chăm sóc John, đứa bé nhất, trong lúc Archer và Jacob say giấc: Jacob thiêm thiếp ôm chặt vào lòng vành xương hàm của hộp sọ.

Kỹ thuật quan sát của Woolf, lược bỏ đến tận cùng các chi tiết, chuyển động và xa cách, phủ trùm một tấm màn thanh giáo: Woolf lẩn tránh tình dục. Dễ hiểu. Thế kỷ mà bà khảo sát hãy còn rất trẻ, ngay cả còn mang chút nặng nề của thời đại trước, sẽ còn thay đổi, ở từng mũi kim khâu, như một món hàng thêu Anh quốc, có nghĩa chuyển dịch với từng mũi nhỏ rực rỡ, khít khao, bao bọc bởi những đường viền duyên dáng.

Jacob được hai mươi sáu tuổi khi hưởng khoản thừa kế nhỏ bé từ một bà cô mà chắc chắn anh không còn lưu giữ chút kỷ niệm nào. Số tiền này cho phép anh thực hiện giấc mơ: Một chuyến du lịch đại lục. Bắt đầu bằng Paris là nơi người đọc thoáng gặp Jacob đang ngược đại lộ Raspail, đồng hành với vài thanh niên Anh; tiếp theo là cảnh lấy xe lửa đi Versailles từ ga Invalides trước khi sang Ý; “nơi các tàng cây còn kết nối với nhau bằng những giàn nho ─ như ở vào thời kỳ của Virgile”. Những con quỷ hiếu kỳ trí tuệ trong mình Jacob chậm rãi hồi sinh, điều khiển từ xa bởi Woolf, tiếp tục đẩy anh sang Hy Lạp. “Không khí ban đêm lay động nhẹ nhàng tấm màn hoen ố ở khung cửa sổ của khách sạn Olympie.” Chính tại đây Jacob gặp gỡ một cặp đồng hương cũng đang du lịch như anh, Mr & Mrs Wentworth Williams. Sandra Williams tươi tắn, xinh đẹp, say mê Tchekhov, cảm nhận tức khắc cô và Jacob cùng xao xuyến tận đáy lòng. Cả hai mơ ước được cùng nhau lên đỉnh đền Acropole, cùng khám phá niềm vui thăng hoa cũng như nỗi buồn từ sự cô đơn mà cả hai đã luôn ấp ủ không chút hoài nghi trong suốt tuổi thơ. Nhưng để làm gì? Cả hai cùng chờ đợi trong im lặng, dù ước muốn lẫn nhau, đều sợ hãi điều có thể xảy ra, nghi ngờ chính là tình yêu. Mr Wentworth Williams cùng vợ đi Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ. Jacob đi theo vì Sandra, gợi ý một cách kín đáo. Chấm. Chỉ từng ấy. Sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Kể từ đây, không còn một tia hy vọng nào dành cho chúng ta. Trò chơi đã an bài.

Ngay khi trở về Luân Đôn, Jacob lúc này không còn quá trẻ gặp lại những người bạn thời niên thiếu Timmy Durant và Bonamy. Không kể Clara chưa bao giờ quên anh. Không kể cô gái điếm Fanny Elmer, đã tự nhủ: “Chính là cuộc đời, chính là cuộc đời!”. Không kể một Julia Eliot nào đó, người cũng đã từng âm thầm yêu Flanders, chàng trai trầm mặc, làm cô hồi tưởng khi dạo bước bên cạnh Marble Arch: “Thiếu nữ mang ánh mắt mơ mộng của một người hòa vào đám đông giữa buổi chiều hè, khi cây lá xào xạc, khi các vòng bánh xe chiếu vàng ngời, khi sự huyên náo của thực tại làm thành lời than vãn của một tuổi trẻ đánh mất; bi ai đến cùng cực làm phát sinh nỗi buồn bã lạ lùng trong linh hồn nàng; giống như xuyên qua những chiếc áo ngắn và váy đầm, thời gian cùng sự vĩnh cửu đã trở nên hữu hình; giống như Julia đang nhìn thấy mọi người tiến dần đến sự hủy diệt của chính mình một cách bi thảm.”

Thời gian, sự huyên náo, sự vĩnh cửu, sự hủy diệt làm đau đớn. Woolf ý thức rất rõ. Bà đang xô đẩy người đọc trở lại thực tế phũ phàng, tuy được viết với một cao nhã tế nhị đầy dịu dàng, vẫn xô đẩy người đọc về thực trạng hiển nhiên mà cho đến khi ấy hãy còn mập mờ: Mối đe dọa của một thế chiến sắp tàn phá địa cầu.

Từ chiến tranh không một lần được Woolf nhắc đến. Chính sự khước từ độc đoán đầy tinh tế của khóa-ngữ này càng bôi đen thêm sự bùng nổ của thảm họa, một bùng nổ làm đui mù và câm điếc, rung chuyển toàn thế giới ở biên độ con người.

Và rồi, sau hải trình trầm trọng một cách rực rỡ, đầy vuốt ve, nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của người đọc, và cũng để nuôi dưỡng sự căng thẳng, Woolf ước tính khoảnh khắc đã đến để ngừng hẳn lại. Bà buông neo con tàu trả hành khách trở về. Chúng ta bất thình lình được đưa trở lại ngôi nhà ở làng Scarborough, miền Cornouailles, nơi cậu bé Jacob đã thiêm thiếp say giấc trong một đêm bão bùng ôm chặt lấy vào lòng khớp xương hàm của một đầu trừu với đầy say mê.

“Tiếng đại bác? Betty Flanders tự hỏi, vừa nửa tỉnh nửa ngủ bước ra khỏi giường đi về phía cửa sổ kết những vừng lá tối mờ. Không thể nào ở một khoảng cách xa như vậy, bà nghĩ thầm. Trước mặt là đại dương. Bà nghe lập lại lần nữa, từ xa, những tiếng động nặng tựa tiếng động các cô gái đang đập những tấm thảm mênh mông trong đêm. Anh bà, Morty, mới mất tích. Chồng bà, Seabrook, đã chết; còn các con trai đang phục vụ tổ quốc.”

Không bắt người đọc trầm mình trong nỗi sợ hãi, sự tuyệt vọng, nỗi cam chịu không tránh được. Duy nhất một tổng hợp sự tuyệt đối, lạnh băng. Hai trang tĩnh lược đóng lại câu chuyện mà sự đơn giản cùng sự chừng mực càng cào xé ruột. Woolf giam chúng ta vào căn phòng xưa cũ ở Neville Court, Luân Đôn, nơi Jacob thích đọc sách, làm việc, mơ mộng, và có thể đã ham muốn.

“Jacob để lại mọi thứ y nguyên như vầy, Bonamy kể, hãy còn ngạc nhiên. Những lá thư vung vãi khắp nơi, nhằm bắt mọi người phải đọc chúng. “Jacob trông đợi gì? Tin sẽ trở lại?” Bonamy nghĩ ngợi lúc đứng giữa phòng ─ Căn phòng của Jacob ─ Bừa bãi quá sức! Betty Flanders thốt lên, khi mở cánh cửa phòng ngủ. Bonamy quay lại ─ Tôi làm gì với những thứ này? Bà góa cầm trên tay đôi giày cũ của Jacob trước đây.”

Vòng tròn khép lại một cách tự nhiên, có nghĩa trong sự tàn bạo nhung lụa, vô liêm và cam chịu. Đến đây chúng ta mới khám phá thiên tài rộng lớn mà ẩn kín của Virginia Woolf: suốt hai trăm trang ngăn ngừa tất cả những dấu hiệu bề mặt của cảm xúc, bà không ngừng tiết lậu sự chết chóc, chứng bệnh thần kinh về cái chết của chính mình, Woolf xử lý trong suốt chiều dài tác phẩm, bằng hoán dụ và ẩn dụ, với một nghệ thuật, một ảo thuật thân mật kỳ tài đến kinh ngạc. Như một lời tự thú. Tác phẩm lớn của cuộc đời bà, sẽ phải, đang diễn ra, và vĩnh viễn mãi là cuộc chung chạ với thần chết mà bà trao phó trong yên bình.

Tôi nghĩ đến lời thơ bí hiểm của Mallarmé: “Dòng suối cạn chịu sàm báng này là thần chết.”

Virginia Woolf, tiểu thuyết gia Anh, là một bằng chứng. Woolf được 42 tuổi khi cho xuất bản Căn phòng của Jacob. Mười tám năm sau tự vẫn bằng cách nhảy xuống “dòng suối cạn chịu sàm báng” chảy qua dưới chân nhà. Bà đã bỏ đầy đá vào các túi áo để chắc chắn không sống sót. Chi tiết này cho phép khẳng định Woolf không tự sát trong một cơn điên loạn tuyệt vọng. Ở vào phút bước chân xuống kè đá, chắc chắn êm đềm và rợp hoa, bước đến sát mặt nước, Woolf vẫn mang trong mình nỗi ám ảnh chung thủy: Phục hồi cho “dòng suối cạn chịu sàm báng”, trả cho lòng suối không sâu tất cả sự tươi mát vô tội, nguyên tắc yên nghỉ gần như không thay đổi minh chứng cho sự minh mẫn tràn đầy của bà.

Tổng lượng tiểu thuyết của Woolf còn là một nhân chứng rực rỡ. Tôi chưa thấy nhà văn nào biết kết hợp với một lý trí sáng suốt đến vậy dòng nước đôi của sự khoái lạc nhục cảm và sự quyến rũ u ám của thần chết. Cũng chưa ai thành công giả định cây cối và trời xanh, công viên và phố phường, đại dương với đền đài lịch sử, nhan sắc đàn bà cùng nhung lụa trưởng giả như bà đã làm. Có nghĩa chuyển động của những giao mùa chuyển dịch với một sự nhẹ hẫng bên trên cái nền tối ám không thể kềm giữ của địa ngục.

Căn phòng của Jacob hiện ra, như thế, vượt lên trên tất cả thành một bài học tinh diệu về tính kiên nhẫn. Đối với các nhà văn, sẽ thật tiện ích khi có thể thích nghi dễ dàng với ẩn dụ, với sự buông thả vào những ngã tắt của văn chương từ một thực tế khiêm nhường hay cao ngạo, mà Virginia Woolf, bằng bí mật của một thiên tài, đã khinh bỉ và vứt bỏ vì không xứng đáng với bà.

Virginia Woolf tự bằng lòng thao tác từng tác phẩm tiểu thuyết theo cách của những họa sĩ si mê đắm đuối với chính bức vẽ của mình: không ngừng nghỉ tô điểm ở đầu cọ sơn, ngàn nét họa rung động, chấm phá sắc nhọn hay mơ màng. Một thao tác đáng ngưỡng mộ vì giúp cô đọng những chuyến viễn du vi hành thế giới mà chúng ta chỉ là những hành khách ẩn náu sau khi vứt bỏ sức nặng cồng kềnh của xác thân.



Dominique Rolin 3/1990

Trần Vũ chuyển ngữ 23-12-2008

DOMINIQUE ROLIN Theo Văn Nghệ Sông Cửu Long
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top