Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam: Ý nghĩa lịch sử và bài học

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM CỦA VIỆT NAM: Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC​

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tham luận của TS Phạm Tất Thắng - Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Cộng sản tại Hội thảo "Các cuộc Cách mạng trên thế giới trong thế kỷ XX” do Ủy ban Đặc biệt tổ chức các sự kiện nhân kỷ niệm 200 năm ngày Độc lập và 100 năm Cách mạng Mê-hi-cô.
Từ ngày 7 đến ngày 11-11- 2010, tại Thủ đô Mê-hi-cô đã diễn ra Hội thảo “Các cuộc Cách mạng trên thế giới trong thế kỷ XX” do Ủy ban Đặc biệt tổ chức các sự kiện nhân kỷ niệm 200 năm ngày Độc lập và 100 năm Cách mạng Mê-hi-cô. trực thuộc Thượng viện Mê-hi-cô tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của 6 đoàn quốc tế, đến từ Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba, An-giê-ri và Ni-ca-ra-goa, đại diện cho 6 cuộc cách mạng tiêu biểu nhất trong từng giai đoạn khác nhau của thế kỷ XX.


Từ cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã thi hành chính sách thống trị thâm độc và tàn bạo, thẳng tay chém giết những người Việt Nam yêu nước, cướp đoạt ruộng đất, tài nguyên, bóc lột tàn bạo và thực hiện chính sách ngu dân đối với người dân Việt Nam; chúng chia cắt Việt Nam thành 3 kỳ nhằm xóa tên nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Nhưng, thực dân Pháp luôn vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam. Các cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã liên tiếp nổ ra. Tuy vậy, sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc chưa thể thành công vì các lực lượng đấu tranh và những người yêu nước thiếu một hệ tư tưởng cách mạng, một lập trường đúng đắn về độc lập, tự do và phát triển xã hội, tiêu biểu cho nguyện vọng chung của cả dân tộc, đáp ứng xu thế tiến hóa của quốc gia dân tộc trong thời đại mới.

Trước đòi hỏi bức thiết của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là Nguyễn Ái Quốc đã nhận sứ mệnh lịch sử tìm một con đường mới cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Trên cơ sở nguồn giá trị văn hóa tư tưởng và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và nghiên cứu học hỏi, chọn lọc, tiếp thu nguồn giá trị văn hóa tư tưởng phương Đông và phương Tây, của các cuộc cách mạng tiêu biểu ở Mỹ, Pháp, đặc biệt là kinh nghiệm của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga- cuộc cách mạng mở ra nội dung mới của thời đại - thời đại quá độ của nhân loại từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra được một hệ tư tưởng cách mạng sáng tạo mang tầm vóc một học thuyết giải phóng và phát triển vì độc lập tự do của các dân tộc bị áp bức. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng trực tiếp để Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3-2-1930) - là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, một đội cách mạng tiên phong của dân tộc có đủ khả năng quy tụ, đoàn kết toàn dân tộc thành một khối, đấu tranh giành lại quyền độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Khi phát-xít Nhật tấn công Ðông Dương (tháng 9-1940), thực dân Pháp đầu hàng Nhật, nhân dân Việt Nam từ đó phải chịu hai tầng áp bức của quân phiệt Nhật và thực dân Pháp. Tháng 6-1941, Liên Xô tuyên chiến với phát -xít Đức. Sau đó, phe Đồng minh quốc tế chống phát-xít gồm Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ ra đời. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô và phe Đồng minh đập tan trục phát- xít Đức- Ý- Nhật là cơ hội, là điều kiện khách quan thuận lợi để nhân dân Việt Nam vùng lên giành chính quyền. Có một thực tế lịch sử là vào lúc đó, tháng 8-1945, khi mà điều kiện khách quan nhìn chung thuận lợi như nhau, nhưng chỉ có Việt Nam làm cách mạng thành công nhanh chóng và triệt để trong vòng 15 ngày, còn hầu hết các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng, đã không thể đứng lên làm cách mạng, giành chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám thành công do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân thành công của Cách mạng Tháng Tám là Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã biết kết hợp điều kiện khách quan thuận lợi từ bên ngoài với những điều kiện chủ quan trong nước đã được chuẩn bị và phát triển qua ba cao trào cách mạng: 1930-1931 và Xô-viết Nghệ Tĩnh, phong trào dân chủ 1936-1939 và cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945 với sức chiến đấu ngoan cường và hy sinh to lớn của biết bao đảng viên cộng sản, chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã ngã xuống vì độc lập tự do cho dân tộc. Trong bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 2-9-1945, Người khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy."

Nhưng sau ngày độc lập, đất nước Việt Nam lại phải đương đầu với sự phản kích điên cuồng của thực dân, đế quốc và các thế lực thù địch khác. Nhà nước cách mạng non trẻ đứng trước nhiều thử thách, khó khăn chồng chất, thù trong giặc ngoài... Tình thế đất nước cam go ví như “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng với thế và lực mới được tạo ra từ Cách mạng Tháng Tám, với một nhà nước kiểu mới và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam lại kiên cường bước vào cuộc trường chinh dài suốt 30 năm đầy hy sinh, gian khổ, lập lên chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đất nước thống nhất và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Sau 25 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, đất nước chúng tôi đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Kinh tế tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.200 USD, đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển. Lĩnh vực văn hóa- xã hội đạt những thành tựu quan trọng. Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi; chính trị- xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được củng cố; thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn thể nhân dân.

Những thành tựu của cách mạng Việt Nam trong 65 năm qua khẳng định những giá trị, tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 - cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đầu tiên trong lịch sử các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa do giai cấp công nhân lãnh đạo giành được thắng lợi, góp phần cùng lực lượng Đồng minh dân chủ quốc tế đánh bại chủ nghĩa phát-xít, đem lại hòa bình cho toàn thể nhân loại. Cách mạng Tháng Tám đã góp phần tích cực vào phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Vì lẽ đó, Cách mạng Tháng Tám được đánh giá là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình trong thế kỷ XX. Đó cũng là ý nghĩa quốc tế từ thắng lợi của cuộc cách mạng này.

Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến lỗi thời, đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, phát xít tàn bạo gần một thế kỷ đối với dân tộc chúng tôi, đưa đến sự thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đem lại quyền tự do, độc lập và quyền làm chủ thực sự cho nhân dân lao động. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh - trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng đã để lại nhiều bài học quý báu cho Đảng và nhân dân Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến lược độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước vững mạnh theo mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ở đây, chúng tôi chỉ tập trung nêu một số bài học quan trọng:

Bài học thứ nhất là sự nghiệp cách mạng phải do một đảng mác-xit tiên phong thật sự lãnh đạo, nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn cách mạng, đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn trong giải quyết các vấn đề quan trọng của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, như :

- Quan hệ giữa nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, giữa mục tiêu dân tộc và mục tiêu dân chủ, giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp.

- Quan hệ giữa mục tiêu chiến lược lâu dài và mục tiêu cụ thể trước mắt, giành thắng lợi từng bước, khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.

- Quan hệ giữa chiến lược và sách lược, phương pháp cách mạng, sử dụng đúng đắn các phương pháp đấu tranh phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể.

- Mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, giữa xây dựng Đảng và phát triển lực lượng cách mạng của quần chúng được tập hợp trong mặt trận dân tộc thống nhất.

- Quan hệ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa xây dựng lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh bên trong, nêu cao ý chí tự lực tự cường, độc lập tự chủ và sáng tạo với tranh thủ những điều kiện và thời cơ thuận lợi do tình hình thế giới đem lại...

Bài học thứ hai là vấn đề giành và giữ chính quyền hay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng một chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Giành chính quyền luôn là mục tiêu của bất cứ cuộc cách mạng nào. Nhưng không phải đợi đến khi phát động tổng khởi nghĩa toàn quốc thì Đảng Cộng sản Việt Nam mới đặt ra vấn đề giành chính quyền về tay nhân dân. Ngay từ tháng 5 - 1941, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang với các hình thức và quy mô thích hợp, giành chính quyền từng bộ phận, thành lập và mở rộng các căn cứ địa cách mạng và sẵn sàng chuyển sang hình thức tổng khởi nghĩa khi có điều kiện. Trong đấu tranh giành chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã biết sử dụng bạo lực cách mạng một cách thích hợp và đúng lúc để đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra bộ máy nhà nước mới của dân, do dân và vì dân. Bạo lực cách mạng được sử dụng ở Cách mạng Tháng Tám chính là sử dụng lực lượng chính trị và lực lượng quân sự, gắn kết hai hình thức đấu tranh là đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng để tiến lên giành chính quyền.

Từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thức đúng và đầy đủ về sức mạnh to lớn của đông đảo quần chúng nhân dân, sớm đề ra đường lối chiến lược giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và dân chủ, đáp ứng đúng nguyện vọng của đại đa số nhân dân là độc lập, tự do, người cày có ruộng. Chính vì thế Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Đây vừa là phương châm để vận động, tập hợp quần chúng, vừa là kết quả nếu thực hiện tốt phương châm đó. Thắng lợi to lớn và nhanh chóng của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã cho thấy, Đảng chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tổ chức để tập hợp quần chúng vào các đoàn thể yêu nước trong Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương (tháng 11-1939), Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát-xít Pháp - Nhật ở Đông Dương (tháng 11-1940), rồi đến Mặt trận Việt Minh (tháng 5-1941), như Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc, làm cơ sở để vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các công việc của cách mạng.

Giành chính quyền đã khó nhưng việc củng cố, bảo vệ và xây dựng chính quyền còn khó khăn hơn. Để giữ vững chính quyền, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ đã dựa chắc vào nhân dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để vượt qua mọi khó khăn trong nước, đấu tranh thắng lợi trước thù trong giặc ngoài. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận động nhân dân thực hiện tốt 3 nhiệm vụ cách mạng: chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Chính quyền cách mạng đã kịp thời ban hành các chính sách nhằm bồi dưỡng sức dân, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thi đua học chữ quốc ngữ, củng cố và mở rộng khối đoàn kết dân tộc, tổ chức đánh bại mọi âm mưu phản cách mạng, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh với kẻ thù và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Bài học thứ ba là vấn đề nắm bắt thời cơ, đề ra những quyết định chính xác và kịp thời phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Bất cứ một cuộc cách mạng nào đều phải biết tạo ra thời cơ và nắm bắt thời cơ. Chọn đúng thời cơ là một khoa học và một nghệ thuật. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945.

Nghệ thuật chỉ đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chọn đúng thời cơ, ra quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc được thể hiện cụ thể trong Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng tháng 3 năm 1945 "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" và bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc phát đi vào đêm ngày 13-8-1945 hiệu triệu toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Chọn thời điểm đó để phát động Tổng khởi nghĩa là quyết định sáng suốt. Bởi vì khi đó, cách mạng đã lên tới cao trào, lực lượng cách mạng lúc này đã lôi kéo được cả những tầng lớp trung gian. Vào thời điểm này, quân Nhật đã bại trận, mất tinh thần cao độ, chính quyền tay sai tan rã và đã tỏ thái độ đầu hàng lực lượng cách mạng. Thời cơ khởi nghĩa ngàn năm có một đã được chọn một cách chính xác trong khoảng 15 ngày trước khi quân Tưởng Giới Thạch và quân Anh đổ bộ vào Đông Dương dưới danh nghĩa giải giáp vũ khí của quân đội Nhật. Nếu phát động Tổng khởi nghĩa sớm hơn, nhân dân chúng tôi sẽ tổn hại nhiều xương máu. Nếu phát động Tổng khởi nghĩa muộn hơn, khi quân Đồng minh đã vào Đông Dương thì cách mạng Việt Nam sẽ mất đi thế chủ động của mình và sẽ gặp nhiều khó khăn khác.

Do chọn đúng thời cơ mà sức mạnh của nhân dân Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám đã được nhân lên gấp bội, đã tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong phạm vi cả nước trong thời gian ngắn mà ít phải đổ máu.

Tuy nhiên, như trên đã nói, mặc dù có thuận lợi khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan mới là nguyên nhân quyết định sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Đó là thắng lợi của đường lối chiến lược, sách lược chủ động và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử tuy đã lùi xa nhưng ý nghĩa lịch sử và giá trị những bài học của Cách mạng Tháng Tám cũng như thành quả 65 năm xây dựng đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vẫn mãi là hành trang, nguồn cổ vũ lớn lao để chúng tôi tiếp bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo: Tạp chí Cộng sản
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top