Cách nhìn cuộc đời và con người của Ngô Tất Tố qua tiểu thuyết Tắt đèn và phóng sự Việc làng

vanchuong83

New member
Xu
0
CÁCH NHÌN CUÔC ĐỜI VÀ CON NGƯỜI CỦA NGÔ TẤT TỐ QUA TIỂU THUYẾT “TẮT ĐÈN” VÀ PHÓNG SỰ “VIÊC LÀNG”

1. CÁCH NHÌN CUÔC ĐỜI VÀ CON NGƯỜI CỦA NGÔ TẤT TỐ QUA TIỂU THUYẾT “TẮT ĐÈN”

1.1 Cách nhìn cuộc đời của Ngô Tất Tố qua tiểu thuyết “Tắt đèn”

1.1.1 Với Ngô Tất Tố, hoàn cảnh xuất thân và điều kiện xã hội đã giúp ông có cái nhìn về bức tranh hiện thực của xã hội thực dân phong kiến một cách trung thực nhất. Ngô Tất Tố viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, văn tiểu phẩm... Thế nhưng nhắc đến tên tuổi của ông, người ta thường nghĩ ngay đến tác phẩm “Tắt đèn”. Điều này cũng dễ hiểu, bởi “đây là một tác phẩm thành công nhất của Ngô Tất Tố và cũng là tác phẩm có giá trị nhất trong dòng văn học hiện tực phê phán Việt Nam”. (Nguyễn Đức Đàn, Phan Cự Đệ- Bước đường phát triển tư tưởng nghệ thuật của Ngô Tất Tố) và là “Một cuốn tiểu thuyết có luận đề xã hội, hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác…”, theo đánh giá của Vũ Trọng Phụng. Thực ra, trước Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã có nhiều bài báo và tập phóng sự “Việc làng” viết về cuộc sống của người nông dân sau lũy tre làng. Tuy nhiên “Tắt đèn” vẫn là tác phẩm thành công hơn cả. Dư luận báo chí đương thời cho rằng với “Tắt đèn”, Ngô Tất Tố đã mang đến một cách nhìn mới, một cách miêu tả và biểu hiện mới trong nghệ thuật so với các nhà văn đương thời. Nhà văn không chỉ đề cập một vấn đề thời sự trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ - vấn đề nông dân, đặc biệt là vấn đề sưu thuế mà còn xây dựng được một hình tượng điển hình phụ nữ nông dân mạnh khỏe, lạc quan với những phẩm chất tốt đẹp. Viết tác phẩm “Tắt đèn”, Ngô Tất Tố không chỉ có cái nhìn sắc sảo, một sự am hiểu tường tận cuộc sống ở thôn quê mà điều quan trọng hơn là ông có một tình cảm gắn bó sâu nặng với người nông dân. Đọc những trang sách của nhà văn viết về thân phận nghèo khổ, bị dồn đẩy đến bước đường cùng, nhiều lúc ta có cảm giác như nước mắt của nhà văn chan hòa cùng nước mắt của nhân vật. Có thể nói, với “Tắt đèn, Việc làng” và nhiều bài báo khác của mình, Ngô Tất Tố thực sự đã trở thành người bạn đường đáng tin cậy của những người nông dân nghèo trước Cách mạng Tháng Tám. Đọc “Tắt đèn” của ông, chúng ta như đau những nỗi đau của nhân vật. Điều quan trọng hơn là trong cái nhìn của Ngô Tất Tố về cuộc đời và con người, độc giả đã thấy sức sống của con người Việt Nam trong xã hội cũ, không chịu khuất phục trước thế lực phong kiến tàn tạo.

1.1.2 “Tắt đèn” đã dựng lên một bức tranh xã hội chứa đựng mâu thuẫn giai cấp đối kháng giữa nông dân và bọn quan lại cường hào tham lam, dâm ô, độc ác

“Tắt đèn” là sự tổng hợp cả bề rộng và bề sâu những điều nhà văn đã quan sát, cảm xúc, suy nghĩ về cuộc sống người nông dân đương thời. Nông thôn ở đây không hiện ra với vẻ êm đềm, thơ mộng như trong văn chương lãng mạn đương thời mà hàng ngày, hàng giờ diễn ra những đàn áp, bóc lột đầy máu và nước mắt.

Ngô Tất Tố viết “Tắt đèn” năm 1937 . Ở thời điểm đó, vấn đề nông dân, vấn đề đấu tranh chống lại chính sách sưu thuế, áp bức bốc lột của bọn thực dân, quan lại, địa chủ, cường hào, đòi cải thiện đời sống cho người dân cày là một vấn đề lớn, trọng tâm của cách mạng. Đó là một đề tài lớn, phổ biến của văn học, nơi để lại những thành tựu nghệ thuật sáng giá trong văn nghiệp của những nhà văn tên tuổi: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan…tuy vậy, không một cây bút nào đề cập đến vấn đề nông dân một cách thiết tha, tập trung như Ngô Tất Tố. Lòng yêu nước, thương dân, tình cảm gắn bó với số phận người nông dân lao động vốn như một nội lực của ngòi bút Ngô Tất Tố.

Mở đầu tác phẩm là không khí căng thẳng, ngột ngạt của một làng quê trong những ngày sưu thuế. Cổng làng đóng lại, công việc cày bừa đình đốn, bọn lý trưởng, trương tuần chửi bới, quát tháo om sòm; Mấy tên cai lệ, lính cơ tay thước, roi song, dây thừng đi tróc người thiếu thuế. Tiếng trống, mõ, tù và inh ỏi, tiếng thét lác, đánh đập, tiếng kêu khóc thảm thiết vang lên như trong một cuộc săn người. Làng như một trại giam lớn mà những người nông dân “hiền như đất” là phạm nhân.

Cuộc đời của những người nông dân trong “Tắt đèn” thật cùng quẫn, cơ cực. Có thể nói “Tắt đèn” là bản tố khổ cho người nông dân. Đó là nỗi khổ do “cái thứ thuế bất nhân đánh vào đầu người hàng năm, “Tắt đèn” là câu chuyện khốn khổ của người làm ruộng nghèo phải bán con, lìa nhà đi ở vú để chạy cho xong một cái thẻ sưu” (Nguyễn Tuân - Văn nghệ, số 6, 1960). Trước Cách Mạng tháng Tám, thuế má là tai họa khủng khiếp nhất đối với người nông dân. Xoáy sâu vào thuế thân - một thứ thuế vô nhân đạo trong chính sách thuế khóa dã man của chế độ thuộc địa, “Tắt đèn” đã phơi bày đến tận cùng bản chất bóc lột xấu xa, bẩn thỉu của chế độ thực dân phong kiến Việt Nam.

Gia đình chị Dậu thuộc loại “nhất nhì trong hạng cùng đinh” nên sưu thuế đối với họ là một tai họa khủng khiếp hằng năm. Suốt mấy hôm nay, chị phải chạy vạy ngược xuôi để có tiền nộp suất sưu cho anh Dậu. Bọn nhà giàu chẳng những không cho vợ chồng chị vay mượn mà còn nhiếc móc, đe dọa. Anh Dậu đang ốm cũng bị bọn tay sai xông đến đánh trói, lôi ra đình cùm kẹp. Cảnh đánh đập hành hạ vì chóc nã thuế vô nhân đạo diễn đi diễn lại trong “Tắt đèn”. Nó đã trở thành “chuyện thường” ở cái làng Đông Xá, đặc biệt vào vụ sưu thuế. Sự è lưng chịu đựng sự bóc lột tàn bạo của bọn thực dân phong kiến đã là một phần của cuộc đời của người nông dân, và sự bóc lột bằng mọi thủ đoạn vô nhân tính đã là bản chất của giai cấp thống trị, bản chất của xã hội thực dân nửa phong kiến.

Bọn địa chủ cường hào tay sai của thực dân càng đánh đập tàn nhẫn bao nhiêu, nông dân càng phải lo cầm đồ, bán vợ, đợ con để nạp thuế. Thuế đánh vào người sống. Thuế đánh vào cả những xác chết. Vì xuất thuế của chồng và cái thẻ sưu của người em chồng “chết giở năm Tây” mà Chị Dậu bị dồn đẩy đến bước đường cùng: phải bòn bán hai gánh khoai, bán chó, rồi bán con, và cuối cùng bán xứ đi ở vú nhà quan huyện. Cả một chuỗi tai họa bám diết, thắt buộc người đàn bà. Thật là cùng đường. Giữa đình làng, tiếng kêu uất ức của chị vang lên thảm thiết. Chế độ sưu thuế cùng bọn cường hào, hương lí, địa chủ, quan lại vô nhân đạo đã dồn gia đình chị Dậu đến bước đường cùng.

Khơi sâu vào nỗi thống khổ và số phận thê thảm của người dân quê, “Tắt đèn”, do vậy là bản tố khổ quyết liệt, bênh vực quyền sống của họ, nói lên nguyện vọng tha thiết nhất của người nông dân đương thời đòi xóa bỏ chế độ bóc lột tàn bạo ấy. “Tắt đèn” đã dựng lên một bức tranh chân thực, điển hình về xã hội nông thôn Việt Nam đương thời, có sức tố cáo mãnh liệt. Tác phẩm đã thể hiện thật cảm động cuộc sống cùng quẫn, thê thảm của người nông dân lao động bị áp bức, bóc lột.

“Tắt đèn” không chỉ phản ánh chân thực nỗi thống khổ của người nông dân bị bần cùng hóa vì sưu thuế mà nó còn kết án gay gắt bộ máy thống trị tàn bạo ở nông thôn: quan lại, địa chủ, cường hào gian ác. Đứng đằng sau là bọn thực dân Pháp với chính sách thuế vô nhân đạo của chúng. Đó là những kẻ thù không đội trời chung của nhân dân lao động.

Qua mấy ngày sưu thuế – tác giả xoáy sâu vào nạn thuế thân, một thứ thuế dã man, quái gở, “một di tích Trung cổ” – tác phẩm đã vạch trần bộ mặt tàn bạo của trật tự thực dân nửa phong kiến và Tác phẩm tập trung làm nổi bật mối mâu thuẫn giai cấp đối kháng gay gắt trong lòng nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Tuy dung lượng không lớn, “Tắt đèn” đã đưa ra đủ mặt những đại diện của giai cấp thống trị trong xã hội nông thôn khi đó: Bọn địa chủ độc ác, keo kiệt; Bọn cường hào tham lam, thô lỗ; Bọn quan lại dâm ô bỉ ổi, bọn tay sai đầu trâu mặt ngựa... Đó là “lão phủ Từ Ân” đểu cáng, dâm ô; Đó là vợ chồng lão Nghị Quế với “cái đức không thèm biết chữ”, là “ông chủ lãi kiêm ông chủ ruộng” giả nhân giả nghĩa, không từ mọi thủ đoạn để cho vay nặng lãi, cướp đoạt ruộng đất và cả con cái của nông dân; Đó là cụ cố, đẻ ra “quan cụ” dâm ô trắng trợn; Đó là một lũ bậu sậu tổng lý, cường hào, cai lệ lúc nào cũng sẵn sàng “trị” dân bằng tay thước, dây thừng và những quả “phật thủ”. Sau bọn chúng, thấp thoáng bóng “ông Tây” với chính sách sưu thuế dã man. Mỗi lần sưu thuế là mỗi lần bọn địa chủ tha hồ mua rẻ đồ đạc của nông dân và cho vay lãi cắt cổ. Tất cả bọn người đó luôn tìm đủ mọi cách để bóc lột nhân dân lao động. Song song với thủ đoạn bóc lột là chính sách đàn áp tàn bạo. Đàn áp, đánh đập để bóc lột là hai mặt cấu thành bộ máy cai trị ở nông thôn trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Mặt thứ ba là dâm ô. Nếu như bọn hào lí đàn áp, bóc lột để chè chén, thuốc phiện thì bọn quan lại không từ bỏ cơ hội nào để bóc lột, tham nhũng và dâm dục.Từ lão phủ Từ Ân thì chuyên môn tẩm bổ để “thường xuyên rắc con trong thiên hạ” và cứ đến chiều thứ bảy thì lại dâng vợ cho quan trên để được thăng chức. Hắn xử chị Dậu theo cách: “Hãy vào trong giường này đã…rồi tao châm chước cho”, đến tên “quan cụ” đêm khuya lẻn vào buồng chị Dậu, người vú hầu của hắn: “Taaò! Taaò đây. Cụ .. đây. Nằm im”

Với thái độ yêu ghét dứt khoát, không chút mơ hồ, cách nhìn Ngô Tất Tố đã nhìn thấu bản chất tàn ác, xấu xa, mất hết tính người của chúng, miêu tả chúng bằng những nét sắc sảo, linh hoạt, phơi bày bản chất xấu xa, mục nát của những kẻ tự xưng là “cha mẹ” dân. Tại sao chúng có thể tác oai tác quái cho người nông dân? Là bởi vì chúng dựa vào thế lực thực dân Pháp để sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt người dân lao động thôn quê. Vì vậy, tuy không trực tiếp xuất đầu lộ diện, nhưng ta vẫn nhận ra thực dân Pháp là kẻ thù đầu sỏ số một của giai cấp nông dân, của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc.

Đối lập với cái nhìn căm thù đối với bọn thống trị nham hiểm, dâm ác, đê tiện, Ngô Tất Tố đã nhìn những người nông dân lao động cần cù, lương thiện, giàu lòng tương thân tương ái, giàu tinh thần lạc quan và tinh thần chiến đấu quyết liệt chống bọn áp bức bóc lột với đôi mắt cảm thông, yêu thương chân thành, tha thiết. Tiêu biểu là nhân vật Chị Dậu, một điển hình chân thực, sinh động, đẹp đẽ, khỏe mạnh về người phụ nữ nông dân lao động. Qua nhân vật chị Dậu, tác giả không những đồng cảm, xót thương cho nỗi khổ của người nông dân bị áp bức bóc lột mà còn khẳng định phẩm chất đẹp đẽ của họ, không gì có thể vùi dập. Tác phẩm có những trang thật cảm động miêu tả nỗi lòng người mẹ, người vợ của chị Dậu. Chị còn là một phụ nữ lao động đảm đang, tháo vát, thông minh, ý nhị. Sống trong nghèo khổ, chị vẫn có ý thức về nhân phẩm trong trắng mà mạnh mẽ, tiền tài không thể làm vẩn đục, bạo lực không thể khuất phục. Chị Dậu rất mực dịu hiền nhưng không yếu đuối. Khi cần, chị đã phản kháng dũng cảm, thể hiện một sức sống kiên cường bất khuất của người phụ nữ nông dân Việt Nam. Mặc dù sự phản kháng của chị còn mang tính tự phát, nhưng hành động vùng lên chống lại kẻ thù giai cấp của chị Dậu đã hé mở một xu thế tất yếu của lịch sử: có áp bức tất có đấu tranh, bạo lực phản cách mạng chỉ có thể bị dập tắt bằng bạo lực cách mạng.

“Tắt đèn” là một trong những thành tựu đặc sắc của tiểu thuyết Việt Nam trước Cách mạng. Trong tác phẩm, Ngô Tất Tố đã có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về bản chất và xu thế vận động của mối quan hệ giữa dân với nước, giữa nông dân với nhà cầm quyền ở nông thôn trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Kết cấu tác phẩm chặt chẽ, rất liền mạch, giàu kịch tính. Đặc biệt, với số trang ít ỏi, “Tắt đèn” đã dựng nên nhiều tính cách điển hình khá hoàn chỉnh trong một hoàn cảnh điển hình. Khi vừa ra đời, tác phẩm đã được dư luận tiến bộ nhiệt liệt hoan nghênh.


  1. Cách nhìn cuộc đời và con người của Ngô Tất Tố qua phóng sự “Việc làng”

Ngô Tất Tố sinh năm 1894 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, nay thuộc Bắc Ninh. Làng ông nằm ven bờ sông Đuống, một vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Nhưng trước Cách mạng Tháng Tám, đây cũng là nơi tồn tại rất nhiều hủ tục nặng nề, là tai họa cho biết bao gia đình nông dân nghèo khổ. Những cảnh tượng thương tâm này đã được Ngô Tất Tố kể lại khá chân thực và sinh động trong tập phóng sự “Việc làng” của mình. Hằng năm, ngoài các ngày lễ kỳ phúc về mùa xuân và mùa thu, lễ tế Thành hoàng lễ hạ điền, lễ thượng điền,… bọn kỳ mục trong làng lại lợi dụng mọi cơ hội để tổ chức chè chén, cờ bạc. Các lễ mua nhiêu, mua ấm, lễ khao, lễ vọng, lễ xin vào ngôi,… đều do bọn chúng bày ra, bắt nông dân đóng góp để ăn uống. Bọn kỳ mục làng nào càng xấu thì hủ tục tệ hại càng nhiều.

Việc làng - như một bổ sung cho “bức tranh quê” trong Tắt đèn. Theo tôi, trước 1945, cũng chưa có thiên phóng sự nào cho ta biết được nhiều đến thế về bộ mặt nông thôn trong tận chiều sâu những cội rễ của cả hai mặt phong tục và hủ tục, nó tồn tại dai dẳng đến thế, không chỉ đến thời Ngô Tất Tố viết Việc làng, mà cả cho đến hôm nay. Và do thế, bên cạnh giá trị văn học, tác phẩm của Ngô Tất Tố còn chứa đựng biết bao giá trị khác, mà các bộ môn khoa học như Văn hoá học, Xã hội học, Phong tục học, Dân tộc học cần phải tìm đến như những tài liệu tin cậy.

Phóng sự của Ngô Tất Tố chứa đựng một khối lượng kiến thức sâu rộng mà nhà văn có được qua con đường học hành và vốn sống phong phú ở làng quê. Nhà văn viết: “Tôi đã lăn lóc nhiều năm ở thôn quê… Tôi đem cái ổ hủ bại mọi rợ chắp lại làm thiên điều tra…”. Và qua tâm sự của cụ Thượng làng Lão Việt trong giờ hấp hối, Ngô Tất Tố bày tỏ cách nhìn, quan điểm của mình: Những cái tục lệ quái gở, mọi rợ mới được tự do kế tiếp nhau, chồng chất trên vai chúng tôi. Nhiều lúc tôi muốn hắt cái gánh nặng ấy đi, nhưng sức của mình không thể làm nổi, đành phải è cổ mà chịu. Một người chăm chỉ, cần kiệm, lao lực như tôi, chỉ vì một gánh tệ tục đè ép, đến nỗi suốt đời không ngóc đầu được, bây giờ sắp chết, gánh tệ tục ấy vẫn còn đè ép chưa tha, ông bảo có oan uổng không?

Chính sách ngu dân thâm độc của thực dân pháp cấu kết với giai cấp phong kiến để áp bức bóc lột dân ta. Chúng chủ trương duy trì các hủ tục, kìm hãm dân ta trong vòng ngu tối, lạc hậu. Chúng đề ra chính sách cải lương hương tục nhưng thực chất là để củng cố bộ máy cai trị cùng các hủ tục ở nông thôn để dễ bề sai khiến.

Qua phóng sự “Việc làng”, ta thấy ở thôn quê, cái tâm lí sống nhờ làng, chết nhờ làng hầu như là một tâm lí cổ truyền. Bọn thống trị đã lợi dụng tâm lí đó để khoác lên vai người nông dân nhiều gánh nặng. Câu châm ngôn Phép vua thua lệ làng thể hiện cái quyền tác phúc, tác họa quấy nhiễu nông dân của bọn cường hào địa chủ. Chúng còn tạo ra cái tâm lí tranh giành ngôi thứ địa vị, miếng ăn giữa làng: Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.

Ngô Tất Tố ghi lại cảnh vì một Góc chiếu giữa đình, mua chức lý Cựu, người nông dân phải bán trâu, bán ruộng lấy tiền nộp cho làng, khao làng một bữa, không những cơ nghiệp cả đời cơ cực tích cóp tan tành mà còn mang nợ, vợ lại phải đi làm vú già. Trong câu chuyện, ta thấy Ngô Tất Tố am hiểu đời sống ở nông thôn và tâm lí người nông dân khá sâu sắc. Qua bao thế hệ, bon thống trị đã nhồi sọ nông dân, tạo ra cái tâm lí thích danh vọng hão huyền. Ở đây, ông lại khéo dùng cái chức “lí cựu” nên càng làm nổi bật tính chất hư danh và hài hước của một tán trò hề bịp bợm. Và chức ông đám: “Phận sự của viên chức này đại khái chia ra hai hạng: Làng nào có riêng ông từ, ông tế, ông đám chỉ có một việc nuôi lợn cúng thần, người ta gọi là cai đám. Làng nào không có ông từ, ông tế, ông đám tuy không phải vì nhà thánh phụng dưỡng con heo, nhưng phải kiêm lĩnh cả hai chức đó, nghĩa là ngày thường ông đám là kẻ trông nom đình đền, khi có đình đám cúng bái, ông đám được súng sính mũ áo, làm chủ các cuộc tế lễ”. Chức thủ hiệu chỉ là người cầm dùi đánh trống. Khi làng có đám “thủ hiệu được có sở riêng tại đình, góp tiền, góp gạo ăn uống ở đó, khi nào đoạn đám mới về”. Những ngày rước thần, thủ hiệu được đóng đai, đi ủng, đội mũ võ, mặc áo thụng, có người che lọng có người cắp tráp đi hầu. “Xứng với bấy nhiêu sự sang trọng, ngoài những quần lành, áo mới, các vị thủ hiệu lúc nào cũng phải xỏ chân vào giầy, không được phép đi dép, đi guốc”. Những tục lệ hủ bại: Lệ nuôi “ông ỷ”, gà thờ, lệ vào ngôi của dân ngụ cư để được ngang hàng với những người khác. “Ở làng mà không có ngôi, thật là một sự nhục nhã. Những lúc tứ quý, kỳ phúc, người ta thì phần ăn, phần gói, mình thì chẳng có miếng gì. Những lúc hội hè đình đám, người ta rước cờ, rước quạt, mình chỉ đóng vai khiêng chiêng. Như thế cũng đã khổ rồi. Hơn nữa lỡ có cha già mẹ héo làng giáp có chôn cho đâu!”.

Hầu như tất cả các chuyện trong thiên phóng sự, Ngô Tất Tố đều cùng một cách trình bày rành mạch có sức thuyết phục khoa học như thế. Đây là một hủ tục hủ bại - Miếng thịt chùi dao: Việc nuôi lợn thờ. Hằng năm cứ đến ba mươi tháng Chạp thì rước ỷ thờ. Ngoài bữa khao làng 23 tháng ấy, hôm nay gia chủ lại phải thết làng một bữa cháo nữa, người ta gọi là “cháo xem ỷ”. Tiếng gọi là cháo kỳ thực vẫn chỉ là rượu và thịt. Người ta dùng đủ cờ, quạt, tàn, tán chiêng trống để rước ông ỷ ra đình. “Lễ đó mới là trình để bộ hạ của thần biết rằng: Ông ỷ nguyên vẹn, béo tốt, không có vết tích bệnh tật gì hết. Điều đó ở nước An Nam cũng không lạ. Thuở xưa làng Nghi Tàm còn phải tiến chim sâm cầm, mỗi lần có chim sắp sửa đem đi, đều phải trình qua quan Thượng, quan Bố tỉnh mình và mỗi lần xin được mấy chữ “vũ mao tề mỹ” của các ông ý đều phải tốn kém mấy chục quan tiền và lậy sầy trán là khác. Dương sao, âm vậy, người còn thế huống chi là thần”.

Và con dao dùng để làm thịt ông ỷ, pha thịt ông ỷ cũng như việc chùi con dao ấy (chùi dao bằng thịt) phải qua nhiều thủ tục lôi thôi. Chùi dao cũng như thái thịt là chức trách của bàn ba. Khi được lệnh, người đầu bàn ba cầm dao cắt một miếng “nầm”. “Nó là giải thịt ở bụng con lợn chạy theo chiều dài của một giẫy vú”. “Số thịt đó chỉ được một cân, lệ làng như vậy”. Người nào lên đến bàn ấy cũng có cái diệu thủ ấy. Hình như trong mắt của những người bàn ba “đã có một quả cân riêng, họ định bao nhiêu được bấy nhiêu, không phải dùng đến cân nữa”. Miếng nầm ấy dùng làm khăn chùi dao và ông đầu bàn ba được hưởng miếng thịt chùi dao. Giả sử người đầu bàn ba bận việc hay tang chế không có mặt ở đình, thì người dưới quyền làm thay việc đó, nhưng miếng thịt chùi dao vẫn là phần của người đầu bàn ba. Nếu miếng thịt ấy bị mất hoặc bị ăn cắp khi truy ra thì “kẻ phạm tội cực kỳ nguy ngập. Nghèo thì van xin mỏi gối, giàu thì bị làng mổ lợn ăn vạ”. Đó là lệ làng. Cái lệ làng mà bao kẻ quyền thế bám vào để “xôi thịt” và bao người dân lương thiện phải khốn đốn vì nó. Rồi lệ làng xôi mới “có lắm người chỉ sửa một “ván” xôi mới mà mất cả cơ nghiệp”. Cái lệ làng “có thể gây ra cho người ta một món nợ lãi chung thân không trả hết”.

Đúng là với Ngô Tất Tố, mỗi phóng sự là một công trình khảo cứu về xã hội, về văn hoá, phong tục mà ở đấy mỗi cái lệ làng là một thòng lọng xiết chặt vào số phận mỗi người dân quê. Đúng như đánh giá của Vũ Ngọc Phan “Ngô Tất Tố là một nhà nho mà đã viết được những thiên phóng sự, những thiên tiểu thuyết theo nghệ thuật Tây phương và ông đã viết bằng một ngòi bút đanh thép, khiến cho người tân học phải khen ngợi”. Trong những tác phẩm này, người đọc cảm nhận được đằng sau sự phân tích xã hội, là sự đồng cảm tha thiết của nhà văn với cuộc đời cay cực, tủi nhục, bế tắc của nông dân.

Thiên phóng sự Việc làng được coi là một trong những tác phẩm báo chí toàn diện và chi tiết nhất về bộ mặt nông thôn Việt Nam trước năm 1945. Thay cho lời kết, xin mượn lời Gs. Phong Lê nói về Việc làng: Việc làng phản ánh "tận chiều sâu những cội rễ của cả hai mặt phong tục và hủ tục, nó tồn tại dai dẳng đến thế, không chỉ đến thời Ngô Tất Tố viết Việc làng, mà cả cho đến hôm nay".



(Sưu tầm)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top