Nước Văn Lang
Khoảng 700 TCN, ở khu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả, nơi người Lạc Việt sinh sống, nước Văn Lang đã ra đời. Đứng đầu nhà nước có vua, gọi là Hùng Vương. Gíup vua Hùng cai quản đất nước có các lạc hầu, lạc tướng. Vua, lạc hầu, lạc tướng thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội. Dân thường thì được gọi là lạc dân, tầng lớp thấp kém nghèo hèn nhất là nô tì.
Dựa vào các hiện vật người xưa để lại, các nhà sử học cho biết: Dưới thời các vua Hùng,nghề chính của lạc dân là làm ruộng. Họ trồng lúa, khoai, đỗ, cây ăn quả, rau và dưa hấu. Họ cũng biết nấu xôi,gói bánh chưng, làm bánh giầy, làm mắm,…Ngoài ra, người Lạc Việt còn biết trồng đay,gai,trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Họ cũng biết đúc đồng làm giáo, mác mũi tên, lưỡi rìu, lưỡi cày, vòng tay, hoa tai, trống, chiêng, lục lạc,…; nặn nồi niêu; đan rổ, rá, gùi, nong, đan thuyền nan, đóng thuyền gỗ,…Người Lạc Việt ở nhà sàn để tránh thú dữ và họp nhau thành các làng bản. Họ thờ thần Đất, thần Mặt Trời. Người Lạc Việt có tục nhuộm răng đen, ăn trầu, búi tóc, cạo trọc đầu,…Phụ nữ thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay bằng đá, đồng. Những ngày hội làng,mọi người thường hóa trang, vui chơi, nhảy múa theo nhịp trống đồng. Các trai làng đua thuyền trên sông hoặc đấu vật trên những bãi đất rộng. Nước Văn Lang tồn tại qua mười tám đời vua Hùng.
Nước Âu Lạc
Triệu Đà-vua của nước Nam Việt (miền Nam Trung Quốc ngày nay), nhiều lần kéo quân sang xâm lược nước Âu Lạc. Người Âu Lạc đoàn kết một lòng chống giặc, lại có tướng chỉ huy giỏi,vũ khí tốt, thành lũy kiên cố nên lần nào quân giặc cũng bị đánh bại.
Tương truyền rằng, biết không thể thắng nổi người Âu Lạc bằng sức mạnh quân sự, Triệu Đà đã hoãn binh, cho con là Trọng Thủy sang làm con rể An Dương Vương để điều tra cách bố trí lực lượng và chia rẽ nội bộ những người đứng đầu nhà nước Âu Lạc. Năm 179 TCN, Triệu Đà lại đem quân đi đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua trận, phải nhảy xuống biển tự vẫn. Từ đó, nước Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc.