Cảm nhận của anh (chị) về các nhân vật cụ Mết, Dít và bé Heng trong truyện ngắn Rừng xà nu.
DÀN BÀI (Gợi ý)
Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và các nhân vật cụ Mết, Dít và bé Heng.
Thân bài:
- Ý 1: Nhân vật cụ Mết:
a) Cụ Mết tiêu biểu cho truyền thống của làng Xô Man. Lịch sử chiến đấu của làng, qua lời kể của cụ Mết, thấm sâu vào tim óc các thế hệ. Cụ là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là pho sử sống của làng.
b) Tấm lòng của cụ Mết với cách mạng trước sau như một. Cụ đã từng nói: “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn”. Trong những năm đen tối, cụ cùng dân làng Xô Man, từ thanh niên, ông già bà già đến lũ trẻ đi nuôi và gác cho cán bộ: năm năm chưa hề có một cán bộ bị giặc bắt hay giết trong rừng làng này.
c) Cụ Mết là linh hồn của làng Xô Man. Chính cụ đã lãnh đạo dân làng đồng khởi. Hình ảnh ông cụ mắt sáng và xếch ngược, ngực căng như một cây xà nu lớn, cất tiếng nói vang vang như một lệnh thôi thúc họ vùng lên tiêu diệt kẻ thù…thật rực rỡ như một trang sử thi anh hùng: “Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên!...”.
Từ ngày ấy làng Xô Man trở thành làng chiến đấu. Đó là phần đóng góp không nhỏ của cụ Mết vào công cuộc giải phóng quê hương bản làng.
- Ý 2: Nhân vật Dít:
a) Dít là nhân vật tiêu biểu cho những cô gái Tây Nguyên thời chống Mĩ, trưởng thành từ những đau thương và quật khởi của dân làng.
Trong thời gian dân làng Xô Man chuẩn bị chiến đấu, rồi bị địch bao vây, cụ Mết và Tnú dẫn đám thanh niên vào trong rừng. Chỉ có con Dít nhỏ, nhanh lẹ cứ sẩm tối lại bò theo máng nước đem gạo ra rừng cho cụ Mết, Tnú và thanh niên. Khi bị giặc bắt, Dít bị chúng bắn doạ, đạn chỉ sượt qua tai, sém tóc, cày đất xung quanh hai chân nhỏ…đôi mắt nó thì vẫn bình thản…
Ngày Mai bị giặc đánh chết và Tnú ra đi, trong khi mọi người, cả cụ già, đều khóc vì cái chết của Mai thì Dít vẫn lầm lì, không nói gì cả, mắt ráo hoảnh. Tất cả chi tiết trên thể hiện tính cách kiên cường, sức chịu đựng phi thường của Dít, biết dồn nén đau thương để nung nấu lòng căm thù. Như những người con bất khuất của làng Xô Man, Dít căm thù trên cơ sở nhận thức rõ bản chất của kẻ thù, để quyết tâm chiến đấu tiêu diệt chúng.
b) Dít rất giàu tình cảm thương yêu.
Khi Tnú về thăm làng, Dít đã là bí thư chi bộ vừa là chính trị viên xã hội. Như ngày nào, đôi mắt Dít vẫn mở to, bình thản, trong suốt khi gặp lại Tnú. Dù trong lòng rất vui mừng, Dít vẫn thực hiện trách nhiệm kiểm tra giấy phép của anh. Rồi từ chỗ gọi Tnú là đồng chí, Dít chuyển sang gọi là anh, xưng em tự nhiên, như người em gái nhỏ của Mai và Tnú ngày xưa
và bày tỏ tình thân thiết: “Sao anh về có một đêm thôi?…Bọn em đứa nào cũng nhắc anh mãi”.
- Ý 3: Nhân vật bé Heng.
a) Ngày Tnú ra đi lực lượng, bé Heng mới đứng ngang bụng anh, chưa biết mang củi, chỉ mới đeo cái xà-lét nhỏ xíu theo người lớn ra rẫy. Ngày Tnú về phép, bé Heng trưởng thành, với cách ăn mặc và trang bị ra vẻ người lính, một chiến sĩ du kích của bản làng. Làng Xô Man giờ đây thành làng chiến đấu, và con đường vào làng phải qua hai cái dốc chằng chịt hầm chông, hố chông ngăn chặn địch. Bé Heng đã góp phần không nhỏ vào việc thiết lập những công sự này, nên tỏ ra rất hãnh diện.
b) Nếu cụ Mết xứng đáng với hình ảnh cây xà nu đại thụ giữa rừng xà nu bạt ngàn xanh thẳm, thì bé Heng tượng trưng cho cây xà nu mới lớn ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời, sẽ phát triển đến đâu chưa ai lường được…
- Ý 4: Khái quát về các nhân vật: đại diện cho các thế hệ của các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc chiến đấu chống Mĩ.
Kết bài: Khái quát về tác phẩm Rừng xà nu.
Sưu tầm