Thảo luận Các đặc tính của chế độ tổng thống Mỹ

Trang Dimple

New member
Xu
38
Các đặc tính của chế độ tổng thống Mỹ
obama-1.jpg
"Sau cùng, điều quan trọng là chúng ta đã làm được gì và để lại những gì sau khi ra đi".

Tổng thống Obama
Là một thiết chế đặc biệt, mô hình tổng thống Mỹ mang bản chất và những giá trị đặc biệt so với các thiết chế chính trị trung ương khác của Mỹ và so với nhiều mô hình nguyên thủ quốc gia cùng thời trên thế giới. Sự khác biệt rõ rệt và tiêu biểu đến mức trở thành những đặc tính tạo nên sắc thái riêng cho chế độ tổng thống Mỹ.

1.Tính quyền lực tối cao

Đặc tính này bắt nguồn từ và tương xứng với vai trò, vị thế có một không hai của Tổng thống Mỹ. Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và xã hội, đại diện tối cao duy nhất cho nước Mỹ trong cả quan hệ đối nội lẫn đối ngoại. Quyền lực tổng thống là kết tinh quyền lực của toàn thể nhân dân, quốc gia và dân tộc Mỹ. Những giá trị đó sâu rộng, mạnh mẽ, toàn diện hơn hẳn vai trò, vị thế, quyền lực của các thiết chế chính trị trung ương khác bởi vì Quốc hội, Toà án Tối cao, ban lãnh đạo đảng phái, nhóm áp lực... chỉ là đại diện tập thể cho Nhà nước hoặc nhân dân Mỹ trên một số lĩnh vực, ở một số mức độ nhất định và hầu như chỉ gói gọn trong phạm vi đối nội. Tính quyền lực tối cao duy trì và phát triển được nhờ những đảm bảo vững chắc. Chế độ tổng thống Mỹ được thừa nhận cả về pháp lý lẫn thực tế, cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Địa vị nguyên thủ quốc gia được khẳng định, quyền lực tổng thống được Nhà nước và nhân dân Mỹ tuân phục. Tổng thống cũng nắm giữ đầy đủ mọi phương tiện có khả năng giúp mình củng cố vị thế và thực thi hữu hiệu quyền hành. So với các mô hình nguyên thủ quốc gia khác, chế độ tổng thống Mỹ mang tính quyền lực tối cao trọn vẹn hơn bởi sự thực chất của nó. Thật vậy, ở nhiều nơi trên thế giới, quyền lực tối cao trang bị cho nguyên thủ quốc gia chỉ trên danh nghĩa, còn thực tế thì quyền lực ấy thuộc về nhân vật khác, ví dụ thủ tướng - người đứng đầu ngành hành pháp (tại những nước theo chính thể đại nghị), giáo chủ (tại những nước mà tôn giáo bao trùm đời sống xã hội - như ở Iran), thủ lĩnh quân sự (tại những nước mà quân đội thao túng chính quyền)... ở Mỹ, quyền lực tổng thống thể hiện trên thực tế hoàn toàn tương xứng với những quy định trong luật, đồng thời Tổng thống rất có thực quyền do vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là thủ tướng. Nền tảng dân chủ - pháp lý cao, nhu cầu lãnh đạo - điều hành xã hội phức tạp, khả năng đại diện tập trung - tiêu biểu cho một cường quốc và lối sống thực tế - thực dụng có lẽ là 4 nguyên nhân cơ bản nhất khiến người Mỹ không chấp nhận sự hữu danh vô thực trong thiết chế quyền lực tối cao của nước mình.

2.Tính dân chủ

Tuy dân chủ là tính chất của nhiều tổ chức chính trị Mỹ, nhưng chỉ ở chế độ tổng thống nó mới được thể hiện đầy đủ và sắc nét. Phủ nhận hoàn toàn mô hình quân chủ, chế độ tổng thống được thiết lập từ nguồn gốc dân chủ, do nhu cầu dân chủ và có sứ mệnh vừa bảo đảm tối cao, vừa định hướng tiên phong cho nền dân chủ Mỹ. Đó thực sự là thiết chế bởi dân, của dân và vì dân. Xem xét toàn bộ quy trình chế độ tổng thống Mỹ, sẽ thấy tính dân chủ bao trùm rộng khắp. Mọi công dân Hoa Kỳ chính gốc, đạt đủ tuổi Hiến pháp ấn định thì đều có thể tham gia ứng cử và bầu cử tổng thống. Tổng thống được bầu một cách công khai, bình đẳng bởi mọi thành phần nhân dân trên khắp lãnh thổ liên bang và giữ cương vị nguyên thủ quốc gia trong giới hạn từng nhiệm kỳ ngắn 4 năm (chứ không phải nhiệm kỳ quá dài hạn hoặc suốt đời). Quyền lực tổng thống là đại diện tập trung thống nhất của quyền lực toàn dân. Chế độ tổng thống tồn tại, hoạt động theo pháp luật (tức là theo ý chí chung của nhân dân đã được chính thức hoá), chịu sự đánh giá, kiểm sát trực tiếp và gián tiếp của dân. Tư cách chính trị cơ bản nhất của Tổng thống cũng giống như mọi người Mỹ bình thường khác - đều là công dân. Trừ yếu tố quyền lực bắt buộc phải có do chức năng, nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia, nhìn chung quan hệ giữa Tổng thống Mỹ với nhân dân khá công bằng, gần gũi, cởi mở. Trên nhiều phương diện, khoảng cách địa vị giữa Tổng thống với các công dân Mỹ rất ngắn, mơ hồ - khác hẳn với ở hầu hết mọi nước trên thế giới.

3.Tính xã hội rộng rãi

Mô hình tổng thống Mỹ là một trong những thiết chế xã hội đại chúng nhất. Địa vị, quyền lực, phương thức thiết lập, hoạt động, vai trò, quan hệ... của Tổng thống đều mang giá trị xã hội rộng rãi, đều ít nhiều có và cần có mọi thành phần xã hội tham gia. Sự tham gia ấy chỉ phải kèm theo một số tiêu chuẩn nhất định mang tính tự nhiên (nhằm đảm bảo hiệu quả cho chế độ tổng thống ), chứ không bị hạn chế bởi những điều kiện xã hội. Thực tế lịch sử cũng cho thấy các Tổng thống Mỹ có những đặc điểm xã hội rất khác biệt nhau, lại xuất thân từ đủ loại giai cấp, nhưng điều đó đã không hề ảnh hưởng tới quan hệ, ý nghĩa và tư cách Tổng thống như nhau của họ.

4.Tính liên tục và ổn định

Tại hầu hết các nước cộng hoà trên thế giới, chế độ tổng thống thường bị gián đoạn6 do việc tái lập thể chế quân chủ, chiến tranh, thay đổi luật pháp, đảo chính, cánh mạng xã hội .v.v..., nhiều khi nghiêm trọng đến mức xoá bị bỏ lâu dài hoặc vĩnh viễn. Ngược lại, suốt từ lúc xuất hiện (năm 1789) đến nay, chế độ tổng thống Mỹ tồn tại và phát triển một cách liên tục. Hiện tượng chính trị độc đáo này tuy không ngẫu nhiên, nhưng việc tìm lời giải thích thoả đáng và toàn diện cho nó chỉ cuốn hút nhiều công sức quan tâm của giới nghiên cứu chứ chưa đạt kết quả mong muốn. Dù sao tính liên tục của chế độ tổng thống Mỹ là một thực tế và dễ nhận thấy một số nguyên nhân chủ yếu.Thứ nhất, suốt quá trình lịch sử của mình, chế độ tổng thống Mỹ luôn tỏ ra tích cực, hiệu quả, hợp thời và thích nghi. Thứ hai, trong cả tư tưởng lẫn hành động, người Mỹ không bao giờ chấp nhận thiết lập chính thể quân chủ hoặc độc tài tại Hoa Kỳ. Theo họ, chỉ có chính thể cộng hoà mới tạo dựng và đảm bảo tối đa được những giá trị tự do, dân chủ. Chế độ tổng thống vì vậy trở thành mô hình nguyên thủ quốc gia duy nhất họ lựa chọn, khiến nó tồn tạiở Mỹ giữa sự ủng rộng rãi và không phải cạnh tranh. Thứ ba, kỷ cương pháp lý chặt chẽ cùng văn minh dân chủ cao đã bảo vệ hữu hiệu chế độ tổng thống Mỹ khỏi sự tấn công của các nguy cơ gián đoạn vốn thường chỉ phát sinh trong môi trường pháp lý và dân chủ thấp kém. Thứ tư, bản thân địa vị, quyền lực của Tổng thống là tối cao và vững chắc, khiến tự hình thành nên một giá trị mang sức nặng ghê gớm không dễ gì lay chuyển. Thứ năm, nhìn chung người Mỹ có ý thức trách nhiệm chính trị lớn, họ đủ khôn ngoan giữ cho những biến động xã hội chỉ gây ảnh hưởng trong giới hạn nhất định, chứ không thái quá đến mức có thể tổn hại đến các thể chế cơ bản nhất của quốc gia (Tổng thống, Hiến pháp...). Thứ sáu, phương thức thiết lập dự trù đầy đủ cho sự kế nhiệm liên tục: Tổng thống mới được bầu lên trước khi Tổng thống cũ mãn nhiệm một khoảng thời gian khá dài (chừng 4 tháng - từ năm 1933 trở về trước, và khoảng 1,5 tháng - sau năm 1933) ; thời điểm Tổng thống cũ chính thức thôi chức cũng là lúc Tổng thống mới chính thức nhậm chức; luôn có Phó Tổng thống hoặc người thay thế tương đương để đảm nhiệm chức vụ nếu Tổng thống từ trần hoặc không thể tiếp tục lãnh đạo ... Xét về mặt hoạt động thực tế, tính liên tục của chế độ tổng thống Mỹ thể hiện tuyệt đối và mạnh mẽ hơn nhiều so với các thiết chế nhà nước trung ương khác. Quốc hội Mỹ chủ yếu hoạt động mỗi khi xem xét, biểu quyết các chính sách lớn và dự thảo, thông qua luật. Toà án Tối cao Mỹ thực chất cũng chỉ hoạt động, giải quyết công việc của mỗi năm từ tháng 10 năm đó đến tháng 6 năm sau. Trong khi ấy, Tổng thống và bộ máy giúp việc ông ta hoạt động liên tục suốt ngày đêm quanh năm. Điều này lý giải bởi sự đương nhiên không bao giờ ngưng nghỉ của tiến trình hành pháp mà Tổng thống là nhân vật đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo. Tính liên tục của chế độ tổng thống Mỹ tương tác rất chặt chẽ với tính ổn định - đến mức nhiều người cho rằng chúng bao hàm nhau. Suốt lịch sử phát triển, chế độ tổng thống Mỹ luôn giữ vững sự ổn định nội tại của mình trước những biến loạn của xã hội. Và mặc dù đã phải co giãn rất nhiều để phù hợp với thực tế từng thời, nó vẫn bảo lưu gần như vẹn nguyên bản chất cùng các giá trị chủ yếu được xác lập trong Hiến pháp nguyên thuỷ 1787.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top