• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Campuchia thời cận đại

Trang Dimple

New member
Xu
38


CAMPUCHIA THỜI CẬN ĐẠI



I - Sự xâm nhập của thực dân Pháp vào Cămpuchia

1- Tình hình Cămpuchia trước khi thực dân Pháp xâm lược

Sau một thời kỳ phát triển cực thịnh (từ thế kỷ IX- thế kỷ XV) với nền văn minh Ăngco huy hoàng, từ thế kỷ XVI, vương quốc Cămpuchia rơi vào tình trạng suy thoái. Năm 1594, tướng Xiêm Pranaút cầm đầu đạo quân 10 vạn người chiếm kinh đô Lôvéc của Cămpuchia. Hoàng thân em trai vua cùng 10 vạn dân bị bắt làm nô lệ. Vua Satha và hoàng tộc phải trốn sang Lào. Từ đây bắt đầu thời kỳ Cămpuchia thường xuyên không ổn định bởi chiến tranh của các tập đoàn phong kiến trong nước và nước ngoài.

Từ cuối thế kỷ XVI, ở Cămpuchia tồn tại chính quyền phong kiến không tập trung. Về danh nghĩa, vua là người có quyền tối thượng nhưng trên thực tế quyền lực còn bị phân chia thành 3 nhánh với 3 vương phủ:

- Vương phủ của phó vương được quyền cai quản và thu thuế 7 tỉnh.

- Vương phủ thái tử được quyền cai quản và thu thuế 5 tỉnh.

- Vương phủ của Hoàng thái hậu cai quản và thu thuế 3 tỉnh.

Đạo Phật là quốc giáo ở Cămpuchia. Các nhà chùa cũng bao chiếm nhiều ruộng đất và có nhiều nông dân lệ thuộc.

Vào thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha đặt chân đến Cămpuchia, tiếp đó các thương nhân Tây Ban Nha, Hà Lan cũng có mặt ở nước này.

2- Thực dân Pháp biến Cămpuchia thành thuộc địa

Ngay từ năm 1662, linh mục Lui Sơvơrơi là người Pháp đầu tiên trong "Hội truyền bá niềm tin" đã có mặt ở Uđôn (Cămpuchia) trong 3 năm để truyền đạo. Tuy nhiên, vì Cămpuchia là quốc gia Phật giáo nên việc truyền bá đạo Thiên chúa không có kết quả.

Năm 1845, khi Ang Dương lên làm vua ở Cămpuchia, tình hình nước này ngày càng khó khăn do sức ép của thế lực phong kiến Xiêm. Lợi dụng cơ hội đó, các giáo sĩ Pháp tìm cách lôi kéo vua Ang Dương. Vào năm 1853, chúng thuyết phục vua Ang Dương cầu cứu Pháp, gửi thư và tặng phẩm cho hoàng đế Napôlêông III. Năm 1856, giám mục Milơ với cương vị là thầy dạy của thái tử và thầy thuốc của vua Ang Dương đã bố trí để triều đình Pháp cử sang Cămpuchia đoàn sứ thần do Môngtinhi cầm đầu. Đoàn này về bề ngoài là để đáp lễ nhưng thực chất chuẩn bị ký với Cămpuchia một hiệp ước. Xiêm biết được tin này đã tìm mọi cách ngăn cản, nên âm mưu ký hiệp ước của Pháp bị thất bại.

Năm 1859, thái tử Angvôlay Chơrêlang nối ngôi vua Cămpuchia với danh hiệu là Nôrôđôm. Giám mục Milơ vốn là thầy của vua nên càng có ảnh hưởng ở Cămpuchia. Tháng 3/1861, theo đề nghị của Milơ, đô đốc Sácne từ Sài gòn đến Cămpuchia đưa thư và tặng phẩm mừng Nôrôđôm. Nhưng nhân dân Cămpuchia dưới sự lãnh đạo của hoàng thân Xivôtha đã tấn công chiếm kinh đô Uđôn buộc Nôrôđôm phải chạy sang Băngcốc cầu cứu. Sau khi đàn áp được cuộc khởi nghĩa của Xivôtha, Nôrôđôm ngày càng lệ thuộc Xiêm, mọi việc trong nước đều do tên công sứ Xiêm Panhirắt quyết định.

Sau khi chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ (tháng 6/1862), Pháp chuẩn bị lực lượng để chiếm Cămpuchia. Tháng 4/1863, Đơ Lagrê chỉ huy đoàn tàu chiến ngược dòng Mê Công tiến vào Uđôn. Mặc dù Xiêm tìm cách ngăn cản nhưng bất chấp sự có mặt của viên công sứ Xiêm, thống đốc Nam kỳ, đô đốc Đơ Lagơrăngđie đã trực tiếp gặp Nôrôđôm và bắt vua Nôrôđôm ký bản Hiệp ước bảo hộ vào ngày 11/8/1863 với nội dung:

1. Pháp nhận bảo hộ Cămpuchia và được cử Khâm sứ bên cạnh nhà vua Cămpuchia. Ngược lại, Cămpuchia cũng có đại diện ở Sài Gòn (điều 1, 4).

2. Người Pháp được tự do cư trú ở Cămpuchia và khi phạm tội chỉ bị toà án Pháp xử (điều 6, 9).

3. Hàng hoá của Pháp vào Cămpuchia khi có giấy phép của Thống đốc Nam kỳ thì không phải chịu thuế. Hàng hoá của Cămpuchia vào Nam kỳ khi có giấy phép của vua Nôrôđôm thì không phải chịu thuế (điều 10, 11).

4. Hạm đội Pháp, các nhà bác học, các nhà thám hiểm đến Cămpuchia được cả hai bên giúp đỡ và bảo vệ (điều 12, 14). Pháp được tự do truyền đạo ở Cămpuchia (điều 15).

5. Vì nhu cầu quân sự, Cămpuchia nhường cho Pháp đất đóng đồn và dựng kho ở Chơrui Changva (sát thủ đô Phnôm Pênh), cho Pháp được đẵn gỗ để đóng tàu (điều 16, 18).

6. Pháp cam kết giúp vua Cămpuchia chống ngoại xâm và nội phản. Chính phủ Pháp công nhận Nôrôđôm là quốc vương Cămpuchia và tặng vua 1 tàu thuỷ có binh lính, sĩ quan do Pháp đài thọ, huấn luyện (điều 19, 20).

Bản hiệp ước này gây nên sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân Cămpuchia cũng như của Xiêm và Anh. Sứ thần Xiêm Panhirắt dùng áp lực doạ nạt vua Nôrôđôm, còn Anh đòi Pháp phải huỷ bỏ hiệp ước. Kết quả ngày 1/12/1863, Nôrôđôm lại bị ép ký với Xiêm bản hiệp ước “bảo hộ” với nội dung chủ yếu như sau:

1. Xiêm coi Cămpuchia là một nước chư hầu và Nôrôđôm là phó vương Cămpuchia. Hàng năm Cămpuchia phải cử sứ thần sang Băngcốc triều cống và báo cáo tình hình.

2. Xiêm sẽ bổ nhiệm các tỉnh trưởng của Cămpuchia. Khi Cămpuchia có loạn, phó vương Cămpuchia phải báo cho Xiêm biết, Xiêm sẽ cử quân bảo vệ phó vương.

3. Hai tỉnh Báttambăng và Ăngco thuộc về Xiêm.

4. Xiêm sẽ chuyển lại cho vua Nôrôđôm mũ, ấn, kiếm và cử phái viên đến Cămpuchia tổ chức lễ đăng quang.

Pháp kịch liệt phản đối hiệp ước này và đe doạ sử dụng lực lượng quân sự. Xiêm buộc phải nhượng bộ Pháp do không được Anh ủng hộ. Để dàn hoà mâu thuẫn giữa Pháp - Xiêm, hai bên ký Hiệp ước Băngcốc vào ngày 15/7/1867 với nội dung sau:

1. Xiêm thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Cămpuchia, còn Pháp cắt cho Xiêm các tỉnh Báttambăng và Ăng Co.

2. Huỷ bỏ bản hiệp ước giữa Xiêm và Cămpuchia tháng 12/1863.

Hiệp ước này là sự thỏa thuận chia phần giữa hai kẻ cướp trên mảnh đất Cămpuchia.

Sau khi gạt Xiêm ra khỏi Cămpuchia, Pháp buộc vua Nôrôđôm ký thêm hiệp ước nô dịch mới vào đêm 17/6/1884, với nội dung chủ yếu sau:

1. Vua Cămpuchia chấp nhận mọi cải cách về hành chính, tư pháp, tài chính, thương nghiệp do chính phủ Pháp tiến hành.

2. Các quan chức bản xứ ở các tỉnh được giữ nguyên nhưng phải chịu sự điều khiển và kiểm soát của Pháp

3. Các ngành thuế khoá, thương chính, giao thông thành những ngành riêng do người Pháp nắm giữ.

4. Chính phủ bổ nhiệm các viên công sứ người Pháp đứng đầu các tỉnh của Cămpuchia. Công sứ có quyền duy trì trật tự trị an và kiểm soát các nhà chức trách địa phương.

Ngoài ra hiệp ước qui định rõ vua Cămpuchia được hưởng lương của Pháp và viên khâm sứ Pháp có quyền gặp vua bất cứ lúc nào. Với hiệp ước này, Cămpuchia thực sự trở thành một nước thuộc địa của Pháp.


[h=2] II- Phong trào đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Cămpuchia[/h] Trước nguy cơ mất nước, nhân dân Cămpuchia đã đứng dậy cầm vũ khí chống xâm lược, đặc biệt từ khi giai cấp phong kiến hoàn toàn đầu hàng quân xâm lược phong trào đấu tranh phát triển với qui mô mới.

1 - Khởi nghĩa của hoàng thân Xivôtha (1861-1892).

Thái độ nhu nhược sẵn sàng bán rẻ quyền lợi dân tộc cho ngoại bang của Nôrôđôm đã làm cho một bộ phận trong giai cấp phong kiến căm phẫn. Họ đã lãnh đạo nhân dân đứng dậy khởi nghĩa với người đứng đầu là hoàng thân Xivôtha.

Phong trào nổ ra đầu tiên ở Công Pông Xoài và Bắc Biển Hồ vào năm 1861. Nghĩa quân đánh chiếm dinh tổng đốc tỉnh Ba Phnôm. Phong trào phát triển nhanh chóng khắp các tỉnh phía đông sông Mê Công. Triều đình phong kiến cầu cứu Pháp và Xiêm. Trước sự chênh lệch về lực lượng, phong trào tạm lắng vào cuối năm 1862.

Cuối năm 1876, Xivôtha lại phát động khởi nghĩa ở Công Pông Xoài. Nghĩa quân áp dụng chiến thuật du kích khiến cho kẻ địch với số lượng áp đảo nhưng không thể nào tiêu diệt được. Cuộc khởi nghĩa tồn tại đến tháng 10/1892, sau khi Xivôtha ốm và từ trần thì mới bị dập tắt.

2 - Khởi nghĩa của Acha Xoa (1863-1865).

Acha Xoa xây dựng căn cứ ở vùng Tơrêang Takeo (Đông Nam Cămpuchia). Năm 1864, nghĩa quân chiếm được tỉnh Cam Pốt và áp sát Phnôm Pênh. Từ năm 1865, Acha Xoa lấy tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên làm căn cứ đồng thời liên kết với khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Huân để chống Pháp. Trong trận chiến đấu ngày 19/8/1866, Acha Xoa bị thương và sa vào tay giặc, khởi nghĩa thất bại.

3 - Khởi nghĩa Pucômbô (1866-1867).

Vốn là nhà sư có tinh thần yêu nước, Pucômbô đã từng bị giam lỏng ở Sài Gòn nhưng sau đó trốn thoát. Ông đến vùng biên giới Cămpuchia-Việt Nam tập hợp nhân dân các dân tộc Việt, Khơ me, Chăm... đứng lên chống Pháp.

Ngày 7/6/1866, nghĩa quân tấn công đồn Pháp ở Tây Ninh tiêu diệt phần lớn số lính Pháp trong đồn.

Ngày 14/6/1866, nghĩa quân tập kích đánh tan đội quân Pháp gồm 150 tên do tên trung tá Mácsedơ chỉ huy, giết chết tên trung tá cùng nhiều lính địch.

Nghĩa quân đã phối hợp hoạt động với nghĩa quân Trương Quyền, Võ Duy Dương ở vùng An Giang gây cho địch nhiều thiệt hại.

Từ tháng 8/1866, nghĩa quân chuyển sang hoạt động ở vùng Đông Bắc Cămpuchia. Trong tháng 8 và tháng 10/1866, nghĩa quân đánh tan đạo quân đàn áp của triều đình Cămpuchia.

Việc triều đình nhà Nguyễn để mất 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ đã gây khó khăn cho nghĩa quân Pucômbô. Nghĩa quân mất một khu vực căn cứ, nơi cung cấp sức người, sức của cho cuộc chiến đấu. Cuối năm 1867, địch tập trung lực lượng bao vây căn cứ của nghĩa quân ở Côngpông Thom. Tương quan lực lượng bất lợi cho nghĩa quân. Pucômbô bị thương, bị bắt và bị giết. Cuộc khởi nghĩa thất bại.

4- Hoạt động của thái tử Yucăngtơ (1900).

Là con trai của Nôrôđôm nhưng Yucăngtơ bất bình với chính sách đầu hàng của vua cha nên đã tìm cách tố cáo tội ác của chế độ thực dân. Tại Pháp, ông đã viết báo tố cáo tội ác của thực dân Pháp, vạch trần sự dã man của chúng. Hoạt động của thái tử Yucăngtơ có tiếng vang lớn ở Pari.

5 - Khởi nghĩa của nhà sư Ăng Snuôn (1905).

Nhân dân tỉnh Stungtreng (Bắc Cămpuchia) nổi dậy khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của nhà sư Ăng Snuôn. Khởi nghĩa tồn tại trong một thời gian ngắn thì bị thất bại.

Ngoài ra, đầu thế kỷ XX, ở Cămpuchia còn nổ ra các cuộc đấu tranh của nhân dân Bátđomboong do Kathatoóc và Vixe Nhu lãnh đạo (1907-1908) và cuộc khởi nghĩa của các dân tộc thiểu số do Pa Trangluông lãnh đạo.

Như vậy từ nửa sau thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhân dân Cămpuchia liên tiếp đứng dậy chống xâm lược. Điều đó chứng tỏ tinh thần bất khuất kiên cường của nhân dân Cămpuchia. Tuy nhiên do tính chất phân tán, trình độ tổ chức và nhất là do sự chênh lệch về lực lượng nên các cuộc khởi nghĩa lần lượt bị thất bại.

VĂN NGỌC THÀNH
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top