vanchuong83
New member
- Xu
- 0
BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT NGÀN CÁNH HẠC CỦA Y.KAWABATA
Trần Tố Loan
1. Chúng ta biết rằng, con người với khả năng biểu trưng hóa (symbolizing) có thể tiếp nhận hình ảnh trong thực tại không như một cái máy sao chụp mà bằng các biểu tượng. Theo lí luận nhận thức, biểu tượng là hình thức cao nhất của trực quan sinh động. Biểu tượng xuất hiện trên cơ sở những hiểu biết về sự vật, do tri giác đem lại, là hình ảnh của sự vật được lưu giữ trong chủ thể nhận thức khi sự vật ấy không còn hiện diện trước chủ thể.Trần Tố Loan
Biểu tượng theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (trang 91) là dấu, là hình ảnh biểu hiện. Biểu tượng gần gũi với kí hiệu, ẩn dụ, phúng dụ… Nhưng nếu ký hiệu, ẩn dụ, phúng dụ là những dấu hiệu nhất thời, rời rạc, là những quy ước đơn giản giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, chỉ có tác dụng biểu nghĩa thì biểu tượng có sự “đồng nhất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nghĩa một lực năng động tổ chức”.
Biểu tượng trong văn học là loại biểu tượng mang tính đa nghĩa và được xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật. Nó được xem như là một thủ pháp nghệ thuật đặc biệt để chuyển tải ý đồ sáng tạo của nhà văn. Theo C.G.Jung: “Biểu tượng là một từ ngữ, một danh từ hay một hình ảnh ngay cả khi chúng là quen thuộc trong đời sống hàng ngày vẫn chứa đựng mối quan hệ liên can, cộng thêm vào đó cái ý nghĩa quy ước và hiển nhiên của chúng. Trong biểu tượng có bao hàm một điều gì đó mơ hồ, chưa biết hay bị che dấu đối với chúng ta” [1;29]. Theo nghĩa rộng, tác phẩm văn học là một biểu tượng, là một ký hiệu thẩm mỹ mà tác giả gửi đến cho người đọc. Việc giải mã biểu tượng góp phần giúp chúng ta hiểu được những giá trị riêng biệt mà tác phẩm mang lại. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng trong một tác phẩm văn học là một “nhân vật” đặc biệt, được hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể là con vật, đồ vật, hình ảnh, hình tượng… gọi chung là các dạng thức biểu hiện ý nghĩa của tác phẩm văn học. Xét ở góc độ này, biểu tượng là một thủ pháp đặc biệt để tác giả thể hiện ý đồ sáng tạo của mình. Chúng tôi tiếp cận biểu tượng trong tiểu thuyết Ngàn cánh hạc của Y. Kawabata từ góc độ thứ hai.
2. Tiểu tuyết Ngàn cánh hạc (Sembazuzu) là một trong ba tác phẩm của Y.Kawabata được trao giải Nobel văn học năm 1968. Trong tác phẩm này, Y. Kawabata đã mượn nghi lễ Trà đạo - biểu hiện cho lối sống, tính cách, tâm hồn người dân xứ sở Phù Tang- như một cái cớ, một chiếc bình phong để kể câu chuyện tình yêu rất đời thường. Trên bình diện kết cấu tác phẩm, có hai tuyến câu chuyện đan cài vào nhau. Một mặt, Y.Kawabata kể về những buổi uống trà và câu chuyện đời thường diễn ra quanh những tiệc trà. Theo nghi lễ Trà đạo, khi uống trà người ta thường trầm lặng để thưởng thức vị ngon của nó và cảm nhận sự thư thái trong tâm hồn. Thế nhưng trong tác phẩm, tác giả đã để các nhân vật nói những chuyện phàm tục trong tiệc trà. Những câu chuyện tầm thường ấy đã làm lu mờ ý nghĩa thiêng liêng của Trà đạo.
Mặt khác, Ngàn cánh hạc còn là câu chuyện về những mối tình thanh cao xen lẫn phàm tục. Đó là thực sự là câu chuyện về những mối tình nối chuyến của các nhân vật. Ông Mitani yêu bà Ôta. Khi ông mất, con trai ông là Kikuji lại yêu người tình của cha. Sau khi bà Ôta qua đời, Fumicô con gái của bà lại yêu Kikuji trong khi chàng phần nào đã dành tình cảm cho Yukikô - người con gái đang học pha trà tại nhà người bạn của bố chàng. Cách kể câu chuyện tình lồng vào nhau ấy của Y.Kawabata thật day dứt. Cuộc tình ngang trái giữa ông Mitani và bà Ôta luôn hiện diện trong ký ức của Kikuji ngay cả khi người bố đã qua đời. Lúc Kikuji và bà Ôta yêu nhau, cuộc tình quá vãng ấy luôn ám ảnh người trong cuộc. Sợi dây tình vướng víu ấy đã làm cho câu chuyện phức tạp hơn. Mối tình giữa Kikuji và Fumicô không bao giờ trọn vẹn. Tuy yêu cô nhưng Kikuji lại luôn nhớ về bà Ôta qua chiếc chén uống trà Shinô có in vết son môi của bà và trong chàng, hình ảnh Yukikô luôn hiện diện. Hai tuyến câu chuyện trên đã đan xen, giằng xé tạo nên sự hấp lực của tác phẩm. Bên cạnh việc để cho các nhân vật tự thể hiện mình, Y.Kawabata đã sử dụng hình ảnh chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc và chiếc chén uống trà Shinô có vết son môi như những biểu tượng độc đáo để chở tải câu chuyện về trà đạo và tình yêu.
3. Chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc trong câu chuyện gắn liền với nhân vật Yukikô và là tâm điểm của tác phẩm. Kikuji gặp Yukikô lần đầu tiên trên đường đến dự tiệc trà, điều ấn tượng nhất đối với chàng là chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc trên vai cô gái. Chiếc khăn đó là tuy là vật dụng bình thường của Yukikô song nó lại gây sự chú ý đặc biệt của Kikuji. Chàng chỉ gặp Yukikô hai lần nhưng mỗi khi nghĩ đến nàng thì hình ảnh chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc cứ trở đi trở lại trong tâm trí chàng. Trong tác phẩm, hình ảnh chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc xuất hiện mười ba lần ở những không gian và thời gian khác nhau. Nó xuất hiện ở thế đối sánh giữa phàm tục và thanh cao, giữa cái ti tiện, nhỏ nhen, ích kỉ với sự trong sáng, thánh thiện, thoát tục. Mỗi lần hình ảnh ấy xuất hiện, câu chuyện như tươi sáng hơn. Chính vì vậy, lúc nào đối mặt với cái xấu, cái ác, cái ti tiện, nhỏ nhen, ích kỷ thì dưới mắt Kikuji lại hiện ra hình ảnh diệu kỳ ấy: “Trước mắt chàng, cô gái nhà Inamura (tức Yukikô) trở lên đẹp lạ thường, nàng bỗng nổi bật bên trên những mẩu chuyện nhỏ nhen của những người đàn bà đứng tuổi đang vây quanh chàng” [4;517]. Có lúc, “chàng tưởng như ngàn cánh hạc nhỏ và trắng tung tăng bay quấn quýt xung quanh người nàng” [4;516]. Ngay sau khi đã dành tình cảm cho Fumicô - một thứ tình yêu luôn chập chờn giữa thực ảo, giữa hình ảnh người tình quá cố và con gái bà ta thì Kikuji bao giờ “cũng nuôi ảo tưởng là cô gái nhà Inamura đang đi dạo đâu đó dưới bóng hàng cây bên đường với chiếc khăn màu hồng có vẽ ngàn cánh hạc trong tay. Chàng có thể nhìn rõ ràng bầy hạc trắng và chiếc khăn đó” [4;545]. Quả thực, hình ảnh cô gái với chiếc khăn màu hồng có thêu ngàn cánh hạc trong tác phẩm đã cứu rỗi linh hồn Kikuji, nhất là khi chàng vướng vào mối tình oái oăm, trầm luân với bà Ôta - người tình của cha chàng, mẹ của người yêu mình. Kikuji đã yêu trong sự dằn vặt cho đến khi bà ta chết. Khi đó, không hiểu sao trong đôi mắt mệt mỏi của chàng: “Bầy hạc trắng in trên chiếc khăn choàng của cô gái nhà Inamura bay ngang qua vầng trời chiều” [4;565] và từ đó hình ảnh kỳ diệu ấy không còn hiện diện trong chàng nữa. Như thế, chiếc khăn màu hồng có thêu ngàn cánh hạc trong tác phẩm đã trở thành biểu tượng mang ý nghĩa đặc biệt. Trước thực tại luôn có sự giằng xé giữa cái phàm tục và thanh cao, nhân vật khó có thể thoát ra khỏi sự bủa vây của những cám dỗ đời thường thì cũng có những phút giây họ hướng thiện. Và chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc là biểu tượng để nhà văn thể hiện điều đó. Nếu như Y.Kawabata chỉ sử dụng độc thoại nội tâm (một cách mà các nhà văn thường sử dụng) để thể hiện sự giằng xé, vùng vẫy của nhân vật trong nỗ lực thoát khỏi những điều tầm thường, vươn tới những điều tốt đẹp thì tác phẩm khó tạo nên ấn tượng độc đáo. Ngoài ra, tác giả sẽ phải tốn rất nhiều “đất diễn” để thể hiện quá trình nhân vật đi tìm sự thanh thản, nhẹ nhõm trước những mệt mỏi và hệ luỵ của đời thường. Từ đó, ta hiểu tại sao Y.Kawabata dùng hình ảnh này để đặt tên cho tác phẩm của mình. Hình ảnh cánh hạc trắng đã từng xuất hiện trong thơ ca cổ Nhật Bản, gắn với đời sống tâm linh của người dân xứ sở hoa anh đào nói riêng, người phương Đông nói chung như là biểu tượng của sự cao khiết. Việc dùng hình ảnh này như một biểu tượng tạo nên chiều sâu trong sự biểu đạt của cuốn tiểu thuyết và đặt trong thế đối lập với hình ảnh chiếc bớt xấu xí trên ngực trà sư vô đạo Kakikô, phải chăng chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc còn là biểu tượng cho hương trà đã bay đi chứ không chấp nhận sự phàm tục?
4. Bên cạnh hình ảnh chiếc khăn màu hồng có thêu ngàn cánh hạc, chiếc chén uống trà Shinô
[*][SUB][/SUB] với vết son môi cũng trở thành biểu tượng độc đáo. Trong tác phẩm, nó xuất hiện mười một lần, chủ yếu qua các đối thoại giữa Kikuji và Fumicô. Chiếc chén này ra đời từ một lò gốm nổi tiếng và gắn với bàn tay tài hoa của một nghệ nhân có thật trong lịch sử Nhật Bản. Nó có tuổi đời trên 300 năm và đã gắn với nhiều tiệc trà. Trong tác phẩm, chiếc chén đó là vật sở hữu của bà Ôta. Lúc còn sống, bà dùng nó uống trà hàng ngày, vành chén đã đỏ thẫm theo thời gian và bà cho đấy là do son môi của mình dính vào. Vết son môi trên chiếc chén không chỉ gắn với tình yêu cái đẹp của người Nhật (yêu cái cũ mòn, rêu phong) mà còn là dấu vết của thời gian, của tình yêu. Khi mẹ mất, Fumicô đem tặng nó cho Kikuji và vì mỗi khi nàng nhìn nó thì hình ảnh người mẹ luôn hiện diện. Điều đó khiến nàng không thể bình tâm yêu Kikuji. Khi Kikuji có chiếc chén trong tay, chàng lại luôn hình dung về bà Ôta. “Khi chàng nhìn vào tác phẩm tuyệt vời trước mắt (chiếc chén), chàng thấy một cách mãnh liệt hơn bất cứ lúc nào khác cái tuyệt phẩm mà bà Ôta là hiện thân” [3;634]. Fumicô không thể chịu được điều đó và đỉnh điểm bi kịch của mối tình ngang trái ấy là việc cô quyết định đập vỡ chiếc chén Shinô trong trạng thái vô cùng phấn khích và xúc động. Chúng kiến việc đó, Kikuji suốt đêm không ngủ, chàng bước ra vườn và thấy: “Chiếc chén Shinô bị đập vỡ nằm trên một phiến đá trước cái bể nước bằng đá. Chàng xếp bốn mảnh lớn thành hình cái chén. Miệng chén thiếu mất một miếng lớn bằng ngón tay” [4; 640]. Kikuji đã bật khóc khi nhặt những mảnh vỡ đó. Rõ ràng, chàng rất muốn lưu giữ hình ảnh về bà Ôta trong khi lại đang yêu con gái của bà.
Chiếc chén uống trà Shinô với vết son môi không còn là hình ảnh lưu giữ những kỉ niệm tình yêu mà còn gắn suy nghĩ của Y.Kawabata về Trà đạo. Hành động đập vỡ chiếc chén Shinô như một phán quyết về nghệ thuật truyền thống đã được nâng lên thành đạo của người Nhật: Hoặc gìn giữ nó như vẻ đẹp thuần phác hoặc từ bỏ nó chứ không thể xen sự phàm tục vào. Chính ông đã từng nói: “Nếu như các bạn thấy trong tác phẩm của tôi nhan đề Ngàn cánh cò bay (một cách dịch khác của Ngàn cánh hạc) ý định muốn phô bày cái đẹp bên trong cũng như hình thức bên ngoài của nghi lễ trà Nhật Bản thì các bạn đã lầm. Thực ra, tôi ở tâm trạng hoài nghi và quyết định chia sẻ nỗi e ngại này trước nghi lễ phàm tục hiện nay” [3;93]. Y. Kawabata không đơn giản chia sẻ với bạn đọc bằng lời nói mà qua tác phẩm, tác giả gửi một bức thông điệp khẩn thiết: Hãy giữ truyền thống thanh cao đó của người Nhật với vẻ đẹp nguyên thủy, đừng làm nó bị hoen ố.
Như vậy, chiếc chén uống trà với vết son môi là một sáng tạo độc đáo của Y.Kawabata để chở tải câu chuyện khá éo le về tình yêu và nỗi ai hoài của ông về vẻ đẹp của Trà đạo. Không phải ngẫu nhiên mà ông lại sử dụng nó như một biểu tượng, mà rõ ràng, để chuyển tải một bức thông điệp về Trà đạo thì không gì phù hợp hơn là một chiếc chén đã gắn với những cuộc trà có lịch sử trên 300 năm. Và để diễn tả những hoài niệm về một cuộc tình thì còn gì đẹp đẽ, gần gũi hơn là một vật dụng thường ngày còn lưu dấu vết của người xưa như chiếc chén Shinô. Chính vì thế, trong Ngàn cánh hạc, chén Shinô không chỉ là một đồ vật nữa mà còn là một thực thể sống động, một nhân chứng vô ngôn cho cuộc tình đầy bi kịch song vô cùng cao đẹp của những con người luôn khát khao được sống trong tình yêu trọn vẹn, tuyệt đối.
5. Hai đồ vật chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc và chiếc chén Shinô với vết son môi đã góp phần thể hiện ý đồ nghệ thuật sâu sắc của Y.Kawabata. Câu chuyện về Trà đạo, về những mối tình ngang trái, giằng xé rất đời thường dường như ám ảnh hơn qua những biểu tượng trên. Chiếc khăn hồng thêu ngàn cánh hạc đã trở thành biểu tượng cho sự thanh cao, trinh bạch trong hồn người, cho hương trà thanh khiết, cho đẹp vĩnh hằng mà con người luôn hướng tới. Còn chiếc chén Shinô có vết son môi không chỉ là biểu tượng cho truyền thống Trà đạo thanh cao hàng trăm năm của người dân sứ sở Phù Tang mà còn là biểu tượng cho tình yêu luôn hiện hữu như là chỗ dựa tâm linh nâng đỡ con người trong cuộc đời. Vì thế, những biểu tượng độc đáo đó đã gắn với tên tuổi Y.Kawabata và làm nên sức sống mãnh liệt của tiểu thuyết Ngàn cánh hạc. Chúng minh chứng cho quá trình lao động nghệ thuật hết mình và nỗ lực vượt lên giới hạn biểu đạt của ngôn từ để mở ra những chân trời liên tưởng mới lạ, đầy mơ hồ và huyễn hoặc.
Hầu hết những kiệt tác của Y.Kawabata từ các tiểu thuyết Ngàn cánh hạc, Người đẹp say ngủ, Cố đô, Tiếng rền của núi… đến Truyện trong lòng bàn tay, đều sử dụng biểu tượng như một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc gắn với văn hoá, thẩm mỹ của người Nhật Bản và quan niệm của Y. Kawabata về cuộc sống. Sử dụng biểu tượng tuy không phải là sáng tạo độc đáo của riêng Y.Kawabata song điều đặc biệt là từ những gì gần gũi, thân quen, qua bàn tay nhào nặn tài hoa của con người luôn tự nhận mình sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản này, chúng đã trở thành những biểu tượng gắn với những kiệt tác đã thành niềm tự hào của người dân xứ sở hoa anh đào về nền văn hoá đặc sắc của họ.
Trong những năm gần đây, việc tiếp cận tác phẩm ở góc độ biểu tượng đã mở cánh cửa mới trong việc khám phá các giá trị của văn học. Bài viết này là sự thể nghiệm của chúng tôi trong việc khám phá tác phẩm của Y.Kawabata và nền văn học Nhật - một nền văn học mang tính biểu tượng cao và cần có sự nghiên cứu mang tính hệ thống. Hy vọng những người yêu mến văn học Nhật Bản sẽ tiếp tục mở cánh cửa còn ẩn chứa nhiều điều mới mẻ này.
Vinh, 4 -2005.
Bài đã đăng trên tạp chí Khoa học đại học Vinh, số 2B, năm 2005, đã sửa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. A.Gheerbrant, Jean Chevalier (1997), Từ điển biểu tượng văn hoá thế
giới, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên
Ngọc, Vũ Đình Đình, Nguyễn Văn Vỹ (dịch), Nxb Đà Nẵng.
2. Phạm Đức Dương (2002), Từ văn hoá đến văn hoá học, Nxb Đà Nẵng.
3. Lê Huy Hòa, Nguyễn Văn Bình (biên soạn,1995), Những bậc thầy văn
chương thế giới: Tư tưởng và quan niệm, Nxb Văn học.
4. Y.Kawabata (2001), Tuyển tập, Ngô Quý Giang, Ngô Văn Phú, Vũ
Đình Bình, Võ Đình Phòng, Trùng Dương (dịch), Nxb Hội Nhà văn.