• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

'Các bài học giáo dục đạo đức cứ trôi tuột'

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Quy lỗi cho trường, trách nhà trường không dạy đạo đức, pháp luật cho học sinh trước hiện tượng cán bộ lớp đánh dằn mặt bạn là không đúng. Trách dạy mà không hiệu quả mới là trách đúng.

Báo chí gần đây xôn xao vụ 3 cán bộ lớp 7 một trường THCS đóng kín cửa để đánh "hội đồng" một bạn khác vì tội "dám méc cô giáo những việc trong lớp". Ai cũng thấy việc làm này là không chấp nhận được và muốn nghiêm trị. Nhưng nghiêm trị trong trường liệu có làm hiện tượng này chấm dứt? Khó có thể hy vọng như vậy, bởi đó không là biện pháp diệt tận gốc. Xưa nay trong trường học, tình trạng "khỏe bắt nạt yếu" hay nói rộng hơn là bạo lực học đường không phải là không có.

Xét từ góc độ sư phạm, các em nói trên đều là học sinh lớp 7, có tuổi khoảng 12-13. Đây là lứa tuổi chưa thành người lớn nhưng rất muốn được xem là người lớn và do vậy muốn hành xử như người lớn - bắt chước người lớn. Nhưng ngoài xã hội, người lớn hành xử ra sao?

Nhiều người lớn khi bị chạm tự ái, bị va quẹt xe, thậm chí phạm luật giao thông bị công an dừng xe thì sẵn sàng dằn mặt đối tượng gây nên "điều khó chịu" cho mình, bất chấp hậu quả pháp luật sau đó. Luật pháp và bộ máy thực thi pháp luật trong nhiều trường hợp còn tỏ ra bất lực hoặc can thiệp chậm trễ trước những hành động ngang ngược này. Thế là trẻ em đem những điều mắt thấy hàng ngày đó vào lớp học.

Nét "mới" trong vụ ba cán bộ lớp đánh bạn lần này là ở chỗ, cậy quyền cán bộ lớp đánh dằn mặt xong thì không những không che giấu, mà còn dùng công nghệ cao để khoe thành tích. Mà xét ra, trong đời, đâu có ít những kẻ ngông cuồng cũng hay cậy quyền nào đó để khoe "thành tích" như thế.
Quy lỗi cho trường, trách nhà trường không dạy đạo đức, pháp luật cho học sinh là không đúng. Trường có dạy hết, kể cả dạy từ lớp 3 là phải đoàn kết với thiếu nhi quốc tế nữa kia! Trách dạy mà không hiệu quả mới là trách đúng. Cái đáng nói là các bài học đạo đức pháp luật cứ trôi tuột, không đọng lại mấy trong nhận thức và đặc biệt là trong hành vi của học sinh.

Trách trường không có biện pháp bảo vệ những học sinh dám méc thầy cô về cái sai của bạn cũng không công bằng. Giáo viên, giám thị có ba đầu sáu tay cũng không thể can thiệp kịp thời trước những xích mích nội bộ của hàng ngàn học sinh đang tuổi hiếu động.

Vậy ta phải làm gì để hạn chế tình trạng bạo lực học đường?

- Giáo dục ngăn ngừa bạo lực và làm ngay từ tuổi mẫu giáo. Trong việc này thì cha mẹ là người thầy đóng vai trò quan trọng nhất: dạy con không đánh chó đánh mèo, không ngắt véo trêu chọc, ăn hiếp em và bạn nhỏ hơn… Cảnh giác với những phim hay chương trình TV bạo lực ( phim hành động có đánh nhau, rượt đuổi, bắn giết.., phim đô vật wrestling quật nhau, vặn tay bẻ cổ nhau…) mà người lớn cứ vô tư xem trước mặt trẻ em. Thậm chí phim giải trí hoạt hình được nhiều lứa tuổi ưa thích là Tom và Jerry cũng đầy cảnh đuổi đánh, bóp cổ hay làm cho đối phương bị té, bị đau… Nếu không được hướng dẫn hay giải thích, trẻ dễ đem những trò có vẻ vô hại trong phim vào đời, như đập gậy lên đầu, đâm dao vào ngực, xô bạn té từ trên cao xuống…

- Nhà trường lo giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử với bạn, đặc biệt là trong những tình huống đòi hỏi sự kiềm chế (khi bị khiêu khích, bị chạm tự ái...). Những bài giảng về kỹ năng sống kiểu này sẽ thiết thực hơn nhiều, giúp trẻ nên người tốt hơn những bài dạy đoàn kết chung chung.

- Pháp luật phải nghiêm minh, cụ thể, rành mạch còn bộ máy thực thi pháp luật phải hoạt động có hiệu lực cao để mọi công dân thấy rằng, làm đúng luật thì được bảo vệ còn làm sai luật thì phải tự chịu trách nhiệm.

- Sâu xa hơn nữa là làm cho người người thấm nhuần tư tưởng người với người là bạn, là đối tác chứ không phải là đối thủ, là kẻ thù của nhau, rằng hòa bình thì cao hơn chiến tranh. Triết lý này phải thấm đẫm trong mọi cuốn sách giáo khoa, mọi tác phẩm văn học nghệ thuật, mọi phương tiện truyền thông và thể hiện bằng những hình tượng đẹp, lôi cuốn con người sống theo.
TS Hồ Thiệu Hùng
(Nguyên giám đốc Sở giáo dục và đào tạo TP HCM)
Theo VnWExpress
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top