• Chào mừng bạn truy cập diễn đàn [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Sử dụng MIỄN PHÍ CHAT GPT
    -
    VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Cách làm dạng bài nghị luận về một hiện tượng xã hội

Kina Ngaan

Active member
Nghị luận về một hiện tượng xã hội là một dạng bài quan trọng trong nghị luận xã hội. Để nắm vững được dạng này, cần có các phương pháp xử lý tốt. Lập dàn ý, phân tích và triển khai không bỏ sót ý. Tìm hiểu sâu hơn, mời bạn đọc tham khảo cách làm sau đây.


I. CÔNG THỨC LÀM BÀI:


1. Mở bài:
- Giới thiệu hiện tượng cần nghị luận, trích dẫn ý kiến về hiện tượng đó – nếu có, có ghi rõ nguồn.
2. Thân bài:
- Giải thích hiện tượng.
- Giới thiệu hiện trạng vấn đề.
- Hậu quả/ Tác dụng của vấn đề?
- Nguyên nhân của hiện tượng?
- Giải pháp đối với hiện tượng đó?
- Liên hệ: Rút ra bài học nhận thức và hành động.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại thái độ của bản thân với hiện tượng trên.

II. LUYỆN ĐỀ:

Đề 1: Tính thiếu xác thực của quảng cáo.
1) Mở bài:
Khi mức sống của con người nâng cao, nhu cầu sử dụng các sản phẩm và dịch vụ cũng tăng lên nhanh chóng. Vì vậy mà các hình thức quảng cáo đã trở nên rất phổ biến và quen thuộc trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, có một vấn đề cần phải bàn thêm đó là tính xác thực của quảng cáo

2) Thân bài:
a) Giải thích:
- Quảng cáo là đưa ra những thông tin đến được với người tiêu dùng một cách nhanh chóng, cụ thể về chất lượng, lợi ích, sự tiện dụng của một sản phẩm hay dịch vụ, nhằm thuyết phục và thu hút khách hàng.
- Tính xác thực của quảng cáo là độ tin cậy, chính xác của nội dung thông tin mà quảng cáo đưa ra
b) Nêu hiện trạng của vấn đề:
- Ở đâu: ở mọi nơi, dưới vô vàn những hình thức quảng cáo (pa-nô, áp phích, băng rôn, các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, truyền miệng trong bán hàng đa cấp, qua SMS…)
- Ai: do những nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ điều hành và chịu trách nhiệm
- Như thế nào: Có một thực tế là rất nhiều các quảng cáo đã cường điệu, phóng đại về chất lượng của sản phẩm và dịch vụ. Từ đó dẫn đến hiện tượng sau khi sử dụng một số sản phẩm và dịch vụ được giới thiệu thông qua quảng cáo, những khách hàng đã tỏ ra rất bất bình. Có nghĩa là những văn bản quảng cáo đó đã không đảm bảo tính xác thực, chất lượng không đúng với những gì được quảng cáo.
c) Hậu quả:
- Về phía khách hàng: đã tiêu tốn một lượng không nhỏ thời gian, công sức, tiền bạc để sử dụng sản phẩm và dịch vụ để nhận về kết quả không như mong muốn
- Về phía nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ: làm mất niềm tin của khách hàng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc đánh mất khách hàng, không mở rộng được quy mô, giảm lợi nhuận, thậm chí là không có cơ hội tồn tại, phá sản…
> Tất cả cộng hưởng làm giảm đi sức mua- bán, không thúc đẩy được sự tăng trưởng của nền kinh tế
d) Nguyên nhân:
- Các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ quá quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà không có chiến lược lâu dài, coi thường người tiêu dùng
- Khách hàng quá tin vào quảng cáo mà không có sự tìm hiểu thấu đáo, cặn kẽ về sản phẩm, dịch vụ để phải nhận hậu quả
- Các cấp chính quyền chưa có những quy định cụ thể về nội dung quảng cáo cũng như các hình thức xử lí đối với các văn bản quảng cáo gây hậu quả cho người tiêu dùng.
e) Giải pháp:
- Phía khách hàng: Người tiêu dùng chúng ta cần phải lên tiếng đòi quyền được tôn trọng từ những nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Cái mà chúng ta cần đến không phải là những quảng cáo sinh động, vui nhộn, sặc sỡ, những lời hứa có cánh… mà điều cốt lõi là chất lượng của sản phẩm và dịch vụ.
- Phía nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ: cần quảng cáo đúng sự thật để đảm bảo chữ tín. Thay vì đưa ra những lời có cánh, thì hãy tập trung vào việc nâng cao chất lượng của sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng với những khách hàng đã lựa chọn sản phẩm và dịch vụ của mình. Và đó cũng là cách phát triển bền vững nhất!
f) Bài học nhận thức và hành động:
- Luôn có ý thức kiểm chứng thông tin, để không bị rơi vào tình cảnh bị lợi dụng lòng tin khi mù quáng nghe và tin theo các thông tin quảng cáo.
- Dũng cảm đấu tranh loại bỏ sự thiếu trung thực, thiếu xác thực trong các quảng cáo gây nguy hại cho cộng đồng.
3) Kết bài:
Ngay từ bây giờ, mỗi khi đón nhận một thông tin quảng cáo, trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải tự nhắc nhở mình “Đọc có ý thức” và “Nghe có ý thức”.

Đề 2: Những năm gần đây, số lượng các bạn trẻ VN đi du học nước ngoài gia tăng một cách đáng kể. Suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề này?
1) Mở bài:
- Giới thiệu chung về hiện tượng gia tăng số lượng học sinh VN đi du học nước ngoài trong những năm gần đây
- Chúng ta cần có cách nhìn nhận đúng đắn và toàn diện trước hiện tượng đó
2) Thân bài:
a) Giải thích:
Du học là việc đi học ở một nước khác nhằm bổ sung thêm kiến thức, ngành nghề nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập của bản thân hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tài trợ.
b) Nêu hiện trạng vấn đề:
- Ở đâu: hiện tượng học sinh VN đi du học đã trở thành phong trào sôi nổi ở tất cả các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn như HN và TP HCM.
- Ai: đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên ở các bậc học- từ trung học đến cao đẳng, đại học, sau đại học
- Như thế nào: Có nhiều loại du học, trong đó có hai kiểu chính là du học du học tự túc và du học do nhận được học bổng (bao gồm học bổng bán phần, học bổng toàn phần và học bổng do sự hợp tác của chính phủ)
c) Những lợi ích và hạn chế:
* Những lợi ích:
- Sự gia tăng số lượng du học sinh là một tín hiệu đáng mừng cho tương lai đất nước vì:
Du học mang lại cơ hội cho các bạn trẻ tiếp xúc với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, các bạn có điều kiện giao lưu và học hỏi bạn bè quốc tế. Rất nhiều du học sinh đã đạt được thành tích cao trong các trường trung học, đại học và sau đại học ở nước ngoài, làm rạng danh cho đất nước
- Nhiều du học sinh VN sau khi học xong đã trở về góp phần xây dựng phát triển đất nước. Họ là nguồn nhân lực vô cùng quý giá cho xã hội
* Những hạn chế:
- Du học không phải là con đường bằng phẳng mà ai đặt chân lên đó cũng đều tới đích:
+ Trong thực tế, không ít bạn trẻ chưa được chuẩn bị tốt đã vội vã “lên đường”, khiến bản thân phải gánh những áp lực quá lớn, có người phải bỏ cuộc giữa chừng.
+ Cũng có nhiều bạn chỉ dựa vào tiềm lực kinh tế của gia đình, coi chuyện du học như một kì nghỉ dài để tự do hưởng thụ cuộc sống. Khi đó, đi du học sẽ mang lại những hậu quả đáng tiếc
- Việc gia tăng số lượng du học sinh cũng có thể là một hiện tượng đáng lo ngại cho nền giáo dục và kinh tế VN:
+ Nó có thể làm tăng tình trạng chảy máu chất xám khi học sinh sau khi du học không muốn trở về mà tìm cách ở lại các nước du học vì điều kiện sống tốt hơn.
+ Một thực tế không thể phủ nhận là một dòng tiền không nhỏ đang chảy đến các nước phát triển theo con đường du học của học sinh.
d) Nguyên nhân:
* Chủ quan:
Các bạn trẻ háo hức muốn được mở rộng tầm mắt, muốn được thử sức, muốn được khẳng định mình.
* Khách quan:
- Nền giáo dục ở các nước tiên tiến hiện đại, hoàn thiện hơn, tạo cơ hội cho học sinh được phát huy tối đa năng lực của bản thân và hỗ trợ tối đa cho việc hành nghề sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó nền giáo dục trong nước còn lạc hậu, nhiều hạn chế. Vì vậy nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng đầu tư một số kinh phí lớn để cho con du học và các bạn trẻ sẵn sàng chấp nhận vất vả gian khó hơn để được học tập trong môi trường quốc tế
- Đất nước ta đang phát triển, kinh tế của mỗi gia đình đều có sự gia tăng, có thể đảm bảo cho con mình đi du học theo hình thức tự túc
- Xu thế hội nhập toàn cầu đang ngày càng được khẳng định
- Nhiều tổ chức quảng cáo việc du học đưa ra thông tin mập mờ để thu hút học sinh, vì lợi ích trước mắt mà bất chấp những hậu quả gây ra cho các học sinh du học và cho xã hội.
e) Giải pháp:
- Giải pháp để việc du học gia tăng những hiệu quả tích cực: khuyến khích học sinh trở về xây dựng quê hương
- Giải pháp để hạn chế những tác hại của việc du học:
+ cải tiến nền giáo dục trong nước
+ tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh hiểu rõ những tác dụng và tác hại của việc du học trước khi quyết định
+ quản lí các đơn vị tổ chức du học
f) Liên hệ bản thân- Bài học nhận thức và hành động:
- Bản thân anh/ chị có ý định đi du học không, vì sao?
- Cách nhìn nhận đúng đắn và toàn diện với vấn đề du học của anh/ chị như thế nào?
3) Kết bài:
- Du học nước ngoài vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thử thách lớn
- Mỗi bạn trẻ cần xuất phát từ điều kiện cụ thể của bản thân và xác định cho mình mục đích đúng đắn để lựa chọn.

Sưu tầm
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

Dành cho học sinh

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top