Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Chiến tranh lạnh gần như là một hệ quả tất yếu của tình hình đối đầu, căng thẳng giữa hai phe thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình thế giới từng bước có những chuyển biến to lớn, tác động tới quan hệ quốc tế, tác động tới từng nước, từng khu vực và cả trật tự thế giới vừa được thiết lập.
Thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhưng các nước châu Âu, Nhật Bản và Liên Xô bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị tổn thất lớn cả về người và của. Chỉ có Mỹ giầu lên nhanh chóng trong chiến tranh (thu về 114 tỉ đô la lợi nhuận do bán vũ khí và phương tiện chiến tranh) và trở thành nước mạnh nhất về kinh tế trong khoảng 3 năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ chiếm quá nửa tổng sản lượng công nghiệp của thế giới tư bản (56,4% năm 1948). Mỹ là chủ nợ lớn nhất thế giới (riêng về vũ khí, các nước đồng minh châu Âu đã nợ Mỹ 41,751 tỉ USD) và nắm trong tay một lợi thế khiến các nước phải kiêng nể, e dè: độc quyền về bon nguyên tử.
Có thể nói, Mỹ vượt trội hơn tất cả các nước về kinh tế, quân sự và chính trị…Từ đây tham vọng làm bá chủ thế giới của Mỹ ngày càng bộc lộ và đây cũng là cơ sở để Mỹ triển khai nhanh chóng kế hoạch của mình trong một bối cảnh quốc tế và tương quan so sánh lực lượng hết sức thuận lợi đứng cả về hai phía quan hệ: Mỹ với các nước trong khối đồng minh tư bản chủ nghĩa; Mỹ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, sức mạnh và ưu thế của Mỹ không kéo dài được mãi, nó đã bị giảm sút tương đối từ những năm 60 của thế kỷ XX trở đi, đặc biệt từ những năm 70 khi các nước tư bản phục hồi và vươn lên nhanh chóng, trước hết là Tây Âu và Nhật Bản.
Thứ hai, hai cường quốc Xô – Mỹ từ quan hệ đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sau chiến tranh quan hệ ấy nhanh chóng chuyển thành quan hệ đối đầu. Từ quan hệ đối đầu giữa hai nước chuyển thành quan hệ đối đầu giữa hai phe – phe xã hội chủ nghĩa và phe tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hai cực, quan hệ Xô –Mỹ, quan hệ giữa hai phe, mặc dù mâu thuẫn, nhưng vẫn phụ thuộc và kiềm chế nhau, đều thực hiện chiến lược phòng ngự, đều tránh đụng đầu trực tiếp với nhau. Vì thế, về đại cục, hòa bình thế giới được duy trì trong suốt thời kì chiến tranh lạnh và cả sau đó.
Thứ ba, một biến chuyển lớn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đó là sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Một loạt các nước Đông Âu, Châu Á và khu vực Mỹ Latin sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đã tuyên bố đi lên chủ nghĩa xã hội cùng với Liên Xô hợp thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh. Những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những năm 50 - 60 đã thu hút sự chú ý của thế giới và tác động tới chiều hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn, chủ nghĩa xã hội là chỗ dựa tin cậy của phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiền bộ xã hội. Chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống duy nhất chi phối nền chính trị thế giới. Tình hình trên đây đã dẫn tới một vấn đề: trong chiến lược của mình, Mĩ và các nước đồng minh không thể không tính đến một thực tế đó của chủ nghĩa xã hội.
Thứ tư, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cao trào giải phóng dân tộc diễn ra sôi nổi ở khắp các lục địa của Á, Phi, Mỹ La Tinh, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân bị tan vỡ từng mảng lớn và đến giữa những năm 60 đã sụp đổ về cơ bản. Hơn 100 quốc gia dân tộc trẻ tuổi ra đời, ngày càng tham gia tích cực vào đời sống chính trị thế giới. Bộ mặt hành tinh thay đổi to lớn. Trong chiến lược của hai cường quốc Xô – Mĩ và hai hệ thống không thể không tính đến lực lượng này.
Thứ năm, cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật bùng nổ vào những năm 40 của thế kỷ XX và diễn ra mạnh mẽ sau đó. Cuộc cách mạng này đã đưa lại những tiến bộ nhảy vọt, những thành tự kì diệu, những tác động tích cực và những hậu quả của nó rất to lớn. Những nước nào đi sâu vào cách mạng khoa học - kỹ thuật, tận dụng những thành tựu của nói thì vươn lên mạnh mẽ, tiếng nói của họ trong quan hệ quốc tế ngày càng có trọng lượng hơn. Những nước bỏ lỡ cơ hội tận dụng thành tựu của cách mạng khoa học – kỹ thuật, thì tụt hậu, hình bóng của các nước ấy trong quan hệ quốc tế cũng trở nên mờ nhạt.
Chiến tranh lạnh gần như là một hệ quả tất yếu của tình hình đối đầu, căng thẳng giữa hai phe thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
2. Nguyên nhân – nguồn gốc của Chiến tranh lạnh:
Cuộc đối đầu giữa Liên Xô và Mĩ, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản không phải chỉ bắt đầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mà nó nảy sinh ngay từ sau Cách mạng tháng Mười Nga (1917) với sự ra đời của nước Nga Xô viết. Lúc bấy giờ, các nước tư bản phương Tây đã tập trung lực lượng và tìm mọi cách để “bóp chết” nước Nga Xô viết: 14 nước tư bản đã đưa quân can thiệp chống nước Nga (1918 – 1920), các nước tư bản đã bao vay kinh tế, cô lập chính trị nước Nga trong những năm 20 – 30 của thế kỷ XX, đặc biệt trong cuộc xâm lược Liên Xô của các nước Đức phát xít trong những năm 1941 – 1945. Mặc dù vậy, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên vẫn đứng vững, tồn tại và ngày càng hùng mạnh. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô và các nước Mĩ, Anh, Pháp đều là nạn nhân của cuộc xâm lược phát xít và họ đã liên minh với nhau để chống phát xít, nhưng mâu thuẫn giữa Liên Xô và các nước tư bản này vẫn luôn luôn tồn tại. Khi chiến tranh kết thúc, chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, thì mâu thuẫn giữa Liên Xô và các nước Mĩ, Anh, Pháp lại nổi lên. Các nước này từ quan hệ đồng minh chuyển sang quan hệ đối đầu. Đó là một trong những nguồn gốc sâu xa của cuộc Chiến tranh lạnh. Hơn nữa, từ Hội nghị Ianta (2/1945), Liên Xô, Mĩ, Anh đã thỏa thuận với nhau phân chia phạm vi ảnh hưởng đối với các khu vực trên phạm vi thế giới. Cũng vì thế, Chiến tranh lạnh là kết quả tất yếu của các cuộc chiến tranh giành và mở rộng phạm vi thế lực giữa Liên Xô và Mĩ, mà thường được gọi là hai cực trong trật tự thế giới hai cực được xác định từ Hội nghị Ianta.
Tuy nhiên, ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tình hình thế giới chuyển biến mau lẹ ngày càng có lợi cho Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, bất lợi cho Mĩ và các đồng minh của Mĩ. Đầu năm 1947, ở các nước Đông Âu, khu vực ảnh hưởng của Liên Xô, chính quyền lần lượt chuyển vào tay nhân dân lao động, ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp phong trào đấu tranh vũ trang do Đảng Cộng sản lãnh đạo phát triển mạnh mẽ. Ở Pháp, Bỉ và Italia đại diện của Đảng Cộng sản đã tham gia Chính phủ, ở các nước này đã diễn ra một loạt những cải cách kinh tế - xã hội có lợi cho người lao động. Ở châu Á, cách mạng Trung Quốc phát triển mạnh, so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho Đảng Cộng sản. Trong bối cảnh như thế, Mĩ không thể không có những phản ứng lại. Tháng 3 – 1947, Tổng thống Mĩ Truman đã đọc diễn văn tại Quốc hội Mĩ, chính thức đưa ra học thuyết của mình. Theo Truman thì các nước Đông Âu “vừa mới bị cộng sản thôn tính” và những đe dọa tương tự đang diễn ra nhiều nước khác ở châu Âu, ở Italia, Pháp và cả Đức nữa. Vì vậy, Mĩ phải đứng ra “đảm nhận sứ mạng lãnh đạo thế giới tự do” phải giúp đỡ các dân tộc thế giới chống lại “sự đe dọa” của chủ nghĩa cộng sản, chống lại sự “bành trướng” của nước Nga, giúp đỡ bằng mọi biện pháp kinh tế, quân sự. Tổng thống Mĩ đã phát động cuộc chiến tranh lạnh chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, học thuyết Truman đã mở đầu cho cuộc chiến tranh lạnh và cuộc chiến tranh này đã diễn ra theo tư tưởng và mục tiêu của Mĩ mà học thuyết Truman đã vạch ra.
“Chiến tranh lạnh” là khái niệm do Baruch, tác giả của kế hoạch nguyên tử lực của Mĩ ở Liên hợp quốc đưa ra, xuất hiện trên báo chí từ ngày 26 – 07 – 1947. Theo Mĩ, “chiến tranh lạnh” là “chiến tranh không nổ súng, không đổ máu” nhưng “luôn luôn ở tình trạng chiến tranh” nhằm “ngăn chặn” rồi “tiêu diệt” Liên Xô.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng đưa ra định nghĩa của mình về “chiến tranh lạnh”. Tựu trung lại, đó là sự đe dọa sử dụng bạo lực quân sự, bao vây kinh tế, phá hoại chính trị, chạy đua vũ trang và chuẩn bị chiến tranh, làm cho tình hình thế giới luôn luôn căng thẳng.
Mục tiêu của chiến tranh lạnh do Mĩ phát động là Mĩ tiến tới lãnh đạo thế giới tự do chống lại sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản, chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn chủ nghĩa xã hội không cho lan ra các khu vực khác.
NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA CHIẾN TRANH LẠNH
1. Sự hình thành các khối kinh tế - chính trị đối lập:
Mĩ tìm cách lôi kéo các nước đồng minh về phía mình bằng các biện pháp kinh tế, chính trị và quân sự vừa để thao túng, vừa để tạo ra khối các nước đối lập với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Ngày 05 – 06 – 1947, ngay sau khi học tuyết Truman ra đời, ngoại trưởng Mĩ Macsan liền đưa ra kế hoạch của mình bằng “Phương án phục hưng châu Âu”. Theo Macsan, chỉ cần một bộ phận hoặc toàn bộ các nước các nước châu Âu cùng nhau xây dựng một kế hoạch “phục hưng” thì Mĩ sẽ mở rộng “viện trợ” đến châu Âu. Thực hiện kế hoạch của Macsan, ngày 12 – 07 – 1947, các nước Anh – Pháp triệu tập ở Pari hội nghị bàn về kế hoạch này của Mĩ với 16 nước tư bản châu Âu tham gia[SUP](1)[/SUP]. Hội nghị đã yêu cầu Mĩ viện trợ hàng chục tỉ đô la cho châu Âu. Tháng 4 – 1948, Quốc hội Mĩ thông qua “Đạo luật viện trợ nước ngoài” với những quy định: nước nhận viện trợ phải kí với Mĩ hiệp ước tay đôi có lợi cho Mĩ, phải thi hành chính sách kinh tế tài chính do Mĩ yêu cầu, phải cung cấp nguyên liệu cho Mĩ, phải ngừng buôn bán với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, hủy bỏ kế hoạch quốc hữu hóa và gạt bỏ các lực lượng tiến bộ ra ngoài chính phủ… Kế hoạch Macsan được thực hiện từ ngày 9 – 4 – 1948 đến ngày 31 – 12 – 1951, thực tế Mĩ đã bỏ ra 12,5 tỉ đô la[SUP](2)[/SUP]. Kết quả nền kinh tế của những nước nhận viện trợ được phục hồi, sau đó phát triển mạnh, nhưng phụ thuộc vào Mĩ.
Phán ứng lại đối với “Học thuyết Truman” và “Kế hoạch Macsan”, Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa và các đảng cộng sản châu Âu đã xúc tiến thành lập Cơ quan thông tin cộng sản (KOMINFORM) vào tháng 10 – 1947. Đại diện của 9 Đảng Cộng sản (Liên Xô, Ba Lan, Nam Tư, Bungari, Rumani, Hungari, Tiệp Khắc, Italia và Pháp) tham dự cuộc họp này tại Vacsava. Hội nghị đã ra bản tuyên bố, trong đó phân tích tình hình thế giới chia làm hai phe, phe đế quốc – tư bản do Mĩ đứng đầu và phe chống đế quốc – tư bản do Liên Xô đứng đầu. Cơ quan thông tin cộng sản có nhiệm vụ tổ chức thực hiện thông tin, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp hành động đấu tranh giữa các đảng cộng sản một cách tự nguyện. Để trao đổi thông tin, hội nghị đã quyết định xuất bản tạp chí ở Bêôgrat bằng tiếng Pháp và tiếng Nga mang tên “Vì một nền hòa bình vững chắc, vì nền dân chủ nhân dân”.
[SUP] (1) [/SUP]Anh, Pháp, Italia, Bỉ, Bồ Đào Nha, Ailen, Hi lạp, Thổ Nhĩ Kì, Hà Lan, Lucxămbua, Aixơlen, Thụy Sĩ, Áo, Na Uy, Đan Mạch, Thủy Điển.
[SUP](2) [/SUP]Hiện nay có nhiều loại tài liệu đưa những số liệu khác nhau về tiền viện trợ của Mĩ: có tài liệu nêu 29 tỉ sau gi ảm xuống còn 22, có tài liệu đưa ra con số 13 tỉ….
Hơn một năm sau, vào ngày 8 - 1 - 1949, Liên Xô và các nước Anbani[SUP](1)[/SUP] Ba Lan, Bungari, Hungari, Rumani, Tiệp Khắc đã quyết định thành lập tổ chức kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa: Hội đồng tương trợ kinh tế (gọi tắt theo tiếng Nga là SEV). Như vậy, trên thế giới đã xuất hiện hai khối kinh tế đối lập nhau: khối kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa (SEV) với thị trường riêng của nó và khối kinh tế tư bản chủ nghĩa.
2. Chính sách ngăn chặn và các khối quân sự, căn cứ quân sự ra đời:
Trong những năm 1947 – 1949, Mĩ thi hành “chính sách ngăn chặn” nhằm ngăn chặn “sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản”, rồi tiến tới tiêu diệt nó. Mĩ cho rằng, Liên Xô bị suy yếu trong Chiến tranh thế giới thứ hai, kiệt quệ cả về vật chất và tinh thần, chỉ cần đặt trước Liên Xô một lực lượng mạnh trong vòng 10 – 15 năm, Liên Xô sẽ tự bị tiêu diệt và sẽ ngăn chặn được chủ nghĩa cộng sản, ngăn chặn được khuynh hướng xâm lược của người Nga.
Để thực hiện “chính sách ngăn chặn” chủ nghĩa cộng sản, Mĩ đã xúc tiến việc chia cắt nước Đức và Triều Tiên.
Mĩ cùng các nước Anh, Pháp tiến hành chia cắt nước Đức, phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Đức, biến Tây Đức thành tiền đồn ngăn chặn chủ nghĩa xã hội không có lan sang phía Tây châu Âu. Mĩ đã phá hoại những khóa họp của hội nghị ngoại trưởng Matxcơva (4 – 1947) và ở Luân Đôn (12 – 1947) bằng cách bác bỏ mọi đề nghị của Liên Xô trong việc giải quyết vấn đề kí hòa ước với Đức, vấn đề thành lập một chính phủ chung cho toàn Đức theo nghị quyết Pôtxđam và vấn đề những biện pháp nhằm tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa quân phiệt Đức.
Ngay sau khi Hội nghị Luân Đôn đi đến chỗ bế tắc, các nước phương
[SUP](1) [/SUP]Năm 1961, do bất đồng, Anbani rút khỏi SEV
Tây liền tổ chức một hội nghị riêng rẽ khác ở Luân Đôn để bàn về việc chia cắt nước Đức. Hội nghị đã đề cập đến những nội dung sau: Tổ chức chính trị ở Tây Đức, chế độ khai thác vùng Rua, chế độ đóng chiếm ở Tây Đức, cải cách tiền tệ ở Đức. Hội nghị cho việc thành lập một quốc gia riêng rẽ ở Tây Đức có ý nghĩa đặc biệt. Ngày 2 – 6 – 1948, Hội nghị đã đưa ra bản tuyên bố nêu rõ ý định quyết tâm chia cắt nước Đức của các nước phương Tây.
Sau hội nghị, ngày 18 – 6 – 1948, tại phía Tây nước Đức và Tây Béclin, Mĩ, Anh, Pháp tiến hành cải cách tiền tệ riêng rẽ, số tiền cũ họ đưa sang phía Đông Đức và Đông Béclin, gây rối loạn kinh tế - xã hội khu vực này.
Để bảo vệ nền kinh tế Đông Đức khỏi bị tan rã, Ban quân chính Liên Xô ở Đông Đức bắt buộc phải thi hành hạn chế vận tải trong việc thông thương giữa hai miền Đông và Tây Đức, giữa Tây Béclin và Đông Béclin. Sau đó, ở Đông Đức cũng tiến hành cải cách tiền tệ để ổn định và phát triển nền kinh tế. Lúc này, tình hình giữa miền Đông và miền Tây cũng như quan hệ giữa Liên Xô và các nước Mĩ, Anh, Pháp trở nên căng thẳng. Các nước phương Tây lập cầu Hàng không tiếp tế hàng hóa cho Tây Đức và Tây Béclin, họ cũng lợi dụng đưa thêm lực lượng vũ trang vào Tây Đức. Tình hình căng thẳng, nhưng may mắn xung đột không xảy ra, do Liên Xô đã chủ động đồng ý hủy bỏ những hạn chế vận tải giữa các khu vực ở nước Đức (5 – 1949) với điều kiện hội nghị ngoại trưởng phải họp lại để bàn giải quyết vấn đề Đức.
Sau cuộc khủng hoảng này, phía các nước phương Tây vẫn tích cực xúc tiến việc thành lập riêng rẽ nhà nước Đức ở phía tây. Bộ tư lệnh Mĩ, Anh, Pháp cùng với những lãnh đạo Đức ở phía Tây đã họp Hội nghị Phranphuốc (7 – 1948) đã quyết định triệu tập một quốc hội lập hiến riêng rẽ vào tháng 9 – 1948. Tiếp theo, Mĩ, Anh, Pháp đã tiến hành hội nghị riêng ở Oasinhtơn (8 – 4 – 1949) thông qua nhiều nội dung quan trọng về vấn đề Đức trái với tinh thần của hội nghị Pôtxđam. Tháng 5 – 1949, Hội đồng nghị viện họp ở Bon đã thông qua dự thảo Hiến pháp nước cộng hòa Liên Bang Đức (Tây Đức). Ngày 14 – 9 – 1949, ở các khu vực miền Tây, người ta đã tiến hành bầu cử riêng rẽ. Ngày 12 – 9, ông Hớt được cử làm Thủ tướng nước Cộng hòa Liên bang Đức.
Như vậy, ở phía Tây Đức đã xuất hiện một quốc gia riêng rẽ, liên minh chặt chẽ với phương Tây. Đáp lại hành động của Mĩ và các nước phương Tây, ở Đông Đức vào tháng 5 – 1949, được sự giúp đỡ của Liên Xô, các đảng phái và tổ chức dân chủ của hai miền nước Đức đã họp Đại hội nhân dân, thông qua dự thảo Hiến pháp và bầu ra Hội đồng nhân dân Đức. Ngày 7 – 10 – 1949, Hội đồng nhân dân Đức tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Như thế trên nước Đức cũ đã xuất hiện hai nhà nước Đức đối lập nhau. Sự ra đời của Cộng hòa Dân chủ Đức là một đòn đánh vào kế hoạch “ngăn chặn” của Mĩ.
Ở châu Á, Mĩ cũng tích cực thực hiện chia cắt Triều Tiên, coi đó là việc làm cần thiết để “ngăn chặn” chủ nghĩa xã hội mở rộng ra khu vực Đông Bắc Á. Ngày 10 – 5 – 1948, Mĩ, các lực lượng thân Mĩ đã tổ chức tuyển cử riêng rẽ ở Nam Triều Tiên. Ngày 30 – 5 – 1948, Quốc hội được bầu cử ở phía nam đã họp ở Sơun, cử Lý Thừa Văn lên làm Tổng thống nước Đại Dân quốc (Hàn Quốc).
Để đối phó lại hành động của Mĩ ở bán đảo Triều Tiên, được sự giúp đỡ của Liên Xô, tháng 6 – 1948, các đảng phái và các tổ chức dân chủ ở miền Bắc Triều Tiên đã họp hội nghị liên tịch, quyết định bầu cử Quốc hội để tiến tới thành lập Chính phủ dân chủ. Ngày 21 – 8 – 1948, Quốc hội họp và tuyên bố thành lập Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Như vậy, trên bán đảo Triều Tiên đã xuất hiện hai nhà nước đối lập nhau, đó là hậu quả của cuộc chiến tranh lạnh.
Đến thời điểm này, “Chính sách ngăn chặn” của Mĩ cũng thất bại ở nhiều nơi, nhiều nước ở châu Âu, châu Á, sau khi giành được độc lập đã tuyên bố đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn mạnh. Liên Xô không bị suy yếu như Mĩ mong đợi, mà ngày càng hùng mạnh, vững chắc hơn trước. Kế hoạch 5 năm lần thứ 4 (1946 – 1950) đã hoàn thành khôi phục kinh tế trước thời hạn (4 năm 3 tháng). Năm 1950, sản lượng công nghiệp Liên Xô tăng 73% so với trước chiến tranh; năm 1949, Liên Xô đã chế tạo thành công bom nguyên tử, khiến Mĩ không còn độc quyền thứ vũ khí này nữa.
Ở các nước Đông Âu, trong những năm 1947 – 1949, nhân dân các nước này lần lượt hoàn thành công cuộc cách mạng dân chủ nhân dân và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tất cả các mưu toan ngăn chặn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các nước này đều lần lượt thất bại.
Ở châu Á, tình hình cũng biến đổi nhanh chóng, làm thất bại “chính sách ngăn chặn” của Mĩ. Từ năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn mới và ngày càng thu được thắng lợi to lớn. Đến năm 1954 với chiến thắng Điện Biên Phủ thì sự thất bại của Mĩ trong “chính sách ngăn chặn” đã trở nên quá rõ ràng. Tháng 10 – 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời đánh dấu hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới hình thành từ từ Âu sang Á, làm cho so sánh lực lượng giữa hai phe thay đổi có lợi cho chủ nghĩa cộng sản.
Để thực hiện “chính sách ngăn chặn” các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh từ sau năm 1945, Mĩ và các nước phương Tây đã tiến hành thành lập các khối quân sự và các căn cứ quân sự khắp nơi trên thế giới.
Châu Âu, lúc này, trở thành trọng điển trong chính sách bao vây, ngăn chặn của Mĩ. Vì vậy, Mĩ đã tiến hành đàm phán với Canađa và 5 nước trong tổ chức “Liên hiệp Châu Âu” (Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Lucxămbua) để thành lập khối Bắc Đại Tây Dương. Mặc dù có những bất đồng, nhưng cuối cùng Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã được 12 nước(1)kí kết ở Oasinhtơn ngày 4 – 4 – 1949. Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 4 – 8 – 1949, thời hạn hiệu lực 20 năm (có thể gia hạn thêm) khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời đánh dấu sự khống chế của Mĩ về quân sự đối với Tây Âu, lập nên một liên minh quân sự lớn nhất phương Tây, một công cụ quan trọng của chính sách chiến tranh lạnh của Mĩ chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Năm 1955, Tây Đức được kết nạp vào NATO làm cho quan hệ Đông – Tây càng trở nên căng thẳng. Trước tình hình đó, tháng 5 – 1955, Liên Xô và các nước Anbani(2), Bungari, Hungari, Cộng hòa dân chủ Đức, Ba Lan, Rumani và Tiệp Khắc đã tổ chức Hội nghị ở Vacsava và kí hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ (14 – 5 – 1955) với thời hạn 20 năm, nhằm gìn giữ an ninh của các hội viên, duy trì hòa bình ở châu Âu… Hiệp ước Vacsava còn quy định rằng khi hiệp ước an ninh tập thể toàn châu Âu được kí kết thì hiệp ước Vacsava sẽ hết hiệu lực. Điều đó nói lên tính chất phòng thủ của hiệp ước này.
Sự ra đời của hai khối quân sự lớn nhất toàn cầu do Mĩ và Liên Xô đứng đầu, đối địch nhau, đều chạy đua vũ trang, trang bị những vũ khí hiện đại để tăng cường sức mạnh của khối mình, đã làm cho tình hình thế giới càng căng thẳng.
Nhằm hỗ trợ cho khối NATO và tăng cường bao vây Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, Mĩ và các đồng minh của mình đã thành lập một loạt các khối quân sự và căn cứ quân sự khác rải ráctrên thế giới. Ở Đông Bắc Á, tháng 9 năm 1951, Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật được kí kết; ở Nam Thái Bình Dương, khối ANZUS được thành lập (9 - 1951) gồm Mĩ, Ôxtrâylia, Niu Di lân; ở Đông Nam Á, khối SEATO bao gồm Mĩ, Anh, Pháp, Ôxtrâylia, Niu Di lân, Pakixtan, Thái Lan và Philippin được thiết lập vào tháng 9 – 1954; ở Trung Cận Đông khối CENTO (gọi tắt là khối Trung Tâm) gồm Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Irắc được thành lập năm 1955 (lúc đầu gọi là khối Batđa, nó dựa vào trên Hiệp ước Batđa kí ngày 24 – 2 – 1955, giữa Irắc – Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó các nước nói trên tham gia, khi cách mạng Irắc thành công (7 – 1958), Irắc rút khỏi khối Batđa, khối này chuyển trụ sở sang Ancara (năm 1959) và đổi tên thành khối CENTO. Những khối quân sự này cùng với trên 2000 căn cứ quân sự của Mĩ rải rác nhiều nơi trên thế giới hình thành thế bao vây; cô lập Liên Xô và và các nước xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, Mĩ còn đưa ra hàng chục vạn quân đóng ở nước ngoài. Những năm 1968 – 1969, Mĩ đưa 1,5 triệu quân đóng ở nước ngoài trong tổng số 3.499.000 quân thường trực của Mĩ, trong đó 60 vạn quân ở Đông Dương, 32 vạn quân ở châu Âu, 28 vạn ở Nhật Bản và nhiều đảo khác.
Đáp lại, Liên Xô cũng đưa hàng chục vạn quân đóng ở các nước Đông Âu (tập trung ở Đông Đức), ở Mông Cổ và biên giới Xô – Trung.
Mĩ có bom nguyên tử vào năm 1945, lập tức 4 năm sau, vào khoảng tháng 9 – 1949, Liên Xô cũng chế tạo thành công loại bom này, phá thế độc quyền bom nguyên tử của Mĩ. Đến năm 1957, khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo thành công thì cũng đạt được sự cân bằng về vũ khí chiến lược với Mĩ.
Hai bên tiếp tục chạy đua vũ trang, thi nhau chế những vũ khí và trang thiết bị hiện đại. Cuộc chạy đua vũ trang lên tới đỉnh cao vào những năm 60 của thế kỷ XX. Hai bên Xô – Mỹ đã có một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Theo ước tính của những nhà quân sự thì chỉ cần phóng một nửa số kho vũ khí hạt nhân của Mĩ hoặc của Liên Xô, cũng đủ hủy diệt toàn bộ sự sống con người và nền văn minh nhân loại.
Nhưng ngay sau đó, cuộc chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mĩ chuyển sang trạng thái hòa hoãn, hợp tác giải trừ quân bị. Động thái này có dấu hiệu từ năm 1969. Lý do Mĩ, đang sa lầy ở Việt Nam, muốn thoát khỏi tình trạng đó, những dấu hiệu sa sút nền kinh tế; Liên Xô cũng có nhiều khó khăn về kinh tế, đặc biệt là vấn đề mối quan hệ giữa hai miền của nước Đức, cuộc xung đột biên giới Liên Xô – Trung (từ tháng 3 đến tháng 6 - 1969). Tình hình đó buộc hai nước Mĩ – Xô phải chuyển sang hòa hoãn, tìm sự nhân nhượng của nhau.
Tuy nhiên, sự hòa hoãn này bị chấm dứt khoảng cuối năm 1980, khi Roonan Rigân trúng cử Tổng thống Mĩ. Rigân lên cầm quyền trong bối cảnh tình hình thế giới có những sự kiện lớn và đang diễn ra bất lợi cho Mĩ: vừa thất bại trong cuộc chiến ở Việt Nam cách đó không lâu, đến năm 1979, Mĩ lại thất bại ở Iran,… tình hình đó làm địa vị của Mĩ bị giảm sút trên thế giới. Trong khi đó, Liên Xô lại đưa quân vào Apganixtan, Liên Xô còn làm hậu thuẫn cho Ba Lan để chính phủ nước này tuyên bố “tình trạng chiến tranh” nhằm trấn áp các thế lực đối lập ở Ba Lan (từ ngày 13 – 12 – 1981).
Trước tình hình đó, Rigân phản ứng quyết liệt bằng việc thực hiện chạy đua vũ trang mạnh mẽ nhằm phá thế cân bằng về chiến lược quân sự với Liên Xô, khôi phục lại vị trí đứng đầu về quân sự. Cuộc chạy đua vũ trang lớn trong lịch sử giữa hai nước Liên Xô lại diễn ra suốt từ năm 1980 đến năm 1987. Từ năm 1980 đến năm 1986, ngân sách quân sự tăng 50%, sau đó có giảm đi chút ít. Năm 1982, ngân sách quân sự của Mĩ chiếm 7,4% tổng sản phẩm quốc gia (GNP). Tháng 11 – 1983, Rigân cho triển khai tên lửa tầm trung [SUP](1)[/SUP] “Pershing” và “Cruise” ở cộng hòa Liên bang Đức, Bỉ, Hà Lan và một số nước châu Âu khác hướng vào Liên Xô và Đông Âu. Ngày 23 tháng 3 năm 1983, Rigân lại đề ra kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao” (SDI) với chi phí lên tới 26 tỉ USD trong 5 năm. Để chống lại các hành động của Liên Xô, Rigân tiến hành giải tỏa các điều luật của Quốc hội về hạn chế quyền chủ động của Tổng thống. Do đó, Tổng thống hoàn toàn chủ động tiền hành các chiến dịch ở Grênađa (1983), ở Libi (1986) và cung cấp vũ khí cho quân nổi loạn ở Apganixtan. Ở vùng Trung Cận Đông, Rigân tiến hành một loạt những biện pháp để giữ vững vị trí của họ ở khu vực này: thiết lập một loạt căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ôman,… thành lập “lực lượng phản ứng nhanh” (RDF) gồm 11 000 người…
Để đối phó lại cuộc chạy đua vũ trang của Mĩ, Liên Xô cũng buộc phải tăng ngân sách quân sự lên tới 15% tổng sản phẩm quốc dân. Liên Xô cũng triển khai các tên lửa tầm trung SS4, SS5 và đặc biệt là SS20 ở các nước Đông Âu và ở lãnh thổ châu Á của mình.
Tuy nhiên, khi Goobachốp lên nắm chính quyền ở Liên Xô, quan hệ Xô – Mĩ bắt đầu có những biến chuyển khác trước, tình hình quan hệ giữa hai nước từng bước chuyển sang hòa dịu.
3. Các cuộc xung đột quân sự khu vực:
Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh lạnh, nhất là trước những thảm họa của cuộc chiến tranh hạt nhân, các cường quốc đều cố gắng tránh đụng đầu trực tiếp với nhau. Thế nhưng họ lại đụng độ với nhau thông qua những cuộc chiến tranh cục bộ hay những xung đột quân sự khu vực.
Cuộc chiến tranh cục bộ ở Triều Tiên (1950 – 1953):
Ngày 25 tháng 6 năm 1950, cuộc chiến tranh cục bộ nổ ra trên bán đảo Triều Tiên giữa hai lực lượng: một bên là quân đội Mĩ và các nước đồng minh của Mĩ cùng với quân đội Nam Triều Tiên với bên kia là quân đội Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và quân chí nguyện Trung Quốc có sự hậu thuẫn mọi mặt của Liên Xô. Ngay vài giờ sau khi Chiến tranh nổ ra, Mĩ đã đưa vấn đề này ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Khi ấy, đại biểu Liên Xô vắng mặt phản đối Mĩ không thừa nhận địa vị của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc, mà vẫn ủng hộ Tưởng Giới Thạch ở vị trí này. Do đó, Hội đồng bảo an đã thông qua Nghị quyết về Triều Tiên, “Lên án lực lượng vũ trang Bắc Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc” và ngày 27- 6, Hội đồng bảo an lại thông qua nghị quyết thứ hai kêu gọi sự giúp đỡ quân sự cho Hàn Quốc. Quân đội 16 nước(1) dưới danh nghĩa quân đội Liên hợp quốc dưới sự chỉ huy của tướng Mĩ Mac Actua đã đổ bộ vào cảng Nhân Xuyên.
Sau 3 tháng chiến tranh, đến ngày 13 – 9 – 1950, quân đội Bắc Triều Tiên đã qua vĩ tuyến 38[SUP]0[/SUP], chiếm 95% đất đai và 97% dân số Hàn Quốc. Quân đội Liên hợp quốc đổ bộ vào Nhân Xuyên vào ngày 15 – 9 – 1950, sau đó đánh bật quân đội Bắc Triều Tiên đến tận sông Áp Lục, giáp Trung Quốc. Ngày 25 – 10 – 1950, Trung Quốc đã phái quân chí nguyện sang “kháng Mĩ viện Triều”. Quân đội Triều - Trung đã đẩy lùi quân Mĩ khỏi Bắc vĩ tuyến 38[SUP]0[/SUP], sau đó chiến sự chỉ tiếp diễn ở khu vực vĩ tuyến. Liên Xô không tham gia trực tiếp chiến tranh, nhưng đã viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh,… cho quân đội Bắc Triều Tiên.
Sau 3 năm chiến tranh, cả hai phía đều tổn thất về người và của, ngày 27 – 7 – 1953, tại Hội nghị Bàn Môn Điếm (gần vĩ tuyến 38[SUP]0[/SUP]), hai phía kí hiệp định đình chiến lấy vĩ tuyến 38[SUP]0[/SUP] làm ranh giới quân sự giữa hai miền Nam – Bắc (trở lại vĩ tuyến – ranh giới trước chiến tranh).
Vụ quốc hữu hóa kênh Xuyê và cuộc chiến tranh xâm lược Ai Cập của Anh, Pháp và Ixaren (1956)
Ngày 26 – 7 – 1956, Ai Cập tuyên bố quốc hữu hóa kênh Xuyê, Anh, Pháp, Mĩ vin cớ “tự do hàng hải bị đe dọa” và đòi “quốc tế hóa” kênh đào, họ phản đối Ai Cập gay gắt và gây sức ép về kinh tế (giữ tài khoản của Ai Cập ở Anh). Anh, Pháp, Mĩ triệu tập hội nghị ở Luân Đôn vào giữa tháng 8 – 1956, định dùng đa số gây áp lực với Ai Cập nhưng họ thất bại vì Ai Cập không tham gia hội nghị.
Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ Ai Cập. Liên Xô đề nghị giải quyết vấn đề Xuyê bằng thương lượng, nhưng Anh, Pháp vẫn chuẩn bị chiến tranh. Sau kế hoạch dự định thành lập “Hội những người sử dụng kênh Xuyê” thất bại, Anh, Pháp đã lôi kéo Ixraen dùng vũ lực chiếm đóng kênh Xuyê, Mĩ giữ thái độ hai mặt (ngoài thì ủng hộ giải quyết cuộc tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, nhưng thực tế thì ủng hộ Anh, Pháp xâm lược với toan tính là rồi Anh, Pháp sẽ mất “uy tín” do bị nhân dân Trung Cận Đông phản đối, qua đó, Mĩ sẽ củng cố được địa vị của mình ở khu vực này).
Ngày 20 – 10 – 1956, quân Ixaren tiến về kênh Xuyê, ngày 31 – 10 – 1956, không quân Anh, Pháp oanh tạc Ai Cập.
Cuộc xâm lược của Anh, Pháp và Ixraen bị nhân dân thế giới phản đối. Đại hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết lên án 3 nước xâm lược, đòi rút quân đội ra khỏi Ai Cập. Ngày 5 – 11 – 1956, Liên Xô cảnh cáo Anh, Pháp và Ixraen, đòi đình chỉ ngay chiến sự ở Ai Cập. Thế giới Ả rập lên án mạnh mẽ. Trước tình hình này, Chính phủ Ixraen buộc phải ngừng bắn vào ngày 5 – 11 – 1956, ngày hôm sau Anh, Pháp cũng buộc phải có hành động tương tự. Và sau đó, vào tháng 12 năm 1956, quân Anh, Pháp và Ixraen phải hoàn thành rút ra khỏi Ai Cập. Anh, Pháp bị thất bại, chủ nghĩa thực dân Anh và Pháp tan rã ở Trung Cận Đông. Aixenhao thấy ở Trung Cận Đông trở thành “chỗ trống”, liền tìm cách lấp chỗ trống đó. Từ đây, Liên Xô và Mĩ trở thành hai đối thủ cạnh tranh, giành ảnh hưởng ở khu vực này: Mĩ dựa vào Ixraen và các nước thuộc khối Bátđa (Anh, Iran, Irắc, Pakixtan, Thổ Nhĩ Kỳ) còn Liên Xô dựa vào Ai Cập, Xiri và cấp vũ khí cho họ. Sự đối đầu Xô – Mĩ ở khu vực từ đó tiếp tục căng thẳng.
Sự đối đầu Mĩ – Xô cũng diễn ra trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946 – 1954)
Sau năm 1945, Mĩ tích cực ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương, nhất là vào giai đoạn cuối của chiến tranh. Nhưng Pháp càng đánh càng bại, buộc phải ngồi vào bàn thương lượng.
Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng trưởng thành, càng đánh càng mạnh, lại được sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, đã đẩy Pháp vào thế đường cùng. Khi quân đội Pháp bị xiết chặt vòng vây ở Điện Biên Phủ và gặp khó khăn thì Mĩ lợi dụng để nhảy vào và nắm lấy Đông Dương, Mĩ đã dùng áp lực buộc Pháp cho ba nước Đông Dương được “độc lập” để Mĩ nắm lấy các nước này thông qua Pháp. Mĩ cũng tích cực chuẩn bị đưa lực lượng hải quân và không quân can thiệp vào Đông Dương và hứa với Pháp sẽ sử dụng không quân cứu nguy cho Điện Biên Phủ…Nhưng cả Mĩ và Pháp đều thất bại thảm hại ở chốn núi rừng này trước những đòn tiến công dũng cảm của quân dân Việt Nam được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị Băng Đung
Lần đầu tiên trong lịch sử, từ ngày 18 – 4 đến ngày 22 – 4 – 1955, hội nghị Á, Phi đã họp ở Băng Đung thuộc nước Cộng hòa Inđônêxia (thường gọi là Hội nghị Băng Đung). Tới tham dự Hội nghị có 29 nước Á, Phi(1). Hội nghị đã thảo luận những vấn đề chung có quan hệ thiết thân đến nhân dân các nước Á, Phi như vấn đề chủ quyền dân tộc và sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vấn đề góp phần vào việc xúc tiến sự hợp tác hòa hình trên thế giới, vấn đề hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước tham dự hội nghị….
Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu đã hoan nghênh việc triệu tập hội nghị Băng Đung và đã gửi điện chúc mừng hội nghị. Ngược lại, Mĩ và các nước đế quốc khác đã âm mưu phá hoại hội nghị bằng cách hứa tăng cường viện trợ cho những nước từ chối không tham gia hội nghị. Âm mưu này đã thất bại. Tất cả cá nước được mời, trừ liên bang Trung Phi, đều đã cử đại biểu tham gia. Các nước đế quốc nhất là đế quốc Mĩ còn âm mưu dùng các nước tay sai để phá hoại hội nghị, dùng luận điệu “hoạt động lật đổ của cộng sản” để đe dọa các nước. Nhờ sự tích cực nỗ lực của đại biểu các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia và đại đa số các nước khác, hội nghị đã thành công rực rỡ khiến âm mưu phá hoại hội nghị Á, Phi của phe đế quốc đã bị hoàn toàn thất bại.
Trong bản tuyên bố về việc “góp phần vào nền hòa bình và sự hợp tác chung trên toàn thế giới”, hội nghị đã phát triển, mở rộng 5 nguyên tắc chung sống hòa bình do Trung Quốc và Ấn Độ đề xướng(2) thành 10 nguyên tắc: Tôn trọng quyền con người và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc; tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước; công nhận sự bình đẳng của tất cả các chủng tộc và dân tộc; không can thiệp bằng vũ trang và can thiệp vào nội bộ của các nước; tôn trọng quyền của mỗi nước đối với việc phòng thủ cá nhân và tập thể theo Hiến chương Liên Hiệp
Quốc; không để xảy ra chiến tranh xâm lược, xâm phạm tới sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập về chính trị của bất cứ nước nào; giải quyết các vấn đề quốc tế bằng đường lối hòa bình; khuyến khích sự hợp tác; tôn trọng chính nghĩa và cam kết quốc tế.
Hội nghị đã nhất trí thông qua “Bản tuyên bố cuối cùng” mà tinh thần chủ yếu là chống chủ nghĩa thực dân, đảm bảo độc lập dân tộc, tăng cường việc hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước Á, Phi và đề xướng lấy 10 nguyên tắc chung sống hòa bình làm cơ sở đẩy mạnh sự nghiệp hòa bình và an ninh trên toàn thế giới.
Hội nghị đã ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Angiêri, Tuynidi, Marốc và đòi phải để các nước này được độc lập. Các nước tham gia hội nghị đã nhất trí ủng hộ việc tái giảm binh bị và cấm chỉ sản xuất, thử và dùng vũ khí nguyên tử và khinh khí.
Hội nghị Á Phi đã thể hiện nguyên vọng phản đối chiến tranh, phản đối chủ nghĩa thực dân, mong muốn chung sống hòa bình và đẩy mạnh sự nghiệp đoàn kết giữa nhân dân các nước Á, Phi (chiếm ½ dân số toàn thế giới). Việc tổ chức hội nghị và những thắng lợi của hội nghị đánh dấu bước phát tiến mới của phong trào giải phóng dân tộc châu Á, châu Phi đã từ những phong trào lẻ loi tách rời từng nước một liên kết thành mặt trận phản đế rộng rãi bao gồm các quốc gia, các dân tộc cảu châu Á, châu Phi và đồng thời cũng đánh dấu các nước châu Á, châu Phi đã bắt đầu bước lên vũ đài quốc tế và bắt đầu quyết định vận mệnh của mình.
Nguyện vọng mong muốn độc lập dân tộc và chung sống hòa bình của nhân dân Á, Phi mà hội nghị đã phản ánh, được mọi người gọi là “tinh thần Băng Đung”. “Tinh thần Băng Đung” đã cổ vũ, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, đòi độc lập dân tộc đang cuồn cuộn dâng cao ở châu Á, châu Phi và có những tác dụng trọng đại trong việc xúc tiến những quan hệ hợp tác hữu nghị trong quan hệ quốc tế.
Các cuộc xung đột ở Trung Đông
Năm 1967, cuộc chiến tranh Trung Đông lần 3 lại bùng nổ. Do yếu tố bất ngờ, không quân Ixraen đã tiêu diệt đại bộ phận máy bay Ai Cập (do Liên Xô cung cấp) đang đỗ tại sân bay. Quân đội Ixraen cũng lần lượt chiếm được bán đảo Sinai (Ai Cập), các vùng đất của Palextin như dải Gada, thành phố cổ Gieerrusalem, toàn bộ bờ Tây sông Gioocđan, cao nguyên Gôlan (Xiri). Ngày 27 - 11 - 1967, Hội đồng bảo an thông qua Nghị quyết 242, buộc Ixraen rút khỏi những vùng đất mà họ chiếm đóng, nhưng Ixraen không thực hiện nghị quyết này.
Đến cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 4 (10/1973) thì các nước Ả rập được sự hỗ trợ của Liên Xô đã tiến công Ixraen, khoảng 10 ngày đầu, Ai Cập, Xiri thắng lớn, giải phóng nhiều miền đất ở Sinai và Gôlan. Nhưng sau đó, Mĩ lập cầu hàng không, viện trợ ồ ạt cho Ixraen, quân Ixraen phản công ở Sinai đánh sang phía Tây kênh Xuyê, ở cao nguyên Gôlan thì Ixraen tiến cách Thủ đô Đamát của Xiri 30 km. Để cứu nguy cho Ai Cập (quân đoàn 3 Ai Cập đang bị bao vây) phía Liên Xô cho biết họ sẽ trực tiếp can thiệp. Mĩ phản đối và cũng báo động quân đội. Nhưng ngày 24 – 10 – 1973, do tổn thất cả hai bên, nên hai bên đã chấp nhận ngừng bắn, do đó cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Mĩ – Xô đã vượt qua.
Nhìn chung, ở Trung Đông, hai cường quốc không can thiệp trực tiếp, nhưng họ đã ủng hộ hai nhóm nước đối lập, trong cuộc xung đột kéo dài hơn 4 thập niên. Mĩ ủng hộ tiền của, vũ khí và chính trị cho phía Ixraen; còn Liên Xô lại tích cực giúp đỡ cho các nước Ả Rập: huấn luyện và trang bị vũ khí hiện đại cho Xiri, Ai Cập, viện trợ quân sự đáng kể cho Xiri, công nhận PLO là người đại diện cho Ả rập – Palextin.
Cuộc chiến ở Angôla
Phong trào nhân dân giải phóng Angôla (MPLA) được Liên Xô hậu thuẫn. Cuba giúp đỡ bằng quân tình nguyện, còn Mặt trận giải phóng dân tộc Angôla (FNLA) và Liên minh toàn quốc về độc lập hoàn toàn của Angôla (UNITA) được Mĩ ủng hộ, có quân đội của Nam Phi giúp đỡ. Những người đứng đầu 3 tổ chức này đã kí với Chính phủ Bồ Đào Nha hiệp định ALVOR, qui định Angôla sẽ tiến hành bầu cử và tuyên bố độc lập vào ngày 11 – 11 – 1975. Thế nhưng Mĩ và các thế lực thân Mĩ đã lợi dụng điều khoản tuyển cử để chia rẽ các tổ chức này. Với sự giúp đỡ của Mĩ, Nam Phi và Daia, FNLA kiểm soát được miền Bắc Angôla; UNITA kiểm soát được miền Nam và Đông Nam Angôla; còn MPLA kiểm soát được miền Trung, miền Đông, vùng bờ biển phía tây nam và Thủ đô Luanđa.
Nhằm tiêu diệt MPLA trước khi Bồ Đào Nha trao trả độc lập, tháng 10 – 1975, quân đội Nam Phi dưới sự giúp đỡ của Mĩ đã tiến quân vào Angôla, tới sát Thủ đô. Trước tình hình đó, được sự hậu thuẫn của Liên Xô, quân đội Cuba đã tiến vào Angôla giúp đỡ MPLA đánh bại các cuộc tiến công của quân đội Nam Phi và quân đội của FNLA và UNITA.
Ngày 11 – 11 – 1975, nước Cộng hòa nhân dân Angôla được thành lập. Ông Nêtô – Chủ tịch MPLA làm Chủ tịch nước. Tuy nhiên, nội chiến vẫn còn tiếp diễn.
Bên cạnh các cuộc xung đột khu vực nêu trên đây, còn nhiều cuộc xung đột khác ở các nơi trên thế giới đều liên quan đến hai cực Xô – Mĩ, hai phe đối lập, như cuộc chiến tranh ở Apganixtan (cuối những năm 70 của thế kỷ XX), ở Campuchia (cuối những năm 70 và thập kỷ 80 của thế kỷ XX). Đặc biệt “Cuộc chiến tranh của nhân dân Đông Dương chống đế quốc là cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất giữa hai phe[SUP]”[/SUP]. Đó là cuộc đụng đầu lịch sử vì Mĩ đã chống lại không chỉ với phong trào giải phóng, độc lập dân tộc mà cả với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng kết cục “là cuộc chiến tranh mà rõ ràng đầu tiên Mĩ đã thua”(1)
Cuộc chiến tranh ở Apganixtan
Nằm ở khu vực Tây Á, Apganixtan giữ một vị trí chiến lược quan trọng: Sau Chiến tranh thế giới thứ I, Apganixtan về hình thức đã giành được độc lập (1922); nhưng về thực chất vẫn bị phụ thuộc vào chủ nghĩa đế quốc bên ngoài. Sau chiến tranh thế giới thứ II, vua Zaher (1933 - 1973), ông vua cuối cùng, đã cho phép thủ tướng Daoud nhờ Liên Xô giúp đỡ hoàn toàn về trang bị và huấn luyện cho quân đội Apganixtan. Năm 1973, Daoud đã buộc vua Zaher phải thoái vị và thiết lập nền chuyên chế độc tài Daoud.
Đảng Dân chủ nhân dân Apganixtan ra đời năm 1965 có khoảng 5000 đảng viên (trong một nước có 17 triệu dân, đại bộ phận theo hồi giáo và gồm nhiều dân tộc khác nhau).
Ngày 27 – 4 – 1976, Đảng Dân chủ nhân dân đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy làm cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Daoud, thành lập nhà nước dân chủ nhân dân do lãnh tụ đảng là Taraki đứng đầu. Nhưng trong nội bộ Đảng Dân chủ nhân dân lại bị chia rẽ thành hai phái: phái nhân dân (Khalq) và phái Ngọn cờ (Partcham). Tháng 9 năm 1979, vì tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng và nhà nước, Amin, một trong những lãnh tụ của Đảng đã lật đổ Taraki và sát hại Taraki. Trước tình hình đó, tháng 12 - 1979 Liên Xô đã đưa quân đội và Apganixtan, lật đổ chính quyền Amin và sát hại Amin. Một chính phủ mới ở Apganixtan được thành lập do Babrak Karmal đứng đầu (B. Karmal) nguyên là đại sứ của Apganixtan tại Tiệp Khắc 1.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1945, Liên Xô đưa quân đội đi tiến hành chiến tranh với một quốc gia khác ở ngoài biên giới của mình. Cuộc chiến tranh này đã làm cho nhân dân Apganixtan nổi dậy chống lại quân đội Liên Xô và chống lại quân đội của chính phủ B.Karmal. Ngày 14 – 1 – 1980, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với 104 phiếu thuận và 18 phiếu chống đã lên án cuộc xâm lược này của Liên Xô.
Cuộc chiến tranh Apganixtan đã lan rộng ra khắp nơi, do chủ nghĩa dân tộc mãnh liệt và sự sùng tín của Hồi giáo. Mĩ và Trung Quốc là hai nước cung cấp vũ khí và trang bị, tiền tài cho lực lượng kháng chiến Pakixtan, vừa là nơi trung chuyển, vừa là nơi tiến hành các cuộc thương lượng quan trọng giữa lãnh tụ các nhóm kháng chiến (Muhiahidin). Ngoài ra Pakixtan còn chấp nhận cho 3 triệu thường dân Apganixtan sang lánh nạn.
Cuộc chiến tranh Apganixtan đã diễn ra gần một thập kỉ, hết sức gay go và khốc liệt. Tuy quân đội Liên Xô đã đánh chiếm được các thành phố chính, duy trì được chính phủ cách mạng Apganixtan, nhưng đã phải hi sinh tới gần 13.000 binh lính, sĩ quan và gặp nhiều khó khăn, rắc rối về chính trị trong và ngoài nước.
Vấn đề Cămpuchia
Ngay sau khi thủ đô Phnom Pênh được giải phóng (17-4-1975), tập đoàn lãnh đạo phải Khơme Đỏ Pônpốt - Iêng Xari đã phản bội cách mạng, đưa đất nước vào thời kì lịch sử đen tối chưa từng có.
Chúng xua đuổi nhân dân ra khỏi các thành phố, buộc phải về lao động và sinh sống trong những trại tập trung ở nông thôn, cái mà chúng gọi là “công xã nông thôn”. Chúng tàn phá chùa chiền, trường học, cấm chợ búa, xóa bỏ tiền tệ. Chúng biến đất nước thành một xã hội “quái gở” chưa từng thấy trong lịch sử: biến những thành thị thành “không gian chết”, xóa bỏ mọi quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt, cấm học hành, cấm tín ngưỡng và tàn sát dã man hang triệu người dân Cămpuchia vô tội: tri thức, công nhân, tiểu thương, tiểu chủ và những người làm công tác văn hóa – nghệ thuật. Chúng đã thiết lập nên một chế độ kinh tế độc quyền nhà nước cực đoan và phá hủy cơ cấu kinh tế quốc dân.
Về chính sách đối ngoại, chúng đã thi hành một chính sách phản động và hiếu chiến với mục đích chống phá cách mạng nước ngoài mà trung tâm là Việt Nam.
Đối với Thái Lan, nước có cùng biên giới với Cămpuchia, tập đoàn Pônpốt - Iêng Xari không ngừng tiến hành những hành động vũ trang khiêu khích như: Đầu 1977, binh lính Khơme Đỏ đã xâm chiếm lãnh thổ Thái Lan và va chạm với quân Thái ở Noiparai, và từ tháng 1 đến tháng 8 năm 1977 – như Thủ tướng Thái Lan đã tố cáo – có gần 400 cuộc tấn công xâm nhập của người Cămpuchia vào lãnh thổ Thái Lan, tàn sát dân thường.
Đối với Lào, tập đoàn Pônpốt- Iêng Xari gây ra những vụ khiêu khích, những cuộc xung đột vũ trang ở gần biên giới Lào – Cămpuchia.
Đối với Việt Nam, ở gần biên giới phía Tây Nam, từ cuối năm 1975 quân Pônpốt đã tiến hành nhiều vụ xâm lấn, có nơi chúng tiến vào sâu lãnh thổ Việt Nam tới 10km, như vùng Sa Thầy thuộc Gia Lai – Kong Tum, bắt hàng trăm dân thường, đốt phá nhà cửa. Đến tháng 12 -1977, tập đoàn Pônpốt - Iêng Xari đã công khai phát động một cuộc chiến tranh xâm lược ở gần biên giới Tây Nam, 6/7 tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam đã bị chúng tấn công xâm lược, phá hoại mùa màng, nhà cửa và tàn sát nhiều người Việt Nam vô tội mà trước đây từng là bạn bè giúp đỡ cho sự nghiệp cách mạng Cămpuchia.
Tháng 2 năm 1978, sau khi đẩy lùi cuộc tấn công lấn chiếm của bọn Pônpốt ở biên giới, chính phủ Việt Nam đã đưa ra đề nghị chấm dứt ngay chiến sự ở biên giới, rút lực lượng vũ trang của hai bên cách xa biên giới 5km, tổ chức một hội nghị, kí một hiệp ước trên “cơ sở tôn trọng lãnh thổ của nhau trong biên giới hiện tại” và đạt một thỏa thuận về một hình thức thích hợp của sự đảm bảo và giám sát quốc tế. Bọn Pônpốt đã khước từ đề nghị chính đáng này.
Dưới sự thống trị của tập đoàn Pônpốt - Iêng Xari, đất nước Cămpuchia đã rơi vào vực thẳm của sự khủng khiếp và khốn cùng. Nhà báo Pháp J. Delaconture gọi chế độ đó là: “chế độ tự diệt chủng”, một chế độ mà tự bản thân nó là một tội ác, một tội diệt chủng gần 3 triệu người đồng loại của mình.
Sau năm 1975, mâu thuẫn giữa tập đoàn Pônpốt - Iêng Xari và nhân dân Cămpuchia ngày càng trở nên sâu sắc, gay gắt. Nhân dân Cămpuchia đã nổi dậy đấu tranh chống lại chế độ diệt chủng. cuộc chiến đấu của nhân dân Cămpuchia, lúc đầu mang tính chất tự phát, lẻ tẻ và chưa có sự gắn bó, thống nhất với nhau trong cả nước. Ngày 3 -12 - 1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước ra đời, do Hiêng Xomrin làm chủ tịch. Đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của cách mạng Cămpuchia.
Tháng 12 năm 1978, để chống lại phong tráo đấu tranh của nhân dân trong nước và nhằm chuyển hóa mâu thuẫn (từ mâu thuẫn nội bộ dân tộc sang mâu thuẫn dân tộc với Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc Sôvanh cực đoan của bọn Pônpốt), quân Pônpốt đã mở một cuộc tấn công qui mô lớn ở mặt trận biên giới Tây Nam. Quân Pônpốt đã bị quân đội nhân dân Việt Nam giáng cho những thất bại nặng nề.
Nhân cơ hội này, dưới sự lãnh đạo của mặt trận dân tộc cứu nước, được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, quân và dân Cămpuchia đã nổi dậy ở nhiều nơi.
Từ ngày 26 – 12 – 1978 đến 30 tháng 12, lực lượng cách mạng đã đạp tan tuyến phòng thủ bên ngoài của bọn Pônpốt. Ngày 7 – 1 – 1979 thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng, trung tâm quyền lực của Khơme Đỏ sụp đổ.
Trong 14 ngày, cách mạng Cămpuchia đã giành thắng lợi trong toàn quốc, trừ một vài căn cứ trong dãy núi con Voi, Đậu Khấu, và những vùng dọc biên giới Thái Lan.
Ngày 8 – 1 – 1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Cămpuchia do Hiêng Xomrin làm chủ tịch được thành lập. Ngày 25 – 1 – 1979, Hội đồng cách mạng ra mắt quần chúng, và đến ngày 1 – 5 – 1979, một cuộc tổng tuyển cử, tự do, dân chủ thực sự đã diễn ra và thành công tốt đẹp. chính quyền mới được xây dựng từ trung ương đến địa phương thành một hệ thống hoàn chỉnh và thay mặt nhân dân Cămpuchia thực hiện chủ quyền về mặt đối nội và đối ngoại, quản lí toàn bộ đất nước.
Ngày 18 – 2 – 1979, để bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng mới thành lập, chính phủ Hiêng Xomrin đã kí kết với Việt Nam một hiệp ước yêu cầu quân đội Việt Nam đóng tại trên đất Cămpuchia để bảo vệ thành quả cách mạng Cămpuchia.
Sau thắng lợi của cách mạng Cămpuchia, ngày 7 – 1 – 1979 và nước Cộng hòa nhân dân Cămpuchia ra đời, tất cả các thế lực chống đối đã rùm beng nêu lên “Vấn đề Cămpuchia”. Dưới sự thao túng của một số cường quốc, trong tháng 1 – 1979, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua hai nghị quyết về Cămpuchia tại phiên họp thứ 2108.
- Nghị quyết thứ nhất: Tiếp tục công nhận bọn Pônpốt là đại diện hợp pháp của Cămpuchia.
- Nghị quyết thứ hai: Đòi quân đội Việt Nam rút ngay ra khỏi Cămpuchia.
Ở trong nước, tất cả các lực lượng chống đối cách mạng đã liên kết lại với nhau để chống lại chính quyền cách mạng Hiêng Xomrin và quân tình nguyện Việt Nam. Từ 1982 các lực lượng chống đối đã xây dựng và củng cố hệ thống căn cứ ở trên đất Thái Lan và cho ra đời “chính phủ liên hiệp ba phái” do Xihanúc đứng đầu (bao gồm phái Khowme xơ rây của Sonsan tức Khơme Xanh, phái Khơ me trắng của Xihanúc và phái Khơme đỏ của Pônpốt). Với sự giúp đỡ của lực lượng chống đối bên ngoài, từ 1979 – 1985, cuộc nội chiến ở Cămpuchia diễn ra gay gắt và ác liệt. Với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, quân và dân Cămpuchia đã liên tiếp đánh bại các cuộc tấn công quân sự của lực lượng thù địch và gây dựng lại đất nước bị tàn phá nặng nề về mọi mặt một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Kể từ 1982, Việt Nam bắt đầu rút quân về nước; đến mùa khô 1984 - 1985, Việt Nam đã tiến hành 4 đợt rút quân, tạo nên điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết vấn đề Cămpuchia, loại bỏ được nhân tố mà các lực lượng đối đầu đã lợi dụng gây nên vấn đề Cămpuchia, và chứng minh rõ thiện chí của Việt Nam.
Nội chiến ở Nicaragoa
Nicaragoa giành được độc lập từ tay thực dân Tây Ban Nha năm 1821, nhưng giữa thế kỷ XIX, Anh và Mĩ đã đấu tranh với nhau quyết liệt để tranh giành ảnh hưởng ở Nicaragoa. Năm 1912 - 1913 Nicaragoa bị quân đội Mĩ chiếm đóng. Trải qua cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc A.Xanđinô, nhân dân Nicaragoa đã buộc quân đội Mĩ phải rút về nước. Nhưng Mĩ vẫn tiếp tục thi hành nhiều thủ đoạn nhằm đưa Nicaragoa vào vòng lệ thuộc Mĩ. Năm 1934, dưới sự điều khiển của Mĩ, Xômôxa Gacxia đã giết hại Axêxa Xanđinô. Hai năm sau, năm 1936, được Mĩ giúp sức Xômôxa Gacxia đã làm đảo chính quân sự, thiết lập nền thống trị độc tài ở Nicaragoa, đưa Nicaragoa vào vòng lệ thuộc Mĩ nặng nề hơn. Năm 1964, A.Naxtaxiô Xômôxa thay cha lên làm tổng thống tự xưng là “người bạn trung thành của Mĩ”. Mĩ được hưởng thêm nhiều đặc quyền trong việc sử dụng tài nguyên, khoáng sản của Nicaragoa, được xây dựng căn cứ quân sự ở Côruitô. Năm 1954 Xômôxa kí hiệp định quân sự với Mĩ và tham gia tổ chức đảo chính phản cách Mạng ở Goatêmala.
Năm 1961, Mặt trận giải phóng dân tộc Xanđinô ra đời trên cơ sở thống nhất các lực lượng du kích, những người tiến bộ, các chiến sĩ đã từng chiến đấu dưới ngọn cờ cửa người anh hùng dân tộc A.Xanđinô. Mặt trận đã xây dựng nhiều cơ sở cách mạng trong vùng rừng núi phía Bắc, đẩy mạnh hoạt động du kích trên toàn quốc với khẩu hiệu “đánh đổ chế độ độc tài Xômôxa”. Đến giữa những năm 1970, trước tình hình không thể duy trì mãi chế độ độc tài Xômôxa, Mĩ bày trò “hòa giải”, âm mưu dung hòa các tập đoàn tư sản đối lập Nicaragoa với tập đoàn Xômôxa để tập trung đối phó với các cuộc chiến đấu của mặt trận Xanđinô. Các lực lượng vũ trang của Mặt trận vẫn đẩy mạnh chiến đấu, giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Ngày 30 – 5 - 1979 Mặt trận ra lời kêu gọi nhân dân khởi nghĩa vũ trang và tổng bãi công chính trị, lật đổ chế độ độc tài Xômôxa. Ngày 9 - 7 Bộ chỉ huy mặt trận hạ lệnh tấn công vào thủ đô Managoa phối hợp với cuộc nổi dậy của quần chúng. Ngày 14 - 7, Xômôxa tuyên bố từ chức và chạy chốn sang Maiami; ngày 18 - 7, Bộ tư lệnh quân cảnh vệ đầu hàng cách mạng. Ngày 19 - 7 - 1979, chính phủ lâm thời xây dựng lại đất nước Nicaragoa từ Côxtarica trở về thủ đô Managoa, đánh dấu cách mạng Nicaragoa đã thắng lợi. Cách mạng Nicaragoa có ảnh hưởng to lớn ở khu vực Mĩ Latinh, và với sự giúp đỡ của Liên Xô và Cuba, chính phủ Nicaragoa đã đưa đất nước tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để chống lại chính phủ cách mạng Nicaragoa, từ phía Bắc Hondurat và Nam Cooxxtarica, Mĩ đã giúp đỡ cho lực lượng chống đối “Côntơrát” (Contras) chống lại chính phủ cách mạng Nicaragoa. Mĩ đã huấn luyện và vũ trang đầy đủ cho bọn Côntơrát phát động nội chiến trong nhiều năm liền. Từ tháng 5 - 1985, chính quyền Rigân lén lút buôn bán vũ khí cho Iran và chuyển một phần tiền lãi cho bọn Côntơrát, trái với lệnh cấm của quốc hội. Việc buôn bán vũ khí bí mật này đã bị phơi bày ra ánh sáng ngày 4 – 11 – 1986 và được người Mĩ gọi là vụ bê bối với cái tên là “Iran ghết”. Ủy ban điều tra vụ Iran ghết của quốc hội Mĩ đã buộc nhiều quan chức cấp cao của Nhà Trắng, kể cả Tổng thống Mĩ Rigân (sau khi mãn nhiệm) phải ra điều trần trước ủy ban.
XÔ – MĨ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH LẠNH
1. Quan hệ Đông – Tây bắt đầu hòa dịu
Ngay từ giữa những năm 50, những nhà lãnh đạo Liên Xô bắt đầu có xua hướng triển khai chiến lược cùng tồn tại hòa bình với các nước phương Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế…
Về phía Mĩ, Tổng thống Aixenhao cũng lên tiếng “hoan nghênh bất cứ hành động nào tranh thủ cho hòa bình”
Nhưng trên thực tế, xuất phát từ những lợi ích khác nhau, quyết định của các nước lớn đã làm cho tình hình thế giới tiếp tục căng thẳng.
Những cuộc xung đột quân sự mà hai cực Xô – Mĩ làm hậu thuẫn cho mỗi bên tham chiến tiếp tục lan rộng nhiều nơi trên thế giới, điển hình là cuộc chiến tranh Đông Dương, nội chiến Apganixtan, Angôla, chiến tranh Trung Đông.
Mặc dù vậy, bên cạnh chiến tranh lạnh, đã diễn ra những cuộc thương lượng nhân nhượng giữa hai cực Xô – Mĩ trong việc giải quyết một số vấn đề trong quan hệ quốc tế, điển hình là vấn đề Đức và vấn đề đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược.
- Vấn đề Đức là vấn đề trung tâm trong quan hệ quốc tế thời kỳ này:
+ Từ năm 1970, Xô – Mĩ đã bắt đầu thương để giải quyết vấn đề Đức.
+ Ngày 9 – 11 – 1972, trên cơ sở những nguyên tắc đã được thỏa thuận giữa Liên Xô và Mĩ trong Hiệp định Bon (9 – 1971), hai nước: CHDC Đức và CHLB Đức đã kí kết Hiệp định về cơ sở quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức:
· Hai bên tôn trọng không điều kiện chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
· Thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện, bình thường với nhau trên cơ sở bình đẳng.
+ Tháng 9 – 1973, cả hai nước đều gia nhập Liên Hiệp Quốc.
Việc giải quyết vấn đề Đức là một biểu hiện cho xu thế hòa dịu trong quan hệ Đông – Tây.
- Vấn đề hạn chế vũ khí chiến lược là vấn đề được cả thế giới quan tâm, cũng là một trong những vấn đề trung tâm trong quan hệ Xô – Mĩ.
+ Những nhân tố nào thúc đẩy xu hướng giảm bớt chạy đua vũ trang trong quan hệ Xô – Mĩ
· Cuộc chạy đua vũ trang trong chiến tranh lạnh đã khiến cho cả hai nước gặp phải không ít khó khăn để duy trì thế cân bằng chiến lược.
· Những khoản chi phí khổng lồ đã làm cho cả hai nước mất dần ưu thế cạnh tranh về kinh tế với các nước khác.
+ Quá trình đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược giữa Liên Xô và Mĩ được tiến hành liên tục trong 20 năm và trải qua 4 giai đoạn:
· Giai đoạn 1 (11 – 1969 đến 5 – 1972): Chủ yếu tập trung vào việc hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược có tính chất phòng ngự và soạn thảo quy định tạm thời về hạn chế vũ khí hạt nhân có tính chất tiến công.
Sau 7 vòng đàm phán, tháng 5 – 1972, hai nước đã kí kết Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng chống tên lửa (gọi là ABM), theo đó mỗi bên được xây dựng hai hệ thống phòng, chống tên lửa, mỗi hệ thống có 100 tên lửa chống tên lửa.
· Giai đoạn 2 (11 – 1972 đến 6 – 1979): Chủ yếu hạn chế những loại vũ khí hạt nhân có tính chất tiến công.
Sau 15 ngày đàm phán và 5 lần gặp gỡ ở cấp nguyên thủ quốc gia, hai nước đã kí kết Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân có tính chất tấn công (gọi tắt là SALT-1). Nghị định bổ sung Hiệp ước ABM, quy định mỗi bên chỉ triển khai một hệ thống phòng, chống tên lửa (7 – 1974), Hiệp ước SALT-2 (6 – 1979) quy định giới hạn tổng số vũ khí chiến lược tấn công và phương tiện phóng vũ khí hạt nhân của mỗi bên.
Với hiệp ước đã được kí kết, cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng giữa hai cực Xô – Mĩ có xu hướng giảm dần.
· Giai đoạn 3 (6 – 1982 đến 12 – 1983): Đây là giai đoạn cuộc chạy đua vũ trang được tăng cường.
Để phá vỡ thế cân bằng chiến lược quân sự của Liên Xô, tháng 3 – 1983, Rigân đề xuất sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) được mệnh định là “cuộc chiến tranh giữa các vì sao” nhằm xây dựng hệ thống tên lửa nhiều tầng, từ 200 km đến 1000 km trên không nhằm vô hiệu hóa tên lửa tấn công, tạo ra một thách thức đối với Liên Xô.
Để đối phó, Liên Xô cũng tăng cường ngân sách quân sự, triển khai hệ thống tên lửa tầm trung ở Đông Âu và khu vực châu Á thuộc lãnh thổ Liên Xô.
Vì vậy, hai bên đã không thể đạt được một Hiệp ước cụ thể nào về hạn chế vũ khí chiến lược.
· Giai đoạn 4 (3 – 1985 đến 1 – 1995): Sau một thời gian gián đoạn, cuộc đàm phán được nối lại:
üTháng 12 – 1987, Xô – Mĩ đã kí kết Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung ở châu Âu (INF), chiếm khoảng 3% kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước.
üTháng 6 – 1990, hai bên đã đạt được một hiệp định khung cắt giảm vũ khí tấn công.
üTháng 7 – 1991, Xô và Mĩ kí kết Hiệp ước về cắt giảm vũ khí chiến lược (START-1), theo đó 30% kho vũ khí hạt nhân sẽ được phá hủy từ thời điểm đó đến năm 1999, hai nước cũng sẽ không đặt một số vũ khí chiến lược trong tình trạng báo động.
üTháng 1 – 1993, Hiệp ước START-2 được kí kết: quy định trong vòng 10 năm tới hai nước (Nga – Mĩ) sẽ cắt giảm 2/3 số vũ khí hạt nhân chiến lược hiện có và hủy bỏ toàn bộ ở Nga và Mĩ số tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân phóng từ mặt đất.
Quá trình đàm phám về hạn chế vũ khí chiến lược phản ánh so sánh lực lượng và cuộc đấu tranh giữa hai cực Xô – Mĩ trong quan hệ quốc tế.
Tuy còn bất đồng, nhưng hai nước đã từng bước nhượng bộ nhau, không làm cho tình hình căng thẳng hơn và đi đến kết thúc tình trạng đối đầu, gây tổn thất cho cả hai bên.
- Những chuyển biến trong quan hệ giữa Tây Âu với Liên Xô và Đông Âu (từ cuối thập niên 60 đầu thập niên 70):
+ Hai nước lớn ở Tây Âu là Pháp và CHLB Đức đã bắt đầu thực hiện chính sách đối thoại, hòa hoãn với Liên Xô và các nước Đông Âu
+ Ngày 1 – 8 – 1975, 33 nước châu Âu cùng Mĩ và châu Âu tại Henxinki (Phần Lan)
Định ước xác định quyền bình đẳng của các quốc gia, không dùng vũ lực, không xâm lấn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các cuộc xung đột, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng nhân quyền, hợp tác trên cơ sở nhu cầu chính đảng của các dân tộc.
+ Năm 1977, tại Beeograt, các nước tiếp tục thương lượng về vấn đề an ninh, hợp tác và đưa ra những hình thức phù hợp để thực hiện định ước Henxinki.
+ Quan hệ thương mại kinh tế giữa Tây Âu với Liên Xô và Đông Âu tăng lên nhanh chóng trong thập niên 80.
2. Những nguyên nhân chấm dứt chiến tranh lạnh
Thứ nhất, cuộc chạy đua vũ trang kéo dài hơn bốn thập kỷ và “bao” về chi tiêu quân sự hầu khắp thế giới (trong thời gian chiến tranh lạnh, hai nước Xô – Mĩ đã gánh chịu từ 50% đến 55% chi tiêu quân sự toàn cầu) làm cho hai nước Xô – Mĩ quá tốn kém và suy giảm “thế mạnh” của họ về nhiều mặt so với các cường quốc khác.
Thứ hai, hai nước Mĩ và Liên Xô đều đứng trước những khó khăn và thách thức rất to lớn trong một thế giới mà mọi chuyển biến diễn ra hết sức mau lẹ, bất lợi cho hai nước này: Hai nước Đức và Nhật, vốn là những nước phát xít chiến bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai, từ đống đổ nát của chiến tranh, nay họ vươn lên mạnh mẽ, trở thành đối thủ cạnh tranh đáng lo ngại. Châu Âu đã liên minh với nhau thành “khối thị trường chung” (EEC) và đang trở nên rất mạnh. Tất cả đều thoát khỏi sự kiềm chế của Mĩ và cạnh tranh với Mĩ và vượt Liên Xô về kinh tế.
Thứ ba, cuộc “chiến tranh kinh tế” mang tính toàn cầu mà cả thế giới đang ra sức chạy đua. Hơn nữa, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang diễn ra sôi nổi mà tất cả các nước muốn vươn lên thì đều phải để tâm và tận dụng những thành tựu của nó.
Tình hình nêu trên đặt ra cho hai nước Liên Xô và Mĩ muốn lấy lại vị trí của mình như trước đây, muốn vươn lên đuổi kịp và vượt các nước khác thì cần phải thoát ra khỏi thế đối đầu và cục diện ổn định.
Ngoài ra, những vấn đề toàn cầu đang đặt ra trước nhân loại, trước hai nước Xô – Mĩ, nhân dân Mĩ và Liên Xô cùng nhân dân thế giới đòi hỏi phải có sự hợp tác chung để giải quyết, như vấn đề môi trường, môi sinh, bảo vệ trái đất – ngôi nhà chung của loài người; chấm dứt các cuộc xung đột khu vực…Nếu tiếp tục đối đầu thì giải quyết những vấn đề chung này rơi vào bế tắc.
3. Xô – Mĩ chấm dứt chiến tranh lạnh và tác động của nó tới quan hệ quốc tế.
Vào đầu những năm 80, khi Rigân lên nắm chính quyền ở Mĩ, thì quan hệ Xô – Mĩ, quan hệ Đông – Tây còn căng thẳng, thậm chí hai bên chạy đua vũ trang quyết liệt. Thế nhưng từ nửa sau những năm 80, đặc biệt khi Goocbachốp lên cầm quyền ở Liên Xô thì quan hệ Xô – Mĩ thực sự từng bước chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Động thái này được thông qua các cuộc hội nghị cấp cao giữa những người đứng đầu hai quốc gia. Từ năm 1987, những cuộc gặp gỡ giữa Rigân - Goocbachốp, giữa Busơ (bố) -Goocbachốp đã dẫn tới hai bên giảm bớt căng thẳng, tranh chấp. Đặc biệt, trong các cuộc gặp gỡ này, nhiều văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, buôn bán, văn hóa và khoa học – kỹ thuật được kí kết. Nhưng quan trọng nhất là vào năm 1987, hai nước đã kí kết hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung ở châu Âu, gọi tắt là IMF, số tên lửa này chiếm khoảng 3% kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước. Cũng từ năm 1987, hai nước thỏa thuận cùng giảm một bước quan trọng cuộc chạy đua vũ trang, từng bước chấm dứt cục diện chiến tranh lạnh, cùng hợp tác với nhau để giải quyết các vụ tranh chấp và xung đột quốc tế.
Cuối cùng, tháng 12 – 1989, tại cuộc gặp gỡ không chính thức giữa Busơ và Goocbachốp trên bán đảo Manta (Địa Trung Hải), Mĩ và Liên Xô cùng tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh kéo dài hơn 40 năm qua. Quan hệ quốc tế bước vào thời kỳ mới – thời kỳ sau chiến tranh lạnh.
Việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh, đã đưa thế giới vào thời kỳ hòa dịu và đã dẫn tới những chuyển biến trong quan hệ quốc tế và cục diện chính trị thế giới.
- Quan hệ giữa năm nước lớn: Mĩ, Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Quốc có những chuyển biến quan trọng. Năm nước này có nhiều thay đổi trong đường lối đối ngoại của mình. Trong thời kì chiến tranh lạnh, mặc dù là năm nước lớn, nhưng vẫn chỉ là hai cực đối đầu nhau. Đến lúc này, mối quan hệ giữa năm nước lớn đã chuyển hóa từ hai cực đối đầu sang đối thoại, hợp tác với nhau trong cùng tồn tại hòa bình, trong việc giải quyết những tranh chấp quốc tế.
- Những cuộc xung đột khu vực từng bước được giải quyết do có sự hợp tác của các nước lớn, trước hết là sự hợp tác Xô – Mĩ, đặc biệt là những cuộc xung đột quân sự mang tính đối địch giữa hai cực. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ năm 1989 đến năm 1991 vấn đề Apganixtan, vấn đề Campuchia, vấn đề Namibia… trước đây bế tắc thì bây giờ lần lượt được giải quyết.
- Đặc biệt là sự biến chuyển nhanh chóng của tình hình các nước Đông Âu và Liên Xô trong những năm 1989 – 1991, làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở khu vực này sụp đổ. Cùng với nó là sự giải thể Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV, 28 – 6 – 1991) và Tổ chức Hiệp ước Vacsava (1 – 7 – 1991) – những tổ chức lớn tồn tại trong thời kì chiến tranh lạnh, đối lập với các tổ chức cảu khối tư bản chủ nghĩa. Những sự kiện trên đây đã làm cho trật tự hai cực Ianta sụp đổ. Trật tự thế giới theo thể chế hai cực không còn nữa. Thế giới bước vào một thời kì mới với các xu thế mới đang vận động.
Chúng ta nên nhìn cả hai phía Liên Xô và Mĩ để phân tích một cách khách quan. Cuộc đối đầu giữa hai cực Xô – Mĩ và khối Đông Tây bắt nguồn từ hai nhân tố:
- Mâu thuẫn giữa CNXH và CNTB và hai hệ thống đối lập kể từ sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.
- Sự hình thành trật tự thế giới hai cực Ianta sau Chiến tranh thế giới thứ hai dẫn đến hai cường thắng trận chủ yếu trong chiến tranh phân chia nhau phạm vi ảnh hưởng trên toàn thế giới. Sự phân chia này dẫn đến sự tranh chấp, giành giật nhau trên toàn thế giới phạm vi ảnh hưởng của mỗi bên.
Hai nhân tố này là nguồn gốc và nguyên nhân của cuộc chiến tranh lạnh nhưng có sự khác biệt giữa Mĩ và Liên Xô.
Mĩ là một cường quốc tư bản chủ nghĩa luôn luôn nuôi ý đồ thống trị thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, dựa vào sự vươn lên mạnh mẽ đứng đầu thế thế giới về thực lực mọi mặt của mình, Mĩ đã thực hiện “Chiến lược toàn cầu” nhằm làm bá chủ toàn thế giới. Đây là mục tiêu cao nhất của Mĩ và mục tiêu này hoàn toàn phục vụ cho lợi ích giai cấp tư sản lũng đoạn Mĩ.
Về phía Liên Xô, Liên Xô dựa vào việc ủng hộ phong trào đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội để qua đó đấu tranh chống lại Mĩ. Tuy thế, tùy từng lúc và tùy từng thời gian, trong việc ủng hộ phong trào cách mạng thế giới, vẫn đan xen lợi ích riêng biệt của nước mình và dân tộc mình mà người ta thường gọi là chủ nghĩa dân tộc nước lớn. Trong thời kỳ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến giữa những năm 70, việc ủng hộ phong trào cách mạng thế giới tỏ ra tích cực hơn, nhưng từ nửa sau những năm 70 đến lúc Chiến tranh lạnh chấm dứt, tính tích cực đó giảm dần đi và có những nơi, những lúc lại biểu hiện nhiều tác dụng phản lại (thời kỳ Goocbachốp cầm quyền 1985 – 1989). Như thế chủ nghĩa dân tộc nước lớn (có người gọi đó là chủ nghĩa đại Nga) cũng là một nhân tố không kém phần quan trọng chi phối cuộc Chiến tranh lạnh mà Liên Xô đã tiến hành.
Tính chất của cuộc Chiến tranh lạnh cũng có nguồn gốc và nguyên nhân của nó chi phối. Với Mĩ là phi nghĩa, là ý đồ bá chủ thế giới quán xuyến từ đầu cho đến tận ngày nay. Nhưng với Liên Xô tính chất của cuộc Chiến tranh lạnh thể hiện trên hai mặt: Một mặt, ủng hộ phong trào cách mạng thế giới, nhưng mặt khác lại vì lợi ích dân tộc nước lớn rieng biệt của mình. Khi đánh giá mặt này về phía Liên Xô, phải căn cứ vào từng việc từng thời điểm lịch sử mà nhận định. Phải nói rằng, trong thời kỳ đầu từ sau Chiến tranh đến giữa những năm 70, Liên Xô đã làm được nhiều việc có lợi cho phong trào cách mạng thế giới. Nhưng thời kỳ sau này, do đường lối sai lầm chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân tộc nước lớn lại thể hiện rõ nét hơn và đã dẫn đến những hậu quả tai hại cho bản thân Liên Xô và phong trào cách mạng thế giới.
2. Về thành bại của cuộc Chiến tranh lạnh:
Đến nay, cuộc Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, chế độ XHCN đã sụp đổ ở Liên Xô, Liên Bang Xô viết đã tan vỡ, hệ thống XHCN thế giới không còn tồn – đó là mục tiêu cao nhất của Mĩ trong khi tiến hành Chiến tranh lạnh và như thế có thể nhận xét rằng cuối cùng Mĩ đã thực hiện được mục tiêu của nó và Mĩ là kẻ thắng thế trong cuộc chiến tranh này. Nhưng mặt khác, trong quá trình Chiến tranh lạnh, Mĩ đã vấp phải những thất bại nặng nề như thắng lợi của cách mạng dân chủ nhân dân các nước Đông Âu trong những năm 1945 – 1949, thắng lợi của cách mạng Trung Quốc năm 1949, sự lớn mạnh mọi mặt của Liên Xô và các nước XHCN trong những năm 50, 60 và 70,… và những thắng lợi này đã củng cố thêm sức mạnh, thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những thắng lợi này cũng làm suy giảm sức mạnh và địa vị của Mĩ trên toàn thế giới.
Sự thất bại của Liên Xô bắt nguồn từ những sai lầm trong mô hình xây dựng CNXH ở Liên Xô và đường lối đối ngoại của Liên Xô đối với các nước XHCN anh em chưa đúng theo chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế chân chính. Mặt khác, là sai lầm về nhân nhượng và thỏa hiệp không có lợi cho cách mạng đối với Mĩ trong những năm 70 và nhất là những năm 80.
3. Đặc điểm của cuộc Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mĩ:
Khác với tất cả các cuộc chiến tranh khác trong lịch sử loài người, cuộc Chiến tranh lạnh giữa Mĩ và Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai mang một số đặc điểm:
- Hai đối thủ chính của cuộc Chiến tranh lạnh là Mĩ và Liên Xô chưa bao giờ xung đột đối đầu trực tiếp với nhau mà chỉ đứng đằng sau làm hậu thuẫn và điều khiển các đồng minh của mình xung trận, như trong cuộc Chiến tranh cục bộ Triều Tiên (1950 – 1953), cuộc chiến tranh ở Apganixtan (1979 – 1989), Cuộc chiến trnah ở Ăngôla trước 1975,…
Sở dĩ có đặc điểm này vì bản thân Mĩ và Liên Xô đều e ngại và sợ hãi nếu trực tiếp xung trạn đối địch với nhau sẽ dẫn đến bùng nổ một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba tàn khốc mà thắng lợi của nó không ai dám đoán trước được.
- Theo định nghĩa của người Mĩ, Chiến tranh lạnh là “Chiến tranh không đổ máu, không nổ sung” nhưng chiến tranh lạnh không chỉ dừng ở như thế mà đã phát triển thành những cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột quân sự khu vực ở nhiều nơi trên thế giới và những cuộc xung đột khu vực đó cho đến nay vẫn còn tiếp diễn do di sản của Chiến tranh lạnh, như ở Trung Đông, Apganixtan…
- Bên cạnh những cuộc xung đột quân sự, những tình thế cả hai bên đều đặt trong trạng thái chiến tranh, nhưng giữa hai bên Mĩ và Liên Xô vẫn có những cuộc thương lượng lúc công khai, lúc bí mật để tìm cách hòa hoãn với nhau hoặc giải quyết những tranh chấp với nhau như cuộc thương lượng giải quyết mối quan hệ Đông Đức và Tây Đức năm 1972, những cuộc thương lượng về hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược trong những năm 70 và 80 …Chính qua những cuộc thương lượng này, giữa Liên Xô và Mĩ đã đi từ đối đầu đến thỏa hiệp và chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh mà phần bất lợi lại thuộc về phía Liên Xô.
- Cuộc Chiến tranh lạnh đã chi phối toàn cục thế giới, không một nước nào có thể hoàn toàn đứng ngoài cuộc đấu tranh này và không ít nhiều bị phụ thuộc vào cuộc chiến tranh này.
- Cuộc Chiến tranh lạnh, trong những thời điểm lịch sử nhất định của nó, đã giúp đỡ và thúc đẩy phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển, nhưng mặt khác nó lại ngăn cản sự đối thoại, hợp tác và tính độc lập tự chủ của mọi quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa của thời đại khoa học – kĩ thuật phát triển. Từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, xu thế đối thoại, hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, cùng tôn trọng lẫn nhau trong cùng tồn tại hòa bình đang trở thành xu thế chủ yếu trong mối quan hệ quốc tế.
(1)Mĩ, Anh, Pháp, Italia, Canađa, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Lucxămbua, Bồ Đào Nha, Aixơlen. Năm 1952, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ tham gia. Năm 1955, thêm Tây Đức. Năm 1981 – Tây Ban Nha. Năm 1999, 3 nước: Ba Lan, Hungari, Cộng hòa Séc. Năm 2004, 7 nước: Bungari, Extônia, Latvia, Litva, Rumani, Xlôvakia, Xlôvênia
(2)Năm 1961, do bất đồng với Liên Xô, Anbani rút khỏi Vacsava
(1) Anh, Pháp, Ôxtrâylia, Bỉ, Canađa, Côlômbia, Êtiôpia, Hi Lạp, Niu DiLân, Hà Lan, Philippin, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Lucxămbua, Liên bang Nam Phi và Mĩ.
(1) Ấn Độ, Inđônêxia, Miến Điện, Tích Lan, Pakitxtan (5 nước đề xướng). Apganixtăng, Caawmpuchia, Trung Quốc, Ai Cập, Êtiôpi, Gôncốt (Gana hiện nay), Iran, Irắc, Nhật Bản, Gioođani, Lào, Libăng, Libêria, Libia, Nêpan, Philippin, Ả rập Xêuđích, Xu đăng, Xyri, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nam Việt Nam và Yêmen.
(2) Ngày 29 – 4 – 1954 trong hiệp định buôn bán và giao thông giữa hai khu vực Tây Tạng và Ấn Độ, hai nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa và cộng hòa Ấn Độ đã đề ra 5 nguyên tắc làm cơ sở cho quan hệ giữa hai nước: 1- Tông trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau; 2- Không tấn công nhau; 3- Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; 4- Bình đẳng và hai bên cùng có lợi; 5- Chung sống hòa bình. Thường gọi là 5 nguyên tắc chung sống hòa bình.
V ĂN NG ỌC TH ÀNH
(1) Pôn Kenơđi: Hưng thịnh và suy vong của các cường quốc, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, tr 104-105.
1. Bối cảnh thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai:Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình thế giới từng bước có những chuyển biến to lớn, tác động tới quan hệ quốc tế, tác động tới từng nước, từng khu vực và cả trật tự thế giới vừa được thiết lập.
Thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhưng các nước châu Âu, Nhật Bản và Liên Xô bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị tổn thất lớn cả về người và của. Chỉ có Mỹ giầu lên nhanh chóng trong chiến tranh (thu về 114 tỉ đô la lợi nhuận do bán vũ khí và phương tiện chiến tranh) và trở thành nước mạnh nhất về kinh tế trong khoảng 3 năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ chiếm quá nửa tổng sản lượng công nghiệp của thế giới tư bản (56,4% năm 1948). Mỹ là chủ nợ lớn nhất thế giới (riêng về vũ khí, các nước đồng minh châu Âu đã nợ Mỹ 41,751 tỉ USD) và nắm trong tay một lợi thế khiến các nước phải kiêng nể, e dè: độc quyền về bon nguyên tử.
Có thể nói, Mỹ vượt trội hơn tất cả các nước về kinh tế, quân sự và chính trị…Từ đây tham vọng làm bá chủ thế giới của Mỹ ngày càng bộc lộ và đây cũng là cơ sở để Mỹ triển khai nhanh chóng kế hoạch của mình trong một bối cảnh quốc tế và tương quan so sánh lực lượng hết sức thuận lợi đứng cả về hai phía quan hệ: Mỹ với các nước trong khối đồng minh tư bản chủ nghĩa; Mỹ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, sức mạnh và ưu thế của Mỹ không kéo dài được mãi, nó đã bị giảm sút tương đối từ những năm 60 của thế kỷ XX trở đi, đặc biệt từ những năm 70 khi các nước tư bản phục hồi và vươn lên nhanh chóng, trước hết là Tây Âu và Nhật Bản.
Thứ hai, hai cường quốc Xô – Mỹ từ quan hệ đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sau chiến tranh quan hệ ấy nhanh chóng chuyển thành quan hệ đối đầu. Từ quan hệ đối đầu giữa hai nước chuyển thành quan hệ đối đầu giữa hai phe – phe xã hội chủ nghĩa và phe tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hai cực, quan hệ Xô –Mỹ, quan hệ giữa hai phe, mặc dù mâu thuẫn, nhưng vẫn phụ thuộc và kiềm chế nhau, đều thực hiện chiến lược phòng ngự, đều tránh đụng đầu trực tiếp với nhau. Vì thế, về đại cục, hòa bình thế giới được duy trì trong suốt thời kì chiến tranh lạnh và cả sau đó.
Thứ ba, một biến chuyển lớn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đó là sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Một loạt các nước Đông Âu, Châu Á và khu vực Mỹ Latin sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đã tuyên bố đi lên chủ nghĩa xã hội cùng với Liên Xô hợp thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh. Những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những năm 50 - 60 đã thu hút sự chú ý của thế giới và tác động tới chiều hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn, chủ nghĩa xã hội là chỗ dựa tin cậy của phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiền bộ xã hội. Chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống duy nhất chi phối nền chính trị thế giới. Tình hình trên đây đã dẫn tới một vấn đề: trong chiến lược của mình, Mĩ và các nước đồng minh không thể không tính đến một thực tế đó của chủ nghĩa xã hội.
Thứ tư, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cao trào giải phóng dân tộc diễn ra sôi nổi ở khắp các lục địa của Á, Phi, Mỹ La Tinh, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân bị tan vỡ từng mảng lớn và đến giữa những năm 60 đã sụp đổ về cơ bản. Hơn 100 quốc gia dân tộc trẻ tuổi ra đời, ngày càng tham gia tích cực vào đời sống chính trị thế giới. Bộ mặt hành tinh thay đổi to lớn. Trong chiến lược của hai cường quốc Xô – Mĩ và hai hệ thống không thể không tính đến lực lượng này.
Thứ năm, cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật bùng nổ vào những năm 40 của thế kỷ XX và diễn ra mạnh mẽ sau đó. Cuộc cách mạng này đã đưa lại những tiến bộ nhảy vọt, những thành tự kì diệu, những tác động tích cực và những hậu quả của nó rất to lớn. Những nước nào đi sâu vào cách mạng khoa học - kỹ thuật, tận dụng những thành tựu của nói thì vươn lên mạnh mẽ, tiếng nói của họ trong quan hệ quốc tế ngày càng có trọng lượng hơn. Những nước bỏ lỡ cơ hội tận dụng thành tựu của cách mạng khoa học – kỹ thuật, thì tụt hậu, hình bóng của các nước ấy trong quan hệ quốc tế cũng trở nên mờ nhạt.
Chiến tranh lạnh gần như là một hệ quả tất yếu của tình hình đối đầu, căng thẳng giữa hai phe thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
2. Nguyên nhân – nguồn gốc của Chiến tranh lạnh:
Cuộc đối đầu giữa Liên Xô và Mĩ, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản không phải chỉ bắt đầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mà nó nảy sinh ngay từ sau Cách mạng tháng Mười Nga (1917) với sự ra đời của nước Nga Xô viết. Lúc bấy giờ, các nước tư bản phương Tây đã tập trung lực lượng và tìm mọi cách để “bóp chết” nước Nga Xô viết: 14 nước tư bản đã đưa quân can thiệp chống nước Nga (1918 – 1920), các nước tư bản đã bao vay kinh tế, cô lập chính trị nước Nga trong những năm 20 – 30 của thế kỷ XX, đặc biệt trong cuộc xâm lược Liên Xô của các nước Đức phát xít trong những năm 1941 – 1945. Mặc dù vậy, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên vẫn đứng vững, tồn tại và ngày càng hùng mạnh. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô và các nước Mĩ, Anh, Pháp đều là nạn nhân của cuộc xâm lược phát xít và họ đã liên minh với nhau để chống phát xít, nhưng mâu thuẫn giữa Liên Xô và các nước tư bản này vẫn luôn luôn tồn tại. Khi chiến tranh kết thúc, chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, thì mâu thuẫn giữa Liên Xô và các nước Mĩ, Anh, Pháp lại nổi lên. Các nước này từ quan hệ đồng minh chuyển sang quan hệ đối đầu. Đó là một trong những nguồn gốc sâu xa của cuộc Chiến tranh lạnh. Hơn nữa, từ Hội nghị Ianta (2/1945), Liên Xô, Mĩ, Anh đã thỏa thuận với nhau phân chia phạm vi ảnh hưởng đối với các khu vực trên phạm vi thế giới. Cũng vì thế, Chiến tranh lạnh là kết quả tất yếu của các cuộc chiến tranh giành và mở rộng phạm vi thế lực giữa Liên Xô và Mĩ, mà thường được gọi là hai cực trong trật tự thế giới hai cực được xác định từ Hội nghị Ianta.
Tuy nhiên, ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tình hình thế giới chuyển biến mau lẹ ngày càng có lợi cho Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, bất lợi cho Mĩ và các đồng minh của Mĩ. Đầu năm 1947, ở các nước Đông Âu, khu vực ảnh hưởng của Liên Xô, chính quyền lần lượt chuyển vào tay nhân dân lao động, ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp phong trào đấu tranh vũ trang do Đảng Cộng sản lãnh đạo phát triển mạnh mẽ. Ở Pháp, Bỉ và Italia đại diện của Đảng Cộng sản đã tham gia Chính phủ, ở các nước này đã diễn ra một loạt những cải cách kinh tế - xã hội có lợi cho người lao động. Ở châu Á, cách mạng Trung Quốc phát triển mạnh, so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho Đảng Cộng sản. Trong bối cảnh như thế, Mĩ không thể không có những phản ứng lại. Tháng 3 – 1947, Tổng thống Mĩ Truman đã đọc diễn văn tại Quốc hội Mĩ, chính thức đưa ra học thuyết của mình. Theo Truman thì các nước Đông Âu “vừa mới bị cộng sản thôn tính” và những đe dọa tương tự đang diễn ra nhiều nước khác ở châu Âu, ở Italia, Pháp và cả Đức nữa. Vì vậy, Mĩ phải đứng ra “đảm nhận sứ mạng lãnh đạo thế giới tự do” phải giúp đỡ các dân tộc thế giới chống lại “sự đe dọa” của chủ nghĩa cộng sản, chống lại sự “bành trướng” của nước Nga, giúp đỡ bằng mọi biện pháp kinh tế, quân sự. Tổng thống Mĩ đã phát động cuộc chiến tranh lạnh chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, học thuyết Truman đã mở đầu cho cuộc chiến tranh lạnh và cuộc chiến tranh này đã diễn ra theo tư tưởng và mục tiêu của Mĩ mà học thuyết Truman đã vạch ra.
“Chiến tranh lạnh” là khái niệm do Baruch, tác giả của kế hoạch nguyên tử lực của Mĩ ở Liên hợp quốc đưa ra, xuất hiện trên báo chí từ ngày 26 – 07 – 1947. Theo Mĩ, “chiến tranh lạnh” là “chiến tranh không nổ súng, không đổ máu” nhưng “luôn luôn ở tình trạng chiến tranh” nhằm “ngăn chặn” rồi “tiêu diệt” Liên Xô.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng đưa ra định nghĩa của mình về “chiến tranh lạnh”. Tựu trung lại, đó là sự đe dọa sử dụng bạo lực quân sự, bao vây kinh tế, phá hoại chính trị, chạy đua vũ trang và chuẩn bị chiến tranh, làm cho tình hình thế giới luôn luôn căng thẳng.
Mục tiêu của chiến tranh lạnh do Mĩ phát động là Mĩ tiến tới lãnh đạo thế giới tự do chống lại sự đe dọa của chủ nghĩa cộng sản, chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn chủ nghĩa xã hội không cho lan ra các khu vực khác.
NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA CHIẾN TRANH LẠNH
1. Sự hình thành các khối kinh tế - chính trị đối lập:
Mĩ tìm cách lôi kéo các nước đồng minh về phía mình bằng các biện pháp kinh tế, chính trị và quân sự vừa để thao túng, vừa để tạo ra khối các nước đối lập với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Ngày 05 – 06 – 1947, ngay sau khi học tuyết Truman ra đời, ngoại trưởng Mĩ Macsan liền đưa ra kế hoạch của mình bằng “Phương án phục hưng châu Âu”. Theo Macsan, chỉ cần một bộ phận hoặc toàn bộ các nước các nước châu Âu cùng nhau xây dựng một kế hoạch “phục hưng” thì Mĩ sẽ mở rộng “viện trợ” đến châu Âu. Thực hiện kế hoạch của Macsan, ngày 12 – 07 – 1947, các nước Anh – Pháp triệu tập ở Pari hội nghị bàn về kế hoạch này của Mĩ với 16 nước tư bản châu Âu tham gia[SUP](1)[/SUP]. Hội nghị đã yêu cầu Mĩ viện trợ hàng chục tỉ đô la cho châu Âu. Tháng 4 – 1948, Quốc hội Mĩ thông qua “Đạo luật viện trợ nước ngoài” với những quy định: nước nhận viện trợ phải kí với Mĩ hiệp ước tay đôi có lợi cho Mĩ, phải thi hành chính sách kinh tế tài chính do Mĩ yêu cầu, phải cung cấp nguyên liệu cho Mĩ, phải ngừng buôn bán với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, hủy bỏ kế hoạch quốc hữu hóa và gạt bỏ các lực lượng tiến bộ ra ngoài chính phủ… Kế hoạch Macsan được thực hiện từ ngày 9 – 4 – 1948 đến ngày 31 – 12 – 1951, thực tế Mĩ đã bỏ ra 12,5 tỉ đô la[SUP](2)[/SUP]. Kết quả nền kinh tế của những nước nhận viện trợ được phục hồi, sau đó phát triển mạnh, nhưng phụ thuộc vào Mĩ.
Phán ứng lại đối với “Học thuyết Truman” và “Kế hoạch Macsan”, Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa và các đảng cộng sản châu Âu đã xúc tiến thành lập Cơ quan thông tin cộng sản (KOMINFORM) vào tháng 10 – 1947. Đại diện của 9 Đảng Cộng sản (Liên Xô, Ba Lan, Nam Tư, Bungari, Rumani, Hungari, Tiệp Khắc, Italia và Pháp) tham dự cuộc họp này tại Vacsava. Hội nghị đã ra bản tuyên bố, trong đó phân tích tình hình thế giới chia làm hai phe, phe đế quốc – tư bản do Mĩ đứng đầu và phe chống đế quốc – tư bản do Liên Xô đứng đầu. Cơ quan thông tin cộng sản có nhiệm vụ tổ chức thực hiện thông tin, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp hành động đấu tranh giữa các đảng cộng sản một cách tự nguyện. Để trao đổi thông tin, hội nghị đã quyết định xuất bản tạp chí ở Bêôgrat bằng tiếng Pháp và tiếng Nga mang tên “Vì một nền hòa bình vững chắc, vì nền dân chủ nhân dân”.
[SUP] (1) [/SUP]Anh, Pháp, Italia, Bỉ, Bồ Đào Nha, Ailen, Hi lạp, Thổ Nhĩ Kì, Hà Lan, Lucxămbua, Aixơlen, Thụy Sĩ, Áo, Na Uy, Đan Mạch, Thủy Điển.
[SUP](2) [/SUP]Hiện nay có nhiều loại tài liệu đưa những số liệu khác nhau về tiền viện trợ của Mĩ: có tài liệu nêu 29 tỉ sau gi ảm xuống còn 22, có tài liệu đưa ra con số 13 tỉ….
Hơn một năm sau, vào ngày 8 - 1 - 1949, Liên Xô và các nước Anbani[SUP](1)[/SUP] Ba Lan, Bungari, Hungari, Rumani, Tiệp Khắc đã quyết định thành lập tổ chức kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa: Hội đồng tương trợ kinh tế (gọi tắt theo tiếng Nga là SEV). Như vậy, trên thế giới đã xuất hiện hai khối kinh tế đối lập nhau: khối kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa (SEV) với thị trường riêng của nó và khối kinh tế tư bản chủ nghĩa.
2. Chính sách ngăn chặn và các khối quân sự, căn cứ quân sự ra đời:
Trong những năm 1947 – 1949, Mĩ thi hành “chính sách ngăn chặn” nhằm ngăn chặn “sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản”, rồi tiến tới tiêu diệt nó. Mĩ cho rằng, Liên Xô bị suy yếu trong Chiến tranh thế giới thứ hai, kiệt quệ cả về vật chất và tinh thần, chỉ cần đặt trước Liên Xô một lực lượng mạnh trong vòng 10 – 15 năm, Liên Xô sẽ tự bị tiêu diệt và sẽ ngăn chặn được chủ nghĩa cộng sản, ngăn chặn được khuynh hướng xâm lược của người Nga.
Để thực hiện “chính sách ngăn chặn” chủ nghĩa cộng sản, Mĩ đã xúc tiến việc chia cắt nước Đức và Triều Tiên.
Mĩ cùng các nước Anh, Pháp tiến hành chia cắt nước Đức, phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Đức, biến Tây Đức thành tiền đồn ngăn chặn chủ nghĩa xã hội không có lan sang phía Tây châu Âu. Mĩ đã phá hoại những khóa họp của hội nghị ngoại trưởng Matxcơva (4 – 1947) và ở Luân Đôn (12 – 1947) bằng cách bác bỏ mọi đề nghị của Liên Xô trong việc giải quyết vấn đề kí hòa ước với Đức, vấn đề thành lập một chính phủ chung cho toàn Đức theo nghị quyết Pôtxđam và vấn đề những biện pháp nhằm tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa quân phiệt Đức.
Ngay sau khi Hội nghị Luân Đôn đi đến chỗ bế tắc, các nước phương
[SUP](1) [/SUP]Năm 1961, do bất đồng, Anbani rút khỏi SEV
Tây liền tổ chức một hội nghị riêng rẽ khác ở Luân Đôn để bàn về việc chia cắt nước Đức. Hội nghị đã đề cập đến những nội dung sau: Tổ chức chính trị ở Tây Đức, chế độ khai thác vùng Rua, chế độ đóng chiếm ở Tây Đức, cải cách tiền tệ ở Đức. Hội nghị cho việc thành lập một quốc gia riêng rẽ ở Tây Đức có ý nghĩa đặc biệt. Ngày 2 – 6 – 1948, Hội nghị đã đưa ra bản tuyên bố nêu rõ ý định quyết tâm chia cắt nước Đức của các nước phương Tây.
Sau hội nghị, ngày 18 – 6 – 1948, tại phía Tây nước Đức và Tây Béclin, Mĩ, Anh, Pháp tiến hành cải cách tiền tệ riêng rẽ, số tiền cũ họ đưa sang phía Đông Đức và Đông Béclin, gây rối loạn kinh tế - xã hội khu vực này.
Để bảo vệ nền kinh tế Đông Đức khỏi bị tan rã, Ban quân chính Liên Xô ở Đông Đức bắt buộc phải thi hành hạn chế vận tải trong việc thông thương giữa hai miền Đông và Tây Đức, giữa Tây Béclin và Đông Béclin. Sau đó, ở Đông Đức cũng tiến hành cải cách tiền tệ để ổn định và phát triển nền kinh tế. Lúc này, tình hình giữa miền Đông và miền Tây cũng như quan hệ giữa Liên Xô và các nước Mĩ, Anh, Pháp trở nên căng thẳng. Các nước phương Tây lập cầu Hàng không tiếp tế hàng hóa cho Tây Đức và Tây Béclin, họ cũng lợi dụng đưa thêm lực lượng vũ trang vào Tây Đức. Tình hình căng thẳng, nhưng may mắn xung đột không xảy ra, do Liên Xô đã chủ động đồng ý hủy bỏ những hạn chế vận tải giữa các khu vực ở nước Đức (5 – 1949) với điều kiện hội nghị ngoại trưởng phải họp lại để bàn giải quyết vấn đề Đức.
Sau cuộc khủng hoảng này, phía các nước phương Tây vẫn tích cực xúc tiến việc thành lập riêng rẽ nhà nước Đức ở phía tây. Bộ tư lệnh Mĩ, Anh, Pháp cùng với những lãnh đạo Đức ở phía Tây đã họp Hội nghị Phranphuốc (7 – 1948) đã quyết định triệu tập một quốc hội lập hiến riêng rẽ vào tháng 9 – 1948. Tiếp theo, Mĩ, Anh, Pháp đã tiến hành hội nghị riêng ở Oasinhtơn (8 – 4 – 1949) thông qua nhiều nội dung quan trọng về vấn đề Đức trái với tinh thần của hội nghị Pôtxđam. Tháng 5 – 1949, Hội đồng nghị viện họp ở Bon đã thông qua dự thảo Hiến pháp nước cộng hòa Liên Bang Đức (Tây Đức). Ngày 14 – 9 – 1949, ở các khu vực miền Tây, người ta đã tiến hành bầu cử riêng rẽ. Ngày 12 – 9, ông Hớt được cử làm Thủ tướng nước Cộng hòa Liên bang Đức.
Như vậy, ở phía Tây Đức đã xuất hiện một quốc gia riêng rẽ, liên minh chặt chẽ với phương Tây. Đáp lại hành động của Mĩ và các nước phương Tây, ở Đông Đức vào tháng 5 – 1949, được sự giúp đỡ của Liên Xô, các đảng phái và tổ chức dân chủ của hai miền nước Đức đã họp Đại hội nhân dân, thông qua dự thảo Hiến pháp và bầu ra Hội đồng nhân dân Đức. Ngày 7 – 10 – 1949, Hội đồng nhân dân Đức tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Như thế trên nước Đức cũ đã xuất hiện hai nhà nước Đức đối lập nhau. Sự ra đời của Cộng hòa Dân chủ Đức là một đòn đánh vào kế hoạch “ngăn chặn” của Mĩ.
Ở châu Á, Mĩ cũng tích cực thực hiện chia cắt Triều Tiên, coi đó là việc làm cần thiết để “ngăn chặn” chủ nghĩa xã hội mở rộng ra khu vực Đông Bắc Á. Ngày 10 – 5 – 1948, Mĩ, các lực lượng thân Mĩ đã tổ chức tuyển cử riêng rẽ ở Nam Triều Tiên. Ngày 30 – 5 – 1948, Quốc hội được bầu cử ở phía nam đã họp ở Sơun, cử Lý Thừa Văn lên làm Tổng thống nước Đại Dân quốc (Hàn Quốc).
Để đối phó lại hành động của Mĩ ở bán đảo Triều Tiên, được sự giúp đỡ của Liên Xô, tháng 6 – 1948, các đảng phái và các tổ chức dân chủ ở miền Bắc Triều Tiên đã họp hội nghị liên tịch, quyết định bầu cử Quốc hội để tiến tới thành lập Chính phủ dân chủ. Ngày 21 – 8 – 1948, Quốc hội họp và tuyên bố thành lập Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Như vậy, trên bán đảo Triều Tiên đã xuất hiện hai nhà nước đối lập nhau, đó là hậu quả của cuộc chiến tranh lạnh.
Đến thời điểm này, “Chính sách ngăn chặn” của Mĩ cũng thất bại ở nhiều nơi, nhiều nước ở châu Âu, châu Á, sau khi giành được độc lập đã tuyên bố đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn mạnh. Liên Xô không bị suy yếu như Mĩ mong đợi, mà ngày càng hùng mạnh, vững chắc hơn trước. Kế hoạch 5 năm lần thứ 4 (1946 – 1950) đã hoàn thành khôi phục kinh tế trước thời hạn (4 năm 3 tháng). Năm 1950, sản lượng công nghiệp Liên Xô tăng 73% so với trước chiến tranh; năm 1949, Liên Xô đã chế tạo thành công bom nguyên tử, khiến Mĩ không còn độc quyền thứ vũ khí này nữa.
Ở các nước Đông Âu, trong những năm 1947 – 1949, nhân dân các nước này lần lượt hoàn thành công cuộc cách mạng dân chủ nhân dân và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tất cả các mưu toan ngăn chặn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các nước này đều lần lượt thất bại.
Ở châu Á, tình hình cũng biến đổi nhanh chóng, làm thất bại “chính sách ngăn chặn” của Mĩ. Từ năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn mới và ngày càng thu được thắng lợi to lớn. Đến năm 1954 với chiến thắng Điện Biên Phủ thì sự thất bại của Mĩ trong “chính sách ngăn chặn” đã trở nên quá rõ ràng. Tháng 10 – 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời đánh dấu hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới hình thành từ từ Âu sang Á, làm cho so sánh lực lượng giữa hai phe thay đổi có lợi cho chủ nghĩa cộng sản.
Để thực hiện “chính sách ngăn chặn” các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh từ sau năm 1945, Mĩ và các nước phương Tây đã tiến hành thành lập các khối quân sự và các căn cứ quân sự khắp nơi trên thế giới.
Châu Âu, lúc này, trở thành trọng điển trong chính sách bao vây, ngăn chặn của Mĩ. Vì vậy, Mĩ đã tiến hành đàm phán với Canađa và 5 nước trong tổ chức “Liên hiệp Châu Âu” (Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Lucxămbua) để thành lập khối Bắc Đại Tây Dương. Mặc dù có những bất đồng, nhưng cuối cùng Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã được 12 nước(1)kí kết ở Oasinhtơn ngày 4 – 4 – 1949. Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 4 – 8 – 1949, thời hạn hiệu lực 20 năm (có thể gia hạn thêm) khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời đánh dấu sự khống chế của Mĩ về quân sự đối với Tây Âu, lập nên một liên minh quân sự lớn nhất phương Tây, một công cụ quan trọng của chính sách chiến tranh lạnh của Mĩ chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Năm 1955, Tây Đức được kết nạp vào NATO làm cho quan hệ Đông – Tây càng trở nên căng thẳng. Trước tình hình đó, tháng 5 – 1955, Liên Xô và các nước Anbani(2), Bungari, Hungari, Cộng hòa dân chủ Đức, Ba Lan, Rumani và Tiệp Khắc đã tổ chức Hội nghị ở Vacsava và kí hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ (14 – 5 – 1955) với thời hạn 20 năm, nhằm gìn giữ an ninh của các hội viên, duy trì hòa bình ở châu Âu… Hiệp ước Vacsava còn quy định rằng khi hiệp ước an ninh tập thể toàn châu Âu được kí kết thì hiệp ước Vacsava sẽ hết hiệu lực. Điều đó nói lên tính chất phòng thủ của hiệp ước này.
Sự ra đời của hai khối quân sự lớn nhất toàn cầu do Mĩ và Liên Xô đứng đầu, đối địch nhau, đều chạy đua vũ trang, trang bị những vũ khí hiện đại để tăng cường sức mạnh của khối mình, đã làm cho tình hình thế giới càng căng thẳng.
Nhằm hỗ trợ cho khối NATO và tăng cường bao vây Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, Mĩ và các đồng minh của mình đã thành lập một loạt các khối quân sự và căn cứ quân sự khác rải ráctrên thế giới. Ở Đông Bắc Á, tháng 9 năm 1951, Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật được kí kết; ở Nam Thái Bình Dương, khối ANZUS được thành lập (9 - 1951) gồm Mĩ, Ôxtrâylia, Niu Di lân; ở Đông Nam Á, khối SEATO bao gồm Mĩ, Anh, Pháp, Ôxtrâylia, Niu Di lân, Pakixtan, Thái Lan và Philippin được thiết lập vào tháng 9 – 1954; ở Trung Cận Đông khối CENTO (gọi tắt là khối Trung Tâm) gồm Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Irắc được thành lập năm 1955 (lúc đầu gọi là khối Batđa, nó dựa vào trên Hiệp ước Batđa kí ngày 24 – 2 – 1955, giữa Irắc – Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó các nước nói trên tham gia, khi cách mạng Irắc thành công (7 – 1958), Irắc rút khỏi khối Batđa, khối này chuyển trụ sở sang Ancara (năm 1959) và đổi tên thành khối CENTO. Những khối quân sự này cùng với trên 2000 căn cứ quân sự của Mĩ rải rác nhiều nơi trên thế giới hình thành thế bao vây; cô lập Liên Xô và và các nước xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, Mĩ còn đưa ra hàng chục vạn quân đóng ở nước ngoài. Những năm 1968 – 1969, Mĩ đưa 1,5 triệu quân đóng ở nước ngoài trong tổng số 3.499.000 quân thường trực của Mĩ, trong đó 60 vạn quân ở Đông Dương, 32 vạn quân ở châu Âu, 28 vạn ở Nhật Bản và nhiều đảo khác.
Đáp lại, Liên Xô cũng đưa hàng chục vạn quân đóng ở các nước Đông Âu (tập trung ở Đông Đức), ở Mông Cổ và biên giới Xô – Trung.
Mĩ có bom nguyên tử vào năm 1945, lập tức 4 năm sau, vào khoảng tháng 9 – 1949, Liên Xô cũng chế tạo thành công loại bom này, phá thế độc quyền bom nguyên tử của Mĩ. Đến năm 1957, khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo thành công thì cũng đạt được sự cân bằng về vũ khí chiến lược với Mĩ.
Hai bên tiếp tục chạy đua vũ trang, thi nhau chế những vũ khí và trang thiết bị hiện đại. Cuộc chạy đua vũ trang lên tới đỉnh cao vào những năm 60 của thế kỷ XX. Hai bên Xô – Mỹ đã có một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Theo ước tính của những nhà quân sự thì chỉ cần phóng một nửa số kho vũ khí hạt nhân của Mĩ hoặc của Liên Xô, cũng đủ hủy diệt toàn bộ sự sống con người và nền văn minh nhân loại.
Nhưng ngay sau đó, cuộc chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mĩ chuyển sang trạng thái hòa hoãn, hợp tác giải trừ quân bị. Động thái này có dấu hiệu từ năm 1969. Lý do Mĩ, đang sa lầy ở Việt Nam, muốn thoát khỏi tình trạng đó, những dấu hiệu sa sút nền kinh tế; Liên Xô cũng có nhiều khó khăn về kinh tế, đặc biệt là vấn đề mối quan hệ giữa hai miền của nước Đức, cuộc xung đột biên giới Liên Xô – Trung (từ tháng 3 đến tháng 6 - 1969). Tình hình đó buộc hai nước Mĩ – Xô phải chuyển sang hòa hoãn, tìm sự nhân nhượng của nhau.
Tuy nhiên, sự hòa hoãn này bị chấm dứt khoảng cuối năm 1980, khi Roonan Rigân trúng cử Tổng thống Mĩ. Rigân lên cầm quyền trong bối cảnh tình hình thế giới có những sự kiện lớn và đang diễn ra bất lợi cho Mĩ: vừa thất bại trong cuộc chiến ở Việt Nam cách đó không lâu, đến năm 1979, Mĩ lại thất bại ở Iran,… tình hình đó làm địa vị của Mĩ bị giảm sút trên thế giới. Trong khi đó, Liên Xô lại đưa quân vào Apganixtan, Liên Xô còn làm hậu thuẫn cho Ba Lan để chính phủ nước này tuyên bố “tình trạng chiến tranh” nhằm trấn áp các thế lực đối lập ở Ba Lan (từ ngày 13 – 12 – 1981).
Trước tình hình đó, Rigân phản ứng quyết liệt bằng việc thực hiện chạy đua vũ trang mạnh mẽ nhằm phá thế cân bằng về chiến lược quân sự với Liên Xô, khôi phục lại vị trí đứng đầu về quân sự. Cuộc chạy đua vũ trang lớn trong lịch sử giữa hai nước Liên Xô lại diễn ra suốt từ năm 1980 đến năm 1987. Từ năm 1980 đến năm 1986, ngân sách quân sự tăng 50%, sau đó có giảm đi chút ít. Năm 1982, ngân sách quân sự của Mĩ chiếm 7,4% tổng sản phẩm quốc gia (GNP). Tháng 11 – 1983, Rigân cho triển khai tên lửa tầm trung [SUP](1)[/SUP] “Pershing” và “Cruise” ở cộng hòa Liên bang Đức, Bỉ, Hà Lan và một số nước châu Âu khác hướng vào Liên Xô và Đông Âu. Ngày 23 tháng 3 năm 1983, Rigân lại đề ra kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao” (SDI) với chi phí lên tới 26 tỉ USD trong 5 năm. Để chống lại các hành động của Liên Xô, Rigân tiến hành giải tỏa các điều luật của Quốc hội về hạn chế quyền chủ động của Tổng thống. Do đó, Tổng thống hoàn toàn chủ động tiền hành các chiến dịch ở Grênađa (1983), ở Libi (1986) và cung cấp vũ khí cho quân nổi loạn ở Apganixtan. Ở vùng Trung Cận Đông, Rigân tiến hành một loạt những biện pháp để giữ vững vị trí của họ ở khu vực này: thiết lập một loạt căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ôman,… thành lập “lực lượng phản ứng nhanh” (RDF) gồm 11 000 người…
Để đối phó lại cuộc chạy đua vũ trang của Mĩ, Liên Xô cũng buộc phải tăng ngân sách quân sự lên tới 15% tổng sản phẩm quốc dân. Liên Xô cũng triển khai các tên lửa tầm trung SS4, SS5 và đặc biệt là SS20 ở các nước Đông Âu và ở lãnh thổ châu Á của mình.
Tuy nhiên, khi Goobachốp lên nắm chính quyền ở Liên Xô, quan hệ Xô – Mĩ bắt đầu có những biến chuyển khác trước, tình hình quan hệ giữa hai nước từng bước chuyển sang hòa dịu.
3. Các cuộc xung đột quân sự khu vực:
Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh lạnh, nhất là trước những thảm họa của cuộc chiến tranh hạt nhân, các cường quốc đều cố gắng tránh đụng đầu trực tiếp với nhau. Thế nhưng họ lại đụng độ với nhau thông qua những cuộc chiến tranh cục bộ hay những xung đột quân sự khu vực.
Cuộc chiến tranh cục bộ ở Triều Tiên (1950 – 1953):
Ngày 25 tháng 6 năm 1950, cuộc chiến tranh cục bộ nổ ra trên bán đảo Triều Tiên giữa hai lực lượng: một bên là quân đội Mĩ và các nước đồng minh của Mĩ cùng với quân đội Nam Triều Tiên với bên kia là quân đội Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và quân chí nguyện Trung Quốc có sự hậu thuẫn mọi mặt của Liên Xô. Ngay vài giờ sau khi Chiến tranh nổ ra, Mĩ đã đưa vấn đề này ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Khi ấy, đại biểu Liên Xô vắng mặt phản đối Mĩ không thừa nhận địa vị của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc, mà vẫn ủng hộ Tưởng Giới Thạch ở vị trí này. Do đó, Hội đồng bảo an đã thông qua Nghị quyết về Triều Tiên, “Lên án lực lượng vũ trang Bắc Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc” và ngày 27- 6, Hội đồng bảo an lại thông qua nghị quyết thứ hai kêu gọi sự giúp đỡ quân sự cho Hàn Quốc. Quân đội 16 nước(1) dưới danh nghĩa quân đội Liên hợp quốc dưới sự chỉ huy của tướng Mĩ Mac Actua đã đổ bộ vào cảng Nhân Xuyên.
Sau 3 tháng chiến tranh, đến ngày 13 – 9 – 1950, quân đội Bắc Triều Tiên đã qua vĩ tuyến 38[SUP]0[/SUP], chiếm 95% đất đai và 97% dân số Hàn Quốc. Quân đội Liên hợp quốc đổ bộ vào Nhân Xuyên vào ngày 15 – 9 – 1950, sau đó đánh bật quân đội Bắc Triều Tiên đến tận sông Áp Lục, giáp Trung Quốc. Ngày 25 – 10 – 1950, Trung Quốc đã phái quân chí nguyện sang “kháng Mĩ viện Triều”. Quân đội Triều - Trung đã đẩy lùi quân Mĩ khỏi Bắc vĩ tuyến 38[SUP]0[/SUP], sau đó chiến sự chỉ tiếp diễn ở khu vực vĩ tuyến. Liên Xô không tham gia trực tiếp chiến tranh, nhưng đã viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh,… cho quân đội Bắc Triều Tiên.
Sau 3 năm chiến tranh, cả hai phía đều tổn thất về người và của, ngày 27 – 7 – 1953, tại Hội nghị Bàn Môn Điếm (gần vĩ tuyến 38[SUP]0[/SUP]), hai phía kí hiệp định đình chiến lấy vĩ tuyến 38[SUP]0[/SUP] làm ranh giới quân sự giữa hai miền Nam – Bắc (trở lại vĩ tuyến – ranh giới trước chiến tranh).
Vụ quốc hữu hóa kênh Xuyê và cuộc chiến tranh xâm lược Ai Cập của Anh, Pháp và Ixaren (1956)
Ngày 26 – 7 – 1956, Ai Cập tuyên bố quốc hữu hóa kênh Xuyê, Anh, Pháp, Mĩ vin cớ “tự do hàng hải bị đe dọa” và đòi “quốc tế hóa” kênh đào, họ phản đối Ai Cập gay gắt và gây sức ép về kinh tế (giữ tài khoản của Ai Cập ở Anh). Anh, Pháp, Mĩ triệu tập hội nghị ở Luân Đôn vào giữa tháng 8 – 1956, định dùng đa số gây áp lực với Ai Cập nhưng họ thất bại vì Ai Cập không tham gia hội nghị.
Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ Ai Cập. Liên Xô đề nghị giải quyết vấn đề Xuyê bằng thương lượng, nhưng Anh, Pháp vẫn chuẩn bị chiến tranh. Sau kế hoạch dự định thành lập “Hội những người sử dụng kênh Xuyê” thất bại, Anh, Pháp đã lôi kéo Ixraen dùng vũ lực chiếm đóng kênh Xuyê, Mĩ giữ thái độ hai mặt (ngoài thì ủng hộ giải quyết cuộc tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, nhưng thực tế thì ủng hộ Anh, Pháp xâm lược với toan tính là rồi Anh, Pháp sẽ mất “uy tín” do bị nhân dân Trung Cận Đông phản đối, qua đó, Mĩ sẽ củng cố được địa vị của mình ở khu vực này).
Ngày 20 – 10 – 1956, quân Ixaren tiến về kênh Xuyê, ngày 31 – 10 – 1956, không quân Anh, Pháp oanh tạc Ai Cập.
Cuộc xâm lược của Anh, Pháp và Ixraen bị nhân dân thế giới phản đối. Đại hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết lên án 3 nước xâm lược, đòi rút quân đội ra khỏi Ai Cập. Ngày 5 – 11 – 1956, Liên Xô cảnh cáo Anh, Pháp và Ixraen, đòi đình chỉ ngay chiến sự ở Ai Cập. Thế giới Ả rập lên án mạnh mẽ. Trước tình hình này, Chính phủ Ixraen buộc phải ngừng bắn vào ngày 5 – 11 – 1956, ngày hôm sau Anh, Pháp cũng buộc phải có hành động tương tự. Và sau đó, vào tháng 12 năm 1956, quân Anh, Pháp và Ixraen phải hoàn thành rút ra khỏi Ai Cập. Anh, Pháp bị thất bại, chủ nghĩa thực dân Anh và Pháp tan rã ở Trung Cận Đông. Aixenhao thấy ở Trung Cận Đông trở thành “chỗ trống”, liền tìm cách lấp chỗ trống đó. Từ đây, Liên Xô và Mĩ trở thành hai đối thủ cạnh tranh, giành ảnh hưởng ở khu vực này: Mĩ dựa vào Ixraen và các nước thuộc khối Bátđa (Anh, Iran, Irắc, Pakixtan, Thổ Nhĩ Kỳ) còn Liên Xô dựa vào Ai Cập, Xiri và cấp vũ khí cho họ. Sự đối đầu Xô – Mĩ ở khu vực từ đó tiếp tục căng thẳng.
Sự đối đầu Mĩ – Xô cũng diễn ra trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946 – 1954)
Sau năm 1945, Mĩ tích cực ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương, nhất là vào giai đoạn cuối của chiến tranh. Nhưng Pháp càng đánh càng bại, buộc phải ngồi vào bàn thương lượng.
Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng trưởng thành, càng đánh càng mạnh, lại được sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, đã đẩy Pháp vào thế đường cùng. Khi quân đội Pháp bị xiết chặt vòng vây ở Điện Biên Phủ và gặp khó khăn thì Mĩ lợi dụng để nhảy vào và nắm lấy Đông Dương, Mĩ đã dùng áp lực buộc Pháp cho ba nước Đông Dương được “độc lập” để Mĩ nắm lấy các nước này thông qua Pháp. Mĩ cũng tích cực chuẩn bị đưa lực lượng hải quân và không quân can thiệp vào Đông Dương và hứa với Pháp sẽ sử dụng không quân cứu nguy cho Điện Biên Phủ…Nhưng cả Mĩ và Pháp đều thất bại thảm hại ở chốn núi rừng này trước những đòn tiến công dũng cảm của quân dân Việt Nam được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị Băng Đung
Lần đầu tiên trong lịch sử, từ ngày 18 – 4 đến ngày 22 – 4 – 1955, hội nghị Á, Phi đã họp ở Băng Đung thuộc nước Cộng hòa Inđônêxia (thường gọi là Hội nghị Băng Đung). Tới tham dự Hội nghị có 29 nước Á, Phi(1). Hội nghị đã thảo luận những vấn đề chung có quan hệ thiết thân đến nhân dân các nước Á, Phi như vấn đề chủ quyền dân tộc và sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vấn đề góp phần vào việc xúc tiến sự hợp tác hòa hình trên thế giới, vấn đề hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước tham dự hội nghị….
Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu đã hoan nghênh việc triệu tập hội nghị Băng Đung và đã gửi điện chúc mừng hội nghị. Ngược lại, Mĩ và các nước đế quốc khác đã âm mưu phá hoại hội nghị bằng cách hứa tăng cường viện trợ cho những nước từ chối không tham gia hội nghị. Âm mưu này đã thất bại. Tất cả cá nước được mời, trừ liên bang Trung Phi, đều đã cử đại biểu tham gia. Các nước đế quốc nhất là đế quốc Mĩ còn âm mưu dùng các nước tay sai để phá hoại hội nghị, dùng luận điệu “hoạt động lật đổ của cộng sản” để đe dọa các nước. Nhờ sự tích cực nỗ lực của đại biểu các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia và đại đa số các nước khác, hội nghị đã thành công rực rỡ khiến âm mưu phá hoại hội nghị Á, Phi của phe đế quốc đã bị hoàn toàn thất bại.
Trong bản tuyên bố về việc “góp phần vào nền hòa bình và sự hợp tác chung trên toàn thế giới”, hội nghị đã phát triển, mở rộng 5 nguyên tắc chung sống hòa bình do Trung Quốc và Ấn Độ đề xướng(2) thành 10 nguyên tắc: Tôn trọng quyền con người và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc; tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước; công nhận sự bình đẳng của tất cả các chủng tộc và dân tộc; không can thiệp bằng vũ trang và can thiệp vào nội bộ của các nước; tôn trọng quyền của mỗi nước đối với việc phòng thủ cá nhân và tập thể theo Hiến chương Liên Hiệp
Quốc; không để xảy ra chiến tranh xâm lược, xâm phạm tới sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập về chính trị của bất cứ nước nào; giải quyết các vấn đề quốc tế bằng đường lối hòa bình; khuyến khích sự hợp tác; tôn trọng chính nghĩa và cam kết quốc tế.
Hội nghị đã nhất trí thông qua “Bản tuyên bố cuối cùng” mà tinh thần chủ yếu là chống chủ nghĩa thực dân, đảm bảo độc lập dân tộc, tăng cường việc hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước Á, Phi và đề xướng lấy 10 nguyên tắc chung sống hòa bình làm cơ sở đẩy mạnh sự nghiệp hòa bình và an ninh trên toàn thế giới.
Hội nghị đã ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Angiêri, Tuynidi, Marốc và đòi phải để các nước này được độc lập. Các nước tham gia hội nghị đã nhất trí ủng hộ việc tái giảm binh bị và cấm chỉ sản xuất, thử và dùng vũ khí nguyên tử và khinh khí.
Hội nghị Á Phi đã thể hiện nguyên vọng phản đối chiến tranh, phản đối chủ nghĩa thực dân, mong muốn chung sống hòa bình và đẩy mạnh sự nghiệp đoàn kết giữa nhân dân các nước Á, Phi (chiếm ½ dân số toàn thế giới). Việc tổ chức hội nghị và những thắng lợi của hội nghị đánh dấu bước phát tiến mới của phong trào giải phóng dân tộc châu Á, châu Phi đã từ những phong trào lẻ loi tách rời từng nước một liên kết thành mặt trận phản đế rộng rãi bao gồm các quốc gia, các dân tộc cảu châu Á, châu Phi và đồng thời cũng đánh dấu các nước châu Á, châu Phi đã bắt đầu bước lên vũ đài quốc tế và bắt đầu quyết định vận mệnh của mình.
Nguyện vọng mong muốn độc lập dân tộc và chung sống hòa bình của nhân dân Á, Phi mà hội nghị đã phản ánh, được mọi người gọi là “tinh thần Băng Đung”. “Tinh thần Băng Đung” đã cổ vũ, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, đòi độc lập dân tộc đang cuồn cuộn dâng cao ở châu Á, châu Phi và có những tác dụng trọng đại trong việc xúc tiến những quan hệ hợp tác hữu nghị trong quan hệ quốc tế.
Các cuộc xung đột ở Trung Đông
Năm 1967, cuộc chiến tranh Trung Đông lần 3 lại bùng nổ. Do yếu tố bất ngờ, không quân Ixraen đã tiêu diệt đại bộ phận máy bay Ai Cập (do Liên Xô cung cấp) đang đỗ tại sân bay. Quân đội Ixraen cũng lần lượt chiếm được bán đảo Sinai (Ai Cập), các vùng đất của Palextin như dải Gada, thành phố cổ Gieerrusalem, toàn bộ bờ Tây sông Gioocđan, cao nguyên Gôlan (Xiri). Ngày 27 - 11 - 1967, Hội đồng bảo an thông qua Nghị quyết 242, buộc Ixraen rút khỏi những vùng đất mà họ chiếm đóng, nhưng Ixraen không thực hiện nghị quyết này.
Đến cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 4 (10/1973) thì các nước Ả rập được sự hỗ trợ của Liên Xô đã tiến công Ixraen, khoảng 10 ngày đầu, Ai Cập, Xiri thắng lớn, giải phóng nhiều miền đất ở Sinai và Gôlan. Nhưng sau đó, Mĩ lập cầu hàng không, viện trợ ồ ạt cho Ixraen, quân Ixraen phản công ở Sinai đánh sang phía Tây kênh Xuyê, ở cao nguyên Gôlan thì Ixraen tiến cách Thủ đô Đamát của Xiri 30 km. Để cứu nguy cho Ai Cập (quân đoàn 3 Ai Cập đang bị bao vây) phía Liên Xô cho biết họ sẽ trực tiếp can thiệp. Mĩ phản đối và cũng báo động quân đội. Nhưng ngày 24 – 10 – 1973, do tổn thất cả hai bên, nên hai bên đã chấp nhận ngừng bắn, do đó cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Mĩ – Xô đã vượt qua.
Nhìn chung, ở Trung Đông, hai cường quốc không can thiệp trực tiếp, nhưng họ đã ủng hộ hai nhóm nước đối lập, trong cuộc xung đột kéo dài hơn 4 thập niên. Mĩ ủng hộ tiền của, vũ khí và chính trị cho phía Ixraen; còn Liên Xô lại tích cực giúp đỡ cho các nước Ả Rập: huấn luyện và trang bị vũ khí hiện đại cho Xiri, Ai Cập, viện trợ quân sự đáng kể cho Xiri, công nhận PLO là người đại diện cho Ả rập – Palextin.
Cuộc chiến ở Angôla
Phong trào nhân dân giải phóng Angôla (MPLA) được Liên Xô hậu thuẫn. Cuba giúp đỡ bằng quân tình nguyện, còn Mặt trận giải phóng dân tộc Angôla (FNLA) và Liên minh toàn quốc về độc lập hoàn toàn của Angôla (UNITA) được Mĩ ủng hộ, có quân đội của Nam Phi giúp đỡ. Những người đứng đầu 3 tổ chức này đã kí với Chính phủ Bồ Đào Nha hiệp định ALVOR, qui định Angôla sẽ tiến hành bầu cử và tuyên bố độc lập vào ngày 11 – 11 – 1975. Thế nhưng Mĩ và các thế lực thân Mĩ đã lợi dụng điều khoản tuyển cử để chia rẽ các tổ chức này. Với sự giúp đỡ của Mĩ, Nam Phi và Daia, FNLA kiểm soát được miền Bắc Angôla; UNITA kiểm soát được miền Nam và Đông Nam Angôla; còn MPLA kiểm soát được miền Trung, miền Đông, vùng bờ biển phía tây nam và Thủ đô Luanđa.
Nhằm tiêu diệt MPLA trước khi Bồ Đào Nha trao trả độc lập, tháng 10 – 1975, quân đội Nam Phi dưới sự giúp đỡ của Mĩ đã tiến quân vào Angôla, tới sát Thủ đô. Trước tình hình đó, được sự hậu thuẫn của Liên Xô, quân đội Cuba đã tiến vào Angôla giúp đỡ MPLA đánh bại các cuộc tiến công của quân đội Nam Phi và quân đội của FNLA và UNITA.
Ngày 11 – 11 – 1975, nước Cộng hòa nhân dân Angôla được thành lập. Ông Nêtô – Chủ tịch MPLA làm Chủ tịch nước. Tuy nhiên, nội chiến vẫn còn tiếp diễn.
Bên cạnh các cuộc xung đột khu vực nêu trên đây, còn nhiều cuộc xung đột khác ở các nơi trên thế giới đều liên quan đến hai cực Xô – Mĩ, hai phe đối lập, như cuộc chiến tranh ở Apganixtan (cuối những năm 70 của thế kỷ XX), ở Campuchia (cuối những năm 70 và thập kỷ 80 của thế kỷ XX). Đặc biệt “Cuộc chiến tranh của nhân dân Đông Dương chống đế quốc là cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất giữa hai phe[SUP]”[/SUP]. Đó là cuộc đụng đầu lịch sử vì Mĩ đã chống lại không chỉ với phong trào giải phóng, độc lập dân tộc mà cả với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng kết cục “là cuộc chiến tranh mà rõ ràng đầu tiên Mĩ đã thua”(1)
Cuộc chiến tranh ở Apganixtan
Nằm ở khu vực Tây Á, Apganixtan giữ một vị trí chiến lược quan trọng: Sau Chiến tranh thế giới thứ I, Apganixtan về hình thức đã giành được độc lập (1922); nhưng về thực chất vẫn bị phụ thuộc vào chủ nghĩa đế quốc bên ngoài. Sau chiến tranh thế giới thứ II, vua Zaher (1933 - 1973), ông vua cuối cùng, đã cho phép thủ tướng Daoud nhờ Liên Xô giúp đỡ hoàn toàn về trang bị và huấn luyện cho quân đội Apganixtan. Năm 1973, Daoud đã buộc vua Zaher phải thoái vị và thiết lập nền chuyên chế độc tài Daoud.
Đảng Dân chủ nhân dân Apganixtan ra đời năm 1965 có khoảng 5000 đảng viên (trong một nước có 17 triệu dân, đại bộ phận theo hồi giáo và gồm nhiều dân tộc khác nhau).
Ngày 27 – 4 – 1976, Đảng Dân chủ nhân dân đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy làm cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Daoud, thành lập nhà nước dân chủ nhân dân do lãnh tụ đảng là Taraki đứng đầu. Nhưng trong nội bộ Đảng Dân chủ nhân dân lại bị chia rẽ thành hai phái: phái nhân dân (Khalq) và phái Ngọn cờ (Partcham). Tháng 9 năm 1979, vì tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng và nhà nước, Amin, một trong những lãnh tụ của Đảng đã lật đổ Taraki và sát hại Taraki. Trước tình hình đó, tháng 12 - 1979 Liên Xô đã đưa quân đội và Apganixtan, lật đổ chính quyền Amin và sát hại Amin. Một chính phủ mới ở Apganixtan được thành lập do Babrak Karmal đứng đầu (B. Karmal) nguyên là đại sứ của Apganixtan tại Tiệp Khắc 1.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1945, Liên Xô đưa quân đội đi tiến hành chiến tranh với một quốc gia khác ở ngoài biên giới của mình. Cuộc chiến tranh này đã làm cho nhân dân Apganixtan nổi dậy chống lại quân đội Liên Xô và chống lại quân đội của chính phủ B.Karmal. Ngày 14 – 1 – 1980, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với 104 phiếu thuận và 18 phiếu chống đã lên án cuộc xâm lược này của Liên Xô.
Cuộc chiến tranh Apganixtan đã lan rộng ra khắp nơi, do chủ nghĩa dân tộc mãnh liệt và sự sùng tín của Hồi giáo. Mĩ và Trung Quốc là hai nước cung cấp vũ khí và trang bị, tiền tài cho lực lượng kháng chiến Pakixtan, vừa là nơi trung chuyển, vừa là nơi tiến hành các cuộc thương lượng quan trọng giữa lãnh tụ các nhóm kháng chiến (Muhiahidin). Ngoài ra Pakixtan còn chấp nhận cho 3 triệu thường dân Apganixtan sang lánh nạn.
Cuộc chiến tranh Apganixtan đã diễn ra gần một thập kỉ, hết sức gay go và khốc liệt. Tuy quân đội Liên Xô đã đánh chiếm được các thành phố chính, duy trì được chính phủ cách mạng Apganixtan, nhưng đã phải hi sinh tới gần 13.000 binh lính, sĩ quan và gặp nhiều khó khăn, rắc rối về chính trị trong và ngoài nước.
Vấn đề Cămpuchia
Ngay sau khi thủ đô Phnom Pênh được giải phóng (17-4-1975), tập đoàn lãnh đạo phải Khơme Đỏ Pônpốt - Iêng Xari đã phản bội cách mạng, đưa đất nước vào thời kì lịch sử đen tối chưa từng có.
Chúng xua đuổi nhân dân ra khỏi các thành phố, buộc phải về lao động và sinh sống trong những trại tập trung ở nông thôn, cái mà chúng gọi là “công xã nông thôn”. Chúng tàn phá chùa chiền, trường học, cấm chợ búa, xóa bỏ tiền tệ. Chúng biến đất nước thành một xã hội “quái gở” chưa từng thấy trong lịch sử: biến những thành thị thành “không gian chết”, xóa bỏ mọi quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt, cấm học hành, cấm tín ngưỡng và tàn sát dã man hang triệu người dân Cămpuchia vô tội: tri thức, công nhân, tiểu thương, tiểu chủ và những người làm công tác văn hóa – nghệ thuật. Chúng đã thiết lập nên một chế độ kinh tế độc quyền nhà nước cực đoan và phá hủy cơ cấu kinh tế quốc dân.
Về chính sách đối ngoại, chúng đã thi hành một chính sách phản động và hiếu chiến với mục đích chống phá cách mạng nước ngoài mà trung tâm là Việt Nam.
Đối với Thái Lan, nước có cùng biên giới với Cămpuchia, tập đoàn Pônpốt - Iêng Xari không ngừng tiến hành những hành động vũ trang khiêu khích như: Đầu 1977, binh lính Khơme Đỏ đã xâm chiếm lãnh thổ Thái Lan và va chạm với quân Thái ở Noiparai, và từ tháng 1 đến tháng 8 năm 1977 – như Thủ tướng Thái Lan đã tố cáo – có gần 400 cuộc tấn công xâm nhập của người Cămpuchia vào lãnh thổ Thái Lan, tàn sát dân thường.
Đối với Lào, tập đoàn Pônpốt- Iêng Xari gây ra những vụ khiêu khích, những cuộc xung đột vũ trang ở gần biên giới Lào – Cămpuchia.
Đối với Việt Nam, ở gần biên giới phía Tây Nam, từ cuối năm 1975 quân Pônpốt đã tiến hành nhiều vụ xâm lấn, có nơi chúng tiến vào sâu lãnh thổ Việt Nam tới 10km, như vùng Sa Thầy thuộc Gia Lai – Kong Tum, bắt hàng trăm dân thường, đốt phá nhà cửa. Đến tháng 12 -1977, tập đoàn Pônpốt - Iêng Xari đã công khai phát động một cuộc chiến tranh xâm lược ở gần biên giới Tây Nam, 6/7 tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam đã bị chúng tấn công xâm lược, phá hoại mùa màng, nhà cửa và tàn sát nhiều người Việt Nam vô tội mà trước đây từng là bạn bè giúp đỡ cho sự nghiệp cách mạng Cămpuchia.
Tháng 2 năm 1978, sau khi đẩy lùi cuộc tấn công lấn chiếm của bọn Pônpốt ở biên giới, chính phủ Việt Nam đã đưa ra đề nghị chấm dứt ngay chiến sự ở biên giới, rút lực lượng vũ trang của hai bên cách xa biên giới 5km, tổ chức một hội nghị, kí một hiệp ước trên “cơ sở tôn trọng lãnh thổ của nhau trong biên giới hiện tại” và đạt một thỏa thuận về một hình thức thích hợp của sự đảm bảo và giám sát quốc tế. Bọn Pônpốt đã khước từ đề nghị chính đáng này.
Dưới sự thống trị của tập đoàn Pônpốt - Iêng Xari, đất nước Cămpuchia đã rơi vào vực thẳm của sự khủng khiếp và khốn cùng. Nhà báo Pháp J. Delaconture gọi chế độ đó là: “chế độ tự diệt chủng”, một chế độ mà tự bản thân nó là một tội ác, một tội diệt chủng gần 3 triệu người đồng loại của mình.
Sau năm 1975, mâu thuẫn giữa tập đoàn Pônpốt - Iêng Xari và nhân dân Cămpuchia ngày càng trở nên sâu sắc, gay gắt. Nhân dân Cămpuchia đã nổi dậy đấu tranh chống lại chế độ diệt chủng. cuộc chiến đấu của nhân dân Cămpuchia, lúc đầu mang tính chất tự phát, lẻ tẻ và chưa có sự gắn bó, thống nhất với nhau trong cả nước. Ngày 3 -12 - 1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước ra đời, do Hiêng Xomrin làm chủ tịch. Đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của cách mạng Cămpuchia.
Tháng 12 năm 1978, để chống lại phong tráo đấu tranh của nhân dân trong nước và nhằm chuyển hóa mâu thuẫn (từ mâu thuẫn nội bộ dân tộc sang mâu thuẫn dân tộc với Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc Sôvanh cực đoan của bọn Pônpốt), quân Pônpốt đã mở một cuộc tấn công qui mô lớn ở mặt trận biên giới Tây Nam. Quân Pônpốt đã bị quân đội nhân dân Việt Nam giáng cho những thất bại nặng nề.
Nhân cơ hội này, dưới sự lãnh đạo của mặt trận dân tộc cứu nước, được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, quân và dân Cămpuchia đã nổi dậy ở nhiều nơi.
Từ ngày 26 – 12 – 1978 đến 30 tháng 12, lực lượng cách mạng đã đạp tan tuyến phòng thủ bên ngoài của bọn Pônpốt. Ngày 7 – 1 – 1979 thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng, trung tâm quyền lực của Khơme Đỏ sụp đổ.
Trong 14 ngày, cách mạng Cămpuchia đã giành thắng lợi trong toàn quốc, trừ một vài căn cứ trong dãy núi con Voi, Đậu Khấu, và những vùng dọc biên giới Thái Lan.
Ngày 8 – 1 – 1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Cămpuchia do Hiêng Xomrin làm chủ tịch được thành lập. Ngày 25 – 1 – 1979, Hội đồng cách mạng ra mắt quần chúng, và đến ngày 1 – 5 – 1979, một cuộc tổng tuyển cử, tự do, dân chủ thực sự đã diễn ra và thành công tốt đẹp. chính quyền mới được xây dựng từ trung ương đến địa phương thành một hệ thống hoàn chỉnh và thay mặt nhân dân Cămpuchia thực hiện chủ quyền về mặt đối nội và đối ngoại, quản lí toàn bộ đất nước.
Ngày 18 – 2 – 1979, để bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng mới thành lập, chính phủ Hiêng Xomrin đã kí kết với Việt Nam một hiệp ước yêu cầu quân đội Việt Nam đóng tại trên đất Cămpuchia để bảo vệ thành quả cách mạng Cămpuchia.
Sau thắng lợi của cách mạng Cămpuchia, ngày 7 – 1 – 1979 và nước Cộng hòa nhân dân Cămpuchia ra đời, tất cả các thế lực chống đối đã rùm beng nêu lên “Vấn đề Cămpuchia”. Dưới sự thao túng của một số cường quốc, trong tháng 1 – 1979, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua hai nghị quyết về Cămpuchia tại phiên họp thứ 2108.
- Nghị quyết thứ nhất: Tiếp tục công nhận bọn Pônpốt là đại diện hợp pháp của Cămpuchia.
- Nghị quyết thứ hai: Đòi quân đội Việt Nam rút ngay ra khỏi Cămpuchia.
Ở trong nước, tất cả các lực lượng chống đối cách mạng đã liên kết lại với nhau để chống lại chính quyền cách mạng Hiêng Xomrin và quân tình nguyện Việt Nam. Từ 1982 các lực lượng chống đối đã xây dựng và củng cố hệ thống căn cứ ở trên đất Thái Lan và cho ra đời “chính phủ liên hiệp ba phái” do Xihanúc đứng đầu (bao gồm phái Khowme xơ rây của Sonsan tức Khơme Xanh, phái Khơ me trắng của Xihanúc và phái Khơme đỏ của Pônpốt). Với sự giúp đỡ của lực lượng chống đối bên ngoài, từ 1979 – 1985, cuộc nội chiến ở Cămpuchia diễn ra gay gắt và ác liệt. Với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, quân và dân Cămpuchia đã liên tiếp đánh bại các cuộc tấn công quân sự của lực lượng thù địch và gây dựng lại đất nước bị tàn phá nặng nề về mọi mặt một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Kể từ 1982, Việt Nam bắt đầu rút quân về nước; đến mùa khô 1984 - 1985, Việt Nam đã tiến hành 4 đợt rút quân, tạo nên điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết vấn đề Cămpuchia, loại bỏ được nhân tố mà các lực lượng đối đầu đã lợi dụng gây nên vấn đề Cămpuchia, và chứng minh rõ thiện chí của Việt Nam.
Nội chiến ở Nicaragoa
Nicaragoa giành được độc lập từ tay thực dân Tây Ban Nha năm 1821, nhưng giữa thế kỷ XIX, Anh và Mĩ đã đấu tranh với nhau quyết liệt để tranh giành ảnh hưởng ở Nicaragoa. Năm 1912 - 1913 Nicaragoa bị quân đội Mĩ chiếm đóng. Trải qua cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc A.Xanđinô, nhân dân Nicaragoa đã buộc quân đội Mĩ phải rút về nước. Nhưng Mĩ vẫn tiếp tục thi hành nhiều thủ đoạn nhằm đưa Nicaragoa vào vòng lệ thuộc Mĩ. Năm 1934, dưới sự điều khiển của Mĩ, Xômôxa Gacxia đã giết hại Axêxa Xanđinô. Hai năm sau, năm 1936, được Mĩ giúp sức Xômôxa Gacxia đã làm đảo chính quân sự, thiết lập nền thống trị độc tài ở Nicaragoa, đưa Nicaragoa vào vòng lệ thuộc Mĩ nặng nề hơn. Năm 1964, A.Naxtaxiô Xômôxa thay cha lên làm tổng thống tự xưng là “người bạn trung thành của Mĩ”. Mĩ được hưởng thêm nhiều đặc quyền trong việc sử dụng tài nguyên, khoáng sản của Nicaragoa, được xây dựng căn cứ quân sự ở Côruitô. Năm 1954 Xômôxa kí hiệp định quân sự với Mĩ và tham gia tổ chức đảo chính phản cách Mạng ở Goatêmala.
Năm 1961, Mặt trận giải phóng dân tộc Xanđinô ra đời trên cơ sở thống nhất các lực lượng du kích, những người tiến bộ, các chiến sĩ đã từng chiến đấu dưới ngọn cờ cửa người anh hùng dân tộc A.Xanđinô. Mặt trận đã xây dựng nhiều cơ sở cách mạng trong vùng rừng núi phía Bắc, đẩy mạnh hoạt động du kích trên toàn quốc với khẩu hiệu “đánh đổ chế độ độc tài Xômôxa”. Đến giữa những năm 1970, trước tình hình không thể duy trì mãi chế độ độc tài Xômôxa, Mĩ bày trò “hòa giải”, âm mưu dung hòa các tập đoàn tư sản đối lập Nicaragoa với tập đoàn Xômôxa để tập trung đối phó với các cuộc chiến đấu của mặt trận Xanđinô. Các lực lượng vũ trang của Mặt trận vẫn đẩy mạnh chiến đấu, giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Ngày 30 – 5 - 1979 Mặt trận ra lời kêu gọi nhân dân khởi nghĩa vũ trang và tổng bãi công chính trị, lật đổ chế độ độc tài Xômôxa. Ngày 9 - 7 Bộ chỉ huy mặt trận hạ lệnh tấn công vào thủ đô Managoa phối hợp với cuộc nổi dậy của quần chúng. Ngày 14 - 7, Xômôxa tuyên bố từ chức và chạy chốn sang Maiami; ngày 18 - 7, Bộ tư lệnh quân cảnh vệ đầu hàng cách mạng. Ngày 19 - 7 - 1979, chính phủ lâm thời xây dựng lại đất nước Nicaragoa từ Côxtarica trở về thủ đô Managoa, đánh dấu cách mạng Nicaragoa đã thắng lợi. Cách mạng Nicaragoa có ảnh hưởng to lớn ở khu vực Mĩ Latinh, và với sự giúp đỡ của Liên Xô và Cuba, chính phủ Nicaragoa đã đưa đất nước tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để chống lại chính phủ cách mạng Nicaragoa, từ phía Bắc Hondurat và Nam Cooxxtarica, Mĩ đã giúp đỡ cho lực lượng chống đối “Côntơrát” (Contras) chống lại chính phủ cách mạng Nicaragoa. Mĩ đã huấn luyện và vũ trang đầy đủ cho bọn Côntơrát phát động nội chiến trong nhiều năm liền. Từ tháng 5 - 1985, chính quyền Rigân lén lút buôn bán vũ khí cho Iran và chuyển một phần tiền lãi cho bọn Côntơrát, trái với lệnh cấm của quốc hội. Việc buôn bán vũ khí bí mật này đã bị phơi bày ra ánh sáng ngày 4 – 11 – 1986 và được người Mĩ gọi là vụ bê bối với cái tên là “Iran ghết”. Ủy ban điều tra vụ Iran ghết của quốc hội Mĩ đã buộc nhiều quan chức cấp cao của Nhà Trắng, kể cả Tổng thống Mĩ Rigân (sau khi mãn nhiệm) phải ra điều trần trước ủy ban.
XÔ – MĨ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH LẠNH
1. Quan hệ Đông – Tây bắt đầu hòa dịu
Ngay từ giữa những năm 50, những nhà lãnh đạo Liên Xô bắt đầu có xua hướng triển khai chiến lược cùng tồn tại hòa bình với các nước phương Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế…
Về phía Mĩ, Tổng thống Aixenhao cũng lên tiếng “hoan nghênh bất cứ hành động nào tranh thủ cho hòa bình”
Nhưng trên thực tế, xuất phát từ những lợi ích khác nhau, quyết định của các nước lớn đã làm cho tình hình thế giới tiếp tục căng thẳng.
Những cuộc xung đột quân sự mà hai cực Xô – Mĩ làm hậu thuẫn cho mỗi bên tham chiến tiếp tục lan rộng nhiều nơi trên thế giới, điển hình là cuộc chiến tranh Đông Dương, nội chiến Apganixtan, Angôla, chiến tranh Trung Đông.
Mặc dù vậy, bên cạnh chiến tranh lạnh, đã diễn ra những cuộc thương lượng nhân nhượng giữa hai cực Xô – Mĩ trong việc giải quyết một số vấn đề trong quan hệ quốc tế, điển hình là vấn đề Đức và vấn đề đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược.
- Vấn đề Đức là vấn đề trung tâm trong quan hệ quốc tế thời kỳ này:
+ Từ năm 1970, Xô – Mĩ đã bắt đầu thương để giải quyết vấn đề Đức.
+ Ngày 9 – 11 – 1972, trên cơ sở những nguyên tắc đã được thỏa thuận giữa Liên Xô và Mĩ trong Hiệp định Bon (9 – 1971), hai nước: CHDC Đức và CHLB Đức đã kí kết Hiệp định về cơ sở quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức:
· Hai bên tôn trọng không điều kiện chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
· Thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện, bình thường với nhau trên cơ sở bình đẳng.
+ Tháng 9 – 1973, cả hai nước đều gia nhập Liên Hiệp Quốc.
Việc giải quyết vấn đề Đức là một biểu hiện cho xu thế hòa dịu trong quan hệ Đông – Tây.
- Vấn đề hạn chế vũ khí chiến lược là vấn đề được cả thế giới quan tâm, cũng là một trong những vấn đề trung tâm trong quan hệ Xô – Mĩ.
+ Những nhân tố nào thúc đẩy xu hướng giảm bớt chạy đua vũ trang trong quan hệ Xô – Mĩ
· Cuộc chạy đua vũ trang trong chiến tranh lạnh đã khiến cho cả hai nước gặp phải không ít khó khăn để duy trì thế cân bằng chiến lược.
· Những khoản chi phí khổng lồ đã làm cho cả hai nước mất dần ưu thế cạnh tranh về kinh tế với các nước khác.
+ Quá trình đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược giữa Liên Xô và Mĩ được tiến hành liên tục trong 20 năm và trải qua 4 giai đoạn:
· Giai đoạn 1 (11 – 1969 đến 5 – 1972): Chủ yếu tập trung vào việc hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược có tính chất phòng ngự và soạn thảo quy định tạm thời về hạn chế vũ khí hạt nhân có tính chất tiến công.
Sau 7 vòng đàm phán, tháng 5 – 1972, hai nước đã kí kết Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng chống tên lửa (gọi là ABM), theo đó mỗi bên được xây dựng hai hệ thống phòng, chống tên lửa, mỗi hệ thống có 100 tên lửa chống tên lửa.
· Giai đoạn 2 (11 – 1972 đến 6 – 1979): Chủ yếu hạn chế những loại vũ khí hạt nhân có tính chất tiến công.
Sau 15 ngày đàm phán và 5 lần gặp gỡ ở cấp nguyên thủ quốc gia, hai nước đã kí kết Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân có tính chất tấn công (gọi tắt là SALT-1). Nghị định bổ sung Hiệp ước ABM, quy định mỗi bên chỉ triển khai một hệ thống phòng, chống tên lửa (7 – 1974), Hiệp ước SALT-2 (6 – 1979) quy định giới hạn tổng số vũ khí chiến lược tấn công và phương tiện phóng vũ khí hạt nhân của mỗi bên.
Với hiệp ước đã được kí kết, cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng giữa hai cực Xô – Mĩ có xu hướng giảm dần.
· Giai đoạn 3 (6 – 1982 đến 12 – 1983): Đây là giai đoạn cuộc chạy đua vũ trang được tăng cường.
Để phá vỡ thế cân bằng chiến lược quân sự của Liên Xô, tháng 3 – 1983, Rigân đề xuất sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) được mệnh định là “cuộc chiến tranh giữa các vì sao” nhằm xây dựng hệ thống tên lửa nhiều tầng, từ 200 km đến 1000 km trên không nhằm vô hiệu hóa tên lửa tấn công, tạo ra một thách thức đối với Liên Xô.
Để đối phó, Liên Xô cũng tăng cường ngân sách quân sự, triển khai hệ thống tên lửa tầm trung ở Đông Âu và khu vực châu Á thuộc lãnh thổ Liên Xô.
Vì vậy, hai bên đã không thể đạt được một Hiệp ước cụ thể nào về hạn chế vũ khí chiến lược.
· Giai đoạn 4 (3 – 1985 đến 1 – 1995): Sau một thời gian gián đoạn, cuộc đàm phán được nối lại:
üTháng 12 – 1987, Xô – Mĩ đã kí kết Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung ở châu Âu (INF), chiếm khoảng 3% kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước.
üTháng 6 – 1990, hai bên đã đạt được một hiệp định khung cắt giảm vũ khí tấn công.
üTháng 7 – 1991, Xô và Mĩ kí kết Hiệp ước về cắt giảm vũ khí chiến lược (START-1), theo đó 30% kho vũ khí hạt nhân sẽ được phá hủy từ thời điểm đó đến năm 1999, hai nước cũng sẽ không đặt một số vũ khí chiến lược trong tình trạng báo động.
üTháng 1 – 1993, Hiệp ước START-2 được kí kết: quy định trong vòng 10 năm tới hai nước (Nga – Mĩ) sẽ cắt giảm 2/3 số vũ khí hạt nhân chiến lược hiện có và hủy bỏ toàn bộ ở Nga và Mĩ số tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân phóng từ mặt đất.
Quá trình đàm phám về hạn chế vũ khí chiến lược phản ánh so sánh lực lượng và cuộc đấu tranh giữa hai cực Xô – Mĩ trong quan hệ quốc tế.
Tuy còn bất đồng, nhưng hai nước đã từng bước nhượng bộ nhau, không làm cho tình hình căng thẳng hơn và đi đến kết thúc tình trạng đối đầu, gây tổn thất cho cả hai bên.
- Những chuyển biến trong quan hệ giữa Tây Âu với Liên Xô và Đông Âu (từ cuối thập niên 60 đầu thập niên 70):
+ Hai nước lớn ở Tây Âu là Pháp và CHLB Đức đã bắt đầu thực hiện chính sách đối thoại, hòa hoãn với Liên Xô và các nước Đông Âu
+ Ngày 1 – 8 – 1975, 33 nước châu Âu cùng Mĩ và châu Âu tại Henxinki (Phần Lan)
Định ước xác định quyền bình đẳng của các quốc gia, không dùng vũ lực, không xâm lấn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các cuộc xung đột, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng nhân quyền, hợp tác trên cơ sở nhu cầu chính đảng của các dân tộc.
+ Năm 1977, tại Beeograt, các nước tiếp tục thương lượng về vấn đề an ninh, hợp tác và đưa ra những hình thức phù hợp để thực hiện định ước Henxinki.
+ Quan hệ thương mại kinh tế giữa Tây Âu với Liên Xô và Đông Âu tăng lên nhanh chóng trong thập niên 80.
2. Những nguyên nhân chấm dứt chiến tranh lạnh
Thứ nhất, cuộc chạy đua vũ trang kéo dài hơn bốn thập kỷ và “bao” về chi tiêu quân sự hầu khắp thế giới (trong thời gian chiến tranh lạnh, hai nước Xô – Mĩ đã gánh chịu từ 50% đến 55% chi tiêu quân sự toàn cầu) làm cho hai nước Xô – Mĩ quá tốn kém và suy giảm “thế mạnh” của họ về nhiều mặt so với các cường quốc khác.
Thứ hai, hai nước Mĩ và Liên Xô đều đứng trước những khó khăn và thách thức rất to lớn trong một thế giới mà mọi chuyển biến diễn ra hết sức mau lẹ, bất lợi cho hai nước này: Hai nước Đức và Nhật, vốn là những nước phát xít chiến bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai, từ đống đổ nát của chiến tranh, nay họ vươn lên mạnh mẽ, trở thành đối thủ cạnh tranh đáng lo ngại. Châu Âu đã liên minh với nhau thành “khối thị trường chung” (EEC) và đang trở nên rất mạnh. Tất cả đều thoát khỏi sự kiềm chế của Mĩ và cạnh tranh với Mĩ và vượt Liên Xô về kinh tế.
Thứ ba, cuộc “chiến tranh kinh tế” mang tính toàn cầu mà cả thế giới đang ra sức chạy đua. Hơn nữa, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang diễn ra sôi nổi mà tất cả các nước muốn vươn lên thì đều phải để tâm và tận dụng những thành tựu của nó.
Tình hình nêu trên đặt ra cho hai nước Liên Xô và Mĩ muốn lấy lại vị trí của mình như trước đây, muốn vươn lên đuổi kịp và vượt các nước khác thì cần phải thoát ra khỏi thế đối đầu và cục diện ổn định.
Ngoài ra, những vấn đề toàn cầu đang đặt ra trước nhân loại, trước hai nước Xô – Mĩ, nhân dân Mĩ và Liên Xô cùng nhân dân thế giới đòi hỏi phải có sự hợp tác chung để giải quyết, như vấn đề môi trường, môi sinh, bảo vệ trái đất – ngôi nhà chung của loài người; chấm dứt các cuộc xung đột khu vực…Nếu tiếp tục đối đầu thì giải quyết những vấn đề chung này rơi vào bế tắc.
3. Xô – Mĩ chấm dứt chiến tranh lạnh và tác động của nó tới quan hệ quốc tế.
Vào đầu những năm 80, khi Rigân lên nắm chính quyền ở Mĩ, thì quan hệ Xô – Mĩ, quan hệ Đông – Tây còn căng thẳng, thậm chí hai bên chạy đua vũ trang quyết liệt. Thế nhưng từ nửa sau những năm 80, đặc biệt khi Goocbachốp lên cầm quyền ở Liên Xô thì quan hệ Xô – Mĩ thực sự từng bước chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Động thái này được thông qua các cuộc hội nghị cấp cao giữa những người đứng đầu hai quốc gia. Từ năm 1987, những cuộc gặp gỡ giữa Rigân - Goocbachốp, giữa Busơ (bố) -Goocbachốp đã dẫn tới hai bên giảm bớt căng thẳng, tranh chấp. Đặc biệt, trong các cuộc gặp gỡ này, nhiều văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, buôn bán, văn hóa và khoa học – kỹ thuật được kí kết. Nhưng quan trọng nhất là vào năm 1987, hai nước đã kí kết hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung ở châu Âu, gọi tắt là IMF, số tên lửa này chiếm khoảng 3% kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước. Cũng từ năm 1987, hai nước thỏa thuận cùng giảm một bước quan trọng cuộc chạy đua vũ trang, từng bước chấm dứt cục diện chiến tranh lạnh, cùng hợp tác với nhau để giải quyết các vụ tranh chấp và xung đột quốc tế.
Cuối cùng, tháng 12 – 1989, tại cuộc gặp gỡ không chính thức giữa Busơ và Goocbachốp trên bán đảo Manta (Địa Trung Hải), Mĩ và Liên Xô cùng tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh kéo dài hơn 40 năm qua. Quan hệ quốc tế bước vào thời kỳ mới – thời kỳ sau chiến tranh lạnh.
Việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh, đã đưa thế giới vào thời kỳ hòa dịu và đã dẫn tới những chuyển biến trong quan hệ quốc tế và cục diện chính trị thế giới.
- Quan hệ giữa năm nước lớn: Mĩ, Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Quốc có những chuyển biến quan trọng. Năm nước này có nhiều thay đổi trong đường lối đối ngoại của mình. Trong thời kì chiến tranh lạnh, mặc dù là năm nước lớn, nhưng vẫn chỉ là hai cực đối đầu nhau. Đến lúc này, mối quan hệ giữa năm nước lớn đã chuyển hóa từ hai cực đối đầu sang đối thoại, hợp tác với nhau trong cùng tồn tại hòa bình, trong việc giải quyết những tranh chấp quốc tế.
- Những cuộc xung đột khu vực từng bước được giải quyết do có sự hợp tác của các nước lớn, trước hết là sự hợp tác Xô – Mĩ, đặc biệt là những cuộc xung đột quân sự mang tính đối địch giữa hai cực. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ năm 1989 đến năm 1991 vấn đề Apganixtan, vấn đề Campuchia, vấn đề Namibia… trước đây bế tắc thì bây giờ lần lượt được giải quyết.
- Đặc biệt là sự biến chuyển nhanh chóng của tình hình các nước Đông Âu và Liên Xô trong những năm 1989 – 1991, làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở khu vực này sụp đổ. Cùng với nó là sự giải thể Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV, 28 – 6 – 1991) và Tổ chức Hiệp ước Vacsava (1 – 7 – 1991) – những tổ chức lớn tồn tại trong thời kì chiến tranh lạnh, đối lập với các tổ chức cảu khối tư bản chủ nghĩa. Những sự kiện trên đây đã làm cho trật tự hai cực Ianta sụp đổ. Trật tự thế giới theo thể chế hai cực không còn nữa. Thế giới bước vào một thời kì mới với các xu thế mới đang vận động.
KẾT LUẬN
(Ý kiến của GS Nguyễn Anh Thái )
1. Về nguồn gốc, nguyên nhân và tính chất của Chiến tranh lạnh:(Ý kiến của GS Nguyễn Anh Thái )
Chúng ta nên nhìn cả hai phía Liên Xô và Mĩ để phân tích một cách khách quan. Cuộc đối đầu giữa hai cực Xô – Mĩ và khối Đông Tây bắt nguồn từ hai nhân tố:
- Mâu thuẫn giữa CNXH và CNTB và hai hệ thống đối lập kể từ sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.
- Sự hình thành trật tự thế giới hai cực Ianta sau Chiến tranh thế giới thứ hai dẫn đến hai cường thắng trận chủ yếu trong chiến tranh phân chia nhau phạm vi ảnh hưởng trên toàn thế giới. Sự phân chia này dẫn đến sự tranh chấp, giành giật nhau trên toàn thế giới phạm vi ảnh hưởng của mỗi bên.
Hai nhân tố này là nguồn gốc và nguyên nhân của cuộc chiến tranh lạnh nhưng có sự khác biệt giữa Mĩ và Liên Xô.
Mĩ là một cường quốc tư bản chủ nghĩa luôn luôn nuôi ý đồ thống trị thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, dựa vào sự vươn lên mạnh mẽ đứng đầu thế thế giới về thực lực mọi mặt của mình, Mĩ đã thực hiện “Chiến lược toàn cầu” nhằm làm bá chủ toàn thế giới. Đây là mục tiêu cao nhất của Mĩ và mục tiêu này hoàn toàn phục vụ cho lợi ích giai cấp tư sản lũng đoạn Mĩ.
Về phía Liên Xô, Liên Xô dựa vào việc ủng hộ phong trào đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội để qua đó đấu tranh chống lại Mĩ. Tuy thế, tùy từng lúc và tùy từng thời gian, trong việc ủng hộ phong trào cách mạng thế giới, vẫn đan xen lợi ích riêng biệt của nước mình và dân tộc mình mà người ta thường gọi là chủ nghĩa dân tộc nước lớn. Trong thời kỳ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến giữa những năm 70, việc ủng hộ phong trào cách mạng thế giới tỏ ra tích cực hơn, nhưng từ nửa sau những năm 70 đến lúc Chiến tranh lạnh chấm dứt, tính tích cực đó giảm dần đi và có những nơi, những lúc lại biểu hiện nhiều tác dụng phản lại (thời kỳ Goocbachốp cầm quyền 1985 – 1989). Như thế chủ nghĩa dân tộc nước lớn (có người gọi đó là chủ nghĩa đại Nga) cũng là một nhân tố không kém phần quan trọng chi phối cuộc Chiến tranh lạnh mà Liên Xô đã tiến hành.
Tính chất của cuộc Chiến tranh lạnh cũng có nguồn gốc và nguyên nhân của nó chi phối. Với Mĩ là phi nghĩa, là ý đồ bá chủ thế giới quán xuyến từ đầu cho đến tận ngày nay. Nhưng với Liên Xô tính chất của cuộc Chiến tranh lạnh thể hiện trên hai mặt: Một mặt, ủng hộ phong trào cách mạng thế giới, nhưng mặt khác lại vì lợi ích dân tộc nước lớn rieng biệt của mình. Khi đánh giá mặt này về phía Liên Xô, phải căn cứ vào từng việc từng thời điểm lịch sử mà nhận định. Phải nói rằng, trong thời kỳ đầu từ sau Chiến tranh đến giữa những năm 70, Liên Xô đã làm được nhiều việc có lợi cho phong trào cách mạng thế giới. Nhưng thời kỳ sau này, do đường lối sai lầm chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa dân tộc nước lớn lại thể hiện rõ nét hơn và đã dẫn đến những hậu quả tai hại cho bản thân Liên Xô và phong trào cách mạng thế giới.
2. Về thành bại của cuộc Chiến tranh lạnh:
Đến nay, cuộc Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, chế độ XHCN đã sụp đổ ở Liên Xô, Liên Bang Xô viết đã tan vỡ, hệ thống XHCN thế giới không còn tồn – đó là mục tiêu cao nhất của Mĩ trong khi tiến hành Chiến tranh lạnh và như thế có thể nhận xét rằng cuối cùng Mĩ đã thực hiện được mục tiêu của nó và Mĩ là kẻ thắng thế trong cuộc chiến tranh này. Nhưng mặt khác, trong quá trình Chiến tranh lạnh, Mĩ đã vấp phải những thất bại nặng nề như thắng lợi của cách mạng dân chủ nhân dân các nước Đông Âu trong những năm 1945 – 1949, thắng lợi của cách mạng Trung Quốc năm 1949, sự lớn mạnh mọi mặt của Liên Xô và các nước XHCN trong những năm 50, 60 và 70,… và những thắng lợi này đã củng cố thêm sức mạnh, thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những thắng lợi này cũng làm suy giảm sức mạnh và địa vị của Mĩ trên toàn thế giới.
Sự thất bại của Liên Xô bắt nguồn từ những sai lầm trong mô hình xây dựng CNXH ở Liên Xô và đường lối đối ngoại của Liên Xô đối với các nước XHCN anh em chưa đúng theo chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế chân chính. Mặt khác, là sai lầm về nhân nhượng và thỏa hiệp không có lợi cho cách mạng đối với Mĩ trong những năm 70 và nhất là những năm 80.
3. Đặc điểm của cuộc Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mĩ:
Khác với tất cả các cuộc chiến tranh khác trong lịch sử loài người, cuộc Chiến tranh lạnh giữa Mĩ và Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai mang một số đặc điểm:
- Hai đối thủ chính của cuộc Chiến tranh lạnh là Mĩ và Liên Xô chưa bao giờ xung đột đối đầu trực tiếp với nhau mà chỉ đứng đằng sau làm hậu thuẫn và điều khiển các đồng minh của mình xung trận, như trong cuộc Chiến tranh cục bộ Triều Tiên (1950 – 1953), cuộc chiến tranh ở Apganixtan (1979 – 1989), Cuộc chiến trnah ở Ăngôla trước 1975,…
Sở dĩ có đặc điểm này vì bản thân Mĩ và Liên Xô đều e ngại và sợ hãi nếu trực tiếp xung trạn đối địch với nhau sẽ dẫn đến bùng nổ một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba tàn khốc mà thắng lợi của nó không ai dám đoán trước được.
- Theo định nghĩa của người Mĩ, Chiến tranh lạnh là “Chiến tranh không đổ máu, không nổ sung” nhưng chiến tranh lạnh không chỉ dừng ở như thế mà đã phát triển thành những cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột quân sự khu vực ở nhiều nơi trên thế giới và những cuộc xung đột khu vực đó cho đến nay vẫn còn tiếp diễn do di sản của Chiến tranh lạnh, như ở Trung Đông, Apganixtan…
- Bên cạnh những cuộc xung đột quân sự, những tình thế cả hai bên đều đặt trong trạng thái chiến tranh, nhưng giữa hai bên Mĩ và Liên Xô vẫn có những cuộc thương lượng lúc công khai, lúc bí mật để tìm cách hòa hoãn với nhau hoặc giải quyết những tranh chấp với nhau như cuộc thương lượng giải quyết mối quan hệ Đông Đức và Tây Đức năm 1972, những cuộc thương lượng về hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược trong những năm 70 và 80 …Chính qua những cuộc thương lượng này, giữa Liên Xô và Mĩ đã đi từ đối đầu đến thỏa hiệp và chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh mà phần bất lợi lại thuộc về phía Liên Xô.
- Cuộc Chiến tranh lạnh đã chi phối toàn cục thế giới, không một nước nào có thể hoàn toàn đứng ngoài cuộc đấu tranh này và không ít nhiều bị phụ thuộc vào cuộc chiến tranh này.
- Cuộc Chiến tranh lạnh, trong những thời điểm lịch sử nhất định của nó, đã giúp đỡ và thúc đẩy phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển, nhưng mặt khác nó lại ngăn cản sự đối thoại, hợp tác và tính độc lập tự chủ của mọi quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa của thời đại khoa học – kĩ thuật phát triển. Từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, xu thế đối thoại, hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, cùng tôn trọng lẫn nhau trong cùng tồn tại hòa bình đang trở thành xu thế chủ yếu trong mối quan hệ quốc tế.
(1)Mĩ, Anh, Pháp, Italia, Canađa, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Lucxămbua, Bồ Đào Nha, Aixơlen. Năm 1952, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ tham gia. Năm 1955, thêm Tây Đức. Năm 1981 – Tây Ban Nha. Năm 1999, 3 nước: Ba Lan, Hungari, Cộng hòa Séc. Năm 2004, 7 nước: Bungari, Extônia, Latvia, Litva, Rumani, Xlôvakia, Xlôvênia
(2)Năm 1961, do bất đồng với Liên Xô, Anbani rút khỏi Vacsava
(1) Anh, Pháp, Ôxtrâylia, Bỉ, Canađa, Côlômbia, Êtiôpia, Hi Lạp, Niu DiLân, Hà Lan, Philippin, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Lucxămbua, Liên bang Nam Phi và Mĩ.
(1) Ấn Độ, Inđônêxia, Miến Điện, Tích Lan, Pakitxtan (5 nước đề xướng). Apganixtăng, Caawmpuchia, Trung Quốc, Ai Cập, Êtiôpi, Gôncốt (Gana hiện nay), Iran, Irắc, Nhật Bản, Gioođani, Lào, Libăng, Libêria, Libia, Nêpan, Philippin, Ả rập Xêuđích, Xu đăng, Xyri, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nam Việt Nam và Yêmen.
(2) Ngày 29 – 4 – 1954 trong hiệp định buôn bán và giao thông giữa hai khu vực Tây Tạng và Ấn Độ, hai nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa và cộng hòa Ấn Độ đã đề ra 5 nguyên tắc làm cơ sở cho quan hệ giữa hai nước: 1- Tông trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau; 2- Không tấn công nhau; 3- Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; 4- Bình đẳng và hai bên cùng có lợi; 5- Chung sống hòa bình. Thường gọi là 5 nguyên tắc chung sống hòa bình.
V ĂN NG ỌC TH ÀNH
(1) Pôn Kenơđi: Hưng thịnh và suy vong của các cường quốc, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, tr 104-105.
Sửa lần cuối: