Cảm nhận đoạn 3 bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng

Trong quãng đời người lính của Quang Dũng và có lẽ trong suốt cả đời của người nghệ sĩ tài hoa ấy - những năm tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến chắc chắn là quãng thời gian đáng nhớ nhất, in dấu sâu đậm hơn. Và thật là may mắn cho Quang Dũng và cho chúng ta, bao nhiêu kỉ niệm sâu sắc, bao nhiêu vẻ đẹp và cả sự bi tráng của một quãng đời không thổ quên ở nơi miền Tây Tổ quốc cùng những người đồng đội đã được nhà thơ lưu giữ mãi mãi với thời gian trong một thi phẩm "Tây Tiến". Cùng cảm nhận về đoạn 3 bài thơ "Tây Tiến"để hiểu hơn về khó khăn, gian khổ mà người lính phải trải qua nhé!

Cảm nhận đoạn 3 bài thơ Tây tiến.png

Cảm nhận đoạn 3 bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng

Nếu nói nền văn học Việt Nam là một bức tranh với đầy đủ các sắc màu thì Quang Dũng là một gam màu nổi bật với tài hoa phóng khoáng, hồn hậu, đầy lãng mạn. Chất lính luôn đong đầy trong từng tác phẩm của ông. Trong đó không thể không nói đến bài thơ “Tây Tiến” được sáng tác năm 1948 tại Phù Lưu Chanh trong tập thơ Mây đầu ô. Một tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc, đã thể hiện rõ nét hình ảnh người lính Tây Tiến trong hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt, gian khổ, chấp nhận hi sinh nhưng vẫn toát lên khí phách hiên ngang, kiên cường, bất khuất, bi tráng được thể hiện trong đoạn thơ sau:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Nếu như ở những đoạn thơ trước đó người lính mới chỉ hiện ra trong: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi” hay trong khung cảnh hết sức lãng mạn của đêm liên hoan, đêm lửa trại thấm tình các nước thì ở đây là hình ảnh đoàn binh không mọc tóc da xanh như lá rừng. Cảm hứng chân thực của Quang Dũng đã không né tránh việc mô tả cuộc sống gian khổ mà người lính phải chịu đựng. Những cơn sốt rét rừng làm tóc họ không thể mọc. Cũng vì sốt rét rừng mà da họ xanh như lá cây, vẻ ngoài dường như rất tiều tụy. Nhưng thế giới tinh thần của người lính lại cho thấy họ chính là những người chiến binh anh hùng, họ còn chứa đựng cả một sức mạnh áp đảo quân thủ. Cái giỏi của Quang Dũng là mô tả người lính với những nét khắc khổ tiều tụy nhưng vẫn gợi ra âm hưởng rất hào hùng của cuộc sống. Bởi vì câu thơ: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”, với những thanh trắc rơi vào trọng âm đầu của câu thơ như “tiến”, “mọc tóc”, đã làm âm hưởng của câu thơ vút lên. Chẳng những thế, họ còn là cả một đoàn binh. Hai chữ “đoàn binh” – âm Hán Việt đã gợi ra một khí thế hết sức nghiêm trang, hùng dũng. Thủ pháp tương phản mà Quang Dũng sử dụng ở câu thơ “Quân xanh màu lá dữ oai hùm” không chỉ làm nổi bật lên sức mạnh tinh thần của người lính mà còn thấm sâu màu sắc văn hóa của dân tộc. Ở đây, nhà thơ muốn nói tới sức mạnh bách chiến bách thắng bằng một hình ảnh quen thuộc trong thơ văn xưa. Ngoài vẻ đẹp ngoại hình người lính Tây Tiến thì ngòi bút lãng mạn như một điểm nhấn đi sâu vào tâm hồn người đọc. Khí phách hiên ngang và chất trữ tình được thể hiện qua:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Giữa lí tưởng và tâm hồn lãng mạn, ý chí tinh thần yêu nước, nhà thơ đã vận dụng ánh mắt để biểu hiện lòng căm thù, tinh thần chiến đấu mạnh mẽ kiên cường. Người ta thường nói “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, ở người lính Tây Tiến tác giả đã sử dụng nét tương đồng đối lập trong bút pháp của mình “mắt trừng, đêm mơ, dáng kiều thơm”. Giữa tinh thần của ý chí và cái lí của tình cảm đang đan xen hòa quyện để diễn tả sự phẫn nộ, tinh thần đấu tranh mang dáng dấp của những tráng sĩ ngày xưa. Đó là vấn đề được Quang Dũng tái hiện để nói lên tinh thần yêu nước, trả thù nhà, nợ nước để lập nên những chiến công ở nơi biên cương. Trữ tình khai thác vẻ đẹp tận sâu trong tâm hồn bâng khuâng, mơ mộng “dáng kiều thơm”, gợi lên vẻ đẹp hình ảnh của những cô gái Hà Thành. Nếu “Đồng Chí” của Chính Hữu nỗi nhớ của người lính “gốc đa, giếng nước” thì hình ảnh của người lính Tây Tiến vốn là những học sinh, sinh viên, một phần trí thức trẻ ở Hà Nội. Chất lãng mạn cũng là yếu tố cần thiết giúp cho người lính vượt qua khó khăn, gian khổ như một lời thúc giục tiến lên. Sợi dây nỗi nhớ về quê hương, về những hình ảnh đẹp một lần nữa khẳng định họ sẽ vượt qua bom đạn, trở thành người chiến sĩ chẳng khác nào bức tượng đài bất tử trong văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, để một lần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Quan niệm sống chết được nhiều tác phẩm văn học thời kháng chiến nói đến. Trong nỗi đau vẫn bật lên khí phách, tinh thần yêu nước của một dân tộc kiên cường. Đó cũng là cảm hứng để Quang Dũng nhắc lại hình ảnh người lính Tây Tiến với hai câu thơ sau:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

Chữ "bi" là hiện thực đau đớn mà Quang Dũng không thể né tránh. Vận dụng từ ngữ giàu tính gợi hình kết hợp với từ láy, từ Hán Việt “rải rác, biên cường, mồ viễn xứ”, đều nhấn mạnh sự bi hùng trong bi thương. Một quy luật của chiến tranh nhưng chứa đựng nỗi niềm đau đớn, xót xa, thê lương thảm thiết như tiếng nấc, tiếng khóc nghẹn ngào chảy vào trong lòng. Khốc liệt của chiến tranh đã tăng thêm chất bi tráng, nhấn mạnh cốt lõi, tâm hồn vẻ đẹp người lính bằng triết lí, lí tưởng, quyết định sống “chẳng tiếc đời xanh”. Vượt lên khát vọng, tinh thần yêu nước đã trở thành sức mạnh với một phương châm “một đi không trở lại”. Hình ảnh đó được Nguyễn Thi nhắc đến trong “người ra đi đầu không ngoảnh lại”. Ý chí tình thần yêu nước luôn là sự kế thừa nối tiếp trở thành khát vọng nâng lên vẻ đẹp, tầm sử thi của người lính Tây Tiến.

Nhìn lại nỗi nhớ, hình ảnh của người lính đậm chất bi tráng như một cảm xúc chủ đạo để nâng đỡ vẻ đẹp, để nhà thơ chốt lại bằng câu thơ:

“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Vận dụng từ Hán Việt để ngợi ca người lính, tạo nên phong cách thơ Quang Dũng. “Áo bào” là hình ảnh ẩn dụ gợi lên thời vua chúa nhưng tận sâu bên trong người lính được ngợi ca mang nét tương đồng về sự hi sinh. Câu thơ nhẹ nhàng khi nói về cái chết, đó phải chăng là lí tưởng của người lính khi bước chân vào đoàn quân Tây Tiến. Bi tráng, kiêu hùng đến thế khiến cho người đọc cảm nhận được sự hi sinh của họ sáng ngời vẻ đẹp, phẩm chất, lí lưởng anh bộ đội cụ Hồ. Nghệ thuật nói giảm nói tránh “anh về đất” xem cái chết nhẹ nhàng không bi lụy, khẳng định không khí trang trọng và rất lạc quan: họ đã trở về với đất mẹ yêu thương và đọng lại trong kí ức của mỗi người con đất Việt. Khúc độc hành khép lại khúc ca hùng tráng âm hưởng hào hùng. Chân dung người lính Tây Tiến sống mãi và tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của những người lính.

Nhìn rõ chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tây Tiến của Quang Dũng là đỉnh cao của thơ ca chống Pháp, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước. Tinh thần yêu nước, ý chí mãnh liệt, khí phách hiên ngang, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, trong đau thương không bi lụy, trong lạc quan tăng tính dũng cảm. Người lính Tây Tiến của Quang Dũng lên đường theo tiếng gọi của tổ quốc, nỗi nhớ để cảm phục ngòi bút tài hoa, hồn thơ lãng mạn, phóng khoáng. Đó là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn khi gọi tên đoàn quân Tây Tiến.

Tây Tiến đã ghi nhận thành công của Quang Dũng trong việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn. Sự phối hợp của những câu thơ mang vần trắc và cần bằng, ngôn ngữ giản dị trong sáng kết hợp với từ Hán Việt đan xen lẫn nhau đã tạo nên sự hài hòa trong âm hưởng đoạn thơ. Bức tranh Tây Bắc được lột tả rất chân thực và sâu đậm qua những góc nhìn vô cùng độc đáo, tiêu biểu, ngoài ra nhịp thơ 4/3 cùng hệ thống những từ láy đắt giá đã làm nổi bật cả chất nhạc và chất họa cho đoạn thơ. Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên một màu sắc riêng cho ngòi bút tài hoa của Quang Dũng, nâng tài hoa của ông lên một tầm mới.

Từng trang sử hào hùng được lật ra, để con người ta nhớ về ngày tháng trường kì kháng chiến gian nan thử thách, hi sinh xương máu của những người lính Tây Tiến qua thi phẩm cùng tên. Quang Dũng tái hiện lại bộ phim về kí ức một thời đã qua, hình ảnh thiên nhiên, con người từ hình dáng cho đến tâm hồn dần hiện lên trong tâm trí người đọc. Khép lại Tây Tiến như khép lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc, những vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn của những chàng trai áo lính mãi là bất tử. Và tài năng, sự thăng hoa của một tâm hồn lãng mạn của người nghệ sĩ đa tài Quang Dũng sẽ sống mãi với thời gian.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top