• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Bí quyết khắc phục những lỗi thường gặp trong bài văn nghị luận xã hội

Đỗ Thị Lan Hương

Cộng tác viên
Thành viên BQT
Nhiều bạn học sinh thường mắc một số lỗi trong bài văn nghị luận xã hội. Vậy làm thế nào để bài văn trở nên hoàn hảo nhất? Cùng tìm hiểu qua bài Bí quyết khắc phục những lỗi thường gặp trong bài văn nghị luận xã hội nhé!
Bí quyết khắc phục những lỗi thường gặp trong bài văn nghị luận xã hội .png

Bí quyết khắc phục những lỗi thường gặp trong bài văn nghị luận xã hội

1. Cách khắc phục lỗi xác định vấn đề nghị luận
– Trước khi làm bài học sinh cần đọc thật kĩ yêu cầu của đề để xác định đúng dạng đề rồi mới có thể định hình chính xác được phạm vi vấn đề nghị luận.
– Chú ý những từ khóa của đề (với đề dưới dạng ý kiến, nhận định, đoạn thơ, đoạn văn), tìm ra cốt ý của cả câu; quan sát tỉ mỉ những điểm đặc biệt đáng chú ý của đề (với đề là bức tranh, hình ảnh) để có thể xác định đúng, trúng trọng tâm vấn đề cần nghị luận.
– Nâng cao vốn từ vựng, vốn hiểu biết để không bị động trước những từ ngữ khó, những đề mở hóc búa, những tầng nghĩa sâu xa ẩn dưới lớp ngôn từ và hình ảnh của đề bài.
– Học sinh trước những đề văn cần tư duy thật sâu sắc, thật mạch lạc, cần phải tỉnh táo để không xác định sai, thiếu hoặc xác định vấn đề quá rộng so với yêu cầu của đề tránh dẫn đến việc bài viết lan man, dài dòng mà vẫn thiếu ý, lập luận không chặt chẽ, sắc bén.
– Nâng cao vốn từ vựng, vốn hiểu biết để không bị động trước những từ ngữ khó, những đề mở hóc búa, những tầng nghĩa sâu xa ẩn dưới lớp ngôn từ và hình ảnh của đề bài.
– Bên cạnh đó học sinh cũng cần phải thường xuyên rèn luyện, tự mình tìm tòi luyện tập xác định vấn đề nghị luận của các đề văn do thầy cô giáo ra đề hay các đề học sinh tự tìm kiếm được trên mạng, qua sách báo,… Từ đó rèn cho mình được kĩ năng đọc, phân tích đề hiều quả để không còn bỡ ngỡ trước những kiểu đề khó, đề mới và có thể xác định được đúng vấn đề cần nghị luận, có được một bài viết chất lượng, đi vào lòng người đọc.
– Song ngoài việc trau dồi, học tập và cải thiện về mặt kĩ năng tìm hiểu, xác lập sao cho có thể xác định chính xác vấn đề nghị luận, học sinh cũng cần không ngừng bồi đắp vốn kiến thức thực tế để không bỡ ngỡ trước những dạng đề mới về những vấn đề của đời sống.
– Có thể thấy để có thể xác định đúng, trúng vấn đề và viết được một bài văn có độ sâu, độ lắng, độ sắc bén trong triển khai và lập luận cần phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức. Để xác định được sâu sắc một vấn đề nghị luận thì cũng rất cần sự kiên trì, tinh thần không ngừng học hỏi, cầu thị để có thể tiến bộ từng ngày và có thể dễ dàng xác định và giải quyết được bất cứ một đề bài nào.

2. Cách khắc phục lỗi về luận điểm
2.1 Không xác lập được luận điểm, nói chung chung, thiếu luận điểm

– Muốn xác lập đúng luận điểm thì phải thường xuyên đặt ra vấn đề: Vì sao? Tại sao? cách hỏi ấy làm hiện lên ý trả lời trong đầu.
Chẳng hạn với vấn đề nhận thức đặt ra trong quan niệm của J.Houston: “Chúng ta sẽ nắm được 10% những gì đọc được, 15% những gì nghe thấy và 80% những gì tự trải nghiệm” thì sau khi giải thích để xác định rằng chúng ta chỉ làm được phần nhỏ những gì mình đọc được, nghe thấy và sẽ nắm được phần lớn những gì sự trải nghiệm”, chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi sau:
– Vì sao chúng ta chỉ tiếp thu được một phần nhỏ những gì đọc được, nghe thấy?
– Vì sao chúng ta sẽ nắm được phần lớn những gì tự trải nghiệm?

Việc suy nghĩ tìm ra câu trả lời sẽ giúp ta tháo gỡ dần để tiếp cận và nắm vững bản chất vấn đề. Với câu hỏi thứ nhất, chúng ta cần thấy rõ những khía cạnh sau:
– Vì mỗi chúng ta đều chỉ có một giới hạn về năng lực, một giới hạn về chuyên môn và một giới hạn về phạm vi hiểu biết nên không phải những gì ta đọc được nghe thấy đều có thể hiểu hết được.
– Vì trong trường hợp đó sự tiếp thu của chúng ta chỉ là tiếp thu một cách gián tiếp qua hiểu biết, nhận thức cách nhìn và cách lý giải của người khác.
– Vì những gì đọc được, nghe thấy mà chưa có sự kiểm nghiệm trong thực tế thì ý nghĩa giá trị của nó chưa thể bộc lộ rõ ràng trọn vẹn.

Với câu hỏi thứ hai, chúng ta cần thấy được những khía cạnh sau:
– Khi trải nghiệm, chúng ta sẽ nắm bắt trực tiếp vấn đề trong ý nghĩa thực tế của nó.
– Khi trải nghiệm, dù thành công hay thất bại ta cũng có được những kinh nghiệm thực tế để giải quyết vấn đề.
– Khi tự trải nghiệm, ta sẽ phải vận dụng toàn bộ năng lực hiểu biết trong quá trình tích lũy trước đó để ứng phó, xử lý những tình huống cụ thể, đó chính là điều kiện để ta nắm bắt nó một cách trọn vẹn hơn.

=> Như vậy khi làm bài văn NLXH thì học sinh cần chú ý đến yêu cầu của đề bài, nhìn nhận vấn đề mà đề bài đặt ra dưới nhiều góc độ để không bị thiếu luận điểm hay luận điểm chung chung. Có như thế bài viết mới sắc sảo và gây được hứng thú cho người đọc.

2.2 Lặp ý, sắp xếp các ý lộn xộn
Để khắc phục lỗi này thì học sinh nên tuân thủ theo các bước của bài văn NLXH thông thường là : Giải thích -> Bình luận chứng minh ý kiến nhận định đó là đúng hay là sai -> rút ra bài học cho bản thân. Như vậy bài văn sẽ tránh được việc lộn xộn, lập luận không có sức thuyết phục.
Còn về lỗi lặp ý, hiện tượng ý sau lặp ý trước, ý trước bao trùm lên ý sau hoặc trình tự các ý lộn xộn dài dòng. Để khắc phục tình trạng trên, các bạn học sinh nên làm dàn ý trước, đề ra những luận điểm, luận cứ cần triển khai trong bài viết.

2.3 Ý không phục vụ cho vấn đề
– Lỗi ý không phục vụ cho vấn đề là do khi viết bài học sinh không chịu đọc kỹ đề, không xác định đúng được các yêu cầu của đề ra, không nắm phương pháp làm bài, hoặc chỉ chăm chăm chú chú học thuộc lòng văn mẫu để đối phó…

– Để tránh trường hợp này, trước hết cần phải đọc đề thật kỹ, sau đó cẩn trọng xác định thật chính xác 3 yêu cầu đề ra:
+ Yêu cầu về nội dung nghị luận. Đây là yêu cầu quan trọng nhất.
+ Yêu cầu về phương pháp – cách thức nghị luận (nghị luận bằng cách nào? Phân tích hay chứng minh …)
+ Yêu cầu về phạm vi nghị luận (trong thực tế cuộc sống, trong văn học,…)

Chốt lại, lỗi về ý căn nguyên chủ yếu là do việc lập dàn ý của HS chưa chu toàn, sửa từ gốc sẽ không gây khó khăn cho HS khi loay hoay chữa lỗi từng bài viết về ý vốn thuộc phần ngọn. Bài viết có thể giới hạn trong số lượng nhất định, song lập dàn ý với HS giỏi cần trở thành công việc hàng tuần, thậm chí hàng ngày, GV kết hợp sửa chéo giữa các HS và sửa trực tiếp cho HS là cách làm tốt nhất để HS không mắc lỗi về ý trong quá trình viết.

3. Cách khắc phục lỗi về dẫn chứng.
– Để có nguồn dẫn chứng phong phú cho mình, học sinh cần phải thu thập bằng cách quan sát xã hội, theo dõi thông tin báo đài, ghi chép và ghi nhớ. Có thể lấy dẫn chứng từ người thật việc thật, từ sách, từ các tác phẩm văn học. Cần chia các nguồn dẫn chứng thành các nhóm đề tài, chủ đề riêng để tiện cho việc sử dụng. Ví dụ: Dẫn chứng về những nhân vật giàu nghị lực sống; những con người có niềm đam mê, có khát vọng lớn; những việc tử tế, những hành dộng nhân đạo trong cộng dồng;…

* Lưu ý: NLXH cần hài hòa dẫn chứng từ văn học và đời sống. Trong đó cần ưu tiên hơn từ đời sống để phù hợp với kiểu bài. Chẳng hạn một bài văn NLXH chỉ cần một hoặc cũng có thể không cần đến dẫn chứng từ văn học, nhưng chúng ta cần hai đến ba dẫn chứng từ đời sống. Bởi văn học dù xuất phát từ hiện thực nhưng vẫn là sản phẩm của hư cấu tưởng tượng.

– Người xưa có câu: “Nói có sách, mách có chứng”. Nay học sinh muốn thuyết phục giám khảo, cần biết cách đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận. Để đưa dẫn chứng vào bài làm hiệu quả, nên áp dụng 3 bước sau:
Bước 1, từ luận điểm đang nghị luận, liên hệ với dẫn chứng tương ứng (dẫn chứng có thể tương đồng hoặc dị biệt).
Bước 2, tái hiện lại dẫn chứng (có kèm phân tích/diễn giải/bàn luận).
Bước 3, chốt ý, bám sát dẫn chứng với luận điểm (dẫn chứng có liên hệ gì với luận điểm, dẫn chứng làm sáng tỏ hơn cho luận điểm điều gì…).

– Dẫn chứng phải có tính thực tế và thuyết phục. Đó thường là các dẫn chứng về những tấm gương tốt, người nổi tiếng, có tài năng, phẩm chất và có đủ sức tác động đến bạn đọc; những việc làm nhân đạo, ý nghĩa, truyền cảm hứng đến cho người tiếp nhận.
VD: vấn đề nghị luận là nghị lực, sự cố gắng bền bỉ không ngừng, vượt lên hoàn cảnh, ta có thể lấy một số dẫn chứng như:

Nhà sáng lập hãng xe Ford – Henry Ford: Trước khi hãng xe Ford có được một cơ ngơi như ngày nay, người sáng lập Henry Ford đã từng lập rồi phá ba công ty. Công ty thứ nhất mang tên Detroit nhưng nhanh chóng phá sản do Henry Ford chỉ tập trung thiết kế xe mà không kinh doanh. Công ty thứ hai mang tên ông chuyên về xe đua, nhưng sau đó chính Henry Ford bị các nhà đầu tư buộc rời khỏi công ty. Doanh nghiệp thứ ba thì bị phá sản do doanh thu đi xuống. Nhưng ông không hề nản hí mà tiếp tục cố gắng và giành được thành công trong sự nghiệp của mình.

Alexander Graham Bell: Khuyết tật: Mắc chứng khó đọc – viết (dyslexia) và không có khả năng học tập (learning disability) Nhưng ông vẫn phát minh ra điện thoại – một phát minh giúp ích rất lớn cho cuộc sống của con người và cũng là một bước tiến trong sự phát triển ngành thông tin liên lạc.

4. Cách khắc phục lỗi về trình bày.
4.1 Bố cục bài viết hợp lí

Dù bài viết ở dạng đề nào thì cũng phải duy trì bố cục 3 phần là mở bài, thân bài, kết luận để làm hài hòa phần hình thức của bài viết, Dù là bài viết của HSG có phá cách, sáng tạo thì vẫn phải đảm bảo bố cục ba phần:

Mở bài: Cần trình bày được vấn đề được đặt ra trong đề ( hiện tượng, tư tưởng nào đó ). Cần có phần dẫn dắt vấn đề đi vào một cách tự nhiên, tránh gò bó, tránh gượng ép gây cảm giác khó chịu cho người đọc, mở đầu phải tạo được ấn tượng cho người đọc.

Thân bài: Được xem như phần xương sống của bài viết, bởi vì nó giải quyết những vấn đề chính của đề bài. Thường phần thân bài sẽ trả lời cho các câu hỏi vấn đề này có ý nghĩa gì? Nó đúng hay sai, tại sao? Vấn đề này thường diễn ra phổ biến trong cuộc sống như thế nào? Cần làm gì để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của nó trong xã hội hiện nay? Bạn cần làm gì để hiện thực hóa nó trong cuộc sống thực tế hiện tại? Đó là một yêu cầu cơ bản trong việc viết một thân bài của dạng bài nghị luận xã hội.
Đối với phần nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống nên lấy nhiều ví dụ minh họa cụ thể ở ngoài đời sống đề làm cho bài viết của bạn thêm sinh động, thuyết phục người đọc hơn.

Kết bài: tuy ngắn nhưng có vai trò quan trọng vì nó khép lại cả vấn đề mà bài viết đang đề cập tới và mở rộng liên tưởng ra những ý kiến cá nhân của bạn về bài viết.

Một số cách để viết đoạn văn đúng, hay:
+ Xác định đoạn văn thuộc phần nào của thân bài (giải thích hay bình luận, chứng minh) để có thao tác lập luận phù hợp.
+ Xác định luận điểm, các ý cần triển khai trong đoạn văn (đã xây dựng ở phần dàn ý) để đi đúng hướng, tránh lan man, xa đề không làm sáng rõ được luận điểm.
+ Mỗi đoạn văn chỉ nên phục vụ một hoặc hai ý chính, tránh việc lẫn lộn, không rõ ý, mất đi tính logic của văn bản.
+ Đảm bảo sự cân bằng: Để tăng tính khoa học cho toàn bài các đoạn văn cần sự cân bằng, không đoạn văn nào quá dài cũng không đoạn văn nào quá ngắn.
+ Diễn đạt trong sáng, hấp dẫn để tăng tính thuyết phục cho đoạn văn
+ Đảm bảo tính liên kết giữa các câu văn trong đoạn, xác định và sắp xếp các luận cứ một cách rõ ràng (diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp).

4.2 Phần mở bài, kết bài.

Để khắc phục các lỗi trong phần mở bài đã nêu trên, chúng ta cần đọc kỹ đề, xác định chính xác vấn đề nghị luận. Đề yêu cầu nghị luận vấn đề gì thì trong mở bài phải đặt ra được vấn đề ấy, nếu vấn đề nằm trong một nhận định thì mở bài cần phải trích nguyên nhận định ấy vào. Mở bài phải nằm tách khỏi thân bài, là một đoạn văn tách biệt, đặt ở đầu bài văn, lùi đầu dòng, chấm xuống dòng đầy đủ. Phần mở bài không được quá dài, nên giới hạn trong một đoạn văn khoảng 10 đến 12 dòng.

Đối với mở bài của học sinh giỏi, yêu cầu đặt ra không chỉ cần đúng, mà còn cần phải hay, sáng tạo, gây ấn tượng đối với người đọc. Học sinh có thể dẫn dắt vào vấn đề nghị luận bằng một ý kiến, một đoạn thơ hay một câu chuyện (ngắn gọn) có sự tương đồng về ý nghĩa với vấn đề nghị luận ấy. Làm sao để phần dẫn dắt liền mạch, ăn khớp với ý kiến nhận định, câu chuyện mà đề bài đưa ra. Ví dụ:

Học sinh cũng cần phải luôn luôn ghi nhớ yêu cầu của mở bài:
– Ngắn gọn, súc tích: Không ít học sinh vì muốn tạo được ấn tượng từ đầu mà đã tốn rất nhiều thời gian vào phần mở bài. Đây là một lỗi cần phải khắc phục vì mở bài NLXH yêu cầu cao sự cô đọng, súc tích bởi nếu quá chú trọng sẽ mất thời gian và nếu quá dài sẽ khiến bị mất ý hoặc lặp ý trong phần thân bài.
– Đầy đủ: Dù mang tính gợi mở nhưng một mở bài đúng là một mở bài phải nêu ra được yêu cầu của đề một cách rõ ràng, chính xác.
– Độc đáo: Phần mở bài phải gây được sự chú ý cho người đọc về vấn đề cần nghị luận bằng cách nêu hoặc có những liên tưởng khác lạ, bất ngờ cho người đọc. Đặc biệt với học sinh giỏi bài viết NLXH yêu cầu cao tính sáng tạo, để gây ấn tượng với người đọc về “chất riêng” của người viết.
– Tự nhiên: Một mở bài hay không đồng nghĩa với sự phức tạp cầu kì. Đa số mở bài gây được cảm tình thường là những mở bài mang tính tự nhiên, gợi mở, gần gũi tạo cảm giác dễ chịu cho người đọc. Do đó, phần mở bài cũng chỉ nên dùng các ngôn từ giản dị, mộc mạc, tránh sáo rỗng, tránh gượng ép. Bởi điều này sẽ gây cho người đọc cảm giác mơ hồ, khó chịu về sự giả tạo.
– Tránh lạc đề: Nếu xác định vấn đề sai dẫn đến việc lạc đề ngay ở mở bài sẽ là một “điểm trừ” lớn, toàn bài có thể không trúng trọng tâm và mất đi cảm tình của người chấm. Bởi vậy một yêu cầu vô cùng quan trọng đó là phải đọc kĩ yêu cầu đề, xác định vấn đề và hướng triển khai một cách rõ ràng.

Khi kết bài học sinh cần thể hiện đúng quan điểm mà bản thân đã trình bày ở phần thân bài. Tùy mục đích nghị luận, người viết có thể sử dụng một trong các cách kết bài sau đây:
– Cách 1: Kết bài mang tính tóm lược, khái quát lại những vấn đề đã nêu ra ở thân bài.
– Cách 2: Mở rộng và phát triển vấn đề theo chiều hướng mới hoặc rộng hơn.
– Cách 3: Vận dụng, nêu phương hướng, bài học phát huy hay khắc phục vấn đề nêu ở thân bài.

4.3 Khắc phục lỗi về đoạn văn, câu văn, ngôn ngữ.

– Để tránh lỗi viết đoạn văn quá dài hoặc quá ngắn, trước tiên học sinh cần hiểu cấu trúc của một đoạn văn và cách viết một đoạn văn hoàn chỉnh, Có nhiều phương pháp viết đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích, tổng – phân – hợp (trong đó phương pháp sử dụng phổ biến là diễn dịch, quy nạp… tổng – phân – hợp là phương pháp đòi hỏi ở người viết phải thật “khéo” để diễn ý “trùng nhưng không lặp”; có nghĩa là diễn tả một nội dung nhưng theo cách nói khác nhau. Một đoạn văn hoàn chỉnh sẽ diễn tả trọn vẹn một ý. Bài viết phải được chia thành những luận điểm. Và mỗi luận cứ của luận điểm đó, học sinh có thể trình bày thành một đoạn văn theo một trong các phương pháp trên. Khi bài viết được chia thành đoạn, mỗi đoạn diễn tả một nội dung trọn vẹn, chắc chắn bài viết của học sinh sẽ ghi điểm trong mắt người đọc, người chấm.
– Đối với các lỗi về ngữ pháp, chính tả, học sinh cần tự mình trau dồi, nâng cao vốn từ vựng tiếng Việt, nắm rõ cách sử dụng ngữ pháp để tránh những lỗi sai đáng tiếc. Bên cạnh đó cũng cần hiểu thấu nghĩa của từ để sử dụng chính xác, hợp lí.
– Giáo viên phải giao bài thường xuyên cho học sinh và yêu cầu các em viết bài nhiều. Khi học sinh viết xong, giáo viên cần chấm kĩ và sửa lỗi, chỉ ra những điểm đã được và chưa được yêu cầu học sinh phát huy và khắc phục, tránh viết nhận xét chung chung. Giáo viên cần dành thời gian và tâm huyết cho việc này.

Việc khắc phục một số lỗi của mỗi người thường được tiến hành thường xuyên và đồng bộ, không thể nay chữa ý mai chữa diễn đạt. Kết quả về sự chuyển biến tiến bộ của mỗi cần được theo dõi sát sao qua các bài viết liền kề. Đôi khi chúng ta cần viết lại chính bài viết, đề bài mình đã được sửa chữa để rèn kỹ năng.
_Chúc các bạn học tốt!_​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top