CẢI CÁCH NÔNG NÔ Ở NGA
I. NHỮNG TIỀN ÐỀ CỦA CẢI CÁCH
1. Tình hình nước Nga giữa thế kỷ XIX.
Trong nửa đầu thế kỷ XIX, chế độ phong kiến chuyên chế của Nga phải đối phó với những phong trào đấu tranh của nhân dân và các dân tộc ở Nga. Tuy giai cấp tư sản Nga còn yếu so với giai cấp tư sản Tây Âu nhưng những tư tưởng tư sản ở Nga cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến xã hội Nga, hình thành ở Nga một cuộc vận động cách mạng mới.
1.1. Chính trị:
Cho đến giữa thế kỷ XIX, chế độ chính trị ở Nga vẫn là chế độ phong kiến nhưng chế độ phong kiến này lạc hậu hơn các nước khác ở Tây Âu thời trước cách mạng tư sản.
Vua Nga thời kỳ này Alexandre I và Nicolas I.
Dưới thời Alexandre I, chế độ chính trị hết sức chuyên chế. Ông là người đề xướng ra Liên minh thần thánh, đàn áp các phong trào cách mạng trong nước cũng như nước ngoài. Nhà thờ là công cụ phục vụ chính quyền. Bộ máy cảnh sát và quân đội phục vụ rất đắc lực cho chế độ.
Dưới thời Nicolas I, nhà vua công khai thực hiện sự chuyên chế của mình, không e dè như Alexandre I. Nicolas cấm đoán sự tự do tư tưởng bằng việc thực hiện chính sách kiểm duyệt khắt khe đối với sách báo, kiểm soát việc giảng dạy trong nhà trường trung học và đại học.
Nicolas I phải luôn luôn đối phó với những cuộc đấu tranh của nông dân và những cuộc khởi nghĩa của những dân tộc bị áp bức: khởi nghĩa của nhân dân Balan, nhân dân hồi giáo ở Capcadơ... Ngoài việc đàn áp các phong trào phản kháng của nhân dân, Nga còn mở rộng ảnh hưởng của mình đến các khu vực xung quanh: làm chủ eo biển Bosphore và Dardanelles, phát huy ảnh hưởng của mình ở khu vực Balkan.
1.2. Xã hội:
Những tư tưởng chống đối chính quyền trung ương trong quần chúng nhân dân thường xuyên bộc lộ trong xã hội Nga vì quần chúng nhân dân, đặc biệt là nông dân, không chịu nổi ách áp bức hà khắc của chế độ chuyên chế. Tư tưởng dân chủ đi vào xã hội Nga lúc bấy giờ từ những tầng lớp trí thức Nga chịu ảnh hưởng của triết học Ánh sáng Pháp. Thời kỳ này những tư tưởng dân chủ được truyền bá vào Nga thông qua những tác phẩm văn học. Những tác giả như Puskin, Gôgôn, Sécnưsépki và các nhà văn nổi tiếng khác đã góp phần giáo dục cho thanh niên tinh thần dân chủ cách mạng. Bêlinxki, nhà phê bình văn học, là nhà tư tưởng dân chủ cách mạng đầu tiên và hết lòng ủng hộ phong trào nông dân Nga, kiên quyết chống chế độ chuyên chế, đòi thực hiện những tự do dân chủ. Tư tưởng cách mạng của Bêlinxki tác động mạnh mẽ đến xã hội Nga trong những năm 30-40 thế kỷ XIX. Những nhà hoạt động cách mạng chủ trương cải cách chế độ xã hội- chính trị ở Nga để theo kịp xã hội phương Tây.
2. Kinh tế:
Cho đến nửa đầu thế kỷ thứ XIX, quan hệ phong kiến nông nô vẫn chiếm địa vị thống trị. 90% dân số là nông dân mà nông dân chủ yếu là nông nô. Ruộng đất thuộc sở hữu phong kiến của địa chủ và nhà nước.
Thời kỳ này vẫn có những yếu tố của kinh tế tư bản chủ nghĩa, thể hiện ở sự phát triển của công trường thủ công. Tuy nhiên, lao động trong công trường thủ công vẫn còn là lao động của nông dân. Do sự phát triển của kinh tế, nông thôn Nga cũng có những biến chuyển nhất định. Do nhu cầu về nguyên liệu ngày càng tăng, địa chủ Nga phải tìm cách để tăng năng suất và mở rộng diện tích các loại cây trồng như củ cải đường, lúa, khoai tây. Ngành chăn nuôi gia súc cũng phát triển.
Công nghiệp lạc hậu do thiếu sức lao động và thị trường trong nước. Trong những năm 40-50, công nghiệp cơ khí bắt đầu phát triển. Nước Nga bắt đầu bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp. Ngành dệt được cơ khí hóa sớm bằng máy móc nhập từ Anh: Ivanovo phát triển thành trung tâm dệt lớn. Công nghiệp nặng phát triển ở Uran. Các ngành luyện kim, các xưởng chế biến kim loại ngày càng phát triển mạnh. Petersburg, Uran là trung tâm công nghiệp lớn của Nga lúc bấy giờ.
Ðường sắt cũng được chú ý xây dựng. Năm 1843, đường sắt Petersburg-Maxtcơva được xây dựng. Giao thông bằng đường thủy, bộ cũng bắt đầu phát triển. Hệ thống các sông đào dần dần được phát huy. Trên các dòng sông, tàu vận tải tấp nập buôn bán.
3. Chiến tranh Crưm (Crimeé)
Trong lúc mâu thuẫn giai cấp trong xã hội đang sâu sắc thì Nicolas I đẩy nước Nga vào cuộc chiến tranh Crưm 1853-1856 giữa Nga và Anh, Pháp. Trong cuộc chiến tranh này, sự lạc hậu về mọi mặt của Nga so với các nước làm Nga nhanh chóng thất bại.
Sự thất bại của Nga trong chiến tranh Crimeé làm cho sự căm thù của quần chúng đối với giai cấp thống trị ngày càng sâu sắc. Từ 1858-1860 đã có hơn 100 cuộc đấu tranh của nông dân chống địa chủ. Lênin nhận định về tình hình nước Nga lúc bấy giờ như sau: Trong những điều kiện như thế, người chính khách thận trọng và tỉnh táo nhất sẽ phải nhận rằng một cuộc cách mạng rất có thể xảy ra, khởi nghĩa nông dân là một nguy cơ rất có căn cứ....
Vì vậy, yêu cầu cải cách chế độ là một yêu cầu bức thiết đối với giai cấp thống trị Nga nếu không muốn có một cuộc cách mạng bùng nổ từ bên dưới.
II. NHỮNG CẢI CÁCH THỜI ALEXANDRE II
1. Cải cách ruộng đất 19.2.1861.
Ngày 19.2.1861, Nga hoàng ký những văn bản pháp luật về việc những nông dân được giải phóng khỏi sự lệ thuộc nông nô và một bản "tuyên ngôn" về việc xóa bỏ chế độ nông nô: nông dân được tự do thân thể, có quyền tư hữu, được tham gia những hoạt động công thương nghiệp, được trao đổi ký kết giao kèo với những người khác, được đệ đơn đi kiện....Cải cách 19.2 xuất phát từ nguyên tắc quyền sở hữu phong kiến thuộc địa chủ, vì vậy nông dân phải chịu những điều khoản nặng nề để được chuộc tự do về thân thể. Việc điều chỉnh quan hệ kinh tế giữa địa chủ và nông dân sẽ được tiến hành trong hai năm: địa chủ sẽ thảo ra bản khế ước để qui định về số lượng đất đai mà nông dân được sử dụng. Trong thời gian đó, nông dân phải chịu theo nghĩa vụ tạm thời để phục vụ cho địa chủ. Họ chỉ được tự do và trở thành sở hữu mảnh ruộng khi địa chủ đã ký cho họ chuộc lại ruộng đất. Phần lớn nông dân không đủ tiền nộp chuộc nên chính phủ phải làm trung gian: chính phủ trả cho địa chủ 80% số tiền chuộc, nông dân phải trả lại số nợ ấy lẫn lãi cho chính phủ.
Trong khi thực hiện sắc lệnh cải cách ruộng đất, địa chủ tìm cách cắt đất của nông dân, có nơi lên đến 20-40% diện tích, đa số là đất tốt.. Nông dân chỉ được nhận những phần đất cằn cỗi, xác xơ. Cải cách ruộng đất này thực chất chỉ là sự ăn cướp của nông dân theo nhận xét của Lênin.
Sắc lệnh 19.2 làm cho mọi tầng lớp nông dân thất vọng vì đời sống của họ vẫn không thay đổi bao nhiêu so với trước đó. Giai cấp thống trị vẫn là địa chủ. Chúng chiếm một khối lượng ruộng đất rộng lớn và nông dân vẫn phải chịu sự bóc lột nặng nề. Nga hoàng là một tên địa chủ lớn nhất với 7 triệu mẫu đất, nhiều hơn số ruộng đất của nửa triệu gia đình nông dân.
2. Những cải cách khác.
-Tư pháp: Tòa án xét xử công khai, có bồi thẩm đoàn, có luật sư bào chữa thay cho tòa án xử theo đẳng cấp.
- Cải cách quân sự: Thiết lập chế độ quân dịch, thời hạn phục vụ trong quân đội từ 25 năm giảm xuống còn 6-7 năm. Trang bị kỹ thuật cho quân đội được cải tiến. Thành lập các hạm đội.
-Hành chính: Cơ quan cai trị địa phương do bầu cử nhưng với những điều kiện hết sức khắt khe nhằm đảm bảo ưu thế của giới quí tộc, địa chủ.
- Gíáo dục: chính phủ hỗ trợ xây dựng trường tiểu học và học viện kỹ thuật, hạn chế chế độ kiểm duyệt, đưa khoa học vào chương trình đào tạo ở Ðại học.
III. KẾT QUẢ - Ý NGHĨA
- Trong khi các nước phương Tây thực hiện cách mạng thì giai cấp tư sản Nga tỏ ra yếu ớt, không đảm đương vai trò lịch sử lãnh đạo cách mạng ở Nga. Chính phủ Nga hoàng phải ban hành những cải cách nhằm xoa dịu phong trào của quần chúng nhân dân.
- Ðiều luật 19.2 và những cải cách khác đã tạo điều kiện nhất định cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga, tạo nguồn nhân công cho sự phát triển công nghiệp, nâng cao địa vị giai cấp tư sản. Ðó là một bước trên con đường cải biến chế độ phong kiến thành nền quân chủ tư sản. Những cải cách mang tính tư sản nầy tạo điều kiện cho việc phát triển những yếu tố của quan hệ sản xuất TBCN trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở Nga.
- Nhưng cải cách ở Nga là một cuộc cải cách không triệt để vì vẫn còn những tàn tích của chế độ phong kiến trên đất nước Nga: chính quyền chuyên chế vẫn nằm trong tay Nga hoàng, các cơ quan hành chính địa phương vẫn phụ thuộc Nga hoàng. Nông dân vẫn phải chịu tô thuế và nghĩa vụ tạm thời.....Vì vậy, yêu cầu của nước Nga là phải tiến hành một cuộc cách mạng tư sản, thực hiện triệt để việc xóa bỏ chế độ phong kiến, đó là nghĩa vụ mà giai cấp vô sản Nga phải làm trong đầu thế kỷ XX.
(Sưu tầm)