"Cách Mạng Dân Tộc:" Thực Chất của một Huyền Thoại trong Lịch Sử Việt Nam Cận Đại

  • Thread starter Thread starter Butco
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butco

New member
Xu
0
Tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Đông Dương núp dưới chiêu bài Việt Minh đã dùng thủ đoạn cướp chính quyền tại Hà Nội. Biến cố lịch sử đó đã ảnh hưởng sâu rộng đến sinh mạng của dân tộc Việt Nam suốt chiều dài 6 thập niên kế tiếp.

Tháng 8 năm 2005, đất nước Việt Nam đang bị cai trị bởi các thuộc hạ của Hồ trong đảng Cộng Sản Việt Nam, với một hiến pháp công nhận sự lãnh đạo vĩnh viễn của đảng và một chế độ chuyên chính còn tàn độc khắc nghiệt gấp bội phần so với chế độ quân chủ thời nhà Nguyễn.

Mỗi năm vào dịp này, trong khi trong nước "đảng và nhà nước" đang tổ chức mừng kỷ niệm "cuộc cách mạng tháng 8 của dân tộc Việt Nam," thì người Việt hải ngoại hướng về quê nhà, ngậm ngùi cho số phận của 80 triệu dân lành, không biết đến bao giờ mới thoát được vòng kềm tỏa của "đảng và nhà nước."

Có thật biến cố 8/45 đúng là "cuộc cách mạng dân tộc" như người Cộng Sản khoe khoang không, hay chỉ là một huyền thoại? Thực chất và ảnh hưởng của nó trên dân tộc VN như thế nào? Làm sao để tiến hành một cuộc cách mạng dân tộc chân chính?

Năm 1945: Đoạn kết của cuộc Đệ Nhị Thế Chiến


Đầu năm 1945, trong lúc cuộc Đệ Nhị Thế Chiến bắt đầu đến hồi tàn lụi với sự bại trận của Ý và Đức ở Âu Châu và Phi Châu, thì tại Á Châu, Nhật vẫn tiến quân mạnh mẽ trong chiến lược Đại Đông Á, tiến chiếm Hoa Lục và các quốc gia vùng Đông Nam Á.

Từ ngày 9 tháng 3 năm 1945, sau khi đánh đuổi Pháp và tiến chiếm toàn cõi Đông Dương, Nhật hứa trao trả độc lập cho Việt Nam trong một hời gian ngắn. Ngày 11-3-45, từ Huế, Vua Bảo Đại tuyên bố quốc gia độc lập, hủy bỏ Hòa Ước 1984 đối với Pháp, ủy cho học giả Trần Trọng Kim thành lập nội các thân Nhật, thay thế nội các thân Pháp. Ngày 17-4-45, Trần Trọng Kim trình danh sách chính phủ mới, được xem là chính phủ của một quốc gia Việt Nam độc lập đầu tiên.

Chưa được bao lâu, tình thế biến chuyển nhanh chóng của thế giới lại ảnh hưởng vào nội tình Việt Nam. Ngày 1 tháng 4, Mỹ đổ bộ Okinawa. Ngày 28-4, Mussolini của Ý bị giết. Ngày 1-5, Hitler tự tử tại Berlin. Ngày 2-5, Đức và Ý chính thức đầu hàng Đồng Minh. Trong khi đó, tại Á Châu, Nhật gắng gượng chiến đấu trên mặt trận Á Châu với chiến thuật Hara-kiri, cho phi công lao máy bay xuống các tàu chiến hay căn cứ của Mỹ.

Trong khoảng thời gian này, Hồ Chí Minh đang ở vùng Cao Bằng. Một hôm, một toán quân của Võ Nguyên Giáp tìm cứu được một phi công Mỹ đã bị súng phòng không Nhật bắn hạ. Hồ Chí Minh liền đưa sang Trung Hoa giao trả cho bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Côn Minh. Nhờ công này, Hồ được Charles Fenn, sĩ quan điệp báo OSS của Mỹ kết nạp làm điệp viên với bí danh Lucius. Sau đó qua sự giới thiệu của Fenn, Hồ được yết kiến tướng Mỹ là Chennault, được Chennault tặng cho tấm hình và vài khẩu súng lục. Cuối tháng 4-45, Hồ sang Côn Minh và được giới thiệu với Archimedes Patti, đại úy OSS phụ trách Đông Dương để xin huấn luyện cho bộ đội Việt Minh nhằm mục đích cứu phi công Mỹ bị bắn hạ và phòng chống Nhật.

Ngày 6 tháng 8, sau nhiều lần kêu gọi Nhật đầu hàng nhưng không kết quả, Mỹ quyết định cho dội trái bom nguyên tử đầu tiên Thin Man lên vùng Hiroshima, tàn phá cả thành phố, gây tử thương cho 66 ngàn người. Ba hôm sau, thấy Nhật vẫn chưa chịu đầu hàng, Mỹ thả trái bom nguyên tử thứ hai mang tên Fat Man xuống vùng Nagasaki, sát hại gần 100 ngàn người. Kèm theo hai quả bom này là lời tuyên bố của Hoa Kỳ sẽ ném trái bom thứ ba xuống thủ đô Tokyo, sẽ sát hại hàng triệu người, nếu Nhật không chịu đầu hàng vô điều kiện (thật ra đó chỉ là lời dọa vì bấy giờ Hoa Kỳ chỉ mới chế tạo được hai quả bom nguyên tử thôi).

Ngày hôm sau Nhật Hoàng Hirohito nhờ Thụy Điển làm trung gian xin đầu hàng.

Năm 1945: Triều đại quân chủ Nhà Nguyễn cáo chung


Biến cố lịch sử trên làm rúng động tình hình chính trị tại Việt Nam. Kể từ 10 tháng 8, khắp ba miền, các biến chuyển thời sự dồn dập cho đến cuối tháng 8.

Tại Thuận Hóa, chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim từ chức, nhưng riêng ông Trần Trọng Kim lại được vua Bảo Đại ủy nhiệm lập nội các mới. Tuy vậy, ông đã không mời được người tham gia chính phủ mới vì không ai muốn phục vụ dưới một chế độ thân Nhật nữa. Nhiều tổ chức mới ra đời như:

- Phong Trào Phụng Sự Quốc Gia của ông Trần Văn Cương tổ chức biểu tình tại Hà Nội ngày 12-8-45, hô hào dân chúng đoàn kết cứu nước.

- Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt được thành lập tại Sài Gòn ngày 14-8-45, gồm Cao Đài, Hòa Hảo, Liên Đoàn Công Chức, Thanh Niên Tiền Phong, và Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng.

- Đảng Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế gồm Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Chu Văn Tấn, Phạm Văn Đồng, v.v... núp dưới danh hiệu Mặt Trận Việt Minh triệu tập "Đại Hội Quốc Dân" tại Tuyên Quang ngày 16-8-45, tuyên bố thành lập nước "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" và phát động cuộc "tổng khởi nghĩa." Lúc bấy giờ rất ít người biết đến tung tích đích thực của những người này, nhưng tin đồn về Mặt Trận Việt Minh "tổng khởi nghĩa" tràn lan khắp nước.

Ngày 17-8-45, tại Thuận Hóa, vua Bảo Đại chủ tọa buổi họp chính phủ Trần Trọng Kim. Buổi họp đưa đến một số quyết định quan trọng của Bảo Đại như sau:

*Tái xác định hủy bỏ Hòa ước 1862 và 1864 mà Pháp đã ép Việt ký nhượng Nam Kỳ cho họ. Nhà vua cũng ra sắc lệnh thành lập Hội Đồng Tư Vấn tại Bắc Kỳ để hỏi ý muốn của dân và làm theo nguyện vọng của dân, kể cả sự thoái vị.
* Gởi thông điệp kêu gọi các quốc gia Đồng Minh giúp đỡ, bảo đảm nền độc lập của Việt Nam.
* Ban hành đạo dụ số 105 tình nguyện trao quyền điều hành đất nước cho một chính phủ "cộng hòa dân chủ" và sẵn sàng tuân theo thể chế mà nhân dân quyết định.
* Xuống chiếu tuyên bố cùng toàn dân rằng nhà vua đặt hạnh phúc của nhân dân lên trên ngai vàng nhà Nguyễn, "muốn làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nưóc nô lệ," và kêu gọi toàn dân đoàn kết, tham gia việc nước.

Cũng cùng ngày 17-8, công chức Hà Nội tổ chức biểu tình để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Khi bắt đầu tuần hành, họ hô những khẩu hiệu như "Hoan hô chính phủ Trần Trọng Kim," "Hoan hô Việt Nam độc lập muôn năm." Đột nhiên có người mặc áo cộc quần đen một tay cầm cờ đỏ sao vàng, một tay cầm súng lục bắn chỉ thiên một phát rồi hô lên "Mặt Trận Giải Phóng muôn năm!" Vài công chức thấy súng nỗ sợ quá bèn hô theo "Muôn năm!" Thế là cuộc biểu tình với mục đích ủng hộ chính phủ mới của Trần Trọng Kim, nhưng được nửa buổi thì bị đảng viên Cộng Sản trà trộn vào đoàn biểu tình, lái thành cuộc biểu tình hoan hô Việt Minh.

Ngày 19-8-45, tại Hà Nội, Việt Minh vừa dụ dỗ vừa ép buộc hàng ngàn đồng bào cầm Cờ Đỏ Sao Vàng, kéo tới quảng trường Ba Đình, trước dinh của Khâm Sai Phan Kế Toại để biểu tình. Tại đó, các cán bộ Việt Minh dùng súng uy hiếp bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, "Giám Đốc Ủy Ban Chính Trị Miền Bắc" phải ra lệnh cho binh sĩ Bảo An mở cửa dinh. Cán bộ Việt Minh tước khí giới của họ, chiếm Khâm Sai Phủ và Toà Thị Chính. Sau đó, cuộc biểu tình biến thành buổi ra mắt "Mặt Trận Việt Minh Cứu Quốc." Vì biến cố này, nhóm chữ "Việt Minh cướp chính quyền" bắt đầu được dùng tới, đối nghịch với nhóm chữ "Cách Mạng Tháng 8" mà bộ phận tuyên truyền của đảng Cộng Sản Việt Nam sử dụng sau này.

Sau khi tuyên bố "Tổng Khởi Nghĩa" tại Cao Bằng, Hồ Chí Minh cùng bộ chỉ huy Mặt Trận Việt Minh kéo về Hà Nội, dẫn theo những điệp viên OSS Mỹ đã nhảy dù xuống vùng thượng du Bắc Việt vào đầu tháng 5-45, để tiếp tế vũ khí và huấn luyện cho bộ đội Việt Minh tìm cứu các phi công Mỹ bị Nhật bắn hạ. Võ Nguyên Giáp đã phái những toán bộ đội Việt Minh đi trước mở đường. Họ hô hào dân chúng ra đón tiếp, để người Mỹ tưởng là Việt Minh được nhân dân ủng hộ, đồng thời để nhân dân tưởng rằng Việt Minh được Hoa Kỳ ủng hộ. Họ cũng đốt phá các làng mạc nào không chịu ra đón tiếp họ và vu cáo hành động tàn phá cho Việt Quốc (VNQDĐ). Võ Nguyên Giáp còn phái các toán Việt Minh đi sau phá cầu đường để ngăn chặn cuộc trở về Hà Nội của Việt Cách và "Quốc Dân Quân." Phần thì bị các chướng ngại ngăn trở, phần thì yếu thế hơn Việt Minh, lực lượng Việt Cách đã kẹt ở biên giới Việt Trung từ khi Nhật đầu hàng cho đến đầu tháng 9 mới theo quân đội Trung Hoa Quốc Gia do Lư Hán thống lãnh về Hà Nội. Vì thế các cuộc biểu tình tại Hà Nội trong tháng 8, 1945 đã không có sự tham dự của các lực lượng cách mạng quốc gia.

Những cuộc vận động của Việt Minh nhằm tiếp thu chính quyền quốc gia được kể là hoàn tất khi vua Bảo Đại ban hành chiếu thoái vị vào ngày 25-8 tại Huế, và "nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ dân chủ cộng hòa." Bảo Đại kết thúc chiếu thoái vị với hai câu khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập muôn năm!" và "Dân chủ cộng hòa muôn năm!"

Tiếp theo là cuộc biểu tình ngày 2-9 tại quãng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên bố dựa vào bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ và thành lập thể chế mới, "dân chủ cộng hòa."

Xuyên qua các dữ kiện lịch sử nêu trên, một vấn đề khúc mắc được nêu lên từ 1945 đến nay: Cuộc chính biến tháng 8 năm 1945 do Việt Minh chủ động có phải là một cuộc "cách mạng dân tộc chân chính" hay không?

Từ ngữ "cách mạng:" Định nghĩa và đặc tính

Theo nghĩa chữ Hán, "cách" là "thay đổi, bỏ đi," "mạng" là "sự sống"; chữ "cách mạng" viết kép nghĩa là "thay đổi triều vua." Theo từ điển Hán-Việt Đào Duy Anh thì cách mạng là "đổi chế độ cũ mà xấu, dựng nên chế độ mới mà tốt."

Theo nghĩa Tây Phương, "cách mạng" là "revolution," nghĩa là "a political movement which seeks to overthrow a government," một phong trào chính trị nhằm loại bỏ một chính phủ.

Như vậy, một cuộc "cách mạng chân chính" cần hội đủ các đặc tính: Tính "thay cũ đổi mới," tính "quần chúng," tính "độc lập," tính "tự chủ," tính "dân tộc," tính "đoàn kết," và tính "bỏ xấu dựng tốt." Sau đây ta thử xét xem cuộc chính biến 19 tháng 8, 1945 có các đặc tính nào.

- Tính "thay cũ đổi mới:" Biến cố 8/45 đã tạo nên hậu quả chấm dứt triều đại nhà Nguyễn và thay thế bởi một chế độ mới không còn là quân chủ chuyên chính như trước.

- Tính "quần chúng:" Biến cố 8/45 có tính "quần chúng," được sự tham dự của nhiều người. Sự tham dự này có thể là do tự nguyện, được vận động, hay bị ép buộc. Với kỹ thuật sách động và hù họa dân chúng của Việt Minh, hàng vạn người đã tham gia các cuộc biểu tình 19-8 và 2-9, tạo nên khi thế quần chúng chưa bao giờ có.

- Tính "độc lập:" Biến cố 8/45 có tính "độc lập," nó tự phát sinh mà không do sự hỗ trợ biểu kiến của một ngoại bang nào. Nó thể hiện lòng khát vọng của toàn dân, kể cả hoàng đế Bảo Đại, muốn thấy đất nước được độc lập, không còn bị đô hộ bởi thực dân Pháp nữa. Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội từ lúc thành lập đã có chủ trương chống cả Pháp và Nhật để dành độc lập cho nước nhà. Nhiều người không cộng sản đi theo Mặt Trận Việt Minh cũng vì tán thành chủ trương độc lập đó.

- Tính "tự chủ:" Biến cố 8/45 có tính "tự chủ" vì không bị kềm chế hay ảnh hưởng trực tiếp bởi một lực lượng ngoại lai nào. Vào thời điểm tháng 8, 1945, tại Đông Dương có ba lực lượng ngoại bang: Pháp, Nhật, và Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch. Mặt Trận Việt Minh không dựa vào Trung Hoa Dân Quốc, vào Pháp cũng như Nhật, mặc dù Hồ Chí Minh đã lợi dụng uy thế của Hoa Kỳ để lừa gạt dư luận là Việt Minh được Mỹ ủng hộ.

Đọc đến đây ắt có người về phía "Quốc Gia" sẽ tranh luận ngay rằng cuộc chính biến tháng 8, 1945 không thể có tính "độc lập" hay "tự chủ." Họ sẽ nêu ra dữ kiện rằng "Thành phần chính phủ mà Hồ Chí Minh công bố ngày 2-9-45 hết thảy là cộng sản Việt Nam, là tay sai của Liên Sô và Trung Cộng, nên cuộc chính biến tháng 8 bị lệ thuộc vào lực lượng ngoại bang."

Sự tranh luận ấy không đúng theo lịch sử. Vào giữa thập niên 1940, thế lực chính trị của Liên Sô còn yếu. Lực lượng quân sự của Liên Sô đang dồn vào mặt trận Đông Âu, không có chút ảnh hưởng nào tại Đông Dương ngoài việc huấn luyện ý thức hệ cho các đảng viên đảng Cộng Sản Đông Dương. Trung Hoa còn thuộc chế độ Cộng Hòa của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, từ Tôn Dật Tiên chuyển xuống Tưởng Giới Thạch, đang vất vả chống Nhật ngay trên lãnh thổ của họ và phải nhờ Hoa Kỳ trấn giữ các căn cứ chiến lược vùng đông nam Hoa Lục. Lực lượng Trung Cộng của Mao Trạch Đông chỉ mới phôi thai ở miệt tây bắc Trung Quốc, lúc ấy chưa hề bén mảng đến miền nam; mãi đến năm 1949, dành được Hoa Lục, mới bắt đầu ảnh hưởng vào vùng Đông Dương. Lúc bấy giờ Mặt Trận Việt Minh cũng là một trong những thành phần dân tộc, cho dù họ là "thành phần xấu" đi nữa, và sự tham gia của quần chúng quả thật là xuất phát từ khát vọng độc lập của họ, không bị Liên Sô và Trung Cộng trực tiếp ảnh hưởng. Việt Minh cướp chính quyền hoàn toàn là do sức của Việt Minh và quần chúng VN, thì phải gọi biến cố ấy có tính "tự chủ." (Ảnh hưởng của hai đảng Cộng Sản Liên Sô và Trung Quốc chỉ mới có từ thập niên 1950 trở đi, đặc biệt là việc cung cấp vũ khí cho Việt Minh trong trận Điện Biên Phủ và cuộc xâm chiếm miền Nam.) Mặt khác, nếu nói đến "ảnh hưởng" về vật chất, tư tưởng, và tinh thần thì phải kể đến ảnh hưởng trực tiếp của Hoa Kỳ qua ba sự kiện quan trọng: Thứ nhất, toán điệp viên OSS (Office of Strategic Services) của Hoa Kỳ đã cung cấp vũ khí, đạn dược, và luấn luyện cho Việt Minh. Thứ hai, khi đoàn quân Việt Minh rời Cao Bằng về Hà Nội từ ngày 20 đến 25 tháng 8, toán OSS đã đi theo bên cạnh Hồ Chí Minh (lúc ấy là điệp viên OSS với bí danh Lucius) và Võ Nguyên Giáp. Thứ ba, bản "tuyên ngôn độc lập" mà Hồ đọc trước quảng trường Ba Đình ngày 2-9 đã phỏng theo bản "Declaration Of Independence" ngày 4 tháng 7, 1776 của Hoa Kỳ. Ba sự kiện này đã tạo cho dân chúng cảm tưởng là Việt Minh được Hoa Kỳ hỗ trợ. Nhờ thế mà dân chúng đã theo Việt Minh lúc đó và sau này. Dù vậy, những ảnh hưởng đó chỉ là phụ thuộc, không vì thế mà mất đi tính "tự chủ" của cuộc chính biến, hoặc cho rằng nó bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ, bởi vì tất cả những kế hoạch và hành động "dành chính quyền" đều do người Việt Nam (Mặt Trận Việt Minh) chủ trì, chứ Mỹ, Nga, Tàu, Nhật, và Pháp không có ảnh hưởng gì cả.

- Tính "dân tộc:" Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn, cuộc chính biến 8-45 dù có một số đặc tính "cách mạng" biểu kiến ở trên, nó lại không xứng đáng để được vinh danh là một cuộc "cách mạng dân tộc" đúng nghĩa. Một cuộc "cách mạng dân tộc" phải được phát khởi từ một hay nhiều thành phần dân tộc để phục vụ dân tộc chứ không nhằm phục vụ một ý thức hệ nào. Chính phủ được ông Hồ Chí Minh công bố ngày 2-9-1945 đều là đảng viên Cộng Sản Đệ Tam. Họ chỉ có mục đích tối thượng là phục vụ cho lý tưởng Quốc Tế Đại Đồng theo Duy Vật Biện Chứng Pháp. Họ chỉ mượn chiêu bài "dân tộc" để tiến hành sách lược đó mà thôi. Trên thực tế, tinh thần "cách mạng dân tộc" đã được phát khởi đầu tiên bởi VNQDĐ năm 1928 với chủ trương "do dân, bởi dân và vì dân." Tinh thần "cách mạng dân tộc" được thể hiện qua sự vị quốc vong thân của đảng trưởng VNQDĐ Nguyễn Thái Học vào năm 1930, và được tiếp tục nuôi dưỡng bởi nhiều tổ chức kháng Pháp trong suốt các thập niên 1930 và 1940. Ngược lại, chính vì cuộc cướp chính quyền thời đó mà khí thế cách mạng chân chính của dân tộc đã bị đảng Cộng Sản Đông Dương triệt tiêu. Chỉ vài tháng sau, người Pháp được sự đồng thuận của Đồng Minh, trở lại Việt Nam, đổ quân tái chiếm miền Nam, rồi tiến ra Trung và Bắc Kỳ. Trước sức mạnh quân sự của Pháp, Hồ Chí Minh đã liên lạc và xin ký thỏa ước với Pháp, chấp nhận đứng trong "Liên Hiệp Pháp," trái hẳn với lời tuyên thệ của ông trong ngày 2-9, rằng ông sẽ "không bao giờ thương thuyết hay hợp tác với Pháp." Đây là một trong những bằng chứng rằng những người cộng sản luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên danh dự của dân tộc.

- Tính "đoàn kết:" Biến cố 8/45 thiếu tính "đoàn kết" vì không tận dụng được sự đoàn kết dân tộc như thời Kháng Nguyên của Nhà Trần và Kháng Minh của nhà Lê thuở trước. Như chúng ta đã biết, trước khi Nhật đầu hàng, các tổ chức cách mạng đã kết hợp thành Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, mà Việt Minh là một thành phần. Không được bao lâu thì Việt Minh tách ra, tạo nên mầm mống chia rẽ giữa Việt Minh và các tổ chức. Rồi khi Nhật đầu hàng, thì Việt Minh cho ra đời "Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời" ngày 19-8-45 chỉ toàn là cán bộ Cộng Sản. Danh sách này đã được Hồ Chí Minh công bố ngày 2-9-45 cộng thêm một vài người thuộc tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản. Còn các tổ chức "quốc gia" thì không có đại diện trong chính phủ ấy. Việt Minh cũng tạo nên sự chia rẽ và bất tín đối với nhà cầm quyền với cuộc "bầu cử Quốc Hội gian lận" ngày 1 tháng 6, 1946. Chính vì sự "độc chiếm chính trị" này mà nhiều thành phần dân chúng đã nổi dậy biểu tình chống chính phủ hàng ngày gần như cơm bữa, nhất là sau khi Mặt Trận Việt Cách và Việt Quốc về đến Hà Nội. Ngoài ra, sau khi dành được chính quyền, Việt Minh quay ra tiêu diệt các tổ chức cách mạng như Việt Cách và Việt Quốc. Hành động tàn nhẫn ấy đã khởi đầu cho cuộc tương tranh dài 30 năm trường, tiêu hao xương máu của hàng triệu người dân lành của cả hai miền Nam và Bắc. Cho đến này nay, đảng CSVN tự giành cho mình quyền vĩnh viễn độc tôn lãnh đạo đất nước, không bao giờ chấp nhận các đảng phái khác. Vì vậy mà "cuộc chính biến tháng 8" không có tính đoàn kết dân tộc

- Tính "bỏ xấu dựng tốt:" Cuộc chính biến 8/45 thiếu hẳn đặc tính xây dựng những điều tốt lành mặc dù đã chấm dứt một nền phong kiến lỗi thời, lạc hậu và xấu xa. Nhân dân Việt Nam vừa thoát khỏi chế độ phong kiến liền bị tròng vào một chủ nghĩa ngoại lai, dùng sự tàn độc để cai trị, lấy sự đói khát để làm tê liệt phong trào dân chủ, và nhân danh ổn định để đè bẹp khát vọng tự do và chà đạp nhân quyền. Tình trạng lạc hậu của dân tộc kéo dài đúng 6 thập niên từ tháng 8/1945 đến tháng 8/2005 hiện nay.

Tiến hành một cuộc cách mạng dân tộc chân chính


Khi vinh danh cuộc chính biến tháng 8 là một cuộc "cách mạng dân tộc," người Cộng Sản Việt Nam đã nhầm lẫn "đảng" là "dân tộc." Họ tự hào về cái thành quả nhờ thủ đoạn trí trá mà đạt được và nhờ thủ đoạn tàn ác mà tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, họ đã và đang ca ngợi cái huyền thoại đó năm này qua năm khác.

Nhưng nếu nhìn một cách khách quan, chúng ta thấy rõ thực chất của huyền thoại cách mạng tháng 8-1945. Tuy cuộc chính biến ấy có một số đặc tính biểu kiến của một cuộc "cách mạng quần chúng" và có hình thái độc lập tự quyết, nhưng vì những thủ đoạn hiểm độc trước và sau khi nắm được chính quyền, với lý tưởng phi dân tộc, và với cứu cánh độc tôn đảng trị, đảng CSVN đã làm mất đi chính nghĩa cao quý của một cuộc "cách mạng dân chủ đích thực." Mặt khác, tính chất độc lập tự quyết của cuộc chính biến cũng bị lu mờ vì hành động thiếu đại đoàn kết toàn dân, mà đảng CSVN đã phát khởi qua các cuộc sát hại dân lành và các đảng phái đối lập một cách khốc liệt từ 60 chục năm qua.

Từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 8 năm 2005, sáu thập niên trôi qua. Chế độ độc tài do đảng Cộng Sản Việt Nam áp đặt lên dân tộc đã chứng minh hoàn toàn yếu kém trong khả năng điều hành quốc gia suốt 30 năm qua. Không những vậy, chính chế độ độc tài cộng sản này còn là nguồn gốc phát sinh ra các quốc nạn khác như tham nhũng cường quyền, phung phí tài nguyên quốc gia, tàn phá môi sinh... và cũng là trì lực ngăn chận sức phục hồi và tiến lên của dân tộc bởi những chính sách bưng bít và trói buộc ngặt nghèo nhằm bảo vệ độc quyền cai trị của họ.

Chúng ta ôn lại cuộc chính biến lịch sử tháng 8-45, để không chỉ nhận ra những sai lầm của đảng CSVN, mà còn để nhận thấy rằng muốn làm một cuộc cách mạng dân tộc thì phải có một tổ chức kết hợp được mọi thành phần dân tộc, từ dân tộc mà thành hình, và vì dân tộc mà tranh đấu. Tổ chức đó sẽ có sứ mệnh tiến hành cuộc cách mạng bằng chính sức mạnh và trí tuệ của dân tộc Viêt Nam trong cũng như ngoài nước, để giải phóng đất nước thoát khỏi ách độc tài cộng sản hầu có điều kiện xây dựng một xã hội nhân bản, tự do, và tiến bộ.
Theo VNN - KS Nguyễn Đình Sài​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top