Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Bối cảnh lịch sử trong nước và thế giới đầu những năm1954 và những chủ trương của đảng
1. Bối cảnh trong nước.Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được ký kết đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đối với ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
sau hiệp định chúng ta đã thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản quy định về đình chiến, tập kết chuyển quân và chuyển giao khu vực. Nhưng phía Pháp chỉ thực hiện khi có những đấu tranh mạnh mẽ và kiên quyết của nhân dân ta.
Ngày 10-10-1954, quân Pháp rút khỏi Hà Nội. Cùng ngày, quân ta tiến vào tiếp quản. Thủ đô Hà Nội. Ngày 1-1-1955, tại quảng trường Ba Đình lịch sử đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể của hàng chục vạn nhân dân Hà Nội chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô.
Khi rút quân, Pháp mang theo hoặc trước đó đã phá hỏng nhiều máy móc, thiết bị, tài sản để gây khó khăn cho ta. Pháp còn cùng với Mỹ và Ngô Đình Diệm chỉ đạo bọn phản động tiến hành dụ dỗ, cưỡng ép nhiều đồng bào công giáo vào Nam để thực hiện ý đồ chống phá cách mạng về sau.
Trong khi đó, ở miền Nam, thực dân Pháp cũng có những hành động phá hoại Hiệp định mới được ký kết.
Quân Pháp rút toàn bộ khỏi miền Nam Việt Nam khi còn nhiều điều khoản Hiệp định có liên quan đến trách nhiệm của họ chưa được thi hành, trong đó có điều khoản về việc tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử hai miền Bắc-Nam Việt Nam. Pháp trút bỏ trách nhiệm thi hành những điều khoản còn lại của Hiệp định cho Mỹ-Diệm, người kế tục chúng ở miền Nam.
Đế quốc Mỹ ra sức thực hiện ý đồ đã vạch ra từ trước nhằm độc chiếm miền Nam Việt Nam, tiến tới độc chiếm toàn Đông Dương.
Tháng 9-1954, Mỹ lôi kéo được một số đồng minh như Pháp, Anh... và một số nước Đông Nam Á lập ra khối "Liên minh quân sự Đông - Nam Á" (SEATO) và ngang nhiên đặt miền Nam Việt Nam dưới sự bảo trợ của khối này.
Đưa được tay sai lên nắm chính quyền ở miền Nam Việt Nam, gạt hết quân Pháp và tay sai của chúng ra khỏi miền Nam, Mỹ đã thực hiện được bước đầu ý đồ độc chiếm miền Nam Việt Nam.
Chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự giúp đỡ và có sự chỉ đạo của Mỹ, ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, từ chối hiệp thương với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà về việc tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất Việt Nam trong thời hạn hai năm theo điều khoản của Hiệp định.
Đến hạn hai năm, tháng 7-1956, Diệm tuyên bố. "Sẽ không có hiệp thương tổng tuyển cử, vì chúng ta không ký Hiệp định Giơnevơ, bất cứ phương diện nào chúng ta cũng không bị ràng buộc bởi Hiệp định đó". Bằng một loạt hành động trái với hiệp định, như bầy trò "trưng cầu dân ý" để phế truất Bảo Đại rồi suy tôn Ngô Đình Diệm làm Tổng thống (tháng 10-1955), tổ chức bầu cử riêng rẽ, lập quốc hội lập hiến (tháng 5 -1956), ban hành hiến pháp của cái gọi là "Việt Nam cộng hoà" (tháng 10-1956), Diệm đã trắng trợn từ chối và phá hoại việc thống nhất Việt Nam.
Cùng với sự giúp đỡ dưới hình thức "viện trợ" quân sự, chính trị, kinh tế, miền Nam Việt Nam được xây dựng thành căn cứ quân sự, thành cơ sở kinh tế thực dân kiểu mới của Mỹ.
Tất cả việc làm trên của Mỹ - Diệm không ngoài mục đích tách hẳn một phần lãnh thổ của Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào để lập ra một quốc gia riêng biệt, thậm chí là một phần lãnh thổ của nước Mỹ. Tháng 5-1957, Ngô Đình Diệm tuyên bố tại Washington "Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17 " .
2.Tình hình quốc tế.
Chủ nghĩa xã hội thời kì này liên tục phát triển mạnh.chủ nghĩa xã hội nhanh chóng lan rộng từ Châu Âu sang Châu Á. Liên Xô là một nước đi đầu trong các nước xã hội chủ nghĩa càng phát triển mạnh hơn trước nữa. Năm 1955, Liên Xô đã hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ năm (1950-1955) trước thời hạn. Tổng sản lượng công nghiệp tăng mạnh so với lúc trước chiến tranh.Ngành nông nghiệp cũng có những bước phát triển đáng kể, mạng lưới giao thông được mở rộng, việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo tạo nên uy tín mạnh.
Các nước đồng minh của Liên Xô ở Đông Âu cũng được Liên Xô giúp sức và ra sức phát triển kinh tế, nền kinh tế ở các nước này cũng có những chuyển biến tích cực rõ rệt.Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa cũng có nhiều phát triển vượt bậc, từ một nước nông nghiệp ngèo nàn , kém phát triển đã tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội .
phong trào giải phóng dân tộc có những bước phát triển mới, bao trùm các nước Trung Đông, lan nhanh sang Châu Phi và Mỹ Latinh, làm tan rã từng mảng hệ thống thuộc địa, đưa nhiều quốc gia bước vào thời kỳ độc lập về chính trị, thoát khỏi tình trạng lệ thuộc về kinh tế. Tháng 4-1955, Hội nghị Băngđung được triệu tập với sự tham gia của 29 nước Á, Phi. Hội nghị đã đánh dấu việc các nước Á, Phi quyết định bước lên vũ đài lịch sử, đoàn kết với nhau từ những phong trào lẻ tẻ, tách rời, liên kết với nhau trong một mặt trận thống nhất của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa đế quốc thực dân. Sau Hội nghị Băngđung, phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ như vũ bão, nhiều nước Á, Phi, Mỹ Latinh giành độc lập ở mức độ khác nhau.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gợi lên cho nhân dân, trước hết là các lực lượng cách mạng ở các nước châu Phi những suy nghĩ mới về đường lối và phương pháp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Tháng 8-1954, Đảng Cộng sản Marốc ra tuyên bố đòi chính phủ Pháp phải chấm dứt các hành động đàn áp, khủng bố những người yêu nước, phải thả tù chính trị. Theo kinh nghiệm của nhân dân Việt Nam, nhân dân Marốc đã cầm vũ khí, kiên trì cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ở các nước châu Phi khác như: Tuynidi, Angiêri, Mali... phong trào đấu tranh giành độc lập cũng phát triển mạnh mẽ với khí thế sôi nổi. Điển hình là phong trào giải phóng ở Angiêri. Mặt trận giải phóng dân tộc Angiêri ra đời được sự hưởng ứng của phần lớn các đảng phái và tổ chức yêu nước, đại diện cho các giai cấp công nhân, nông dân, tư sản dân tộc, tiểu tư sản, và các tầng lớp khác trong xã hội. Cuộc chiến đấu của nhân dân Angiêri bắt đầu nổ ra ngày 1-11-1954 và được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới... Tiếp đó, năm 1956, 3 nước Bắc Phi: Tuynidi, Marốc, Xuđăng giành độc lập. Tháng 3-1957, nước cộng hoà Gana ra đời, mở đầu thời kỳ vùng dậy của các nước Tây Phi, để rồi đến năm 1960 - có 17 nước châu Phi tuyên bố độc lập và đi vào lịch sử với tên gọi “Năm Châu Phi”.
Châu Á - đối tượng xâm lược của các đế quốc châu Âu và Bắc Mỹ từ hàng trăm năm, cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc ở đây được tiếp thêm sức mạnh rõ rệt, đặc biệt là ở Đông Dương, sự đoàn kết gắn bó giữa nhân dân ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia càng thêm chặt chẽ, để chuẩn bị đối phó với những thủ đoạn xâm lược kiểu thực dân mới mà đế quốc Mỹ đang triển khai tích cực.
Đặc biệt, ngày 1-1-1959, cách mạng Cuba giành thắng lợi và tháng 5/1960, Chính phủ Cuba tuyên bố gia nhập hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, bất chấp sự ngăn chặn thù địch của Mỹ. Cách mạng Cuba thành công trên một đất nước nằm ngay ở cửa ngõ nước Mỹ đã xua tan ấn tượng về sức mạnh của bọn tư bản thống trị, củng cố lòng tin vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, làm cho nhân dân các nước Mỹ Latinh càng giác ngộ về nhiệm vụ đấu tranh giành quyền sống và độc lập tự do cho dân tộc mình. Cuba đã trở thành ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc ở Mỹ Latinh. Bằng việc công nhận hàng loạt các nước Á, Phi, Mỹ Latinh giành độc lập, các nước đế quốc phương Tây phải thừa nhận sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.
Thêm vào đó là sự phát triển mạnh mẽ của phong trào vì hoà bình dân chủ và tiến bộ của giai cấp công nhân ở các nước tư bản. “Nếu phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa có tác dụng đánh phá các hậu phương của chủ nghĩa đế quốc thì phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở chính quốc có tác dụng công phá vào sào huyệt của CNTB.Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam, cuộc đấu tranh giữa các lực lượng dân chủ với các lực lượng phản động ở các nước tư bản ngày càng phát triển với quy mô rộng lớn, phong phú và linh hoạt. Ở Pháp, Italia, nhiều cuộc đấu tranh để bảo vệ chế độ dân chủ, chống chế độ phản động của nền chuyên chế cá nhân cũng phát triển bằng nhiều hình thức. Ở nhiều nước Mỹ Latinh, giai cấp cầm quyền vẫn tiếp tục đi theo con đường cai trị của thực dân Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha đã bị lật đổ, làm cho đời sống nhân dân vẫn chịu cảnh cơ cực, xã hội càng suy thoái. Lạm phát, nợ nần, đói rách là những vấn đề nhức nhối kéo dài mà chính quyền không giải quyết được. Nhân dân đã nổi dậy lật đổ chính quyền ở nhiều nước. Ở Châu Á, cuộc đấu tranh của nhân dân lao động chống sự hà khắc của chính quyền tư sản cũng không kém phần sôi nổi, quyết liệt.
3. Chủ trương của Đảng
Trong tình hình đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền, Đảng và Chính phủ đề ra cho cách mạng mỗi miền những nhiệm vụ chiến lược phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu của cách mạng từng miền, nhằm chấm dứt tình trạng đất nước bị chia cắt.
Ở miền Bắc, sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân căn bản hoàn thành, Đảng chủ trương chuyển sang xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trước khi bắt đầu những nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc phải trải qua giai đoạn đấu tranh đòi phía Pháp thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, tiếp quản vùng mới giải phóng, hoàn thành cải cách ruộng đất, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Trong quá trình này, Mỹ đã mở rộng hoạt động ném bom bắn phá, nên miền Bắc phải kết hợp cả với cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, nhằm bảo vệ miền Bắc và phối hợp với cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam. Xây dựng chủ nghĩa xã hội còn nhằm xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước và là hậu phương cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc.
Ở miền Nam, do vẫn còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, Đảng chủ trương tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Mở đầu thời kỳ ta đấu tranh đòi Mỹ-Diệm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam. Trong quá trình diễn biến, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phát triển thành cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh giải phóng dân tộc chống cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, phối hợp với cuộc chiến đấu của nhân dân hai nước Lào và Campuchia...
Hai miền đồng thời thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu chung của cách mạng cả nước là đánh Mỹ và bọn tay sai của chúng, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thống nhất đất nước, tạo điều kiện để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới.
Trong việc thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu chung của cách mạng cả nước, cách mạng mỗi miền có vị trí và vai trò khác nhau. Miền Bắc là hậu phương nên nó có vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng cả nước và sự nghiệp thống nhất đất nước. Miền Nam là tiền tuyến nên nó có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hậu phương và tiền tuyến, cách mạng hai miền Bắc-Nam, do đó, có quan hệ gắn bó với nhau, phối hợp với nhau, tác động qua lại và thúc đẩy lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau phát triển.
nguồn : diendankienthuc.net*