Cái gọi là “tấm biển chỉ đường của trí tuệ” đi ngược với tư duy biện chứng của lý trí

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Cái gọi là “tấm biển chỉ đường của trí tuệ”
đi ngược với tư duy biện chứng của lý trí

Trần Đức Thảo



Gần đây có một tài liệu nhan đề "Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ", trong ấy tác giả chủ trương "giải bài toán lôgích xã hội" của ta hiện nay.

Nói "toán lôgích" thì có nghĩa rằng tác giả coi vấn đề xã hội như thuộc lĩnh vực của lôgích toán pháp, là hình thái phát triển của lôgích siêu hình máy móc. Nói một cách khác, ngay trên nhan đề đi vào vấn đề xã hội, tác giả bài "Dắt tay nhau" đã không kể gì đến lôgích biện chứng lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Nội dung vấn đề xã hội là sự vận động lịch sử của xã hội, một vận động cực kỳ phức tạp xuất phát từ sự liên hệ toàn diện của lịch sử ấy ngày càng chặt chẽ. Dĩ nhiên ở đây phương pháp siêu hình, phân tích cục bộ, vẫn là điểm xuất phát cần thiết để phân định từng đoạn. Nhưng ngay sau đấy, phải vận dụng phép biện chứng duy vật, để đặt vấn đề trong sự liên hệ toàn diện, thì mới hiểu được cái định hướng của mỗi giai đoạn lịch sử trong toàn bộ lịch sử giống người.

Thiên nhiên cũng có lịch sử của nó, đưa tới lịch sử xã hội và con người trong hệ thống lịch sử thế giới, là vật chất vô hạn đương vận động. Nhưng trong vũ trụ vô tận, kể cả trái đất, nhịp độ tiến hoá của những thiên thể và sinh vật là chậm hơn nhiều, so với cái mật độ chuyển biến luôn luôn liên tục và gián đoạn của xã hội và con người.

Lịch sử xã hội và con người mới có 3 triệu năm trên hành tinh chúng ta, mà càng ngày càng đầy những sự kiện phức tạp, liên hệ thành hệ thống và phân hệ tế nhị và đi sâu. Mỗi xã hội, mỗi tập đoàn, mỗi con người cá nhân là một hệ thống trong bản thân nó, đồng thời là một phân hệ trong lịch sử giống người. Mỗi hệ thống hay phân hệ thì từng lát thời gian là liên hệ toàn diện và luôn luôn tự tái tạo trong bản thân mình. Theo như thế thì rõ ràng mỗi hệ thống hay phân hệ lịch sử tự biểu hiện trong bản thân nó: nó tồn tại và đồng thời không tồn tại; nó là bản thân nó và đồng thời là cái khác. [1]

Như thế là ngay trong mỗi lát hiện tại của nó, do nó liên hệ toàn diện trong bản thân nó và với những cái khác, nên tự nó vận động. Tức là một mặt thì nó biến mất về phía dĩ vãng: nó tồn tại và đồng thời không tồn tại; và cũng do đấy, thì, trong cùng cái lát hiện tại ấy, nó chuyển về phía tương lai: nó là bản thân nó và đồng thời là cái khác. Cả ba mặt của sự vận động trong mỗi chốc lát, là biểu hiện hai mặt mâu thuẫn giữa cái hiện thời với cái quá thời đi cùng với nhau, và đồng thời giữa cái tiến tới với cái hiện thời đi đôi với nhau, tạo nên sự thống nhất và đấu tranh giữa hai mặt mâu thuẫn của mỗi lát hiện tại.

Đấy là nguyên lý biện chứng phổ cập của sự liên hệ hỗ tác, mâu thuẫn và vận động toàn diện của hệ thống thế giới, là vật chất vô hạn đương vận động, và của mỗi phân hệ hay hệ thống cục bộ trong ấy, tức là mỗi sự vật. Nguyên lý như thế dĩ nhiên biểu hiện rõ ràng nhất trong lịch sử xã hội và con người.

Đồng thời nó cũng biểu hiện, dù ít rõ hơn, trong lịch sử thiên nhiên, vì quá trình tiến hoá của những khối lý hoá sinh vẫn là liên hệ toàn diện, dù chậm hơn và thưa hơn.

Tức là tính chất biện chứng của những quá trình thiên nhiên là có thật, nhưng không được rõ ràng trước mắt – như ngày xưa người ta tưởng rằng những thiên thể và đường đi của chúng trên trời là vĩnh cửu. Nói một cách khác: những khối vật chất lý hoá sinh trong điều kiện quan sát bình thường của chúng ta, có thể được quan niệm gần đúng như tách rời nhau và đặt ra khỏi sự liên hệ hỗ tác toàn diện, coi như đứng ngoài sự mâu thuẫn vận động phổ cập. Đấy là quan điểm siêu hình máy móc được vận dụng bình thường trong khoa học tự nhiên. Phép siêu hình máy móc đạt trình độ cao nhất của nó, khi giải những "bài toán lôgích" theo lôgích toán pháp.

Dĩ nhiên, làm như thế trong các khoa học tự nhiên là đúng, nhưng cũng chỉ có kết quả cục bộ. Những kết quả cục bộ ấy đã mang lại uy tín to lớn cho lôgích toán pháp. Nhưng khi tình hình nghiên cứu buộc phải đi sâu vào những quan hệ phức tạp, nan giải giữa các lĩnh vực chuyên môn, khi có nhu cầu tổng kết kinh nghiệm về thế giới vật chất, thì chính lô gích toán pháp đưa đến bế tắc, vì nó chỉ thấy những ngọn cây trước mắt, nó không thấy cái rừng đằng sau [2] . Ở đây, phép biện chứng duy vật là cần thiết, để liên hệ hợp lý những lĩnh vực căn bản khác nhau của vật chất, thống nhất quan điểm phương pháp luận, xây dựng thế giới quan khoa học bao hàm sự tiến hoá chung của vật chất vô hạn trong toàn diện lịch sử vũ trụ.

Tuy nhiên trong khoa học tự nhiên, với những điều kiện nghiên cứu bình thường, thì phép siêu hình, lôgích toán pháp vẫn là đủ để thực hiện mục đích nhận thức trước mắt. Không cần thiết mỗi lúc phải đi xa hơn. Vì cái nhịp độ tiến hoá của những khối vật chất trong thiên nhiên là chậm hơn nhiều so với xã hội và con người. Tức là có thể tạm thời coi những khối lý hoá sinh như những sự vật ở trạng thái tĩnh, những hệ thống bất biến về chất lượng.

Nhưng khi chuyển vấn đề xã hội và con người, thì thấy tốc độ tiến hoá tăng vọt, do vai trò ngày càng phát triển của lao động sản xuất, liên hệ xã hội hình thành trong sự sản xuất, tiếng nói của đời sống thực tế và tiếng nói bên trong, hoạt động tâm thần nhân cách và quan hệ xã hội hình thành. Sự vận động lịch sử xã hội và con người biểu lộ trước mắt cái bản chất biện chứng của nó. Do đấy mà mỗi lát thời gian thể hiện rõ ràng là tồn tại và đồng thời không tồn tại, nó là bản thân nó và đồng thời là cái khác.

Dĩ nhiên ở đây, phép siêu hình, tức là lôgích hình thức, vẫn là cần thiết bước đầu, để ghi chép những hiện tượng đơn giản như dân số, năng suất, hàng hoá, v.v., xác lập thống kê, xây dựng những mô hình trừu tượng. Nhưng muốn nắm được sự vận động thực sự của xã hội và con người, thì phải tiến lên lôgích biện chứng duy vật, tức là phân tích sự liên hệ mâu thuẫn hướng tới toàn diện, nó là động cơ quyết định sự chuyển biến lịch sử. Tức là phép siêu hình chỉ là bước đầu, có tính chất dự bị. Muốn nhận định hiện thực xã hội và con người có thật, thì phải đi xa hơn những hiện tượng cục bộ, đi sâu vào cả cái hệ thống mâu thuẫn lịch sử quyết định sự vận động thực sự của đời sống xã hội và con người.

Tức là ở đây, chính sự mâu thuẫn biểu hiện rõ ràng là bản chất và động cơ của sự chuyển biến của cả hệ thống và của mỗi phân hệ, luôn luôn là tồn tại đồng thời không tồn tại, là bản thân nó và đồng thời là cái khác.

Nhưng tác giả bài "Dắt tay nhau" say sưa với phép siêu hình máy móc quen thuộc trong khoa học tự nhiên, lại cho rằng cả trong vấn đề xã hội thì cũng cứ phải loại trừ mâu thuẫn, coi mâu thuẫn theo quan điểm siêu hình, lôgích hình thức, như cái gì là "nghịch lý", không thể nào dung túng được.

Như thế là tác giả bài "Dắt tay nhau" ra sức nêu lên cả một loạt gọi là "nghịch lý". Ông nói: "Hệ thống này chứa đựng quá nhiều 'nghịch lý’, nếu chưa muốn nói là cấu thành bởi toàn những 'nghịch lý’. Ví dụ như nói là 'dân chủ’ mà lại thiếu 'dân chủ’; nói là duy vật mà lại duy ý chí; đề cao những giá trị tinh thần, mà lại xuống cấp đạo đức; lấy năng suất lao động làm nhân tố quyết định, mà lại thua năng suất của xã hội tư sản; v.v."

Dĩ nhiên những mâu thuẫn như thế là có trong xã hội xã hội chủ nghĩa của ta, và còn có nhiều hơn nữa. Nhưng chính đấy là động cơ của đường lối đổi mới của Đảng và nhân dân.

Tình hình mâu thuẫn sinh ra những đòi hỏi và thế lực đổi mới. Đấy là sự vận động biện chứng của bản thân hệ thống và phân hệ, cái lý tính biện chứng của sự mâu thuẫn.

Sai lầm cơ bản của bài "Dắt tay nhau" là chỉ nhìn thấy các mâu thuẫn của xã hội ta ở trạng thái tĩnh, không trông thấy hoạt động giải quyết mâu thuẫn của Đảng và nhân dân, kiên quyết thực hiện đổi mới trong điều kiện ổn định chính trị. Do đấy mà tác giả chỉ hình dung toàn những sự đối lập xoay tròn, biến thành những "nghịch lý" theo lối siêu hình mày móc, tức là cứ diễn cái mặt tiêu cực của chúng, mà coi như không có lối thoát trong chủ nghĩa xã hội.

Nói "quá nhiều nghịch lý", thậm chí là "toàn những nghịch lý", thì theo quan điểm của tác giả chỉ còn một cách là xoá bỏ tất cả. Thế là ông đòi "xem lại một số luận điểm cơ bản". Bài "Dắt tay nhau" nói: “Chủ nghĩa đế quốc có thật là 'giai đoạn tột cùng’ hay chỉ là 'một trong những bước đầu của chủ nghĩa tư bản. Và khi chủ nghĩa tư bản chưa ở giai đoạn tất yếu phải cáo chung thì cũng có nghĩa là lịch sử chưa đòi hỏi và chưa tạo tiền đề cho một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đích thực".

Đặt vấn đề như thế thì tự nhiên gợi ý rằng cách mạng ta là đi quá sớm cả một giai đoạn, thậm chí cả một thời đại lịch sử, không có tiền đề để thành công. Ở đây, cần phải quan niệm và giải quyết vấn đề trên cơ sở hoàn toàn khoa học. Không bắt ép, nhưng cũng không hời hợt. Không phải từ những khó khăn trước mắt, mà đã có đủ lý do, để đảo lộn cả quan điểm lịch sử, đưa đến những luận quả giả tạo không thể lường được.

Trước hết cần phải xác định thế nào là giai đoạn tột cùng và thế nào là một trong những bước đầu của một hình thể kinh tế xã hội, tức là của một thời đại của lịch sử giống người.

Trong bài "Một số vần đề cần phát triển trong triết học Mác-Lê-nin" (Tạp chí Cộng sản số 11 và 12- 1989), tôi đã giới thiệu quy luật tiến hoá của một hệ thống lịch sử theo các nhà kinh điển, đặc biệt Lê-nin trong Bút ký triết học. Những quan điểm của Mác, Ăng-ghen và Lê-nin được kiểm nghiệm trong tất cả lịch sử giống người.

* Lao động sản xuất ở thời Người khéo (Homo habilis) là cái trung giới tiến nhảy vọt từ cái tập đoàn kế thừa của Khỉ Nam Phi lên hình thái đầu tiên của xã hội cộng sản nguyên thuỷ, tức là cái cộng đồng địa phương riêng lẻ, gồm vài chục Người khéo cùng làm, cùng ăn, chia đều, bình quân. Đấy là cái xã hội cộng sản nguyên thuỷ thực tại, trong ấy mâu thuẫn cơ bản giữa một bên là sự sản xuất tập thể nhỏ đi cùng với sự phân phối bình quân và một bên là con người cá nhân với cái di sản sinh vật đi cùng với cái di sản tập đoàn động vật của nó, đã được giải quyết trong sự sinh nở của tiếng nói, năng lượng tâm thần và quan hệ xã hội cộng sản nguyên thuỷ. Cái mâu thuẫn được giải quyết như thế thì chính là cái cấu trúc thống trị, tức là bản chất xã hội và con người ở thời khởi nguyên.
Từ đấy xuất hiện mâu thuẫn thứ hai giữa cái cấu trúc đoàn kết bình đẳng, là cấu trúc thống trị, với tình trạng tản mạn của toàn bộ hệ thống xã hội cộng sản nguyên thuỷ, do các cộng đồng địa phương tách rời nhau và có khi đánh nhau.
Mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn đã được giải quyết trong cái cấu trúc thống trị. Mâu thuẫn thứ hai là mâu thuẫn giữa cái cấu trúc thống trị với tình trạng tách rời của những cộng đồng địa phương với nhau, - tình trạng tách rời như thế là di sản dĩ vãng của các tập đoàn động vật cô lập đối với nhau.
Đến cuối thời Người khéo, những cộng đồng địa phương riêng lẻ tăng cường sản xuất, do đấy thì cũng tăng cường liên hệ với nhau, trong ấy có chiến tranh với nhau. Sự liên hệ là cái trung giới đưa đến những đội cộng đồng láng giềng hợp tác bình thường với nhau ở cuối thời acheuléen (Người thẳng). Đây là cái xã hội cộng sản nguyên thuỷ ở thời kỳ tồn tại cho cái khác, tức là mỗi cộng đồng địa phương liên quan với một cộng đồng khác, ví dụ như để cùng nhau tiến hành những cuộc săn lớn, như săn voi.
Cái quan hệ hợp tác phát triển thành quan hệ ngoại hôn là cái trung giới đưa xã hội cộng đồng địa phương lên thành tiền bộ lạc gồm hai tộc mẫu quyền kết hôn với nhau, ở thời đồ đá cũ giữa (Người khôn neandertal).
Đến thời Người khôn khôn (Homo sapiens sapiens), thời đồ đá cũ trên, thì mỗi tộc chị em lại chia thành hai thị tộc tạo nên cái bộ lạc sơ kỳ gồm 4 thị tộc mẫu quyền.
Trong xã hội tiền bộ lạc và bộ lạc, thì cái quan hệ tồn tại-cho-cái khác trở lại bản thân nó, tức là nó trở thành tồn tại-cho-bản thân.
Trong mỗi thị tộc mẫu quyền, những chú rể là đại diện cho những thị tộc thông gia, và bản thân cái thị tộc ấy lại gửi con trai của mình vào những thị tộc kia. Tức là mỗi thị tộc trong sự tồn tại-cho-cái khác (gửi con trai sang bên kia làm rể) thì lại có cái khác trong bản thân nó, tức là nó có con trai bên kia sang làm rể bên này, trong bản thân nó.
Như thế là nó là bản thân nó trong cái khác, và trong cái khác nó lại trở lại bản thân nó. Kết quả là cái bộ lạc nhận thấy nó trong các thị tộc và mỗi thị tộc nhận thấy mình trong cái bộ lạc: thế là tồn tại- cho-bản thân.
Như thế là với cái bộ lạc sơ kỳ, phát triển đại khái từ thời đồ đá cũ trên đến phần đầu thời đồ đá mới, xã hội cộng sản nguyên thuỷ hoàn thành chất lượng cơ bản, tức là bản chất của nó. Thông qua ba bước đi hay thời kỳ biện chứng – thực tại: tồn tại-cho-cái khác; tồn tại-cho-bản thân, – nó đã phát triển trong sự vận động của những cộng đồng địa phương riêng lẻ liên hệ với nhau thành cái hệ thống chung của cái bộ lạc. Và dĩ nhiên cái hệ thống chung này chỉ có thể có trong và thông qua những phân hệ riêng của nó, là những thị tộc, liên hệ vận động với nhau.
Ba bước đi hay ba thời kỳ đầu như thế là giai đoạn đầu, hoàn thành bản chất của xã hội cộng sản nguyên thuỷ. Tức là cái cấu trúc quan hệ công bằng, bình đẳng, thân ái trong nội bộ mỗi cộng đồng địa phương được mở rộng và tái tạo giữa các cộng đồng địa phương trên quy mô bộ lạc, dưới một hình thái mới, là hình thái trao đổi thăng bằng: trao đổi quà và thanh niên (trao đổi con trai giữa các thị tộc mẫu quyền và sau này là trao đổi con gái giữa các thị tộc phụ quyền). Sự trao đổi ngang bằng tiến hành giữa “tao” với “mày” có “nó” chứng kiến. Cái “nó” chính là tượng trưng cho cả bộ lạc. Đây là nội dung cơ bản của những lễ hội họp thường kỳ của bộ lạc: tồn tại-cho-bản thân.
Giai đoạn đầu, tức là giai đoạn hoàn thành bản chất của xã hội cộng sản nguyên thuỷ kết thúc, khi sự tiến bộ của kỹ thuật đồ đá mới bước đầu đi vào cải tiến, làm cho sự trao đổi quà chuyển lên thành trao đổi hàng hoá đơn giản.
Chiến tranh trở thành quan hệ bình thường, phát triển liên miên giữa các bộ lạc và chỉ chấm dứt khi có hiệp ước; những hiệp ước này tiến tới cái liên bang bộ lạc về thực chất cũng là một tổ chức chiến tranh.
Ở đây rõ ràng sự phát triển của sức sản xuất đã vượt ra khỏi khuôn khổ của cái bộ lạc riêng lẻ. Sự trao đổi hàng hoá đơn giản là cái trung giới đưa vào giai đoạn thứ hai của sự tiến hoá của xã hội cộng sản nguyên thuỷ, tức là giai đoạn phát triển số lượng đặc thù của nó, tức là phát triển năng suất lao động bắt đầu từ kỹ thuật đồ đá mới cải tiến.
Thời kỳ đầu của giai đoạn thứ hai này, mở đầu bằng sự trao đổi (đổi chác) hàng hoá đơn giản, là thời kỳ phát triển đại lượng của xã hội cộng sản nguyên thuỷ. Nói đại lượng thì có nghĩa rằng năng suất lao động đã vượt ra khỏi khuôn khổ của những quan hệ cùng làm cùng ăn trong một cộng đồng thị tộc vài chục người và tiêu thụ sản phẩm thừa bằng những sự trao đổi quà giữa những thị tộc của bộ lạc. Bây giờ, cái sản phẩm thừa được tiêu thụ thông qua chiến tranh cướp bóc kết thúc bằng đổi chác. Tức là thời kỳ phát triển đại lượng của xã hội cộng sản nguyên thuỷ đồng thời cũng là một thời kỳ đại khủng hoảng của xã hội ấy, do chiến tranh liên miên làm suy yếu cái cấu trúc bộ lạc. Những người Ấn Da đỏ ở Bắc Mỹ đứng ở thời kỳ ấy, khi được phát hiện. Ở đây đã xuất hiện sự phân chia giai cấp: chiến tranh đi đôi với sự phát triển của sức sản xuấtt tạo nên một bên là giai cấp nô lệ, một bên là giai cấp quý tộc bộ lạc lãnh đạo chiến đấu và đổi chác, và bóc lột nô lệ.
Đáng chú ý là ngay ở thời kỳ đại khủng hoảng này đã có một số ít trường hợp tiến thẳng lên xã hội văn minh cổ đại, tuy còn xa mới thực hiện được những điều kiện kỹ thuật bình thường cần thiết.
Ở đất Cận Đông, thiên niên kỷ VIII trước Công nguyên, trong thời kỳ đồ đá mới phát triển trước đồ gốm, đã xuất hiện một thành luỹ vĩ đại là Jéricho, với một tháp đá 10 m đường kính, chiều cao 8m50, có một thang đá bên trong lên đến đỉnh tháp. Ba tường đá vây quanh cao đến 3m90, với một hào sâu đào ngay trong núi đá. Xây dựng được một thành luỹ vĩ đại như thế, thì phải có tổ chức nhà nước chủ nô. Jéricho đứng giữa ngã tư đường buôn bán ở bờ biển Gioóc-đa-ni.
Đến thiên niên kỷ VI trước Công nguyên đã có thành thị Gatal Huyuk ở Tiểu Á. Những nhà ở và đền, chen chúc với nhau chứng minh rằng ở đây đã có một tổ chức hành chánh nghiêm chỉnh. Trên tường có vẽ nhiều lần một con diều hâu mở mỏ trên một người quỳ đã mất đầu. Rõ ràng đấy là một nhà nước chủ nô trấn áp nô lệ. Mà kỹ thuật cũng chỉ là đồ đá mới cải tiến, trước đồ gốm.
Như thế là ở thời kỳ phát triển đại lượng và đại khủng hoảng của xã hội nguyên thuỷ đã có thể có trung giới tiến vọt lên nhà nước chủ nô, do điều kiện sản xuất hoặc do buôn bán đặc biệt thuận tiện. Trung giới ấy là cái hình thái toàn bộ hay phát triển (forme totale ou développée) của sự trao đổi hàng hoá.
Nhưng trong trường hợp bình thường, thì xã hội cộng sản nguyên thuỷ ở cuối thời đồ đá mới vẫn kéo dài sự phát triển đại lượng và đại khủng hoảng. Đến khi xuất hiện kỹ thuật đồ đồng thì sự đổi chác hàng hoá đơn giản mới chuyển lên hình thái trao đổi toàn bộ hay phát triển, sinh ra một giai cấp quân sự mới vừa buôn bán, vừa cướp bóc, và dùng nô lệ, Ở đây tuy đã có xu hướng mạnh mẽ chuyển lên chế độ chủ nô cổ đại, nhưng bản chất xã hội vẫn còn là nguyên thuỷ, vì giai cấp quý tộc bộ lạc đã tổ chức lại thành chế độ quân chủ bộ lạc để thích nghi với tình hình mới, và giữ những sức sản xuất mới trong mức độ cần thiết để bảo tồn bản chất của xã hội cộng sản nguyên thuỷ. Nhà vua bộ lạc, đại diện cho giai cấp quý tộc bộ lạc, lãnh đạo giai cấp quân sự kiêm ngoại thương trong giới hạn của truyền thống bộ lạc.
Giai cấp quân sự kiêm đại thương và công nghiệp luyện kim dĩ nhiên là xuất phát từ kỹ thuật đồ đồng. Dưới chế độ quân chủ bộ lạc hai giai cấp ấy chỉ phát triển bước đầu, trong mức độ của xã hội cộng sản nguyên thuỷ.
Nhưng rồi cái mức độ ấy cũng bị vượt qua ở những nơi có điều kiện đặc biệt thuận lợi cho sản xuất và trao đổi hàng hoá. Như thế là ở châu thổ những sông lớn của châu Á và Ai Cập xuất hiện những đô thị đầu tiên, với một giai cấp mới, là giai cấp công thương bình dân. Giai cấp chủ nô quân sự kiêm đại thương và công nghiệp luyện kim trở thành một hàng quý tộc mới, đối lập với giai cấp quý tộc bộ lạc.
Chế độ quân chủ bộ lạc chỉ còn là một cản trở hoàn toàn vô lý cho sự phát triển của sức sản xuất xã hội. Đấy là thời kỳ phát triển quá mức của xã hội cộng sản nguyên thuỷ, tức là thời kỳ cuối cùng, tổng khủng hoảng và tan rã của xã hội ấy. Sự xuất hiện đồ đồng thau và những đô thị Sumer đầu tiên vào cuối thiên niên kỷ IV trước Công nguyên, là một thí dụ của thời kỳ này.
Những anh hùng ca của Hôme là những bức tranh thiên tài diễn đạt sự phát triển quá mức và tổng khủng hoảng của xã hội nguyên thuỷ ở Hy-lạp.
Tóm lại, hoạt động công thương lớn, dùng nhiều nô lệ, và công thương bình dân, cũng có dùng một ít nô lệ, tất cả trong cái hình thái toàn bộ hay phát triển của sự trao đổi hàng hoá, là cái trung giới phủ định cái hệ thống xã hội cộng sản nguyên thuỷ đã phát triển quá giới hạn, tức là xoá bỏ cái cấu trúc bình quân, mà bây giờ chỉ còn là tượng trưng, ở thành thị. Đồng thời di sản của cái hệ thống ấy vẫn duy trì ở những công xã nông thôn. Tức là chế độ tư hữu tài sản được chính thức hoá dưới quyền của triều đình của chủ nô ở thành thị. Còn cái di sản của chế độ cộng sản nguyên thuỷ trong cái cộng đồng địa phương thì vẫn kéo dài ở những công xã nông thôn dưới quyền sở hữu tối cao của nhà vua trên cả đất nước.
Như thế là chúng ta thấy trong sự biện chứng của một hình thể kinh tế xã hội, như hình thể cộng sản nguyên thuỷ, một quá trình lịch sử gồm hai giai đoạn cơ bản. Xuất phát từ sự trung giới đầu tiên thì sinh ra cái chất lượng căn bản mới tức là cái bản chất mới, nó là cái mâu thuẫn căn bản đã được giải quyết trong cái cấu trúc thống trị mới. Giai đoạn đầu là giai đoạn phát triển và hoàn thành cái bản chất mới thông qua cái mâu thuẫn thứ hai là mâu thuẫn giữa cái cấu trúc thống trị mới với cái di sản cũ còn lại. Giai đoạn này trải qua ba thời kỳ: thực tại, tồn tại-cho-cái-kháctồn tại-cho-bản-thân.
Từ sự hoàn thành bản chất trong hình thái tồn tại-cho-bản thân, thì sinh ra giai đoạn thứ hai, là giai đoạn phát triển số lượng đặc thù, tức là năng suất lao động đặc thù. Giai đoạn này tiến hành qua ba thời kỳ: phát triển đại lượng hay đại khủng hoảng; phát triển có mức độ hay cải lương; phát triển quá mức hay tổng khủng hoảng. Thời kỳ phát triển quá mức, tức là tổng khủng hoảng, đưa đến chỗ vượt giới hạn, làm nổi bật cái trung giới mới, tiến nhảy vọt lên một thời đại mới.
Đáng chú ý là trong những điều kiện đặc biệt thuận tiện, cái trung giới mới có thể xuất hiện ngay trong thời kỳ phát triển đại lượng, tức là đại khủng hoảng và đưa thẳng lên thời đại mới. Sở dĩ như vậy là vì ngay ở thời kỳ đại khủng hoảng, sự phát triển số lượng đặc thù của cái hệ thống đương thời, đã vượt ra khỏi khuôn khổ của cái bản chất đã hoàn thành. Tức là đã có khả năng tiến lên một hệ thống mới. Không cần thiết cứ phải chờ đợi thời kỳ phát triển quá mức, tức là tổng khủng hoảng. Dĩ nhiên cũng chỉ có một số ít trường hợp có thể làm được sớm như thế.
Quy luật về sự tất yếu giữa quan hệ sản xuất với sức sản xuất như thế là rất rộng rãi. Sự chuyển hoá từ một hình thể kinh tế xã hội lên một hình thể mới cao hơn có thể được thực hiện sau khi cái hình thể trước đã hoàn thành bản chất của nó, tức là trên suốt giai đoạn phát triển số lượng đặc thù của nó, từ thời kỳ phát triển đại lượng và đại khủng hoảng đến thời kỳ phát triển quá mức và tổng khủng hoảng, tuỳ theo điều kiện cụ thể. Những mầm mống của cái mới, tức là cái khác biệt đã sinh ra trong xã hội cũ, trở thành cái trung giới đưa lên xã hội mới.
Các hình thể kinh tế xã hội nô lệ, phong kiến sau này cũng trải qua quá trình tiến hoá đại loại như vậy [3].

* Trong trường hợp điển hình của chủ nghĩa tư bản Anh, thì cái cấu trúc thống trị, tức là bản chất của xã hội tư bản chủ nghĩa xuất hiện vào giữa và ổn định vào cuối thế kỷ XVII, đã trải qua thời kỳ thực tại của nó cho đến phần giữa thế kỷ XVIII. Ở đây những quan hệ tư bản công trường thủ công đã thành cấu trúc thống trị, bao trùm cả hệ thống xã hội tư bản chủ nghĩa Anh, nhưng trên thực tế thì cái cấu trúc ấy mới chỉ được thực hiện đơn thuần (thực tại) trong một khu vực rất hạn chế. Phần lớn hệ thống xã hội Anh còn là di sản tiểu nông và thủ công của thời trước. Tuy nhiên toàn bộ hệ thống thì có chất lượng cơ bản tức là bản chất tư bản chủ nghĩa vì cái cấu trúc tư bản thống trị bao trùm tất cả.
Đến phần cuối thế kỷ XVIII, cách mạng công nghiệp buộc những công trường thủ công phải lùi bước trước những nhà máy đầu tiên. Tuy nhiên, ngày ấy những máy móc còn là do những công trường thủ công sản xuất. Chưa có cái hệ thống máy móc sản xuất máy móc, tức là chưa thể nào có đủ máy để chủ nghĩa tư bản nắm lấy cụ thể về mặt kinh tế tất cả các cơ sở tiểu sản xuất.
Phải dần dần đi từng bước cho đến giữa thế kỷ XIX, thì chủ nghĩa tư bản đại công nghiệp mới xây dựng được đại khái cái hệ thống máy móc sản xuất máy móc, nâng cao năng suất tư bản chủ nghĩa, nắm dần các cơ sở tiểu sản xuất, bằng cách bán cho họ hàng đại công nghiệp và mua của họ hàng thủ công, nông nghiệp. Chủ nghĩa tư bản như thế từ đầu thế kỷ XIX đã đi vào thời kỳ tồn tại-cho-cái khác, tức là liên hệ trao đổi với cái khác, cái khác này là cái di sản cũ của xã hội phong kiến, trong ấy có các nước thuộc địa.
Từ phần giữa đến cuối thế kỷ XIX, cái hệ thống máy móc sản xuất máy móc đã tương đối đầy đủ. Nền đại công nghiệp cơ khí hoá tư bản chủ nghĩa đã có đủ sức, để làm chủ từ trên các ngành tiểu sản xuất. Tức là trong quá trình tái sản xuất tư bản chủ nghĩa, chủ nghĩa đại tư bản đã dự trữ đủ hàng hoá đại công nghiệp để bán cho các cơ sở tiểu sản xuất: theo nghĩa ấy thì nó là bản thân nó trong cái khác. Và trong các cơ sở tiểu sản xuất ("cái khác") thì nó lại có những hàng hoá tương đương, để mua về phục vụ bản thân nó: tức là trong cái khác nó lại trở nên bản thân. Như thế là nó tồn tại-cho-bản thân.
Sự bóc lột các nước thuộc địa trên quy mô thế giới từ thế kỷ XVI đã tạo nên cho chủ nghĩa tư bản phương Tây một năng lực phát triển vượt xa các phương thức sản xuất trước. Do đấy mà ngay từ giữa thời kỳ tồn tại-cho-cái khác và suốt thời kỳ tồn tại-cho-bản thân, xã hội tư sản đã sa vào tình trạng khủng hoảng chu kỳ, do sức sản xuất lớn lên tràn lan. Như thế là thúc đẩy phong trào cách mạng của giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ và xác định lý luận khoa học của mình trong chủ nghĩa Mác.
Đến cuối thế kỷ XIX cái cấu trúc tư bản thống trị, tức là bản chất của xã hội tư sản đã hoàn thành. Thế là nó đi vào giai đoạn phát triển số lượng đặc thù của nó là giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Thời kỳ đầu là phát triển đại lượng của xã hội tư sản tức là năng suất lao động của đại công nghiệp cơ giới hoá và điện khí hoá vượt ra khỏi khuôn khổ của bản chất đã hoàn thành của xã hội tư bản. Chủ nghĩa cạnh tranh tự do chuyển lên cạnh tranh độc quyền. Như thế là sinh ra đại khủng hoảng của xã hội tư bản, với hai thế chiến huỷ diệt trong vòng nửa đầu thế kỷ XX.
Trong thời kỳ này phong trào cách mạng vô sản thế giới đã thắng lợi ở Nga, là một nước tư bản đế quốc dù chưa phát triển, và một số nước như Việt Nam, chưa phải là hiện đại, nhưng đã có một số cơ sở đại công nghiệp, đủ để có một giai cấp công nhân giác ngộ trong Đảng Cộng sản.
Trong tình hình đối kháng căng thẳng nhất với chủ nghĩa đế quốc, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quần chúng nhân dân là cái trung giới, nội dung của sự tiến nhảy vọt, phủ định xã hội cũ, đưa lên xã hội mới theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Tức là cũng giống như sự tiến nhảy vọt từ xã hội nguyên thuỷ lên xã hội chủ nô, rồi từ chủ nô lên phong kiến và từ phong kiến lên tư bản, thì cách mạng xã hội chủ nghĩa trong một số nước có hoàn cảnh đặc biệt thuận lợi, có thể thành công ở thời kỳ đại khủng hoảng của hệ thống xã hội tư bản, không cần thiết phải chờ đợi thời kỳ tổng khủng hoảng.
Dĩ nhiên đấy chỉ là ở một số nước có điều kiện đặc biệt - nếu bàn về cả hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới, thì sự chuyển hoá chỉ có thể hoàn thành ở thời kỳ tổng khủng hoảng.
Từ những năm 1960, cách mạng khoa học kỹ thuật đã đưa sức sản xuất lên một trình độ mới, làm cho năng suất lao động tiến nhảy vọt chưa từng thấy. Đứng trước nguy cơ bị tràn ngập và cách mạng vô sản thành công, giai cấp tư sản đế quốc đã buộc phải đi vào con đường cải lương, xoa dịu mâu thuẫn, tức là đi vào thời kỳ phát triển có mức độ.
Xuất phát từ năng suất lao động mới luôn luôn tăng cường, đi đôi với những quan hệ cạnh tranh ác liệt, họ phát triển những quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết trong mỗi nước và giữa các nước, tiến tới thành lập thị trường chung ở một số khu vực hay phân hệ của hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới. Họ tăng phần nào những giá trị sử dụng dành cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng thời càng ngày càng tăng cường bóc lột giá trị thặng dư. Như thế là trên hiện tượng bề ngoài họ có vẻ như giảm nhẹ mâu thuẫn cơ bản giữa tính chất xã hội của sức sản xuất với hình thái tư hữu tư bản chủ nghĩa của sự sở hữu. Nhưng trên thục tế thì cái mâu thuẫn ấy vẫn phát triển, dù trước mắt có giữ được đại khái cái mức độ cần thiết.
Xu hướng xây dựng thị trường chung ở từng khu vực trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới ngày nay, tất nhiên sẽ đi tới cùng một thị trường chung cho cả hệ thống ấy. Đấy là cái cột mốc của sự phát triển có mức độ của họ. Tức là sau đấy thì chủ nghĩa tư bản thế giới sẽ chuyển lên giai đoạn phát triển quá mức: ở đây những khả năng cạnh tranh sẽ trở nên càng ngày càng ít ỏi, chủ nghĩa tư bản càng ngày càng mất đi cái cơ chế thúc đẩy tăng năng suất và nâng cao giá trị thặng dư trên cơ sở quyền tư hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Trong giới hạn của một thị trường chung toàn diện, chủ nghĩa tư bản độc quyền trở nên toàn thắng, do đấy thì nó càng ngày càng tăng cường tình trạng đình đốn, suy thoái, khủng hoảng triền miên. Một số càng ngày càng ít tài phiệt chiếm đoạt tất cả, đẩy nhân dân lao động vào cái vòng thất nghiệp không lối thoát. Như Mác đã tiên đoán:

"Con số những tên trùm tư bản tiếm đoạt và nắm độc quyền tất cả những cái lợi của quá trình chuyển hoá đó ngày càng giảm đi không ngừng, thì nạn nghèo khổ, áp bức, nô dịch, thoái hoá, bóc lột ngày càng tăng thêm nhưng sự căm phẫn của giai cấp công nhân - một giai cấp đang ngày càng không ngừng đông đảo hơn, ngày càng được cơ cấu của bản thân quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa huấn luyện, đoàn kết và tổ chức lại - cũng tăng lên. Sự độc quyền của tư bản trở thành những xiềng xích ràng buộc cái phương thức sản xuất đã thịnh vượng lên cùng với độc quyền đó và dưới độc quyền đó. Sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hoá lao động đạt đến cái điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng nữa. Cái vỏ đó vỡ tung ra". [4]

Theo kinh nghiệm thành lập thị trường chung Tây Âu và những hoạt động tiến tới một thị trường chung Đông Nam Á, chúng ta có thể ước đoán rằng cả hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới sẽ hoàn thành thị trường chung toàn bộ của họ trong phần đầu thế kỷ XXI. Như thế là họ sẽ vượt quá cái mốc của thời kỳ phát triển có mức độ, chuyển sang thời kỳ phát triển quá mức tức là tổng khủng hoảng của cả hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới.

* Tóm lại, xuất phát từ toàn bộ chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm lịch sử giống người, chúng ta thấy cái vẻ phồn vinh trước mắt của xã hội tư bản đế quốc chỉ là một ảo tưởng tạm thời mà thực tế thì sẽ đưa tới thời kỳ tổng khủng hoảng không thể nào cứu chữa. Họ càng phát triển kỹ thuật bao nhiêu thì lại càng gặp khó khăn để duy trì siêu lợi nhuận bấy nhiêu. Sự khao khát bóc lột giá trị thặng dư buộc họ phải tăng cường kỹ thuật mới, và chính vì thế nên lại càng đẩy họ đến chỗ tràn ngập, sa lầy trong tình trạng phá sản vì sản xuất thừa, suy thoái, và trút lên đầu nhân dân cái giá phải trả càng ngày càng nặng nề, để họ kéo dài đặc quyền đặc lợi của họ. Dĩ nhiên, nhân dân không thể nào dung túng tình trạng như thế. Đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc ngày nay là nó phải thu hút siêu giá trị thặng dư càng ngày càng bấp bênh.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự tất yếu của cả lịch sử thế giới, đã bước đầu thành công trên nền tảng của cách mạng khoa học kỹ thuật đầu thế kỷ XX, và tất yếu sẽ đến thời toàn thắng trên nền tảng cách mạng khao học kỹ thuật ngày nay.
Chúng ta đã đi sớm, vì hoàn cảnh chính trị không cho phép chờ đợi. Nhưng như thế cũng chỉ là sớm trong phạm vi có khả năng hiện thực thắng lợi, theo quy luật chung của sự tiến hoá lịch sử. Như thế không phải là quá sớm. Trên thực tế, chúng ta đã thành công vinh quang, vì xuất phát từ nhân dân và dân tộc, có sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng Mác-Lê nin do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Những thiếu sót, khuyết điểm, khó khăn có một phần vì khách quan, một phần vì chủ quan trong một số trường hợp đã hiểu sai, hoặc vận dụng không đúng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin. Những nguyên lý này là hoàn toàn đúng, và là chỗ dựa để sửa chữa sai lầm và thiếu sót.
* Nhưng tác giả bài "Dắt tay nhau" lại cho rằng chính những nguyên lý Mác-Lênin là sai! Ông đặt vấn đề "chủ nghĩa đế quốc không phải là giai đoạn tột cùng…", mà chỉ là "một trong những bước đi đầu của chủ nghĩa tư bản". Tức là ông coi cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày nay như quá sớm cả một thời đại lịch sử!
Từ đấy, bài "Dắt tay nhau" phát triển một loạt lập luận siêu hình trừu tượng, duy tâm chung chung, chống quan điểm giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin. Ví dụ như cho rằng:
"Luôn lấy trí thức, khoa học làm căn cứ, đó là chủ nghĩa duy lý… Theo mức độ duy lý con người chia thành trí thức và không trí thức."
"Luôn lấy lợi ích làm căn cứ, đó là chủ nghĩy duy lợi."
"Người thực tế duy lý… thì tự thân không mang tính giai cấp rõ rệt, vì sự phân chia thành giai cấp là phân chia theo quyền lợi… Hiểu theo nghĩa đó thì người mang tính giai cấp rõ rệt là người duy lợi (kể cả lợi ích chân chính, lợi ích của một giai cấp cũng vậy). Vì vậy sự phân chia con người theo giai cấp không phải là sự phân chia bao trùm được hết xã hội."
Ở đây tác giả xếp loại các khái niệm có vẻ như rành mạch, - mà trên thực tế thì lẫn lộn tất cả. – Nói trí thức và khoa học, thì trước hết phải phân biệt khoa học tự nhiên với khoa học xã hội và con người. Trong những vấn đề chuyên môn của khoa học tự nhiên, thì không cần thiết phải có quan điểm giai cấp. Ở đây người trí thức có thể "luôn lấy trí thức, lấy khoa học làm căn cứ".
Nhưng đi vào lĩnh vực xã hội và con người, nhất là khi xây dựng học thuyết, lý luận về xã hội và con người, thì quan điểm giai cấp tự nó toát ra, và quyết định cái cách nhìn và suy nghĩ. Vì nói về xã hội và con người thì chính là nói về bản thân mình. Tuỳ theo mình nhận thấy mình ở giai cấp nào, thì cái vị trí ấy quy định xu hướng nhận thức về xã hội và con người. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn đời sống, mỗi người tự thấy mình trong một giai cấp, nhận thức về xã hội và con người theo cái vị trí giai cấp của mình như thế. Chỉ có quan điểm Mác-Lênin của giai cấp công nhân là vô tư, thực sự bảo đảm tinh thần khoa học trong các khoa học về xã hội và con người, vì chỉ có lợi ích của giai cấp công nhân là gắn liền và trùng hợp với lợi ích căn bản của nhân dân, dân tộc và loài người.
Tác giả bài "Dắt tay nhau" nói: "Người thực tế duy lý thì không mang tính giai cấp rõ rệt, vì sự phân chia thành giai cấp là phân chia theo quyền lợi… Hiểu theo nghĩa đó thì người mang tính giai cấp rõ rệt là người duy lợi". Tức là bàn về giai cấp và tính giai cấp, tác giả không phân biệt gì giữa giai cấp vô sản với các giai cấp phi vô sản.
Quan điểm giai cấp phi vô sản dĩ nhiên là duy lợi. Nhưng quan điểm giai cấp vô sản thì chính là duy lý, thực sự khoa học, vì lợi ích của giai cấp vô sản là đi theo đúng chân lý hiện thực, giải phóng nhân dân, dân tộc và loài người, vì đấy là con đường duy nhất để giải phóng bản thân.
Trên thực tế khách quan, thì có sự liên hệ cơ bản giữa trí thức, khoa học, với lập trường cách mạng, quan điểm biện chứng duy vật của giai cấp công nhân. Nhà trí thức lớn nhất của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là nhà cách mạng giác ngộ cao nhất về lập trường quan điểm của giai cấp công nhân, nhà văn hoá, khoa học cao nhất.
Bài "Dắt tay nhau" còn nói khá nhiều, để đặt đối lập trí thức với giai cấp công nhân một cách hoàn toàn giả tạo và vô căn cứ. Cách mạng rất cần đến trí thức với tư cách là những nhà chuyên môn. Dĩ nhiên cũng có những chuyện này, chuyện kia, làm không đúng nguyên tắc. Đáng tiếc có một số trí thức lợi dụng chính trị, để đàn áp những trí thức khác.
Nhưng điều cơ bản vẫn là nội dung và bản chất của thời đại chúng ta là sự chuyển hoá của xã hội loài người từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Do đấy mà sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng Mác-Lênin là một thực tế hoàn cần thiết của lịch sử. Cái gọi là "tấm biển chỉ đường của trí tuệ" siêu hình duy tâm của bài "Dắt tay nhau" chính là đi ngược dòng, đi trái ngược với lý tính biện chứng của lịch sử hiện thực. Từ chỗ lẫn lộn mâu thuẫn biện chứng với nghịch lý siêu hình, sự lan tràn máy móc trên bề mặt với sự mâu thuẫn sáng tạo ở bề sâu, tác giả bài "Dắt tay nhau…" đã xác định một thứ "lý luận" tầm thường, quy kết chủ nghĩa xã hội là đầy "nghịch lý" và coi chủ nghĩa đế quốc tựa hồ như đầy sức sống.



[1]Xem Ph. Ăng-ghen: Chống Đuy-rinh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, tr. 35-37
[2]Xem Ph. Ăng-ghen, Sách đã dẫn, tr. 36
[3]Chú thích của người biên tập: Tiếp sau phần hình thể cộng sản nguyên thuỷ, tác giả đã phân tích những nấc thang tiến hoá của lịch sử phát triển loài người. Vì khung khổ bài báo có hạn, rất tiếc chúng tôi không đăng được phần đó. Mong tác giả và bạn đọc thể tất. Dưới đây là phần tiếp.
[4]C. Mác: Tư bản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, Q1, T3, tr. 351-352

Theo Viet-studies.info
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top