Các dạng đề thi nghị luận xã hội trong đề thi học sinh giỏi

Trong nhiều năm trở lại đây, nghị luận xã hội là kiểu bài bắt buộc trong đề thi học sinh giỏi các cấp. Và trong đề thi học sinh giỏi cấp quốc gia, bài văn nghị luận xã hội thường chiếm 2/5 số điểm của bài thi. Nghị luận xã hội trong đề thi học sinh giỏi là kiểu bài hướng tới phân tích, bàn bạc về các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội thuộc những kiểu đề khó, đề mở đòi hỏi học sinh phải có nhiều kỹ năng, thao tác trong phân tích và lập luận làm sáng rõ vấn đề. Để viết được một bài văn nghị luận xã hội hay trong đề thi học sinh giỏi yêu cầu học sinh phải có sự giao thoa về cảm xúc và lý trí giúp cho bài văn nghị luận không trở nên khô cứng, giáo điều mà vẫn sắc bén về lý lẽ, hợp lí về lập luận, dẫn chứng. Đặc biệt để có thể viết đúng, trúng vấn đề, bên cạnh kĩ năng, kiến thức cũng rất đề cao đến sự sáng tạo, hiểu biết riêng của người viết tạo được chất riêng, độ sâu, độ lắng trong bài viết của học sinh giỏi.
Các dạng đề thi nghị luận xã hội trong đề thi học sinh giỏi.png

Các dạng đề thi nghị luận xã hội trong đề thi học sinh giỏi

1. Các dạng đề thi NLXH trong đề thi học sinh giỏi

a. Nghị luận về một tư tưởng đạo lí

* Khái niệm:
Đây là một dạng đề nói về một tư tưởng đạo lí, triết lí nhân văn, câu nói mang tính nhận thức, mối quan hệ về gia đình, xã hội, một số tính cách thể hiện các phẩm chất của con người.

* Đề tài hướng tới:
Lí tưởng sống của thanh niên hiện nay, mục đích sống và học tập, các đức tính của con người: tính trung thực, sự dũng cảm, lòng khiêm tốn, lòng bao dung, đức tính kiên trì, ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống, lí tưởng sống ; các mối quan hệ gia đình : tình mẫu tử, chữ hiếu, sự vô tâm thờ ở của cha mẹ với con cái ; mối quan hệ của xã hội : tình bạn, tình quê hương ; đạo lí : ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn….

Đối với học sinh trong nhà trường phổ thông do tâm lý lứa tuổi và nhận thức nêu những vấn đề đặt ra để bàn luận không phải là những vấn đề phức tạp lớn lao mà chỉ là những khía cách đạo đức tư tưởng tình cảm gắn liền với cuộc sống hàng ngày như tình cảm quê hương, gia đình, ý thức trách nhiệm, tinh thần học tập phương pháp nhận thức… Những vấn đề này có thể đặt ra một cách trực tiếp nhưng thường là được gợi mở qua một câu danh ngôn (tục ngữ, ca dao, câu nói của các bậc hiền triết, các lãnh tụ, các nhà văn hóa khoa học, nhà văn nổi tiếng…)

Trong các đề dành cho học sinh giỏi, dạng đề này thường được đặt ra với những cách hỏi khá phong phú, nội dung tư tưởng đạo lí có thể quen thuộc hoặc mới mẻ, nhưng thường đòi hỏi học sinh có độ “nhạy”, tinh nhất định để xác định trúng được vấn đề.

* Các bước làm bài:
Đối với dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí để giải quyết vấn đề cần lưu ý cách học sinh xem xét nó từ nhiều góc độ. Cách đơn giản nhất là đặt ra đặt ra và trả lời những câu hỏi. Sau đây là một số dạng câu hỏi chính:
– Vấn đề đó là gì?
– Vấn đề đó có những biểu hiện cụ thể như thế nào?
– Vì sao lại như thế?
– Như thế thì có ý nghĩa gì với cuộc sống, với con người, với bản thân?

Từ việc đặt ra và trả lời các câu hỏi có thể hình dung một bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí cần được triển khai theo 3 bước cơ bản sau:
– Giải thích, cắt nghĩa
– Lý giải ( bình luận, chứng minh)
– Đánh giá

* Một số đề bài ví dụ:
Đề 1: Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của mình về câu nói của Jean Paul Pougala : “Cuộc sống như một cuốn sách : kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng, người không ngoan vừa đọc vừa suy ngẫm, vì biết rằng mình chỉ đọc một lần”.

Đề 2
: Trong bài thơ số 27, tập “Người làm vườn” của Tagore, có một câu thơ tác giả đã mượn hình ảnh hoa sen để gửi gắm vào đấy một triết lý cuộc sống : “Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông”

Đề 3:

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều”.
(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, Nxb Hội nhà văn, 2013, Tr.83)

Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề được đề cập trong đoạn trích trên?

b. Nghị luận về một hiện tượng đời sống

* Khái niệm:
Là dạng đề đề cập tới các hiện tượng phổ biến trong cuộc sống, các hiện tượng đó có thể là tích cực hoặc tiêu cực nhưng nó trực tiếp ảnh hưởng và thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hiện nay..

* Đề tài thường hướng tới:
An toàn giao thông, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, ô nhiễm môi trường, trung thực trong thi cử, nạn vứt rác bừa bãi, hiến máu nhân đạo, nghiện game, nghiện internet, lối sống ảo, lối học hình thức đối phó, dịch bệnh, vô cảm, những vấn đề nảy sinh hay cần thiết trong thời đại 4.0, các vấn đề đảm bảo về đạo đức, văn hóa, giữ gìn nét đẹp nhân cách, phẩm giá, tâm hồn con người, giữ gìn và phát huy mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong đời sống hiện nay.

Khác với dạng đề bàn về một tư tưởng đạo lý, dạng đề này thường nêu lên một hiện tượng có thật trong đời sống xã hội. Đó có thể là một hiện tượng tích cực, nhưng cũng có thể là một hiện tượng tiêu cực trong xã hội, hoặc một hiện tượng có cả hai mặt tích cực lẫn tiêu cực. Do đó, đòi hỏi người viết bằng nhận thức của bản thân thể hiện được chủ kiến của mình, bằng phân tích và lập luận để ca ngợi và biểu dương cái đẹp, cái tốt, cái thiện (chân, thiện, mỹ) và lên án, vạch trần cái xấu, cái ác, cái phi nhân… Tất nhiên những hiện tượng đời sống nêu trong các đề văn dạng này vừa phải gần gũi với tuổi trẻ học đường vừa có ý nghĩa lớn lao đối với cả cộng đồng dân tộc và thế giới.

* Các bước tiến hành:
– Khái niệm hiện tượng (hiện tượng đó là gì?)
– Thực trạng của hiện tượng (biểu hiện cụ thể, các mặt tích cực, tiêu cực của hiện tượng)
– Hậu quả, tác hại của hiện tượng đó (nếu là hiện tượng tiêu cực)
– Nguyên nhân của việc xảy ra hiện tượng đó là gì?
– Biện pháp khắc phục, xử lí thế nào?
– Liên hệ bản thân.

* Một số đề bài ví dụ:
Đề 1: Nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3/2009 , Tổng thư kí Liên hợp quốc Ban-ki-mun tuyên bố : “Bạo lực đối với phụ nữ nữ là một tội ác ghê tởm”. Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề này ?
Đề 2: “Vào đại học có phải là con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay?”. Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.
Đề 3: Có ý kiến cho rằng: “Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi cuộc sống của con người”. Viết bài văn nghị luận bàn về ý kiến trên.
Đề 4: Con người và tự nhiên, ai đang làm chủ thế giới này?

c. Nghị luận về một số vấn đề NLXH được rút ra từ các tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật

* Khái niệm:
Đây là dạng đề về một vấn đề xã hội, một triết lí nhân văn sâu sắc nào đó được rút ra từ trong tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật. Vấn đề xã hội này có thể học sinh đã được học ở trong chương trình sách giáo khoa của mình hoặc trích trong các mẫu báo, tài liệu khoa học nào đó.

* Đề tài hướng tới:
Các vấn đề xã hội sâu sắc, nhân văn từ trong tác phẩm văn học như lòng yêu nước, mục đích sống, trách nhiệm của thanh niên trong xã hội hiện nay, ý chí nghị lực trong cuộc sống, đức tính khiêm tốn, lí tưởng sống,..

* Các bước được tiến hành theo cấu trúc sau:
Bước 1: Tóm tắt, giải thích, nêu nội dung chính của vấn đề xã hội đặt ra.
Bước 2: Nghị luận xã hội, tiến hành các thao tác nghị luận xã hội bình thường tùy thuộc xem đó là tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng đời sống.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn đạt số điểm cao nhất trong bài nghị luận xã hội.
_Chúc các bạn học tốt!_​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top