CÁCH MẠNG THÁNG 8: THẮNG LỢI CỦA KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN.
Cách mạng tháng tám 1945 được nhà sử học Dương Trung Quốc ví như cột mốc chia đôi thế kỷ, từ tối sang sáng đưa Việt Nam từ bùn lầy nước đọng của ngàn năm phong kiến, trăm năm thực dân trở thành một quốc gia độc lập. Sức mạnh làm nên thắng lợi đó là sức mạnh của lòng yêu nước, của một Đảng lãnh đạo chân chính, một đường lối cách mạng đúng đắn và hơn hết là sức mạnh của tình đoàn kết toàn dân.
Lịch sử đã chứng minh, đoàn kết trong việc trị thuỷ vốn là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên các quốc gia cổ đại phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Và chính sức mạnh của tình đoàn kết đã giúp Việt Nam vượt qua ngàn năm Bắc thuộc, chiến thắng biết bao kẻ thù xâm lược… Nhận thức được sức mạnh to lớn của tình đoàn kết nên trong suốt gần 100 năm đô hộ nước ta, núp dưới chiêu bài của "sứ mệnh khai hoá văn minh” thực dân Pháp đã thực thi chính sách “chia để trị” rất thâm độc, hòng khoét sâu thêm những dị biệt vốn có, làm cho các mâu thuẫn và những xung đột nội bộ trong lòng dân tộc Việt Nam ngày càng trở nên gay gắt hơn, làm cho khối đoàn kết dân tộc của người Việt Nam không thể nào được khôi phục và phát triển được nhằm dễ bề cai trị.
Để cứu nước, từ rất sớm các lãnh tụ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…đã sớm nhận ra rằng: chừng nào toàn dân tộc ta chưa thự sự đồng tâm, đoàn kết dưới một ngọn cờ thì chừng đó dân tộc ta chưa thể tự mình giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Vì thế, các cụ không ngừng kêu gọi lòng “ái quốc” và sự “đồng tâm”. Những lời kêu gọi thống thiết của các cụ đã châm mồi dấy lên một phong trào yêu nước mạnh mẽ. Song vì thiếu một cơ sở lý luận, thiếu những phương tiện, biện pháp cụ thể nên khối đại đoàn kết dân tộc chưa thể phát huy hết sức mạnh vốn có. Cũng vì thế mà các phong trào yêu nước lúc đó chưa thể thành công.
Cho đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết cách mạng tiên tiến nhất của thời đại thì Người đã tìm ra được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Từ đó Người tích cực chuẩn bị cho “ngày hồi sinh” của dân tộc. Ngay từ những bài học đầu tiên, Người đã chỉ ra rằng: "Kách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người" (Đường kách mệnh). Vì thế, khi ở trong nước xuất hiện 3 tổ chức cộng sản hoạt động ảnh hưởng lẫn nhau, Người đã kịp thời xuất hiện, với uy tín và tài năng của mình đã đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản và lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 lãnh đạo phong trào đấu tranh cứu nước.
Điểm thứ nhất trong “Năm điểm lớn” được Nguyễn ái Quốc đưa ra, coi như nguyên tắc để gạt bỏ các bất đồng trước đó và đi tới thống nhất phong trào cộng sản Việt Nam là: "Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương.” Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên sức mạnh tổng hợp của đoàn kết toàn dân chưa thực sự được phát huy cho đến khi mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh) ra đời. Mặt trận Việt Minh có chủ trương “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn".
Hội nghị Trung ương VIII của Đảng và sự ra đời của mặt trận Việt Minh đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc. Lần đầu tiên chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chính chủ nghĩa yêu nước, lời kêu gọi đoàn kết dân tộc đã được thay thế cho lời kêu gọi đoàn kết giai cấp và đấu tranh giai cấp. Như vậy, Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng mà còn góp phần nâng lực lượng của khối đại đoàn kết ấy lên gấp bội bằng việc biến khối đại đoàn kết thành một tổ chức có sức chiến đấu cao. Điều đó cho thấy, dân tộc ta đã biết cách đoàn kết hiệu quả nhất. Bởi quyền lực và sức mạnh đều thuộc về nhân dân. Chính quyền tự do, dân chủ đã tạo cơ hội, tạo không gian cho mỗi cá nhân phát huy được tối đa tiềm năng của mình. Cách mạng tháng 8 thành công vang dội, đánh đuổi thực dân Pháp, đưa nước ta thoát khỏi ách nô lệ, nhân dân ta được sống trong hoà bình, tự do là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh to lớn ấy.
Khi thời cơ cách mạng tới, nghe tin Nhật Hoàng đã chấp nhận đầu hàng Đồng Minh, ngay đêm 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc đã phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 15/8, tin Nhật đầu hàng chính thức được công bố. Theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 16/8 Quốc dân Đại hội họp thông qua đề nghị tổng khởi nghĩa của mặt trận Việt Minh là tượng trưng cho ý chí, nguyện vọng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, . Ở các điạ phương, trên cơ sở các chỉ thị trước đó, đa số cán bộ Đảng và Việt Minh cơ sở đã mau chóng tự quyết định khởi nghĩa giành chính quyền, không bỏ lỡ thời cơ. Và điều quan trọng hơn, quyết định đó được tuyệt đại đa số quân chúng nhân dân mọi tầng lớp ủng hộ, kể cả các lực lượng vốn đứng ngoài mặt trận Việt Minh. Kết quả là chỉ trong vòng khoảng hai tuần lễ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc đã giành lại được độc lập, tự do cho nước nhà.
Có thế nói, Cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc đoàn kết: thực sự đoàn kết, biết đoàn kết và đoàn kết đúng lúc, kịp thời...
Hoàng Anh