• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Bí mật bất ngờ của thành công – từ bi với bản thân

rubi_mos2002

New member
Xu
0
Từ bi với bản thân là gì?

Kristin Neff, nhà nghiên cứu ở University of Texas là người tiên phong xem lòng từ bi với bản thân như một công cụ để thúc đẩy sự chữa lành về mặt tâm lý, hạnh phúc và những mối quan hệ tốt hơn. Bà đối chiếu lòng từ bi với bản thân (self-compassion) với lòng tự trọng (self-esteem) là nó không đòi hỏi chúng ta nâng bản thân mình lên trên người khác và cạnh tranh với họ. Trong khi lòng tự trọng cao nhìn chung dựa trên bằng chứng về thành tựu ưu việt, thì lòng từ bi với bản thân là một phẩm chất cá nhân, ở đó chúng ta đánh giá cao bản thân và đối xử tử tế với bản thân chỉ vì chúng ta là con người. Và thái độ quan tâm này đối với bản thân giúp chúng ta nhận ra điểm tương đồng và sự kết nối của chúng ta với những người khác, những người chia sẻ với chúng ta những khát vọng chung và những nguyên nhân của đau khổ.

Lòng từ bi với bản thân không làm chúng ta yếu đuối, mà đúng hơn là một chiến lược đương đầu học được mà nghiên cứu cho thấy có thể làm giảm lo lắng và làm tăng khả năng phục hồi sau thất bại. Nó không đòi hỏi chúng ta phủ nhận hoặc kìm nén những khía cạnh tiêu cực trong kinh nghiệm của chúng ta. Trong thực tế, một phần của sự định nghĩa của Neff về từ bi với bản thân đó là sự chú tâm – hoặc một sự cân bằng trong ý thức về tất cả những khía cạnh trong kinh nghiệm của chúng ta, mà không phản ứng quá mức với chúng. Bản chất của từ bi với bản thân là thừa nhận nỗi đau cảm xúc của riêng chúng ta và sau đó an ủi bản thân bằng cách tạo ra những cảm xúc ấm áp, dịu dàng và quan tâm bản thân và với những sinh thể sống đang đau khổ.

Trẻ em phát triển lòng từ bi với bản thân như thế nào?

Lòng từ bi với bản thân là một kỹ năng có thể học được và cải thiện thông qua học hỏi. Trẻ em học bằng cách quan sát người chăm sóc, đặc biệt là bố mẹ, phản ứng với chúng. Nếu chúng bị phạt vì bộc lộ sự tức giận hoặc buồn bã, chúng hiểu rằng những cảm xúc đó là xấu hoặc nguy hiểm. Nếu những chia sẻ của chúng về những sự thất vọng hoặc sự từ chối của cuộc sống đem lại sự chỉ trích hoặc xem thường, chúng trở nên chỉ trích và khinh thường bản thân chúng.

Trẻ em có bố mẹ chỉ trích, bỏ bê hoặc từ chối dán những cái nhãn tiêu cực lên bản thân chúng khi chúng ít thành công. Ngược lại, những trẻ may mắn có bố mẹ quan tâm học được thông qua kinh nghiệm được quan tâm, làm sao để quan tâm đến bản thân chúng khi chúng buồn hoặc thất vọng với cuộc sống. Nghiên cứu cho thấy những trẻ có sự gắn bó an toàn thì từ bi với bản thân hơn những trẻ có kiểu gắn bó lo lắng. Yếu tố văn hóa cũng đóng một vai trò. Nếu văn hóa nhấn mạnh nỗi sợ bị phạt như một nền tảng cho sự học hỏi, thì mức độ từ bi với bản thân sẽ thấp hơn.
Những lợi ích của lòng từ bi với bản thân là gì?

Nghiên cứu của Neff và cộng sự cho thấy lòng từ bi với bản thân làm giảm lo lắng trong những tình huống như khi bạn được hỏi về những điểm yếu của bạn trong một cuộc phỏng vấn xin việc. Lòng từ bi với bản thân cũng liên quan đến mức độ thỏa mãn cao hơn và nhất quán hơn. Khi những đánh giá về bản thân không phụ thuộc vào bằng chứng của thành tựu thì chúng ta cảm thấy thoải mái hơn và tốt hơn với cuộc sống của chúng ta. Lòng từ bi với bản thân cũng đi cùng với tính tò mò và khám phá. Khi chúng ta không trừng phạt bản thân vì thất bại, chúng ta được tự do hơn để thử những điều mới lạ và mắc sai lầm như một phần tất yếu của sự học hỏi và trưởng thành. Khi mắc sai lầm không phải là tận thế, chúng ta thoải mái hơn để đối mặt với những sai lầm của mình, học những kỹ năng mới và sửa lỗi, hơn là che giấu chúng trong nỗi xấu hổ.

Lòng từ bi với bản thân có thể giúp tôi khỏe mạnh hơn?

Một nghiên cứu năm 2007 của Neff và cộng sự cho rằng từ bi với bản thân có thể là một công cụ quan trọng để kiểm soát cân nặng và vượt qua bệnh ăn uống theo tâm trạng. Những sinh viên được phát bánh rán để ăn và một nửa số sinh viên được phân ngẫu nhiên để nghe một câu nói yêu thương từ thực nghiệm viên, như ‘Đừng trừng phạt bản thân vì đã ăn những món đó.’ Một nửa còn lại nhận bánh mà không có câu nói nào. Ngày hôm sau, khi được cho cơ hội ăn kẹo, những người được nghe câu nói yêu thương ngày hôm trước đã ăn ít hơn. Như vậy, lòng từ bi với bản thân có thể giúp ngăn ngừa việc ăn uống theo tâm trạng do tác động của việc cảm thấy tồi tệ vì đã phá vỡ quy tắc ăn kiêng.

Tóm lại

Lòng từ bi với bản thân có vẻ đem lại nhiều lợi ích. Khi chúng ta đối xử tử tế với bản thân, chúng ta học cách mở lòng mình với mọi kinh nghiệm, kể cả những cảm xúc của chúng ta. Chúng ta cũng trở nên chấp nhận người khác hơn khi chúng ta tập trung vào lòng nhân đạo của chúng ta.


Nguồn
The Surprising Secret to Success—Be Kind to Yourself
Is Self-Compassion the Key to a Wiser, Happier Me?
Published on February 8, 2012 by Melanie A. Greenberg, Ph.D. in The Mindful Self-Express
Psychologytoday

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top