Bộ GD-ĐT công bố 12 sự kiện nổi bật 2009

Tuananhdh

New member
Xu
0

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa công bố 12 sự kiện nổi bật trong giáo dục năm 2009. Đây là những vấn đề mang tính chiến lược và thành tựu đạt được của ngành giáo dục trong năm qua.

1. Bộ Chính trị ra Thông báo số 242-TB/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020

Ngày 15 tháng 4 năm 2009, Bộ Chính trị ra Thông báo số 242-TB/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020. Đây là những định hướng chỉ đạo rất quan trọng để giáo dục Việt Nam có thể hội nhập quốc tế vào năm 2020 khi nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.

2. Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo. Ngày 03/12/2009 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 35/2009/QH12 của Quốc hội. Như vậy, một số chủ trương định hướng đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục sẽ được thực hiện đúng lộ trình, bắt đầu từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.


Sinh viên Việt Nam
3. Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Nội dung sửa đổi, bổ sung đã tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc hiện nay như: (1) Quy định việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư có hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, đặc biệt ở vùng miền núi và các vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. (2) Bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn về việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; (3) Xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy, học tập; (4) Bổ sung các quy định về yêu cầu công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục và xác định rõ nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục; (5) Tách bạch hơn điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục. (6) Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động giáo dục, tạo hành lang pháp lý cần thiết nhằm đẩy mạnh đổi mới quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục. (7) Thực hiện phụ cấp thâm niên cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Ngày 25 tháng 11 năm 2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục.Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2010.

4. Tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trịvề tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến

Hội nghị đã khẳng định, trong 5 năm qua (2004-2009) công tác thi đua trong toàn ngành đã có sự chuyển biến về chất, công tác phổ biến, nhân điển hình tiến có bước tiến bộ vượt bậc. Ngành giáo dục là ngành đầu tiên thực hiện nói không với bệnh thành tích thông qua việc triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

5. Đánh giá kết quả năm đầu tiên triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”

Sự kiện quan trọng này được tổ chức trọng thể vào ngày 22/8/ 2009 tại một trong 5 di tích lịch sử văn hoá mà Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ tôn tạo bảo vệ, đó là Đền thờ nhà giáo Chu Văn An (trong quần thể di tích núi Phượng Hoàng, huyện Chí Linh, Hải Dương).

Kết quả sau một năm triển khai thực hiện đã có 40.637 trường học tham gia phong trào, trong đó có 5.506 trường được chọn chỉ đạo điểm ở các địa phương; các cấp học đã trồng được hơn 2 triệu cây xanh các loại; các trường đã nhận chăm sóc 2.846 bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ và 13.060 di tích lịch sử, văn hóa; sửa chữa hoặc xây mới 36.985 nhà vệ sinh (đạt tỉ lệ 91% trong tổng số các trường học), trong đó có 28.944 nhà vệ sinh đạt chuẩn (đạt tỉ lệ 77%). Các trò chơi dân gian, các bài hát, điệu múa truyền thống được đua vào trong chương trình ngoại khóa ở các nhà trường...
Ngành giáo dục coi phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là sự cụ thể hoá của phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong giai đoạn hiện nay, là giải pháp đột phá để nâng cao giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh với một cơ chế chính trị xã hội đủ mạnh bởi sự tham gia của hai Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và ba Đoàn thể (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam).

6. Triển khai đổi mới phương pháp dạy học bốn môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân

7. Tổ chức đánh giá chương trình, sách giáo khoa tiểu học và trung học trên quy mô toàn quốc.

8. Ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới và xây dựng xong Đề án Phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi

Trong năm 2009, Bộ đã xây dựng xong Đề án Phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi. Mục tiêu của Đề án là đảm bảo hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được tới lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt nhất về mặt thể lực, sẵn sàng về tâm lí, chuẩn bị tiếng Việt, đảm bảo chất lượng nhập học phổ thông.


Trẻ 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày
9. Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết năm học khối giáo dục đại học: Đổi mới quản lý nhà nước là giải pháp đột phá để đổi mới giáo dục đại học.

Hội nghị Tổng kết khối giáo dục đại học năm học 2008-2009 được tổ chức tháng 8 năm 2009tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và chủ trì Hội nghị. Thủ tướng đã chỉ đạo đổi mới quản lý nhà nước là giải pháp đột phá để đổi mới giáo dục đại học.

Ngày 29 tháng 10 năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

10. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành

Ngày 01 tháng 6 năm 2009, Thủ tướng Chính Phủ đã ra Quyết định số 698/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Đây là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đã tổ chứctập huấn cho hơn 5.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên của 35 Sở Giáo dục và Đào tạo; Đến nay, có khoảng 25.000 trường phổ thông và mầm non (chiếm 64%) trong tổng số 39.000 trường được kết nối và sử dụng Internet miễn phí. Với thành tựu này Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới sẽ nối mạng và cho truy cập Internet miễn phí cho tất cả các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

11. Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Á- Âu lần thứ 2 (ASEMME2)

Trong hai ngày 14 và 15/5/2009 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Á- Âu lần thứ 2 (ASEMME2) với khẩu hiệu: "Chia sẻ kinh nghiệm và những bài học thực tiễn về giáo dục đại học giữa các quốc gia ASEM". Hội nghị đã nhận được sự quan tâm và tham dự của 177 đại biểu quốc tế đến từ 37 quốc gia thành viên và 6 tổ chức quốc tế có liên quan và hơn 100 đại biểu Việt Nam. Đặc biệt, từ ý tưởng đề xuất của nước chủ nhà Việt Nam, Hội nghị đã thảo luận và nhất trí cao việc thành lập Ban thư ký ASEM về giáo dục, dự kiến bắt đầu triển khai vào năm 2010.

12. Hội nghị Hội đồng giáo giới các nước ASEAN lần thứ 25

Hội nghị Hội đồng giáo giới các nước ASEAN lần thứ 25 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11 và 12 /12/ 2009; 10 nước trong Hội đồng giáo giới ASEAN với 278 đại biểu tham dự; Kết quả Hội nghị đã góp phần nâng cao vị trí của giáo dục Việt Nam trong các nước ASEAN.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top