Các Phạm Trù Ngữ Pháp

Trang Dimple

New member
Xu
38
Các Phạm Trù Ngữ Pháp
Khái niệm của từ duy dùng để phản ánh những tuộc tính chung, bản chất của sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, tư duy của con người, trong quá trình nhận thức thế giới khách quan, càng có khuynh hướng tiến sâu hơn vào việc nhận thức thế giới khách quan bằng con đường khái quát hoá các khái niệm cùng loại để xây dựng nên các phạm trù. Như vậy, phạm trù được hiểu như một khái niệm khoa học biểu thị loại sự vật, hiện tượng hay những đặc trưng chung nhất hay khái quát nhất của chúng.

Trên bình diện ngữ pháp của một ngôn ngữ, có rất nhiều ý nghĩa ngữ pháp được khái quát hoá cao độ thành các phạm trù, như phạm trù từ loại: thực từ và hư từ. Trong phạm trù thực từ và hư từ, người ta lại phân ra các phạm trù nhỏ hơn: danh từ, động từ, tính từ, đại từ, số từ, giới từ, liên từ... Xung quanh các phạm trù từ loại này lại còn các phạm trù khác có liên đới về mặt ngữ pháp với chúng, như phạm trù giống, phạm trù số, phạm trù cách, phạm trù thì, phạm trù thể...

1. Phạm Trù Từ Loại

Thường trong một ngôn ngữ, người ta có thể phân ra hai lớp từ cơ bản mà người ta gọi là thực từ và hư từ. Mỗi lớp thực từ và hư từ bao gồm một số từ loại như: danh từ, noun, nom; động từ, verb, verbe; tính từ, adjective, adjectif; đại từ, pronoun, pronom...


1.1. Danh từ ( noun ).



Danh từ là một từ loại quan trọng bâc nhất trong số các từ loại của một ngôn ngữ nói chung. Danh từ có số lượng rất lớn trong vốn từ vựng của một ngôn ngữ. Ý nghĩa sự vật là ý nghĩa nòng cốt của danh từ, nó mang bản chất từ vựng-ngữ pháp. Ý nghĩa phi sự vật cùng với ý nghĩa sự vật làm thành ý nghĩa thực thể của danh từ. Bản chất ý nghĩa của danh từ được biểu hiện đầy đủ qua các đặc điểm ngữ pháp của danh từ trên cả phương diện cấu trúc ( kết hợp ) và phương diện chức năng ( thành phần câu ).

Xét về mặt ngữ pháp, sự xuất hiện các danh từ không chỉ sự vật là một hiện tượng có tính quy luật, tự nhiên và tất yếu. Nó làm cho ngôn ngữ phong phú hơn, có khả năng và có hiệu lực hơn trong việc diễn đạt tư duy và thông báo.







ch4.htf12.gif



Xét theo bản chất ý nghĩa, danh từ của một ngôn ngữ có thể vạch ra các đối lập sau đây: Một bên là các danh từ gắn liền với khái niệm về sự vật cụ thể: người; đồ vật; động vật, thực vật; chất liệu. Một bên là các danh từ diễn đạt các khái niệm trừu tượng, khái quát: những khái niệm có tính chất phạm trù; nhưng khái niệm được thực tế hoá; những khái niệm có tính chất tổng hợp. Tất cả có thể trình bày qua sơ đồ sau:


ch4.ht74.gif



1.2. Ðộng từ ( verb ).



Cùng với danh từ, động từ là một trong hai từ loại cơ bản. Bản chất ngữ pháp của động từ được đặc tưng bởi các phương diện ngữ nghĩa, khả năng kết hợp và chức năng cú pháp.

Về mặt số lượng, danh sách động từ ít hơn so với danh từ, điều đó có quan hệ bản chất ý nghĩa của từ loại này: danh từ biểu đạt các khái niệm về sự vật, thực thể nói chung, còn động từ thì gắn với các khái niệm thuộc phạm trù vận động. Số lượng khái niệm của phạm trù thứ nhất lớn hơn của phạm trù thứ hai nhiều, do chỗ danh sách các sự vật trong thực tại lớn hơn danh sách các dạng vận động của chúng.

Có thể nói, động từ chỉ hành động, trạng thái của sự vật. Ðiều này đúng nhưng chưa đủ. Vì, động từ chỉ hành động, trạng thái, các quan hệ dưới dạng tiến trình (tôi yêu quê hương, tôi hiểu bạn bè ) có mối quan hệ với chủ thể và diễn ra trong thời gian. Nhưng chủ thể không chỉ là sự vật, chủ thể còn bao hàm cả những khái niệm được thực thể hoá, danh từ có nghĩa rộng hơn khái niệm sự vật. Như vậy, nghĩa của động từ trên bậc khái quát nhất là ý nghĩa vận động. Ðộng từ chỉ các dạng vận động khác nhau của tất cả những gì nằm trong phạm trù thực thể mà về mặt từ loại, là tất cả những khái niếmco thể diễn đạt bằng danh từ.


1.3. Tính từ ( adjective ).



Tính từ là từ loại có vị trí quan trọng trong các thực từ, sau danh từ và động từ. Tính từ có một số lượng lớn và như lệ thường, được coi là từ loại có ý nghĩa chỉ tính chất, rộng hơn, là chỉ các đặc trưng nói chung.

Trong các ngôn ngữ châu Âu, tính từ được xếp chung với phạm trù danh từ, nên chúng sẽ có sự biến đổi về giống, số, cách như danh từ. Nhưng tình hình đó không có trong các ngôn ngữ đơn lập. Trái lại, tính từ trong các ngôn ngữ này có thiên hướng gần với đọng từ về phương diện đặc điểm cú pháp ( khả năng kết hợp và chức năng thành phần câu ). Chẳng hạn, tính từ có thể trực tiếp làm vị ngữ giống như động từ; tính từ trong tiếng Việt lại có khả năng kết hợp với các tiêu chí ngữ pháp của động từ, khả năng đó lớn tới mức có thể xem mô hình cấu trúc tính ngữ là một dạng điều chỉnh của cấu trúc động ngữ.



Ý nghĩa của tính từ nhìn khái quát là ý nghĩa đặc trưng. Khái niệm đặc tưng bao hàm: các khái niệm về màu sắc; các khái niệm về không gian, trọng lượng, khối lượng; về hình thể...



Một cách tổng quát tính từ tiếng Việt là từ loại chỉ đặc trưng của tất cả những khái niệm được biểu đạt bằng danh từ và động từ. Có thể hình dung qua sơ đồ:


ch4.ht75.gif


1.4. Ðại từ ( pronoun ).



Ðại từ là một từ loại mang tính phổ niệm cho hệ thống ngữ pháp của các ngôn ngữ. Ðại từ được định nghĩa là từ có chức năng thay thế. Ðại từ rất gần với thực từ vì lẽ trong chức năng thay thế, đại từ chủ yếu được dùng để thay thế các thực từ. Nhưng một mặt khác, các đại từ trong khi thực hiện chức năng thay thế, đã không có ý nghĩa từ vựng như thường hiểu, ý nghĩa của chúng cũng có thể hiểu một cách ước lệ là ý nghĩa ngữ pháp. Bởi vậy, đại từ thường không được xếp vào thực từ, cũng như không được xếp vào hư từ, mà thường có một vị trí trung gian hoặc riêng biệt trong quan hệ với thực từ và hư từ trong hệ thống từ loại.Sơ đồ sau cho thấy tính trung gian của đại từ trong hệ thống từ loại:


ch4.ht76.gif


Ý nghĩa của đại từ là một ý nghĩa có tính chất chức năng. Do chức năng ngữ pháp của đại từ là chức năng thay thế, cho nên ở trong câu, đại từ có thể giữ những chức vụ ngữ pháp khác nhau của các từ mà chúng thay thế làm các thành phần khác nhau trong câu, bởi vậy, chức năng ngữ pháp của đại từ trong khi làm thành phần của câu cũng rất cơ động. Không một loàitừ nào có thể giữ nhiều chức vụ đến như vậy trong các phát ngôn. Ngoài chức năng thay thế, đại từ còn có một chức năng khá quan trọng là chức năng rút gọn văn bản và làm đa dạng hoá văn bản. Hai chức năng này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thiết lập văn bản.


1.5. Quan hệ từ.



Các hư từ trong sự khác biệt với thực từ và tình thái từ, có thể hình thành hai tập hợp tạm gọi là các hư từ từ pháp và các hư từ cú pháp. Các hư từ từ pháp có chức năng diễn đạt các ý nghĩa ngữ pháp của thực từ. Trong quan hệ cấu trúc chúng chuyên dùng làm thành tố phụ trong các đoản ngữ. Còn các hư từ cú pháp, trái lại, không được dùng để diễn đạt ý nghĩa ngữ pháp của thực từ mà dùng để diễn đạt mối quan hệ giữa thực từ với thực từ trong các phát ngôn - nghĩa là diễn đạt mối quan hệ giữa các khái niệm trong tư duy trừu tượng. Các hư từ cú pháp không làm trung tâm và cũng không làm thành tố phụ đoản ngữ. Ngữ pháp truyền thống gọi các hư từ cú pháp là liên từ và giới từ. Trong tiếng Việt còn có những thuật ngữ khác để gọi chúng, đó là từ nối hoặc quan hệ từ.


1.6. Tình thái từ.



Trong tiếng Việt có hai loại từ tình thái, đó là những từ tình thái chuyên dụng và những từ tình thái lầm thời. Những từ tình thái chuyên dụng diễn đạt mối quan hệ giữa người nói và thực tại trong các phát ngôn có tính thông báo. Tính thông báo của câu một phần được hình thành là nhờ sự giúp đỡ của các từ này. Chẳng hạn, so sánh các phát ngôn:

1. Anh đi

2. Anh đi à ?

3. Anh đi ư ?

4. Anh đi nhé !

Các phát ngôn 2, 3, 4 với sự tham gia của các từ à, ư, nhé làm cho mục đích phát ngôn được rõ hơn phát ngôn 1 rất nhiều. Các từ đó là phương tiện diễn đạt tình thái tính của câu.

 
2. Phạm Trù Số

Sự vật, hiện tượng tồn tạo trong thực tế khách quan có thể được nhận diện hoặc không được nhận diện bằng số lượng cụ thể. Vì lẽ đó tư duy của con người có thể phán anh chúng bằng phạm trù số. Có sự vật đếm được như: nhà, xe, cây, máy...; có sự vật không đếm được như: mây, gió, cỏ, nước... Phạm trù số gắn với từ loại danh từ vì bản chất của từ loại này có ý nghĩa thực thể.

Phạm trù số chia thành hai: số ít và số nhiều. Số nhiều có từ hai đơn vị trở lên. Tuy nhiên, sự thể hiện phạm trù này trong các ngôn ngữ có sự khác biệt nhất định:

Ở các ngôn ngữ Ấn-Âu, phạm trù số được thể hiện bằng vào sự thay đổi hình thái của danh từ. Sự thay đổi hình thái ở đây chủ yếu là sự thay đổi tiếp vĩ tố. Chẳng hạn:



SỐ ÍT

SỐ NHIỀU

Tiếng Anh

A book

Books

Tiếng Pháp

Un livre

Les livre

Tiếng Nga

Knhiga

Knhigi

Ở các ngôn ngữ đơn lập không biến hình như tiếng Việt, thì phạm trù số được thể hiện bằng việc thêm số từ hoặc hư từ từ pháp, chẳng hạn: một quyển sách, hai quyển sách, nhiều quyển sách, những quyển sách.


Phạm trù số trong các ngôn ngữ biến hình còn tác động đến từ loại tính từ và động từ.

Chẳng hạn:

Trong tiếng Pháp: Les petits enfants traversent... (Những đứa trẻ băng qua đường), thì tính từ petit đã thêm -s, còn động từ đã thêm -ent.

Trong tiếng Anh: A boy goes to school, thì động từ thêm -es, vì chủ từ ở ngôi 3, số ít.

Trong tiếng Nga: xtugentư chitaiút knhigi. (Những sinh viên đang đọc sách), thi danh từ xtugent, số nhiều, thêm -ư, còn động từ chita, ngôi 3, số nhiều, thêm -iút và danh từ knhig, số nhiều, thêm -i.



3. Phạm Trù Giống


Trong thực tế khách quan, sinh vật có thể được nhận diện bằng phạm trù giống: đực hoặc cái; còn thực vật và bất động vật khó mà nhận biết giống của chúng. Tuy vậy, ngôn ngữ khia phản ánh hiện thực khách quan này lại có những cách thể hiện khác nhau: Có ngôn ngữ, trên bình diện ngữ pháp hình thức không hề có sự phân biệt này, dù rằng trong thực tế khách quan ở các loài động vật nói chung có sự phân biệt về giống. Chẳng hạn:

Trong tiếng Anh, tiếng Việt không có sự phân biệt về giống. Nóïi cách khác, người ta chỉ nhận biết giống thông qua hoạt động từ duy, trong các ngôn ngữ này, chứ hoàn toàn không có dấu hiệu gì để nhận diện đó là từ giống đực hay giống cái. Chẳng hạn:

Tiếng Việt: cái bàn, cái ghế, cái nhà, quyển vở; chiếc xe, cảnh sát, công nhân; giáo viên; đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ..

Tiếng Anh: a table, a chair, a house, a book; a car, police, workẻ, teacher; man, woman, youth, girl.”.

Trong tiếng Pháp, tiếng Nga tình hình lại hoàn toàn khác biệt. Ở trong hai ngôn ngữ này, các danh từ có sự phân biệt rõ về giống: giống đực, giống cái, giống trung. Mỗi giống có một hình thức thể hiện riêng. Thường, các từ chỉ những thực tế khách quan mà có thể nhận diện được chúng bằng giống thì nó sẽ có hình thức giống phù hợp với giống của thực tế khách quan ấy. Còn ở những thực tế khách quan không thể nhận diện bằng giống, chẳng hạn, ở phạm trù đồ vật, thì các danh từ phản ánh chúng vẫn có phạm trù giống. Chẳng hạn:

Tiếng Pháp:

* Các danh từ giống đực: le frère, le père, le maitre, le coq, le chien, le chat, le train, le coeur, le cahier, le cabinet...”.

* Các danh từ giống cái: la soeur, la mère, la maitresse, la poule, la chienne, la chatte, la maison, la table, la main, la littérature....

Tiếng Nga:

* Các danh từ giống đực: uchenhik (nam học sinh), rapotnhik (nam công nhân), xtol (cái bàn), xtugent (nam sinh viên), unhivircitet (đại học tổng hợp), inxitut (viện), drug (bạn trai), ingiinhia (kỹ sư), brat (anh, em trai), klaxx (lớp học), zavod (nhà máy)....

* Các danh từ giống cái: uchenhixa (nữ học sinh), rapotnhixa (nữ công nhân), knhiga (quyển sách), xtugenta (nữ sinh viên), riaka (dòng sông), podruga (bạn gái), xextra (chị, em gái), lampa (cái đèn), kvartira (căn hộ), diadia (chú, bác), skola (trường học) ....

* Các danh từ giống trung: kino (rạp chiếu bóng), obsegiưte (ký túc xá), okno (cửa sổ), pole (cánh đồng),platie (áo dài phụ nữ), zdanhie (toà lâu đài)....

Các danh từ trong tiếng Pháp được nhận diện giống bằng vào quán từ (article): le (giống đực); la (giống cái); Còn các danh từ trong tiếng Nga được nhận diện bằng yếu tố đuôi (vĩ tố): giống đực tận cùng bằng phụ âm; giống cái tận cùng bằng -a, hoặc -ia; giống trung tận cùng bằng -o hoặc -e.

Trong các ngôn ngữ này, tính từ sẽ có giống phù hợp với danh từ.

 
4. Phạm Trù Cách
Cách là những vị trí khác nhau của một danh từ tùy theo cương vị của nó trong phát ngôn. Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp không có cách hiểu theo nghĩa hẹp như tíếng La-tin, tiếng Nga. Vì cách là sự biến hình trong vĩ tố của từ tùy theo cái vai trò mà nó đảm đương trong câu. Thường có 8 cách như sau:

1. Danh cách ( Nominatif )

2. Sinh cách, sở hữu cách ( Génitif )

3. Dữ cách, tặng cách( Datif )

4. Ðối cách ( Accusatif hay Objectif )

5. Hô cách ( Vocatif )

6. Ly cách, tác cách ( Ablatif )

7. Công cụ cách ( Instrumental )

8. Vị trí cách ( Locatif )

5. Phạm trù ngôi




Phạm trù ngôi có liên quan tới đại từ và động từ. Trong các ngôn ngữ, đề cập tới phạm trù này, thường có 3 ngôi. Ngôi 1 gắn với người nói và có hai số: ít và nhiều. Ngôi 2 gắn với người nghe và cũng có hai số: ít và nhiều. Ngôi 3 gắn với đối tượng vắng mặt và cũng có hai số: ít và nhiều. Có điều, trong các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt, động từ không hề bị thay đổi hình thái khi kết hợp với các ngôi đã nêu. Trái lại, trong các ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, tiếng Pháp, hoặc tiếng Nga, động từ chịu sự tác động ít nhiều của các ngôi đã nêu, nhất là trong tiếng Pháp, tiếng Nga. Chẳng hạn:



TIẾNG VIỆT


Tôi làm

Anh làm

Nó làm

Chúng tôi làm

Các anh làm

Chúng nó làm

TIẾNG ANH

I go

You go

He, She goes

We go

You go

They go

6. Phạm Trù Thì

Bản chất của động từ là chỉ ra các hành động, trạng thái, hoặc các quan hệ dưới dạng tiến trình có mối quan hệ với chủ thể và diễn ra trong thời gian. Bởi đó, phạm trù thì gắn liền với bản chất ý nghĩa của từ loại động từ. Có điều, trong tiếng Việt phạm trù thì thường được diễn đạt bằng những trạng ngữ thời gian; trong khi đó, ở các ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiêng Nga, bao giờ phạm trù thì cũng đi kèm với động từ và bao giờ cũng được cụ thể hoá bằng một hình thức ngữ pháp nghiêm ngặt, đó là các thì của động từ.

Trong tiếng Việt, để diễn đạt hoạt động nào đó diễn ra trong thời gian, như đã nói, người ta thường dùng trạng ngữ thời gian, đôi khi cũng có thể thêm một số phó từ như: đã ( chỉ quá khứ ), đang ( chỉ hiện tại ), sẽ ( chỉ tương lai ). Chẳng hạn:

1. Hôm qua, tôi (đã ) đi chợ với mẹ tôi.

2. Ngày mai, tôi (sẽ ) đi chợ với mẹ tôi.

Thật ra, phó từ đã ( chỉ quá khứ ), đang ( chỉ hiện tại ) không phải lúc nào cũng phản ánh đúng phạm trù thời gian như đã nêu. Trong tư duy của người Việt, hoàn toàn có thể ngược lại, chẳng hạn:

Cách đây một tháng, cây cối còn đang xanh tươi mà nay đã vàng rực.

Trong tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, mỗi động từ có rất nhiều thì. Mỗi thì phản ánh một khung thời gian nhất định mà hoạt động diễn ra.


 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top