Cảm nhận của em về mối quan hệ Lỗ Tấn - Nhuận Thổ khi đọc Cố hương

Thandieu2

Thần Điêu
Cảm nhận của em về mối quan hệ Lỗ Tấn - Nhuận Thổ khi đọc "Cố hương"



BÀI LÀM

Cố hương, câu chuyện của một người con đi xa - tác giả, nhân vật tôi trong truyện - hơn hai mươi năm, nay trở về ngôi nhà cũ, làng cũ. Nhưng không phải là công thành, danh toại “áo gấm về làng”. Cũng không phải trở về sinh sống sau bao năm lưu lạc, thấy quê hương đổi thịt, thay da mà trở về dọn nhà, chuyển nhà bởi vì “Ngôi nhà cũ mà đại gia đình... đời đời ở chung với nhau... đã phải đồng tình bán cho người ta, nội năm nay phải giao cho họ”. Trở về “để từ biệt nó lần cuối cùng”, “vĩnh biệt ngôi nhà yêu dấu và từ giã làng cũ thân yêu, đem gia đình đến nơi đất khách”. Người về cố hương ấy xưa kia “đàng hoàng là một cậu ấm”, “cảnh nhà sung túc”.

Nhân vật tôi - tác giả - viết về cố hương trong một hoàn cảnh, tâm trạng như thế. Lại nữa trở về trên một chiếc thuyền lẻ loi vào độ giữa đông lạnh giá, sắc trời u ám. Cho nên làng cũ hiện ra trước mắt “tiêu điều, hoang vắng, nằm im lìm dưới vòm trời màu vàng úa khác hẳn với làng cũ đẹp hơn kia” hằng được “ghi lại trong ký ức”. Ở đây có phải là do “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nên nhìn cố hương thành ra thế hay không ? Tác giả đã cố chiến thắng mình để nhìn làng cũ thật hơn, đúng hơn, không bị ám ảnh bởi tâm tính chủ quan. “Chẳng qua là tâm tính mình đã đổi khác”, nên mới nhìn ra thế. Nó “vị tất đến nỗi thê lương như mình tưởng”.

Sau khi đã “khách quan hoá” như thế, hiện thực vẫn hiện ra như nó vốn có. Không phải chỉ là ở cảnh tượng mà ở câu chuyện một con người - Nhuận Thổ. Có hai hình ảnh Nhuận Thổ đối lập nhau. Một Nhuân Thổ trẻ thơ của ba mươi năm trước và một Nhuận Thổ hôm nay.

Nhuận Thổ ngày xưa : “Một vầng trăng tròn vàng thẳm treo lơ lửng trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn. Giữa ruộng dưa, một đứa bé trạc mười một, mười ba tuối, cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm chiếc đinh ba, đang cố hết sức đâm theo một con tra. Con vật bỗng quay lại, luồn qua háng đứa bé, chạy mất”. Nhuận Thổ ngày xưa : “khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bé tí tẹo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng”. Nhuận Thổ ấy thông minh, nhanh nhẹn, biết nhiều so với cậu bé Tấn và đám trẻ con nhà giàu sang, quyền quí “Chỉ nhìn thấy một mảnh trời vuông trên bốn bức tường cao bao bọc lấy cái sân mà thôi !”. Cậu bé hiếu động, tâm hồn trong sáng, quen sống giữa thiên nhiên bao la sống động, được rèn luyện bởi lao động, vui chơi hứng thú nên chinh phục được những cậu bé nhà giàu. Sống không phân biệt đẳng cấp, Tấn và Nhuận Thổ trở nên thân thiết, có tình nghĩa - mối tình đẹp đẽ, trong sáng, bình đẳng của tuổi thơ. Hai đứa trẻ lúc chia tay nhau đều khóc, gửi quà kỉ niệm cho nhau lúc ở xa. Và cậu bé Tấn ba mươi năm sau nghĩ đến con người ấy, tình bạn ấy vẫn thấy bừng sáng lên dẫu lòng đang se lại nỗi buồn gia đình, quê hương hiện tại. Đấy là nét đẹp của quê hương sống âm thầm, dai dẳng trong suốt mấy mươi năm xa quê, “vất vả, chạy vạy” để kiếm sống của tác giả. Khiến cho quê hương, cái làng quê tiêu điều, hiu quạnh kia óng ánh sắc màu, ngọt ngào hương vị trong lòng con người.

Nhưng cái chút óng ánh, ngọt ngào, cái “tựa hồ” làm cho tác giả “tìm ra được quê hương đẹp ở chỗ nào đó” đã bị tắt ngấm khi một Nhuận Thổ của hiện tại hiện ra. Con người khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật trước kia nay đổi thành “vàng xạm, lại có những vết nhăn sâu hóm... mi mắt viền đỏ húp mọng lên... đội một cái mũ lông chiên rách tươm, mặc một chiếc áo bông mỏng dính, người co ro cúm rúm”... Bàn tay cũng không phải là bàn tay ngày trước “hồng hào, nhanh nhẹn, mập mạp, cứng rắn” “vừa thô kệch vừa nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông”.

Như vậy là với thời gian, quê hương không phải chỉ tàn tạ về cảnh sắc. Ngay cái phần “hồn” của nó - Con người - cũng tàn tạ phôi pha. Mà sức tàn tạ của phần này còn lớn hơn ! Thằng bé Nhuận Thổ đẹp đẽ kia sau khoảng ba mươi năm đã trở thành con người như thế. Rõ ràng cả ba mươi năm khốn khó, nghèo khổ hay nói như bà mẹ “tình cảnh chẳng ra gì” đã bào mòn anh ta, bào mòn con người. Bào phần xác, làm thay đổi phần xác và phần hồn. Gặp lại bạn cũ từng chơi bời thân thích, Nhuận Thổ không phải không mừng, nét mặt thoáng hớn hở. Tác giả cũng vậy. Thế nhưng khi gặp lại thì như đã có bức tường rào ngăn cách. Trước hết là bởi Nhuận Thổ. Anh ta “đứng dừng lại, nét mặt vừa hớn hở vừa thê lương, môi mấp máy nhưng cũng không nói ra tiếng. Rồi bỗng anh ta lấy một dáng điệu cung kính, chào rất rành mạch :

- Bẩm ông !”

Tác giả đã theo dõi thấy được nét ngỡ ngàng “lưỡng lự”, phân vân ở người bạn cũ. Phân vân, lưỡng lự vì mối giây thân thiết không ngăn cách ngày xưa vẫn còn lại chút gì đó ở trong anh. Tác giả cũng thấy cái “dứt khoát” ở trong anh. Cái tình và cung cách xưa đã bị con người này gạt đi, thay vào đó là nếp sống và cung cách đã hằn nếp của cuộc sống trưởng thành trong lam lũ, quen lối ứng xử của kẻ nghèo hèn đối với tầng lớp trên. Với anh, Tấn không phải là bạn cũ từng chơi mà là người ở tầng lớp khác, cao sang khiến anh phải cung kính. Ấy chính là lối sống mà xã hội, cuộc đời đã nhào nặn dạy dỗ anh từ khi anh thoát tuổi ấu thơ. Anh đã dứt khoát để theo đúng lối sống yên phận thấp hèn đó. Anh ý thức được điều này, theo nó một cách tự nhiên, cam phận tự nhiên. Anh gọi con, bảo con chào bạn : “Thuỷ Sinh. Con không lạy ông đi kìa !”... “Lạy cụ ạ !...” ... “Bẩm, vất vả lắm !..” Nhuận Thổ nói thẳng cung cách ấy của mình là để “giữ thể thống”, còn cái ngày xưa đối với nhau thân mật, vẫn gọi nhau là anh em được lí giải “Hồi đó còn nhỏ dại, chưa hiểu”. Xã hội, cuộc đời đã dạy anh “hiểu” là phải giữ đúng phận của kẻ nghèo hèn.

Thực ra không phải anh không biết cái xã hội, cuộc sống kia đã đày đoạ mình. Trò chuyện với tác giả, anh nói điều đó “... lại có được sống yên ổn đâu ! ... Chỗ nào cũng hỏi tiền, chẳng có luật lệ gì cả. Mùa lại mất. Trồng dược gì là gánh đi bán tất. Chỉ đóng góp vài lần là cụt vốn rồi”. Nhưng con người này chỉ biết “lắc đầu” chịu đựng. Anh đã biến thành “pho tượng đá”, cảm thấy nhưng không dám nói ra, và nhất là không còn cách thoát được; chỉ còn ngồi “trầm ngâm, cầm lấy dọc tẩu, lặng lẽ hút thuốc”. Nhuận Thổ của hiện tại, của ngày hôm nay đã bị hoàn cảnh gia đình, cuộc đời - xã hội : Con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào, đầy đoạ thân xác khiến anh trở thành đần độn, mụ mẫm đi. Anh đã quen thói lễ lạt biếu xén nhà giàu, nhẫn nhục xuống bếp rang lấy cơm mà ăn và biết giấu trộm mấy cái bát vùi trong đống tro... Tác giả - nhân vật tôi muốn xoá đi cái ranh giới xa cách do trật tự đẳng cấp tạo nên song bất lực. Ý muốn bình đẳng, thân mật tốt đẹp giữa con người và con người không thể thành hiện thực được. Cố xích lại, nhưng càng cố càng thấy không xong để rồi cũng chán ngán, cam chịu “Giữa chúng tôi đã có một bức tường khá dày ngăn cách. Thật là bi đát. Tôi cũng nói không nên lời“.

Nỗi đau của con người là ở chỗ ấy. Cả cái quá khứ trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng, thân thiết cũng bị phá vỡ bởi thực tế không cưỡng lại được. Hình ảnh Nhuận Thổ là một nỗi đau và tấm lòng của tác giả là tiếng thở dài bất lực.

Trong truyện còn gài vào hình ảnh hai đứa bé. Thuỷ Sinh, con của Nhuận Thổ ; Hoằng, cháu tác giả, Thuỷ Sinh chính là Nhuận Thổ xưa của ngày hôm qua, là lớp tuổi thơ hai mươi năm sau. Trong sự biến đổi tang thương của cuộc sống, lớp tuổi ấy hôm nay cũng tàn tạ hơn hôm qua. Thuỷ Sinh giống hệt Nhuận Thổ hai mươi năm về trước nhưng “vàng vọi, gầy còm” hơn, cổ không đeo vòng bạc nữa. Hoằng và Thuỷ Sinh cũng đã kết thân với nhau, hẹn hò nhau để khi xa nhau thì nhớ nhau, nhớ về quê hương. Cặp trẻ thơ thứ hai - trẻ thơ của thực tại hôm nay tạo một liên tưởng về một tương lai tốt đẹp hơn. Đó cũng là mong muốn tràn đầy tinh thần dân chủ - nhân dạo của tác giả. Từ cái hiện thực Tấn - Nhuận Thổ hôm nay, đau đớn, tác giả mong Hoằng - Thuỷ Sinh sẽ khác trong tương lai, “không bao giờ phải cách bức cả”. “Chúng nó cần phải sống một cuộc đời mới, một cuộc đời mà chúng tôi chưa từng được sống”. Nhưng tiếng nói từ hình ảnh Hoằng - Thuỷ Sinh là tiếng nói về tương lai không đảm bảo điều tốt đẹp sẽ thành hiện thực như mong muốn thấm tình người của tác giả. Thuỷ Sinh và Hoằng đều “tàn tạ” hơn Nhuận Thổ với Tấn ngày xưa. Như chính tác giả suy ngẫm, đó chỉ là những điều mong ước xa vời.

Cố hương, câu chuyện trở về làng cũ của một người con đi xa đã hai mươi năm là như vậy. Quê hương tiêu điều, quạnh hiu hơn. Người bạn thân thiết thuở thiếu thời qua biến đổi cuộc đời đã trở nên xa cách không cưỡng được. Tình cảm nhiệt thành, trong sáng xưa kia đã bâng quơ, lạnh lẽo. Một chút ánh sáng đẹp đẽ về quê hương theo con người trong mấy chục năm xa, trở về bị dội tắt. Dội tắt ngay trên mảnh đất quê hương. Từ biệt cố hương không còn gì lưu luyến nữa rồi, chỉ cảm thấy “vô cùng lẻ loi, ngột ngạt”. Lòng ảo não, chán ngán.

Rốt cục lại, cố hương - nơi luôn luôn ôm ấp, khơi gợi tình quê hương một thứ tình con người sâu lắng da diết, tất cả là một nỗi buồn, xót xa. Song chính từ gam giọng này của tác phẩm, của tấm lòng tình cảm tác giả đã khiến cho người đọc nghĩ đến quê hương mình nồng đượm hơn, có trách nhiệm hơn. Và trong họ còn có thể ngẫm nghĩ, phê phán, lên án một xã hội với đấu vết tội ác này - làm cho con người, quê hương thành phôi pha.
Ấy chính là chỗ sâu thẳm lung linh của truyện ngắn Cố hương mà ta trông thấy rõ nhưng khó nắm bắt bằng diễn đạt.

Sưu tầm
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top