• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Bphone nên làm gì để tiến xa hơn? - Francis Hùng

Phong Cầm

Yêu!
Thành viên BQT
Bphone là chiếc điện thoại made in Việt Nam đầu tiên, đứng trước sự kiện này, tôi xin mạn phép được trích dẫn những ý kiến của diễn giả Francis Hùng về chiếc điện thoại Bphone. Mời các bạn đón đọc và cùng đưa ra ý kiến .

Bài 1. Cái tên Bphone - nên đổi

Sự ra đời của Bphone là rất đáng khích lệ cho Việt Nam.
Tuy nhiên, nó sẽ tạo đà mạnh hơn nữa nếu như đội ngũ tạo ra nó để ý đến cái tên - dưới góc độ một thương hiệu muốn vươn tầm quốc tế.
Chữ " B" trong nhận thức của khách hàng quốc tế nói chung luôn dành cho sản phẩm hạng " B", sẽ khó xem nó là sản phẩm tốt nhất, đỉnh nhất, khi nó được đặt tên bắt đầu bằng "B".
Có một luật bất thành văn là nếu dùng " A-B-C" để làm tiếp đầu ngữ cho bất kỳ sản phẩm nào, thì nó luôn tạo " tính xếp hạng" trong đầu người tiêu dùng. ( Loại A, loại B, loại C).
Nhưng nếu vượt ra khỏi khung " A-B-C" thì không bị ảnh hưởng bởi tính xếp hạng này nữa. Ví dụ: tên " Iphone" thì không tạo nhận thức về xếp hạng, vì chữ " I" đã ra khỏi ngạch " A-B-C" trong nhận thức điểm số và đẳng cấp.
Tôi hiểu tâm huyết của anh Quảng và đội ngũ " Bách Khoa", và tôi hiểu cái điện thoại Bphone muốn mang dấu ấn của " Bách Khoa".
Tôi chỉ bàn dưới góc độ xây dựng thương hiệu và đưa nó ra quốc tế , đồng thời thể hiện tâm huyết của những người làm ra là muốn nó " đứng đầu"
Vậy thì, dưới góc độ thương hiệu anh Quảng phải đổi tên Bphone thành tên khác, chẳng hạn " Vphone", hàm ý VN phone, victory phone, hay gì gì đó, tôi chưa nghĩ ra tên tốt nhất.
Nhưng tôi chắc một điều với tên "Bphone" thì không thể tạo nhận thức cho khách hàng quốc tế nó là sản phẩm số 1 được.
Mong đội ngũ anh Quãng nghiên cứu và take action trước khi quá muộn. Phải hành động ngay khi nó còn nóng hổi.
Francis Hùng.
P/s: Đề xuất này có bản quyền của tôi nhé, vì tôi liếc khắp các diễn đàn, truyền thông, chưa ai đề xuất vấn đề này cả...hi hi.

Bài 2: Bphone
Diễn đàn bàn luận về Bphone rất nhộn nhịp, đó là tín hiệu tốt. Tư duy phản biện là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành. Nếu phản biện đúng - MỌI NGƯỜI rút ra được bài học. Nếu phản biện sai thì... MÌNH rút ra được bài học.
Một số phản biện đi quá xa , xa đến mức...chạm mốc quy chụp, các phản biện này cố ý " chụp" tôi như: Dìm hàng, không ủng hộ hàng VN, xúc phạm tới tên Bphone...etc.
Cho phép tôi làm rõ tí: Tôi yêu mến sản phẩm VN, tôi ủng hộ sản phẩm VN trong phạm vi có thể, tôi mến phục những người tâm huyết làm ra chiếc Bphone, Chính vì yêu mến, nên tôi góp ý để cho nó - trên chặng đường dài chinh phục thị trường của mình, hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại không cần thiết. Hay lẽ ra nó đi nhanh hơn nhưng vì thiếu lời khuyên nên nó bị cản trở chẳng hạn.... thành ý là vậy, mong các bạn đừng bị " cảm xúc hoá" trong comment của mình mà gây tổn thương nhau nhé.
Nhưng cũng lưu ý một điều: tôi ủng hộ không có nghĩa là cái sai tôi lại nói thành đúng. Bây giờ nói tới chuyên môn một chút:
1/ Một số comment cho rằng: Cái tên không quan trọng, quan trọng là chất lượng và dịch vụ mới làm nên thương hiệu.
Nhận định của tôi: Comment như thế hoàn toàn đúng, và nó sẽ đúng hơn khi biết " Kaizen" ( cải tiến) nó thêm một chút. Bạn chọn cái nào giữa hai sự lựa chọn sau đây:
- Sản phẩm chất lượng, dịch vụ tốt + với cái tên đẹp, đúng phân khúc thương hiệu hướng tới rút ngắn thời gian " đua" với các sản phẩm cùng loại khác
- Sản phẩm chất lượng, dịch vụ tốt + cái tên XẤU, mất thời gian " chứng minh" cho thị trường hiểu rõ, chi phí bán hàng tăng do đi ngược lại nhận thức thông thường của thị trường thế giới.
2/ Một số phản biện lại dẫn chứng các thương hiệu như : Blackberry, Bugati,... và cho rằng chúng cũng bắt đầu bằng chữ " B" nhưng cũng mạnh và nỗi tiếng thế giới
Nhận định của tôi: Nên nhớ, đó là những chữ viết liền thì không ảnh hưởng đến nhận thức , còn tên BPhone, nó nhấn mạnh chữ "B" như là một thương hiệu - một chữ cái mang tính xếp hạng. Nên sự so sánh giữa Buggati, Blackberry với Bphone là khập khiểng.
Lẽ ra đội ngũ của Bphone sẽ làm tốt hơn, nếu có thể tránh những lỗi sau:
1/ Đặt tên sản phẩm là " Bphone". Đây là cách copy theo triết lý đặt tên của Iphone của hãng Apple. Khi bạn cho ra đời một sản phẩm, nếu bạn copy một triết lý đặt tên đã có từ trước, mọi người đều nhận ra và đa số ít nhiều gì trong đầu cũng có " lăn tăn" từ " COPY" viết hoa. Mà cái gì khiến cho người tiêu dùng lăn tăn với " COPY" thì thương hiệu đó không tạo ra được nhận thức " tiên phong" hay " đột phá" được. Cho dù người CEO có dùng thường xuyên từ " Tiên phong" nhiều như thế nào đi nữa, nó đã muộn. Nó đã đi sau một cái đã có trước nó, và nó mang âm hưởng của từ " COPY".
2/ Trong slide trình bày của CEO Bphone, đã vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh đó là nêu đích danh và trưng hình ảnh của Iphone với những thông số kỹ thuật thấp hơn để so sánh với Bphone. Dân công nghệ ai cũng biết Apple không dùng " cấu hình" để cạnh tranh nên sự so sánh mang tính " dìm hàng" Iphone là không nên.
Sự vi phạm luật cạnh tranh ( của Việt Nam và thông lệ của thế giới), được đội ngũ Bphone biện hộ rằng buổi ra mắt không phải là chương trình quảng cáo nên không vi phạm luật quảng cáo của VN.
Dưới góc độ luật pháp, buổi lễ ra mắt, có sự tham dự của truyền thông và công chúng, có phần trình bày chính thức của CEO, có ghi hình post lên mạng...tất cả những hình thức đó đều được xem là quảng cáo, mà nếu quảng cáo có sự đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi thương hiệu khác như nêu đích danh, phân tích so sánh...đều vi phạm luật quảng cáo.
3/ Tôi tin rằng đội ngũ luật sư hùng hậu của Apple đang xúc tiến hồ sơ sẵn sàng để kiện Bphone.
Nhưng! họ chưa nộp, các bạn có biết tại sao không?
- Họ đợi cho Bphone có một số thành công về mặt doanh số nhất định ( để có tiền) trước cái đã, và họ đợi cho doanh số của họ ( Iphone) tại thị trường mà họ đang kinh doanh " bị ảnh hưởng chút đỉnh" để tạo dữ kiện " thiệt hại". sau đó họ sẽ kiện với mức đòi bồi thường rất cao, đủ để Bphone ( nếu tuân thủ luật chơi quốc tế) phải " xấc bấc xang bang" trả tiền phạt. Apple sẽ thu được món tiền lớn và có thể khiến Bphone phải sớm đóng cửa vì đã dùng hết " hiệu quả bán hàng" của mình để trả tiền phạt. Tôi tự hỏi, tại sao Bphone không quan sát các vụ kiện giữa Apple và Samsung hay giữa các hãng công nghệ với nhau mà nhìn trước vấn đề? Dẫn đến sự khinh suất nghiêm trọng như vậy.
- Thế giới họ chơi cuộc chơi đường dài, và cuộc chơi đường dài của họ , họ đã có kinh nghiệm " đủ tầm" để chiến thắng.
Vấn đề là chúng ta hay Bphone sẽ làm gì để lật ngược thế cờ, thắng trên trường quốc tế?


Bài 3: Truyền Thông và Kênh Phân Phối.Trước khi đi vào phần phân tích chuyên môn của bài 3, lại phải trả lời một số comment nổi bật của bài 2.
Comment nổi bật của bài 2: Tại sao các hãng Samsung, Apple, HTC, Nokia.... dìm hàng so sánh nhau " ầm ầm" mà không thấy họ kiện nhau?
Nhận định của tôi: Làng công nghệ thế giới có mối quan hệ phụ thuộc với nhau chằng chịt, hãng này sản xuất chip cho hãng kia, hãng kia làm màn hình cho hãng nọ. Họ đã.... " cùng chơi với nhau" theo luật bất thành văn trong nguyên tắc " so sánh dìm hàng" mà không dùng đến luật pháp cho nguyên tắc này. Tại sao họ lại chơi theo nguyên tắc này?
Vì năng lực của các hãng thường " cùng tầm" với nhau, cho nên họ đi đến luật chơi bất thành văn, khi anh " launch" anh cứ " dìm" tôi thoải mái, đến lượt tôi " launch" tôi lại thoải mái "dìm" anh.
NHƯNG....
Câu chuyện Bphone lại hoàn toàn khác. Nó khác như thế nào, tôi mượn một ví dụ minh họa:
Hai xe cùng vượt đèn đỏ ( vi phạm luật), nhưng chỉ có một xe bị cảnh sát giao thông thổi phạt. Xe bị thổi phạt khiếu nại " tại sao thằng kia cũng vượt đèn đỏ như em mà không bị thổi?".
Cảnh sát giao thông có quyền " bắt dính" hoặc " bắt hụt" những người vi phạm. Khi anh vi phạm anh không được phép nói " sao thằng kia cũng vi phạm mà không bị bắt". Anh vi phạm thì anh chịu trách nhiệm, thế thôi.
Nói vậy các bạn đã hiểu : " begin with the end in mind". Bphone phải chơi đúng ngay từ đầu để đừng bị " hỡ sườn". Người ta chưa kiện không có nghĩa là người ta không kiện ; người ta không kiện đối thủ khác không có nghĩa là người ta sẽ không kiện mình.
Nhắc lại ý ở trên, do luật bất thành văn của các hãng công nghệ trong việc " dìm hàng" nhau, họ chấp nhận luật chơi như vậy mà không đưa vào " khung luật pháp" vì họ ngang tầm với nhau, và mối quan hệ " sản xuất, cung cấp" linh kiện của họ rất chằng chịt. Chúng ta chưa thỏa thuận mà " tung chưởng" để bước vào luật bất thành văn này của họ, lại tưởng rằng mình cứ " so sánh dìm hàng đối thủ" giống như họ đang làm, là một bước " xen ngang, rút kiếm chém" mà quên " che bên sườn" lại ( thậm chí chưa thỏa thuận để được chơi với các player khác), trong khi những hãng khác đã che chắn cẩn thận nhiều lớp, và hiểu rõ các vũ khí của đối phương.
Nào , bây giờ đi vào chuyên môn. Lẽ ra, Bphone đã làm tốt hơn dưới khía cạnh Truyền Thông và Kênh Phân Phối. Phần phân tích sau đây hoàn toàn kịp thời gian cho Bphone điều chỉnh:
VẤN ĐỀ 1/ Khi muốn đưa ra thông điệp smartphone của anh là " hàng đầu thế giới" thì trong buổi lễ ra mắt, bắt buộc phải có phần trình bày bằng Tiếng Anh, vì đây là ngôn ngữ quốc tế. Các " trình bày viên" buộc phải sử dụng Tiếng Anh.
Giải pháp cho vấn đề 1: Phải tổ chức thêm một buổi ra mắt sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ quốc tế để trình bày. Tuy nhiên, tôi suy nghĩ kỹ - Đã lỡ làm Tiếng Việt lần này rồi, nên chắc đợi đợt ra mắt phiên bản tiếp theo của Bphone ( nếu có) thì vấn đề này phải được nghiêm túc thực hiện. Nếu chưa thành thạo Tiếng Anh thì thuê " mắt xanh mũi lõ" nhờ thực hiện.
VẤN ĐỀ 2: Tôi không thấy các hãng truyền thông lớn trên thế giới đưa tin RẦM RỘ. Trong một sự kiện vô tiền khoáng hậu của VN như thế này, hãy đảm bảo tất cả các hãng đều phải rầm rộ đưa tin. Hãy giật tít kiểu " một đất nước nổi tiếng chống ngoại xâm, nay đã bắt đầu "tuyên chiến" với thế giới bằng....smartphone chẳng hạn....".
Nhiều, nhiều chủ đề phóng sự vào.
VẤN ĐỀ 3: Kênh phân phối
Được biết Bphone quyết định chỉ cho đặt hàng online. Việc này tôi đoán Bphone đang thực hiện chiến lược kinh doanh theo triết lý đặc thù của Việt Nam và Trung Quốc , đó là triết lý " đánh quả".
Triết lý " đánh quả" này tạo cảm giác như thế nào cho người tiêu dùng? Và tại sao Bphone lại dùng nó? Sẽ hiệu quả hay không hiệu quả?
a/ Đây là lần đầu tiên VN " tự sản xuất Smartphone", nên tạo sự tò mò lớn cho người tiêu dùng, cộng với sự trình bày " không thể tin được", Bphone "nghĩ" sự tò mò đó " đủ" để người tiêu dùng móc túi 9 triệu mấy ra mua?!
b/ Triết lý " đánh quả" bằng cách yêu cầu đặt hàng online sẽ đặt người tiêu dùng vào.... " thế đã rồi". Có lẽ, Bphone đã đánh giá cao " sự tò mò" của người tiêu dùng, mà quên một điều - 9 triệu mấy VND là con số lớn đối với đa số người Việt cho một sản phẩm điện thoại.
c/ Bphone nghĩ thông qua việc " đặt hàng online" nhờ sự tò mò của người Việt, Bphone sẽ " hốt một cú" đậm về doanh số để " tạo đà" cho " R & D" của thế hệ sản phẩm tiếp theo, và tạo " lực" cho công ty?
Trước khi viết tiếp, tôi muốn hỏi các bạn đang đọc bài này : Bạn có bỏ ra trên 9 triệu đồng để mua một chiếc Bphone khi bạn không thể sờ nắn, chạm vuốt, thử chụp...thực tế trước khi mua không?
Nếu phần lớn câu trả lời của các bạn là " không", có nghĩa là Bphone đã phạm sai lầm nghiêm trọng cho chiến lược đặt hàng " online".
Giải pháp của tôi để khắc phục vấn đề 3, tôi nghĩ vẫn còn kịp:
3.1 Bphone ngay lập tức phải điều chỉnh để xây dựng kênh phân phối offline - tức là hàng phải lên kệ, có mẫu cho sờ nắn, chạm nhấn thoải mái
3.2 Bphone ngay lập tức mời các CEO của Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim, Viễn Thông A....và các cửa hàng nổi bật khu vực của sáu mươi mấy tỉnh thành để thảo luận việc hợp tác đưa Bphone ...lên kệ.
3.3 Phải có đội ngũ liên lạc với ít nhất tất cả các nước trong khu vực, rồi vươn tới Mỹ và Châu Âu ( có thể nhờ đại sứ quán VN tại các nước), tìm ra những công ty phân phối smartphone nổi bật của nước họ, thảo luận việc hợp tác, " cho lên kệ" sản phẩm Bphone ở các nước đó với mức chiết khấu " thật thơm" để tạo đà. Hoạt động này đòi hỏi BKAV phải xây dựng đội ngũ kinh doanh quốc tế đầy năng lực thì mới thực hiện được.
Tôi tạm kết phần phân tích của bài số 3, hy vọng đội ngũ Bphone đọc được và có các bước điều chỉnh cần thiết.
P/S: Có bạn nào biết thông tin nhà máy sản xuất Bphone đặt ở đâu không? Có ai tận mắt chứng kiến công nhân Việt Nam sản xuất Bphone chưa? Có ai thấy dây chuyền hiện đại " không thể tin được" của Bphone ở VN chưa? Nếu có thông tin xin cung cấp. Tức là tận mắt bạn chứng kiến hãy đưa lên đây nhé.
Nếu những thông tin về nhà máy, dây chuyền vì lý do nào đó... không ai biết, thì tôi cảm thấy tâm huyết chia sẻ của tôi thành ra....công cốc cho một sản phẩm lần đầu của VN.
Nếu quả thật có....cái gì đó đằng sau câu chuyện Bphone này, khiến cho không ai biết thật sự nhà máy như thế nào, không thấy một công nhân Việt nào, thì chắc có lẽ tôi ngưng các bài viết chia sẻ về thương hiệu này, vì nó ...uổng công.
VÀ nếu quả thật như thế, thì nó.... nhạy cảm thật.


Bài Cuối: Cảm Xúc Thương Hiệu.
Việt Nam vẫn còn bị mang tiếng là " chưa hoàn thiện nổi cái xe đạp". Sự kiện Bphone ra mắt như là một sản phẩm công nghệ cao được làm ra bởi một công ty Việt Nam 100% ( giả định rằng chúng ta tin 100% những gì Bphone nói), thì những hoạt động sau đây liên quan đến buổi ra mắt, Bphone đã bỏ lỡ, cái mà tôi gọi là " cảm xúc thương hiệu".
Trước khi đi vào một số gạch đầu dòng chuyên môn trong hoạt động ra mắt, tôi sẽ chọn một triết lý ra mắt hoàn toàn ngược lại với những gì mà Bphone đã thực hiện về mặt ngôn từ và nội dung. Lý do nhằm mục đích phải đạt cho được cảm xúc tích cực của người tiêu dùng cho sản phẩm công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam.
Anh Quảng đã bỏ lỡ cơ hội tạo làn sóng cảm xúc ủng hộ, vì anh đã dùng ngôn từ quá bốc như cụm từ " không thể tin được" là biểu hiện của sự tự tin thái quá, nó gây ra " phản ứng tự vệ" trước thông điệp của người nghe.
Nếu nghiên cứu kỹ về lịch sử nền công nghệ của Việt Nam, để tạo được cảm xúc thương hiệu có thể lấy nước mắt của khán giả nhân sự kiện ra mắt Bphone, khiến cho người tiêu dùng ngay lập tức đặt hàng vì " lòng yêu nước" được kích hoạt đúng. Bối cảnh buổi ra mắt phải bắt đầu tuần tự như sau:
1/ Chiếu lại một vài phân đoạn của phim tư liệu từ hai cuộc chiến tranh tại VN.
2/Cảnh đồng lúa, lũy tre làng, người nông dân...
3/ Nạn đói năm xưa, và cái nhục của một nước nghèo.
4/ Đất nước thời bao cấp và thời gian đầu mở cửa...
5/ Nền công nghiệp buổi sơ khai của VN..
6/ Tư liệu về lãnh đạo và chuyên viên của BKav, " vò đầu, bứt tai", húp mì gói, đôi mắt trủng sâu, thâm quầng, đau đáu về nền công nghệ nước nhà.
7/ Hình ảnh các kỹ sư tiêu biểu của BKav ăn, ngủ, sống với dự án Bphone
8/ Hình ảnh công nhân, dây chuyền sản xuất một số cảnh tiêu biểu...
9/ ...v..v
Nếu thật sự thông tin do Bphone cung cấp về sản phẩm này được VN chúng ta làm ra 100%, thể hiện trí tuệ Việt, thì trong buổi lễ ra mắt phải có sự hiện diện của Thủ tướng chính phủ, hay tối thiểu cũng phải là Bộ trưởng truyền thông.
Điều gì khiến cho không một lãnh đạo chính phủ nào có mặt ở buổi ra mắt sản phẩm " đỉnh cao" Bphone, khi Bphone liên tục khẳng định đây là sản phẩm công nghệ cao cấp làm ra lần đầu tiên bởi 100% nhân sự của công ty VN?
Không thể đổ lỗi cho ai khác, vì cách làm của Bphone tại buổi lễ ra mắt đã bỏ lỡ cơ hội vàng kêu gọi người Việt ủng hộ hàng Việt. Không những thể, Bphone đã tạo ra một làn sóng nghi ngờ về tính " thật" của cái gọi là " 100% làm bởi người Việt".
Nếu làm tốt khâu khiến cho khán giả xúc động, cảm xúc dành cho thương hiệu được đẩy lên cao, anh Quảng không cần phải quá nhấn mạnh đến tính " hàng đầu thế giới" của Bphone. Thậm chí, còn vài chổ chưa hoàn thiện của sản phẩm, máy chạy bị treo, nấc cục..v.v, người dân Việt Nam vẫn thỏa lòng trong việc bỏ tiền ra để ủng hộ một sản phẩm còn non trẻ của VN, với điều kiện ... nó phải thật là do người Việt làm ra.
Tôi không có mặt trực tiếp ở buổi ra mắt, chỉ xem lại clip, thú thật, cách trình bày của các lãnh đạo Bphone tại buổi lễ ra mắt chỉ thuần công bố đặc tính kỹ thuật, rất căng thẳng, thiếu hẳn kỹ năng diễn thuyết đỉnh cao để chạm vào lòng người nghe.
Đừng xem thường kỹ năng diễn thuyết. Nhất là tại các sự kiện ra mắt sản phẩm quan trọng như thế. Nhưng để diễn thuyết hút hồn, anh phải nói bằng niềm tin đích thực của anh, anh phải ăn ngủ sống với niềm tin đó, anh phải thực tế " sống chết" với dự án, anh phải, phải, phải ....THẬT thì bài nói chuyện mới thu hút được. Đằng này, xem các lãnh đạo chuyên môn của Bphone trình bày, tôi có cảm giác họ quá phụ thuộc vào slide, như bị " ép" học thuộc lòng nội dung.
Tôi nói thật, nếu tôi là người trong suốt 4 năm " sống chết " với dự án, đã thí nghiệm, thất bại, thí nghiệm lại , nhiều lần, thành công, đã dính với đội ngũ cộng sự, kỹ sư ngày đêm.... Khi tôi trình bày thì các slide... phải chạy theo tôi chứ không phải tôi căng thẳng hay run rẩy dòm chừng slide như thế. Nên cộng đồng nghi ngờ là đúng, đừng trách họ.
Nói gì thì nói, vẫn phải có phát biểu ủng hộ của lãnh đạo có trách nhiệm của đất nước, thể hiện sự ủng hộ với trí tuệ Việt qua sản phẩm Bphone. Sự thiếu vắng lãnh đạo chính phủ là một thiếu sót quá lớn của Bphone.
Nhưng tại sao không có lãnh đạo nào của nhà nước phát biểu? câu trả lời còn bỏ ngỏ. Vì kỹ năng đối ngoại, PR của Bphone còn hạn chế hay vì lý do gì nằm ở cái " 100% Việt Nam làm ra" như tuyên bố của Bphone?
Tôi vẫn hy vọng lý do nằm ở sự hạn chế trong kỹ năng đối ngoại của Bphone thì tôi vẫn còn được an ủi và không thất vọng, còn nếu nằm ở lý do.... nhạy cảm nào đó mà lãnh đạo nhà nước không thể xuất hiện, thì tôi tổn thương ghê lắm.
Chúc Bphone thành công
P/S: Cả 4 bài viết được thực hiện trong thời gian tôi phải liên tục di chuyển từ Hà Nội - Sài Gòn vì lý do công việc, có khi giữa đêm khuya, có khi là thời gian ngồi chờ máy bay... Vì lần đầu tiên VN chúng ta có một Bphone như thế, mà tôi không góp ý để nó tốt hơn thì tôi không an lòng.
Tôi đã chờ đợi rất lâu, tự nhủ rằng khi tôi đã từng có lớp huấn luyện/ diễn thuyết cho Samsung, Microsoft, Sony, Intel, Asus mà chưa một lần nào hỗ trợ cho một hãng công nghệ của VN, điều đó khiến tôi không ngại thời gian làm việc thêm đêm khuya để góp phần chia sẻ , và thật lòng mong Bphone thành công trong sự chính trực. Đừng sợ sự khiếm khuyết của sản phẩm trong giai đoạn đầu, nhưng điều kiện tiên quyết là nó phải thật được làm ra bởi người Việt 100% thì những khiếm khuyết đó sẽ được vượt qua cách ngoạn mục và giúp cho Bphone thành công không chỉ ở VN mà còn trên thương trường thế giới.

<<Riêng cá nhân tôi thì cảm thấy những ý kiến của diễn giả Hùng rất đáng ghi nhận và đầy tâm huyết. Hy vọng, Bphone sẽ có những bước tiến xa và dài trong thời gian sắp tới>>
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top