Cảm nhận về Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
BÀI THAM KHẢO
BÀI THAM KHẢO
Cách đây tròn 60 năm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ và lòng dân cả nước phát đi mệnh lệnh Toàn quốc kháng chiến.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người là một trong những văn kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Điều kỳ tuyệt là cho đến tận bây giờ, âm vang của những ngôn từ ngắn nhưng có sức sống mãnh liệt của nó vẫn làm xúc động trái tim của hàng triệu con người.
198 chữ của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một kỳ văn của sức mạnh, một tuyệt bút bất tử với thời gian. Đó thực sự là bản Tuyên ngôn thứ hai của nền độc lập. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ sự đắng cay, tủi nhục của kiếp sống nô lệ, chính vì vậy, Người đã đoan quyết bằng ý chí và tâm huyết của 20 triệu con người rằng: Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Đó là thông điệp của trái tim, xuất phát từ lẽ sống còn mà không một người dân Việt Nam nào không hiểu rõ: Độc lập, tự do còn quý hơn cả máu của chính mình. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã truyền máu, tiếp lửa cho tinh thần bất khuất của dân tộc.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 22- 12- 1946 và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh là ba văn kiện xác định đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng ta.
Điều làm cho không ít nhà lịch sử quân sự phải bất ngờ là trong một văn kiện ngắn như Lời kêu gọi, Hồ Chủ tịch vẫn trình bày một cách vừa đầy đủ, vừa sáng rõ toàn bộ đường lối kháng chiến của Đảng ta. Tinh thần tự lực cánh sinh, độc lập, tự chủ là nguyên tắc thứ nhất: Ai cũng phải ra sức cứu nước.
Xuất phát từ so sánh lực lượng mà phần bất lợi là thuộc về ta, Hồ Chủ tịch kêu gọi cuộc kháng chiến của ta nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc thứ hai, đó là kháng chiến toàn dân. Nguyên tắc thứ ba là kháng chiến toàn diện: “ Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”.
Hồ Chủ tịch đã tiên định cuộc kháng chiến sẽ lâu dài, nhưng chắc chắn sẽ thành công. Đây cũng là nguyên tắc thứ tư, kháng chiến trường kỳ: “Dù phải gian lao kháng chiến…, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”.
Đường lối kháng chiến suốt chín năm hào hùng được trình bày đầy đủ trong một văn kiện dài chưa đến 200 chữ, đó là kỉ lục của sự mẫn tiệp. Hơn thế nữa, áng văn lịch sử đó còn tiếp thêm sức mạnh và niềm tin vô bờ bến cho nhiều triệu con người, là một kỉ lục về năng lực truyền cảm, uy lực cuốn hút của một thiên tài.
Những lời kêu gọi đặc biệt ấy đã vang lên trong một quá khứ rất xa, nhưng cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên tinh thần và mong ước, chứng tỏ sức sống thực tiễn chân lí bất hủ của nó.
Hà Văn Thịnh*