• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Biểu tượng “con cò” trong ca dao

Chị Lan

New member
BIỂU TƯỢNG CON CÒ TRONG CA DAO
Đã từ lâu, hình ảnh con cò đã đi vào ca dao với tất cả vẻ đẹp của nó. Người lao động bình dân đã gửi gắm niềm vui, nỗi buồn, sự cực nhọc, vất vả, trong những cánh cò ca dao. Dường như thiếu những cánh cò ấy, ca dao sẽ nghèo đi biết mấy. Nhiếu bài ca dao mở đầu bằng hai tiếng con cò: “Con cò bay lả bay la” “Con cò bay bổng bay cao”, “Con cò lặn lội”, “Con cò trắng bạch như vôi”, “Con cò vàng”, “Con cò kì”, “Con cò quắm” v.v…Những con cò, cánh cò như in bóng trong suốt chiều dài của ca dao,

Phải chăng, con cò là hình ảnh rất gần gũi với người nông dân hơn tất cả. Những lúc cày cấy ngoài đồng, người nông dân thường thấy con cò ở bên họ, con cò lội theo luống cày, con cò bay trên đồng lúa xanh xanh, con cò đi quanh quanh trên dòng sông con rạch …

Và chẳng biết tự lúc nào, con cò đã len lỏi vào cảm xúc, tâm trí của người nông dân. Có lẽ chúng ta đều quen thuộc với câu ca dao:

“Một đàn cò trắng bay tung
Bên nam, bên nữ ta cùng hát lên!”
hay câu:

“Một đàn cò trắng bay quanh
Cho loan nhớ phựong, cho mình nhớ ta.”
Trai gái cùng nhau vất vả làm lụng nơi cánh đồng thửa ruộng, họ thân quen rồi đi đến thưong yêu, khi gần thì ấm áp, khi xa thì nhung nhớ. Cánh cò đã nâng cao và chuyên chở trái tim yêu thương của họ. Nhưng họ yêu nhau ước mơ rất nhiều mà nào dễ lấy được nhau, ngày nào còn xa nhau thì mọi tâm tình họ còn hướng về nhau quấn quít như những:

“Cái cò, cái vạc, cái nông
Cùng ăn một đồng, nói chuỵên giằng co
Muối kia đổ ruột con gà
Mẹ mình chẳng xót bằng ta xót mình.”​

Người nông dân còn mượn hình ảnh con cò để miêu tả cảnh ngồi không biếng nhác của địa chủ:

Cái cò lặn lội bờ ao…​
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi không
Chú tôi hay tửu hay tăm
Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa
Ngày thì ước những ngày mưa
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.”​

Chàng trai làng thấy cô nông thôn xinh đẹp “yếm đỏ” vừa đi qua, anh đã cất tiếng trêu đùa dí dỏm. Anh đã đưa ra hình ảnh một tên rượu chè be bét, lười lao động, thích hưởng lạc – một tên chắc chắn anh rất oán ghét – ướm hỏi chị và tất nhiên anh biết rằng chị cũng chẳng ưa gì tên địa chủ ấy. Anh nông dân ẩn thân kín đáo trong “cái cò lặn lội bờ ao”, tuy vất vả lam lũ nhưng lại hay lam hay làm…Bọn địa chủ luôn hiện lên trong ca dao với bản chất tham lam tàn ác:

“Cái cò, cái vạc, cái nông
Ba cái cùng béo, vặt lông con nào!
Vặt lông cái vạc, cho tao!
Hành, răm, nước mắm bỏ vào mà thuôn.”​

Cái cò, cái vạc, cái nông tiêu biểu cho người nông dân ở vùng nông thôn. Dưới con mắt của giai cấp phong kiến thì đều “béo” cả. Lần lượt sẽ sa vào tay chúng hành hạ. Một khi chúng muốn ức hiếp thì không cần một lí do chính đáng nào cả. Chúng chỉ cần một vài lời vu cáo vẩn vơ là đủ:

“Cái cò, cái vạc, cái nông
Sao mày giẫm lúa nhà ông, hỡi cò?
Không, không, tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi
Chẳng tin thì ông đi đòi
Mẹ con nhà nó còn ngồi ở kia.”​

Nhân dân thường lấy “cái cò” để nói về mình trong ca dao có thể đó là một số phận đáng thương:

“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”​

Mở đầu bài ca dao ta đã bắt gặp ngay một hình ảnh bất thường: con cò đi ăn đêm. Nó thường đi ăn ban ngày nhưng dường như ban chưa đủ nên mới “tăng ca” như thế. Và vì đi đêm, nó không quen, nên mới gặp tai nạn “Đậu phải cành mềm” và “lộn cổ xuống ao” như một tất yếu. Lời van xin khẩn thiết của nó vang lên một cách đau lòng, xin “ông vớt tôi” lên. Bản năng sinh tồn hay chính lòng ham sống, sống để nuôi con đã giúp cò cất tiếng van xin cứu vớt. Có lẽ cả hai.

Đứng trước cái chết, cò mong được sống cũng là lẽ thường tình. Nhưng tại sao con cò lại thề thốt “Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng”. Thì ra, con cò đang phân trần rằng nó không hề có “lòng nào” là không hề có ý gian tham dối trá. Lần thứ 2 cò lên tiếng mong được chết trong sạch “Có xáo thì xáo nước trong”, bởi cò lại sợ “xáo nước đục” sẽ “đau lòng cò con”. Trong giây phút “thập tử nhất sinh”, con cò dự cảm mình khi lọt vào tay “ông” thì khó mà được sống. Chỉ còn một điều tha thiết là được chết trong danh dự để “cò con” không đau đớn lòng. Đó là một sự lựa chọn đầy đau đớn, bi kịch nhưng rất đẹp, rất nhân văn.

“Cò con” cuối bài ca dao có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là con của con cò, nghĩa thứ hai là chính bản thân con cò nạn nhân đó, nó tự xưng là “cò- con”. Nhiều người cho rằng hiểu theo nghĩa thứ nhất thì hợp lý hơn bởi nếu chết trong “nước đục”, cò con sẽ đau đớn, hổ thẹn vì mẹ nó! Tuy vậy, dù hiểu theo nghĩa nào thì chúng ta vẫn cảm nhận được cảnh ngộ và phẩm chất đáng quí của cò. Số phận nghèo nàn cơ cực nhưng lòng dạ trung thực sáng ngời của người lao động bình dân theo triết lí sống đẹp “Chết vinh còn hơn sống nhục”

Trong ca dao, hình ảnh con cò còn mang biểu tượng người phụ nữ :

“Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.”
Nhân dân lao động thật có sự liên tưởng quá bất ngờ. Con cò được nhân hóa làm nổi bật lên vẻ tần tảo hy sinh của người phụ nữ trước đây. Từ “lặn lội” gợi lên sự “thầm lặng chịu khó chịu thương nuôi chồng”, việc buôn bán nắng mưa dãi dầu, lời ra tiếng vào, cò kè nơi mua bán chị phụ nữ nào hé răng than vãn, chỉ chọn nơi vắng vẻ người qua lại khóc lóc một hồi cho vơi bớt đắng cay chịu đựng. Hình ảnh này đã từng được Tú Xương vận dụng trong bài thơ “Thương vợ” rất thành công:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng”​

Mượn một biểu tượng của ca dao để bày tỏ lòng biết ơn trước nỗi vất vả cơ cực của bà Tú, Tú Xương chỉ thay một chữ “con” thành “thân” mà làm sáng cả bài thơ. Biết bao nỗi niềm của Tú Xương được gửi gắm trong hai chữ “ thân cò” ấy!

Kết luận: Một cánh cò thôi mà bay khắp mọi miền đất nước, xuyên thấu mọi thời gian, cánh cò “bay lả bay la”, “bay bổng bay cao” từ chiều sâu quá khứ đến chiều dài hôm nay - ngày mai, cánh cò bay vào lời ru của mẹ, lời dạy của cô, lời tâm sự bạn bè:

“Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nơi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi…”
(“Con cò” – Chế Lan Viên)​

(ST)
 

vàng

New member
Xu
0
Nói tới đồng ruộng nước, nói tới lũy tre xanh, nói tới con trâu trên luống cầy, không thể nào không thể nói tới một hình bóng quen thuộc, một hình bóng thân thương, một hình bóng thanh lịch, một hình bóng vật tổ thiêng liêng của tộc Việt, đó là con cò.
Trong các loài chim, con cò có lẽ là loài chim đi vào đời sống của người Việt Nam sâu đậm nhất. Sâu đậm đến độ mở miệng ra ví von, mở miệng ra hát là nhắc đến cò. Sâu đậm đến độ trong ca dao Việt Nam có rất nhiều bài nói về con cò, trong dân ca có riêng một điệu hát mang tên là điệu hát Cò lả.


Cái cò bay bổng bay cao,
Bay từ Cửu phủ bay vào Đồng Đăng.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em,
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Gánh vàng đi đổ sông Ngô,
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương.


Sâu đậm đến độ có rất nhiều bài ca dao, đồng dao mở đầu bằng hình ảnh con cò, nhiều khi dùng cò như chỉ là một cách để dẫn nhập, vào đề mà thôi, ví dụ như:


Chiều chiều vịt lội, cò bay,
Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng,
Vô rừng bứt một sợi mây,
Đem về thắt dóng mẹ mày đi buôn.
Đi buôn dù lỗ, dù lời
Đi ra cho thấy mặt trời, mặt trăng ...

hay

Cái cò là cái cò Kỳ,
Anh cơm nhà dì, uống nước nhà cô ...
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chưa ra đến chợ đã lo ăn quà.
Hàng bánh, hàng bún bầy ra,
Củ từ, khoai nước cùng là cháo kê.
Ăn rồi cắp đít ra về,
Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào.
-Chả này bà bán làm sao?
Ba đồng một gắp thì nào tôi mua.
Nói dối rằng mua cho chồng,
Về đến quãng đồng ngả nón ra ăn,
Ăn rồi đau quặn, đau quăn.
Đem tiền đi bói ông thầy.
Bói ra quẻ này, những chả cùng nem
-Thầy bói nói dối đã quen,
Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ.


Tại sao hình bóng con cò lại đi vào huyết mạch, hơi thở của người Việt Nam?

Xin thưa:

Trước hết cò là biểu tượng của ao đầm Lang Việt

Con cò là hình ảnh, là biểu tượng của ao đầm, đồng ruộng. Một trong những hình ảnh đẹp nhất là hình ảnh con cò trắng như bông bay liệng la đà trên ruộng lúa mêng mông, bát ngát, trải rộng ra mãi tận chân trời, mà ta gọi là “ruộng thẳng cánh cò bay”:


Con cò bay lả bay la,
Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng
Khắp người trắng nõn như bông,
Gió xuân lất phất chùm lông trên đầu.


Con cò là loài chim sống ở bờ nước, gần cận nhất, gắn bó nhất và thân thiết nhất với nhà nông trồng lúa nước. Con cò với dáng đẹp thanh cao, thoát tục. Cò lạng bay vút lên không trung rồi thả mình trong gió, mỏ dài, cổ dài, thân thon nhỏ, chân dài, tất cả duỗi thẳng theo một đường thẳng, liệng la đà trên sóng gió.

Con cò sát cánh với nhà nông trong việc đồng ruộng. Cứ đầu mùa mưa tức đầu mùa xuân ở đất Bắc, cò lại bay về đồng nước báo cho nhà nông biết mùa trồng lúa bắt đầu. Có loài cò “gọi mưa” giống như cóc ếch, khi cất tiếng kêu gọi mưa là nhà nông biết trời sắp đổ cơn mưa…Rồi đến cuối thu, mùa lúa chín, mùa gặt hái, cò lại rủ nhau cất cánh bay đi. Ngày ngày nhà nông sáng tinh mơ ra đồng khi bầy vạc đi ăn đêm bay về tổ buông những tiếng kêu trong vắt trên không trung lúc ban mai, giống như tiếng hạc trong truyện Kiều mà Nguyễn Du đã mô tả: ” trong như tiếng hạc bay qua” và mãi tới chạng vạng tối nhà nông mới trở về nhà khi đàn cò đi ăn ban ngày gọi nhau bay về tổ, gõ nhịp mỏ rộn ràng trong cái tĩnh lặng của hoàng hôn. Trên cánh đồng, con cò đi theo sau luống cầy bầu bạn cùng nhà nông trong lúc cầy sâu cuốc bẫm . Con cò trên bờ ruộng bắt sâu bọ, cào cào, châu chấu, cua cáy… giúp nhà nông một tay trong việc bảo vệ mùa màng. Con cò trên mình trâu, bắt ruồi bọ, ve vắt, săn sóc cho con trâu, người bạn đồng lao đồng tác với nhà nông. Con cò là hình ảnh của cần cù, siêng năng, chịu khó, chịu khổ, tự túc, tực cường, chỉ biết trông cậy vào sức mình, chỉ biết tự lực cánh sinh để lo cho bản thân, cho con cái, cho gia đình, cho dòng tộc, đất nước giống như những người nông dân Việt Nam:



Hỏi cò vội vã đi đâu?
Xung quanh mặt nước, một màu bao la.
Cò tôi bay lả bay la,
Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng.
Trời sinh, mẹ đẻ tay không,
Nên tôi bay khắp tây đông kiếm mồi.
Trước là nuôi cái thân tôi,
Sau nuôi đàn trẻ nên đời cò con.
Một mai khôn lớn vuông tròn,
Rủ nhau bay khắp nước non xa gần.
Kiếm mồi tự lập lấy thân,
Vẻ vang hãnh diện cho dân con cò.
Mỗi ngày một lớn một to,
Chớ đừng ỷ lại mà lo cậy người.
Để cho nông, vạc chê cười.
Ấy tôi lấy thế làm vui tuổi già.
Nên tôi bay lả bay la,
Bay từ cửa tổ, bay ra cánh đồng ...



Ngoài ra cò còn loài loài chim sống từng đàn, sống với gia đình, họ hàng, làng nước như ta thấy qua các câu ca dao dưới đây, dù trời đêm tăm tối, sắp đổ cơn mưa, có kẻ rình mò bắn giết, cò cũng vẫn về thăm chú bác cô dì:


Con cò đi đón cơn mưa,
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về,
Cò về đến gốc cây đề,
Có đứa rình bắn, cò về làm chi?
Cò về thăm bá, thăm dì,
Thăm cô xứ Bắc, thăm dì xứ Đông.


Hàng ngày bên bờ sông rộng, sóng to, cò cần cù lặn lội kiếm ăn:


Cái cò lặn lội bờ sông,
Cổ dài, mỏ cứng, cánh cong, lưng gù,
Bãi xa, sông rộng, sóng to,
Vì lo cái bụng, đi mò cái ăn.


Những lúc mưa to, gió lớn cây quả cong queo thu hình, con ốc nằm co nghỉ ngơi,
con tôm vui đùa vùng vẫy đánh đáo trong vũng nước bùn thì lại là lúc cò phải dầm mưa đi kiếm ăn:


Trời mưa quả dưa vẹo vọ,
Con ốc nằm co,
Con tôm đánh đáo,
Con cò kiếm ăn ...


vì những lúc mưa to gió lớn cá tôm mới vào bờ kiếm thức ăn từ mặt đất trôi xuống và vì những lúc này nhờ nước đục, cò thấy cá tôm mà cá tôm lại không thấy cò, cho nên những lúc trời mưa to gió lạnh là lúc cò mới dễ kiếm ăn, như ta thấy qua câu “đục nước béo cò”. Cũng cần biết thêm là cò chỉ là loài chim sống ở bờ nước, không bơi lội dưới nước, nên không có chất dầu nhờn làm cho lông không bị ướt như loài vịt. “Nước đồ đầu vịt” không ướt nhưng mưa trút xuống đầu cò, thân cò thì cò bị ướt sũng và trở thành “cò bợ mắc mưa”. Vì thế trong cảnh mưa to gió lớn, người ướt sũng nước mưa mà cò cũng phải đi kiếm ăn chẳng khác gì người nông dân làm ruộng trong mưa gió.

Tóm lại con cò là biểu tượng của ao đầm, đồng ruộng nước, của người nông dân cần mẫn Việt Nam (cũng nên biết ruộng nước có gốc từ ao đầm, ruộng chiêm là ruộng thấp cò nhiều nước có gốc là ruộng chằm tức đầm ao).

Con cò là biểu tượng cho người phụ nữ đồng ruộng Việt Nam

Qua văn học dân gian ta thấy con cò mẹ mang hình bóng của người phụ nữ Việt Nam cao đẹp, tuyệt vời:


Con cò lặn lội bờ ao,
Phất phơ hai giải yếm đào gió bay.


Giống như người đàn bà Việt Nam một đời tần tảo, vất vả ngược xuôi, dù núi cao, dù sông rộng, dù biển khơi, dù nắng lửa, mưa dầu, dù phong ba, bão tố, cò vẫn lặn lội đi kiếm ăn lo cho chồng con. Cụ Tú Xương cũng đã so sánh vợ mình với hình ảnh con cò:


Thân cò lặn lội, ở ven sông
Nuôi nổi năm con với một chồng.


gặp những lúc đất nước chinh chiến, loạn ly, người phụ nữ Việt ngoài việc thay chồng nuôi mẹ, nuôi con còn phải thăm nuôi cả chồng đi lính trấn giữ biên cương:


Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Nàng về nuôi cái cùng con,
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
Ở nhà có nhớ anh chăng?
Để anh kể nỗi Cao Bằng mà nghe.


Cũng như những tấm lòng mẹ Việt Nam, cò mẹ hy sinh tất cả đời mình cho con:


Nước non lận đận một mình,
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay
Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?


dù ngay cả trong đêm tối, không phải là lúc cò đi kiếm ăn, mà nhiều khi cũng phải liều thân đi tìm mồi cho con nên cò mẹ đã “đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”:


Con cò mày đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi vào,
Tôi có lòng nào ông hãy sáo măng,
Có sáo thì sáo nước trong,
Đừng sáo nước đục đau lòng cò con.


dù ngay cả lúc biết mình sắp chết trong nồi sáo măng, cò mẹ cũng còn nghĩ đến đàn con thơ dại trong trắng, cò mẹ muốn được chết trong sạch nên cầu xin người “Có sáo thì sáo nước trong” vì “sáo nước đục đau lòng cò con”.

Ngoài việc nuôi dưỡng, mẹ cò cũng một đời lo lắng chăm sóc cho con ăn học nên người:


Mặt trời lặn xuống bờ ao,
Có con cò mẹ bay vào bay ra.
Cò con đi học đường xa,
Thẩn thơ chỗ nọ, la cà chỗ kia.
Tối rồi mà chẳng chịu về,
Cơm canh mẹ đợi, còn gì là ngon.


Nhiều khi vì mẹ cò thương con quá mà cò con đâm ra nhõng nhẽo:


Cái cò là cái cò con,
Mẹ nó yêu nó, nó còn làm thơ.


Mẹ là tất cả, thiếu mẹ là thiếu tất cả. Những khi cò mẹ phải đi làm nghĩa vụ công dân như đắp đàng, vét sông, cò con thiếu ăn, thiếu sự chăm sóc, thấy bơ vơ, trở thành tuyệt vọng:


Cái có là cái cò vàng,
Mẹ đi đắp đàng, con ở với ai?
Con ở với bà, bà không có vú,
Con ở với chú, chú là đàn ông.
Thôi con chết quách cho xong.


Tóm lại mẹ cò mang hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, yểu điệu “phất phơ hai giải yếm đào gió bay” nhưng đảm đang, kiêu hùng. Giữa cuộc đời đầy mưa sa gió táp, khi “lên thác xuống ghềnh”, lúc “bãi xa, sông rộng, sóng to”, khi binh đao khói lửa, hai cái giải yếm đào đó vẫn một đời tận tụy cùng cực lo cho chồng, cho con, cho nhà, cho nước.


Cò là tiếng hát của đồng lúa xanh “thẳng cánh cò bay”:


Cò không phải chỉ là hình ảnh cần cù làm việc, hình ảnh kham khổ của đời sống chân lấm tay bùn, của lòng mẹ bao la mà cò còn là tiếng hát tuyệt vời của đồng xanh Việt Nam. Cò đã đi vào tiếng hát của dân dã Việt Nam, của đồng ruộng Việt Nam qua cả một thể điệu đặc thù gọi là điệu hát Cò lả.

Cò có đàn, có bầy, tiếng hát Cò lả là tiếng hát đúm, hát đàn, tiếng hát của tập thể nam nữ, của xóm làng, của đồng ruộng, tiếng hát “linh đình”, tiếng “hát cho lăn lóc đá, cho rung rinh trời”:


Một đàn cò trắng bay tung,
Bên nam bên nữ ta cùng hát lên.
Hát lên một tiếng linh đình.
Cho lăn lóc đá, cho rung rinh trời.
Hát lên một tiếng linh đình,
Cho loan sánh phượng, cho mình sánh ta.
Cất lên một tiếng la đà,
Đàn ông hát trước, đàn bà hát sau.


Cò lúc nào cũng được mời đến tham dự, chia xẻ với giọng hát, câu hò:


Một đàn cò trắng bay qua,
Thấy đám hát đúm muốn sa xuống chào.
Cò ơi, cò ở phương nào?
Xuống đây chúng chị hóa trao câu này.
Xuống đây ăn miếng trầu cay,
Ăn trầu nghe hát cả ngày lẫn đêm.


hay


Con cò trắng toát như bông,
Muốn nghe hát đúm mà không chịu vào.
Nghĩ gì, cò đậu cành cao,
Nghiêng nghiêng, nghé nghé nửa chào, nửa e.
Xuống đây cho ta nhắn nhe,
Đừng đứng trên ấy, gẫy tre của làng.


Cò được khích lệ, được khuyên đừng ngại làng khen chê, chẳng ai cười lời hát của kẻ quê mùa đồng ruộng:


Con cò là con cò vàng,
Muốn đi hát đúm, sợ làng khen chê.
Ai cười lời kẻ thôn quê,
Mà cò ngần ngại đứng lề đường quan.
Hay cò vui câu xẩm xoan,
Thì cò bay đến, giao hoan cùng người.


Hình ảnh cò, tiếng hát cò lả gắn liền với tiếng hát giao duyên, tiếng hát nên vợ nên chồng:


Một đàn cò trắng kia ơi,
Có nghe ta hát những lời này không?
Hát câu đẹp cốm, tươi hồng,
Hát câu nên vợ nên chồng cò ơi.


Và cò cũng được mời nghe những lời hát gìn giữ đạo lý gia đình:


Con cò lấp lé bụi tre,
Sao cò lại muốn lăm le vợ người.
Vào đây ta hát đôi lời,
Để cho cò hiểu sự đời ở ăn.
Sự đời cò lấy làm răn,
Để cho cò khỏi băn khoăn sự đời.


Qua những câu ca dao trên, ta thấp thoáng thấy đó là lời của phái nữ, của “chúng chị” mời chào cò, tức là hình bóng của phái nam, tham dự vào đám hát đúm.
Cò mang một biểu tượng cho phái nam, mặt trời, chương trình sẽ trình bầy trong lần tới.

Con cò là biểu tượng của đồng lúa, của người nông dân, của người phụ nữ Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa cũng vẫn cất tiếng hát lên, tiếng hát vang vọng đồng xanh, tung lên đến tận trời cao, tiếng hát bay bổng, la đà, tiếng hát mang trên đôi cánh cò “bay lả bay la” tung ra khắp bốn phương trời của đồng xanh sông nước. Dù trong cảnh huống nào của cuộc đời đi nữa, mà vẫn còn cất lên được tiếng hát, thì tiếng hát đó cũng vẫn là tiếng hát hạnh phúc trong cảnh huống đó.

Con cò là biểu tượng cho hùng tính, cho phái nam:

Như ta đã biết qua những điệu hát cò lả, hát đúm, hàt đàn, cò thấp thoáng mang hình bóng phái nam được “chúng chị” phái nữ mời chào rủ hát chung:


Một đàn cò trắng bay qua,
Thấy đám hát đúm muốn sa xuống chào.
Cò ơi, cò ở phương nào?,
Xuống đây chúng chị hóa trao câu này.
Xuống đây ăn miếng trầu cay,
Ăn trầu nghe hát cả ngày lẫn đêm.


Thật vậy, cò là còn biểu tượng cho phái nam, cho hùng tính, cho dục tính phái nam. Từ cò biến âm với “cồ” là đực ví dụ như gà cồ là gà sống. Từ cò lấp láy với “kè” như ta thấy qua từ lấp láy điệp nghĩa “cò kè”. Kè là cái cọc, cái nọc đóng ở bờ nước như đóng kè, đổ kè. Kè biến âm với cừ cũng có nghĩa là cái cọc đóng ở bờ nước như đóng cừ. Cò và kè biến âm với “ke” như ta thấy qua từ láy “cò ke”. Ke là que là nọc. Câu nói “cò kè bớt một thêm hai” ngày nay có nghĩa là trả giá có nguồn gốc nguyên thủy là ngày xưa con người tính toán, trả giá bằng những cái thẻ, cái que có khắc dấu và người xưa ký giao kèo bằng cách bẻ đôi một cái que, một cái “kèo” rồi mỗi người giữ một mảnh để làm bằng. Theo từ điển Việt-Bồ-La của giáo sĩ Đắc Lộ cổ ngữ Việt “ke” là bộ phận sinh dục đàn ông. Như thế con cò là con cồ, con kè, con cừ, con ke, con que mang ý nghĩa cái giống phái nam. Cò biểu tượng cho bộ phận sinh dục phái nam thấy rõ qua câu:


Cơm no, cò đói

Câu “cơm no cò đói” hay “bụng no cò đói” cùng nghĩa với câu:


No cơm ấm cật,
Rậm rật tối ngày.


Cò vì thế cũng dùng chỉ các cơ phận có hình nọc nhọn ví dụ như cò súng.


.Cò biểu tượng cho dục tính phái nam:

Cò là biểu tượng cho dục tính phái nam nên thường được nói tới trong chuyện lấy vợ, chuyện chăn gối:

Cái cò lặn lội bờ ao,
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
Chú tôi hay tửu hay tăm,
Hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưa,
Ngày thì ước những ngày mưa,
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.


.Cò biểu tượng cho đực, cho phái nam, cho dòng nọc, dòng cha, dòng Việt, trong khi trai sò biểu tượng cho phái nữ, cho dòng nòng, dòng mẹ, dòng nước, dòng Bộc như ta thấy qua câu:


Con cò mà mổ con trai,
U ơi, u lấy vợ hai cho thầy


Qua câu “U ơi, u lấy vợ hai cho thầy” ta cũng thấy cò mang biểu tượng cho cường dương, hình ảnh cò cường dương này thường thấy qua việc các ông muốn lấy vợ bé:


Cái cò trắng bạch như vôi,
Có ai lấy lẽ chú tôi thì về,
Thím tôi chẳng đánh, chẳng chê,
Thím tôi mổ bụng móc mề, moi gan.


Cò là biểu tượng cho cường dục nên cũng biểu tượng cho sinh con đẻ cái như ta thường thấy ở Tây phương dùng hình ảnh con cò tha cái tã bọc đứa trẻ sơ sinh bay đến nhà nào là biểu tượng báo cho biết nhà đó vừa mới sinh con.

Cò là biểu tượng của dục tính phái nam nên ngoài loại cò cường dương thích lấy vợ hai, vợ bé cũng có loại cò suy dương, liệt dương mang hình ảnh của cò bợ, cò mắc mưa, cò rù, cò quăm. Cò biểu tượng cho hùng tính, cường dương ứng với loài cò cứng, cò lạng, cò lả trong thiên nhiên. Người Anh Mỹ gọi là cò cứng là cò “stork”. Theo tầm nguyên ngữ học Tây phương từ stork có gốc từ cổ ngữ Anh ‘stearc’, có nghĩa là cứng, stork liên hệ với Anh ngữ hiện kim “stiff” là cứng. Cò cứng, cò lả, cò lạng, cò liệng có cánh rất dài nên có thể bay vút lên rất cao trong không trung và rồi thả mình trên cánh gió liệng la đà không cần vỗ cánh. Cò lả, cò lạng, cò liệng có hình dáng cứng khi bay CỔ DÀI VÀ CỨNG DUỖI THẲNG HÀNG với thân và đuôi, không bao giờ thấy cổ rụt lại tựa vào vai cánh.

Loại cò thứ hai khi bay cổ rụt lại tựa vào vai cánh, cổ có hình chữ S, đây là loại cò quăm. Loại cò quăm chỉ bay chứ không biết liệng nghĩa là lúc nào cò cũng phải vỗ cánh, Anh ngữ gọi là cò ‘heron’. Chỉ cần nhìn cò bay ta có thể nhận biết con cò thuộc loài cò lả, cò lạng, cò cứng hay cò quăm không biết liệng. Cổ ngữ quăm biến âm với quắm, khoằm có nghĩa là cong queo. Cò quăm là cò cổ cong queo như ta thấy qua câu:


Cây mắm cò quăm, cây xú cò queo,
Thắt lưng cho chặt mà theo anh về,
Ăn cơm với cá mòi he,
Lấy chồng Cẩm Phả đun xe suốt đời.


Ở đây cần giải thích câu “Lấy chồng Cẩm Phả đun xe suốt đời”. Hòn Gay, Cẩm Phả là hai mỏ than lớn ở miền Bắc, lấy chồng Cẩm Phả làm phu mỏ than phải đun xe than suốt đời. Củ ấu với cái gai nhọn cong queo cũng được ví với cò quăm như ta thấy qua câu đố về củ ấu như sau:


Cò quăm lấy ở dưới đầm,
Đem về nấu nướng rì rầm cả đêm,
Cò quăm càng láng càng đen,
Nấu đi nấu lại chưa mềm cò quăm.


Cò cứng biểu tượng cho hùng tính, cường dương trong khi cò quăm cong queo mang biểu tượng cho suy dương, liệt dương . Mấy ông cò quăm suy dương thường hay giận cá chém thớt nghĩa là thường hay đánh vơ:


Cái cò là cái cò quăm,
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai.
Có đánh thì đánh sớm mai,
Chớ đánh chập tối, chẳng ai cho nằm.


để ý ta thấy các ông cò quăm hay đánh vợ vào lúc chập tối cho nên mới được dân gian khuyên là “có đánh thì đánh sớm mai, chớ đánh chập tối”. Tại sao cò quăm lại hay đánh vợ vào lúc chập tối? Xin thưa là vì mỗi khi đêm về là đem về nỗi lo âu, buồn rầu cho cò quăm. Cò quăm ghen tương, thấy thiếu tự tin, thấy bất lực, thấy lo ngại chuyện chăn gối nên hay gây sự và đánh vợ vào lúc chập tối và nhiều khi cố ý làm như vậy để nếu vợ “chẳng cho nằm” lại càng mừng vì được yên thân.

Chắc có người thắc mắc là tại sao lại có sự tréo cẳng ngỗng là con cò vừa là biểu tượng của nam tính vừa là biểu tượng cho phụ nữ Việt Nam. Xin thưa không có gì là nghịch lý cả. Phụ nữ Việt Nam là con cháu của Thái dương thần nữ Âu Cơ nên đều là dương nữ, đều là những anh thư, liệt nữ cả. Có tác giả đã cho rằng tên Âu Cơ là từ Hán Việt phiên âm từ “U Cò” hay “O Cò”. U Cò Âu Cơ đẻ ra các nàng cò Việt “Phất phơ hai giải yếm đào gió bay”. Lịch sử Việt cũng cho thấy phụ nữ Việt đầy hùng tính, dương tính, là những anh thư, liệt nữ như hai bà Trưng, bà Triệu…


Ghé vai gánh vác sơn hà,
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam.


Ngày nay phụ nữ Việt cũng không thua kém gì nam nhi, trong gia đình vẫn là những nội tướng ...



Cò là chim Việt, vật tổ của Lang Việt.

Các chim tổ phía Nọc, Lửa, Mặt Trời, Nọc thái dương của Đại tộc Việt đều là những loài chim mang dương tính có tên có nghĩa là nọc, cọc, que, vọt (nói chung là vật nhọn)… tức là CHIM VIỆT vì Việt có một nghĩa là vọt (roi, nọc), vớt (con dao cán dài), hiểu theo nghĩa Hán Việt thì Việt là rìu, một thứ vật nhọn sắc (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt), ví dụ ở Cõi Tạo Hóa ta có chim biểu là chim cắt, chim rìu tức Chim Việt tạo hóa; ở Cõi Trời đất dương thế gian là con Gà qué (gà trống); qué là que, nọc (Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc), Gà là Chim Việt Cõi Đất dương thế gian vì tuy là loài chim nhưng gà sống nhiều trên mặt đất. Ở Cõi Đất âm bên bờ nước là con Cò. Cò là loài chim lội nước chứ không phải là loài chim nước. Cò biến âm với cồ (đực), cu, với cổ (cây, trụ); cổ người là cây trụ cắm đầu vào thân người, ông Bàn Cổ là ông Trụ Chống Trời (Bàn là phiến đá bằng, bàn thạch, bằng như mặt bàn và Cổ là cây Trụ). Cò là Chim Việt của vùng Đất âm có nước, ao đầm (nên nhớ cò là loài chim lội nước, sống ở bờ nước, vùng đất có nước chứ không phải là loài chim nước, sống dưới nước); chim biểu thật sự của Cõi Nước âm là con Cốc. Con cốc có mỏ mang dương tính nhọn như mũi phi tiêu, có loài dung mỏ đâm cá vì thế dân dã Âu Mỹ còn gọi tên là “darter” (“chim phi tiêu”). Từ Cốc biến âm với cọc… Con cốc mang âm tính nhiều hơn cò vì chân cốc có màng, bơi lội và lặn hụp dưới nước được. Con cốc thường có mầu đen là mầu của nước thái âm. Như thế con Cốc biểu tượng dương của nước thái âm. Cốc là chim biểu của nước-dương của Lạc Long Quân. Cốc là Chim Việt Cõi Nước. Vì thế Cò nhìn chung là chim biểu, chim tổ của những tộc sống ở vùng đất âm có nước như ao đầm (Đoài thế gian), sông ngòi nhưng mang dương tính nhiều nghĩa là dương của âm tức thiếu âm, nguyên thể của khí gió tức Đoài vũ trụ. Nhìn chung Cò là chim biểu Khôn dương, bầu trời, gió của vùng đất âm có nước, ao đầm Đoài thế gian. Cò mang khuôn mặt dương trội cồ, cu nên nghiêng nhiều về phía chim biểu Khôn dương khí gió, mang khuôn mặt tiêu biểu cho Khôn dương, khí gió, Đoài vùng đất âmcó nước (cần phân biệt ao đầm là bọc nước ấm, dương là Đoài thế gian, trong khi bọc khí gió dương là Đoài vũ trụ), chim biểu của Đoài Hùng Vương trong khi cò nước, cò đêm, con vạc là chim biểu của tộc sống vùng sông nước mang âm tính nhiều của dòng Lạc Long Quân của đại tộc cò Hùng Vương tức Hùng Vương ngành Lạc Long Quân. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, vì Tổ Hùng Vương có một khuôn mặt bầu Vũ Trụ, bầu Trời, Khí Gió nên mới được Thần Sấm Dông Gió Phù Đổng Thiên Vương giúp đánh dẹp giặc Ân. Như thế cò mang khuôn mặt chính biểu tượng cho Khôn dương khí gió phải là chim biểu của Tổ Hùng Vương sinh ra từ bọc Trứng Vũ Trụ (xem Chim Lạc hay Cò Lang).


Tóm lại con cò là chim Việt, chim tổ của Lang Việt. Bằng chứng cho thấy cò là chim tổ của chúng ta nên chúng ta kiêng kỵ không ăn thịt cò, không ăn thịt vật tổ như thấy qua câu ca dao dưới đây:


Con cò, con vạc con nông,
Ba con cùng béo, vặt lông con nào,
Vặt lông con cốc cho tao,
Hành răm mắm muối cho vào mà thuôn.


Con cò, con vạc, con nông cả ba đều là vật tổ dù cho “ba con cùng béo” nhưng vì là chim tổ nên kiêng kỵ không “vặt lông” làm thịt mà lại vặt lông con chim cốc.

Cò là chim tổ của Lang Việt cho nên trong các loài chim, con cò khi chết, cò là loài chim duy nhất được làm đám ma chôn cất đàng hoàng và vong linh con cò được thờ phượng:


Con cò chết tối hôm qua,
Có dăm hạt gạo với ba đồng tiền.
Một đồng thuê trống thuê kèn,
Một đồng mua mỡ đốt đèn thờ vong.
Một đồng mua mớ rau rong.
Đem về thái nhỏ thờ vong con cò.


Đám ma cò là một loại đám ma trọng thể, một thứ “quốc táng” có đầy đủ bốn tộc Người Việt mặt trời rạng ngời của liên bang Văn Lang tham dự:


Con cò chết rũ trên cây,
Bổ cu mở lịch xem ngày làm ma,
Cà cuống uống rượu la đà,
Bao nhiêu ếch nhái nhẩy ra chia phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao ...


Cò là chim Việt sống ở bờ nước thuộc họ Việt mặt trời thái dương nên khi chết được chim bổ cu, bổ cắt là chim biểu của họ Việt mặt trời thái dương đứng ra làm chủ lễ chọn ngày lành, giờ tốt, cử đám ma: “bổ cu mở lịch xem ngày làm ma” là vậy. Trong đám ma cò có đủ mặt đại diện của các tộc khác đến tham dự như cà cuống là con cá cuống là con nọc nước là đại diện của tộc cha nước, mặt trời nọc nước; ếch nhái là đại diện của tộc mẹ nước, mặt trời nòng nước; chim chích là chim nọc nhọn đại diện tộc núi nọc và chim chào mào đại diện tộc gió. Cũng cần biết thêm là cái mào lông, cái bờm lông biểu tượng cho gió. Bờm biến âm với buồm liên hệ với gió. Con bướm là con bờm, con buồm, con “gió” , con “bay”. “Thằng Bờm có cái quạt mo”. Cái quạt biểu tượng cho gió cho nên thằng bé có cái quạt gió có tên là thằng Bờm. Con chim chào mào có bờm lông trên đầu nên là chim biểu của người Mặt trời gió Hùng vương. Đám ma cò Lang Việt có đủ bốn tộc: Mặt trời-Lửa bổ cu ứng với Mặt trời Lửa, Ánh sáng Đế Minh, Mặt trời núi chim chích Kinh Dương vương, Mặt trời Lửa-Nước cà cuống Lạc Long Quân với vợ Thái dương thần nữ Âu cơ Ếch nhái và Mặt trời gió Hùng vương chim chào mào.

Theo duy dương, thời phụ quyền cực đoan phái nữ bị gạt ra ngoài chính trường, Ếch nhái Âu cơ bị loại ra, thay thế bằng chim di tức chim lửa vì thế mới có một bài hát khác như sau:


Con cò chết rũ trên cây,
Bổ cu mở lịch xem ngày làm ma,
Cà cuống uống rượu la đà,
Chim di ríu rít nhẩy ra chia phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao ...


Dị bản này cho thấy Bổ cu là chim biểu của toàn họ Việt mặt trời Thái dương ứng với Viêm Đế, cà cuống là biểu tượng của Mặt trời Việt-nước ứng với Lạc Long Quân, chim di là biểu tượng cho Mặt trời Việt lửa Đế Minh, chào mào là biểu tượng cho Mặt trời Việt-gió Hùng vương và chim chích là biểu tượng của Mặt trời Việt núi Kinh Dương vương và ếch nhái Âu cơ bị loại bỏ ra ngoài.


Vì cò là chim tổ của Lang Việt nên bài ca dao về đám ma cò này cũng được lưu truyền rộng rãi ở miền Trung và miền Nam Việt Nam nhưng bài hát có sửa đổi đôi chút theo sắc thái địa phương. Ở miền Trung bài ca dao này được hát như sau:


Con cò mắc dò mà chết,
Con quạ mua nếp làm chay,
Con cu đánh trống ba ngày,
Chào mào đội mũ làm thầy đọc văn,
Xóm làng chạy đến lăng xăng,
Mua ba thước vải buộc khăn cho cò.


Ở đây cần phải giải nghĩa từ “mắc dò”. Từ “dò” biến âm với “rọ”, “giỏ” là cái bẫy chim. Con cò mắc dò mà chết là con cò mắc vào bẫy chim mà chết. Qua bài hát này ta thấy người đứng làm chủ lễ đám ma cò là con quạ, chim biểu của mặt trời lặn, một khuôn mặt của Lạc Long Quân. Ở đây ta còn thấy cả xóm cả làng để tang cho cò: Xóm làng chạy đến lăng xăng, Mua ba thước vải buộc khăn cho cò.


Vào tới miền Nam bài hát đám ma cò lại được hát như sau:

Con cò mắc dò mà chết,
Con quạ mua nếp làm chay,
Con cu đánh trống ba ngày,
Con ngỗng thức dậy, gọi bầy mâm ra.
Con cộc ăn cá ngâm nga,
Con chim cà cưỡng phải ra ăn mày.


qua bài hát này ta thấy con quạ của ngành mặt trời nước Lạc Long Quân đứng ra “mua nếp làm chay”, chim bổ cu, bổ cắt là chim biểu của tộc Mặt trời lửa Đế Minh “đánh trống ba ngày”, con ngỗng là chim biểu của một tộc Mặt trời gió Hùng vương “gọi bầy mâm ra”, con cộc, con cốc, chim biểu của tộc Mặt trời-nước, một khuôn mặt dòng nước của Lạc Long Quân “ăn cá ngâm nga” và con cà cưỡng tức con sáo đá, chim biểu của tộc Mặt trời núi đá Kinh Dương vương “phải ra ăn mày”. Dị bản ở miền Nam này lại cho con ngỗng gió là chim biểu của một tộc Hùng Vương và con chim cộc, chim cốc, chim thằng cộc là một loài chim nước được chọn là chim biểu cho một khuôn mặt nước của tộc mặt trời nước Lạc Long Quân.

Ở miền Nam còn có một dị bản khác nữa như sau:


Con cò mắc dò mà chết,
Con diều xúc nếp làm chay.
Tu hú đánh trống ba ngày.
Bìm bịp nó dậy, nó bày mâm ra.
Con quốc nó kêu u oa,
Mẹ nó đi chợ đường xa chưa về.


qua bài này ở đây ta thấy con diều hâu biểu tượng cho lửa, mặt trời lửa ứng với Đế Minh, hậu thân của Viêm Đế đứng ra “xúc nếp làm chay”, con tú hú là chim biểu của Mặt trời gió Hùng vương “đánh trống ba ngày”, con bìm bịp biểu tượng cho Mặt trời nước Lạc Long Quân (bìm bịp kêu thì lụt) “bầy mâm ra” và con quốc, là loài chim nước mỏ ngắn thuộc họ nhà gà là chim biểu của Mặt trời Đất âm Non dòng An Dương vương, thuộc dòng Thái dương thần nữ Âu cơ. Theo truyền thuyết thì khi Thục Đế chết vì tiếc thương nước nên hồn đã nhập vào con chim cuốc có tiếng kêu khắc khoải. Chim cuốc Thục Đế là chim biểu của Thục Phán An Dương vương thuộc dòng mẹ Âu cơ cho nên câu cuối của bài hát mới cố ý nhắc tới mẹ chim cuốc: “Mẹ nó đi chợ đường xa chưa về”.

Qua bài hát đám ma cò từ Bắc chí Nam cho thấy các loài vật tổ của bốn tộc Việt Mặt trời Lửa, Việt Mặt trời Núi, Việt mặt trời Nước và Việt Mặt trời Gió của liên bang Văn Lang, họ Hồng Bàng mặt trời thái dương có đủ mặt đến chăm lo mai táng cho cò. Điều này hiển nhiên cho thấy con cò là chim biểu của đại tộc Việt. Bằng chứng cụ thể nhất, kiên cố nhất là hình ảnh cò còn ghi khắc lại trên sử đồng Đông Sơn. Trên nhiều trống đồng, tiêu biểu nhất là trên trống đồng Ngọc Lũ còn ghi khắc hình cò bay vòng quanh mặt trời rạng ngời thái dương. Tác giả Đào Duy Anh theo bước chân của các học giả Pháp Finot và Goloubev (Gô-Lu-Bép) trước đây gọi con chim trên trống đồng Ngọc Lũ là chim Lạc và cho rằng chim Lạc là một loài chim ngỗng trời ở Giang Nam là vật tổ của Lạc Việt. Theo tôi, con chim trên trống đồng Ngọc Lũ I có mỏ được khắc rất cường điệu dài bằng cả chiều dài thân người, cổ dài duỗi thẳng, bay ở tư thế liệng, đây chính là cò lả, cò lang, cò trắng, cò Lang Việt chim biểu của Hùng Vương. Đây chính là con Cò Việt bay quanh mặt trời Việt rạng ngời ở tâm trống. Qua cổ sử hình bóng cò cũng thấy qua tên gọi kinh đô của nước Văn Lang là Bạch Hạc thuộc tỉnh Vĩnh Phú ngày nay, qua địa danh Hạc Trì có nghĩa là Ao Cò . Cũng cần nói thêm là từ hạc chỉ chung loài cò và loài sếu chứ không hẳn chỉ riêng con sếu hạc. Bạch Hạc phải hiểu là Con Cò Trắng. Hạc Trì phải hiểu là Ao Cò.

Ao phải đi đôi với Cò, Ao không đi đôi với Hạc vì con hạc kiếm ăn trên đất cạn.

Tóm lại con cò là chim Việt, chim tổ của Lang Việt của Hùng Vương có mạng khí vũ trụ.

Sự tranh chấp giữa phụ quyền và mẫu quyền qua hình bóng con cò:

Ta đã thấy cò là chim biểu của họ Việt mặt trời thái dương dòng nọc, dòng cha và trai, sò, hến là biểu tượng cho mặt trời nòng nước, dòng nòng, dòng mẹ. Khi phụ quyền thoán đoạt mẫu quyền, thống trị ngành mẹ một cách quá đáng, thì ngành nòng nổi dậy. Sự tranh giành, tranh chấp quyền hành này thấy rõ qua hình bóng cò trong văn học dân gian. Văn học dân gian nhiều khi là một thứ sử miệng, “ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Thật vậy mẫu quyền chống đối lại chế độ phụ quyền cực đoan, thấy rõ qua câu:


Con cò mày mổ cái tôm,
Cái tôm quặp lại, lại ôm cái cò.


Tôm là biểu tượng cho dòng mẹ, dòng nước. Cò là biểu tượng dòng cha. Cái tôm phản ứng “quặp lại”, mà “ôm cái cò”. Trai sò cũng là biểu tượng cho dòng mẹ, dòng nước, ta cũng thấy có sự tranh chấp giữa dòng cò cha và dòng trai sò mẹ qua câu:


Con cò mà mổ cái trai,
Cái trai cặp lại, lại nhai cái cò.


hoặc qua hình ảnh rắn, lươn là biểu tượng của dòng mẹ, dòng nước. Lươn dòng mẹ cũng chiến đấu chống lại cò dòng cha:


Cái cò là cái cò con,
Mẹ đi xúc tép, để con coi nhà,
Mẹ đi lặn lội đồng xa,
Mẹ xà chân xuống phải mà con lươn.
Ông kia có cái thuyền nan,
Chở vào ao rậm xem lươn bắt cò,
Ông kia chống gậy lò dò,
Đi vào bụi rậm xem cò bắt lươn.
Con cò cắp cổ con lươn,
Con lươn cũng cố quấn quanh cổ cò.
Hai con, cò kéo, lươn co.
Con lươn tụt xuống con cò bay lên.


Và ta cũng thấy trong cùng một đại tộc họ nhà cò vạc đã có những phân hóa, chia rẽ, đã có những sự hãm hại, vu oan giá họa cho nhau, đã có những sự giết hại lẫn nhau như con cò đã bị con vạc, con nông đổ ngờ là dẫm lúa của nhà nông nên cò đã bị nhà nông chất vấn đích danh trong bài ca dao sau đây:


Cái cò, cái vạc, cái nông,
Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò,
-Không, không, tôi đứng trên bờ,
Mẹ con chúng nó đổ ngờ cho tôi,
Chẳng tin thì ông đi đôi,
Mẹ con nhà nó còn ngồi đằng kia.


(lưu ý ở đây dùng từ “Cái cò” vì cò ở đây là cò mẹ bằng chứng thấy qua nhóm từ “Mẹ con nhà nó”… ở dưới).


Tóm lại qua hình bóng cò trong văn học dân gian ta đã thấy có sự tranh quyền giữa mẫu hệ và phụ hệ, giữa Hùng Vương ngành lửa Mẹ Kì Dương Vương với An Dương vương ngành mặt trời nước Cha.


Cò trong tình yêu đôi lứa

Cò là biểu tượng cho dục tính phái nam, Cò lả là tiếng hát của đồng xanh thẳng cánh cò bay, là tiếng hát giao duyên, tiếng hát “đẹp cốm, tươi hồng”, tiếng hát “nên vợ nên chồng” thì hiển nhiên hình bóng cò phải có trong tình yêu đôi lứa.

Hình bóng cò trong thương nhớ:


Một đàn cò trắng bay quanh,
Cho loan nhớ phượng cho mình nhớ ta.
Mình nhớ ta như cà nhớ muối,
Ta nhớ mình như cuội nhớ trăng.
Mình về mình nhớ ta chăng?

hoặc

Chiều chiều én liệng cò bay,
Khoan khoan nhớ bạn, bạn rày nhớ ai?
Bạn rày nhớ củ nhớ khoai,
Nhớ cam, nhớ quít, nhớ xoài cà lăm.

hay:

Một đàn cò trắng bay quanh,
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.
Nước non một gánh chung tình
Nhớ ai, ai có chung tình không ai?

Hình bóng cò trong ướm hỏi, thả tình:

Cái cò bay bổng bay lơ,
Lại đây anh gởi xôi khô cho nàng,
Đem về nàng nấu nàng rang,
nàng ăn có dẻo thời nàng lấy anh.

hình bóng cò trong ỡm ờ:

Con cò lặn lội bờ ao,
Ăn sung sung chát, ăn đào, đào chua.
Ngày ngày ra đứng cổng chùa.
Trông ra Hà Nội xem vua đúc tiền.
Ruộng tư điền không ai cầy cấy,
Liệu cô mình ở vậy được chăng?
Mười hai cửa bể anh cũng đóng đăng,
Cửa nào lắm cá, anh quăng chài vào.

Hình bóng cò trong ve vãn, tán tỉnh:

Cái cò, cáí vạc, cái nông,
Cùng ăn một đồng, nói chuyện giăng ca,
Muối kia đổ ruột con gà,
Mẹ mình chẳng xót bằng ta xót mình.

nói chuyện giăng ca là nói chuyện trai gái huyên thuyên.

Hình bóng cò trong gạ gẫm, phỉnh gạt:

Đêm khuya nghe vạc cầm canh,
Nghe chuông dóng sáu, nghe anh khuyên nàng
Anh khuyên, nàng đã hồ nghe,
Trách con gà trống te te gáy dồn…

Hình bóng cò trong yêu thương:

Con cò trắng tựa như vôi,
Tình tôi với bậu xứng đôi quá chừng.

Hình bóng cò trong tiếc nuối, có một chàng nuôi một nàng cò con bé bỏng đến khi nàng khôn lớn nàng cất cánh bay đi:

Uổng công xúc tép nuôi cò,
Đến khi cò lớn, cò dò lên cây.

Hình bóng cò trong dang dở:

Con cò bay bổng qua sông,
Hỏi thăm em bậu, có chồng hay chưa?
Có chồng năm ngoái, năm xưa,
Năm nay chồng để, nên chưa có chồng.


Tóm tắt lại cò là biểu tượng của Lang Việt ao đầm, ruộng nước, là hình ảnh cao đẹp, kiêu hùng của người phụ nữ Việt “phất phơ hai giải yếm đào gió bay”, là tiếng hát của đồng xanh thẳng cánh cò bay, cò là biểu tược cho hùng tính, cho mặt trời rạng ngời, cò là con chim Việt, con chim Lang ở bờ ao đầm, là vật tổ của Lang Việt của đại tộc Việt. Đây là lý do tại sao hình bóng cò đi vào huyết mạch, vào hơi thở của người Việt ngày nay.

ST
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top