Bình giảng bài thơ "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
BÌNH GIẢNG BÀI THƠ "ĐÂY MÙA THU TỚI" CỦA XUÂN DIỆU

BÌNH GIẢNG BÀI THƠ ĐÂY MÙA THU TỚI - ĐÂY MÙA THU TỚI



Đề bài: Bình giảng bài thơ "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu

Bài làm

Xuân Diệu là nhà thơ xuất sắc của phong trào Thơ mới (1932-1945). Thơ Xuân Diệu lúc này bộc lộ lòng yêu cuộc sống, yêu người và khát khao hạnh phúc. Ông là một hồn thơ nhạy cảm với đời, với thiên nhiên. Bài thơ Đây mùa thu tới của nhà thơ Xuân Diệu chính là vẻ đẹp độc đáo của một điệu hồn thơ mới.

Ở những dòng đầu, Xuân Diệu đã vẽ lên một bức tranh thu đẹp, thơ mộng, thấm một nỗi buồn từ cỏ cây đến lòng người. Trong con mắt của thi nhân, có vẻ như mùa thu vừa mới đến đã mang vẻ tang thương:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.


Không phải đến Xuân Diệu, liễu mới xuất hiện trong thơ, liễu đã có nhiều trong thơ của ta, cũng như của Tàu. Nhưng thơ xưa liễu chỉ là liễu, còn đến Xuân Diệu liễu không chỉ là liễu mà còn là người. Tơ liễu buông rủ khiến cho nhà thơ ngỡ như đó là mái tóc dài buông xoã của người thiếu nữ cùng những dòng lệ nối nhau tuôn rơi. Đìu hiu là một không gian vắng vẻ, buồn. Rặng liễu như là chịu tang vậy, nhưng chiu tang ai? Chịu tang việc gì? Phải chẳng mùa thu đang tới lấn lướt đi cái rực rỡ chói chang của mùa hè. Chịu tang mùa hè đã mất?

Buồn đấy, nhưng tha thướt, yêu kiều, buồn mà vẫn đẹp. Xuân Diệu đã khéo léo sử dụng thủ pháp láy vần, láy phụ âm, phối vần trong từng câu thơ và giữa các câu thơ: đìu hiu - chịu, tang – ngàn – hàng, buồn – buông - xuống… tạo nên một âm điệu phù hợp với tâm trạng, với nỗi buồn mà thân liễu mảnh mai mang trong mình.

Trước Đây mùa thu tới đã có nhiều lần các thi nhân đưa mùa thu vào thơ ca, mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến, xa hơn nữa là trong thơ Đỗ Phủ… song với Xuân Diệu mùa thu mang một nét riêng khác hẳn cả với thu trong thơ Lưu Trọng Lư. Xuân Diệu nhấn mạnh một thông báo về mùa thu bằng tiếng reo vui:

Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Xuân Diệu rất ám ảnh với bước đi của thời gian, nhà thơ ngỡ ngàng khi hè qua thu tới, thu tới rồi thu sẽ đi, buồn chứ sao. Màu vàng tượng trưng cho mùa thu. Thu đến lá vàng rụng xuống tạo nên khung cảnh tiêu điều, vắng vẻ. Lưu Trọng Lư trong Tiếng thu đã viết rất hay:

Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô.

Nhưng màu mơ phai thì là một sáng tạo của thi nhân. Nhà thơ Xuân Diệu đã cảm nhận thật tinh tế về sắc áo ấy. Mơ phai là cái khoảnh khắc chuyển giao giữa hè và thu. Nắng đã phai bớt, nhạt bớt nhưng trời chưa lạnh. Bao lá vàng rơi dệt nên bức tranh mà thu, mùa thu đến báo hiệu sự chia li, rời bỏ, cô đơn.

Nhân vật trữ tình trong bài thơ có lẽ cũng là một linh hông cô đơn cho nên đặc biệt nhạy cảm với những dấu hiệu của sự rời bỏ, li tán:

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rủa màu canh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Một bức tranh thu héo úa, tàn phai là có sức quyến rũ lạ kì.

Hơn một là bao nhiêu? Như Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã biết Xuân Diệu quá Tây, Xuân Diệu chịu ảnh hưởng của thơ tượng trưng của Pháp. Hơn một chỉ là cách nói tượng trưng mà thôi.

Mùa thu đến làm cho hoa rụng cành, sắc đỏ ngự trị, cây gầy guộc, mỏng manh… cảm giác buồn hiu hắt. Buồn phụ âm r như gợi tả sự sống mong manh, yếu ớt của những chiếc lá sắp rụng, sắp tàn, không cưỡng lại được: run rẩy, rung rinh.

Sắc đỏ rủa mùa xanh là sáng tạo mới của nhà thơ. Nó có giá trị biểu đạt rất đặc sắc, đồng thời cũng thể hiện cái tôi Xuân Diệu.

Quả thật, như Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã có câu rất hay: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Trong tâm trạng cô đơn của mình, thi nhân đã thấy Trăng tự ngẩn ngơ, một trạng thái ngẩn ngơ triền miên không dứt. Và núi cũng chìm trong sương lạnh nhạt nhoà. Các giác quan như mở ra tinh tế hơn, nhạy bén hơn.

Đã nghe rét mướt luồn trong gió.

Một sự chuyển đối giữa xúc giác với thính giác.

Đối với Xuân Diệu dường như thời gian đang tàn phá cướp đoạt sự sống. Ông như quyết đấu với thời gian, với sự tàn phai, với cái chết. Chính vì vậy, ông đã có nhiều cống hiến lớn lao cho thi ca và cho cuộc đời. Mở đầu bằng hình ảnh rặng liễu - thiếu nữ, để khi khép lại cũng vẫn là hình ảnh của thiếu nữ, Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì. Tất cả tạo nên một sự hô ứng đặc sắc: hồn thu của thiên nhiên, đất trời đã đi vào hồn người.

Nỗi cô đơn quạnh vắng của lòng người trước ngoại cảnh trải dài trong một bức tranh thiên nhiên buồn mà nên thơ nên họa. Với cảm thức mạnh mẽ về thời gian, thi nhân bộc lộ niềm tiếc nuối, lòng yêu mến, gắn bó với sự sống một trái tim luôn khao khát giao cảm với đời.

Xuân Diệu đã góp vào hồn thu muôn thuở cái tôi cá nhân tài hoa và đa tình của mình. Cảnh thu đẹp, có sức gợi là lại man mác buồn, cái buồn li tán, chia lìa. Đó cũng chỉ bởi một nỗi: lòng thi nhân buồn. Cái buồn chung của Thơ mới, của thời đại, của lòng người. Có thể nói với Đây mùa thu tới nhà thơ Xuân Diệu đã tạo nên một điệu hồn Thơ mới đặc sắc.


Diễn Đàn Kiến Thức - Chế bản từ .100 bài làm văn hay lớp 11.
 
Đây mùa thu tới

1/ Cảm giác chung của bài thơ là buồn. Buồn vì hàng liễu rũ. Buồn vì cái lạnh len lỏi đây đây gợi nỗi cô đơn, buồn vì có sự chia lìa, tan tác từ hoa cỏ, chim muông tới con người. Buồn vì có một cái gì như là nỗi nhớ nhung ngẩn ngơ, phảng phất ở không gian và lòng người.
Hồi ấy, khi bài thơ ra đời (rút trong tập Thơ thơ – 1938) mùa thu là mùa buồn, tuy thường là nỗi buồn man mác có cái vẻ đẹp và cái nên thơ riêng của nó. Thực ra đây là một cảm hứng rất tự nhiên và có tính truyền thống về mùa thu của thơ ca nhân loại (Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà... cũng như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị...). Bài Đây mùa thu tới cũng nằm trong truyền thống. Nhưng cảnh thu của thơ Xuân Diệu có cái mới , cái riêng của nó. Ấy là chất trẻ trung tươi mới được phát hiện qua con mắt “Xanh non” của tác giả, là sức sống của tuổi trẻ và tình yêu, là cái cảm giác cô đơn “run rẩy” của cái tôi cá nhân biểu hiện niềm khao khát giao cảm với đời.

Cảm giác chung, linh hồn chung ấy của bài thơ đã được thể hiện cụ thể qua các chi tiết, các câu thơ, đoạn thơ của tác phẩm.

2/ Đoạn một:

Trong thi ca truyền thống phương Đông, oanh vàng liễu biếc thường để nói mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu. Người ta dành sen tàn, lá ngô đồng rụng, cúc nở hoa để diễn tả mùa thu. Xuân Diệu lại thấy tín hiệu của mùa thu trước hết n ơi những hàng liễu rũ bên hồ.
Trong thơ Xuân Diệu, dường như đầu mối của mọi so sánh liên tưởng là những cô gái đẹp. Vậy thì những hàng liễu bên hồ, cành mềm, lá mướt dài rũ xuống thướt tha, có thể tưởng tượng là những thiếu nữ đứng cúi đầu cho những làn tóc dài đổ xuống song song... Là mái tóc mà cũng là những dòng lệ (lệ liễu). Những dòng lệ tuôn rơi hàng nối hàng cùng chiều với những áng tóc dài.
Vậy là mùa thu của Xuân Diệu tuy buồn mà vẫn đẹp, và nhất là vẫn trẻ trung. Ở hai câu đầu của đoạn thơ, nhà thơ khai thác triệt để thủ pháp láy âm để tạo nên giọng điệu buồn, đồng thời gợi tả cái dáng liễu (hay những áng tóc dài) buông xuống, rủ mãi xuống. Những “nàng liễu” đứng chịu tang một mùa hè rực rỡ vừa đi qua chăng?

Tin thu tới trên hàng liễu, nhà thơ như khẽ reo lên “Đây mùa thu tới – mùa thu tới”. Đàng sau tiếng reo thầm, ta hình dung cặp mắt long lanh, trẻ trung của nhà thơ. Mùa thu của Xuân Diệu không gợi sự tàn tạ, mà như khoác bộ áo mới tuy không rực rỡ, nhưng mà đẹp và thật là thơ mộng rất phù hợp với mùa thu: “Với áo mơ phai dệt lá vàng”.

3/ Ở hai đoạn hai và ba, nhà thơ chủ yếu cảm nhận mùa thu bằng xúc giác: sương lạnh, gió lạnh. Có lẽ cái lạnh không chỉ đến với nhà thơ bằng xúc giác. Ông đem đến thêm cho cảnh thu cái run rẩy của tâm hồn mình nữa chăng? Một tâm hồn rất nhạy cảm với thân phận của hoa tàn, lá rụng, những nhánh cây gầy guộc trơ trụi... Chúng đang rét run lên trước gió thu! Lại một thành công nữa trong thủ pháp láy âm “những luồng run rẩy rung rinh lá”.

Cái rét càng dễ cảm thấy ở nơi trống vắng, nhất là cảnh trống vắng ở những bến đò. Bến đò là nơi lộng gió. Bến đò lại là nơi tụ hội đông vui. Thu về, gió lạnh, người ta cũng ngại qua lại bên sông. Xuân Diệu đã diển tả cái lạnh bằng một câu thơ đặc sắc “Đã nghe rét mướt luồn trong gió”. Một chữ “luồn” khiến cái rét như được vật chất hóa hơn, có sự tiếp xúc da thịt cụ thể hơn.

4/ Đoạn bốn

Nguyễn Du nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Ở đây người cũng buồn mà cảnh cũng buồn. Buồn nhất là sự trống vắng và cảnh chia lìa. Cả bài thơ gợi ý này, nhưng đến đoạn cuối nhà thơ mới nói trực tiếp như muốn đưa ra một kết luận chăng:

Mây vẫn từng không chim bay đi
Khi trời u uất hận chia li


Tuy nhiên cảm giác về mùa thu, tâm sự về mùa thu là một cái gì mông lung, làm sao có thể kết luận thành một ý nào rõ rệt. Vậy thì tốt nhất là nói lửng lơ:

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì?


Lời kết luận nằm ở trong lòng những thiếu nữ đứng tựa cửa bâng khuâng. Nét mặt các cô thì buồn và cặp mắt các cô thì nhìn ra xa, nghĩa là không nhìn một cái gì cụ thể – chắc hẳn là đang nhìn vào bên trong lòng mình để lắng nghe những cảm giác buồn nhớ mông lung khi mùa thu tới. Lời kết luận không nói gì rõ rệt nhưng lại gợi mở rất nhiều cảm nghĩ cho người đọc.

Trong tập Trường ca, Xuân Diệu từng viết: Trời muốn lạnh nên người ta cần nhau hơn. Và người nào chỉ có một thân thì cần một người khác (...) Thu, người ta vì lạnh sắp đến mà rất cần đôi, cho nên không gian đầy những lời nhớ nhung, những hồn cô đơn thảo ra những tiếng thở dài để gọi nhau”.

Đó phải chăng cũng là tâm trạng của tác giả Đây mùa thu tới và của những thiếu nữ trong bài thơ này chăng?
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top