Chia Sẻ Biết lúc khôn, biết lúc dại... nghĩa là biết thời biết thế

Trang Dimple

New member
Xu
38
BIẾT... SỐNG KHÔN, chết DẠI,

chết BIẾT... sống

(Trang Tử)

NGƯỜI CHÚNG TA thường nói: Khôn sống, mống chết. Mới nghe, không thể nghi ngờ gì nữa được. Nhưng, nếu nghĩ cho sâu, xét cho rộng ta sẽ thấy, chưa ắt: khôn là sống mà dại là chết...

Khôn, mà khôn như Hàn Tín, Dương Tu... thì làm sao mà sống được. Còn dại, mà dại như Phạm Lãi, Tử Phòng... thì làm sao mà chết được... Cho nên bàn đến Khôn, Dại... chưa biết lấy gì làm chuẩn đích.

*
trang tử.jpg


Trang Tử cùng đệ tử đi chơi trên núi.

Thấy một cây to, cành lá rườm rà. Một tên thợ rừng đứng bên nó mà không đốn. Hỏi tại sao, nó nói: "Không dùng đặng nó chỗ nào hết." Trang Tử nói: "Cây nầy vì bất tài mà đặng sống lâu".

Ra khỏi núi, Trang Tử ghé vào nhà người quen. Chủ nhà mừng rỡ hối trẻ làm thịt chim mòng để nấu ăn. Thằng nhỏ thưa: "Có một con biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?" Chủ nhà nói: "Giết con không biết gáy".

Bữa sau, đệ tử hỏi Trang Tử: "Hôm qua cái cây trong núi vì bất tài mà sống, còn chim mòng, vì bất tài mà chết. Giá như Thầy phải xử trí như thế nào?"

Trang Tử cười nói: "Tài và bất tài, cũng như nhau, đều là quấy cả, nên không thể tránh khỏi lụy thân... Chỉ có kẻ nào biết... là sống mà thôi..."

KHÔN, chết...

DẠI, chết...

BIẾT, sống...
lão tử.png



Biết lúc khôn, biết lúc dại... nghĩa là biết thời biết thế. Chung quy chẳng qua biết rõ một chữ "thời"...

Lão Tử nói: "Thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu; dũng lực chấn thế, thủ chi dĩ khiếp..." Mình là bực thông minh, trí thức sâu sắc nhất, hãy biết làm như kẻ ngu khờ... Mình là bực dũng lực kinh người, hãy biết làm như kẻ nhút nhát...

Nào đâu có bảo mình phải là đứa ngu! Sự thật là mình phải thật thông minh... vì chỉ có kẻ thật thông minh mới biết lúc nào nên làm như kẻ ngu được mà thôi.

Lữ Khôn nói: "... Thông minh, người ta ghét; thông minh mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín."

*

Nhưng, biết được chữ Thời, đâu phải dễ gì. Thái quá là dở, mà bất cập cũng không hay. "Người trí đi quá mực Trung; kẻ ngu theo không kịp mực Trung..." (Trí giả quá chi, ngu giả bất cập chi).

Phần đông, chỉ "biết tiến, mà không biết thối; chỉ biết giữ cho còn, mà không biết làm cho mất; chỉ biết lấy cho được mà không biết bỏ đi..." nên, hễ hành động thì chắc chắn không khỏi có điều hối hận.

Trong sách Liệt Tử có câu chuyện nầy, cũng tạm có thể miêu tả thái độ "vô khả, vô bất khả" của một người đã học đặng chữ Biết ấy...

Tử Hạ hỏi Khổng Tử: "Nhan Hồi là người thế nào?".

Khổng Tử nói: "Cái nhân của Hồi hơn ta".

Tử Hạ lại hỏi:

- Tử Cống là người thế nào?

- Cái mau mắn của Tứ hơn ta.

- Tử Lộ là người thế nào?

- Cái dũng của Do hơn ta.

- Tử Trương là người thế nào?

- Cái vẻ trang-nghiêm của Sư, hơn ta.

Tử Hạ lấy làm lạ, đứng dậy thưa: "Vậy thì tại sao bốn người ấy lại còn theo Thầy mà học?"

Khổng Tử nói: "Ở đây ta bảo cho: Hồi chỉ biết nhân mà không biết lúc bất nhân; - Tứ chỉ biết mau mắn mà không biết lúc chậm chạp; - Do chỉ biết hùng dũng mà không biết lúc nên nhút nhát; - Sư chỉ biết trang nghiêm mà không biết lúc ung dung để hòa đồng với mọi người. Nay gồm tất cả những cái hay của bốn người ấy có mà đổi với cái ta có, ta không đổi. Bởi vậy, họ phải thờ ta làm Thầy mà không có hai lòng."[xxxix]

Biết đây, là biết tùy lúc mà biến thông cho hạp thời trúng tiết... Nếu chỉ biết khư khư một mực... dầu hay đến đâu cũng hỏng việc. Mạnh Tử bảo: "Sở ố chấp nhất giả, vị kỳ tặc đạo. Cử nhất, nhì phế bách". Cái đáng ghét trong sự chấp nhất là vì nó làm hại đạo: làm được một việc mà hư cả trăm việc.

Trọng hệ nhất trong đạo xử thế, là biết biến, vì "có biến mới có thông, có thông mới lâu bền được".[xl]

"Cái nghĩa của chữ tùy thời, lớn vậy thay!"[xli]. Cho nên: "Kẻ biết cái đạo tiến, thoái, tồn, vong mà không bao giờ sai cái chỗ chính trung của nó, có lẽ chỉ có bực thánh nhân mà thôi ư?"[xlii]

Ôi! Chỉ có bực thánh nhân mà thôi ư! Vậy mà bực thánh như Khổng Tử lại còn phải than:

Vi nhơn nan...

Vi nhơn nan..

Thế mới hay: "Ở đời không có cảnh ngộ nào dễ xử..."

*

Cái Biết như thế, - cái điều có thể cảm được mà không thể nói ra được, có thể hiểu được mà không thể chỉ ra được ấy, - muốn đạt được nó, phải làm thế nào?

"... Thư bất tận ngôn, Ngôn bất tận ý..."

Vậy thì, ta phải biết "tinh nghĩa nhập thần"[xlv] mới mong sử dụng được đến cùng cái đạo xử thế của cổ nhân...

Phật còn phải bảo với các đệ tử: "Kìa là mặt trăng! Các con cứ theo ngón tay ta chỉ mà nhìn thì thấy. Nhưng, nên nhớ rằng ngón tay ta không phải là mặt trăng... cũng như những lời ta giảng về Đạo. Các con có thể theo ta giảng mà tìm thấy Đạo. Nhưng nên nhớ rằng: "Lời giảng của ta không phải là Đạo"...
 
Lão Tử là một trong những bậc thầy vĩ đại nhất của lịch sử Triết học Trung Hoa từ nhiều thế kỷ trước. Lão Tử được coi là người viết Đạo Đức Kinh - cuốn sách của Đạo giáo có tác động to lớn đến con người.
lão tử.png



Ông tin rằng việc tập trung cuộc sống của mỗi người xung quanh đạo đức sẽ giúp chúng ta tiếp cận được với trí tuệ và nguồn năng lượng từ vũ trụ. “Khi bạn thành công trong việc kết nối năng lượng của bản thân với cõi vũ trụ thiêng liêng thông qua nhận thức và thực hành đạo đức, truyền tải nhận thức chân lý cuối cùng cũng sẽ đến với bạn”.

Có thể nói, những triết lý về cuộc sống của ông có nhiều điều khiến người đời và hậu thế phải nghiêng mình khâm phục. Nếu bạn đang tìm kiếm cho mình câu trả lời về cuộc sống và muốn truyền tải triết lý tinh thần, những bài học từ Lão Tử sẽ giúp bạn vượt qua thế giới đầy hỗn loạn để tìm thấy yên bình thực sự.

“Nhận ra sự kiên định và vững vàng trong cuộc sống của bạn chính là nhận ra bản chất sâu xa của vũ trụ. Sự giác ngộ này không phụ thuộc vào bất kỳ điều kiện nội tại hay yếu tố bên ngoài nào, nó thuộc về bản chất tâm hồn của mỗi con người. Cách duy nhất để đạt được sự giác ngộ chính là duy trì các đức tính không thể tách rời khỏi sự kiên định, vững vàng và đơn giản trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người” – Lão Tử.

Dưới đây là 4 lời khuyên ở đời mà Lão Tử để lại, bất cứ ai cũng có thể tìm thấy bài học ý nghĩa riêng cho mình.

1. Tôn trọng cuộc sống

Nguyên tắc đạo đức đầu tiên mà Lão Tử nhắc đến đó là chúng ta phải tôn trọng mọi thứ trong cuộc sống vốn có, đừng tìm cách thống trị hay kiểm soát cuộc sống.

Đầu tiên, chúng ta phải biết yêu và tôn trọng chính bản thân mình, sau đó tình yêu này sẽ tiếp tục lan tỏa tới những thứ khác. Trong thế giới, chúng ta phải phụ thuộc vào những người khác để có thể tồn tại, vì thế ta phải đối xử với họ bằng sự tôn trọng, chân thành và biết ơn. Lão Tử tin rằng tất cả chúng ta đều có thể sống trong hòa bình và yên ấm nếu chúng ta nhớ được quy luật này trước tiên.

2. Trung thực với chính mình

Đức tính này thể hiện sự trung thực, đơn giản và đáng tin cậy. Về cơ bản, đó chính là việc bạn sống đúng với bản chất con người mình và không cho phép những yếu tố bên ngoài tác động đến bạn. Bạn hãy là chính mình và đừng để ai nói rằng bạn phải làm thế này hay thế kia.

Một khi chúng ta đạt đến ngưỡng của sự trung thực trong cuộc sống, ta sẽ biết cách làm thế nào để giữ gìn hạnh phúc và sự bình an. Khi bạn sống đúng với chính mình, tất cả mọi thứ khác sẽ tự tìm về đúng vị trí của nó. Thêm vào đó, bạn sẽ truyền cảm hứng cho những người khác thể hiện bản thân và sống trung thực với chính mình.

3. Sống tử tế

Trong thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay, đức tính này phải được rèn luyện nhiều hơn nữa. Sự tử tế đơn giản là bạn phải đối xử tốt với mọi thứ trong cuộc sống và đừng bao giờ khao khát sự ích kỷ. Khi rèn luyện được đức tính này, bạn sẽ từ bỏ được nhu cầu tìm cái đúng, bởi sự tử tế quan trọng hơn đúng sai. Khi hiểu được nhu cầu của người khác và bỏ đi khao khát muốn thống lĩnh hay kiểm soát họ, chúng ta sẽ có thể sống trong hòa bình với tất cả mọi người.

Wayne Dyer - tác giả cuốn sách nổi tiếng “Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống” từng nói rằng: “Sự tử tế đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận cuộc sống và những người xung quanh như họ vốn có, thay vì bắt họ phải đi theo bạn. Khi bạn rèn luyện được đức tính này, bạn sẽ không còn đổ lỗi cho người khác và hưởng thụ cuộc sống yên bình hơn”. Trong khi đó, đức Đạt Lai Lạt Ma thì phát biểu rằng: “Tôn giáo của tôi rất đơn giản, tôn giáo của tôi chính là sự tử tế”.

4. Biết cho đi

Trong cuộc sống, chúng ta cần phải biết hỗ trợ và giúp đỡ những người khác, bao gồm chính bản thân chúng ta. Đây được coi là cội nguồn của tình yêu và sự hi sinh, bất kể bạn có nhận lại được hay không. Khi rèn luyện được đức tính này, bạn sẽ biết cách chuyển từ nhận sang cho mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Sự cho đi thuộc về bản chất của con người và nó sẽ làm cho cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn.

Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống không phải ai cũng hiểu được điều này. Khi đặt cuộc sống của bản thân sang một bên và biết sống vì người khác, bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa thực sự và niềm vui khi giúp người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn.
 
Trang Tử họ Trang tên Chu, tự Tử Hưu (cũng có sách viết Tử Mộc), người đất Mông nước Tống. Tổ tiên ông là Tống Đới Công, quân chủ nước Tống, bản thân ông là nhà tư tưởng, triết học và văn học trứ danh vào giữa thời kỳ Chiến Quốc.
trang tử.jpg


Trang Tử sáng lập ra trường phái triết học gọi là Trang học, là người kế thừa Lão Tử, là nhân vật tiêu biểu cho học phái Đạo gia thời kỳ Chiến Quốc, và là một trong những nhân vật tiêu biểu chủ yếu của học phái Đạo gia.

1. Câu chuyện Liệt Ngự Khấu

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ phát hiện ra, quyết định thành bại, thắng thua, không nhất định là trình độ kỹ thuật cá nhân, mà là tâm thái của con người. Khi chúng ta lo được lo mất, khi tâm chúng ta đầy lo nghĩ, thì những kinh nghiệm, kỹ thuật mà chúng ta có, đều không thể thể hiện ra tốt nhất được.

Trong sách “Điền Tử Phương”, Trang Tử kể câu chuyện thế này: Liệt Ngự Khấu chính là Liệt Tử – người đi ngược gió để biểu diễn bắn tên cho Bá Hôn phu nhân. Trước khi bắn tên, ông đắc ý, rồi trút bỏ vẻ kiêu căng, kéo căng dây cung, sau đó, đặt lên cánh tay mình một chén nước đầy, giương cung bắn tên. Mũi tên thứ nhất vừa bắn ra, mũi tên thứ hai đã lập tức bắn ra sát theo sau, mà mũi tên thứ ba cũng đã sẵn sàng căng dây, chén nước trên cánh tay không gợn sóng chút nào. Liệt Ngự Khấu như một người bằng gỗ đứng ở đó, hoàn toàn bất động.

Kỹ xảo bắn tên của Liệt Ngự Khấu, không thể nói là không cao, nhưng người như thế có thực sự đạt đến cảnh giới cao không? Bá Hôn phu nhân không cho là cao, nói rằng: “Thuật bắn tên của ông, chỉ có thể coi là thuật bắn tên hữu tâm xạ tiễn, chứ không phải thuật bắn tên vô tâm xạ tiễn”. Bá Hôn phu nhân nói thêm: “Bây giờ tôi mời ông, chúng ta cùng leo núi cao, đi trên vách đá, đứng mép vực sâu trăm nhận (1 nhận khoảng 6,8 mét), tôi xem ông bắn tên như thế nào?”.

Bá Hôn phu nhân liền đi trước leo lên ngọn núi cao, chân bước trên một mỏm đá phong hóa cheo leo vách đá, thân ngay miệng vực sâu trăm trượng, sau đó quay người lại, đi lùi về phía vực sâu, một mạch đến khi một phần chân tay đã thò ra khỏi vách đá cheo leo. Đứng ở đó, Bá Hôn phu nhân mời Liệt Ngự Khấu leo lên bắn tên. Lúc đó, Liệt Ngự Khấu chỉ có thể bò trên mặt đất, “mồ hôi chảy ròng ròng đến tận gót chân”.

Lúc đó, Bá Hôn phu nhân nói: “Phàm là người cao minh chân chính, trông lên có thể thấu tận trời xanh, nhìn xuống có thể thấy rõ suối vàng, dạo chơi bát cực, Thần khí chẳng đổi thay”.

Bá Hôn phu nhân lại nói với Liệt Ngự Khấu rằng: “Giờ đây ông tâm run mắt hoa, bảo ông bắn tên, khả năng ông bắn trúng rất nhỏ, rất nhỏ”.

Câu chuyện trên nói rõ rằng, nhất định không được quá tin vào kỹ xảo, cũng có nghĩa là, không ai có thể sinh tồn mà tách ra khỏi hoàn cảnh. Khi chúng ta đối diện với hoàn cảnh ác liệt, thì hãy xem cảnh giới tâm thái chúng ta như thế nào. Khi cảnh giới tâm thái của một người có thể chế ngự nỗi sợ hãi bên ngoài, người đó mới là người dũng cảm chân chính, kỹ xảo của người đó mới có không gian phát huy. Còn nếu cảnh giới tâm thái của một người bị hoàn cảnh khuất phục, thì người đó chẳng thể làm nên bất kỳ việc gì.

Tâm thái của một người quyết định trạng thái của người đó. Thế thì nội tâm cần đạt trạng thái như thế nào mới là tốt nhất? Làm thế nào đạt được trạng thái đó?

Dưới cách nhìn của Trang Tử, cuộc sống chân chính là tự nhiên, do đó không cần đi dạy dỗ cái gì, quy định cái gì, mà là phải bỏ đi cái gì, quên đi cái gì, quên đi cái tâm đã hình thành, cái tâm nhanh nhạy, cái tâm phân biệt. Nếu làm được như thế, thì còn cần đến tuyên truyền chính trị, giáo hóa lễ nhạc, khuyên bảo nhân nghĩa nữa sao? Những tuyên truyền, giáo hóa, khuyên bảo này, Trang Tử cho rằng đều là ‘ngụy’ trong nhân tính, do đó phải trừ bỏ nó.

Dưới cách nhìn của Trang Tử, không vướng mắc chính là không trái với tự nhiên. Không vướng mắc vào bất kỳ tư tưởng, lợi ích nào hay sự vật nào, từ đó đạt được cảnh giới của Thánh nhân vô vi thanh tịnh. Cuộc đời của chúng ta có hạn, mà tri thức là vô hạn, lấy cuộc đời hữu hạn mà truy cầu cực đoan tri thức, lợi ích vô cùng, mà bỏ qua những cái tốt đẹp quanh chúng ta, đó chính là vướng mắc, là chướng ngại. Trang Tử cho rằng, chỉ khi không vướng mắc vào cái không vướng mắc, mới có thể sử dụng vật bằng cái tâm du nhàn tự tại, mà không bị bất kỳ tư tưởng, lợi ích nào chế ngự, ràng buộc, mới là thực sự sống hoàn toàn.

2. Kỷ Thanh Tử nuôi gà chọi

Trang Tử lại kể một câu chuyện gà chọi: Kỷ Thanh Tử nuôi gà chọi cho đại vương. Đại vương tất nhiên rất thích chọi gà, hy vọng Kỷ Thanh Tử có thể luyện được một chú gà chọi có thể xưng bá bốn phương, có thể mau chóng xuất trận.

Qua 10 ngày, đại vương đi hỏi Kỷ Thanh Tử: “Con gà của ta đã chọi được chưa?”. Kỷ Thanh Tử trả lời: :Vẫn chưa được, vì con gà này “vẫn kiêu căng và cậy khí thế”. Con gà trống to lớn này khí thế mạnh ức hiếp con gà khác, lông xù ra, ánh mắt rừng rực, vô cùng kiêu ngạo, trong lòng đầy khí thế. Người bình thường chúng ta cho rằng, lúc này chẳng phải gà chọi đang ở trạng thái tốt nhất đó sao? Nhưng người thực sự hiểu huấn luyện gà chọi lại nói, lúc này hoàn toàn không chọi được.

Lại qua 10 ngày, đại vương lại hỏi. Kỷ Thanh Tử trả lời: “Vẫn chưa được. Mặc dù khí thế của nó đã bắt đầu thu lại, nhưng con gà khác hễ động, thì nó lập tức vẫn còn phản ứng, vẫn đi tranh đấu, như thế vẫn chưa được”.

Lại qua 10 ngày nữa, đại vương lại hỏi lần thứ ba. Kỷ Thanh Tử nói: “Vẫn chưa được. Nó bây giờ tuy phản ứng đối với những cái bên ngoài đã nhẹ đi rất nhiều, nhưng ánh mắt nó vẫn còn nộ khí, chưa được, cần đợi thêm”.

Lại 10 ngày nữa qua đi, đại vương lại hỏi. Kỷ Thanh Tử cuối cùng nói: “Bây giờ cũng tạm được rồi. Những con gà khác kêu lên muốn đánh, nó đã không phản ứng rồi”.

0090c4771000044c-5440867-image-m-5_1519743603283-1.jpg

Thật kỳ lạ, chú gà chọi được Kỷ Thanh Tử huấn luyện ngày một hiền đi. (Ảnh minh họa: youtube.com)
Bây giờ nó như thế nào? Nó bây giờ “ngây ngô như gà gỗ”. Kỷ Thanh Tử nói, con gà này đã huấn luyện đến mức như con gà bằng gỗ rồi, “đức của nó đã đầy đủ rồi”, tức là tinh thần tụ vào bên trong, đức tính của nó đã được hóa vào trong rồi, đã thu vào trong rồi. Do đó con gà này đứng ở kia, bất kỳ con gà nào trông thấy nó, đều vội vã bỏ chạy. Lúc này gà có thể đi tham gia chọi gà được rồi.

Trong sách “Trang Tử”, có rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn gợi mở khiến chúng ta cảm ngộ sâu sắc, bởi vì nó cung cấp một hệ thống phán đoán khác biệt hoàn toàn so với người bình thường chúng ta.

Chúng ta cho rằng, một con gà khi đi chọi thì phải như dũng sỹ ra trận gióng 3 hồi trống, cần phải khí thế cao ngút, dương dương đắc ý, cần phải có cái tâm quyết thắng, nhất định thắng phô ra. Nhưng cảnh giới mà Trang Tử cho chúng ta thấy là, khi nó bỏ đi từng tầng từng tầng sắc bén bên ngoài, đến khi trừ bỏ hết, đem tất cả sắc bén nhuệ khí đó nạp vào nội tâm. Điều này không có nghĩa nó không còn ý chí chiến đấu nữa, mà ý chí chiến đấu đã được thu vào bên trong, lúc này mới được gọi là toàn đức. Khi đấu chọi thực sự sẽ giành được thắng lợi, không phải thắng bởi dũng mãnh, cũng không phải bởi kỹ xảo mà thắng bởi đức tính.

3. Thợ mộc Tử Khánh

Trong thiên “Đạt sinh”, Trang Tử kể câu chuyện người thợ mộc: Đây là một người thợ mộc nước Lỗ, tên gọi Tử Khánh. Anh ta “cắt gỗ để trám”. Trám ở đây là trám cột trụ giá treo chuông trống, trên có điêu khắc trang trí các mãnh thú. Trám còn có một cách giải thích khác nữa, đó là một loại nhạc cụ, trên có điêu khắc trang trí hình con hổ.

Người thợ mộc này có thể trạm ra các tác phẩm khiến “người trông thấy kinh hoàng như thấy quỷ Thần”. Người nhìn thấy các tác phẩm của ông đều kinh ngạc vô cùng, cho rằng đó là quỷ Thần chế tác, chứ con người làm sao có thể làm được như vậy? Những con thú trên cột sống động như thật. Danh tiếng của Tử Khánh truyền xa, rồi truyền tới tai nhà vua. Thế là vua nước Lỗ triệu kiến người thợ mộc Tử Khánh, muốn hỏi bí quyết huyền ảo diệu kỳ trong đó.

Tử Khánh rất khiêm tốn, nói thần là một thợ mộc, thần nào có bí quyết gì? Hoàn toàn không có kỹ xảo nào cả. Ông nói với vua Lỗ: Khi thần chuẩn bị trạm trổ, thần không dám hao phí chút sức lực nào của mình, mà dụng tâm trai giới. Mục đích trai giới là để ‘tĩnh tâm’, khiến nội tâm mình thực sự yên tĩnh lại.

Trong quá trình trai giới, khi trai giới đến ngày thứ 3, thần mới có thể quên được ‘mừng thưởng tước lộc’. Cũng có nghĩa là, ý nghĩ “sau khi thần thành công có thể được phong công, được thưởng, được chúc mừng…” thì đều phải vứt bỏ hết. Cũng có nghĩa là, trai giới đến ngày thứ 3, thần đã có thể quên lợi. Trai giới đến ngày thứ 5, thần đã có thể quên được ‘khen chê, đẹp xấu’. Cũng có nghĩa là đối với lời phỉ báng hay ca ngợi, thị phi đúng sai, mọi người nói thần làm tốt cũng được, nói thần làm tệ cũng được, thần đều không để ý đến nữa, cũng có nghĩa là thần đã quên danh tiếng rồi.

Vẫn phải tiếp tục trai giới. Đến ngày thứ 7, thần đã có thể quên được ‘hình thể tứ chi’ của bản thân rồi. Cũng có nghĩa là, đến ngày thứ 7, đạt được cảnh giới quên mình. Đến lúc này, thần đã quên là thần đang làm việc cho triều đình rồi. Mọi người đều biết, làm việc cho triều đình thì tâm lo ngay ngáy, nhiều tạp niệm, sẽ làm không tốt. Lúc đó, thần sẽ vào núi. Sau khi vào núi, tĩnh tâm lại, tìm gỗ mà thần muốn, quan sát chất gỗ của cây, thấy cái có hình thái thích hợp, dường như vật trạm thành hình đã ở trước mắt. Sau đó, thần chặt cái cây thích hợp nhất đem về, thuận tay gia công, là nó liền thành ra những cái hiện nay.

Tử Khánh cuối cùng nói, việc của thần không việc gì là không làm ‘dĩ thiên hợp thiên’, có nghĩa là ‘lấy cái tự nhiên hợp với cái tự nhiên’, đó chính là bí mật huyền diệu của thần.

Câu chuyện người thợ mộc khiến chúng ta ý thức được, có một tâm thái tốt, bình thản, thì có thể đạt được trạng thái tốt nhất, làm được ‘dĩ thiên hợp thiên’, mới có thể làm việc đến mức tốt nhất.

thu-hung-1.jpg
Muốn làm tốt dược mọi việc trước tiên cần thanh thanh tịnh nội tâm mình, đó chính là bí quyết của anh thợ mộc. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Đây chính là “Đạo”, dùng những việc của bản thân hợp với quy luật nhất để thích ứng với quy luật, vĩnh viễn không được đọ sức với quy luật, không được trái quy luật, không được nỗ lực vô ích, mà nên dùng cái tâm trong sạch sáng suốt của mình, dùng trí tuệ nhìn xem sự việc nào có thể ‘dĩ thiên hợp thiên’. Thợ mộc trai giới 7 ngày, kỳ thực là vượt qua ba giai đoạn:

Giai đoạn 1, quên đi lợi ích, không còn nghĩ dùng công việc của mình để đạt lấy lợi ích thế gian.

Giai đoạn 2, quên đi danh dự, không còn nghĩ đến việc thị phi khen chê của mọi người quan trọng thế nào đối với bản thân.

Giai đoạn 3, quên đi bản thân, con người chỉ đạt đến cảnh giới quên mình thì mới có thể làm việc tốt nhất được.

Thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay, nếu muốn thực sự làm động đến lòng người, làm thật tốt, thì ắt phải đạt được đạo lý chất phác lại huyền diệu mà người thợ mộc đã cho chúng ta biết, đó là cần phải vượt qua ba giai đoạn: Quên lợi, quên danh, quên mình. Nếu có thể làm được 3 điểm này, chúng ta sẽ biết được chuẩn mực đại đạo thế gian, sẽ làm được ‘Thiên nhân hợp nhất’. Điều này có khó không? Cũng không hoàn toàn quá khó. Chỉ cần chúng ta hướng vào tâm mình, tìm lại càng nhiều thứ đơn giản mộc mạc, đó chính là cái gọi là ‘kiến tố nhi bão phác’, tức là ‘thấy cái mộc mạc, ôm cái chất phác’.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top