• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Cảm nhận bài thơ "Tiếng gà trưa" của Xuân Quỳnh hay nhất

Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ xuất sắc trong nên thơ hiện đại của nước ta. Những áng thơ của Xuân Quỳnh luôn gần gũi, bình dị với đời sống thường ngày và biểu hiện khát vọng có cuộc sống tươi đẹp của người phụ nữ xinh đẹp. Một trong những tác phẩm đặc sắc của bà về tình cảm gia đình, sự giản dị của tình yêu thương gia đình là bài thơ “Tiếng gà trưa”. Bài thơ nói lên kỉ niệm đẹp đẽ của tác giả về tuổi thơ và về tình bà cháu, và bởi tình yêu đó đã khắc họa nên tình yêu quê hương đất nước.

Cảm nhận bài thơ tiếng gà trưa.png



Cảm nhận bài thơ "Tiếng gà trưa" của Xuân Quỳnh

Bài thơ "Tiếng gà trưa" của Xuân Quỳnh được viết vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tiếng gà trưa là âm thanh, tiếng gọi của quê hương, gia đình, xóm làng còn in đậm trong lòng người lính ra trận, trở thành hành trang của người lính trẻ. Bài thơ thể hiện một quan niệm nghệ thuật và cái nhìn nghệ thuật mới mẻ và thi vị, đem lại cho bài thơ những hàm lượng ý nghĩa độc đáo và đẹp đẽ về hạnh phúc, về tình yêu cuộc sống thiết tha của con người Việt Nam.

Trong văn chương, tiếng gà là một tín hiệu nghệ thuật xuất hiện khá nhiều và khá phong phú về ý nghĩa cũng như về sắc thái thẩm mỹ. Tùy theo hoàn cảnh sáng tác cũng như tâm trạng của nhân vật trữ tình, tiếng gà xuất hiện để biểu hiện, bày tỏ những dụng ý nghệ thuật của tác giả. Chẳng hạn, trong Bài ca chúc tết thanh niên, Phan Bội Châu dùng tiếng gà như một âm vang báo hiệu ngày mới, vận hội mới:

"Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy,
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng…"


Trong hình tượng thơ, tiếng gà vừa gáy có sự liên kết với tiếng chim liền ngỏ ý chào mừng, tạo nên một cặp của tiếng hô và tiếng ứng liền mạch và đồng điệu, ngầm ẩn lời kêu gọi mà tác giả bài thơ thể hiện sẽ được các cô, các cậu, các anh thanh niên đáp từ, hưởng ứng mà ghé vai vào xốc vác cựu giang san trong khát vọng mãnh liệt và bền bỉ của chí sỹ cách mạng Phan Bội Châu.

Với Tố Hữu, Tiếng gà gáy trưa trong bài thơ Bà má Hậu Giang là một biểu hiện của sự sống, nên khi không còn nó nữa thì nghĩa là sự sống đã bị kẻ thù xâm lược tận diệt:

"Một vùng trắng bãi tha ma,
Lặng im không một tiếng gà gáy trưa."


Với Trần Đăng Khoa, trong bài thơ Ò…Ó…O, tiếng gà là âm vang làm bừng lên mọi sự nảy nở, sinh sôi của cuộc sống mến thương:

"Tiếng gà
Tiếng gà
Giục quả na
Mở mắt tròn xoe
Giục hàng tre
Đâm măng
Nhọn hoắt
Giục hàng chuối
Thơm lừng
Trứng cuốc…"


Với Xuân Quỳnh, Tiếng gà trưa hàm chứa một quan niệm nghệ thuật mới mẻ, giàu tính nhân văn, thể hiện trong cái nhìn sáng tạo từ một âm vang bình dị, gần gũi, chân thực và quá đỗi quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam trong cuộc sống thường nhật, đến một giá trị tư tưởng sâu sắc và lớn lao về lẽ sống và lý tưởng chiến đấu. Quan niệm và cái nhìn đó đã lạ hóa tiếng gà trưa, mang đến cho âm thanh đó những sắc màu mới, và đặc biệt là những giá trị tiềm ẩn trong đó. Từ đó, khơi gợi và mở rộng năng giới thẩm mỹ cho người đọc trong cảm quan hiện thực cuộc sống đối với bất cứ hiện tượng sự vật nào gắn liền với cuộc sống sinh hoạt thường nhật của con người.

Tựa đề bài thơ là "Tiếng gà trưa", bắt đầu với âm thanh đó, để gọi về, mở ra một chân trời ký ức tuổi thơ của nhân vật cháu với nhân vật bà gắn liền với tiếng gà trưa. Bằng biện pháp sử dụng không gian đồng hiện, những hình ảnh gần gũi, bình dị, mộc mạc và thân thương ngày xưa trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật và tuổi thơ đầy ắp những tình cảm thân thương với người bà của nhân vật trữ tình, nay hiển hiện sinh động ở một không gian địa lý khác trên đường người cháu hành quân xa. Tiếng gà trưa gọi về những hình ảnh khác nhau nhưng cùng chung tín hiệu thẩm mỹ của bình yên, sum vầy, an lành, hạnh phúc: Tiếng gà nhảy ổ, ổ rơm hồng những trứng, con gà mái mơ, con gà mái vàng, tiếng bà vẫn mắng, cháu soi gương… Cái nhìn dõi về ngày xưa tập trung ở hai điểm nhìn là hình ảnh người bà và người cháu, mà sợi dây nối kết giữa hai điểm nhìn ấy chính là tiếng gà trưa.

Về điểm nhìn nhân vật người bà, tác giả chú ý thể hiện những chi tiết làm bật nổi tinh thần lao động cần cù, chăm chút đàn gà: Tay bà khum soi trứng,/ Dành từng quả chắt chiu/ Cho con gà mái ấp; nỗi lo lắng sự trái gió trở trời làm hại đàn gà: Cứ hàng năm hàng năm/ Khi gió mùa đông tới/ Bà lo đàn gà toi/ Mong trời đừng sương muối. Và tất cả, để dồn về cho tình thương đối với ngưởi cháu thân yêu: Để cuối năm bán gà/ Cháu được quần áo mới.

Đối với nhân vật người cháu, điểm nhìn tập trung ở các tình tiết thể hiện tình cảm mến thương đối với ổ trứng hồng, đàn gà sinh động; sự ứng xử thơ ngộ, đáng yêu: Cháu về lấy gương soi/ Lòng dại thơ lo lắng; niềm vui tuổi thơ có được quần áo mới với cái quần chéo go, cái áo trúc bâu…, khi cuối năm bà bán được đàn gà mua cho. Và đặc biệt, tiếng gà trưa ấy là niềm vui đi vào giấc mơ hạnh phúc làm thắm hồng giấc ngủ: Đêm cháu về nằm/ Giấc ngủ hồng sắc trứng.

Âm vang tiếng gà trưa nối đôi dòng xưa với nay trong một mạch xúc cảm chân thành và đẹp đẽ. Tiếng gà trưa hôm nay trên đường hành quân xa mà người lính nghe được khi dừng chân bên xóm nhỏ không chỉ đã gọi về cả chân trời tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm thân thương, mà còn nâng giá trị và ý nghĩa của tiếng gà trưa từ bình dị lên chiều kích cao cả của lý tưởng chiến đấu:

Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.

Với tuổi thơ thì tiếng gà trưa là sự tò mò, theo dõi, hồi hộp, mong chờ, hạnh phúc trong tấm áo manh quần…; với tuổi trưởng thành thì âm vang đó là động lực chiến đấu, lý tưởng chiến đấu để giữ lại tiếng gà trưa như một kênh dẫn vào những giá trị văn hóa đẹp đẽ trong tâm hồn người Việt. Nghĩa là, giá trị và ý nghĩa tiếng gà trưa không chỉ mang lại niều vui đời thường với những quần áo mới, giấc mơ xinh mà mang đến những nhận thức mới mẻ thêm về lòng yêu Tổ quốc, về lý tưởng chiến đấu. Tính triết luận không được viết ra thành lời trang trọng mà bằng cách nói chân thực với ngôn từ giản dị, mộc mạc. Do vậy, hình tượng thơ có vẻ đẹp và sức hấp dẫn độc giả một cách tự nhiên, thuyết phục.

Về thi pháp thể thơ và cấu trúc thẩm mỹ, bài thơ "Tiếng gà trưa" sử dụng thể thơ tự do, 5 chữ, hữu dụng cho việc diễn tả xúc cảm tự nhiên, chân tình, thắm thiết ân nghĩa. Các khổ thơ có số dòng thơ không đều nhau, được xây dựng từ ý thơ. Đặc biệt, ngoài tựa đề là Tiếng gà trưa, bài thơ còn điệp lại 4 lần cụm từ tiếng gà trưa ở đầu các khổ thơ. Phép điệp như vậy đã đã làm tăng dung lượng âm vang tiếng gà trưa cho cả bài thơ, tạo nên nhịp điệu của bài thơ tràn ngập hơi thở sự sống trong sự ấm áp của tiếng gà trưa, đồng thời cũng góp phần diễn tả xúc cảm sâu đậm, thiết tha của nhân vật trữ tình khi âm vang tiếng gà trưa luôn tràn ngập trong tâm hồn.

Tương thích với thi pháp thể loại, ngôn từ thơ cũng giản dị, tự nhiên, mộc mạc, chân thành. Hầu hết cuối các dòng thơ không sử dụng dấu câu. Như vậy lời kể, lời tả liền mạch với nhau. Bức tranh hồi tưởng về tuổi thơ có vẻ đẹp chân chất và hồn nhiên nhưng cũng rất sâu sắc, ý vị nhờ trường ngôn từ nghệ thuật giàu sắc thái biểu cảm (xao động nắng trưa, gọi về tuổi thơ, óng vàng màu nắng, giấc ngủ hồng sắc trứng…) phối kết hợp lý với nhiều yếu tố ngôn từ mang tính khẩu ngữ tự nhiên (bàn chân đỡ mỏi, tiếng bà vẫn mắng, gà đẻ mà mày nhìn, rồi sau này lang mặt, bà lo đàn gà toi, bà ơi…).

Cái nhìn và quan niệm nghệ thuật mới mẻ, thi pháp thể thơ, ngôn từ thơ cùng xúc cảm của nhân vật trữ tình góp phần làm nên giọng điệu thân thương, chân tình và thiết tha. Do vậy hình tượng thơ, tư tưởng và xúc cảm trong bài thơ đi thẳng vào tầm tiếp nhận của độc giả, và đọng lại, đằm sâu trong trái tim mỗi người, làm bừng sáng và nồng đượm thêm tình yêu thương đối với những người thân yêu, quê hương và Tổ quốc Việt Nam.

Tổng kết: Qua bài thơ "Tiếng gà trưa" của Xuân Quỳnh ta thấy được tiếng gà cũng là tiếng gọi thân yêu của bà, của mẹ, của quê hương. Tiếng gọi thân yêu ấy như là niềm tin cho người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương yêu dấu.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top