Bí mật chiến dịch Linebacker II

thich van hoc

Moderator
Thành viên BQT
BÍ MẬT CHIẾN DỊCH LINEBACKER II

Đêm 18.12.1972, Mỹ đã sử dụng "pháo đài bay" chiến lược B 52 mở màn chiến dịch Linebacker II tấn công miền Bắc Việt Nam. Sau 12 ngày đêm, chiến dịch đã kết thúc với những thất bại nặng nề đối với Mỹ. Qua 3 thập kỷ, có những sự thật về chiến dịch này mới được công bố.

Kỳ 1: Phòng thủ và phản công

Việc Mỹ mở chiến dịch Linebacker II tấn công miền Bắc hoàn toàn không có sự bất ngờ nào với ta. Năm 1964, ngay từ khi Mỹ bắt đầu sử dụng pháo đài bay B.52 trên chiến trường miền Nam, ta đã bắt đầu nghiên cứu, đánh giá tình hình và kết luận rằng Mỹ sẽ sử dụng loại vũ khí chiến lược này để tấn công miền Bắc trong những thời điểm lịch sử. Năm 1965, Bác Hồ đã nhận định rằng không sớm thì muộn Mỹ cũng sẽ tấn công Hà Nội bằng B.52 và đây sẽ là trận đánh cuối cùng quyết định sự thua trận của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Pháo đài bay B.52 là loại máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ, đã được đưa vào sử dụng từ năm 1952, B.52 có thể sử dụng trong 4 dạng chiến tranh như: chiến tranh hạt nhân chiến lược, hạt nhân chiến trường, chiến tranh thông thường và chiến tranh cục bộ. Đây là loại máy bay ưu việt, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bay và ném bom thẳng đứng từ độ cao mắt thường không thể nhìn thấy được (9.000m - 15.000m), có thể mang được 30 tấn bom (B.52D), được bảo vệ tối đa bằng nhiều tốp máy bay chiến thuật F.4, F.111 trong mỗi chuyến oanh tạc.

Trước tình hình này, tháng 5.1966, theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu của ta, Quân chủng Phòng không - Không quân đã bố trí nhiều đoàn công tác đặc biệt và một trung đoàn tên lửa cơ động phục kích tại chiến trường Vĩnh Linh để nghiên cứu quy luật hoạt động, cách bố trí đội hình, các tốp máy bay tiêm kích bảo vệ… để tìm ra phương thức đánh B.52. Những tổng kết sơ bộ ban đầu này được xử lý báo cáo ngay về Hà Nội để các đơn vị liên quan nghiên cứu, luyện tập và lập phương án đối phó. Đầu năm 1967, ta được biết Mỹ đã nâng cấp sân bay quân sự U - Tapao (Thái Lan) để phục vụ B.52, đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy Mỹ sẽ sử dụng B.52 để tấn công miền Bắc trong thời gian tới.

Tháng 2.1968, trong khi quân dân miền Nam đang dồn sức mở cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân thì Quân chủng Phòng không - Không quân đã bắt đầu xây dựng kế hoạch tác chiến chống cuộc không kích bằng B.52 của Mỹ vào Hà Nội dựa trên cơ sở báo cáo kinh nghiệm của đoàn công tác tại Vĩnh Linh mang ra. Tháng 1.1969, ta đã hoàn thành bản "Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B.52" và tổ chức triển khai tại các đơn vị chiến đấu. Sau đó, nhiều trung đoàn tên lửa và phân đội máy bay tiêm kích đã được bố trí chiến đấu tại Quân khu 4 để tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh bản dự thảo. Tháng 9.1972, bản Kế hoạch đánh B.52 của Quân chủng Phòng không - Không quân đã được cơ bản hoàn chỉnh với yêu cầu cao nhất là chủ động đánh bại bằng được các cuộc không kích của Mỹ (kể cả B.52) vào Hà Nội, Hải Phòng.

Trong thời gian này, Mỹ đã bắt đầu sử dụng B.52 đánh phá miền Bắc với quy mô và tần số mỗi ngày một khốc liệt hơn từ năm 1966. Theo cuốn The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam, xuất bản tại Mỹ năm 1989) thì đến tháng 6.1969, đã có tới 5.567 lượt máy bay B.52 thường xuyên đánh phá tuyến đường mòn Hồ Chí Minh ở Nam Lào, tăng gần 1.200 lượt so với năm 1968. Còn theo thống kê của ta thì trong thời gian từ tháng 10.1969 đến tháng 1.1970, 672 lượt máy bay B.52 đã ném khoảng 72.000 quả bom xuống các tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, trung bình mỗi ngày người Mỹ phải bỏ ra khoảng 1 triệu USD tiêu tốn cho các cuộc không kích bằng B.52 tại Việt Nam. Ngày 16.4.1972, Mỹ đã sử dụng 20 lượt B.52 và 170 lượt máy bay cường kích rải thảm, ném hàng trăm tấn bom tàn phá phân nửa thành phố Hải Phòng mà không hề có sự tổn thất nào với B.52. Do vậy, nhiều quan chức quân sự Mỹ cho rằng nếu sử dụng B.52, người Mỹ có thể đánh bại mọi kháng cự của quân dân Việt Nam trong cuộc chiến này.

Đến tháng 11.1972, tình hình chiến trường miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ tại miền Bắc càng trở nên khốc liệt hơn với những hành động phiêu lưu quân sự mới của Tổng thống Mỹ R.Nixon. Trong tháng này, Mỹ đã đưa vào miền Nam hơn 600 máy bay, số phi vụ B.52 ném bom miền Bắc tăng lên 786 lượt (so với 366 lượt vào tháng 9.1972). Do vậy, sau khi phân tích tổng hợp tình hình này với những nguồn tin khác từ các chiến trường, Bộ Tổng tham mưu đã triển khai kế hoạch tác chiến chuẩn bị đánh trả các cuộc không kích mới sử dụng B.52 của Mỹ để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và những thành phố khác.

Theo tạp chí Air Force (Mỹ) thì đến thời điểm này, miền Bắc đã tích cực xây dựng và củng cố lực lượng phòng không, không quân với khoảng 180 máy bay MiG, 2.300 tên lửa đất đối không (SAM) do Liên Xô cung cấp và có một hệ thống pháo phòng không hết sức dày đặc. Còn theo số liệu của Bộ Quốc phòng thì ta đã bố trí một hệ thống phòng không mạnh gồm sư đoàn phòng không 361 gồm 2 trung đoàn tên lửa và 5 trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội và tăng cường trung đoàn tên lửa 274 từ chiến trường ra. Sư đoàn phòng không 363 gồm 2 trung đoàn tên lửa và 2 trung đoàn pháo cao xạ có nhiệm vụ bảo vệ Hải Phòng, sư đoàn phòng không 365 có nhiệm vụ bảo vệ các tuyến vận tải từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào. Lực lượng không quân gồm các trung đoàn 921, 923 và 927 được giao nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Thủ đô. Bên cạnh đó, các trạm ra đa cũng được bố trí thành một mạng lưới liên hoàn tại nhiều địa điểm địch không thể ngờ tới đảm bảo phát hiện được máy bay Mỹ từ xa. Hà Nội cũng bố trí thêm 8 đại đội pháo cao xạ 100, 550 súng máy cao xạ và hơn 700 súng trung liên, đại liên trên sân thượng các nhà cao tầng tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ.

Đêm 22.11.1972, trung đoàn tên lửa 263 tại Nghệ An đã phóng 4 tên lửa, diệt 2 máy bay B.52 của Mỹ. Thắng lợi này đã khẳng định phương pháp nghiên cứu, tiếp cận và cách đánh B.52 ban đầu của ta đã có hiệu quả. Kinh nghiệm của trung đoàn 263 đã được đánh giá, tổng kết ngay lập tức để phổ biến đến các đơn vị chiến đấu. Ngày 24.11, bản Kế hoạch đánh trả B.52 của Quân chủng Phòng không - Không quân đã được chính thức thông qua lần cuối sau nhiều lần được bổ sung, hoàn chỉnh. Ngay sau đó, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị Quân chủng Phòng không - Không quân phải chuẩn bị xong mọi điều kiện về vật chất, tinh thần để sẵn sàng chiến đấu kể từ 3.12.1972. Đây cũng chính là thời điểm đồng chí Lê Đức Thọ sẽ lên đường đi Paris gặp cố vấn Mỹ H.Kissinger để tìm cách tháo gỡ những bất đồng giữa ta và Mỹ trong việc ký kết Hiệp định Paris. Đồng thời, nhân dân Thủ đô cũng được lệnh sơ tán khỏi các khu vực trọng điểm mà máy bay Mỹ có thể đánh phá. Sau 6 năm chuẩn bị, Hà Nội và miền Bắc đã sẵn sàng chống trả cuộc không kích khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại của người Mỹ tại Việt Nam.

Theo TNO
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Tháng 12.1972, Hiệp định Paris đã không được ký kết như dự định giữa ta và Mỹ. Chiến dịch Linebacker đã được người Mỹ coi như giải pháp quân sự khả thi nhất để ép Việt Nam quay trở lại bàn đàm phán.

* Kỳ 2: Đêm trước của lịch sử

Ngày 12.10.1972, đồng chí Lê Đức Thọ và cố vấn H.Kissinger đã thống nhất được bản dự thảo Hiệp định Paris gồm 9 chương với những nội dung cơ bản là các bên tham chiến ngừng bắn tại chỗ, quân đội Mỹ và đồng minh rút về nước, tiến hành trao trả tù binh trong vòng 60 ngày và khẳng định Việt Nam là một quốc gia đang trong tình trạng bị chia cắt tạm thời. Theo đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được tồn tại trong một giải pháp hòa bình. Ngày 8.10, hai bên đã thống nhất là sẽ ký tắt Hiệp định ngày 22.10. Từ Washington D.C, Tổng thống Nixon tuyên bố thêm để khẳng định rằng: "Hiệp định hiện nay được coi như đã hoàn chỉnh. Có thể tin rằng chúng tôi sẽ ký hiệp định vào ngày 31.10". Mỹ và Việt Nam còn thống nhất kế hoạch cố vấn Kissinger sẽ đến Hà Nội để hoàn tất những thủ tục cuối cùng cho việc ký kết Hiệp định Paris trong tuần tiếp theo.

Tuy nhiên, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã kịch liệt phản đối bản dự thảo trên của hiệp định. Ngày 23.10, Thiệu tuyên bố rằng bản dự thảo trên là sự "bán đứng" quyền lợi VNCH của Mỹ nhằm đưa được tù binh Mỹ về nước và yêu cầu quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải rút về miền Bắc, thiết lập vùng phi quân sự làm biên giới giữa hai miền. Thiệu còn tuyên bố trên đài phát thanh rằng: "Bắc Việt Nam là Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam là Nam Việt Nam. Mọi người phải chấp nhận thực tế là tồn tại hai nước Việt Nam, không bên nào được xâm lược bên nào". Nhận được tin về phản ứng của Thiệu, Kissinger đã đến Sài Gòn chuyển lá thư đề ngày 16.10.1972 của Nixon cho Thiệu với nội dung thông báo tình hình Hiệp định Paris và ngầm dọa thêm rằng: "Trong bối cảnh này, tôi khuyên ngài hãy tìm mọi cách không để phát sinh bầu không khí có thể dẫn đến những sự kiện như năm 1963" (năm xảy ra cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm). Tuy nhiên, Thiệu vẫn ngoan cố: "Chúng tôi đã thông báo với ngài rằng chúng tôi không thay đổi lập trường của chúng tôi đối với vấn đề rút quân". Ngày 18.10, thông điệp tiếp theo mà Nixon chuyển tiếp đến cho Thiệu với những lời lẽ gay gắt hơn nhưng cũng không có tác động nào đáng kể. Đến ngày 23.11, Tổng thống R.Nixon đã chuyển đến bức thư cuối cùng tỏ rõ thái độ của Washington với chính quyền Sài Gòn về Hiệp định Paris: "Bất kỳ một sự trì hoãn nào từ phía các ngài chỉ có thể giải thích như là một mưu toan ngăn chặn hiệp định. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực hậu thuẫn tiếp theo của chúng tôi đối với ngài và chính phủ VNCH".

Ngày 25.10, nhận thấy khả năng Mỹ sẽ không ký hiệp định như đã thỏa thuận, Chính phủ ta đã cho công bố công khai nội dung tóm tắt của dự thảo mà hai bên đã thỏa thuận với mục đích yêu cầu Mỹ giữ cam kết, không vì sự phản đối của Thiệu mà đi ngược lại những điều hai bên đã thống nhất. Ngày 26.10, sau khi ta công bố dự thảo hiệp định, Kissinger đã tổ chức một cuộc họp báo tại Washington DC tuyên bố rằng: "Thứ nhất, chúng ta khẳng định với Hà Nội rằng chúng ta sẽ giữ nguyên những điều khoản của bản hiệp định ban đầu, đồng thời bỏ ngỏ khả năng đề nghị thay đổi của Sài Gòn. Thứ hai, chúng ta muốn chuyển đến Sài Gòn thông điệp rằng chúng ta đã quyết định sẽ thực hiện đúng lộ trình ký kết hiệp định". Trong buổi họp báo lịch sử này, Kissinger còn tuyên bố một câu nổi tiếng: "Hòa bình đã nằm trong tầm tay". Chính tuyên bố này của Kisinger đã góp phần đưa đến nhiệm kỳ tổng thống lần 2 cho Tổng thống R.Nixon trước ứng cử viên ngang ngửa của đảng Dân chủ G.Mc Govern trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11.1972.

Ngày 3.12, ngay khi đoàn ta lên đường đến Paris để tiếp tục vòng đàm phán, nhân dân thủ đô Hà Nội đã được lệnh sơ tán. Ta đã có những dự báo chính xác về thái độ của Mỹ trong những ngày đàm phán sắp tới và khả năng của một cuộc không kích ác liệt khó có thể tránh khỏi tới đây. Trước đó, trong tháng 11.1972, Bộ Chính trị cũng đã ra nghị quyết khẳng định rằng Nixon sẽ tăng cường các hoạt động quân sự sau khi tái đắc cử tổng thống vì khi đó Nixon không còn chịu những ràng buộc về chính trị như trong thời kỳ vận động bầu cử trước đây.

Ngày 7.11.1972, ngay sau khi Tổng thống R.Nixon đắc cử lần 2, Hiệp định Paris vẫn không được ký kết như tuyên bố ngày 26.10 của Kissinger. Công chúng Mỹ đã cảm thấy bị lừa ngay sau khi cuộc bầu cử tổng thống vừa kết thúc, Thượng viện Mỹ đã tính đến dự định cắt giảm ngân sách chiến tranh trong phiên họp tháng 1.1973 sau khi tù binh Mỹ được trao trả. Trong khi đó, từ Paris Kissinger điện về cho Nixon với 2 phương án để giải quyết bế tắc hiện nay: Phương án thứ nhất, Mỹ có thể đưa ra những yêu cầu tối thiểu với Hà Nội, những yêu cầu này có thể ít hơn so với đòi hỏi của Thiệu. Do vậy, Mỹ có thể mạo hiểm cắt đứt quan hệ với Thiệu nếu Hà Nội chấp nhận. Phương án thứ hai, tìm cách kích động để Hà Nội bỏ cuộc đàm phán bằng cách đưa ra những yêu cầu mà họ không bao giờ chịu chấp nhận, tiếp đó sẽ đánh bom cho đến khi Hà Nội buộc phải trao trả tù binh để đổi lấy việc rút quân đội Mỹ khỏi Nam Việt Nam.

Ngày 13.12, đàm phán giữa ta và Mỹ bị ngưng lại khi hai bên không thỏa thuận được vấn đề khu phi quân sự và vấn kề ký kết các văn bản pháp lý của hiệp định. Về thực chất, phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán biết rõ mười mươi rằng ta sẽ không chấp nhận những yêu sách ngang ngược của VNCH nhưng vẫn đưa ra. Đây chính là một cái cớ tốt nhất để Mỹ đổ lỗi cho phía ta thiếu thiện chí, gây ra đổ vỡ trong quá trình đàm phán hiệp định để Mỹ đưa B.52 ném bom Hà Nội. Ngày 14.12, Tổng thống Nixon triệu hồi Kissinger về nước và Kissinger đã nói với viên đại sứ VNCH tham gia cuộc đàm phán trước khi lên máy bay về Mỹ rằng: "Tôi sắp làm một bi kịch".

Sau khi nghe báo cáo trực tiếp của Kissinger, Nixon đã ra "tối hậu thư" yêu cầu ta trong 72 giờ phải quay trở lại đàm phán, ký kết Hiệp định Paris theo những điều khoản mới của Mỹ, nếu không, Mỹ sẽ ném bom hủy diệt miền Bắc. Kịch bản do Kissinger dựng lên đã được Tổng thống Nixon triển khai. Ngay sau khi gửi thông điệp này cho ta, Nixon đã chỉ thị cho Đô đốc hải quân Thomas Moorer, trưởng ban tác chiến: "Tôi không muốn bị một tai tiếng nào về chuyện ta đánh trật mục tiêu này hay mục tiêu nọ. Đây là cơ hội để ông sử dụng sức mạnh quân sự một cách hiệu quả để giành thắng lợi. Nếu thất bại, tôi sẽ xem xét trách nhiệm của ông". Người Mỹ đã quyết định mang bom B.52 đặt lên bàn đàm phán Hiệp định Paris.


Theo TNO
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Chiến dịch Linebacker II là kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu của Tổng thống R.Nixon, cố vấn H.Kissinger và chính phủ Mỹ.

Kỳ 3: Người mang "bom" đến Paris

Trong những ngày cuối cùng trước khi đưa B.52 mang bom tàn phá Hà Nội, Tổng thống Nixon đã yêu cầu Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Ellsworth Bunker và Cố vấn an ninh H.Kissinger liên tục chuyển những thông điệp yêu cầu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu phải chấp nhận những điều khoản của dự thảo Hiệp định tháng 10.1972. Những động thái này của Nixon nhằm cho thế giới thấy rằng Nhà Trắng rất có thiện chí với Hiệp định, thậm chí đã phải ép Sài Gòn ký kết Hiệp định và nếu có "chuyện gì" sau này thì đó là do lỗi của phía Sài Gòn và Hà Nội. Trên thực tế, chiến dịch Linebacker đã được chuẩn bị trong nhiều tháng trước đó.

Ngày 1.5.1972, sau khi nghe tin thị xã Quảng Trị thất thủ, Tổng thống Nixon đã có cuộc hội đàm gấp với Kissinger và tướng A.Haig để bàn về những biện pháp quân sự đáp trả Hà Nội nhằm cứu nguy cho quân đội VNCH đang tháo chạy ở miền Trung. Trong cuộc họp này đã có ba giải pháp được đưa ra, gồm việc ném bom, phong tỏa miền Bắc, phá vỡ các đê điều hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Cuối cùng, Nixon và Kissinger thống nhất với kế hoạch sẽ mở rộng ném bom miền Bắc và trước mắt là phá hủy toàn bộ Hải Phòng. Thậm chí, Nixon còn tuyên bố: "Sau cuộc bầu cử, tôi sẽ có những hành động dữ dội. Tôi sẽ ném bom và phong tỏa chúng". Đến ngày 9.5.1972, Tổng thống Nixon đã ra lệnh triển khai chiến dịch Linebacker (sau này được gọi là Linebachker I) để leo thang, ném bom phá hoại miền Bắc. Mục tiêu chính trong các trận oanh tạc của chiến dịch này là nhằm phá hoại hệ thống hậu cần và gây sức ép tâm lý với miền Bắc.

Trước khi người dân Mỹ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 38, ông Lê Đức Thọ đã có báo cáo gửi Bộ Chính trị nhấn mạnh rằng nhiều khả năng Nixon sẽ trúng cử nhiệm kỳ 2, nếu vậy, sẽ có rất nhiều khó khăn với tiến trình đàm phán Hiệp định Paris của ta. Ngày 7.11.1972, Nixon tái đắc cử tổng thống, nhưng tình hình nước Mỹ lại rất không thuận lợi: Thượng viện đã gây sức ép Nixon phải kết thúc sớm cuộc chiến tranh Việt Nam vì vấn đề ngân sách. Phe Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội đều nhận thức được chính quyền Sài Gòn là trở ngại chính đối với việc ký kết Hiệp định giữa Mỹ và ta. Tình hình hết sức khó khăn vì thái độ của Thiệu, nhưng nếu Mỹ "phớt lờ" Thiệu để ký Hiệp định với ta thì phái diều hâu trong các cơ quan hoạch định chính sách sẽ khó lòng chấp nhận chuyện này, các nước đồng minh khác sẽ nhìn nhận đây là một "sự phản bội" của Mỹ với đồng minh, ảnh hưởng xấu đến vai trò của Mỹ. Do vậy, giải pháp xem xét lại Hiệp định tháng 10 sẽ là một lựa chọn hợp lý với Nixon bởi điều này vừa xoa dịu được phản đối của Thiệu, thanh minh với nhân dân Mỹ về việc đã bỏ những thỏa thuận với Hà Nội. Đây cũng là một cái cớ hợp lý để Nixon thực hiện lời đe dọa với miền Bắc hồi tháng 4.1972 rằng: "Chúng ta sẽ không vừa rút ra vừa khóc thầm. Chúng ta sẽ làm nổ tan tành quân khốn kiếp".

Sau khi Nixon tái đắc cử, ta và Mỹ đã có kế hoạch sẽ tiếp tục tiến hành đàm phán Hiệp định Paris phán tiếp vào 3 vòng: vòng 1 từ 20.11 - 25.11.1972, vòng 2 từ 4.12 - 13.12 và vòng cuối từ 1.1 - 8.1.1973. Trong vòng đàm phán đầu, phía Mỹ đưa ra những yêu cầu trái ngược với bản dự thảo Hiệp định tháng 10, đó là yêu cầu miền Bắc rút quân đội, không có điều khoản về phóng thích tù nhân và bỏ điều khoản về một chính phủ 3 thành phần. Đây là những điều mà ta không thể chấp nhận. Thậm chí trong vòng đàm phán lần 2 này, trên danh nghĩa gửi thư cho Kissinger, Nixon đã gửi một thông điệp cho phái đoàn ta tại Paris với những lời lẽ đe dọa về một cuộc oanh tạc dữ dội sắp tới nếu ta không đồng ý: "Tôi sẽ chỉ thị cho ông làm gián đoạn các cuộc đàm phán và chúng ta sẽ phải tiến hành các hoạt động quân sự trở lại cho tới khi nào phía bên kia sẵn sàng đàm phán". Đây là một hành động hiếm khi xảy ra trong các cuộc đàm phán quốc tế - đàm phán là đàm phán, không có đe dọa trong khi đàm phán.
Tại vòng đàm phán tháng 12.1972, cho đến thời điểm này, một số quan chức Mỹ vẫn cho rằng phái đoàn đại diện ta tại Paris đã bỏ vòng đàm phán này khi bất đồng giữa hai bên không giải quyết được; hoặc như Kissinger nói, Bắc Việt đã "không khoan nhượng", cố tình trì hoãn đàm phán để chia rẽ Washington với Sài Gòn và tìm kiếm sự ủng hộ từ phiên họp đầu tháng 1 của Thượng viện Mỹ? Nhưng theo cuốn Hồ sơ chiến tranh Việt Nam của nhà báo Mỹ J.Kimball thì thực tế không phải như vậy: Tại vòng đàm phán lần 2, hai bên đã đạt được tiến bộ nhiều hơn so với lần đàm phán trước và chỉ còn vướng mắc bởi hai vấn đề là việc ký kết các văn bản và khu phi quân sự. Tuy nhiên, Kissinger và Nixon vẫn âm thầm tìm cách để phá vỡ vòng đàm phán này để đổ lỗi cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến ngày 12.12, ông Lê Đức Thọ thông báo cho phía đoàn Mỹ biết rằng ông sẽ về Hà Nội để báo cáo và xin phép ý kiến của Bộ Chính trị. Ngày 13.12, Kissinger đề nghị tạm ngưng vòng đàm phán này cho đến sau lễ Noel. Trước khi về Hà Nội, ông Lê Đức Thọ đã nói với Kissinger rằng Hà Nội và Washington nên trao đổi thêm và tỏ ý tin tưởng rằng hai bên sẽ thu xếp ổn thỏa những vấn đề còn lại.

Ngay khi vòng đàm phán lần 2 bị tạm ngưng, trong bức điện mật gửi từ Paris về cho Nixon, Kissinger lại đề nghị giải quyết vấn đề Hiệp định theo 2 con đường. Con đường thứ nhất là sẽ "chuyển sang chơi cứng rắn" với Hà Nội và tăng cường gây sức ép rất lớn bằng ném bom và các biện pháp khác. Con đường thứ hai là tiếp tục duy trì quan hệ "bề ngoài" với Hà Nội như hiện nay, tuy nhiên nếu tới vòng đàm phán tới, Hà Nội vẫn không chấp nhận những yêu cầu của Mỹ thì sẽ chuyển sang "chơi cứng rắn". Nixon đã quyết định đi theo con đường thứ nhất với phương án tấn công quân sự Hà Nội bằng chiến dịch Linebacker II.

Lúc đầu, Kissinger đề xuất chỉ nên leo thang ném bom dưới vĩ tuyến 20, tuy nhiên Nixon, được sự cổ vũ của tướng A.Haig, đã quyết định oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng vì cho rằng: "Nếu chúng ta muốn tiến lên thì phải có một động thái quan trọng". Tổng thống Nixon còn chỉ trích Kissinger vì đề xuất có vẻ "mềm yếu" này và vị cố vấn an ninh đặc biệt Kissinger đã nhanh chóng quay lại ủng hộ chiến dịch không quân tàn phá Hà Nội. Chiều ngày 15.12.1972, tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Tổng thống Nixon cùng Kissinger và một số nhân vật đặc biệt quan trọng khác đã quyết định thời điểm mở chiến dịch Linebacker II để rồi chuốc lấy một thất bại không thể nào quên trong lịch sử các cuộc chiến tranh của nước Mỹ.

Theo TNO*



 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ đêm 18.12 đến ngày 29.12.1972, cả thế giới chứng kiến cuộc không kích khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại khi Mỹ sử dụng pháo đài bay chiến lược B.52 ném bom hủy diệt Hà Nội.

Lúc 18 giờ 30 phút ngày 18.12.1972, 67 chiếc B.52 Mỹ xuất kích từ đảo Guam với khoảng 100 máy bay chiến thuật hộ tống đã bay theo thế trận “hành khúc chân voi” trên một vùng trời dài khoảng 100 km, rầm rập nhằm Hà Nội thẳng tiến. Đại đội ra-đa 16 (Trung đoàn 291) tại Nghệ An đã kịp thời phát hiện khi tốp máy bay này đang chuyển hướng bay dọc sông Mê Kông lên phía Bắc để quay về Hà Nội. Đến 19 giờ 15 phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã phát lệnh báo động trên toàn miền Bắc. Lúc 19 giờ 40 phút, B.52 Mỹ đã bắt đầu trút hàng tấn bom xuống Hà Nội. Trong đêm 18.12, cả Hà Nội rung chuyển, rực cháy bởi bom Mỹ và pháo phòng không, tên lửa của ta. Theo tài liệu của quân chủng Phòng không - Không quân, trong đêm đầu tiên này, Mỹ đã huy động 90 lượt máy bay B.52 và 135 lượt máy bay chiến thuật đánh liên tiếp vào các sân bay xung quanh Hà Nội, một số khu vực trọng yếu khác. Đồng thời, Mỹ đã huy động 28 lượt máy bay hải quân đánh phá Hải Phòng.

45265075-10a.jpg

B.52 (trên) và máy bay tiếp dầu KC-135 tại căn cứ U-Tapao, Thái Lan - Ảnh: USAF

Do đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, ta đã tổ chức đánh B.52 một cách bài bản với lực lượng không quân đánh chặn vòng ngoài, lực lượng pháo cao xạ và lưới lửa tự vệ đánh dạt các lớp máy bay chiến thuật tạo điều kiện để bộ đội ra-đa, tên lửa tìm diệt B.52. Vào hồi 20 giờ 13 phút, chiếc máy bay B.52 đầu tiên đã bị bắn rơi tại cánh đồng xã Phù Lỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) bởi chiến công của Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261). Rạng sáng ngày 19.12, vào lúc 4 giờ 39 phút, Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257) tại Thanh Oai (Hà Tây) đã bắn rơi chiếc B.52 thứ hai. Cùng ngày, Tiểu đoàn 52 (Trung đoàn 267) cũng bắn rơi thêm một B.52 trên đường về căn cứ U - Tapao. Sau hai ngày đầu đánh trả cuộc không kích của Mỹ, ta đã gấp rút tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Theo số liệu được tập hợp từ báo cáo của các đơn vị chiến đấu thì ta đã bắn rơi được 5 máy bay B.52. Tuy nhiên, ta đánh giá hiệu quả chiến đấu chưa cao, các đơn vị chiến đấu chưa có kinh nghiệm trong việc đối phó với những cuộc không kích khủng khiếp về cường độ lẫn quy mô như vậy. Đồng thời, đạn dược đã bị hao hụt nhiều, đặc biệt là tên lửa. Trước đó, bộ đội tên lửa đã được chuẩn bị đến mức tối đa về cơ số đạn được 92 (2 cơ số đạn với 1 tiểu đoàn tên lửa), hệ số kỹ thuật được đảm bảo tuyệt đối 100%. Tuy nhiên, chỉ qua đêm 18.12, đã có những báo cáo về nguy cơ thiếu tên lửa và nếu tình trạng sử dụng tên lửa như thế này tiếp diễn thì sẽ khó đảm bảo cho việc đánh trả B.52 trong những ngày tới nếu Mỹ vẫn không kích Hà Nội với quy mô như vừa qua. Do vậy, các đơn vị đã được lệnh “Giữ đạn đánh B52”, thế nhưng tình trạng khan hiếm đạn vẫn xảy ra ở nhiều nơi, có đơn vị đã phải bắn đến quả tên lửa cuối cùng. Do vậy, các phân xưởng lắp ráp tên lửa đã được vận hành tối đa, các loại tên lửa hư hỏng đã được lệnh phải tìm cách sửa chữa, phục hồi để có thể vươn lên bầu trời Hà Nội đáp trả B.52. Đồng thời, ta đã gấp rút chuyển phần lớn số tên lửa đang dự trữ tại Thanh Hóa, điều thêm 2 tiểu đoàn tên lửa từ Hải Phòng và 3 tiểu đoàn thuộc trung đoàn tên lửa 274 từ Quảng Trị về chi viện cho Hà Nội. Đến ngày 26.12, vấn đề thiếu tên lửa đã được giải quyết cơ bản.
Đêm 20.12, không quân ta đã xuất kích đánh vào đội hình máy bay chiến thuật của Mỹ, tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa tiêu diệt B.52. Đêm thứ ba này đã trở thành một đêm kinh hoàng với các phi công B.52 Mỹ khi có tới 5 chiếc B.52 bị tên lửa ta tiêu diệt. Đến rạng sáng ngày 21.12, bộ đội tên lửa còn lập thêm một chiến công nữa khi diệt được thêm một máy bay B.52, đưa tổng số máy bay B.52 bị bắn rơi trong đêm lên tới 6 chiếc (có 5 chiếc rơi tại chỗ) bằng 35 tên lửa, bắt sống 12 phi công Mỹ. Như vậy, trong 4 ngày đầu, ta đã tiêu diệt 12 máy bay B.52 của Mỹ, điều này đã khiến chiến dịch Linebacker II đã được điều chỉnh kéo dài thêm so với 3 ngày như kế hoạch ban đầu của Mỹ. Từ đêm 22.12, sau khi kế hoạch không kích Hà Nội, Hải Phòng được điều chỉnh, tần suất và cường độ tấn công của máy bay B.52 và máy bay chiến thuật Mỹ có dấu hiệu giảm sút. Sau này ta mới biết rằng Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ (SAC) vẫn ra lệnh cho các phi công tiếp tục oanh kích Hà Nội như trước, nhưng các phi công B.52 đã tìm mọi cách lảng tránh Hà Nội sau khi nếm trải sức kháng cự mãnh liệt của quân dân ta. Ngay sau chiến thắng đêm 20 rạng ngày 21 của ta, hãng thông tấn AP (Mỹ) đã bình luận: “Nếu cứ theo đà này thì máy bay B.52 của Mỹ sẽ bị diệt chủng”, còn các tướng lĩnh Mỹ chỉ huy chiến dịch này ở căn sứ Offut (Nebraska) cũng phải thừa nhận rằng trong 2 tuần lễ nữa Mỹ sẽ không còn một chiếc máy bay B.52 nếu tiếp tục đưa B.52 vào “nướng” tại miền Bắc theo kiểu này.

Trước trận thắng giòn giã đêm 21.12, ta đã tổ chức đánh giá lại kết quả chiến đấu trong 3 ngày đầu và nhận định về phương thức đánh sắp tới của Mỹ. Theo đó, Bộ Tổng tham mưu đồng ý với nhận định rằng sau khi bị mất nhiều B.52, Mỹ sẽ thay đổi cách đánh và mục tiêu sắp tới của các phi công Mỹ sẽ là những trận địa tên lửa của ta. Do vậy, ta đã đưa thêm 2 tiểu đoàn pháo cao xạ từ Thanh Hóa và 2 trung đoàn pháo cao xạ từ Hải Phòng về Hà Nội để tăng cường bảo vệ bộ đội tên lửa. Đến ngày 21.12, Hà Nội đã có 7 trung đoàn pháo cao xạ. Đồng thời, các phân xưởng sửa chữa vũ khí, khí tài tên lửa đã được bố trí ngay sát trận địa để phục vụ kịp thời mọi tình huống. Tuy nhiên, sau đêm 21.12, số lượt B.52 tấn công Hà Nội đã giảm sút nhiều, chúng chỉ đánh mỗi đêm 1 lượt với mỗi đợt từ 24 đến 33 máy bay B.52. Tiếp đó, đêm 24.12, bộ đội pháo cao xạ đã bắn rơi 1 máy bay B.52, nâng số máy bay B.52 bị bắn hạ trong 6 ngày đầu là 17 chiếc, 5 máy bay F.111 và 24 máy bay khác.

Đêm 26.12, sau khi điều chỉnh lại chiến thuật tấn công, Mỹ tổ chức một đợt không kích rầm rộ không kém đêm đầu tiên với số lượng máy bay B.52 được huy động lên tới 129 chiếc, đánh dồn dập mỗi mục tiêu từ ba hướng khác nhau (khác với đánh từ một hướng như trước kia). Đây là trận quyết chiến quyết định số phận của chiến dịch Linebacker II. Bom Mỹ đã hủy diệt phố Khâm Thiên, khu Tương Mai, Mai Hương, Bệnh viện Bạch Mai... Tuy nhiên, Mỹ đã phải trả giá đắt cho những tội ác của họ với đồng bào thủ đô khi 18 máy bay bị bắn hạ, trong đó có 8 chiếc B.52. Sau đó, hàng đêm Mỹ chỉ tổ chức khoảng 50 lượt B.52 không kích Hà Nội. Trong các ngày 27, 28 và 29.12, bộ đội không quân đã bắn rơi 2 máy bay B.52 (một chiếc do Anh hùng Phạm Tuân bắn đêm 27.12), đây là những trường hợp đầu tiên trên thế giới máy bay B.52 bị bắn hạ bởi lực lượng không quân. Đồng thời, bộ đội tên lửa cũng bắn rơi thêm 5 chiếc B.52.

Vào lúc 7 giờ ngày 30.12.1972, Chính phủ Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra, đề nghị gặp lại đại diện của chính phủ ta tại Paris để bàn tiếp về việc ký Hiệp định. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch Linebacker II, Mỹ đã đưa 663 lượt B.52 tấn công miền Bắc, 3.920 lượt máy bay chiến thuật, rải khoảng 10 vạn tấn bom (riêng Hà Nội chịu khoảng 4 vạn tấn). Quân dân ta đã diệt được 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B.52, 5 chiếc F.111, bắt 43 phi công Mỹ (có 33 phi công B.52), kết thúc trận “Điện Biên Phủ trên không” như lời bình của thế giới. Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về lập lại hòa bình tại Việt Nam đã được ký kết với những điều khoản như bản dự thảo tháng 10.1972. Sau này, có chuyện rằng trong một chuyến đến thăm Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Hà Nội vào năm 1973, sau khi được nghe người hướng dẫn dịch sang tiếng Anh bài thơ chữ Hán Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Kissinger đã buông lời nhận xét: “Đây chính là Điều 1 của Hiệp định Paris”.

Theo TNO*
 
Trong chiến dịch Linebacker, Mỹ đã đặt toàn bộ hy vọng vào sức mạnh hủy diệt của B.52. Đây là một trong những sai lầm dẫn đến thất bại thảm hại.

Chiến thuật

Máy bay chiến lược B.52 ra đời là nhằm phục vụ các cuộc chiến tranh có quy mô lớn với những đối thủ ngang ngửa của Mỹ là Liên Xô, Trung Quốc. Trong trường hợp đó, B.52 sẽ có nhiệm vụ ném bom hạt nhân để tiêu diệt đối thủ. Tuy nhiên, trước những bế tắc trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã quyết định sử dụng B.52 trên chiến trường Việt Nam như là một con át chủ bài khi họ cảm thấy sắp sửa thua cuộc.

Theo chiến thuật của SAC (Bộ Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ) trong chiến dịch Linebacker thì đội hình B.52 được bố trí theo tốp 3 chiếc hình tam giác, 1 chiếc đi đầu, hai chiếc đi sau bay so le cách chiếc đi đầu và cách nhau 2,4 km. Cách bố trí này tạo ra sức hủy diệt rất lớn của bom B.52 khi cả tốp cùng oanh tạc vào một mục tiêu. Tuy nhiên, việc bố trí này lại khiến đối phương phán đoán được hướng của các chiếc còn lại trong tốp sau khi đã phát hiện ra chiếc đi đầu để bố trí tên lửa đất đối không (SAM) tấn công, hoặc kịp trú ẩn trước khi bom của cả tốp B.52 trùm lên mục tiêu. Trước khi ném bom, các hệ thống gây nhiễu được kích hoạt và cả tốp sẽ bẻ một góc 90 độ bỏ chạy sau khi thả bom xong. Do vậy, các đơn vị SAM của ta sau khi phát hiện được vị trí của chiếc B.52 đầu tiên đã theo dõi sát điểm ngoặt 90 độ này, tính toán để phóng lên một tên lửa ngay "điểm chết" này khi chiếc B.52 đầu tiên cũng vừa lao tới.

Trong thời gian này, các hoạt động xuất kích của tốp B.52 luôn phải tuân theo một lộ trình bay cố định. Nếu mục tiêu được lệnh oanh tạc nhiều lần thì các tốp B.52 sẽ lần lượt bay đến mục tiêu theo cùng một hướng, cùng độ cao rồi thả bom. Đây chính là sơ hở chết người của các sĩ quan chỉ huy SAC khiến cho viên đại úy không quân Schneidenman đã phẫn nộ kêu lên trong cuộc họp triển khai chiến dịch Linebacker II (ngày 17.12.1972) rằng: "Rõ ràng là chúng ta đã xuất phát theo những hướng bay, độ cao cố định và điều này không khác gì với cảnh lính Anh ra trận trong Thế chiến I - đi đều, quỳ và bắn theo hàng".

Tuy nhiên, thực tế của chiến dịch Linebacker vẫn diễn ra đúng như kế hoạch của SAC. Tối 18.12.1972, theo kế hoạch, Mỹ sẽ sử dụng các máy bay B.52 từ đảo Guam để tấn công Hà Nội theo 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 4 giờ. Thực hiện kế hoạch này, trong đợt không kích đầu tiên, các máy bay F-111 bay vào miền Bắc ở tầm bay thấp với tốc độ siêu âm để tấn công các sân bay. Các máy bay F-4 bay trước để rải nhiễu kim loại chống ra-đa của ta, tiếp theo là các tốp B.52 rồi hơn 100 chiếc F-4 có nhiệm vụ đánh chặn MiG để bảo vệ B.52. Các tốp B.52 được bố trí bay qua mỗi mục tiêu từ 2 - 3 phút trên cùng một đường bay, cùng một tốc độ và độ cao giống nhau. Khi tốp đầu tiên xâm nhập vùng trời Hà Nội, nhiều tên lửa SAM bắn lên đã không trúng mục tiêu. Đến đêm 20.12, các phi công Mỹ đã ngạc nhiên khi thấy một số máy bay MiG của Bắc Việt Nam chỉ bay lên nhưng không gây rối hoặc tấn công mà không hề biết rằng các phi công MiG chỉ có nhiệm vụ ghi nhận các số liệu về hướng bay, tốc độ và độ cao của các tốp B.52 để báo cáo về cho các trận địa SAM. Mỹ đã mất 6 chiếc B.52 trong đêm đó.

Mục tiêu

Nhiệm vụ chính của các tốp B.52 trong những ngày đầu là tiêu diệt các mục tiêu chiến lược của miền Bắc như sân bay, kho quân sự... Tuy nhiên, đây lại là sai lầm nghiêm trọng với các tướng lĩnh của SAC bởi vì ưu tiên đầu tiên của các trận không kích là phải tiêu diệt được vũ khí phòng không lợi hại của đối phương, sau đó mới tính đến các mục tiêu khác. Sai lầm này đã không được các sĩ quan chỉ huy chiến dịch Linebacker phát hiện ra kể từ đêm 18.12 cho đến 25.12. Đến ngày 26.12, tới khi số B.52 bị bắn hạ đã ở mức không thể chấp nhận được thì SAC mới phát hiện được điều này và điều chỉnh mục tiêu chính của các tốp B.52 là các trận địa SAM của ta. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này quá muộn bởi lúc đó ta cũng đã bố trí lại thế trận, tăng cường các đơn vị pháo cao xạ để bảo vệ bằng được các trận địa tên lửa và các phi công B.52 Mỹ cũng không còn đủ can đảm để bay vào Hà Nội tìm diệt các trận địa SAM.

Kinh nghiệm chiến trường

Trong đội hình oanh kích của B.52 luôn có các máy bay F-4 đi kèm với nhiệm vụ vừa bảo vệ B.52 vừa rải nhiễu kim loại tạo thành một hành lang bảo vệ B.52. Việc gây nhiễu này về mặt lý thuyết sẽ gây khó khăn cho sự phát hiện của ra-đa và tìm diệt của SAM. Tuy nhiên, nếu ra-đa phát hiện được hành lang nhiễu do F-4 thì điều này chẳng khác gì chuyện "lạy ông tôi ở bụi này" bởi các đơn vị tên lửa mặt đất của ta sẽ chỉ có việc tính toán sao để nhằm cho chính xác mục tiêu mà thôi. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp hành lang nhiễu của F-4 đã bị gió miền Bắc thay đổi hướng nên không còn tác dụng. Trong 12 ngày đêm không kích Hà Nội, Hải Phòng, người Mỹ đã sử dụng hai loại B.52 mới nhất là B.52G và B.52D. Đây là hai loại máy bay có các hệ thống gây nhiễu (ECM) đã từng đối phó hữu hiệu với các loại SAM trước kia của Liên Xô. Tuy nhiên, các kỹ sư của Boeing đã không hề biết rằng hệ thống gây nhiễu của 2 loại B.52 tại thời điểm đó đã lạc hậu, các kỹ sư Liên Xô đã phát hiện ra bí mật trong hệ thống ECM của B.52 nên tên lửa phòng không cũng đã được cải tiến để có thể tìm diệt B.52 dễ dàng hơn. Đồng thời, hệ thống ECM của B.52 khi được kích hoạt sẽ buộc máy bay phải bay gần như theo đường thẳng với độ nghiêng cánh hạn chế từ 15 - 20 độ cho nên không gây ra nhiều khó khăn cho việc tấn công của tên lửa. Ngoài ra, SAC còn có một quy định rất chặt chẽ là các máy bay B.52 phải luôn bay theo đội hình quy định trong mọi tình huống, nếu tốp phi công nào vi phạm sẽ bị đưa ra tòa án binh. Do vậy, khi một chiếc B.52 trong đội hình bị trúng tên lửa thì trận địa SAM mặt đất vẫn có thể tìm diệt được những những chiếc còn lại.

Sau này, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ còn phân tích, mổ xẻ để tìm ra rất nhiều sai lầm của Mỹ trong chiến dịch Linebacker II. Tuy nhiên, có một điều mà ít người thừa nhận, đó là không ít phi công B.52 đã tìm cách thoái thác nhiệm vụ vì lý do sức khỏe, từ chối xuất kích hoặc tìm lý do để không tiếp cận, oanh kích mục tiêu trong chiến dịch lịch sử này.

Theo TNO*



 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top