vanchuong83
New member
- Xu
- 0
Cái đẹp trong tác phẩm của Kawabata
PGS.TS. Đỗ Thu Hà
Khoa Đông Phương học
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
PGS.TS. Đỗ Thu Hà
Khoa Đông Phương học
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
I. Cuộc đời của Yasunari Kawabata
Yasunari Kawabata là một tiểu thuyết gia Nhật Bản và là một tác gia vĩ đại trên văn đàn thế giới. Năm 73 tuổi, Kawabata đã tự vẫn và mất ngày 16/4/1972 ở thành phố Zushi, cô đơn trong phòng văn của mình. Kawabata sinh ngày 14/6/1899 tại Osaka, Nhật Bản. Năm ông mới lên ba, cha me ông qua đời, năm năm sau, bà ông và người chị gái duy nhất cũng mất. Ông lớn lên trong tình thương của người ông ốm đau bệnh tật. Năm Kawabata 14 tuổi, người ông trở bệnh nặng khiến ông buồn khôn tả. Để giải toả nỗi buồn, Kawabata bắt đầu kể lại suy tư và cảm xúc của mình trong một cuốn sách. Sau này, năm 1925- sau khi người ông mất, những ghi chép của Kawabata được xuất bản dưới tên gọi Nhật ký của đứa trẻ lên sáu.
Năm 21 tuổi, Kawabata học tại trường Đại học Hoàng gia Tokyo về Văn học Anh và sau đó chuyển sang Văn học Nhật Bản. Trong thời gian này, ông ra tạp chí sinh viên và viết bài phê bình cho các báo Tokyo. Sau khi tốt nghiệp đại học (1924) Kawabata trở thành một trong những nhà sáng lập tạp chí văn học Văn nghệ thời đại (Bungei Jidai), đại biểu cho trào lưu Cảm giác mới (Shinkankakuha) theo định hướng văn học và văn hóa tiên phong Châu Âu, phủ nhận chủ nghĩa tự nhiên, cổ xúy cho những thử nghiệm phong cách và đặt cảm xúc và cảm giác vào trung tâm chuyện kể.
Năm 1927 truyện ngắn Vũ nữ Izu là thành công văn chương đầu tiên của Kawabata, kể về mối tình lãng mạn của một chàng sinh viên với nàng vũ nữ trẻ - biểu tượng của cái đẹp trinh bạch, ngây thơ.
Mặc dù tự thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực phương Tây, Kawabata vẫn lấy văn chương cổ điển Nhật Bản làm nền tảng. Từ những năm 1930 sáng tác của Kawabata trở nên truyền thống hơn. Năm 1934 ông bắt đầu viết Xứ tuyết (hoàn thành năm 1947) kể về mối tình vô vọng của một cô geisha với một chàng trai thành phố. Qua tác phẩm này và tiểu thuyết xuất sắc Ngàn cánh hạc (1949), Kawabata thể hiện nghệ thuật bậc thầy trong miêu tả tâm lí phụ nữ. Bằng văn phong đặc biệt xúc cảm với những miêu tả trữ tình về cuộc sống thiên nhiên và số phận con người u ẩn, nỗi buồn tinh tế, nhà văn gợi nên sự thoáng chốc và ngắn ngủi của cuộc đời.
Những năm Thế chiến II, nhà văn cố gắng không quan tâm đến các vấn đề chính trị, dành nhiều thời gian đi du lịch và nghiên cứu. Các tác phẩm quan trọng thời kì sau chiến tranh Ngàn cánh hạc (1949), Tiếng rền của núi (1954) và Cố đô (1962) đã tôn vinh Kawabata như một nhà văn lớn của Nhật Bản thời hiện đại.
Từ năm 1948 đến năm 1965, Kawabata giữ chức vụ chủ tịch Hội Văn bút Nhật Bản, sau năm 1959 ông là Phó chủ tịch Hội Văn bút Quốc tế.
Năm 1953, Kawabata trở thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nhật Bản. Năm 1959, ông được tặng Huân chương mang tên Goethe tại Frankfurt.
Năm 1968, Kawabata là nhà văn Nhật Bản đầu tiên nhận giải Nobel Văn học vì "với tư cách nhà văn, ông đã truyền đạt một nhận thức văn hóa có tính thẩm mĩ và đạo đức cao bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo, do đó đóng góp vào cầu nối tinh thần Đông - Tây theo cách của ông"[1].
Hầu hết những câu chuyện của Kawabata đều tương tự như những bài thơ haiku. Tiểu thuyết của ông thường là câu chuyện về những người đàn ông cô đơn, cố tìm sự yên bình thanh thản trong vẻ đẹp và thiện tâm của phụ nữ. Nhiều nhà phê bình có nhận xét rằng các nhân vật của Kawabata nói chung thường sống trong nỗi buồn u uẩn. Họ sợ phải sống cô đơn và luôn hướng tìm tình yêu chân thật của phụ nữ. Trong khi đó, suốt đời Kawabata lại sống trong cô đơn mà gần như không có bóng dáng của một người yêu hay vợ.
Bốn năm sau khi nhận giải Nôbel Văn học, nhà văn 72 tuổi tự sát bằng khí gas tại nhà riêng. Đây là một điều bất ngờ và trớ trêu của số phận, bởi vì Kawabata luôn phê phán việc tự sát. Do Kawabata không để lại thư tuyệt mệnh nên người ta không biết động cơ thực sự trong cái chết của ông[2].
Trong số tác phẩm Kawabata để lại, ngoài tiểu thuyết, truyện ngắn, còn có nhiều "truyện ngắn trong lòng bàn tay”.
Kawabata là một trong những nhà văn Nhật Bản được dịch nhiều nhất ở Việt Nam; có những tác phẩm của ông có đến vài bản dịch. Có thể nói điều đó cũng nói lên phần nào sự quan tâm và trân trọng của giới văn chương nghệ thuật và độc giả Việt Nam đối với tác phẩm của ông.
II. Kawabata và Cái đẹp
- Vẻ đẹp tinh khiết, không vụ lợi:
Đối với Yasunari Kawabata, tác phẩm văn học chính là những mô hình của cái đẹp. Trong tác phẩm Xứ tuyết, Shimamura là một trí thức Nhật Bản hiện đại điển hình. Khi câu chuyện xảy ra, anh đang đi trên một con tàu lướt nhanh quan miền Bắc đầy băng tuyết của Nhật Bản. Ngồi đối diện với Shimamura là Yoko, một cô gái đẹp. Shimamura đang buồn chán trôi đi cùng con tàu bỗng giật mình vì ánh sáng trên vùng đồi núi phản chiếu trong mắt Yoko và ánh sáng đó, đến lượt nó, được phản chiếu lại trên khung cửa sổ anh đang ngồi.
Xứ tuyết được phản ánh qua câu chuyện của Shimamura. Anh mệt mỏi vì cuộc sống đơn điệu hàng ngày, giống như một lữ khách mệt mỏi vì phong cảnh đơn điệu xung quanh. Sự buồn chán mệt mỏi đó chỉ có thể bị phá vỡ nhờ những vẻ đẹp phi thường như vẻ đẹp ánh lên trong đôi mắt Yoko qua khung cửa sổ. Hình ảnh của một vẻ đẹp thầm lặng vốn tồn tại bất chợt được khám phá chính là một trong những cách nhìn của Yasunari Kawabata về cái đẹp. Với Kawabata, nghệ sĩ chính là người đi tìm kiếm và khám phá cái đẹp; nhà văn là người ghi lại một cách trung thành những khoảnh khắc anh ta được may mắn tiếp cận và nhận thức được cái đẹp.
Vậy đối với Yasunari Kawabata, cái đẹp là gì? Ông phản đối cách nhìn cái đẹp dưới góc nhìn của chủ nghĩa tự nhiên. Cuộc sống theo ông là sự trộn lẫn giữa cái thực và cái ảo, giữa cái tinh khiết và cái không tinh khiết, sự trung thực chân thành và cái dối trá. Người nghệ sĩ thực sự, theo ông, phải biết nhặt ra từ hiện thực của cuộc sống những gì thực nhất, tinh khiết nhất, chân thành nhất, sắp xếp chúng lại để sản sinh ra một hiện thực còn đẹp hơn cuộc sống hàng ngày mà chúng ta đang trải qua. Điều này giải thích tại sao Yasunari Kawabata không ủng hộ phong cách của các nhà văn theo chủ nghĩa tự nhiên tại Nhật Bản đương thời như Dazai, tác phẩm Trong suốt mùa mưa của Kafu, Câu chuyện của một người mù của Tanizaki...
Theo Yasunari Kawabata, chỉ khi người ta có cái nhìn trinh trắng, tinh khiết, không vụ lợi, người ta mới tiếp cận được cái đẹp ở dạng thức tuyệt vời nhất của nó. Trong Xứ tuyết, Yoko gần như là một y tá đối với người yêu của nàng là Yukio- người mắc bệnh đã lâu và sắp chết. Tình yêu của Yoko giống như tình yêu của một trinh nữ, tinh khiết, cao thượng vì Yukio bị bệnh, không thể gần gũi nàng. Do tình trạng bệnh tật của Yukio mà cuộc sống của hai người bị lỗi nhịp. Yoko càng yêu Yukio thì cuộc sống của nàng càng trở nên cao quí nhưng căng thẳng. Nàng là người phụ nữ sống một đời sống tinh khiết, đó là lý do tại sao Yasunari Kawabata lại mô tả đôi mắt nàng đẹp và sáng đến thế!
Nhiều cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn khác của Yasunari Kawabata cũng tập trung mô tả một tình yêu tinh khiết và không thể đạt tới. Trong Ánh trăng trên mặt nước, nhân vật nữ cũng yêu chồng vô hạn vì chồng nàng ốm và sắp mất. Sau này, khi nàng tái hôn, nàng rất buồn và bối rối khi phát hiện ra rằng tình cảm của mình với người chồng mới vô cùng khác biệt vì anh ta quá khoẻ mạnh.
Trong Ngàn cánh hạc, Yukiko- cô gái có vẻ đẹp ẩn giấu sau biểu tượng ngàn cánh hạc- là một trinh nữ có trái tim trinh trắng, trong sáng, ngoài tầm với của Kikuji- người luôn mặc cảm về những mối tình tội lỗi của cha mình. Một nữ nhân vật khác trong tác phẩm này là Fumiko cũng là một người con gái trinh trắng. Chính nhờ nàng mà Kikuji đã được giải thoát khỏi những mặc cảm của chính mình. Các nhân vật chính trong Ngàn cánh hạc có tâm hồn nhạy cảm đến nỗi thậm chí các tác phẩm có tính nghệ thuật cao cũng ảnh hưởng hoặc gây cảm hứng cho họ. Chẳng hạn đôi cốc uống trà, một chiếc trước đây thuộc về cha của Kikuji và chiếc còn lại là của bà Ota, đẹp và chứa đầy sức sống đến nỗi dường như chúng có sức mạnh ma thuật và ảnh hưởng mạnh mẽ đối với cả Kikuji và Fumiko, làm hai người luôn bị giày vò với cảm giác có tội. Người thợ làm ra những chiếc cốc đó đã mất từ lâu nhưng tác phẩm của họ với vẻ đẹp phi thường vẫn còn lại với lời nguyền ẩn giấu bên trong. Tác giả đã để cho Fumiko đánh vỡ một chiếc cốc, điều này trở thành một biểu tượng. Tình yêu trong trắng của Fumiko đối với Kikuji qua thời gian đã trở nên quí giá hơn những tác phẩm nghệ thuật cổ xưa đó, cả hai người không còn cần đến những đồ vật đó nữa. Lời nguyền xưa không còn sức mạnh để ứng nghiệm trước vẻ đẹp cả thể xác lẫn tinh thần của Fumiko.
Trong Người đẹp say ngủ, tình yêu thể xác hầu như không thể thực hiện được vì nhân vật chính của tác phẩm là những ông già bất lực, không thể có tình yêu xác thịt được nữa. Ngôi nhà thật là kỳ lạ và là một thực tế của xã hội Nhật Bản hiện đại. Các cô gái trẻ bị đánh thuốc mê, nằm ngủ mê mệt suốt đêm để các ông già có thể ngắm nhìn, nâng niu cơ thể để trần của họ. Nhờ có thuốc, các ông già có thể tin vào ảo tưởng rằng các cô gái vẫn thấy họ đáng thèm muốn mặc dù họ không thể làm tình theo nghĩa đen. Cái mà các ông già có thể nhận được khi tới ngôi nhà của những người đẹp say ngủ là họ có thể tìm về với tuổi trẻ của mình. Ở bên cô gái, ký ức của họ trở lại với những người họ đã từng yêu. Ký ức đó thi vị hoá hết thảy, khoảng cách về không gian và thời gian giữa những người được nhớ tới và người đang nhớ tới họ đã khiến mọi điều trở nên thanh khiết.
Kết thúc cuốn Xứ tuyết, Y. Kawabata đã viết: “Ngày nay, chỉ còn có phụ nữ là có thể yêu thực sự”. Chính vì ý tưởng đó mà Yasunari Kawabata thường đặt vào trung tâm tác phẩm của mình một phụ nữ trẻ. Ông làm điều đó không chỉ vì nàng tượng trưng cho lý tưởng của ông mà còn vì nàng có thể sống vị tha, toàn tâm toàn ý để hoàn thiện hình tượng lý tưởng đó.
Vậy theo Yasunari Kawabata, ai là người có thể nhận biết về cái đẹp một cách đúng đắn nhất?
Theo cách nhìn của Yasunari Kawabata, chỉ có ba loại người có thể đánh giá đúng đắn nhất khi họ nhìn thấy cái đẹp. Đó là:
- Trẻ em
- Phụ nữ trẻ
- Và người già sắp chết
Theo Yasunari Kawabata, một đứa trẻ có trái tim trong trắng, đôi mắt ngây thơ và sự khao khát hiểu biết cuộc sống khiến nó không bị mất đi sự tươi mới và tinh khiết trong xúc cảm. Một cô gái trẻ thì khác. Nàng còn ngây thơ trong trắng, ít kinh nghiệm, bản thân nàng là một thứ tài sản vô giá nhưng chính nàng lại chưa hiểu được hết điều đó. Nàng sở hữu vẻ đẹp nhưng lại chưa có ham muốn chiếm hữu nó, nhiều khi nàng nhìn đời với đôi mắt trẻ thơ “Vẻ đẹp ngọt ngào như con trẻ của nàng chắc chắn sẽ lụi tàn khi nàng phải va chạm với những đớn đau trong cuộc sống. Sự nhạy bén khi tiếp xúc với cái đẹp của nàng cũng sẽ phai nhạt dần khi trái tim nàng tràn đầy đau khổ”. Những cô gái như Takiko mà “Vẻ đẹp và cái thiện trong nàng giống như chính thiên nhiên vĩnh cửu” hay Komako trong Xứ tuyết đã tượng trưng cho quan niệm đó của Yasunari Kawabata.
Với Yasunari Kawabata, một người già sắp chết lại là người hưởng thụ vẻ đẹp theo cách khác và là cách hưởng thụ trọn vẹn nhất. Theo ông, khi người ta sắp chết, người ta không có hoặc ít có khả năng chiếm hữu cái đẹp. Người sắp chết đánh giá cái đẹp một cách sành sỏi, không còn khả năng chiếm đoạt nó nhưng lại khát khao nâng niu nó với tất cả sự cay đắng của một người sắp phải từ bỏ tất cả. Càng gần với cái chết, người ta càng có khả năng cảm thụ phi thường đối với tuổi trẻ và cái đẹp. Chính vì vậy mà cái đẹp dưói con mắt người già cũng có tính tinh khiết tương đối và vô cùng tha thiết. Chẳng hạn như trong Xứ tuyết, Yukio sắp chết dường như là người duy nhất (trừ người kể chuyện Shimamura) thưởng thức và đánh giá được đúng vẻ đẹp trinh nữ tinh khiết của Yoko trong khi những người khác trong làng coi nàng là một người lạ lùng không hơn không kém.
Trong Người đẹp say ngủ, những ngưòi đẹp dường như càng đẹp hơn dưới con mắt của ông gia Eguchi mà cuộc sống chỉ còn đếm từng ngày. Còn trong Ánh trăng trên mặt nước, người chồng sắp chết mong muốn nắm bắt được cái đẹp của thiên nhiên nhưng anh ta không thể ra vườn được. Anh ta đành phải ngắm vẻ đẹp của khu vườn và cả vẻ đẹp của người vợ trẻ khi nàng đang làm việc trong khu vuờn đó qua một tấm gương. Cái mà anh ta mong mỏi được nhìn thấy chính là ánh trăng trên mặt nước, điều làm cho người vợ trẻ xúc động đến tận tâm can.
- Sự song hành giữa cái đẹp, sự chân thành và nỗi buồn
Có mối quan hệ tương tác giữa một vẻ đẹp như vậy với sự chân thành. Sự chân thành của con người cũng là sự vươn tới cái đẹp hoặc lý tưởng từ quan điểm và góc độ đạo đức; nó mang tính lý tưởng và mong muốn đạt được lý tưởng của mình bằng mọi giá mà không mong được lợi. Sự chân thành, do đó, mang vẻ đẹp của đạo đức và năng lượng tinh khiết của cuộc sống. Trong các tác phẩm của mình, Yasunari Kawabata thường đề cập đến lòng tốt, cái thiện theo cùng một tần suất và phong cách như nhau. Trong Vũ nữ ở Izu, nữ nhân vật chính luôn tâm niệm rằng nhân vật nam là “một người tốt”, “một người tử tế”. Trong Xứ tuyết, Komako cũng gọi Shimamura là “một người tốt và trung thực” và mong muốn đưa cho anh tất cả nhật ký của mình. Để đáp lại, Shimamura gọi Komako là “cô gái ngoan” rồi sau đó là “một người đàn bà phúc hậu, tốt bụng”.
Nỗi buồn cũng là một thành tố khác mà Yasunari Kawabata thường hay đề cập khi nói đến cái đẹp. Ông coi đây là một thành tố không thể thiếu được trong cái đẹp. Khi người ta sống chân thành, thanh khiết, hướng tới cái đẹp thì người ta thường phải đối mặt với cái buồn. Đã có lần Kawabata đề cập trong bài viết của mình rằng “Trong tiếng Nhật, từ “buồn” có liên quan mật thiết với từ “đẹp”[3]. Ông đã từng đặt tên cho một cuốn tiểu thuyết là Vẻ đẹp và Nỗi buồn. Ông cũng thường đưa ra biểu trưng cho ý tưởng này bằng hình ảnh của một người con gái trẻ đẹp nhưng phải chịu những tai ương của số phận, những tai ương đó thường có nguồn gốc siêu nhiên không thể nào kiểm soát. Trong cuộc sống đầy những hiểm hoạ khôn lường, vẻ đẹp của một cô gái thường ngắn ngủi là điều không thể tránh khỏi vì nó quá mỏng manh, dễ thương tổn. Giọng nói của Yoko trong Xứ tuyết chẳng hạn, “quá đẹp đến mức nghe như hơi buồn”.
Nhiều nhà phê bình nhận xét rằng các tác phẩm của Yasunari Kawabata đều “đẹp, chân thành và buồn”. Hầu hết các tác phẩm của ông đều nhấn mạnh điều đó theo những mức độ khác nhau. Ông cho rằng ba thành tố này thường gắn bó và tương tác lẫn nhau. Chỉ với ba thành tố này, cảm xúc của con ngưòi mới được mài sắc hơn, cảm nhận được sâu hơn hiện thực cuộc sống. Yasunari Kawabata luôn truyền đi một thông điệp rằng ông mong mỏi con người sống chân thành và sống đẹp. Lúc đó, cuộc đời của họ mới có thể đạt đến đỉnh cao của sự viên mãn, sự tồn tại của họ mới có ý nghĩa. Điều đáng chú ý là trong tiểu thuyết của mình, Kawabata thường khắc hoạ những nhân vật mà số phận gắn chặt giữa cái đẹp và nỗi buồn.
Trong Vẻ đẹp và Nỗi buồn, nhân vật Taichimo- một học giả trẻ luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện về quận chúa Kazu, một phụ nữ quí tộc yêu một người nhưng lại phải lấy một người khác vì lý do chính trị và quyền lợi của dòng tộc. Cho đến chết, Kazu vẫn mang theo hình ảnh của người yêu và tình yêu dang dở của mình. Trong Vũ nữ ở Izu cũng vậy. Nhân vật nam từ biệt nhân vật nữ chính khi nàng chỉ mới mười ba tuổi. Mặc dù vô cùng cảm động bởi vẻ đẹp tinh khiết của thiếu nữ nhưng anh vẫn phải ra đi. Anh khóc mà không hề xấu hổ và cảm thấy trái tim tràn ngập một nỗi buồn chưa từng cảm thấy khi nó cộng hưởng với sự nuối tiếc về một vẻ đẹp tuyệt vời và sự chân thành, trung thực mà anh đã hiến dâng cho vẻ đẹp đó.
III. Kết luận
1. Tuy Kawabata thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực hiện đại của phương Tây, song đồng thời, một cách còn trung thành hơn thế, ông vẫn trụ vững trong văn chương cổ điển Nhật Bản và do đó là đại diện cho một khuynh hướng rõ rệt nhằm giữ gìn một truyền thống thuần túy dân tộc.
2. Kawabata được đặc biệt ca ngợi như một nhà tâm lý phụ nữ thật tinh tế. Ông đã chứng tỏ sự điêu luyện bậc thầy của mình ở lĩnh vực này trong hai tiểu thuyết ngắn là Xứ tuyết và Ngàn cánh hạc. Trong các tiểu thuyết này, tác giả cho thấy khả năng kiệt xuất trong việc minh họa các cảnh tình yêu, một khiếu quan sát nhạy bén, với cả một hệ thống những giá trị vi tế và huyền bí.
3. Văn Kawabata làm ta nhớ đến hội họa Nhật Bản; ông là người tôn thờ cái đẹp mong manh và ngôn ngữ buồn man mác của sự hiện tồn trong đời sống của thiên nhiên và số phận con người. Nếu sự phù du của mọi hành vi bên ngoài có thể sánh với những túm cỏ vật vờ trên mặt nước thì đó chính là nghệ thuật thơ haiku, cái nghệ thuật cực tiểu thuần túy Nhật Bản được phản ánh trong phong cách văn xuôi của Kawabata. Nhờ vậy, Kawabata trở thành một người kể chuyện nhạy cảm, sâu sắc, họa sĩ khắc họa một cách khoáng đạt bức tranh xã hội, với sự cảm thông mang màu sắc bi quan trong một thời chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới. Ông đã nếm trải sự thất bại nặng nề của đất nước mình trong Thế chiến thứ hai và hiểu rõ tương lai đòi hỏi cái gì ở đất nước ông theo tinh thần, nhịp độ và sức mạnh phát triển không ngừng của thời đại công nghiệp. Nhưng trong làn sóng Mỹ hóa dữ dội thời hậu chiến, tiểu thuyết của ông là lời nhắc nhở nhẹ nhàng về sự cần thiết phải cứu giữ vẻ đẹp và đặc tính Nhật Bản xưa trước cái mới. Đây chính là điều đã tạo nên nghệ thuật tự sự điêu luyện của Yasunari Kawabata, nghệ thuật tự sự biểu đạt một cách rất mực tinh tế cái thiết yếu của tâm thức Nhật Bản.
Tài liệu tham khảo
Một số tác phẩm của Yasunari Kawabata (theo trình tự thời gian xuất bản):
- Lễ chiêu hồn (Shokogai ikai, 1920), truyện ngắn.
- Thư gửi mẹ cha (Fubo e no tergami), tự truyện.
- Cảm giác của cô nhi (Koji no kanjou), tự truyện.
- Bậc thầy tang lễ (Soshiki no meijin), tự truyện.
- Thiếu niên (Shonen), tự truyện.
- Tên cha (Chichi no na), truyện ngắn.
- Dầu lửa (Abura), truyện ngắn.
- Cái nhìn cuối cùng (Matsugo no me), tùy bút.
- Người tái hôn (Saikonsha), tùy bút.
- Thanh âm trong suốt (Junsui no koe), tùy bút.
- Nhật kí tuổi mười sáu (Jurokusai no nikki, viết 1914, in 1925), nhật kí.
- Vũ nữ Izu (Izu no odoriko, 1927), truyện ngắn [Izu dancer].
- Hồng đoàn Asakusa (Asakusa Kurenai-dan, 1930), tiểu thuyết.
- Cầm thú (Kinju, 1933), truyện ngắn.
- Xứ tuyết (Yukiguni, 1937), tiểu thuyết [Snow country].
- Ngàn cánh hạc (Sembazuru, 1949), tiểu thuyết [Thousand cranes].
- Tiếng rền của núi (Yama-no oto, 1949), tiểu thuyết [The sound of the mountain].
- Hồ (Mizuumi, 1954), (The lake, 1955), tiểu thuyết
- Người đẹp say ngủ (Nemu reru bijo, 1960), tiểu thuyết [The sleeping beauty].
- Cố đô (Kyoto, 1962), tiểu thuyết [The old capital].
- Cánh tay (Kataude, 1964), truyện ngắn.
B. Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt (theo trình tự thời gian xuất bản):
- Rập rờn cánh hạc (nguyên tác: Sembazuru, tiểu thuyết), Nguyễn Tường Minh dịch, NXB Sông Thao, 1970.
- Ngàn cánh hạc, Trùng Dương dịch, NXB Trình Bày, 1969.
- Xứ tuyết, Chu Việt dịch, NXB Trình Bày, 1969.
- Vùng băng tuyết (nguyên tác: Yukiguni, tiểu thuyết), Giang Hà Vỵ dịch, NXB Mũi Cà Mau, 1988.
- Xứ tuyết, Vũ Đình Bình - Ngô Văn Phú dịch, NXB Hội Nhà Văn, 1995.
- Cố đô, Thái Văn Hiếu dịch, NXB Hải Phòng, 1988.
- Tiếng rền của núi (tiểu thuyết), Ngô Quý Giang dịch, NXB Thanh Niên, 1989.
- Người đẹp say ngủ (tiểu thuyết), Vũ Đình Phòng dịch, NXB Văn Học, 1990.
- Kawabata cuộc đời và tác phẩm, Giang Hà Vị - Thái Văn Hiếu biên soạn, NXB Giáo Dục, 1997.
- Người đàn ông không cười, Vương Trí Nhàn dịch, in trong Con đường dưới ánh trăng, NXB Phụ Nữ, 1984; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997.
- Trăng soi đáy nước, Nguyễn Đức Dương dịch, in trong Tập truyện ngắn nước ngoài chọn lọc, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1998.
- Sự sống dưới tấm mặt nạ, Xuân Tước dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc - tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.
- Vịnh cánh cung, Vũ Đình Bình dịch, in trong 100 truyện ngắn hay thế giới, NXB Hội Nhà Văn, 1999; Truyện ngắn chọn lọc - tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.
- Tuyển tập Kawabata, Ngô Quý Giang dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2001.
- Tiếng tre, hoa đào, Nguyễn Hòa dịch, in trong tập truyện ngắn Đồng đô la bất hạnh, NXB Lao Động, 1982; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997; Truyện ngắn đặc sắc các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 2004.
- Kẻ trộm hồ đào, Chiếc nhẫn, Trang điểm, Tình yêu đáng sợ, Cố hương, Gương mặt, Cao xanh lộng gió, Hiện hữu thần linh, Bình dễ vỡ, Miền ánh sáng, Tuyết, Gương mặt người chết, Hoàng Long dịch, in trong Truyện dịch Đông Tây (tập 5, tập 6), NXB Lao Động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.
- Kawabata. Tuyển tập tác phẩm, nhiều người dịch, NXB Lao Động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.
[1] Trích Giới thiệu giải Nobel Văn học năm 1968 của Viện Hàn lâm Thụy Điển.
[2] Kawabata đã từng viết về thiền sư Ryoukan trong Diễn từ Nobel rằng “Ryoukan sinh ra ở Echigo (nay là tỉnh Niigata), chính cái tỉnh mà tôi đã miêu tả trong tiểu thuyết Xứ tuyết. Đó là một vùng biên cương phía Bắc của Nhật Bản, nơi hứng đón những đợt gió lạnh từ Siberia thổi tới qua biển Nhật Bản. Suốt đời mình ông sống ở nơi đây. Ryoukan mất năm bảy mươi tư tuổi. Khi đã rất già, cảm thấy cái chết đang tới gần, ông trải qua trạng thái satori. Và tôi có cảm tưởng rằng ở nơi cận kề cái chết, trong "Cái Nhìn Cuối Cùng" của nhà thơ - thiền sư, thiên nhiên phương Bắc đã được cảm nhận trong một vẻ đẹp khác thường. Tôi có bài tùy bút Cái nhìn cuối cùng, trong đó có trích dẫn những lời - đã làm tôi rúng động - từ bức thư tuyệt mệnh viết trước khi tự sát của Akutagawa Ryunosuke (1892-1927): "Có lẽ tôi đã mất dần cái gọi là bản năng sống, cái sinh lực của một con vật, - Akutagawa viết. - Tôi, một kẻ trong suốt như băng, sống trong thế giới của những sợi dây thần kinh bị đốt nóng. Tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ về tự sát. Song chưa bao giờ trước đây tôi cảm thấy thiên nhiên đẹp tuyệt vời đến như vậy! Có thể các bạn cảm thấy buồn cười: một người say mê vẻ đẹp của thiên nhiên lại nghĩ về việc tự sát. Nhưng thiên nhiên đẹp chính là vì nó được phản ánh trong cái nhìn cuối cùng của tôi". Năm 1927, ba mươi lăm tuổi, Akutagawa đã tự tử. Lúc đó tôi viết trong Cái nhìn cuối cùng: "Dù thế giới này có xa lạ bao nhiêu, thì tự sát cũng không dẫn đến giải thoát. Người tự sát dù có cao thượng bao nhiêu, anh ta vẫn còn lâu mới là người thông tuệ. Không phải Akutagawa, không cả Dazai Osamu (1909-1948), người tự sát sau chiến tranh, không một người tự sát bất kì nào khác có thể gợi lên trong tôi cả sự thấu hiểu lẫn thông cảm”.
[3] Kawabata. Tuyển tập tác phẩm, nhiều người dịch, NXB Lao Động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.