Chia Sẻ Cách mạng khoa học công nghệ - nhân tố thúc đẩy sự thống nhất của nền kinh tế thế giới

Trang Dimple

New member
Xu
38
Quá trình toàn cầu hoá (TCH) và khu vực hoá (KVH) nền kinh tế thế giới ngày nay đang diễn ra rất nhanh, mạnh và trở thành phổ biến trên thế giới. Quá trình này đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống quốc tế và đã gây ra những phản ứng thuận nghịch khác nhau đối với từng khu vực, từng quốc gia. Để thấy rõ được những ảnh hưởng của nó, trước hết cần nghiên cứu một nhân tố tạo ra quá trình TCH, KVH. Đó là sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trên thế giới hiện nay.

Theo tiến trình lịch sử, nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp. Nội dung cơ bản mỗi cuộc cách mạng ấy là sự thay thế các công cụ sản xuất thô sơ, thủ công cũng như thay thế các quá trình sản xuất lạc hậu, đơn biệt bằng việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất tiến dần lên từ cơ khí hoá đến tự động hoá, sản xuất kiểu dây truyền hiện đại, với những nguồn năng lượng mới... Cụ thể hơn, đó là việc cải tiến, thay thế, chế tạo ra những hệ thống công cụ mới, trên cơ sở đó, nâng cao năng suất lao động, tăng khối lượng của cải cho xã hội. Về mặt lý luận, điều này đã được C. Mác chỉ ra trong bộ Tư Bản khi ông nghiên cứu các giai đoạn phát triển của CNTB. Sự thay thế trên cho thấy một thực tế là ngày nay, khoa học - kỹ thuật đã trở thành một yếu tố trực tiếp của quá trình sản xuất, một yếu tố có vai trò hết sức quan trọng, chứ không như trước đây, giữa khoa học và sản xuất còn có sự cách biệt. Về tốc độ phát triển của khoa học - kỹ thuật cũng rất nhanh chóng : chu kỳ thay thế sản phẩm ngày nay chỉ cần từ 3 - 5 năm, thay cho từ 15 - 20 năm như trước đây. Sự phát triển này đã làm xuất hiện những thuật ngữ mới như nghiên cứu và triển khai, khoa học ứng dụng...

Khoa học - kỹ thuật không chỉ dừng ở đó, mà còn có sự phát triển tiếp tục. Trong những thập kỷ gần đây, nó đã có sự chuyển biến về chất, vì thế cách mạng khoa học - kỹ thuật đã trở thành cách mạng khoa học - công nghệ (CM KH-CN). Giờ đây, không chỉ là việc cải tiến các công cụ sản xuất, mà là sự thay đổi hoàn toàn phương thức tạo ra sản phẩm, do vậy, các phương pháp, cách thức sản xuất cổ điển, truyền thống nay không còn thích hợp nữa.

Để thích ứng với phương thức mới đó, rõ ràng là phải có hàng loạt những yêu cầu đi theo : Phải sử dụng các loại nguyên liệu, năng lượng, quy trình mới... Ví dụ, với loại động cơ Vanken, thì không thể dùng các loại sắt, thép như trước để làm xi lanh, pittông : Phải có những vật liệu mới chịu được áp suất, nhiệt độ cao, sự mài mòn lớn... Trong quá trình này, công nghệ tin học đã góp phần đắc lực vào việc tìm kiếm những giải pháp mới cho sự thành công. Gần đây nhất là kỹ thuật sinh sản vô phối càng cho thấy rõ hơn tác động tích cực của CM KH-CN. Xét riêng trong sản xuất, điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn về nhiều phương diện. Đi cùng với sự thay đổi về yêu cầu, điều kiện của sản xuất, là sự thay đổi về tư duy kinh tế, thậm chí cả việc nhận thức mới về sự phát triển của xã hội. Trước đây, chỉ với sự phát triển của đại công nghiệp, mà đã phá vỡ cả những quan hệ xã hội truyền thống, ví dụ những quan hệ trong gia đình hay vai trò của người phụ nữ trong cả gia đình và xã hội.

Sự tác động của CM KH - CN đến quá trình THC, KVH nền KTTG đã được nói đến nhiều. Bài viết này chỉ bàn đến sự tác động của cách mạng khoa học công nghệ với tư cách là một nhân tố tạo nên sự thống nhất của nền KTTG.

Xét từ góc độ phương thức sản xuất, những thay đổi về kết cấu sản xuất nói trên do CM KH - CN đã tạo ra sự phát triển mới của LLSX - sự nhảy vọt về chất trong LLSX thế giới : dẫn đến sự tăng trưởng hết sức mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 20 năm (1970 - 1990) sản xuất của cải trên thế giới đã tăng 2 lần, tức là vượt khối lượng được sản xuất ra trong 230 năm trước (1740 - 1970). Theo qui luật phát triển, sự nhảy vọt đó kéo theo hàng loạt vấn đề không chỉ kinh tế đơn thuần. Quan hệ sản xuất giờ đây đang có sự thay đổi để thích ứng với trình độ mới của LLSX.

Xét riêng trên góc độ của quá trình tái sản xuất, chúng ta thấy sự phát triển của LLSX sẽ dẫn tới mấy vấn đề :

Thứ nhất, LLSX phát triển sẽ làm cho qui mô sản xuất lớn lên, kéo theo nhu cầu và khối lượng vốn cũng tăng lên.

Trong điều kiện hiện nay, điều đó đòi hỏi phải mở rộng địa bàn, phạm vi thu hút vốn, mở rộng sự liên kết, hợp tác với bên ngoài thì mới giải quyết được yêu cầu về vốn nói trên.

Mặt khác, khi qui mô sản xuất lớn thì khối lượng sản phẩm làm ra cũng tăng lên, do vậy, thị trường tiêu thụ cũng phải mở rộng ra, không thể chỉ giới hạn trong phạm vi những thị trường truyền thống nữa. Điều này sẽ xảy ra ở hàng loạt các nước, ở nhiều khu vực trên thế giới, tất yếu đặt ra yêu cầu các nước phải xâm nhập thị trường của nhau, phải mở cửa cho nhau.

Cần phải thấy rằng thị trường thế giới là yếu tố làm cho nền kinh tế thế giới trở nên thống nhất với nhau ở chỗ, nó vừa là đầu ra, vừa là đầu vào của mọi quá trình sản xuất đối với bất cứ nền kinh tế mở nào. Thông qua đó, vừa phụ thuộc lẫn nhau, vừa khắc phục điểm yếu và phát huy thế mạnh của mình theo lý thuyết lợi thế so sánh.

Cũng phải nói thêm rằng, trong vấn đề vốn, có một khía cạnh rất thú vị : Trong khi có những chủ thể kinh tế thiếu vốn, cần vốn thì lại có tình trạng là nhiều quốc gia, tổ chức có nhiều, thậm chí thừa vốn, cần phải cho vay. Nhưng thực tế rất trớ trêu là hoặc không có người vay, hoặc người vay không trả được nợ - trong khi đồng vốn không thể "nằm chết" một chỗ. Thế là xuất hiện tình hình các chủ nợ, bên cho vay phải thương lượng, giúp đỡ con nợ để họ làm ăn. Các con nợ này có dư dật thì chủ nợ mới hy vọng thu được lợi nhuận. Sự ràng buộc, phụ thuộc trên thế giới ngày nay phát triển thật đa dạng và phong phú, không chỉ còn là một chiều như trước. Tác động này làm sâu sắc hơn mối quan hệ qua lại giữa các nước, làm mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế trên phạm vi toàn cầu.

Thứ hai, như ta đã biết, LLSX càng phát triển bao nhiêu thì chuyên môn hoá càng sâu sắc bấy nhiêu, tức là phân công lao động càng hoàn thiện và đầy đủ bấy nhiêu.

Trong điều kiện hiện nay, khi thế giới đang đi vào phát triển theo chiều sâu thì phân công lao động ngày càng có tính chất quốc tế. Nói cách khác, sự ràng buộc giữa các quốc gia càng trở nên chặt chẽ và rộng rãi hơn. Chúng ta rất quen với những thuật ngữ như "sự tuỳ thuộc", "sự phụ thuộc lẫn nhau". Ngày nay các quốc gia không chỉ trao đổi các sản phẩm đã hoàn thiện với nhau, mà thậm chí còn trao đổi từng bộ phận sản phẩm cho nhau. Bởi vậy, mới có tình trạng một loại hàng hoá có thể được sản xuất ở nhiều nước khác nhau, mỗi nơi một bộ phận rồi lắp ráp lại... Chẳng hạn, để sản xuất máy bay Boing, có tới 650 công ty của thế giới tham gia và được đặt ở hơn 30 nước. ôtô Ford cũng vậy, có 165 công ty ở 20 nước tham gia sản xuất.

Trong điều kiện phát triển giao thông vận tải, viễn thông ngày nay, người ta có thể tiến hành nghiên cứu sản phẩm ở một nước, sản xuất nó ở nước khác, tiêu thụ ở nước thứ ba, chuyển lợi nhuận đến nước thứ tư... Quá trình này càng mở rộng bao nhiêu thì chuyên môn hoá càng sâu bấy nhiêu và như vậy đã xuất hiện việc phân công lao động trên phạm vi quốc tế. Tính thống nhất của nền kinh tế thế giới làm cho toàn bộ quá trình sản xuất như một dây chuyền - một "dây chuyền quốc tế" - cả về phạm vi và quy mô. Sự phát triển của LLSX tất yếu dẫn đến TCH, KVH.

Thứ ba, xét từ góc độ chủ thể của quá trình sản xuất, ta thấy rằng, để thích ứng với một trình độ của LLSX cụ thể, tất phải có một trình độ quản lý tương ứng. Trong khi đó, trình độ này, tức khả năng của con người là một yếu tố có cái gì đó rất riêng - nó phụ thuộc vào từng con người, từng quốc gia cụ thể, như một năng lực bẩm sinh, không phải ai cũng có được. Thêm vào đó, các phương tiện để quản lý cũng rất khác nhau như các loại máy văn phòng, các "thư ký rôbốt"... mà ở mỗi quốc gia, tuỳ khả năng, điều kiện của mình sẽ có được ở những mức độ khác nhau. Bởi vậy để đạt được trình độ quản lý cao, tất yếu các nước cũng phải trao đổi phương tiện, kinh nghiệm cho nhau, thậm chí còn phải giúp đỡ lẫn nhau nâng cao trình độ. Cũng giống như trong vấn đề vốn đã phân tích trong phần trên, ở đây lại thêm một biểu hiện mới của sự gắn kết, xích lại gần nhau của thế giới này. Việc nối mạng Internet, việc các nước phát triển mở những lớp bồi dưỡng kiến thức cho các nước khác là những ví dụ cụ thể cho vấn đề trên đây.

Bên cạnh những vấn đề trên, sự phát triển của LLSX, xét trên góc độ chính trị xã hội còn có tác dụng thúc đẩy chiến tranh lạnh kết thúc, thúc đẩy quá trình TCH, KVH diễn ra nhanh hơn. Đồng thời với sự phát triển nhanh chóng của CMKH - CN sản xuất tăng nhanh cũng đã dẫn tới nhiều vấn đề khác như môi trường, dân số... mà xét trên góc độ kinh tế cũng là những vấn đề liên quan đến nhiều quốc gia, khu vực. Việc giải quyết chúng không thể giới hạn trong phạm vi một quốc gia. Cả thế giới này phải chung lưng đấu cật với nhau mới hy vọng có thể giải quyết được những vấn đề nan giải đó.

Sự phát triển trên đây của nền kinh tế thế giới đã cuốn hút hầu hết các quốc gia vào dòng chảy của nó. Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung đó cho nên nền kinh tế nước ta cũng chịu những ảnh hưởng và tác động của quá trình ấy.

Để thấy được những tác động của xu thế này, trước hết cần phải xem xét những đặc điểm cơ bản hiện nay của nền kinh tế nước ta. Sau 10 năm đổi mới, đến nay về cơ bản chúng ta đã ra khỏi khủng hoảng, bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, những yếu kém, tồn tại trong nền kinh tế này cũng không ít : cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém, năng suất lao động và thu nhập thấp. Đội ngũ cán bộ quản lý vừa yếu vừa thiếu. Điều đó đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải lựa chọn hết sức thận trọng, nhưng cũng phải linh hoạt một chiến lược cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế TCH, KVH hiện nay.

Trên quan điểm đó, có thể thấy hiện nay, chúng ta có những thuận lợi cơ bản là :

- Có thể kế thừa, tiếp thu, sử dụng những thành tựu to lớn của cuộc CM - KHKT. Đây là lợi thế của những nước đi sau. Nếu như trước đây, chu kỳ sống quốc tế của mỗi sản phẩm có thể từ 15-20 năm thì ngày nay, nó chỉ còn từ 3-5 năm. Với tốc độ đó, các phát minh, sáng chế trở thành tài sản của nhân loại sẽ ngày càng nhiều và nhanh hơn, do vậy, chúng ta sẽ có nhiều điều kiện để ứng dụng, thừa hưởng những thành tựu đó.

- Thị trường thế giới ngày nay càng rộng lớn về quy mô, hoàn thiện về cơ chế hoạt động. Nền kinh tế nước ta sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển bởi khả năng cung và cầu sẽ rộng lớn và nhanh nhạy hơn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một chiến lược kinh tế sao cho phù hợp với hoàn cảnh trong nước và trên thế giới.

- Các thể chế của khu vực và của thế giới ngày càng đầy đủ và hoàn chỉnh, giúp cho hoạt động kinh tế của ta có hiệu quả hơn. Đây là cơ hội để chúng ta có thể tham gia vào đời sống kinh tế quốc tế một cách bình đẳng, qua đó thể hiện được khả năng và vai trò của mình.

- Có điều kiện để học hỏi, tiếp thu, trao đổi, nâng cao trình độ, kinh nghiệm quản lý với thế giới. Đây là điều rất có ý nghĩa bởi như trên đã cho thấy, vai trò của lao động trí tuệ ngày càng tăng. Không tiếp cận được vấn đề này thì không thể nâng cao được hiệu quả kinh tế.

- Có thể tiếp thu được nguồn vốn đầu tư của quốc tế, qua đó, mở rộng sản xuất, giải quyết công ăn việc làm, ổn định và cải thiện đời sống xã hội. Nhờ có vốn, chúng ta mới khai thác được các lợi thế của mình, qua đó, tham gia vào quá trình hợp tác và phân công lao động quốc tế. Theo lý thuyết về tăng trưởng và phát triển kinh tế, đây chính là "cú hích" để phá vỡ cái "vòng luẩn quẩn" ở những nước chậm phát triển.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức là :

- Nguy cơ tụt hậu về kinh tế do trình độ xuất phát điểm còn quá thấp. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải tìm ra những lối đi tắt, những bước nhảy vọt thì mới tiến kịp được các nước khác. Nếu chúng ta cứ tiến bước một cách tuần tự thì sẽ mãi mãi theo sau nhân loại với những khoảng cách ngày càng xa. Công nghiệp hoá và hiện đại hoá chính là phương thức giải quyết khó khăn này. Thực tế cho thấy các nước NICs đều có chiến lược đón đầu ; nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật nên mới thành công như ngày nay.

- Khả năng ứng dụng các thành tựu KH-CN còn hạn chế. Chính vì thế, phải có chính sách lựa chọn những công nghệ cho thích hợp với điều kiện của ta. ở đây, mô hình "kết cấu 2 tầng" về kỹ thuật của các nước phát triển cho chúng ta một gợi ý hay về ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

- "Luật chơi" của thị trường thế giới ngày nay đang bình đẳng hơn trước, do vậy cạnh tranh sẽ lớn hơn, sức ép đối với nền kinh tế sẽ cao hơn. Như vậy, đồng thời với việc chúng ta phải cố gắng vươn lên, thì việc tìm ra lối đi riêng cho mình, tìm ra chỗ để "lách" vào thị trường thế giới bằng những lợi thế của mình là hết sức quan trọng, nếu không quá trình hòa nhập của chúng ta sẽ rất dễ dẫn đến quá trình bị "hòa tan".

- Trình độ quản lý còn thấp, tác phong, ý thức của nền sản xuất nhỏ sẽ làm giảm hiệu quả của các hoạt động kinh tế. Để có được một trình độ như mong muốn là cả một quá trình lâu dài, do vậy đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ, nâng cao tay nghề cho người lao động là yêu cầu hết sức cấp bách hiện nay. ở đây, cần phải sử dụng các biện pháp giáo dục bằng kinh tế, vì nó có hiệu quả và tác dụng rất cao.

- Các hiện tượng tiêu cực trong quản lý, trong xã hội làm giảm sức hấp dẫn của đầu tư nước ngoài. Do vậy, cải cách, hoàn thiện bộ máy hành chính, hệ thống pháp luật là rất cần thiết. Đặc biệt, cần phải nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng./.

Tài liệu tham khảo :

- Những xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới hiện tại. Tạp chí "Những vấn đề KTTG". Số 1 - 9, 10/1989.

- Cách mạng KH-CN và những biến đổi trong kết cấu vật chất KT-XH. Tạp chí "Những vấn đề KTTG" số 4 (24).

- Tuần báo quốc tế - Số 3 (220).

- Kinh tế 96-97 - Thời báo kinh tế./.

Tác giả: Nguyễn Văn Lịch.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top